Đo loãng xương khi nào? Ở đâu tốt? Thông tin cần biết

Theo dõi IHR trên goole news

Đo loãng xương là một nhóm các xét nghiệm có tác dụng xác định bệnh loãng xương và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh thông qua mật độ khoáng xương. Ngoài ra các xét nghiệm này còn có tác dụng đánh giá nguy cơ gãy xương trong tương lai, lập phác đồ điều trị phù hợp và theo dõi tiến độ điều trị.

Đo loãng xương
Đo loãng xương là các xét nghiệm có tác dụng kiểm tra lượng khoáng chất và canxi trong xương, chẩn đoán loãng xương

Đo loãng xương là gì?

Loãng xương là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh thể hiện cho tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương khiến mật độ khoáng xương giảm, xương xốp, giòn, dễ tổn thương và có nguy cơ bị gãy.

Loãng xương có diễn tiến âm thầm và thường không phát sinh triệu chứng đặc trưng trong giai đoạn đầu. Hầu hết các trường hợp có biểu hiện lâm sàng khi đã mất trên 30% khối lượng xương, gãy xương hoặc đã có các biến chứng khác. Cụ thể như biến dạng lồng ngực, gù lưng, đau cột sống, giảm khả năng vận động, giảm chiều cao… Vì thế để sớm phát hiện bệnh lý, người bệnh cần tiến hành đo loãng xương.

Đo loãng xương còn được gọi là đo mật độ xương (BMD – Bone Mineral Density). Đây là một nhóm các xét nghiệm có tác dụng kiểm tra hàm lượng khoáng chất và canxi trong xương. Từ đó giúp đánh giá chất lượng xương (mật độ khoáng xương) và xác định bệnh loãng xương (nếu có).

Ngoài ra các xét nghiệm này còn có tác dụng đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, nguy cơ gãy xương trong tương lai. Đồng thời lập phác đồ điều trị phù hợp, theo dõi diễn tiến của bệnh và hiệu quả điều trị.

Tùy thuộc vào vị trí, mật độ xương sẽ có sự thay đổi. Vì thế đo mật độ xương thường được thực hiện ở một hoặc nhiều đoạn xương có khả năng dễ gãy đánh giá mức độ nghiêm trọng nhất của bệnh. Điển hình như:

  • Xương cẳng tay
  • Đoạn xương ở cuối cột sống
  • Xương đùi
  • Ngón tay
  • Phần dưới của cánh tay
  • Gót chân

Tại sao cần đo loãng xương?

Các xét nghiệm đo loãng xương nên được thực hiện để sớm phát hiện tình trạng loãng xương (xương yếu, mỏng, giòn) và tình trạng mất xương (suy giảm khối lượng xương) nếu có. Đồng thời đánh giá mức độ nghiêm trọng, khả năng gãy xương và có hướng điều trị thích hợp. Điều này mang đến hiệu quả cao cho quá trình điều trị sau này, dễ kiểm soát bệnh lý và ngăn ngừa gãy xương hiệu quả.

Ngoài ra người bệnh nên thực hiện các xét nghiệm với mục đích sau:

  • Tầm soát loãng xương ở tuổi cao
  • Dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai
  • Kiểm tra các biến chứng khác (biến dạng lồng ngực, gù lưng, đau cột sống, giảm khả năng vận động, giảm chiều cao..)
  • Kiểm tra tỉ lệ mất xương
  • Theo dõi diễn tiến của bệnh
  • Đánh giá hiệu quả điều trị của các phương pháp. Cân nhắc thay đổi phương pháp điều trị nếu cần thiết
Thực hiện xét nghiệm đo loãng xương để sớm phát hiện bệnh loãng xương
Thực hiện các xét nghiệm đo loãng xương để sớm phát hiện bệnh loãng xương và điều trị với phương pháp thích hợp

Các xét nghiệm chẩn đoán loãng xương

Thông thường, bệnh loãng xương sẽ được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp X-quang (khi có gãy xương) và những xét nghiệm chuyên biệt khác. Bao gồm:

  • Đo mật độ xương bằng nhiều kỹ thuật:
    • Siêu âm định lượng: Đo vận tốc siêu âm truyền qua xương và hấp thụ âm của xương. Vị trí đo khối lượng xương: Ngón tay hoặc gót chân.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
    • Hấp thụ quang phổ đơn (SPA): Hấp thụ bức xạ ion hóa của xương, mật độ xương và độ hấp thụ tỉ lệ thuận với nhau. Vị trí đo khối lượng xương: Cổ tay.
    • Hấp thụ quang phổ kép (DPA): Hấp thụ bức xạ ion hóa của xương, mật độ xương và độ hấp thụ tỉ lệ thuận với nhau. Vị trí đo khối lượng xương: Hông, cột sống hoặc toàn bộ cơ thể.
    • Hấp thụ tia X năng lượng đơn (SXA): Hấp thụ bức xạ tia X của xương, mật độ xương và độ hấp thụ tỉ lệ thuận với nhau. Vị trí đo khối lượng xương: Cổ tay hoặc gót chân.
    • Hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA): Hấp thụ bức xạ tia X của xương, mật độ xương và độ hấp thụ tỉ lệ thuận với nhau. Vị trí đo khối lượng xương: Gót chân, ngón tay và cẳng tay.
    • Chụp cắt lớp vi tính định lượng (QCT): Xác định BMD (g/cm3), có thể sử dụng để đo cổ xương đùi và cột sống. Vị trí đo khối lượng xương: Cẳng tay, cổ xương đùi và cột sống.
  • Xét nghiệm máu kiểm tra và đánh giá quá trình tạo xương:
    • PINP (Procolagen type I N – terminal Peptid)
    • PICP (Procolagen type I C – terminal Peptid)
    • Osteocalcin, BSAP (Bone Specific Alkaline Phosphatase)
  • Xét nghiệm đánh giá tốc độ hủy xương:
    • C – telopeptid liên kết chéo
    • N – telopeptide
    • Hydroxyproline, Pyridinoline
  • Sinh thiết xương: Sinh thiết xương được chỉ định để đánh giá chính xác vi tổn thương cấu trúc xương.

Trong các xét nghiệm nêu trên, xét nghiệm đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA) được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên kết quả chẩn đoán cuối cùng cần được dựa trên thông số của nhiều xét nghiệm. Nguyên nhân là do mật độ xương ở mỗi vị trí là khác nhau.

Các xét nghiệm chẩn đoán loãng xương
Các xét nghiệm chẩn đoán loãng xương gồm siêu âm định lượng, hấp thụ quang phổ, chụp cắt lớp vi tính định lượng…

Chẩn đoán loãng xương dựa vào T – score

Thông thường sau khi thực hiện các xét nghiệm đo loãng xương, bệnh nhận sẽ nhận kết quả chẩn đoán xương bình thường hoặc loãng xương dựa vào chỉ số T – score.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

  • T – score từ -1 đến + 1: Xương bình thường.
  • T – score từ -1 đến -2.5: Mật độ xương thấp. Tuy nhiên chưa bị loãng xương.
  • T – score từ -2.5 trở xuống: Loãng xương.
  • T – score từ -2.5 trở xuống kèm theo gãy xương do xương yếu: Loãng xương nặng.

Bên cạnh chỉ số T – score (T), kết quả đo loãng xương của bạn còn được so sánh với tình trạng và mật độ xương bình thường của người khỏe mạnh (cả hai cùng một độ tuổi, chiều cao, giới tính, cân nặng và chủng tộc), được gọi là điểm Z (Z-score).

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương theo Hiệp hội Đo mật độ xương lâm sàng quốc tế (ISCD)

  • Điểm Z > -2: Xương bình thường.
  • Điểm Z = +0.5, -0.5 hoặc -1.5: Chỉ số phổ biến đối với phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Điểm Z ≤ -2,0: Mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm người được so sánh.

Đo loãng xương được chỉ định khi nào?

Đo loãng xương thường được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Tất cả phụ nữ trên 50 tuổi, đã qua giai đoạn mãn kinh và có yếu tố nguy cơ
  • Tất cả phụ nữ trên 65 tuổi
  • Nam giới trên 70 tuổi
  • Nam giới từ 50 đến 69 tuổi giảm tuyến sinh dục nam (Hypogonadism), bị tăng glucocorticoid, suy thận, lạm dụng thuốc lá hoặc rượu
  • Phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh và có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương
  • Người trên 50 tuổi bị gãy xương
  • Những người muốn được điều trị loãng xương
  • Phụ nữ sau mãn kinh với tiền căn gãy xương
  • Thường xuyên đau lưng nhưng không rõ nguyên nhân
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc dừng bất thường mặc dù không mãn kinh hoặc không trong giai đoạn mang thai
  • Lưng gù, thay đổi dáng đi hoặc tư thế trong sinh hoạt của người bệnh ngày càng xấu đi
  • Có tiền sử cấy ghép nội tạng
  • Chiều cao giảm đi 4 cm
  • Phụ nữ có sự thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể hoặc điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế kéo dài
  • Bệnh nhân điều trị với corticoid kéo dài
  • Phụ nữ muốn được điều trị loãng xương
  • Hút thuốc hoặc sử dụng rượu quá mức
  • Người có tiền sử gia đình bị gãy xương hông
  • Chỉ số khối cơ thể thấp

Đo loãng xương cũng là một cách phòng ngừa bệnh loãng xương hiệu quả. Chính vì thế nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy, bạn nên đến bệnh viện và xét nghiệm định kỳ 6 tháng/ lần. Điều này giúp kiểm tra mật độ xương, đánh giá nguy cơ mắc bệnh loãng xương và có hướng phòng ngừa thích hợp.

Đo loãng xương được chỉ định cho tất cả phụ nữ trên 65 tuổi
Đo loãng xương được chỉ định cho tất cả phụ nữ trên 65 tuổi, phụ nữ trên 50 tuổi và đã qua giai đoạn mãn kinh

Chống chỉ định đo mật độ xương bằng DXA

Đo mật độ xương bằng phương pháp DXA không được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân sử dụng các chất phóng xạ trong 7 ngày (đồng vị phóng xạ, thuốc cản quang chứa iod, Baryt)
  • Phụ nữ đang mang thai

Quy trình đo mật độ xương

Để chuẩn bị kỹ càng cho quá trình chẩn đoán giúp rút ngắn thời gian thăm khám, bạn nên tham khảo quy trình đo mật độ xương được liệt kê dưới đây:

1. Chuẩn bị

Trước khi đo mật độ xương, người bệnh sẽ được yêu cầu ngưng sử dụng canxi từ 24 – 48 giờ. Ngoài ra trước khi thực hiện các kỹ thuật, bạn cần chuẩn bị một số thông tin dưới đây:

  • Thông tin cá nhân: Năm sinh, loại thuốc đang dùng, tiền sử dụng thuốc, tiền sử bệnh lý
  • Cân nặng, chiều cao
  • Tháo các vật dụng kim loại và trang sức trong khu vực đo

2. Quá trình đo mật độ xương

Trình tự các bước trong quá trình đo mật độ xương:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm trên giường đệm của máy đo theo hướng dẫn của kỹ thuật viên
  • Bước 2: Máy đo di chuyển tới, lui xung quanh khu vực cần đo để thực hiện đo lường mật độ xương. Thời gian diễn ra thường giao động trong khoảng 20 đến 30 phút
  • Bước 3: Ra khỏi phòng đo loãng xương và chờ nhận thông báo kết quả
  • Bước 4: Mang kết quả đến phòng khám ban đầu và trao đổi thông tin với bác sĩ chuyên khoa
Quy trình đo mật độ xương
Quy trình đo mật độ xương gồm các bước chuẩn bị (thông tin cá nhân, cân nặng, chiều cao) và quá trình đo mật độ xương

Đo loãng xương ở đâu tốt?

Để kết quả đo loãng xương chính xác nhất bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện. Dưới đây là một số địa chỉ tốt và uy tín:

Khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

  • Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu (Khoa Khám bệnh)
    • Buổi sáng: 6h30 – 11h30
    • Buổi chiều: 13h30 – 17h00
  • Địa chỉ: Số 1 đường Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Số điện thoại: 04. 62784155

Bệnh viện Quân y 103

  • Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu (Khoa Khám bệnh)
    • Buổi sáng: 8h00 – 12h00
    • Buổi chiều: 13h30 – 17h00
  • Địa chỉ: Số 261, đường Phùng Hưng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội
  • Số điện thoại: 0433.566.713 – 0967.811.616

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

  • Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu (Khoa Khám bệnh)
    • Buổi sáng: 7h00 – 12h00
    • Buổi chiều: 13h30 – 16h00
  • Địa chỉ: Số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Số điện thoại: (84- 24) 38.253.531 – (84-24) 38.248.308

Bệnh viện Bạch Mai

  • Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu (Khoa Khám bệnh)
    • Buổi sáng: 6h30 – 12h00
    • Buổi chiều: 13h30 – 18h00
  • Địa chỉ: Số 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Số điện thoại: 8424 3869 3731

Bệnh viện Nhân dân 115

  • Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu (Khoa Khám bệnh)
    • Buổi sáng: 7h30 – 11h00
    • Buổi chiều: 13h30 – 16h00
  • Địa chỉ: Số 527 đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: 028 3865 2368 – 028 3865 4139 – 028 3865 5110

Bệnh viện Chợ Rẫy

  • Thời gian làm việc:
    • Từ thứ Hai đến thứ Sáu: 7h00 – 16h00
    • Thứ Bảy: 7h00 – 11h00
  • Địa chỉ: Số 201B đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: (84-028) 3855 4137 – (84-028) 3855 4138

Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh

  • Thời gian làm việc:
    • Từ thứ Hai đến thứ Sáu: 7h00 – 16h00
    • Thứ Bảy: 7h00 – 11h30
  • Địa chỉ: Số 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh (Cơ sở 1)
  • Số điện thoại: (84.28) 3855 4269

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp giải đáp vấn đề “Đo loãng xương là gì? Đo khi nào? Ở đâu tốt?”. Thông qua bài viết, hi vọng người bệnh có thể hiểu hơn về các xét nghiệm, quy trình, chỉ định và chống chỉ định đo loãng xương. Nếu muốn kiểm tra mật độ xương và có nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn kiểm tra. Đồng thời tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua