Gãy xẹp đốt sống là gì? Giải pháp điều trị tốt nhất

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy xẹp đốt sống là loại gãy xương phổ biến nhất ở bệnh nhân loãng xương. Tình trạng này có thể gây đau đớn dữ dội, biến dạng cột sống và khiến người bệnh bị mất chiều cao bình thường.

gãy xẹp đốt sống
Gãy xẹp đốt sống là loại gãy xương phổ biến ở người bệnh loãng xương

Gãy xẹp đốt sống là gì?

Cột sống người được tạo thành từ các đốt sống xếp chồng lên nhau. Có tất cả 33 đốt sống bao gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng và 9 đốt sống hợp nhất tạo thành xương cùng và xương cụt.

Gãy xẹp đốt sống hay gãy nén đốt sống (Spinal Compression Fracture) xảy ra khi thân đốt sống hoặc khối xương đốt sống bị nứt, vỡ và gãy xẹp xuống. Tình trạng này được chẩn đoán khi xương đốt sống ở cột sống bị giảm ít nhất 15 – 20% tổng chiều cao của người bệnh.

Các vết gãy xẹp này có thể xảy ra ở bất cứ đốt sống nào trong cột sống, nhưng thường có xu hướng ảnh hưởng đến lưng trên (cột sống ngực), đặc biệt là các đốt sống T10, T11 và T12. Hiếm khi tình trạng này gây ảnh hưởng đến các đốt sống từ T7 trở lên của cột sống. Ngoài ra, gãy nén đốt sống cũng thường xảy ra ở đoạn thắt lưng trên, chẳng hạn như L1.

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 2.5 triệu chứng bị bệnh loãng xương, trong đó phụ nữ chiếm 76%. Hàng năm có khoảng 170.000 trường hợp gãy xương do loãng xương, trong đó có 25.600 trường hợp gãy cổ xương đùi. Ngoài ra, hiện nay có khoảng 23% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị gãy xẹp đốt sống do loãng xương.

Nguyên nhân gây gãy xẹp đốt sống

Khi đốt sống bị chấn thương, vấn đề phổ biến nhất thường gãy xương. Loại gãy xương phổ biến nhất ở đốt sống là gãy do nén hoặc gãy xẹp đốt sống. Tình trạng này xảy ra khi thân đốt sống bình thường bị ép hoặc nén xuống một chiều cao nhỏ.

gãy nén đốt sống
Có các tình trạng gây yếu xương, chẳng hạn như loãng xương có thể gây gãy nén đốt sống

Tổn thường này có xu hướng phổ biến ở ba nhóm đối tượng như:

  • Những trải qua các tai nạn nghiêm trọng, khi có một lực quá mức tác động lên các đốt sống, khiến đốt sống bị gãy.
  • Loãng xương là nguyên nhân phổ biến có thể gây gãy xương do nén, đặc biệt là ở phụ nữ trên 50 tuổi và đã trải qua thời kỳ mãn kinh. Loãng xương khiến xương trở nên mỏng, ít có khả năng chịu tải trọng. Do đó, người bệnh có thể bị gãy xẹp đốt sống mà không cần các chấn thương nghiêm trọng. Đôi khi một cái hắt hơi cũng có thể gây gãy nén đốt sống nếu bệnh loãng xương trở nên nghiêm trọng.
  • Người bệnh ung thư di căn xương hoặc có khối u di căn vào xương như bệnh đa u tủy ở cột sống có nguy cơ gãy nén đốt sống cao hơn. Ngoài ra, đôi khi gãy nén cột sống có thể là dấu hiệu của một số bệnh ung thư.

Hầu hết các trường hợp gãy nén đốt sống xảy ra do loãng xương. Tuy nhiên một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, chẳng hạn như:

  • Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Độ tuổi: Phụ nữ trên 50 tuổi thường có nguy cơ gãy nén cột sống cao hơn.
  • Mãn kinh sớm: Phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh trước 50 tuổi thường có nguy cơ loãng xương cao hơn.
  • Người hút thuốc: Những người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động có nguy cơ loãng xương cao hơn những người không hút thuốc.

Một số người có thể không được chẩn đoán loãng xương hoặc gãy nén đốt sống cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng. Trên thực tế có khoảng 2/3 các trường hợp gãy nén đốt sống không được chẩn đoán, do các cơn đau lưng thường là một phần của quá trình lão hóa và viêm khớp.

Tuy nhiên nếu không được điều trị, loãng xương có thể dẫn đến gãy nén nhiều đốt sống hơn. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các cơn đau lưng hoặc các dấu hiệu gãy nén khác.

Triệu chứng gãy nén đốt sống

Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng chính khi bị gãy xẹp đốt sống là đau lưng. Cơn đau có thể bắt đầu dần dần và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Ngoài ra, phụ thuộc vào tình trạng cơ bản, gãy xẹp đốt sống có thể dẫn đến nhiều dấu hiệu khác nhau, chẳng hạn như:

1. Dấu hiệu lâm sàng

Bên cạnh đau lưng, tình trạng này có thể dẫn đến một số dấu hiệu lâm sàng khác như:

  • Cơn đau lưng trở nên nghiêm trọng hơn khi đứng, đi bộ và được cải thiện khi nằm
  • Khó cúi hoặc vặn người
  • Mất chiều cao
  • Cột sống có hình dạng cong hoặc khom xuống

Ngoài ra, cơn đau thường xảy ra khi lưng hơi căng trong các hoạt động hàng như:

  • Nâng các vật nặng
  • Cúi xuống sàn để nhặt vật gì đó
  • Trượt chân

2. Các dấu hiệu khác

Trong một số trường hợp, gãy nén đốt sống có thể tự lành lại sau 2 – 3 tháng, điều này khiến cơn đau được cải thiện. Tuy nhiên một số người vẫn cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu ở lưng ngay cả khi các vết gãy xương đã lành.

Ngoài ra, một số người bệnh có thể không có triệu chứng gãy nén đốt sống. Các vết nứt có thể xảy ra dần dần, do đó cảm giác đau đớn tương đối nhẹ và không đáng kể. Đối với những người khác, khu vực tổn thương có thể gây đau lưng âm ỉ mãn tính, kéo dài.

3. Dấu hiệu gãy nén nhiều đốt sống

Khi gãy xẹp nhiều đốt sống, cột sống có thể có nhiều thay đổi đáng kể. Một phần đốt sống có thể bị xẹp xuống do cách vết nứt, điều này có nghĩa là các đốt sống không thể nâng đỡ cột sống. Việc gãy nén nhiều đốt sống có thể gây ảnh hưởng đến cách cơ thể hoạt động bình thường.

Hình ảnh xẹp đốt sống
Đau hông có thể là dấu hiệu gãy nén nhiều đốt sống cùng lúc

Các triệu chứng gãy nén đốt sống bao gồm:

  • Giảm chiều cao: Với mỗi lần gãy nén, cột sống sẽ ngắn đi một chút. Cuối cùng khi các đốt sống bị xẹp hoàn toàn, người bệnh có thể thấp hơn đáng kể.
  • Cong lưng: Khi đốt sống bị xẹp xuống, cột sống sẽ mất đường cong tự nhiên và bị cong về phía trước. Người bệnh cần thay đổi cách cơ thể hoạt động để thích nghi với cột sống, điều này có thể gây đau cổ và lưng theo thời gian.
  • Đau hông: Cột sống ngắn khiến khung xương sườn ở gần hông hơn và khiến các xương sườn cọ xát vào hông. Điều này có thể khiến người bệnh bị đau hông.
  • Các vấn đề về dạ dày: Cột sống ngắn có thể gây chèn ép lên dạ dày và dẫn đến các vấn đề về hệ thống tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, chán ăn và giảm cân không rõ lý do.
  • Các vấn đề về hô hấp: Nếu cột sống bị gãy nén tại nhiều vị trí, phổi có thể không hoạt động đúng cách. Điều này có thể khiến người bệnh bị khó thở.

Các triệu chứng và dấu hiệu gãy xẹp đốt sống có thể khác nhau ở mỗi người bệnh. Do đó, hãy đến bệnh viện và thông báo cho bác sĩ nếu cảm thấy đau lưng hoặc gặp các vấn đề xương khớp khác. Bác sĩ có thể hỗ trợ xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp nhất.

Gãy xẹp đốt sống có nguy hiểm không?

Gãy xương do nén có thể dẫn đến một loạt các biến chứng, rủi ro và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chẳng hạn như:

  • Đau lưng ở mức độ gãy xương, cơn đau có thể bắt đầu dần dần hoặc đột ngột và có thể gây đau đớn dữ dội.
  • Gù lưng do các đốt sống bị gãy tại một hoặc nhiều vị trí khác nhau.
  • Mất nhiều cao do gãy nén nhiều đốt sống.
  • Mất khả năng vận động ổn định trong các sinh hoạt hàng ngày do xương bị yếu đi.
  • Biến chứng hô hấp và tim mạch do gãy xẹp đốt sống gây chèn ép ổ bụng.

Ngoài ra, các biến chứng thần kinh thường không phổ biến, tuy nhiên vị trí gãy xẹp có thể gây chèn ép lên tủy sống và gây tổn thương các dây thần kinh. Nếu các mảnh vỡ của đốt sống bị đẩy vào bên trong ống sống có thể làm thu hẹp không gian bên trong ống sống.

Hẹp ống sống do gãy nén đốt sống có thể gây chấn thương thần kinh tủy sống. Điều này có thể gây thiếu máu và oxy đến tủy sống, điều này dẫn đến tê, đau nhức dữ dội. Bên cạnh đó, hẹp ống sống cũng có thể khiến các dây thần kinh mất đi tính di động, từ đó gây kích thích dây thần kinh và viêm dây thần kinh.

Chẩn đoán gãy xẹp đốt sống

Chẩn đoán gãy xẹp đốt sống thường dựa vào tiền sử bệnh lý, khám sức khỏe tổng quát, chụp X – quang và các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung nếu cần thiết. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp chẩn đoán như:

Gãy đốt sống lưng có chữa khỏi được không
Bác sĩ có thể chẩn đoán gãy xẹp đốt sống thông qua X – quang và các xét nghiệm liên quan khác
  • Chụp X – quang: Xét nghiệm này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh và cấu trúc của đốt sống cũng như các khớp liên quan. Hình ảnh X – quang cũng có thể giúp bác sĩ xác định sự liên kết của xương, thoát vị đĩa đệm và các gai xương có thể gây kích thích thần kinh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Hình ảnh CT được tạo ra từ tia X và máy vi tính, có thể cho thấy hình dạng, kích thước của ống sống và các cấu trúc xung quanh. Xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng với chụp tủy đồ để hỗ trợ chẩn đoán xác định.
  • Chụp tủy đồ: Xét nghiệm này sử dụng thuốc phản quang ở gần tủy sống để nghiên cứu và chân đoán các chi tiết bên trong cột sống, bao gồm tình trạng hẹp ống sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xét nghiệm này tạo ra hình ảnh 3D của các cấu trúc cơ thể bằng cách sử dụng từ trường và công nghệ máy vi tính để quan sát bên trong tủy sống, rễ thần kinh và khu vực xung quanh.
  • Đo mật độ xương: Xét nghiệm này có thể đo mật độ khoáng của xương và xác định tình trạng loãng xương.

Không giống như nhiều bệnh lý khác, chẩn đoán gãy xẹp đốt sống có thể gặp nhiều khó khăn do các dấu hiệu thường dễ bị nhầm lẫn thành viêm khớp, đau nhức xương khớp do lão hóa hoặc lạm dụng. Do đó, chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp gãy xương do nén được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.

Điều trị tình trạng gãy xẹp đốt sống

Mục đích của việc điều trị tình trạng gãy xẹp đốt sống là kiểm soát các cơn đau, giúp người bệnh di chuyển và cải thiện khả năng vận động độc lập. Hầu hết các trường hợp, tình trạng này được điều trị bằng thuốc giảm đau, hạn chế hoạt động, thuốc ổn định mật độ xương và nẹp lưng để hạn chế các cử động có thể gây ảnh hưởng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.

Tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị như:

1. Điều trị không phẫu thuật

Cơn đau do gãy xẹp đốt sống có thể tự chữa lành sau 2 – 3 tháng. Tuy nhiên cơn đau thường được cải thiện trong vài ngày hoặc vài tuần. Trong trường hợp cần điều trị, cơn đau thường được kiểm soát bằng thuốc giảm đau, dành thời gian nghỉ ngơi, nẹp lưng và hoạt động thể chất phù hợp.

Xẹp đốt sống lưng L2
Sử dụng thuốc điều trị gãy xẹp đốt sống theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ liên quan
  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cơn đau do gãy nén đốt sống là acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thuốc giảm đau theo đơn, sử dụng trong thời gian ngắn để tránh gây nghiện. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn để tránh các tác dụng phụ và rủi ro liên quan.
  • Thay đổi hoạt động: Dành thời gian nghỉ ngơi có thể cải thiện cơn đau cấp tính hiệu quả. Tuy nhiên nghỉ ngơi quá nhiều có thể  làm tăng nguy cơ mất xương, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương do nén. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nghỉ ngơi trong vài ngày và trở lại hoạt động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe xương.
  • Nẹp lưng: Nẹp lưng có thể được đề nghị để hỗ trợ bên ngoài và ngăn ngừa các chuyển động đốt sống bị gãy. Tuy nhiên nẹp lưng cần được sử dụng thận trọng và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng mất cơ hoặc yếu xương do lạm dụng nẹp.
  • Thuốc điều trị loãng xương: Một số loại thuốc tăng cường xương như bisphosphonates có thể ổn định mật độ xương và ngăn ngừa tình trạng mất xương. Đây là một phần quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa gãy xương do nén.

2. Phẫu thuật

Nếu gãy nén đốt sống dẫn đến các cơn đau lưng mãn tính và không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Các loại phẫu thuật phổ biến bao gồm:

– Phẫu thuật tạo hình đốt sống:

Phẫu thuật tạo hình đốt sống thường là các vết mổ nhỏ, xâm lấn tối thiểu, do đó có thời gian phục hồi nhanh chóng. Ngoài ra, bác sĩ thường sử dụng xi măng  xương acrylic để xương cứng nhanh chóng và ổn định ngay lập tức. Do đó hầu hết các trường hợp phẫu thuật tạo hình đốt sống được thực hiện ngoại trú, người bệnh có thể ra về ngay trong ngày hoặc sau một đêm nằm viện.

Tạo hình đốt sống: Thủ thuật này có thể giảm đau do gãy nén đốt sống và ổn định vị trí gãy. Phẫu thuật này được thực hiện như sau:

  • Bác sĩ đưa một kim dài vào đốt sống bị tổn thương dưới sự hướng dẫn của tia X để đảm bảo độ chính xác.
  • Bác sĩ tiến hành tiêm hỗn hợp xi măng xương vào đốt sống. Hỗn hợp xi măng này có thể đông cứng trong khoảng 10 phút.
  • Người bệnh có thể ra về ngay trong ngày hoặc sau một đêm nằm viện.

Kỹ thuật Kyphoplasty: Kỹ thuật này có thể điều chỉnh biến dạng xương, giảm đau và ổn định cột sống. Quá trình điều trị như sau:

  • Bác sĩ thực hiện một vết cắt khoảng 1 – 2 cm trên da, ở phía sau đốt sống bị tổn thương. Sau đó một ống dài nhỏ sẽ được đưa vào vết cắt dưới sự hướng dẫn của tia X để đảm bảo độ chính xác.
  • Có một ống thông mỏng (với một quả bóng ở đầu) sẽ được dẫn vào đốt sống. Bóng sẽ được bơm căng để tạo ra một khoang nhỏ, trong đó xi măng sinh học dạng lỏng sẽ được bơm vào.
  • Sau đó bóng sẽ được làm xẹp và được lấy ra khỏi cơ thể. Sau đó xi măng xương sẽ được bơm vào khoang.
  • Hỗn hợp xi măng xương sẽ đông cứng trong 10 phút.
phẫu thuật gãy nén đốt sống
Gãy xẹp đốt sống có thể được điều trị bằng phẫu thuật tạo hình cột sống

– Phẫu thuật hợp nhất cột sống:

Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hợp nhất cột sống để điều trị tình trạng gãy xương do nén. Phẫu thuật này sẽ loại bỏ chuyển động giữa hai đốt sống và giảm đau. Quy trình này có thể nối hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau, giữ các đốt sống cố định và không thể di chuyển.

Bác sĩ có thể sử dụng vít kim loại đặt qua một ống xương nhỏ vào các đốt sống. Các đinh vít này được gắn thông qua một tấm hoặc thanh kim loại ở phía sau cột sống và cố định cột sống. Ở giữa các đốt sống sẽ được ghép xương nhân tạo hoặc xương của chính người bệnh để hạn chế ma sát.

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật hợp nhất thường lâu hơn các loại phẫu thuật cột sống khác. Người bệnh có thể cần nằm viện 3 – 4 ngày và có thể cần thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng. Người bệnh thường cần đeo nẹp cột sống sau phẫu thuật để tránh các tổn thương liên quan.

Tùy thuộc vào tình trạng cơ bản và sức khỏe của người bệnh, thời gian hồi phục có thể khoảng 1 – 2 tháng hoặc 6 tháng.

Ngoài ra, phẫu thuật hợp nhất cột sống sẽ làm mất chuyển động tự nhiên giữa hai đốt sống và khiến người bệnh không thể chuyển động cột sống bình thường. Phẫu thuật này cũng gây căng thẳng cho các đốt sống lân cận và tăng nguy cơ gãy xẹp đốt sống xung quanh trong tương lai.

Gãy xẹp đốt sống là chấn thương phổ biến và liên quan đến các tình trạng làm yếu xương, điển hình là bệnh loãng xương. Các biện pháp điều trị bao gồm nghỉ ngơi, giảm đau, vận động phù hợp và hạn chế các chấn thương rủi ro. Ít khi phẫu thuật được thực hiện, tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về biện pháp phẫu thuật nếu các triệu chứng nghiêm trọng.

Thông tin thêm: Thiếu canxi: Nguyên nhân, dấu hiệu và tác hại nguy hiểm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua