Xẹp Đốt Sống D12 Do Đâu? Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Xẹp đốt sống D12 là tình trạng gãy lún thân đốt sống ngực T12. Điều này thường liên quan đến loãng xương nghiêm trọng, chấn thương và khối u phát triển trong xương. Bệnh gây đau đớn, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động. Những trường hợp chèn ép tủy có thể tăng nguy cơ bại liệt.

Xẹp đốt sống D12
Xẹp đốt sống D12 là tình trạng thân đốt sống ngực T12 bị gãy lún

Xẹp đốt sống D12 là gì?

Xẹp đốt sống D12 là thuật ngữ y tế được dùng để chỉ tình trạng gãy lún thân đốt sống ngực T12. Đây là đốt sống cuối cùng của đoạn đốt sống ngực, nối đốt sống L1 (đoạn thắt lưng trên) bằng một đĩa đệm. So với những đốt sống còn lại, đốt sống D12 (T12) có kích thước lớn hơn.

Đốt sống D12 gãy xẹp làm mất vững cột sống, bệnh nhân đau đớn và khó vận động. Những trường hợp nặng còn có chèn ép thần kinh/ tủy sống dẫn đến tê bì và tăng nguy cơ bại liệt.

Bệnh xảy ra khi có lực tác động mạnh hoặc xương mỏng và yếu hình thành các vết nứt gãy trên xương. Từ đó dẫn đến hiện tượng lún xẹp và giảm chiều cao thân đốt sống. Xẹp đốt sống D12 thường là hậu quả của loãng xương nặng, chấn thương cột sống và khối u phát triển trong xương.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân được hướng dẫn điều trị bảo tồn (gồm dùng thuốc, nghỉ ngơi, mang nẹp…) hoặc xâm lấn. Điều trị sớm và tích cực có thể tăng khả năng phục hồi.

Dấu hiệu nhận biết xẹp đốt sống D12

Bệnh nhân bị xẹp đốt sống D12 thường gặp những triệu chứng dưới đây:

  • Đau lưng
    • Cơn đau âm ỉ kéo dài, tăng dần mức độ theo thời gian
    • Sờ hoặc ấn vào đốt sống D12 thấy đau nhói như điện giật, đau tăng nhanh và sâu bên trong
    • Cơn đau tăng dần sau khi bê vật nặng hoặc một chấn thương nhẹ
    • Đau lưng khi thay đổi tư thế
    • Đau tăng lên khi tăng áp lực lên cột sống (như nâng vật), uốn cong lưng, đi bộ, đứng lâu
    • Đau giảm khi nằm nghỉ ngơi
  • Hạn chế phạm vi vận động, bệnh nhân khó vặn người hoặc cúi xuống
  • Giảm khả năng vận động và tính linh hoạt
  • Biến dạng ở cột sống như vẹo hoặc gù cột sống
  • Giảm chiều cao nhưng không đáng kể (do chỉ một đốt sống bị hỏng)
  • Chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống dẫn đến tê bì, châm chích, yếu chi, rối loạn cơ tròn…
Đau lưng
Đau lưng với mức độ đau tăng dần theo thời gian, nhói sâu khi ấn là dấu hiệu xẹp đốt sống D12

Nguyên nhân gây xẹp đốt sống D12

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị xẹp đốt sống D12. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Chấn thương

Xẹp đốt sống D12 thường liên quan đến chấn thương cột sống. Tình trạng gãy xẹp thường xảy ra sau một cú va chạm mạnh, té ngã hoặc tai nạn nghiêm trọng. Khi có áp lực mạnh, đốt sống D12 bị đè nén dẫn đến nứt, vỡ và xẹp lún.

Gãy xẹp đốt sống do chấn thương thường gây đau nhức đột ngột hoặc đau nhẹ và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian. Đau thường kèm theo tình trạng mất vững cột sống.

  • Loãng xương

Đốt sống D12 bị gãy xẹp thường là hậu quả của bệnh loãng xương nghiêm trọng. Khi mật độ xương (chất lượng xương suy giảm), các xương có xu hướng mỏng dần, suy giảm khả năng chịu tải và dễ gãy khi có va chạm.

Gãy xẹp đốt sống do loãng xương thường gặp ở những người trên 50 tuổi và phụ nữ mãn kinh, đặc biệt là những người có chế độ ăn uống không đủ hàm lượng canxi cần thiết.

  • Khối u

Sự phát triển của một khối u trong xương (do u xương nguyên phát hoặc ung thư di căn xương) có thể ảnh hưởng đến độ vững chắc của cột sống, xương mỏng dần và tăng nguy cơ xẹp đốt sống D12.

Tế bào ung thư khiến xương yếu, mất mật độ khoáng xương. Chính vì thế mà những xương liên quan có thể gãy ngay cả khi chỉ va chạm nhẹ.

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ xẹp đốt sống D12 thường tăng cao bởi những yếu tố dưới đây:

  • Phụ nữ trên 50 tuổi
  • Mãn kinh sớm
  • Thừa cân béo phì
  • Chế độ ăn uống thiếu chất, đặc biệt là canxi
  • Có bệnh xương khớp mãn tính như viêm khớp, thoái hóa cột sống…
  • Một số tình trạng y tế như suy thận mạn, bệnh cường giáp, suy buồng trứng sớm
  • Hút thuốc lá làm tăng tốc độ lão hóa xương khớp, thải trừ canxi, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xẹp đốt sống
  • Một số thuốc gây loãng xương, chẳng hạn như corticosteroid.
Sử dụng corticosteroid có thể tăng nguy cơ loãng xương và gãy xẹp đốt sống D12
Sử dụng corticosteroid dài ngày có thể tăng nguy cơ loãng xương và gãy xẹp đốt sống D12

Xẹp đốt sống D12 có nguy hiểm không?

Xẹp đốt sống D12 ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều mức độ khác nhau. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị gãy xẹp đốt sống ở mức độ nhẹ dẫn đến đau lưng giai đoạn cấp. Tình trạng này thuyên giảm nhanh khi dùng thuốc kết hợp nghỉ ngơi hoặc hồi phục hồi theo thời gian mà không cần những phương pháp can thiệp.

Tuy nhiên những trường hợp tổn thương nặng có thể nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chúng thường bao gồm:

  • Tăng số lượng đốt sống gãy xẹp
  • Đau lưng dữ dội, giảm hoặc mất dần khả năng vận động
  • Giảm chiều cao và gù lưng (tùy thuộc vào mức độ lún xẹp đốt sống)
  • Ảnh hưởng đến tim mạch và hệ hô hấp do chèn ép ổ bụng
  • Hẹp ống sống
  • Mất vững cột sống
  • Chèn ép, tổn thương dây thần kinh hoặc/ và tủy sống dẫn đến:
    • Rối loạn chức năng ruột và bàng quang
    • Yếu chi
    • Bại liệt

Chính vì thế, người bệnh cần sớm thăm khám và xét nghiệm hình ảnh để có đánh giá chính xác. Từ đó có phương pháp điều trị thích hợp, tránh gãy xẹp đốt sống gây biến chứng nghiêm trọng.

Chẩn đoán xẹp đốt sống D12

Bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, chấn thương trong quá trình thăm khám. Điều này giúp kiểm tra vị trí và mức độ tổn thương đốt sống. Ngoài ra người bệnh cần thực hiện một số thử nghiệm để đánh giá khả năng vận động và phạm vi, xác định gãy xẹp đốt sống có chèn ép dây thần kinh hay không.

Để xác định chẩn đoán, người bệnh còn được chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh. Dưới đây là những chỉ định phổ biến:

  • Đo loãng xương: Nếu nghi ngờ xẹp đốt sống D12 do loãng xương, bệnh nhân được đo mật độ xương để đánh giá tình trạng. Kỹ thuật này giúp đo mật độ khoáng xương, chẩn đoán và đánh giá mức độ loãng xương. Bệnh được xác định loãng xương khi mật độ khoáng xương của bệnh nhân ≤ -2,5 so với mật độ xương của người trưởng thành khỏe mạnh (T-Score).
  • Chụp X-quang: Tia X tạo ra hình ảnh của cột sống và đốt sống D12. Điều này giúp đánh giá mức độ lún xẹp/ giảm chiều cao thân đốt sống, biến dạng và thoái hóa cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT tạo ra hình ảnh chi tiết về đốt sống D12. Điều này giúp kiểm tra mức độ xẹp, lún hay phát hiện những mảnh rời từ đốt sống gãy.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh cột sống từ MRI có thể giúp phát hiện nguyên nhân gây gãy xẹp đốt sống. Chẳng hạn như loãng xương, lao cột sống, u xương hoặc một số bệnh lý ác tính khác. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp xác định đốt sống xẹp cũ hay xẹp mới, có chèn ép thần kinh và tủy sống hay không.
Chẩn đoán xác định xẹp đốt sống D12 bằng xét nghiệm hình ảnh
Chẩn đoán xẹp đốt sống D12 và đánh giá mức độ tổn thương bằng xét nghiệm hình ảnh

Điều trị xẹp đốt sống D12

Điều trị xẹp đốt sống D12 dựa vào mức độ lún xẹp, nguyên nhân và những tổn thương đi kèm. Những trường hợp nhẹ có thể được điều trị nội khoa như nghỉ ngơi, dùng thuốc. Những trường hợp nặng được điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật cố định cột sống hoặc bơm xi măng.

1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được áp dụng cho bệnh nhân bị xẹp đốt sống D12 mức độ nhẹ, mới phát, không kèm theo tổn thương thần kinh. Những phương pháp thường được hướng dẫn gồm:

  • Nằm nghỉ trên giường

Bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi trên giường từ 6 đến 8 tuần. Trong thời gian này, người bệnh có thể thực hiện các chuyển động nhẹ nhàng và mang đai cột sống. Tránh thực hiện những vận động nặng.

Nghỉ ngơi giúp người bệnh giảm nhẹ cảm giác đau nhức, tạo điều kiện cho đốt sống D12 thư giãn và phục hồi. Đồng thời hạn chế những hoạt động gây tổn thương hoặc đau thêm.

  • Dùng thuốc

Thuốc trị xẹp đốt sống được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được dùng các thuốc giảm đau và điều trị loãng xương phù hợp.

    • Acetaminophen: Những trường hợp có cơn đau nhẹ hoặc vừa được hướng dẫn dùng Acetaminophen với liều tối đa 500mg/ lần x 2 lần/ ngày. Thuốc này có tác dụng hạ sốt và giảm đau hiệu quả.
    • NSAID: NSAID (thuốc chống viêm không steroid) được dùng cho những trường hợp bị xẹp đốt sống D12 có cơn đau vừa. Thuốc có tác dụng trị viêm, giảm đau, hạ sốt (không đặc hiệu) và chống kết tập tiểu cầu. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được dùng NSAID không kê đơn hoặc NSAID kê đơn và có chọn lọc. Tuân thủ liều dùng để tránh tác dụng phụ.
    • Thuốc giãn cơ: Thuốc này được dùng khi gãy xẹp đốt sống do chấn thương kèm theo cảm giác co thắt. Thuốc có tác dụng giảm đau, giảm co thắt và cứng cơ.
    • Thuốc chống loãng xương: Nếu xẹp đốt sống D12, bệnh nhân được dùng thuốc chống loãng xương để kiểm soát. Dựa trên mức độ loãng xương, người bệnh có thể được dùng Calcitonine, Biphosphonate (thuốc ức chế hủy cốt bào) hoặc/ và thuốc chứa canxi. Những loại thuốc này giúp làm chậm hoặc ngăn quá trình hủy xương, tăng mật độ khoáng xương. Từ đó cải thiện chất lượng xương và tăng tốc độ hồi phục đốt sống.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát cơn đau và điều trị nguyên nhân bệnh lý
  • Dùng áo nẹp cố định cột sống

Trong thời gian nghỉ ngơi, bệnh nhân được dùng áo nẹp cố định cột sống. Thiết bị này giúp cố định và ổn định cột sống, hỗ trợ lưng, giúp đốt sống lành lại và giảm đau. Ngoài ra việc sử dụng áo nẹp còn giúp ngăn tổn thương tiến triển.

  • Tập vận động

Trong quá trình điều trị xẹp đốt sống D12, người bệnh được hướng dẫn nghỉ ngơi và cử động nhẹ nhàng, tránh những vận động mạnh. Sau 6 – 8 tuần, bệnh nhân có thể tập vận động với chuyên gia vật lý trị liệu.

Những bài tập có tác dụng phục hồi chức năng vận động, giảm đau, tăng phạm vi chuyển động và sức mạnh. Điều này giúp người bệnh sớm trở lại thể thao và hoạt động sinh hoạt bình thường.

2. Can thiệp ngoại khoa

Bệnh nhân được can thiệp ngoại khoa khi:

  • Đốt sống D12 bị vỡ hoặc gãy xẹp nghiêm trọng
  • Mất vững cột sống
  • Tổn thương thần kinh kèm theo
  • Đau nhức từ trung bình đến nặng, đau kéo dài trên 2 tháng, điều trị bảo tồn không hiệu quả.

Tùy thuộc vào tình trạng, xẹp đốt sống D12 được điều trị bằng những phương pháp sau:

  • Tạo hình thân đốt sống

Bệnh nhân được tạo hình thân đốt sống bằng cách bơm xi măng sinh học qua da. Phương pháp này phù hợp với bệnh nhân điều trị nội khoa không giảm, thân đốt sống xẹp dưới 75%, không kèm theo tổn thương thần kinh.

Tạo hình thân đốt sống giúp phục hồi chức năng và cấu trúc của đốt sống, làm vững cột sống, hạn chế đau và tổn thương trong tương lai. Trong thủ thuật này, bác sĩ dùng kim tiêm tiếp cận đốt sống hỏng, sau đó bơm xi măng với lượng thích hợp. Sau 10 phút, xi măng đông cứng giúp hồi phục thân đốt sống.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dùng kỹ thuật Kyphoplasty. Trong thủ thuật này, một ống dài nhỏ được đưa vào trong (qua vết cắt nhỏ) để đặt ống thông vào đốt sống. Sau đó bơm căng quả bóng giúp tạo một khoang nhỏ. Khoang này được lắp đầy bằng xi măng sinh học. Khi xi măng đông cứng, đốt sống D12 có thể được tạo hình.

Tạo hình thân đốt sống bằng cách bơm xi măng sinh học qua da
Bệnh nhân có thân đốt sống xẹp dưới 75% được tạo hình đốt sống bằng cách bơm xi măng sinh học
  • Phẫu thuật cố định cột sống

Phẫu thuật cố định cột sống được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy xẹp đốt sống nặng dẫn đến biến dạng cột sống, có chèn ép hoặc tổn thương thần kinh kèm theo. Thông thường bệnh nhân được hợp nhất đốt sống và giải nén thần kinh bị chèn ép. Phương pháp này giúp làm vững cột sống, hạn chế tổn thương dây thần kinh và ngăn đau.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được mang nẹp và nghỉ ngơi. Khi vết thương lành (sau khoảng 1 – 3 tuần), người bệnh được tập trị liệu phục hồi chức năng tích cực. Điều này giúp phục hồi khả năng vận động, tăng sức mạnh và tính linh hoạt cho cột sống. Thông thường người bệnh có thể trở lại các hoạt động sau 6 – 12 tháng.

Phòng ngừa xẹp đốt sống D12

Sinh hoạt hợp lý, thận trọng trong hoạt động, luyện tập và ăn uống khoa học có thể giúp giảm nguy cơ xẹp đốt sống D12. Cụ thể:

  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường độ dẻo dai và sức khỏe xương khớp. Đồng thời tăng cường tính linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Khởi động trước khi hoạt động thể chất.
  • Tránh té ngã, va đập hoặc tai nạn xe.
  • Nâng vật và chơi thể thao đúng kỹ thuật. Tránh những tư thế xấu.
  • Không gắng sức trong các hoạt động, không vận động quá mạnh.
  • Tăng dần cường độ luyện tập theo thời gian, không đột ngột.
  • Không đột ngột cúi gập người hoặc vặn cột sống.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá, đặc biệt là những người có nguy cơ loãng xương.
  • Những thuốc có khả năng gây loãng xương cần được sử dụng với liều khuyến cáo của bác sĩ.
  • Kiểm soát cân nặng. Tránh trọng lượng dư thừa khiến cột sống chịu nhiều áp lực, tăng nguy cơ xẹp đốt sống D12.
  • Điều trị tích cực những bệnh lý gây xẹp đốt sống D12, chẳng hạn như loãng xương.
  • Khám sức khỏe xương khớp định kỳ để sớm phát hiện các bất thường.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng. Nên tăng cường bổ sung vitamin D, canxi và magie từ thực phẩm lành mạnh (như sữa, sữa chua, rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc, trứng, tôm, nấm…) để tăng mật độ khoáng xương. Từ đó giúp cải thiện chất lượng xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xẹp đốt sống.
Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, chứa nhiều canxi và vitamin D
Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và giàu canxi để tăng chất lượng xương, giảm nguy cơ xẹp đốt sống D12

Xẹp đốt sống D12 thường được điều trị tốt bằng các phương pháp nội khoa. Một số trường hợp cần tái tạo đốt sống hoặc phẫu thuật hợp nhất cột sống. Những trường hợp không điều trị tích cực có thể gặp biến chứng nặng, làm ảnh hưởng đến chức năng vận động. Do đó, người bệnh cần khám chữa trị ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua