Chụp X-quang là gì? Có hại không? Điều cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến và không gây đau đớn. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra xương khớp và những cấu trúc bên trong cơ thể. Từ đó giúp chẩn đoán, xác định những bất thường và điều trị nhiều bệnh trạng.

Chụp X-quang
Thông tin cơ bản về kỹ thuật chụp X-quang, chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ và những rủi ro liên quan

Chụp X-quang là gì?

Chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đơn giản, không gây đau đớn và có thời gian thực hiện nhanh chóng. Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương cùng với những cấu trúc bên trong của cơ thể. Từ đó giúp xác định tổn thương, những bất thường và các bệnh lý liên quan.

Tùy thuộc vào mật độ vật chất, chùm tia X sẽ được hấp thu với số lượng khác nhau khi đi qua cơ thể. Lúc này xương, khớp cùng với các khối dày đặc khác sẽ được hiển thị rõ nét trên hình ảnh X-quang. Chúng có màu trắng giúp phân biệt với mô mềm.

Ngoài ra trong hình ảnh X-quang, cơ và chất béo được hiển thị dưới dạng màu xám, không khí trong phổi có màu đen. Điều này giúp cung cấp thông tin chi tiết về những tổn thương.

Tùy thuộc vào mục đích và kích thước khu vực cần chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp X-quang thông thường hoặc chụp X-quang với các chất tương phản (điển hình như bari hoặc iốt) để tạo ra hình ảnh chi tiết và rõ nét hơn.

Phạm vi năng lượng

Tùy thuộc vào từng trường hợp, bệnh nhân có thể được sử dụng tia X mềm hoặc tia X cứng.

Tia X cứng là tia X có năng lượng proton cao (bước sóng dưới 0,2 – 0,1 nm, năng lượng trên 5 – 10 keV. Tia X mềm là tia X có năng lượng proton thấp hơn nhưng có bước sóng dài hơn tia X cứng. Tuy nhiên cả tia X cứng và mềm đều có khả năng xuyên thấu cao. Chính vì thế X-quang được sử dụng rộng rãi với mục đích tạo ra hình ảnh bên trong vật thể. Từ đó giúp chẩn đoán xác định.

Ngoài ra tia X cứng có bước sóng của tia tương tự như kích thước của nguyên tử. Vì thế chụp X-quang mang đến nhiều lợi ích trong việc xác định cấu trúc tinh thể (hay còn được gọi là X-quang tinh thể học).

Khác với tia X cứng, lượng tia X mềm được sử dụng rất dễ bị hấp thu trong không khí, độ dài suy giảm 600 eV (~ 2 nm) và nhỏ hơn 1 micromet khi X-quang trong nước.

Tùy thuộc vào từng trường hợp, bệnh nhân có thể được sử dụng tia X mềm hoặc tia X cứng
Tùy thuộc vào từng trường hợp, bệnh nhân có thể được sử dụng tia X mềm hoặc tia X cứng khi chụp X-quang

Tia X hoạt động như thế nào?

Khi chụp X-quang, tia X từ máy quét sẽ đi qua cơ thể. Vì là một loại bức xạ nên bệnh nhân không thể cảm nhận hay nhìn thấy tia X bằng mắt thường.

Trong quá trình đi qua cơ thể của tia X, các bộ phận khác nhau của cơ thể sẽ liên tục hấp thụ năng lượng từ tia X với tốc độ khác nhau. Một máy dò sẽ được đặt ở phía bên kia của cơ thể. Máy này có tác dụng thu nhận năng lượng từ tia X sau khi chúng đi qua. Đồng thời xử lý và biến chúng thành hình ảnh.

Tia X khó xuyên qua những bộ phận dày đặc của cơ thể. Điển hình như xương trục và các chi. Điều này khiến xương được hiển thị bằng những vùng trắng trên hình ảnh X-quang.

Ngược lại tia X có thể dễ dàng đi qua những phần mềm hơn như mô mềm, cơ, tim, phổi… Tùy thuộc vào khả năng xuyên qua của tia X mà những phần mềm hơn sẽ được hiển thị bằng những vùng tối hơn trên hình ảnh.

Vì sao chụp X-quang được thực hiện?

Tia X trong X-quang được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết của nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Đặc biệt là xương, khớp và những khối dày đặc khác. Điều này giúp bác sĩ kiểm tra, xác định tổn thương và những bệnh lý liên quan.

Tùy thuộc vào từng bộ phận được kiểm tra, X-quang được chỉ định với những mục đích sau:

  • Kiểm tra mật độ xương
  • Kiểm tra vết nứt/ gãy xương
  • Đánh giá mức độ nhiễm trùng
  • Chẩn đoán phân biệt u xương lành tính và ung thư xương
  • Kiểm tra những vấn đề về răng miệng
  • Kiểm tra tim, phổi và đánh giá những tổn thương liên quan
  • Kiểm tra và xác định các giai đoạn ung thư
  • Theo dõi diễn tiến ung thư và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị
  • Đánh giá tình trạng tắc nghẽn mạch máu và khả năng suy tim suy huyết.
Bệnh nhân cần chụp X-quang để kiểm tra mật độ xương
Bệnh nhân cần chụp X-quang để kiểm tra mật độ xương, chẩn đoán phân biệt u xương lành tính và ung thư xương…

Chụp X-quang được chỉ định cho những trường hợp nào?

Bệnh nhân được yêu cầu chụp X-quang khi có nghi ngờ mắc bệnh hoặc có một số tình trạng sau:

1. Chụp X-quang bụng

  • Vấn đề về đường tiêu hóa: Bệnh nhân được yêu cầu sử dụng chất tương phản chứa bari bằng đường uống hoặc thuốc xổ để đánh giá những vấn đề ở đường tiêu hóa. Chất này có tác dụng hiển thị rõ nét hệ thống tiêu hóa và đường thức ăn trên hình ảnh X-quang.
  • Dị vật: Bệnh nhân được kiểm tra dị vật bằng hình ảnh X-quang khi vô tình nuốt một số vật bất thường.

2. Chụp X-quang lồng ngực

  • Ung thư vú: Bệnh nhân được chỉ định chụp nhũ ảnh (xét nghiệm tia X) đặc biệt để kiểm tra mô vú và đánh giá kích thước khối u.
  • Các bệnh về phổi: Chụp X-quang lồng ngực giúp kiểm tra nhiễm trùng và một số bệnh lý khác ở phổi. Bao gồm bệnh lao, viêm phổi, ung thư phổi…
  • Vấn đề về tim: Hình ảnh X-quang thể hiện rõ nét tình trạng suy tim suy huyết và một số vấn đề khác ở tim.
  • Tắc nghẽn mạch máu: Bệnh nhân được tiêm chất cản quang chứa iốt trước khi chụp X-quang để làm nổi bậc mạch máu và hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Từ đó xác định tình trạng tắc nghẽn mạch máu và vị trí tổn thương.

3. Chụp X-quang xương và răng

  • Kiểm tra sâu răng: Các lỗ sâu răng và kích thước lỗ sâu sẽ được hiển thị rõ nét trên hình ảnh X-quang.
  • Viêm khớp: Tia X đi qua cơ thể giúp hiển thị chi tiết những phần dày đặc, trong đó có khớp. Vì thế chụp X-quang có thể tạo ra hình ảnh chi tiết về những tổn thương và tình trạng viêm khớp. Đồng thời theo dõi sự tiến triển của bệnh trong suốt quá trình điều trị.
  • Gãy xương: Hầu hết các trường hợp gãy xương đều được yêu cầu chụp X-quang để chẩn đoán vết nứt/ gãy, vị trí tổn thương và kiểm tra mức độ nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng răng: X-quang có thể tạo ra hình ảnh rõ nét về tình trạng nhiễm trùng răng.
  • Loãng xương: X-quang được chỉ định cho những bệnh nhân bị loãng xương với mục đích kiểm tra mật độ xương.
  • Ung thư xương: Kiểm tra vị trí, kích thước của khối u dựa trên hình ảnh X-quang.
  • Một số vấn đề khác:
Chụp X-quang xương và răng
Chụp X-quang xương và răng giúp kiểm tra nhiễm trùng răng, sâu răng, viêm khớp, bệnh loãng xương, gãy xương…

Chống chỉ định chụp X-quang

Chụp X-quang không được chỉ định cho những bệnh nhân đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai. Tương tự như CT scan, tia X từ kỹ thuật chẩn đoán này có khả năng tác động xấu và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Ngoài ra chụp X-quang có dùng vật liệu tương phản chống chỉ định với những trường hợp bị dị ứng với thuốc cản quang.

Chụp X-quang với vật liệu tương phản

Tia X khó xuyên qua những khối dày đặc của cơ thể nên có thể hiển thị rõ nét những vấn đề bất thường ở xương trục và các chi. Ngược lại chúng có thể dễ dàng xuyên qua, được xử lý và tạo ra hình ảnh tối đen khi đi qua những phần mềm hơn như mô mềm, cơ, tim, phổi, mạch máu…

Chính vì thế ở những trường hợp cần kiểm tra mạch máu và mô mềm, bệnh nhân sẽ được sử dụng vật liệu tương phản trước khi chụp X-quang. Vật liệu này thường chứa iốt hoặc bari có tác dụng làm nổi bật những khối mềm của cơ thể. Từ đó phác thảo một khu vực cụ thể trên hình ảnh X-quang.

Tùy thuộc vào khu vực cần kiểm tra, bệnh nhân có thể dùng vật liệu tương phản bằng cách nuốt, tiêm hoặc dùng ở dạng thuốc xổ.

Một số trường hợp chống chỉ định dùng chất cản quang, gồm:

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Bệnh nhân bị mất nước nặng
  • Những người bị dị ứng với thuốc cản quang

Chống chỉ định tương đối

  • Phụ nữ mang thai
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng
  • Đái tháo đường
  • Cường giáp
  • Hồng cầu hình liềm
  • Bệnh hen suyễn
  • Bệnh nhân bị suy tim mất bù
  • Suy gan
  • Cơ địa dễ dị ứng
  • Đa u tủy.

Chỉ định chụp X-quang có chất cản quang

  • Tắc nghẽn mạch máu, dị tật mạch máu và một số bệnh lý về mạch máu khác
  • Tình trạng viêm và áp xe
  • Có khối u lành tính hoặc ác tính
  • Kiểm tra mô mềm quanh khớp
  • Kiểm tra tình trạng xuất huyết và tụ máu
  • Tìm nguyên nhân gây đau bụng.
Chụp X-quang với vật liệu tương phản
Chụp X-quang với vật liệu tương phản được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh lý về mạch máu, viêm hoặc áp xe

Quy trình chụp X-quang

Quy trình chụp X-quang được thực hiện với những bước như sau:

1. Trước khi chụp X-quang

  • Thông thường bệnh nhân không cần chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang. Ngoài ra người bệnh có thể ăn uống bình thường.
  • Đối với những trường hợp có dùng chất cản quang, bệnh nhân cần nhịn ăn trước 4 – 6 giờ và nhịn uống trước 2 giờ chụp X-quang.
  • Thông báo với bác sĩ nếu mang thai.
  • Trong trường hợp dùng thuốc cản quang, người bệnh cần điền một số thông tin liên quan đến tiền sử mắc bệnh và ký đồng ý vào giấy cam kết.
  • Tháo những vật dụng bằng kim loại trước khi chụp X-quang.
  • Lộ rõ tổn thương bằng cách cởi quần áo ở vị trí cần được chẩn đoán.
  • Đối với những trường hợp chụp X-quang ruột, người bệnh cần được làm sạch ruột bằng cách thụt tháo trước khi chụp.
  • Tiêm, uống hoặc dùng chất cản quang dạng thuốc xổ khi được chỉ định.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số bước chuẩn bị khác theo yêu cầu của bác sĩ.

2. Trong khi chụp X-quang

  • Người bệnh di chuyển vào phòng chụp X-quang. Sau đó đứng, ngồi hoặc nằm với tư thế phù hợp theo sự hướng dẫn của chuyên viên y tế. Điều này giúp phản ánh tốt cơ quan cần chẩn đoán.
  • Đối với trường hợp chụp X-quang lồng ngực và phổi, bệnh nhân có thể được yêu cầu nín thở trong thời gian ngắn để hình ảnh X-quang được rõ nét nhất có thể.
  • Bộ phận ghi nhận hình ảnh được đặt phía sau khu vực cần kiểm tra của cơ thể. Trong thời gian X-quang, tia X sẽ di chuyển qua những bộ phận cần chiếu của cơ thể. Cuối cùng một phần năng lượng của tia X sẽ được giữ lại để tạo ra hình ảnh chi tiết của những bộ phận này. Càng nhiều tia X chiếu đến phim thì hình ảnh ghi lại được sẽ càng đen. Thông thường hình ảnh của xương có màu trắng. Mạch máu, các tạng và cơ sẽ có màu xám. Mức độ đậm – nhạt tùy thuộc vào khả năng xuyên qua của tia X đối với những cơ quan này.
  • Đối với những trường hợp chụp X-quang có dùng chất cản quang, bệnh nhân sau khi được tiêm/ uống hoặc dùng chất cản quang dạng thuốc xổ phải nằm yên trên giường chụp X-quang.
  • Di chuyển ra ngoài sau khi kết thúc quá trình chụp X-quang.

Thông thời gian chụp X-quang sẽ dao động trong khoảng 1 đến 10 phút tùy theo mục đích, số lượng và vị trí của các cơ quan cần chụp.

Bệnh nhân được hướng dẫn đứng, ngồi, nằm với tư thế phù hợp
Bệnh nhân được hướng dẫn đứng, ngồi hoặc nằm với tư thế phù hợp để thu về hình ảnh chi tiết trong khi chụp X-quang

3. Sau khi chụp X-quang

  • Đối với những trường hợp không dùng chất cản quang, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường.
  • Đối với những trường hợp dùng thuốc cản quang, người bệnh cần giữ chặt vị trí tiêm để tránh chảy máu. Đồng thời uống nhiều nước để hỗ trợ thận đào thải chất này ra khỏi cơ thể.
  • Đối với những trường hợp dị ứng với chất cản quang dẫn đến những bất thường trong cơ thể, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý.

Thông thường bệnh nhân có thể nhận hình ảnh sau 10 – 30 phút chụp X-quang. Sau khi có kết quả, người bệnh cần quay lại phòng khám ban đầu để được bác sĩ giải thích về tình trạng. Đồng thời chỉ định điều trị.

Có nên chụp X-quang thường xuyên hay không?

Chụp X-quang được chỉ định cho hầu hết các trường hợp mắc bệnh về xương khớp, răng miệng và cơ quan nội tạng. Tuy nhiên cần tránh lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán này. Bởi bệnh nhân có thể mắc một số vấn đề không mong muốn nếu thường xuyên sử dụng tia X. Cụ thể như bỏng da, rụng tóc, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và tử vong.

Tuy nhiên bệnh nhân có thể không gặp vấn đề gì nếu tần suất chụp X-quang hợp lý. Theo các chuyên gia, bệnh nhân chỉ nên chụp X-quang từ 5 – 7 lần/ năm, không nên chụp liên tiếp mà phải cách quãng hợp lý.

Đối với những trường hợp chụp X-quang 2 lần/ tuần, người bệnh cần cân nhắc và chỉ thực hiện theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Đối với những trường hợp bệnh nặng cần thường xuyên chẩn đoán (điển hình như ung thư xương, tắc nghẽn mạch máu), bệnh nhân nên chụp cộng hưởng từ hoặc một số kỹ thuật chẩn đoán không dùng tia X khác. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế sử dụng tia X nhiều lần, đồng thời giảm nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.

Chụp X-quang có hại không?

Việc chụp X-quang nhiều lần có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn. Cụ thể:

  • Tiếp xúc nhiều với bức xạ: Việc tiếp xúc nhiều với bức xạ có thể làm nguy cơ đột biến tế bào dẫn đến ung thư. Tuy nhiên trong X-quang, lượng bức xạ mà bạn tiếp xúc tương đối thấp, lợi ích từ kỹ thuật này vượt xa rủi ro. Mức độ tiếp xúc bức xạ thường phụ thuộc vào mô và cơ quan cần kiểm tra. Độ nhạy và rủi ro từ bức xạ phụ thuộc vào độ tuổi. Theo kết quả nghiên cứu, trẻ em thường có độ nhạy cao hơn so với người lớn.
  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Chụp X-quang thường không được chỉ định cho phụ nữ mang thai hoặc có nghi ngờ mang thai. Vì việc tiếp xúc với tia X và chất cản quang có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn cho thai nhi.
    • Thai nhi từ 0 đến 1 tuần thai: Chết phôi.
    • Thai nhi từ 2 đến 7 tuần thai: Thai nhi chậm phát triển, dị dạng, tăng nguy cơ mắc ung thư.
    • Thai nhi từ 8 đến 40 tuần thai: Có nguy cơ bị ung thư, dị tật thai nhi, thai nhi chậm phát triển, trì trệ.
  • Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể xảy ra từ việc sử dụng chất cản quang. Tùy thuộc vào độ nhạy cảm của cơ thể, tác dụng phụ có thể xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc nặng.
    • Buồn nôn và nôn
    • Miệng có vị kim loại
    • Đỏ bừng hoặc có cảm giác nóng trong cơ thể
    • Ngứa ngáy
    • Chóng mặt và có cảm giác lâng lâng
    • Sốc phản vệ
    • Huyết áp thấp nghiêm trọng
    • Tim ngừng đập.
Chụp X-quang có chất cản quang có thể gây tác dụng phụ
Chụp X-quang có chất cản quang có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, đỏ bừng, ngứa ngáy, miệng có vị kim loại…

Nhìn chung chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán đơn giản, dễ thực hiện và có thời gian thực hiện nhanh. Tùy thuộc vào mục đích chẩn đoán, cơ quan và vị trí cần kiểm tra, bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng thuốc cản quang. Chất này giúp hình ảnh chẩn đoán chi tiết và rõ nét hơn. Tuy nhiên người bệnh chỉ nên chụp X-quang và dùng chất cản quang khi cần thiết để tránh phát sinh một số rủi ro không mong muốn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua