Trẻ Bị Trật Khớp Vai: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Chữa Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Trẻ bị trật khớp vai thường do đột ngột kéo tay, trẻ té ngã với cánh tay xoay trong, đưa ra sau hoặc dạng tay quá mức. Khi chấn thương xảy ra, chỏm xương cánh tay với ổ chảo có sự chênh lệch đáng kể. Điều này dẫn đến biến dạng khớp vai, đau đớn, khó vận động khiến trẻ khó chịu và quấy khóc thường xuyên.

Trẻ bị trật khớp vai
Trẻ bị trật khớp vai có chỏm xương cánh tay trên di lệch hoàn toàn hoặc một phần với ổ chảo

Thế nào là trật khớp vai ở trẻ?

Trẻ bị trật khớp vai thường do té ngã. Đây là một chấn thương nghiêm trọng, thể hiện cho tình trạng di lệch hoàn toàn hoặc không hoàn toàn giữa chỏm xương cánh tay trên (quả bóng của xương cánh tay trên) và ổ chảo (phần cốc) của xương bả vai.

Tùy thuộc vào tình trạng mà chỏm xương cánh tay trên có thể bị trật ra trước, trật ra sau hoặc trật xuống dưới. Ngoài ra trật khớp vai thường kèm theo những tổn thương ở sụn bao quanh và dây chằng. Điều này gây yếu chi và dễ tái phát những chấn thương tương tự trong tương lai.

Ngay sau chấn thương, trẻ có cảm giác đau đớn đột ngột, hạn chế hoặc mất khả năng vận động tạm thời ở cánh tay, nhìn hoặc sờ thấy biến dạng ở vai. Trẻ bị trật khớp vai cần được sở cứu và điều trị sớm để ngăn tình trạng di lệch thêm.

Các kiểu trật khớp vai ở trẻ

Trật khớp vai được phân thành 3 kiểu dựa trên hướng và mức độ di lệch giữa ổ chảo của xương bả vai và chỏm xương cánh tay.

  • Trật ra trước: Những trẻ bị trật khớp vai ra trước có thể là trật khớp dưới xương đòn, trật khớp trong ngực, trật khớp dưới mỏm quạ, trật khớp ngoài mỏm quạ hoặc trật khớp trên ổ chảo. Kiểu trật khớp này thường kèm theo rách sụn viền, gãy chỏm xương cánh tay, gãy ổ chảo, tổn thương thần kinh/ mạch máu và những chấn thương nghiêm trọng khác.
  • Trật ra sau: Ở kiểu trật này, chỏm xương cánh tay lệch ra phía sau so với ổ chảo. Trật khớp vai ra sau thường kèm theo một số chấn thương khác gồm gãy mấu động xương cánh tay, tổn thương Hill-Sachs…
  • Trật xuống dưới: Ở kiểu trật này, chỏm xương cánh tay bị lệch khỏi ổ chảo và hướng xuống. Chấn thương thường kèm theo rách bao khớp, tổn thương bó mạch – thần kinh mũ, tổn thương chóp xoay khớp vai và tổn thương thần kinh.
Các kiểu trật khớp vai ở trẻ
Các kiểu trật khớp vai ở trẻ gồm trật ra trước, trật ra sau và trật xuống dưới

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trật khớp vai

Trẻ thường khóc ngay lập tức khi bị trật khớp vai. Khi kiểm tra sẽ nhận thấy những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

  • Vai sưng
  • Có biến dạng rõ rệt
  • Yếu chi trên
  • Hạn chế hoặc mất chuyển động ở vai và cánh tay
  • Tấy đỏ hoặc bầm tím ở vai
  • Đau đớn tức thì, đau tăng khi ấn nhẹ hoặc cố gắng cử động vai và cánh tay
  • Cảm thấy co thắt hoặc co cứng cơ
  • Có cảm giác châm chích hoặc tê bì khi có tổn thương dây thần kinh
  • Một số trẻ bị mất cảm giác ở cánh tay và cổ

Nguyên nhân khiến trẻ bị trật khớp vai

Trẻ bị trật khớp vai thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Té ngã

Trẻ bị trật khớp vai thường do té ngã. Trẻ bị trật khớp vai ra trước khi ngã với bàn tay hoặc khuỷu tay chống xuống nền cứng, cánh tay xoay trong, đưa ra sau hoặc dạng tay quá mức.

Nếu bàn tay chống xuống nền cứng và đưa cánh tay ra trước, ngã trong tư thế tay kép, trẻ sẽ bị trật khớp vai ra sau.

Trẻ té ngã với cánh tay xoay trong, đưa ra sau hoặc dạng tay quá mức dẫn đến trật khớp vai
Trẻ té ngã với cánh tay xoay trong, đưa ra sau hoặc dạng tay quá mức dẫn đến trật khớp vai
  • Đột ngột kéo tay

Việc đột ngột kéo tay của trẻ có thể dẫn đến trật khớp vai. Điều này thường xảy ra khi cố gắng kéo tay của trẻ để tránh bị té, xách một tay của trẻ và kéo lên. Đột ngột kéo tay dẫn đến trật khớp vai thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

  • Tai nạn giao thông

Chống tay xuống đất để nâng đỡ cơ thể hoặc có lực tác động trực tiếp vào vai có thể dẫn đến tình trạng trật khớp vai ở trẻ.

  • Cấu trúc khớp vai của trẻ còn lỏng lẻo

Khớp vai của trẻ nhỏ thường lỏng lẻo hơn so với người lớn, dễ bị trật khớp vai khi có tác động hoặc té ngã. Nguyên nhân là do dây chẳng hỗ trợ khớp xương chưa rắn chắc. Ngoài ra ở trẻ nhỏ, sụn viền bám vào xương ổ chảo còn yếu và dễ bị bong tróc ra khỏi ổ chảo. Điều này làm tăng nguy cơ trật khớp vai ở trẻ.

Trẻ bị trật khớp vai có nguy hiểm không?

Trẻ bị trật khớp vai cần được sơ cứu đúng cách và điều trị y tế ngay lập tức. Bởi đây là một chấn thương nghiêm trọng, cố định không chắc chắc có thể làm tăng mức độ di lệch. Điều này gây ra một số biến chứng sau:

  • Tổn thương mạch máu và dây thần kinh
  • Tổn thương đai xoay vai
  • Vỡ bờ ổ chảo
  • Rách chóp xoay vai. Điều này có thể bao gồm rách một hoặc nhiều gân và cơ hỗ trợ khớp vai
  • Mất tính ổn định của vai
  • Trật khớp vai tái hồi, rách chóp xoay vai hoặc khởi phát một chấn thương khác trong tương lai
  • Viêm khớp vai
  • Yếu cánh tay
  • Giảm khả năng vận động và phạm vi của vai

Về cơ bản, trật khớp vai ở trẻ gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể nặng hơn hoặc kéo dài nếu trì hoãn việc điều trị hoặc điều trị không đúng cách, đặc biệt là đau khớp vai.

Sơ cứu trẻ bị trật khớp vai

Khi trẻ bị trật khớp vai, phụ huynh nên cho trẻ sử dụng Ibuprofen hoặc Paracetamol với hàm lượng thích hợp để kiểm soát cơn đau. Sau đó cố gắng giữ yên khớp vai, khuỷu tay ép vào thân để hạn chế di lệch thêm.

Cho trẻ sử dụng Ibuprofen hoặc Paracetamol trong quá trình sơ cứu để giảm nhẹ cơn đau
Cho trẻ sử dụng Ibuprofen hoặc Paracetamol trong quá trình sơ cứu để giảm nhẹ cơn đau

Đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để khớp trật được điều chỉnh đúng cách, chỏm xương cánh tay trở lại vị trí cũ trong điều kiện theo dõi và kiểm soát của chuyên gia y tế/ bác sĩ chuyên khoa. Điều này đặc biệt quan trọng bởi trật khớp vai lần đầu tiên thường kèm theo tổn thương mô và nhầm lẫn với những chấn thương khác. Chẳng hạn như gãy xương.

Tại bệnh viện, trẻ được chụp X-quang xác định tình trạng và đánh giá mức độ di lệch khớp vai. Từ đó có hướng và phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Chẩn đoán xác định trẻ bị trật khớp vai

Trẻ bị trật khớp vai thường được phát hiện thông qua những triệu chứng lâm sàng. Để xác định mức độ nghiêm trọng và tìm kiếm những tổn thương khác, chụp X-quang sẽ được chỉ định.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ tiến hành kiểm tra và đánh giá các triệu chứng. Trong quá trình này, bác sĩ có thể sờ và quan sát vùng tổn thương. Khi bị trật khớp, vai sẽ có những bất thường sau:

  • Biến dạng vai rõ ràng
  • Sờ thấy hõm khớp rỗng
  • Tay bên trật ngắn hơn tay lành
  • Vai gù và mỏm cùng vai đưa lên
  • Khi trật khớp ra trước, cánh tay xoay và dạng 40 độ
  • Khi trật khớp ra sau, cánh tay khép và xoay vào trong
  • Khi trật khớp xuống dưới, cánh tay dạng cao và xoay ngoài nhẹ

Ngoài ra trẻ được hỏi về triệu chứng đau (vị trí và mức độ nghiêm trọng), thực hiện những chuyển động cơ bản của vai và cánh tay để đánh giá phạm vi chuyển động. Điều này giúp xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

2. Xét nghiệm hình ảnh

Sau kiểm tra lâm sàng, trẻ được chụp X-quang để xác định chẩn đoán. Kỹ thuật này giúp đánh giá tình trạng trật khớp, xác định kiểu trật và tổn thương đi kèm. Đồng thời phân biệt trật khớp với những tổn thương xương khác, chẳng hạn như gãy xương.

Chụp X-quang giúp xác định mức độ di lệch và kiểu trật khớp vai ở trẻ nhỏ
Chụp X-quang giúp xác định mức độ di lệch và kiểu trật khớp vai ở trẻ nhỏ

Ngoài X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng được chỉ định. MRI và CT giúp kiểm tra thương tổn ở mô mềm sau chấn thương. Từ đó phát hiện và đánh giá tổn thương ở mạch máu, dây thần kinh, cơ, dây chằng, sụn khớp.

CT cũng giúp tìm kiếm những tổn thương sâu và nhỏ của xương, các tổn thương tiềm ẩn và khó phát hiện trên hình ảnh X-quang.

Phương pháp điều trị cho trẻ bị trật khớp vai

Đối với trẻ bị trật khớp vai, điều trị y tế bao gồm nắn chỉnh hoặc phẫu thuật, bất động và tập phục hồi chức năng. Ngoài ra một số biện pháp chăm sóc cũng được hướng dẫn để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu cho trẻ.

1. Điều trị y tế

Dựa trên tình trạng, trẻ bị trật khớp vai được nắn chỉnh khớp trật hoặc phẫu thuật điều chỉnh. Sau đó dùng địu bất động và vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động.

  • Nắn chỉnh khớp trật

Những trường hợp được nắn chỉnh khớp trật:

    • Trật khớp vai không hoàn toàn
    • Không có tổn thương dây thần kinh, mạch máu, cơ, gân và dây chằng
    • Khớp trật trong phạm vi có thể nắn chỉnh được

Trong quá trình nắn chỉnh khớp trật, trẻ được gây tê hoặc gây mê toàn thân để giảm nhẹ cơn đau. Sau đó áp dụng các biện pháp nắn chỉnh bên ngoài để đưa chỏm xương cánh tay bị trật về vị trí cũ.

Các phương pháp nắn chỉnh trật khớp vai thường dùng:

    • Phương pháp Stimson
    • Phương pháp Traction Countertraction
    • Phương pháp Hippocrates
    • Phương pháp Kocher

Khi nắn chỉnh cho trẻ bị trật khớp vai, bác sĩ làm mềm cơ, thực hiện thao tác nhẹ nhàng và chậm rãi, chống co cơ. Không nên thực hiện thao tác quá nhanh hoặc mạnh để tránh gây tổn thương các mô quanh khớp.

  • Phẫu thuật

Đối với trẻ bị trật khớp vai, phẫu thuật được chỉ định khi:

    • Di lệch hoàn toàn, không thể nắn chỉnh khớp vai
    • Đau không giảm và kéo dài
    • Tổn thương dây thần kinh hoặc/ và mạch máu
    • Rách cơ, gân hoặc dây chằng

Trong phẫu thuật điều trị trật khớp vai, bệnh nhân được gây mê. Một vết mổ lớn được tạo ở trên, sau hoặc trước khớp vai. Sau đó bác sĩ tiếp cận với chỏm xương cánh tay và đưa nó về vị trí ban đầu.

Nếu có tổn thương mô, bác sĩ tiến hành sửa chữa dây chằng, cơ, gân hoặc mạch máu bị thương. Sau khi khâu vết mổ, bệnh nhân được đưa đến phòng hồi sức và theo dõi.

Sau phẫu thuật điều trị, vết thương được theo dõi và chăm sóc. Vai ảnh hưởng được cố định trong vài tuần, sau đó vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

  •  Bất động

Bệnh nhi được hướng dẫn sử dụng địu để bất động khớp vai và cánh tay khoảng 2 tuần. Điều này giúp khớp vai được giữ cố định sau khi chỉnh sửa, tạo điều kiện cho các mô bị thương lành lại và ổn định khớp. Ngoài ra bất động tạm thời cũng giúp giảm nhẹ cơn đau.

Sử dụng địu để bất động khớp vai và cánh tay sau điều chỉnh khớp trật
Sử dụng địu để bất động khớp vai và cánh tay sau điều chỉnh khớp trật, giúp các mô lành lại và ổn định khớp
  • Dùng thuốc giảm đau

Sau nắn chỉnh và phẫu thuật, cơn đau có thể kéo dài thêm vài ngày hoặc vài tuần. Vì thế Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sẽ được chỉ định để giảm nhẹ cơn đau. Paracetamol hỗ trợ trẻ kiểm soát những cơn đau nhẹ. NSAID giúp kiểm soát những cơn đau nghiêm trọng hơn và chống viêm.

Điều quan trọng là phải dùng thuốc đúng loại và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp làm dịu nhanh cơn đau, hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc.

  • Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu nên được bắt đầu sớm. Ngày đầu tiên sau chấn thương, nên chuyển động cổ tay và khuỷu tay với những bài tập nhẹ nhàng. Điều này giúp duy trì chuyển động và khối lượng cơ bắp.

Những bài tập cho cánh tay và khớp vai nên được thực hiện khi khớp vai đã ổn định (khoảng 1 – 2 tuần sau chấn thương). Phương pháp này gồm những bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ ở cánh tay và cơ ổn định vai. Đồng thời giúp giảm nhẹ cơn đau và hạn chế tình trang cứng khớp.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn giúp tăng phạm vi chuyển động cho vai, cải thiện tình trạng yếu chi, lấy lại tính linh hoạt và sức mạnh. Từ đó giúp trẻ bị trật khớp vai sớm trở lại hoạt động ưa thích, giảm nguy cơ trật khớp vai tái hồi.

2. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Bên cạnh điều trị y tế, phụ huynh nên áp dụng thêm các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng cho trẻ. Đồng thời hỗ trợ tăng tốc độ phục hồi.

  • Chườm đá

Dùng khăn bông bọc một vài viên đá và chườm vào vai trong 20 phút, mỗi 4 giờ 1 lần trong 48 – 72 giờ đầu. Biện pháp này mang đến nhiều lợi ích trong việc giảm viêm sưng và đau đớn.

Chườm đá
Chườm đá trong 20 phút, mỗi 4 giờ 1 lần để giảm viêm sưng và đau đớn ở khớp vai
  • Hạn chế những chuyển động bất lợi

Trẻ được yêu cầu đeo địu từ 1 đến 2 tuần. Trong thời gian này khớp vai cần được bất động; cổ tay, các ngón tay và khuỷu tay cần được cử động nhẹ nhàng để duy trì cơ bắp. Tránh những chuyển động ở vai khi khớp chưa ổn định. Ngoài ra không nên vươn thân người và tay qua đầu hoặc sang một bên.

  • Chuyển động nhẹ nhàng

Cần thường xuyên chuyển động nhẹ nhàng các ngón tay, cổ tay và khuỷu tay sau khi bị thương. Điều này giúp chúng không bị cứng và duy trì khối lượng cơ bắp. Khi thực hiện bài tập, có thể tháo địu khỏi cánh tay nhưng cần ép sát khuỷu tay vào hông. Dưới đây là một số bài tập giúp vận động nhẹ nhàng:

    • Nắm và duỗi các ngón tay, thực hiện liên tục 10 lần.
    • Lòng bàn tay mở và hướng lên trần nhà. Sau đó xoay cánh tay và hướng lòng bàn tay xuống sàn. Lặp lại động tác 10 lần.
    • Mở rộng khuỷu tay và bàn tay hướng xuống sàn. Sau đó gập khuỷu tay để những đầu ngón tay chạm vào vai. Lặp lại động tác 10 lần.
    • Gập và mở rộng cổ tay. Lặp lại động tác 10 lần.

Theo dõi và kiểm tra

Trẻ bị trật khớp vai cần tái khám theo lịch hẹn để được theo dõi và kiểm tra thường xuyên. Bởi trật khớp vai có thể khiến vai mất ổn định và tăng nguy cơ chấn thương tái phát.

Trong quá trình kiểm tra, bệnh nhân được chụp X-quang và xem xét vai để đánh giá sự ổn định của vai. Đồng thời xem phần ổ chảo của xương bả vai có bị thương hay không. Khi ổ chảo bị tổn thương và chưa ổn định, chỏm xương cánh tay có cơ hội trượt ra một lần nữa.

Nếu có những bất ổn đang diễn ra, MRI sẽ được lựa chọn để kiểm tra đặc điểm của bất ổn. Điều này giúp tìm hướng xử lý thích hợp, tránh chấn thương tái phát.

Trẻ bị trật khớp vai bao lâu phục hồi?

Thời gian phục hồi sau trật khớp vai phụ thuộc vào thời điểm và phương pháp điều trị, quá trình luyện tập sau chấn thương. Nếu điều trị sớm kết hợp vật lý trị liệu tích cực, khớp vai của trẻ có thể phục hồi sau điều trị bảo tồn từ 3 – 6 tháng, từ 1 – 2 năm đối với những trẻ điều trị phẫu thuật.

Thông thường trẻ có thể tiếp tục hầu hết các hoạt động sau chấn thương 2 tuần. Tuy nhiên tránh những hoạt động và các môn thể thao liên quan đến cử động vai, không nâng vật từ 6 tuần đến 3 tháng.

Sau khi khớp vai phục hồi, trẻ có thể trở lại các hoạt động thể chất và sinh hoạt bình thường. Thời gian chữa lành thường kéo dài ở những bệnh nhân điều trị chậm trễ, có tổn thương mô và không phục hồi chức năng tích cực.

Phòng ngừa trẻ bị trật khớp vai

Để duy trì chức năng và phòng ngừa trật khớp vai ở trẻ, cần áp dụng các biện pháp làm mạnh cơ gân ở vai và giảm nguy cơ té ngã. Cụ thể:

Khuyến khích trẻ tập yoga hoặc vận động nhẹ nhàng
Tập yoga hoặc vận động nhẹ nhàng để tăng cường gân cơ ổn định vai, phòng ngừa trẻ bị trật khớp vai
  • Loại bỏ những vật dụng cản trở đường đi, dùng thảm chống trượt… để giảm nguy cơ té ngã ở trẻ.
  • Không đột ngột kéo tay hoặc xách trẻ lên bằng một tay.
  • Tránh cho trẻ chơi những môn thể thao có nhiều khả năng va đập mạnh và té ngã.
  • Khuyến khích trẻ tập yoga hoặc vận động nhẹ nhàng. Điều này giúp tăng cường gân cơ ổn định vai, tăng phạm vi và sự linh hoạt của khớp xương, ngăn cứng khớp. Từ đó giảm nguy cơ trật khớp vai và những chấn thương khác ở trẻ.

Trẻ bị trật khớp vai chủ yếu do té ngã với cánh tay xoay trong hoặc dang rộng quá mức. Chấn thương gây đau đớn nghiêm trọng, biến dạng khớp và giảm khả năng vận động. Để phục hồi hoàn toàn, trẻ cần được thăm khám, nắn chỉnh sớm và vật lý trị liệu tích cực.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua