Các Thuốc Trị Đau Cơ Bắp, Cách Dùng và Điều Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Thuốc giảm đau Paracetamol, NSAID, thuốc giãn cơ… là các thuốc trị đau cơ bắp được sử dụng phổ biến. Những loại thuốc này đều có khả năng đẩy lùi cơn đau hiệu quả. Một số thuốc còn có tác dụng ngăn viêm, thư giãn và giảm co thắt cơ.

Các thuốc trị đau cơ bắp
Thông tin cơ bản về các thuốc trị đau cơ bắp, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý

Đau cơ bắp là gì?

Đau cơ bắp là dấu hiệu thường gặp ở người vận động mạnh, lạm dụng cơ và chấn thương. Đôi khi cơn đau khởi phát từ một số tình trạng viêm, nhiễm trùng hoặc một số vấn đề về sức khỏe khác. Phần lớn bệnh nhân bị đau cơ bắp tayđau bắp chân. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể khởi phát toàn thân.

Đau cơ thường thường dai dẳng nhưng nhẹ, cơn đau có thể giảm và mất dần theo thời gian. Đau giảm nhanh hơn khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc như chườm đá, nghỉ ngơi…

Tuy nhiên đau cơ bắp có thể nặng nề hơn ở một số trường hợp. Đau tăng dần nếu có tổn thương nặng hoặc bệnh lý tiềm ẩn. Những trường hợp này cần được dùng thuốc để giảm nhẹ cơn đau và ngăn đau tái diễn.

Các thuốc trị đau cơ bắp

Đau cơ bắp thường có đáp ứng tốt với các loại thuốc giảm đau thông thường. Một số trường hợp khác có thể được dùng thuốc kháng viêm hoặc giảm đau mạnh hơn. Đôi khi thuốc giãn cơ cũng được chỉ định để giảm đau, thư giãn cơ và ngăn cơn đau tái diễn.

Các thuốc trị đau cơ bắp thường được chỉ định:

1. Paracetamol

Đây là một loại thuốc giảm đau thông thường, được sử dụng phổ biến trong hạ sốt và điều trị các cơn đau từ nhẹ đến vừa. Chẳng hạn như đau cơ bắp, đau nhức xương khớp, đau lưng, đau đầu…

Trong điều trị đau nhức cơ bắp, Paracetamol giảm đau bằng cách tác động vào trung ương và ngoại vi. Cụ thể thuốc giúp ngăn quá trình tạo ra chất trung gian hóa học và các enzym COX (cyclooxygenase) trên não và tủy sống (hệ thần kinh). Từ đó giảm đau nhanh và hiệu quả.

Paracetamol không phù hợp với bệnh nhân bị đau cơ do viêm bởi thuốc không có khả năng chống viêm. Thuốc này được điều chế ở nhiều dạng. Tuy nhiên viên nén và viên sủi là hai dạng được dùng phổ biến nhất.

Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau thông thường, dùng trong hạ sốt và điều trị các cơn đau từ nhẹ đến vừa

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với thành phần của thuốc
  • Người say rượu
  • Thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase hoặc thiếu máu
  • Người có các vấn đề thận, gan, tim mạch, phổi

Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai, người bị suy dinh dưỡng hoặc có chức năng gan suy yếu.

Liều lượng và cách dùng

  • Uống trực tiếp với nhiều nước
  • Liều khuyến cáo: Uống 10 – 15mg/ kg trọng lượng/ lần. Uống mỗi 4 – 6 giờ nếu còn đau.
  • Liều tối đa: 3 gram/ ngày ở người lớn và 80mg/ kg trọng lượng/ ngày ở trẻ em.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ do dùng thuốc Paracetamol trị đau cơ bắp thường nhẹ và ít gặp.

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Chán ăn
  • Đau bụng khi dùng liều cao
  • Suy thận cấp và tăng men gan khi dùng liên tục và dài ngày.

2. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)

Đây là thuốc trị đau cơ bắp được dùng phổ biến. Nhóm thuốc này phù hợp với bệnh nhân có cơn đau trung bình hoặc đau do viêm. Trong điều trị viêm và đau (bao gồm cả đau cơ bắp), NSAID ức chế hoạt động của enzym cyclooxygenase (COX). Điều này giúp ngăn cản quá trình sản sinh prostaglandin và phản ứng viêm trong cơ thể.

Ngoài ra thuốc còn có tác dụng ức chế hoạt động của Kinin (chất trung gian hóa học của phản ứng viêm), giải phóng enzym tiêu thể và ion superoxyd. Từ đó giúp giảm viêm, đau và hạ sốt.

Thuốc giảm viêm không steroid (NSAID) được phân thành:

  • Thuốc ức chế COX-1 và COX-2: Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac
  • NSAID ức chế chọn lọc COX-2: Meloxicam, Celecoxib, Ketorolac, Paracoxib…
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) phù hợp với người có cơn đau trung bình hoặc đau do viêm

Chống chỉ định

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú
  • Bệnh tim
  • Suy gan nặng
  • Suy thận
  • Hen suyễn
  • Chảy máu không kiểm soát
  • Loét dạ dày
  • Dị ứng với thành phần của thuốc.

Liều lượng và cách dùng (Ibuprofen)

  • Uống thuốc với nhiều nước
  • Liều khuyến cáo: 200 – 400mg/ lần x 3 lần/ ngày.

Tác dụng phụ

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiêu chảy
  • Phát ban
  • Táo bón
  • Chóng mặt
  • Buồn ngủ
  • Đau đầu
  • Đau bụng

3. Thuốc giảm đau nhóm opioid

Đây là một loại thuốc giảm đau gây nghiện, chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc trị đau cơ bắp này thường mang đến hiệu quả giảm đau mạnh và nhanh chóng, phù hợp với cơn đau từ vừa đến nặng. Thông thường opioid được dùng sau khi những loại thuốc khác không mang đến hiệu quả điều trị.

Thuốc giảm đau nhóm opioid hoạt động bằng cách ức chế trung tâm đau, làm thay đổi cảm giác đau và ngăn truyền tín hiệu đau vào não. Điều này làm thay đổi nhận thức về cơn đau của não, khiến người bệnh cảm thấy hết đau.

Trong thời gian đầu, Codein, Tramadol hoặc tramadol + Paracetamol sẽ được sử dụng. Thuốc có tác dụng vừa phải, giảm nguy cơ gây nghiện. Những loại thuốc giảm đau mạnh hơn chỉ được cân nhắc cho những trường hợp đau nhức nặng nề, cần dùng thuốc ngắn hạn.

Thuốc giảm đau nhóm opioid
Thuốc giảm đau nhóm opioid là nhóm thuốc gây nghiện, mang đến hiệu quả giảm đau mạnh và nhanh chóng

Chống chỉ định

  • Suy hô hấp hoặc suy gan nặng
  • Đau bụng cấp
  • Tăng áp lực nội sọ hoặc chấn thương não
  • Nhiễm độc rượu cấp, co giật
  • Hen phế quản
  • Trẻ em dưới 5 tuổi
  • Phụ nữ mang thai/ đang nuôi con bú
  • Ngộ độc thuốc ức chế hô hấp hoặc thuốc ngủ
  • Phù phổi thể cấp nặng
  • Dị ứng với thành phần của thuốc.

Liều lượng và cách dùng

  • Dùng ở dạng viên nén hoặc tiêm
  • Liều dùng thuốc dựa trên chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Táo bón
  • Ức chế thần kinh
  • Bí tiểu
  • An thần
  • Co đồng tử
  • Tăng tiết hormone chống bài niệu
  • Nghiện khi dùng liều cao và dùng dài ngày.

4. Thuốc giảm đau giãn cơ

Thuốc giảm đau giãn cơ là thuốc trị đau cơ bắp cho những trường hợp bị đau do căng cứng cơ. Thuốc có tác dụng kiểm soát trương lực cơ ở trung ương bằng cách ức chế chọn lọc neuron trung gian. Khi dùng có thể giúp giãn cơ vân và giảm trương lực cơ. Từ đó cải thiện nhanh tình trạng co thắt và co cứng cơ, giảm nhẹ cơn đau.

Những trường hợp đau nhiều hơn có thể được dùng thuốc giãn cơ kết hợp với thuốc giảm đau khác. Điều này giúp tăng hiệu quả và tốc độ khắc phục đau nhức cơ bắp. Decontractyl, Mydocalm, Myonal… là những loại thuốc giãn cơ được dùng phổ biến nhất.

Thuốc giảm đau giãn cơ
Thuốc giảm đau giãn cơ có tác dụng giảm co thắt và co cứng cơ, giảm nhẹ cơn đau

Chống chỉ định

  • Bệnh lý cơ có men creatinin phosphokinase tăng cao
  • Tổn thương thủng mắt
  • Glocom góc đóng cấp
  • Rối loạn dẫn truyền pseudocholinesterase huyết tương
  • Dị ứng với thành phần của thuốc
  • Bỏng nặng
  • Tiền sử bản thân hoặc gia đình bị sốt cao ác tính.

Liều lượng và cách dùng

  • Dùng ở dạng viên uống
  • Liều dùng thuốc dựa trên chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tác dụng phụ

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Nổi sần da
  • Tiểu nhiều lần
  • Tăng nguy cơ sốt cao ác tính
  • Rối loạn tiêu hóa (hiếm gặp).

5. Corticosteroid

Corticosteroid (Corticoid) là thuốc kê đơn, thuốc kháng viêm mạnh. Thuốc được dùng cho những trường hợp đau cơ bắp khởi phát do một tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, đau đa cơ. Thuốc có tác dụng chống viêm, ứng chế hệ miễn dịch và các phản ứng dị ứng. Khi dùng có thể giúp điều trị viêm khớp, giảm đau do viêm và dị ứng.

Trong điều trị đau cơ bắp, Corticosteroid thường được dùng ở dạng thuốc viên. Thuốc tiêm được dùng cho những trường hợp viêm khớp/ cơ nặng, không có đáp ứng khi dùng thuốc chống viêm toàn thân.

Thông thường Corticosteroid được dùng ở liều thấp nhất có tác dụng, dùng khi cần thiết để giảm đau, trong khoảng thời gian ngắn. Điều này có thể giúp hạn chế một số tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc.

Corticosteroid
Corticosteroid là thuốc chống viêm, được dùng khi đau cơ bắp khởi phát do một tình trạng viêm trong cơ thể

Chống chỉ định

  • Dị ứng với thuốc
  • Loãng xương
  • Nhiễm khuẩn và nấm chưa được kiểm soát
  • Viêm gan siêu vi A hoặc B
  • Bệnh thủy đậu
  • Nấm mắt hoặc lao mắt
  • Viêm gai giác mạc
  • Nhiễm trùng chảy mủ cấp tính chưa được kiểm soát
  • Đang dùng vaccin virus sống
  • Nhiễm trùng do lao, nấm hoặc virus.

Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú, người cao tuổi, có các bệnh lý kèm theo (suy thận, suy gan, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, viêm loét dạ dày – ta tràng…)

Liều lượng và cách dùng

  • Dùng ở dạng viên uống hoặc tiêm trực tiếp vào cơ/ khớp.
  • Liều dùng thuốc dựa trên chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tác dụng phụ

  • Thường xuyên khát nước
  • Tiểu nhiều lần
  • Kích ứng dạ dày
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Giảm thị lực
  • Khó ngủ, lo lắng
  • Đau đầu

6. Thuốc chống trầm cảm

Đôi khi thuốc chống trầm cảm nằm trong đơn thuốc điều trị đau nhức cơ bắp. Thuốc này có tác dụng giảm đau và điều chỉnh cảm xúc cho người bị đau cơ bắp gây căng thẳng, khó ngủ hoặc thay đổi tâm trạng. Thuốc đặc biệt phù hợp với người bị đau mãn tính và không đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị thông thường.

Thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách điều chỉnh mức độ dẫn truyền thần kinh trong não. Khi dùng có thể giúp thư giãn, tăng khả năng phát tín hiệu của cơ thể và kiểm soát cơn đau.

Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng gồm:

  • Chất ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin (SNRI): Venlafaxine (Effexor), Duloxetine (Cymbalta).
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nortriptyline (Pamelor), Doxepin (Silenor), imipramine (Tofranil), Amitriptyline, Desipramine (Norpramin).
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Sertraline (Zoloft), Fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil), Citalopram (Celexa).

So với thuốc trầm cảm ba vòng, SSRI và SNRI ít gây tác dụng phụ hơn.

Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm đau và điều chỉnh cảm xúc ở bệnh nhân bị đau cơ bắp

Chống chỉ định

  • Dị ứng với thành phần của thuốc

Thận trọng

  • Trẻ em
  • Người lớn tuổi
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú
  • Suy gan, suy thận

Liều lượng và cách dùng

  • Dùng ở dạng viên uống. Uống thuốc với nhiều nước
  • Liều dùng thuốc dựa trên chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Liều dùng thuốc chống trầm cảm trong điều trị cơn đau thường thấp hơn liều dùng trong điều trị chứng trầm cảm.

Tác dụng phụ

  • Đi tiểu khó
  • Tầm nhìn mờ
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Khô miệng
  • Táo bón
  • Rối loạn chức năng tình dục

7. Thuốc kháng sinh/ chống virus

Nếu đau nhức cơ bắp có liên quan đến một tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, người bệnh được dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống virus dựa vào nguyên nhân. Những nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn vi khuẩn/ virus phát triển và nhân lên hoặc loại bỏ vi khuẩn/ virus gây nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị đau cơ toàn thân do nhiễm khuẩn, không có hiệu quả khi dùng cho bệnh nhân bị nhiễm trùng do virus. Tương tự, thuốc chống virus được dùng trong điều trị đau cơ liên quan đến nhiễm trùng do virus, không dùng cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn.

Thuốc kháng sinh/ chống virus
Thuốc kháng sinh/ chống virus được dùng khi bị đau cơ bắp do một tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm virus

Chống chỉ định

Thuốc kháng sinh

  • Phụ nữ có thai và đang nuôi con bú
  • Bệnh viêm màng não
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
  • Thận trọng: Người bị suy thận và viêm loét dạ dày tá tràng

Thuốc kháng virus

  • Su thận nặng
  • Suy gan
  • Dị ứng hoặc quá mẫn cảm với thuốc
  • Có lượng hemoglobin < 75 g/l hoặc lượng bạch cầu trung tính < 0,75×109/l
  • Thận trọng: Phụ nữ có thai và đang nuôi con bú, rối loạn chức năng gan và/ hoặc thận, bệnh về máu, người cao tuổi.

Liều lượng và cách dùng

  • Thuốc kháng sinh/chống virus được dùng ở dạng viên uống.
  • Liều dùng thuốc dựa trên nguyên nhân và loại thuốc được chỉ định.

Tác dụng phụ

Thuốc kháng sinh

  • Nhiễm nấm âm đạo
  • Đau dạ dày
  • Tăng độ nhạy cảm với ánh sáng
  • Sốt
  • Phản ứng dị ứng, co giật (hiếm gặp)

Thuốc kháng virus

  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Buồn nôn
  • Rối loạn thần kinh (hiếm gặp)

Lưu ý khi dùng thuốc trị đau cơ bắp

Hầu hết đau cơ bắp có đáp ứng tốt với thuốc. Dùng Paracetamol hoặc NSAID để kiểm soát những cơn đau nhẹ và vừa. Các thuốc trị đau cơ bắp mạnh hơn cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc trị đau cơ bắp cần được dùng đúng liều và đúng cách, ngắn hoặc dài hạn dựa trên hướng dẫn. Tuyệt đối không thay đổi liều lượng và kéo dài thời gian dùng thuốc.

Dùng thuốc trị đau cơ bắp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
Dùng các thuốc trị đau cơ bắp với liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa

Một số lưu ý khác khi dùng thuốc trị đau cơ bắp:

  • Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Không dùng thuốc nếu thuộc nhóm chống chỉ định.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn (đặc biệt là NSAID) cần được dùng với liều lượng thích hợp (theo hướng dẫn), tối đa 3 ngày. Nếu không đáp ứng tốt, bệnh nhân cần thăm khám và dùng thuốc kê đơn theo chỉ định.
  • Trước khi dùng thuốc, trao đổi với bác sĩ về tiền sử, tình trạng hiện tại và loại thuốc đang dùng. Một số loại thuốc và tình trạng sức khỏe có khả năng làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
  • Thông báo với bác sĩ nếu không có đáp ứng tốt hoặc có tác dụng phụ trong thời gian điều trị. Một số trường hợp có thể đổi thuốc hoặc giảm liều.
  • Không tự ý dùng phối hợp nhiều loại thuốc để tránh phát sinh tình trạng tương tác.
  • Một số thuốc giảm đau mạnh (chẳng hạn như thuốc giảm đau gây nghiện, Corticosteroid) chỉ được dùng khi cần thiết, dùng ngắn hạn. Không dùng liều cao hoặc dùng kéo dài để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Các thuốc trị đau cơ bắp cần được dùng với liều nhỏ nhất có tác dụng.
  • Nếu đau cơ bắp không thuyên giảm bằng những phương pháp điều trị thông thường người bệnh có thể được hướng dẫn vật lý trị liệu hoặc/ và dùng thuốc giảm đau mạnh. Một số trường hợp được đề xuất phương pháp TENS. Phương pháp này sử dụng một vài miếng dán đặt lên da để gửi tín hiệu về não giúp ngừng đau.

Trên đây là các thuốc trị đau cơ bắp được sử dụng phổ biến. Những loại thuốc này được phân loại dựa trên khả năng giảm đau (từ nhẹ đến mạnh). Phần lớn bệnh nhân có đáp ứng tốt với thuốc giảm đau không kê đơn. Những trường hợp không giảm cần dùng thuốc kê đơn (thuốc giảm đau mạnh) kết hợp vật lý trị liệu để giảm nhẹ tình trạng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua