Lao cột sống (mục xương sống): Cách chẩn đoán, điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Lao cột sống là bệnh truyền nhiễm xảy ra ở cột sống. Bệnh do vi khuẩn lao phát triển và lan rộng từ những cơ quan khác. Mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh có mức độ nguy hiểm cao, dễ gây biến chứng liệt chi dưới và dị dạng cột sống. Để điều trị bệnh nhân cần sử dụng thuốc kháng lao kết hợp điều trị triệu chứng và phẫu thuật khi cần thiết.

Lao cột sống (mục xương sống)
Thông tin cơ bản về bệnh lao cột sống (mục xương sống), nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và hướng điều trị

Lao cột sống là gì?

Lao cột sống (mục xương sống) là một tình trạng tổn thương ở vùng cột sống do vi khuẩn lao lây lan từ các cơ quan lân cận, thường gặp nhất là phổi. Trong đó vùng thắt lưng trên của cột sống và vùng đốt sống ngực dưới là hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất.

Vi khuẩn lao xâm nhập làm phát sinh một loại viêm khớp do lao xảy ra ở các khớp đĩa đệm. Tình trạng nhiễm trùng có thể bắt đầu từ hai đốt sống liền kề sau đó lây lan vào khoang đĩa đệm liền kề.

Thông thường đĩa đệm có thể hoạt động bình thường nếu chỉ có một đốt sống bị bệnh. Tuy nhiên lao cột sống thường phát triển ở hai đốt sống, khiến đĩa đệm gặp vấn đề và bị vô mạch. Ngoài ra bệnh còn khiến đĩa đệm xẹp xuống do không nhận đủ chất dinh dưỡng. Tình trạng này tiến triển lâu ngày dẫn đến hoại tử mô đệm.

Hoại tử mô đệm khiến mô đệm chết đi và gây hẹp đốt sống. Điều này dẫn đến tổn thương cột sống và xẹp đốt sống. Lúc này những khối mô mềm khô sẽ hình thành nhưng ít khi kèm theo tình trạng bội nhiễm.

Đối với những trường hợp nặng, tình trạng nhiễm trùng có thể nhanh chóng lây lan từ một hoặc nhiều đốt sống thắt lưng đến cơ psoas (cơ thắt lưng) và dẫn đến áp xe.

Nguyên nhân gây lao cột sống

Bệnh lao cột sống xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này xâm nhập vào hệ tiêu hóa và phổi gây lao phổi. Khi không được kiểm soát Mycobacterium tuberculosis theo hạch bạch huyết hoặc theo máu đến những cơ quan khác, trong đó có hệ thống cơ xương khớp. Điều này dẫn đến lao cột sống và gây ra nhiều biến chứng nặng nề khác.

Bệnh Lao cột sống xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis
Bệnh lao cột sống xảy ra do vi khuẩn lao lan rộng từ phổi và gây tổn thương vùng cột sống

Đối tượng nguy cơ của bệnh lao cột sống

Những nhóm đối tượng dưới đây thường có nguy cơ cao mắc bệnh lao cột sống, bao gồm:

  • Bệnh xảy ra ở nam giới phổ biến hơn so với phụ nữ. Tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ 2:1
  • Bệnh nhân bị HIV
  • Những người bị suy giảm hệ miễn dịch do các bệnh mãn tính hoặc do sử dụng thuốc (thuốc điều trị ung thư, thuốc corticoid)
  • Tiếp xúc với người mắc bệnh lao
  • Có tiền sử mắc bệnh lao phổi hoặc lao xương trước đó.

Đường lây truyền bệnh lao cột sống

Vi khuẩn gây lao cộng sống có khả năng lây truyền qua ba con đường sau:

  • Lây truyền khi tiếp xúc với người bị lao
  • Lây truyền vi khuẩn thông qua những tổn thương ngoài da
  • Lây truyền từ mẹ sang con.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết lao cột sống

Bệnh lao cột sống thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng đặc hiệu trong giai đoạn sớm. Điều này khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc sớm phát hiện và điều trị bệnh.

Khi bệnh phát triển, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng sau:

1. Triệu chứng tại chỗ

  • Đau ở vùng cột sống bị tổn thương: Bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ tại khu vực có cột sống bị tổn thương, đau nhiều hơn khi bệnh tiến triển hoặc tăng dần mức độ đau vào buổi chiều tối.
  • Đau kèm co giật: Đối với trường hợp nặng, cột sống thắt lưng bị phá hủy nghiêm trọng và chèn ép dây thần kinh, bệnh nhân thường bị đau dữ dội kèm theo biểu hiện co giật một hoặc hai chân. Cơn đau thường có xu hướng lan theo rễ dây thần kinh bị chèn ép.
  • Teo cơ: Cơn đau làm hạn chế khả năng vận động, lâu ngày dẫn đến teo cơ ở hai chi dưới. Ngoài ra nếu không được kiểm soát bệnh nhân có thể bị liệt vận động hai chân. Triệu chứng này thường xảy ra do tủy sống bị chèn ép.
  • Áp xe: Bệnh lao cộng sống gây áp xe. Khi áp xe lớn và chui qua dây chằng bẹn, người bệnh có biểu hiện phồng lên trong ổ bụng dưới. Áp xe có thể chui xuống đùi và tiến triển ở dạng áp xe hình nút áo. Nếu không kiểm soát bệnh nhân có thể bị áp xe xa. Lúc này áp xe thường xuất hiện sau vùng mông, mặt ngoài đùi, vùng u tọa và vùng tam giác Petit trên màng chậu sau với kích thước lớn.
  • Rối loạn biến dưỡng da, lông, móng: Rễ dây thần kinh bị chèn ép do lao dẫn đến rối loạn biến dưỡng da, lông, móng.
  • Dị tật cột sống: Phần lớn bệnh nhân đều bị lao cột sống bị biến dạng cột sống. Mức độ biến dạng nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào sự phá hủy cột sống của vi khuẩn lao.
Đau ở vùng cột sống bị tổn thương
Đau ở vùng cột sống bị tổn thương kèm theo co giật chân, áp xe, teo cơ… là những biểu hiện của bệnh lao cột sống

2. Triệu chứng do lao cột sống cổ

  • Suy giảm thần kinh
  • Đau cổ lan lên đầu, xuống vai và hai tay
  • Vẹo cổ, cứng cổ
  • Áp xe hầu họng
  • Nói lắp, khó nuốt
  • Liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.

3. Dấu hiệu thần kinh

Bệnh nhân bị lao cột sống ngực thấp có thể bị liệt vận động tứ chi. Một số dấu hiệu thần kinh khác gồm:

4. Triệu chứng toàn thân

Những triệu chứng toàn thân có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh. Cụ thể:

  • Sốt nhẹ, thường xảy ra vào chiều
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Cơ thể ốm yếu
  • Sụt cân
  • Thường xuyên đổ mồ hôi đêm.

Mức độ nguy hiểm của bệnh lao cột sống

Trong trường hợp không được kiểm soát sớm, bệnh lao cột sống sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến những cơn đau mãn tính
  • Biến dạng cột sống, gù cột sống do cột sống bị phá hủy
  • Tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt lao ở cột sống cổ
  • Áp xe hầu họng khiến bệnh nhân khàn tiếng, ăn uống khó khăn
  • Suy hô hấp khi khung xương chậu bị ảnh hưởng
  • Hình thành xoang
  • Nén tủy sống
  • Liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
Biến dạng cốt sống, gù cột sống
Bệnh lao cột sống gây biến dạng cột sống, gù cột sống, áp xe hầu họng, liệt nửa người hoặc liệt tứ chi…

Bệnh lao cột sống được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh lao cột sống được chẩn đoán thông qua những biện pháp sau:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Đầu tiên bệnh nhân sẽ được kiểm tra tiền sử mắc bệnh, kiểm tra triệu chứng và khám sức khỏe tổng thể.

  • Kiểm tra tiền sử mắc bệnh
    • Bệnh lao phổi
    • Lao lây lan đến hệ tiêu hóa
    • Lao cột sống
    • Bệnh HIV hoặc các bệnh mãn tính gây suy giảm hệ miễn dịch.
  • Kiểm tra triệu chứng
    • Kiểm tra biểu hiện đau ở vị trí bị tổn thương
    • Chọc hút mủ kiểm tra áp xe
    • Kiểm tra triệu chứng toàn thân
    • Kiểm tra biểu hiện teo cơ và khả năng vận động của bệnh nhân.
  • Kiểm tra sức khỏe tổng thể
    • Kiểm tra biến dạng kyphotic
    • Kiểm tra thiếu hụt thần kinh
      • Sự bất ổn định cơ học diễn ra do tình trạng trật khớp hoặc sự phân hóa
      • Kiểm tra áp lực cơ học lên dây thần kinh và tủy sống do mảnh vụn lao, áp xe, mô hạt, mô vỏ
      • Liệt nửa người
      • Hẹp ống sống, xẹp đốt sống.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Những kỹ thuật dưới đây sẽ được chỉ định khi có nghi ngờ bị lao cột sống:

  • Chụp X-quang cột sống

Chụp X-quang cột sống cho phép bác sĩ kiểm tra những vấn đề bất thường ở cột sống và chẩn đoán xác định, cụ thể:

    • Nhiễm trùng sớm: Nhận thấy những bất thường ở không gian đĩa đệm và thân đốt sống từ hình ảnh chụp X-quang cột sống. Từ đó phân biệt với tình trạng nhiễm trùng mủ.
    • Nhiễm trùng muộn: Hình ảnh X-quang cột sống cho thấy sự phá hủy không gian đĩa đệm, biến dạng xương, độ trong và sự đè nén của thân đốt sống.
    • Tìm kiếm dấu hiệu xẹp lún cột sống, xơ cứng phản ứng, bóng đĩa đệm Fusiform (biểu hiện của áp xe), tổn thương xương ở nhiều cấp độ.
Chụp X-quang cột sống
Chụp X-quang cột sống giúp kiểm tra những vấn đề bất thường ở cột sống và chẩn đoán xác định
  • Chụp cắt lớp vi tính CT

Chụp cắt lớp vi tính CT giúp phát hiện những tổn thương tốt hơn so với hình ảnh X-quang. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp phát hiện những loại phá hủy ở cột sống. Cụ thể như tình trạng tẩy xương, xương tổn thương kiểu rời rạc, xơ cứng…

  • Chụp cộng hưởng từ với độ tương phản gadolinium

Chụp cộng hưởng từ với độ tương phản gadolinium cho phép bác sĩ kiểm tra những bất thường ở các mô, đĩa đệm và đốt sống. Từ đó giúp phát hiện tình trạng hủy xương, hoại tử xương, hẹp khe khớp. Đồng thời kiểm tra chèn ép tủy sống, dây thần kinh và áp xe (nếu có).

Đối với bệnh nhân bị lao cột sống, kết quả chụp cộng hưởng từ như sau:

    • Tủy sống teo, phù nề
    • Tính hiệu sáng trên ảnh có trọng số T2
    • Tính hiệu thấp trên ảnh có trọng số T1
    • Bóng mô mềm đốt sống: Độ đặc hiệu 85%, độ nhạy 97%
    • Sự gián đoạn: Độ đặc hiệu 81%, độ nhạy 100%
    • Cường độ tín hiệu cao của đĩa đệm khi quan sát trên hình ảnh có trọng số T2: Độ đặc hiệu 81%, độ nhạy 82%.
  • Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn lao trong cơ thể bằng cách đo công thức máu và đo tốc độ lắng máu.

    •  Công thức máu: Tăng bạch cầu
    • Tốc độ lắng hồng cầu: Trên 100 mm / h
  • Kiểm tra lao da

Có đến 95% trường hợp lao cột sống không nhiễm HIV dương tính với xét nghiệm da Tuberculin.

  • Xét nghiệm phản ứng Mantoux

Dương tính với xét nghiệm phản ứng Mantoux.

  • Sinh thiết

Bệnh nhân bị lao cột sống thường được chỉ định sinh thiết xương dưới sự hướng dẫn của CT kết hợp nhuộm và nuôi cấy. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ nhận dạng vi khuẩn lao nhanh hơn, chẩn đoán phân biệt với các dạng nhiễm trùng khác.

  • Soi vi khuẩn qua tế bào mủ

Chọc hút mủ và kiểm tra bệnh phẩm dưới kính hiển vi.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt bệnh lao cột sống với các nguyên nhân gây nhiễm trùng khác, gồm:

  • Nhiễm nấm
    • Aspergillosis
    • Cryptococcus neoformans
    • Blastomyces dermatitidis
    • Coccidioides Immitis
  • Nhiễm vi khuẩn không điển hình
    • Nocardia
    • Actinomyces israelii
    • Brucella.
  • Nhiễm xoắn khuẩn
    • Treponema pallidum.
Chẩn đoán phân biệt bệnh lao cột sống với các nguyên nhân gây nhiễm trùng khác
Chẩn đoán phân biệt bệnh lao cột sống với các nguyên nhân gây nhiễm trùng khác gồm nấm, xoắn khuẩn…

Phương pháp điều trị lao cộng sống

Nguyên tắc và nguyên tắc điều trị lao cột sống gồm:

1. Nguyên tắc điều trị

  • Sử dụng thuốc làm phương pháp điều trị chính cho các trường hợp.
  • Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp nặng
  • Dùng thuốc kết hợp chế độ sinh hoạt điều trị triệu chứng và khôi phục khả năng vận động.

2. Điều trị không phẫu thuật

Bệnh nhân được sử dụng thuốc hoặc/ và phẫu thuật điều trị lao cột sống.

Sử dụng thuốc

Các thuốc thường được chỉ định trong điều trị lao cộng sống gồm:

  • Thuốc kháng lao: Những loại thuốc kháng lao được chỉ định với mục đích kiểm soát bệnh lý, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Từ đó giúp phòng ngừa vi khuẩn lây lan và phát sinh biến chứng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và thể trạng của mỗi bệnh nhân, thuốc kháng lao có thể được sử dụng ở dạng uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch. Isoniazid và rifampin là hai loại thuốc thường được sử dụng
  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau được chỉ định với mục đích kiểm soát cơn đau, hạn chế đau nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng đi lại của bệnh nhân. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau chống viêm thông thường như Paracetamol, Ibuprofen. Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng những thuốc giảm đau mạnh như thuốc giảm đau gây nghiện.
Thuốc kháng lao
Sử dụng thuốc kháng lao giúp kiểm soát bệnh lý, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh và phòng ngừa biến chứng

Biện pháp chăm sóc

Trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh có thể áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc để kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.

  • Sử dụng nẹp: Sử dụng vòng cổ hoặc nẹp cột sống lưng cho những trường hợp bị tổn thương cột sống. Biện pháp chăm sóc này giúp cố định, làm giảm áp lực và hạn chế nguy cơ gãy xương.
  • Nghỉ ngơi: Trong trường hợp đau nhiều và có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, người bệnh nên nghỉ ngơi để làm dịu cơn đau. Tránh làm việc gắng sức, lao động nặng hoặc làm những công việc làm tăng áp lực lên cột sống.
  • Dùng nhiệt: Cả hai biện pháp dùng nhiệt gồm chườm nóng và chườm lạnh đều có khả năng cải thiện cơn đau. Cụ thể chườm nóng có tác dụng giảm đau, kích thích quá trình tuần hoàn máu, thư giãn các cơ, xương, dây chằng và dây thần kinh bị chèn ép. Chườm lạnh có tác dụng giảm đau, giảm viêm, cải thiện khả năng vận động cho bệnh nhân. Vì thế khi bị đau, người bệnh có thể nghỉ ngơi kết hợp sử dụng nhiệt để cải thiện cơn đau và hạn chế lạm dụng thuốc.
  • Vận động và đi lại nhẹ nhàng tại nhà: Vận động và đi lại nhẹ nhàng giúp phòng ngừa teo cơ và liệt tứ chi. Ngoài ra biện pháp này còn giúp thư giãn xương khớp, giảm đau và cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân. Đồng thời giúp cải thiện sức đề kháng, giảm nguy cơ tái phát.
  • Ăn uống đủ chất: Việc ăn uống đủ chất, bổ sung đủ vitamin và canxi giúp nâng cao sức khỏe xương khớp, giảm nguy cơ phá hủy xương do vi khuẩn lao. Đồng thời giúp ổn định mật độ xương và khả năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra ăn uống đủ chất còn giúp nâng cao sức đề kháng và thể trạng, hỗ trợ kháng lao.
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu giúp điều chỉnh tư thế vận động cho bệnh nhân, giảm đau, hạn chế nguy cơ liệt tứ chi, gù cột sống. Đồng thời giúp tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh cho các khớp. Vật lý trị liệu phù thường được chỉ định sau phẫu thuật hoặc trong thời gian dùng thuốc.

3. Phẫu thuật

Đối với bệnh lao cột sống, phẫu thuật được chỉ định với mục đích cắt bỏ tổn thương xương, dẫn lưu áp xe cột sống và ổn định cột sống. Tuy nhiên phẫu thuật có khả năng gây rủi ro nên không được chỉ định cho tất cả trường hợp.

Thông thường phẫu thuật điều trị lao cột sống được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Cột sống bị phá hủy hoặc có biến dạng xương khớp
  • Bệnh nhân đau nhiều và giảm chức năng vận động do tủy sống và dây thần kinh cột sống bị chèn ép.
  • Áp xe có kích thước lớn
  • Có nguy cơ liệt hai chi dưới hoặc liệt tứ chi
  • Điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có biến dạng xương khớp, đau nhiều và giảm chức năng vận động

Biện pháp phòng ngừa lao cột sống

Những biện pháp được liệt kê dưới đây có thể giúp phòng ngừa bệnh lao cột sống nói riêng và bệnh lao nói chung, bao gồm:

  • Không tiếp xúc gần với người bị nhiễm lao, cần mang khẩu trang để phòng ngừa lây nhiễm.
  • Điều trị và kiểm soát bệnh lao để tránh vi khuẩn lao làm tổn thương cột sống.
  • Dùng thuốc ngăn ngừa lao ở những bệnh nhân dương tính với xét nghiệm PPD nhưng không do lao không hoạt động.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất.
  • Thường xuyên vận động và luyện tập thể dục giúp nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể, tăng sức đề kháng và hạn chế nhiễm vi khuẩn lao.
  • Tránh suy giảm hệ miễn dịch bằng cách kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi và lao động hợp lý.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện và có phương pháp điều trị thích hợp khi bị lao cột sống. Giảm nguy cơ phát sinh biến chứng ở giai đoạn muộn.

Lao cột sống có khả năng gây biến dạng cột sống, liệt tứ chi, liệt nửa người và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Để giảm nguy cơ phát sinh biến chứng, người bệnh nên sớm thăm khám và kiểm soát bệnh lý khi có biểu hiện bất thường. Đồng thời áp dụng đúng các hướng dẫn chăm sóc và phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua