Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống nguy hiểm không? Cách trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống là một biến chứng phổ biến, có thể gây đau cơ, cứng khớp, tê tay chân hoặc đau lưng. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể gây khó khăn khi đi đứng hoặc mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để phục hồi sức khỏe xương khớp và ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống
Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống cần được chẩn đoán và điều trị hợp lý để tránh các rủi ro liên quan

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống là gì?

Hẹp ống sống là tình trạng thu hẹp một hoặc nhiều khoảng trống bên trong cột sống. Điều này có thể làm giảm lượng không gian dành cho tủy sống và các dây thần kinh phân nhánh ra khỏi tủy sống. Thiếu không gian có thể khiến các dây thần kinh bị kích thích, chèn ép, dẫn đến đau lưng, đau thần kinh tọa.

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống xảy ra khi đĩa đệm bị thoát vị chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống. Sự chèn ép này có thể gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng hoặc cột sống ngực. Những bệnh nhân này thường có triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm, chẳng hạn như đau lưng, cùng với các vấn đề về thăng bằng, yếu, tê, ngứa ran ở tay, chân do tủy sống bị chèn ép.

Trong hầu hết các trường hợp, hẹp ống sống thường phát triển chậm theo thời gian. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng hoặc những hao mòn tự nhiên khi cơ thể lão hóa. Do đó, hẹp ống sống thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, người bệnh có thể cảm thấy tê, đau, ngứa ran hoặc yếu ở cổ, cánh tay, chân, bàn chân hoặc bàn tay.

Hẹp ống sống có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong cột sống, nhưng thường phổ biến cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ.

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống như thế nào?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm bị khô, mất nước hoặc vỡ, khiến phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm chảy ra ngoài. Điều này có thể gây chèn ép các dây thần kinh ở gần đĩa đệm, dẫn đến đau cổ vai gáy, đau thần kinh tọa hoặc tê mỏi cánh tay, chân.

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sẽ gây chèn ép rễ thần kinh, giảm đường kính trước sau và đường kính ngang của ống sống, dẫn đến hẹp ống sống. Tình trạng này thường xảy ra ở cột sống thắt lưng, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa, với các triệu chứng như đau thắt lưng, hông, đau lan đến đùi, bắp chân.

Biến chứng hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm có thể làm tăng nguy cơ tê yếu cẳng chân, bắp chân, mông, chuột rút, yếu cơ và nhiều triệu chứng tương tự như đau thần kinh tọa. Thông thường, các triệu chứng sẽ được cải thiện khi người bệnh uốn cong người ra phía trước hoặc ngồi xuống, tuy nhiên cơn đau sẽ tái phát nếu trở lại tư thế đứng thẳng lưng gây thu hẹp khoảng cách bên trong ống sống.

Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống có thể ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng và cột sống cổ, dẫn đến cứng khớp, tê và đau lưng. Ngoài ra, đôi khi tình trạng này có thể dẫn đến một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:

Tiêu chuẩn chẩn đoán hẹp ống sống
Đau lưng, tê yếu ở cánh tay, vai và đau thần kinh tọa là dấu hiệu hẹp ống sống phổ biến nhất
  • Đau thần kinh tọa: Cơn đau bắt đầu từ hông, lan đến đùi, bắp chân.
  • Mất kiểm soát chân: Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau, yếu chân, dẫn đến mất kiểm soát, té ngã hoặc va đập chân.
  • Đứng hoặc đi lại khó khăn: Khi đứng thẳng người, các đốt sống có xu hướng thu hẹp khoảng cách, điều này có thể dẫn đến đau đớn, khó chịu và di chuyển khó khăn.
  • Đau cơ: Các đau có thể bắt đầu ở cột sống lan đến cánh tay và chân.
  • Các bệnh lý tủy: Hẹp ống sống có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh cột sống, khiến người bệnh cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu ở tay, chân.
  • Mất kiểm soát bàng quang và ruột: Trong các trường hợp nghiêm trọng, hẹp ống sống có thể gây suy yếu các dây thần kinh đến ruột, bàng quang, dẫn đến đại tiểu tiện mất kiểm soát.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: Chùm đuôi ngựa là dây thần kinh cuối cùng của tủy sống. Nếu hẹp ống sống ở khu vực này có thể dẫn đến mất cảm giác ở vùng xương chậu, gây tiểu không tự chủ. Các tổn thương thần kinh này có thể là vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống là một tình trạng nghiêm trọng, cần được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe tổng thể.

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống có nguy hiểm không?

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống có thể gây đau, nhưng thường không gây tê liệt cột sống. Tuy nhiên nếu thần kinh cột sống hoặc tủy sống bị chèn ép trong thời gian dài có thể dẫn đến tê, liệt vĩnh viễn. Ngoài ra, nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian và dẫn đến nhiều biến chứng, chẳng hạn như:

  • Tê liệt
  • Yếu cơ, yếu chân và cánh tay
  • Gặp vấn đề về sự thăng bằng
  • Mất kiểm soát bàng quang và ruột
  • Bại liệt

Các biến chứng do thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống có thể là vĩnh viễn và không thể điều trị. Do đó, nếu nhận thất các triệu chứng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị ngay lập tức. Thông báo với bác sĩ ngay khi bị tê, yếu ở cánh tay hoặc chân.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống

Bác sĩ có thể kiểm tra lịch sử y tế của người bệnh, hỏi về các triệu chứng và tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể.

Trong quá trình kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể sờ cột sống, ấn vào các khu vực bị đau, đề nghị người bệnh uốn cong cột sống theo nhiều hướng khác nhau để xác định các triệu chứng hẹp ống sống. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh di chuyển để kiểm tra khả năng cân bằng, đồng thời kiểm tra sức mạnh của cánh tay và chân.

Phẫu thuật hẹp ống sống thắt lưng
Bác sĩ sẽ kiểm tra cấu trúc cột sống để xác định các tổn thương, mức độ nghiêm trọng của cơn đau

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra cột sống, xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang có thể giúp bác sĩ xác định những thay đổi bên trong cấu trúc cột sống, chẳng hạn như thay đổi chiều cao của đĩa đệm, nhân đĩa đệm tràn ra bên ngoài hoặc đĩa đệm gây chèn ép các cấu trúc bên ngoài cột sống. Bên cạnh đó, hình ảnh X – quang cũng giúp bác sĩ phát hiện các gai xương đang gây thu hẹp không gian cột sống.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến và từ trường cực mạnh để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cột sống. MRI có thể cung cấp các hình ảnh chi tiết về thần kinh, đĩa đệm, tủy sống và các khối u, xương gây thu hẹp không gian ống sống.
  • Chụp CT hoặc chụp tủy đồ CT: Chụp cắt lớp vi tính (CT) là sự kết hợp của các tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cột sống. Chụp CT tủy đồ có thể kết hợp với thuốc cản quang để giúp bác sĩ quan sát tủy sống và dây thần kinh tốt hơn.

Nếu đang có các triệu chứng hẹp ống sống, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán xác định các tổn thương thần kinh, tủy sống và có kế hoạch điều trị hiệu quả.

Các biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu các triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị tự chăm sóc tại nhà. Nếu các phương pháp này không mang lại hiệu quả hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

1. Giảm đau tại nhà

Các biện pháp giảm đau và chăm sóc tại nhà được chỉ định cho các trường hợp nhẹ, cơn đau không nghiêm trọng và không có các rối loạn kèm theo. Các biện pháp này thường bao gồm:

  • Chườm nóng: Chườm nóng là lựa chọn giảm đau tốt nhất, có thể cải thiện các triệu chứng đau đớn, cứng khớp, tăng cường lưu thông máu, giúp giãn cơ và ngăn ngừa các rủi ro phát sinh. Khi chườm nóng cần thận trọng, tránh nhiệt độ quá cao hoặc chườm nóng trực tiếp lên da, điều này có thể dẫn đến bỏng da.
  • Chườm lạnh: Nếu chườm nóng không mang lại hiệu quả cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể chườm đá. Chườm đá trong 20 phút có thể giúp giảm sưng, viêm và đau đớn.
  • Tập thể dục: Tập thể dục và duy trì vận động có thể giúp giảm đau, tăng cường cơ bắp hỗ trợ cột sống, cải thiện tính linh hoạt cũng như khả năng giữ thăng bằng của người bệnh. Tuy nhiên, trước khi lên kế hoạch tập thể dục hoặc hoạt động thể chất, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để tránh gây tổn thương cột sống.
  • Thực hiện các tư thế tốt: Người bệnh thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống được khuyến cáo đúng thẳng, ngồi trên một chiếc ghế hỗ trợ cột sống và ngủ trên nệm cứng. Khi nâng vật nặng, hãy uốn cong đầu gối, không uốn cong lưng và cột sống để tránh gây đau đớn.
  • Giảm cân: Cân nặng quá mức có thể gây áp lực lên lưng, khiến các triệu chứng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhiều bệnh nhân hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với các triệu chứng nhẹ và nguy cơ biến chứng thấp. Do đó, nếu các triệu chứng kéo dài, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và chăm sóc phù hợp nhất.

2. Điều trị không phẫu thuật

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống không phẫu thuật bao gồm sử dụng thuốc, tập vật lý trị liệu, tiêm steroid. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị các thủ thuật giải tỏa chèn ép lên tủy sống, ống sống, từ đó cải thiện cơn đau và các triệu chứng liên quan.

Hẹp ống sống thắt lưng
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống

Thuốc điều trị:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn chẳng hạn như Aspirin, Acetaminophen, Ibuprofen hoặc Naproxen, có thể giúp cải thiện cơn đau hiệu quả trong thời gian ngắn.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline, có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau mãn tính, từ đó hỗ trợ phục hồi chức năng vận động linh hoạt.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioids) được chỉ định để cải thiện các cơn đau nghiêm trọng, không đáp ứng các loại thuốc giảm đau thông thường. Thuốc này được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, do đó không được lạm dụng thuốc.
  • Thuốc giãn cơ có tác dụng thư giãn các cơ, giúp phục hồi khả năng chuyển động linh hoạt.
  • Thuốc chống động kinh có thể được chỉ định để cải thiện cải thiện các tổn thương thần kinh do hẹp ống sống.
  • Tiêm corticosteroid vào lưng hoặc cổ có thể làm giảm viêm, giảm đau và phục hồi chức năng đĩa đệm.

Vật lý trị liệu:

  • Các nhà vật lý trị liệu có thể lập một kế hoạch tập luyện phù hợp với triệu chứng của từng người bệnh. Các bài tập có thể làm tăng sức mạnh, cải thiện tính thăng bằng, tính linh hoạt và sự ổn định của cột sống.
  • Các bài tập chủ yếu tăng cường cơ lưng và cơ bụng, từ đó giúp cột sống dẻo dai hơn. Các nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh cách mở rộng ống sống, giúp giảm bớt áp lực lên các dây thần kinh, từ đó cải thiện các triệu chứng hẹp ống sống.

Tiểu phẫu giảm áp lực:

  • Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các tiểu phẫu giảm áp lực lên cột sống, từ đó giảm đau và cải thiện chức năng cột sống. Thủ thuật này được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ, không cần gây mê toàn thân và không cần khâu.
  • Thủ thuật này sẽ được hướng dẫn bởi tia X và thuốc cản quang. Bác sĩ sẽ sử dụng các công cụ đặc biệt để loại bỏ áp lực lên tủy sống, dây thần kinh.
  • Quy trình này không gây tổn thương cấu trúc cột sống, ít ảnh hưởng đến cơ và có thời gian phục hồi nhanh chóng. Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày thực hiện thủ thuật và tiến hành vật lý trị liệu để cải thiện chức năng cột sống.

3. Phẫu thuật điều trị

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống được chỉ định khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, người bệnh không cần phẫu thuật giảm áp lực lên ống sống.

Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp như:

  • Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống
  • Cơn đau nghiêm trọng, gây chèn ép tủy sống và các dây thần kinh
  • Gặp khó khăn khi đi lại, giữ thăng bằng
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang hoặc có vấn đề về chức năng tình dục

Các phương pháp phẫu thuật thường bao gồm việc loại bỏ các phần đĩa đệm chèn ép lên ống sống và các dây thần kinh cột sống. Các loại phẫu thuật phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt lớp: Loại phẫu thuật này có thể loại bỏ một phần nhỏ đĩa đệm bị thoát vị, từ đó giảm áp lực lên ống sống, tủy sống và các dây thần kinh.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống (Laminoplasty): Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần sau của đốt sống bị ảnh hưởng, từ đó mở rộng không gian ống sống.
  • Thủ thuật mở lá đốt sống (Laminotomy): Bác sĩ sẽ loại bỏ phần phần đốt sống và đĩa đệm bị thoát vị, để giảm áp lực, giảm đau.
  • Phẫu thuật mở lỗ liên hiệp (Foraminotomy): Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần đĩa đệm hoặc gai xương gây ảnh hưởng đến lỗ liên hiệp, cung cấp thêm không gian cho các rễ thần kinh và ngăn ngừa cơn đau, viêm khớp.
  • Hợp nhất cột sống: Phẫu thuật này được cân nhắc nếu thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống gây đau thần kinh nghiêm trọng, cột sống không ổn định và không đáp ứng các phương pháp khác. Trong phẫu thuật này bác sĩ sẽ nối hai đốt sống lại với nhau vĩnh viễn nhằm mang lại sự ổn định, không gây đau đớn và giảm nguy cơ thoát vị đĩa đệm tái phát.

Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống rất an toàn, tuy nhiên phẫu thuật cùng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, hình thành cục máu đông và các phản ứng với thuốc mê. Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể gây tổn thương thần kinh, không thể cải thiện các triệu chứng hoặc cần phẫu thuật bổ sung. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ về lợi ích và các rủi ro để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.

Có thể phòng ngừa thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống không?

Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống là biến chứng nghiêm trọng không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số biện pháp giúp làm giảm rủi ro mắc bệnh cũng như làm chậm quá trình hình thành, chẳng hạn như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì trọng lượng cơ thể khoa học
  • Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Duy trì các tư thế tốt, giữ cột sống luôn thẳng
  • Thường xuyên tập thể dục, duy trì vận động thể chất

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống có thể kiểm soát bằng nhiều biện pháp không phẫu thuật và phẫu thuật. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng, điều quan trọng là đến bệnh để được chẩn đoán và chăm sóc sức khoẻ phù hợp.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua