Gù Lưng (Còng Lưng, Lưng Tôm) Là Gì? Cách Trị Hết Gù

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Gù lưng, cong lưng, lưng tôm hay lưng tròn là thuật ngữ chỉ tình trạng cột sống ở phần lưng trên bị cong quá mức, dẫn đến đầu vai tròn và khiến người bệnh bị chùng xuống đáng kể. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể đè lên phổi và gây khó thở. 

Gù lưng
Gù lưng là tình trạng cột sống cổ cong quá mức, khiến đầu vai tròn và người bệnh có tư thế chùng xuống qua mức

Gù lưng là gì?

Gù lưng, còng lưng hay lưng tôm là tình trạng lưng trên bị cong về phía trước một cách quá mức. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi. Bên cạnh đó, có một số dạng gù lưng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh hoặc thanh thiếu niên.

Thông thường, lưng trên hoặc vùng ngực của cột sống sẽ có một đoạn cong nhẹ tự nhiên. Điều này giúp cột sống hấp thụ chấn động và hỗ trợ nâng đỡ trọng lượng đầu. Tuy nhiên ở người bị gù lưng hay lưng tôm, đường cong này sẽ lớn hình bình thường.

Ngoài ra, người bị lưng gù cũng có vẻ như bị chùng xuống và vai tròn nghiêm trọng. Điều này gây áp lực dư thừa lên cột sống, dẫn đến đau đớn, khó chịu. Gù lưng cũng dẫn đến khó thở do các áp lực đè nén lên phổi.

Tật gù lưng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Lưng tôm nhẹ có thể không gây ra vấn đề gì, tuy nhiên lưng tôm nặng có thể gây ảnh hưởng đến phổi, dây thần kinh, các mô và cơ quan trong cơ thể, do đó dẫn đến nhiều vấn đề y tế khác.

Nếu các triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể không cần điều trị y tế, thay vào đó là thay đổi tư thế và thường xuyên tập thể dục để khôi phục đường cong bình thường của cột sống. Trong các trường hợp khác, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.

Nguyên nhân nào dẫn đến gù lưng?

Cột sống được tạo thành bởi các xương gọi là đốt sống. Những đốt sống này xếp thành cột sống, giúp cơ thể đứng thẳng và tạo sự linh hoạt trong các hoạt động.

Tật gù lưng xảy ra khi cột sống bị cong quá mức ở lưng trên, thường phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, tuy nhiên tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường hiếm khi bị gù lưng, do sai tư thế thường là nguyên nhân chính. Còng lưng tôm có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai và phụ thuộc vào một số yếu tố như:

1. Sai tư thế

Tư thế xấu được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tật gù cột sống, gù lưng ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Các tư thế này bao gồm:

lưng tôm
Sai tư thế được xem là nguyên nhân chính dẫn đến gù cột sống ở thanh thiếu niên và người trưởng thành
  • Cúi người hoặc khom lưng, chẳng hạn như sử dụng máy tính, điện thoại di động hoặc TV
  • Dựa lưng vào ghế khi lưng và mông đặt xa lưng ghế
  • Mang vác nặng trên lưng, chẳng hạn như balo, túi xách nặng

Lưng tôm do tư thế là một dạng phổ biến, thường nhẹ và có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi tư thế. Người bệnh nên luyện tập các tư thế tốt, giữ thẳng cột sống và tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.

2. Các vấn đề cột sống

Các tình trạng cơ bản về cột sống và các đốt sống có thể dẫn đến còng lưng, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Các nguyên nhân và yếu tố rủi ro phổ biến bao gồm:

còng lưng
Các vấn đề về cột sống, chẳng hạn như loãng xương, có thể làm tăng nguy cơ gù lưng
  • Loãng xương: Loãng xương là một dạng rối loạn xương, xảy ra khi các đốt sống bị chèn ép khi xương yếu đi và các mô bị thoái hóa. Điều này dẫn đến suy giảm mật độ xương, khiến cột sống quay về phía trước và ngắn lại. Nếu không được xử lý phù hợp, loãng xương có thể làm tăng nguy cơ gãy xương và một số vấn đề khác. Chứng còng lưng do loãng xương thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
  • Thoát vị đĩa đệm: Các đĩa đệm có cấu trúc mềm, chịu trách nhiệm hấp thụ các chuyển động xung kích của đốt sống và ngăn ngừa một số chấn thương. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm bị khô, rút lại và bắt đầu giảm mật độ. Tình trạng này được xem là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, có thể dẫn đến đau đớn và gù lưng.

3. Các điều kiện phát triển

Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên tật gù lưng có thể bắt đầu trong thai kỳ, xảy ra khi cột sống của trẻ phát triển không đúng cách. Nếu được phát hiện sớm, trẻ có thể được đề nghị phẫu thuật căn chỉnh để ngăn ngừa cột sống cong thêm và điều trị tình trạng gù bẩm sinh này.

Ở trẻ em và thanh thiếu niên, tật lưng tôm cũng có thể xảy ra do thiếu hụt vitamin D và các khoáng chất cần thiết, như canxi, magie.

Tật lưng tôm cũng có thể xảy ra khi cột sống phát triển không đúng cách trong quá trình tăng trưởng. Cụ thể, thay vì phát triển hình chữ nhật, những người gù thường có đốt sống hình tam giác. Điều này làm tăng độ cong của cột sống và dẫn đến gù.

4. Lão hóa

Độ cong của cột sống bắt đầu tăng lên theo độ tuổi, điều này làm tăng nguy cơ gù lưng. Theo ước tính có khoảng 20 – 40% người lớn tuổi mắc chứng gù lưng.

hình ảnh người bị gù lưng
Tật lưng tôm thường phổ biến ở người lớn tuổi do các vấn đề lão hóa tự nhiên

Ngoài các vấn đề cột sống, thoái hóa tự nhiên, có một số yếu tố nguy cơ khác xảy ra cùng với quá trình lão hóa góp phần phát triển tình trạng gù lưng, bao gồm:

  • Giảm khả năng vận động: Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các cơ và dây chằng ở lưng, do đó gây thay đổi tư thế và các vị trí.
  • Sức mạnh cơ bắp: Các nghiên cứu cho biết, các cơ lưng sẽ bị suy yếu, đặc biệt là các cơ kéo giãn cột sống. Điều này gây ảnh hưởng đến các đường cong bình thường ở cột sống và dẫn đến gù lưng ở phụ nữ trên 60 tuổi.
  • Thay đổi về các cảm quan: Nghiên cứu cho biết, việc suy giảm các giác quan, có thể bao gồm thị giác, xúc giác và nhận thức về không gian, cũng có thể dẫn đến tật lưng tôm.

5. Chấn thương

Một số chấn thương cột sống, chẳng hạn như gãy xương hoặc gãy xẹp đốt sống, có thể dẫn đến hỏng cột sống và ảnh hưởng đến độ cong bình thường của cột sống, gây ra tật cong lưng.

6. Bệnh Scheuermann

Bệnh Scheuermann là một căn bệnh gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của cột sống trước tuổi dậy thì. Khi trẻ tiếp tục phát triển, độ cong của cột sống có thể tăng lên, khiến lưng cong hơn, tròn hơn và cuối cùng là dẫn đến gù.

Tình trạng này thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Bên cạnh đó, bệnh Scheuermann có thể làm tăng nguy cơ vẹo cột sống ở người trưởng thanh.

7. Ung thư

Ung thư xương, ung thư cột sống, ung thư di căn xương, có thể dẫn đến suy yếu các đốt sống, góp phần dẫn đến tật gù lưng. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị cũng có thể dẫn đến chứng còng lưng.

8. Phẫu thuật

Tật lưng tôm có thể là hậu quả của một phẫu thuật hoặc thủ thuật tác động lên cột sống.

Trong các thủ thuật này, phẫu thuật cắt đốt sống sau và phẫu thuật cắt đốt sống là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến gù lưng. Cụ thể, các phẫu thuật này sẽ loại bỏ các dây chằng xen kẽ, lớp đệm và các phần gai cột sống, góp phần khiến cột sống yếu hơn và tăng nguy cơ còng lưng.

9. Các yếu tố nguy cơ

Các dạng lưng tôm thường được gây ra bởi sự phát triển của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Ngoài các nguyên nhân chính như trên, có một số nhóm người có nguy cơ lưng tôm cao hơn phát người khác, bao gồm:

gù lưng có chữa được không
Các tư thế không phù hợp trong học đường có thể làm tăng nguy cơ gù lưng
  • Nam giới trong độ tuổi từ 10 – 15 có nguy cơ cao mắc các vấn đề về cột sống.
  • Nữ giới có tư thế ngồi, đứng và ngay cả khi ngủ không đúng có thể dẫn đến tật gù lưng.
  • Nam giới và nữ giới cao tuổi được chẩn đoán loãng xương thường có nguy cơ gù cao, bởi vì loãng xương có thể dẫn đến gãy các đốt sống.
  • Nam và nữ giới bị rối loạn mô liên kết và các bệnh lý như Hội chứng Marfan.

Triệu chứng người bị gù

Gù lưng có thể nhẹ hoặc nặng và có biểu hiện khác nhau ở mỗi người bệnh. Cụ thể các dấu hiệu bao gồm:

  • Độ cong cột sống lớn
  • Gù ở giữa lưng trên
  • Đau âm ỉ hoặc đau dữ dội ở lưng
  • Nhức mỏi cơ bắp
  • Cứng ở lưng, khiến tư thế kém linh hoạt
  • Tư thế xấu
  • Mất chiều cao
  • Gặp khó khăn khi đứng thẳng lưng
  • Khó thở hoặc hôn mê

Tật gù lưng có nguy hiểm không?

Tật gù lưng có nhiều dạng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Theo thời gian, tình trạng gù cột sống có thể trở nên nghiêm trọng hơn và khiến người bệnh gần như không thể đứng thẳng người. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tật gù lưng có thể dẫn đến chèn ép các dây thần kinh, gây mất chức năng ruột và bàng quang, suy nhược và mất cảm giác.

cách chữa gù lưng
Trong các trường hợp nghiêm trọng, gù lưng có thể gây ảnh hưởng đến phổi, dẫn đến khó thở

Nếu các đốt sống bị uốn cong về phía trước quá nhiều, khoang ngực có thể bị giảm kích thước. Điều này sẽ dẫn đến đau ngực, khó thở do các vấn đề về phổi và tim. Trong các trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim và suy phổi.

Gù lưng có chữa được không?

Các chuyên gia cho biết, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tật gù lưng có thể cải thiện hoặc điều trị được. Người bệnh cần thực hiện các biện pháp tăng cường lưng trên, cải thiện sức mạnh các cơ, giúp kéo vai và đầu lên.

Để điều trị chứng còng lưng, bác sĩ thường đề nghị người bệnh thực hiện kết hợp các bài tập tăng cường chức năng đĩa đệm cổ, cải thiện tư thế vai và tăng cường lưng trên. Các bài tập vật lý trị liệu cho người gù cần được chỉ định bởi bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và tránh các chấn thương.

cách trị phục gù lưng
Nếu có kế hoạch tập luyện phù hợp và tích cực, các triệu chứng gù lưng có thể cải thiện được

Mặc dù việc luyện tập có thể mất nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên nếu được thực hiện đúng cách và thường xuyên, cơn đau lưng sẽ được cải thiện, nhiều năng lượng hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tật còng lưng sẽ không biến mất trong một thời gian ngắn. Thậm chí có thể mất nhiều tháng hoặc vài năm để cải thiện tình trạng này, tuy nhiên nếu áp dụng đúng cách và kiên trì, tật còng lưng sẽ biến mất.

Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các liệu pháp và lựa chọn điều trị hiệu quả khác.

Chẩn đoán gù lưng như thế nào?

Để chẩn đoán tật gù lưng, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe, ghi lại chiều cao, kiểm tra tình trạng lưng và có thể ấn vào nhiều điểm tại cột sống để xác định các cơn đau.

Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu cúi người về phía trước với hai cánh tay buông thõng tự do, giống như đưa tay chạm vào các ngón chân trong khi cố gắng giữ lưng thẳng. Điều này giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các đường cong của cột sống.

cách hết gù lưng
Bác sĩ có thể kiểm tra vị trí của cột sống để xác định các dấu hiệu bất thường ở lưng

Người bệnh cũng có thể được yêu cầu nằm xuống. Điều này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây lưng tôm là do tư thế xấu hay các vấn đề về cấu trúc cột sống.

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh chụp X – quang để xác định đường cong cột sống. Nếu cần hình ảnh chi tiết và rõ nét hơn, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh chụp MRI hoặc CT.

Trong trường hợp lưng bị gù nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm khác để xác định liệu gù lưng có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể hay không. Các xét nghiệm này thường bao gồm đánh giá chức năng phổi và thần kinh.

Cách chữa gù lưng hiệu quả

Các biện pháp điều trị gù lưng, gù gáy phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

1. Sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào các triệu chứng, có một số loại thuốc được chỉ định để điều trị gù lưng, chẳng hạn như:

người gù
Các loại thuốc giảm đau và thuốc điều trị loãng xương có thể được chỉ định để điều trị gù lưng
  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen được chỉ định để điều trị tình trạng đau, khó chịu ở lưng. Nếu các loại thuốc này không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau gây nghiện và các loại thuốc khác phù hợp hơn.
  • Thuốc điều trị loãng xương: Nếu được chẩn đoán loãng xương, người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc tăng cường xương để ngăn ngừa nguy cơ gãy cột sống. Ngoài ra, ở nhiều bệnh nhân, gù lưng là dấu hiệu đầu tiên của bệnh loãng xương, do đó bác sĩ có thể đề nghị đo mật độ xương để có kế hoạch điều trị phù hợp.

2. Các liệu pháp khác

Đối với tật gù lưng không liên quan đến các vấn đề y tế khac, trong đó các dấu hiệu không nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh có thể được chỉ định các liệu pháp điều trị như:

cách chữa gù gáy
Tập thể dục và vật lý trị liệu có thể cải thiện tư thế lưng
  • Thay đổi tư thế: Đối với những người còng lưng do tư thế xấu, người bệnh cần chú ý đến tư thế tốt, chẳng hạn như ngồi thẳng, điều này có thể điều chỉnh độ cong của cột sống.
  • Tập yoga: Các động tác yoga có thể tăng cường tính linh hoạt ở cột sống, tăng cường các cơ ở lưng và cơ cốt lõi, từ đó cải thiện tư thế ở lưng.
  • Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục và vận động với cường độ phù hợp có thể tăng cường các cơ ở lưng, từ đó hỗ trợ cải thiện các triệu chứng gù lưng.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Còng lưng có thể xảy ra do thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, do đó người bệnh có thể ngăn ngừa sự suy yếu của xương bằng cách bổ sung đầy đủ lượng vitamin D và canxi trong bữa ăn hàng ngày.
  • Vật lý trị liệu: Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu để thực hiện các bài tập và kéo giãn có thể giúp cải thiện tình trạng gù cột sống.
  • Nẹp lưng: Sử dụng nẹp lưng có thể giúp tình trạng cong vẹo cột sống không trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi vẫn đang phát triển. Bác sĩ sẽ đề nghị một kế hoạch đeo nẹp và thời gian phù hợp để cải thiện tư thế lưng.

3. Phẫu thuật

Các trường hợp gù lưng nghiêm trọng hoặc có các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể cần được phẫu thuật để điều chỉnh đường cong của cột sống.

Phẫu thuật phổ biến nhất là hợp nhất cột sống để kết nối các đốt sống vĩnh viễn. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể đứng thẳng lưng tuy nhiên cột sống sẽ kém linh hoạt hơn.

Các thủ thuật điều chỉnh cột sống thường thành công, tuy nhiên có thể đi kèm nhiều biến chứng, chẳng hạn như chảy máu, tổn thương dây thần kinh, thoái hóa đĩa đệm, nhiễm trùng và đau đớn dữ dội. Các biến chứng này đôi khi có thể nghiêm trọng đến mức người bệnh cần phẫu thuật lần thứ hai để cải thiện các triệu chứng.

Gù lưng là một tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng đến vị trí cột sống, nhưng thường không có tác động xấu đến sức khỏe. Nếu được chẩn đoán sớm, nhiều người bệnh gù lưng có thể thay đổi lối sống để cải thiện các triệu chứng mà không cần phẫu thuật.

Tật còng lưng sẽ nghiêm trọng theo độ tuổi, do đó việc phát hiện và điều trị sớm và rất quan trọng. Gù lưng nặng có thể dẫn đến các vấn đề như khó cử động, mất thăng bằng, khó thở và cần phẫu thuật điều trị.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua