Corticoid Là Thuốc Gì? Thông Tin Cần Biết Trước Khi Dùng

Theo dõi IHR trên goole news

Corticoid có tác dụng ức chế miễn dịch, chống viêm và chống dị ứng. Thuốc được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, điển hình như các dạng viêm khớp, bệnh tự miễn… Corticoid mang đến hiệu quả cao và nhanh. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thuốc chỉ được dùng khi cần thiết và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Corticoid
Tìm hiểu thông tin về công dụng, chống chỉ định, liều dùng và cách dùng Corticoid

Corticoid là thuốc gì?

Corticoid (Corticosteroid) là một nhóm các hormon steroid được con người tạo ra hoặc do cơ thể sản xuất. Trong điều trị bệnh, Corticoid có tác dụng giảm viêm trong cơ thể, ức chế miễn dịch và chống dị ứng. Do có đặc tính chống viêm mạnh, thuốc thường được dùng để điều trị nhiều bệnh lý.

Đặc biệt thuốc phù hợp với những bệnh nhân bị viêm khớp không đáp ứng với các thuốc khác, các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp vảy nến…), dị ứng nghiêm trọng, hen suyễn, bệnh về da. Sau khi sử dụng, các phản ứng dị ứng, sưng, đỏ, đau và nóng khớp sẽ nhanh chóng qua đi.

Corticoid được đánh giá một loại thuốc rất mạnh. Ngoài việc mang đến nhiều lợi ích trong điều trị bệnh, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế thuốc cần được sử dụng đúng liều, dùng khi cần thiết và có đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa.

Corticoid được sử dụng trong điều trị bệnh tương tự như Cortisol – một loại hormone do tuyến thượng thận của cơ thể sản xuất tự nhiên. Để duy trì cơ thể khỏe mạnh cần có một lượng Cortisol vừa đủ. Chất này giúp đảm bảo các quá trình trong cơ thể, bao gồm phản ứng miễn dịch, chuyển hóa và căng thẳng.

Thông tin cơ bản về thuốc Corticoid

  • Phân loại: Thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch
  • Tên thuốc: Corticoid
  • Tên hoạt chất: Corticosteroid

Những thông tin cơ bản dưới đây giúp hiểu hơn về thuốc Corticoid và sử dụng thuốc đúng cách.

1. Dạng bào chế

Các dạng bào chế của thuốc Corticoid:

  • Viên nén
  • Viên nang
  • Thuốc tiêm (tiêm trực tiếp vào khớp, cơ và trong mạch máu)
  • Dạng xịt mũi
  • Dạng hít qua miệng
  • Dùng tại chỗ (thuốc mỡ, gel, dạng kem…)
  • Dạng dung dịch sử dụng với máy khí dung
  • Thuốc nhỏ mắt
  • Thuốc nhỏ tai

Thông thường Corticoid toàn thân di chuyển qua mạch máu để nhiều bộ phận trong cơ thể được hỗ trợ, kháng viêm toàn thân. Các dạng bào chế được sử dụng gồm thuốc tiêm tĩnh mạch, tiêm vào cơ, thuốc uống.

Corticoid toàn thân thường được dùng cho các trường hợp như bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ. Corticoid cục bộ thường được dùng cho người bị phát ban và hen suyễn.

Các dạng bào chế của thuốc Corticoid gồm viên nén, viên nang, thuốc tiêm
Các dạng bào chế của thuốc Corticoid gồm viên nén, viên nang, thuốc tiêm, thuốc bôi tại chỗ…

2. Phân loại và các Corticoid thường gặp

Corticoid được phân thành hai loại, gồm:

  • Glucocorticoid (chống viêm): Có tác dụng ức chế miễn dịch, ngăn chặn tình trạng viêm và hỗ trợ phân hủy chất béo, protein, carbohydrate.
  • Mineralocorticoid (giữ muối): Có tác dụng điều chỉnh sự cân bằng của nước và muối trong cơ thể.

Trong thuốc điều trị thường chứa những loại Corticoid sau:

  • Hydrocortisone
  • Prednisolone
  • Prednisone
  • Triamcinolone
  • Methylprednisolone
  • Fluticasone
  • Betamethasone
  • Beclomethasone
  • Dexamethasone
  • Clobetasone
  • Budesonide

3. Thuốc Corticoid có tác dụng gì?

Thuốc Corticoid có ba tác dụng chính gồm:

  • Kháng viêm
  • Chống dị ứng
  • Ức chế miễn dịch

Sau một thời gian ngắn sử dụng Corticoid, những triệu chứng viêm trong cơ thể/ các khớp (sưng, nóng, đỏ, đau), ngứa và các phản ứng dị ứng sẽ qua đi.

Corticoid có khả năng chống dị ứng, ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh
Corticoid có khả năng chống dị ứng, ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh

4. Cơ chế hoạt động của Corticoid

Viêm là một quá trình trong đó hóa chất và tế bào bạch cầu của cơ thể chống lại nhiễm trùng và các dị nguyên như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên trong các bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động không bình thường, chống lại và tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể. Từ đó dẫn đến viêm và tổn thương.

Sau khi được đưa vào cơ thể, Corticoid làm giảm hoặc ức chế quá trình sản xuất các hóa chất gây viêm. Điều này giúp các tổn thương mô không phát triển hoặc được giữ ở mức thấp nhất.

Ngoài ra Corticoid làm ảnh hưởng đến cách các tế bào bạch cầu hoạt động. Điều này làm giảm/ ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch. Từ đó ngăn chặn viêm tiến triển và kiểm soát các triệu chứng ở những bệnh nhân có bệnh tự miễn.

5. Ai có thể dùng Corticoid?

Corticoid được dùng để điều trị nhiều bệnh lý. Bao gồm:

  • Các bệnh tự miễn (bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động sai cách, tấn côn vào các mô khỏe mạnh)
  • Cơn gout cấp
  • Viêm đại tràng (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng)
  • Hen suyễn
  • Viêm phế quản
  • Dự phòng nôn và buồn nôn do thuốc điều trị ung thư
  • Bệnh lý ở da như phát ban, eczema…
  • Viêm nhiễm hoặc các tình trạng dị ứng liên quan đến mắt và mũi
  • Một số thể viêm động mạch như viêm quanh động mạch nút, viêm động mạch thái dương

Ngoài ra Corticoid cũng được sử dụng cho những trường hợp sau:

  • Cấy ghép nội tạng. Thuốc ngăn chặn sự đào thải và ngăn chặn hệ thống miễn dịch ở bệnh nhân trải qua cấy ghép nội tạng hoặc có bệnh lý liên quan rối loạn hệ thống miễn dịch (dùng Corticosteroid glucocorticoid)
  • Điều trị các bệnh gây mất muối (điển hình như tăng sản thượng thận bẩm sinh), bệnh Addison (dùng Fludrocortisone – một Corticosteroid mineralocorticoid)
  • Trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Ung thư, điển hình như ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú giai đoạn cuối, u lympho, bệnh bạch cầu cấp.
Corticoid được dùng để điều trị lupus ban đỏ hệ thống
Corticoid thường được sử dụng để điều trị lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn khác

6. Chống chỉ định và thận trọng

Không dùng Corticoid cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với Corticoid
  • Loãng xương
  • Viêm gan siêu vi A hoặc B
  • Nhiễm khuẩn và nấm chưa điều trị đặc hiệu
  • Nhiễm trùng mắt chảy mủ cấp tính chưa điều trị
  • Viêm gai giác mạc (nhiễm Herpes simplex bề mặt cấp)
  • Bệnh thủy đậu
  • Lao mắt, nấm mắt
  • Nhiễm trùng do nấm, virus hoặc lao
  • Đang dùng vắc xin virus sống

Thận trọng và luôn hỏi bác sĩ khi dùng Corticoid cho những trường hợp sau:

  • Trẻ em
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Phụ nữ đang nuôi con bú
  • Người cao tuổi
  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Có các bệnh lý kèm theo như suy gan, suy thận, viêm loét dạ dày – tá tràng, suy giảm miễn dịch…
  • Người mới nối thông (mạch máu, ruột)
  • Rối loạn tâm thần
  • Trẻ đang lớn

7. Cách sử dụng Corticoid

Cách sử dụng Corticoid theo từng dạng bào chế

Đường uống

  • Uống thuốc trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn no để hạn chế đau dạ dày.
  • Không nhai hoặc nghiền nát. Nên nuốt trọn một viên thuốc. Ở dạng siro và hỗn dịch uống, không pha loãng thuốc với các dung dịch khác
  • Không sử dụng đồ uống có cồn trong khi sử dụng thuốc vì có thể làm tăng nguy cơ phát sinh vấn đề nghiêm trọng ở đến dạ dày.

Viên nang giải phóng kéo dài Budesonide

  • Nuốt toàn bộ viên nang, không nghiền nát, không nhai và không làm vỡ.

Thuốc bôi ngoài

  • Vệ sinh da sạch sẽ và lau khô
  • Bôi một lớp thuốc mỏng.

Thuốc tiêm

  • Tiêm vào khớp, cơ hoặc tiêm tĩnh mạch.
Thuốc Corticoid dạng tiêm
Thuốc Corticoid dạng tiêm được dùng bằng cách tiêm vào khớp, cơ hoặc tiêm tĩnh mạch

8. Liều dùng thuốc

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, mục đích điều trị và loại thuốc được chỉ định, liều dùng Corticoid thường khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là liều dùng được khuyến cáo của một số loại Corticoid thường gặp:

+ Betamethasone

Dạng bào chế uống (viên nén sủi bọt, viên nén, siro)

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Uống 0,25 – 7,2mg/ ngày. Chia thành nhiều liều hoặc uống một liều duy nhất.

Viên nén giải phóng kéo dài

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Dùng 1,2 – 12mg/ ngày.

Thuốc tiêm

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Dùng 2 – 6mg/ ngày.

+ Budesonide

Viên nang giải phóng kéo dài

  • Người lớn
    • Liều khởi đầu: Uống 9mg/ ngày, dùng tối đa 8 tuần.
    • Liều điều chỉnh: Uống 6mg/ ngày.

+ Cortisone

Viên nén

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Uống 25 – 300mg/ ngày. Chia thành nhiều liều hoặc uống một liều duy nhất.

Thuốc tiêm 

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Tiêm vào cơ 20 – 300mg/ ngày.

+ Dexamethasone

Dạng bào chế uống (dung dịch uống, viên nén)

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Uống 0,5 – 10mg/ ngày. Uống thuốc thường xuyên nếu cần.

Thuốc tiêm

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Tiêm vào khớp, cơ tổn thương, tiêm tĩnh mạch 20,2 – 40mg/ lần.

+ Hydrocortisone

Dạng bào chế uống (hỗn dịch uống, viên nén)

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Uống 20 – 800mg/ ngày. Chia thành nhiều liều hoặc uống một liều duy nhất. Sử dụng 1 – 2 ngày.

Thuốc tiêm

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Tiêm vào khớp, cơ tổn thương, tiêm tĩnh mạch 5 – 500mg/ lần/ ngày.

+ Methylprednisolone

Viên nén

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Uống 4 – 160mg/ ngày. Chia thành nhiều liều hoặc uống một liều duy nhất. Sử dụng 1 – 2 ngày.

Thuốc tiêm

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Tiêm vào khớp, cơ tổn thương, tiêm tĩnh mạch 4 – 160mg/ lần/ ngày.

+ Prednisolone

Dạng bào chế uống (dung dịch uống, viên nén, siro)

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Uống 5 – 200mg/ ngày. Uống thường xuyên nếu cần.

Thuốc tiêm

  • Người lớn và thanh thiếu niên: Tiêm vào khớp, cơ tổn thương, tiêm tĩnh mạch 2 – 100mg/ lần/ ngày. Dùng thường xuyên nếu cần.

Lưu ý:

  • Đối với trẻ em, liều dùng Corticoid dựa trên kích thước và trọng lượng của cơ thể, tình trạng sức khỏe và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Liều dùng Corticoid cho người lớn và thanh thiếu niên ở nhiều loại và nhiều dạng điều chế
Liều dùng Corticoid cho người lớn và thanh thiếu niên ở nhiều loại và nhiều dạng điều chế

9. Cách bảo quản

Corticoid cần được bảo quản trong lọ, vỉ thuốc. Đặt thuốc ở những nơi khô ráo, thoáng mát, xa tầm tay trẻ em và không có ánh sáng chiếu trực tiếp.

Dùng Corticoid cần lưu ý những gì?

Corticoid là một loại thuốc rất mạnh. Thuốc mang đến hiệu quả điều trị cao và nhanh.Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ và rủi ro khi dùng. Vì thế trước khi dùng thuốc cần lưu ý những điều dưới đây:

1. Các khuyến cáo

Để dùng thuốc Corticoid an toàn, cần lưu ý một vài khuyến cáo:

  • Chỉ sử dụng Corticoid sau khi được thăm khám kỹ lưỡng và có đơn thuốc từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Sử dụng thuốc đúng liều và đúng cách. Tuyệt đối không tự ý giảm hoặc tăng liều dùng so với liều điều trị.
  • Dùng thuốc với liều nhỏ nhất có tác dụng để kiểm soát bệnh.
  • Thông báo với bác sĩ chuyên khoa về đơn thuốc đang dùng và các bệnh lý đi kèm. Điều này giúp tránh làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, không gây tương tác thuốc dẫn đến các tình trạng nguy hiểm.
  • Liên hệ với bác sĩ nếu triệu chứng không giảm, xấu đi hoặc phát sinh tác dụng phụ.
  • Bisphosphonate có thể được dùng kết hợp với Corticoid để phòng ngừa và điều trị các vấn đề về xương.
  • Dùng thuốc Corticoid có thể làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Vì thế cần theo dõi lượng đường huyết trong thời gian điều trị.
  • Theo dõi huyết áp và chỉ điều trị khi cần thiết.
  • Theo dõi mật độ xương, dùng thuốc bổ sung canxi và các chất bổ sung khác để giúp xương khỏe mạnh, giảm nguy cơ loãng xương do Corticoid. Đặc biệt là người lớn tuổi và phụ nữ mãn kinh.
  • Do khả năng ức chế miễn dịch nên Corticoid có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, giảm hiệu quả khi dùng kháng sinh hoặc vắc xin.
  • Dùng thuốc kéo dài có thể gây ra tình trạng teo (co lại) của tuyến thượng thận. Điều này làm ảnh hưởng đến chức năng sản xuất Cortisol, Corticoid tự nhiên.
  • Không đột ngột ngừng sử dụng thuốc Corticoid sau một thời gian dài sử dụng vì có thể dẫn đến các bệnh lý cho tuyến thượng thận. Điều này xảy ra là do cơ thể không có khả năng tiết đủ cortisol để bù đắp cho việc ngừng sử dụng thuốc. Các dấu hiệu nhận biết gồm buồn nôn, nôn và sốc.
  • Trẻ em dùng thuốc Corticoid có thể bị còi cọc, tăng nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và nhiễm trùng sởi nghiêm trọng.
  • Một lượng nhỏ Corticoid bài tiết qua sữa mẹ. Khi dùng cho thể làm ảnh hưởng đến vấn đề về tăng trưởng của trẻ. Vì thế cần tránh dùng thuốc nếu đang nuôi con bú.
  • Theo dõi mức độ đông máu khi dùng Corticoid cùng với Warfarin (Coumadin).
  • Hạn chế hút thuốc lá và sử dụng rượu trong thời gian điều trị với Corticoid. Vì điều này có thể gây hại cho dạ dày và làm tăng nguy cơ phát sinh nhiều tác dụng phụ khác.
  • Cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối khi tiêm thuốc vào khớp.
  • Trẻ em thường nhạy cảm hơn với biểu hiện ức chế tuyến thượng thận khi chữa bệnh bằng thuốc bôi tại chỗ.
Trẻ em dùng thuốc bôi thường nhạy cảm hơn với biểu hiện ức chế tuyến thượng thận
Trẻ em dùng thuốc bôi thường nhạy cảm hơn với biểu hiện ức chế tuyến thượng thận

2. Tác dụng phụ

Bất kỳ ai sử dụng Corticoid đều có khả năng gặp tác dụng phụ. Tuy nhiên nguy cơ thường giảm ở những bệnh nhân dùng thuốc ngắn hạn và với liều thấp.

Tác dụng phụ ít phổ biến

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Thường xuyên khát nước
  • Giảm thị lực
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, giảm hiệu quả của kháng sinh và vắc xin
  • Kích ứng dạ dày
  • Khó ngủ
  • Lo lắng, bồn chồn
  • Mất kali
  • Đau đầu
  • Phát triển lông

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Mù
  • Phát ban da
  • Thay đổi tâm trạng
  • Tăng cân
  • Yếu cơ
  • Sưng mặt
  • Bệnh tiểu đường khởi phát hoặc nghiêm trọng hơn
  • Tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể
  • Bệnh huyết áp cao khởi phát hoặc trầm trọng hơn
  • Nổi mụn
  • Sưng chân hoặc tăng cân do chất lỏng và muối bị giữ lại trong cơ thể
  • Kinh nguyệt không đều
  • Loét dạ dày tá tràng
  • Trẻ bị còi xương

Tác dụng phụ do dùng Corticoid liều cao kéo dài

  • Béo phì
  • Rối loạn tâm thần
  • Co giật
  • Hưng phấn
  • Mất ngủ trầm trọng
  • Xuất hiện các hành vi loạn thần
  • Loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương
  • Tuyến thượng thận bị co lại
  • Hoại tử tuyến thượng thận
  • Vết thương chậm lành
  • Da teo mỏng, dễ bầm tím
  • Hội chứng Cushing

Tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp dự phòng tác dụng phụ. Ngoài ra nếu có tác dụng phụ hoặc các bất thường khác, người bệnh nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa để tìm hướng xử lý.

3. Tương tác thuốc

Corticoid có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc. Tình trạng này có thể làm giảm tác dụng và tăng nguy cơ ngộ độc. Vì thế không dùng chung Corticoid với những loại thuốc sau:

  • Ketoconazole, Clarithromycin, Erythromycin, Troleandomycin (TAO): Những loại thuốc này có khả năng làm giảm sự phân hủy Corticoid qua gan, tăng tác dụng phụ trong cơ thể.
  • Ephedrine, Phenytoin, Phenobarbital, Rifampin: Những loại thuốc này làm tăng sự phân hủy Corticoid, giảm nồng độ thuốc trong máu. Vì thế cần tăng liều Corticoid nếu phải dùng kết hợp.
  • Estrogen: Estrogen làm tăng tác dụng phụ của Corticoid bằng cách giảm sự phân hủy của thuốc qua gan.
  • Các thuốc làm giảm kali trong máu (như Amphotericin B, thuốc lợi tiểu): Dùng Amphotericin B, thuốc lợi tiểu cùng với Corticoid gây hạ kali máu và tăng nguy cơ suy tim.
  • Thuốc kháng Cholinesterase (như Physostigmine): Sự tương tác gây suy nhược nghiêm trọng khi cho bệnh nhân nhược cơ.
  • Cholestyramine (Questran, Questran Light): Cholestyramine làm suy giảm sự hấp thu Corticoid đường uống từ dạ dày. Từ đó giảm nồng độ thuốc trong máu.

Lưu ý: Corticoid có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khác không được liệt kê trong bài viết. Do đó cần thông báo với bác sĩ về đơn thuốc đang dùng trước khi sử dụng Corticoid.

Corticoid có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc
Corticoid có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc dẫn đến giảm tác dụng và tăng nguy cơ ngộ độc

4. Quá liều và cách xử lý

Triệu chứng quá liều cấp

Triệu chứng dùng Corticoid quá liều thường bao gồm:

  • Yếu cơ
  • Hội chứng dạng Cushing
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Phát ban da
  • Thay đổi tâm trạng
  • Rối loạn tâm thần
  • Co giật
  • Hưng phấn
  • Xuất hiện các hành vi loạn thần
  • Tăng huyết áp

Cách xử lý

Khi dùng thuốc quá liều (có triệu chứng sốc, phản ứng bất thường), người bệnh cần kích thích nôn và di chuyển đến bệnh viện ngay lập tức. Khi điều trị quá liều cấp tính, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp:

  • Rửa dạ dày (uống thuốc quá liều)
  • Dùng than hoạt ngăn hấp thu thuốc
  • Cung cấp đủ oxy
  • Điều trị triệu chứng và hồi sức tích cực
  • Theo dõi tình trạng

Dùng thuốc quá liều (không đáng kể) dài ngày, bệnh nhân có thể bị yếu cơ, loãng xương và hội chứng dạng Cushing. Đối với trường hợp này, người bệnh cần ngừng hẳn hoặc tạm ngừng dùng thuốc Corticoid.

Đến bệnh viện khi dùng thuốc quá liều gây triệu chứng sốc, phản ứng bất thường
Đến bệnh viện khi dùng thuốc Corticoid quá liều gây triệu chứng sốc và các phản ứng bất thường

Corticoid là một loại thuốc điều trị rất mạnh, có khả năng chống viêm, chống dị ứng và ức chế hệ miễn dịch. Hầu hết bệnh nhân dùng thuốc đều có kết quả tốt. Tuy nhiên thuốc dễ gây tác dụng nghiêm trọng, tăng nguy cơ loãng xương, còi xương ở trẻ, nhiễm trùng… Vì thế người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và chỉ sử dụng khi cần thiết.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua