Ung Thư Phổi Di Căn Xương: Triệu Chứng, Chẩn Đoán, Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Ung thư phổi di căn xương là bệnh ung thư xương thứ cấp do tế bào ung thư từ phổi lây lan đến xương. Điều này gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở xương dẫn đến đau đớn, xương yếu, dễ gãy. Ngoài ra bệnh nhân bị ung thư di căn xương có tiên lượng rất thấp.

Ung thư phổi di căn xương
Thông tin cơ bản về triệu chứng, tiên lượng và phương pháp điều trị ung thư phổi di căn xương

Ung thư phổi di căn xương là gì?

Ung thư phổi di căn xương là tình trạng tế bào ung thư từ phổi di căn và làm ảnh hưởng đến xương, ung thư không bắt nguồn từ xương.Trong bệnh lý này, những tế bào trong phổi tăng trưởng bất thường, hình thành khối u ác tính.

Khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, các tế bào ung thư từ phổi di chuyển đến tổ chức xương, làm hỏng cấu trúc, xương yếu và đau đớn. Điều này được gọi chung là ung thư di căn xương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, xương là bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất từ ung thư phổi. Tuy nhiên những tế bào ung thư cũng có thể lây lan sang nhiều khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như não, tuyến thượng thận, gan và hạch bạch huyết.

Tình trạng di căn xương thường xảy ra trong giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) của ung thư phổi. Chính vì thế bệnh nhân có tiên lượng rất thấp. Quá trình điều trị thường nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và thời gian sống sót của bệnh nhân.

Nguyên nhân gây ung thư phổi di căn xương

Ung thư phổi di căn xương phát triển từ bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Ung thư phổi giai đoạn cuối.
Ung thư phổi giai đoạn cuối là nguyên nhân phát triển bệnh ung thư phổi di căn xương

Các loại ung thư phổi di căn xương

Thông thường, xương liên tục thay đổi bằng cách sản sinh những mô xương mới thay thế cho mô xương cũ. Trong quá trình này mô xương mới đang hình thành trong khi mô xương cũ đang phân hủy. Sau phân hủy, mô xương cũ trở thành những khoáng chất lưu thông trong máu. Toàn bộ quá trình được gọi là tu sửa.

Ở bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối, khối u bắt đầu xâm lấn cùng sự di căn của những tế bào ung thư. Điều này làm đảo lộn quá trình tái tạo xương. Tùy thuộc vào loại tế bào xương bị ảnh hưởng, xương có thể quá đặc hoặc trở nên suy yếu.

Ung thư phổi di căn xương có thể là nguyên bào xương hoặc tiêu xương hoặc cả hai loại di căn.

  • Nguyên bào xương (phản ứng thoái hóa xương): Loại di căn xương này xảy ra khi có quá nhiều tế bào xương mới.
  • Tiêu xương: Tiêu xương xảy ra nếu có quá nhiều xương bị phá hủy.
  • Hỗn hợp: Tiêu xương và phản ứng thoái hóa xương xuất hiện đồng thời trên cùng một đoạn xương.

Tất cả loại ung thư phổi di căn xương đều gây ra những tổn thương xương và làm khởi phát những triệu chứng nghiêm trọng.

Vị trí xương hay bị di căn

Ung thư phổi có thể di căn đến bất kỳ đoạn xương nào của cơ thể. Những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất:

Trong đó xương cột sống, xương sườn và xương chậu là những vị trí bị ảnh hưởng sớm nhất.

Triệu chứng của ung thư phổi di căn xương

Để nhận biết bệnh cũng như là ung thư phổi giai đoạn cuối, người bệnh có thể dựa vào những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

Đau xương
Các triệu chứng gồm đau xương, xương yếu, dễ gãy, chậm chạm, tăng calci huyết

Triệu chứng của ung thư giai đoạn cuối

  • Đau đớn
  • Khó thở
  • Khó tập trung
  • Hoang mang
  • Ho nhiều
  • Bồn chồn
  • Giảm cảm giác thèm ăn, ít quan tâm đến ăn uống
  • Khi thở nghe thấy tiếng kêu lục cục ở phần trên của ngực và cổ họng
  • Tạm dừng giữa những nhịp thở hoặc thở nhanh.

Triệu chứng của di căn xương

  • Đau xương
    • Thường đau ở ngực, lưng hoặc hông
    • Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng hơn vào buổi sáng khi thức dậy
    • Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian
  • Xương yếu, dễ gãy
  • Gãy xương bệnh lý xảy ra ngay cả trong những hoạt động bình thường
  • Nếu ung thư di căn xương tạo thành khối u chèn ép tủy sống, các triệu chứng bao gồm:
    • Tê và yếu chi
    • Khó vận động
    • Dễ vấp ngã
    • Rối loạn cảm giác
    • Khó kiểm soát nhu động ruột và khó tiểu
  • Nếu ảnh hưởng đến dây thần kinh, các triệu chứng gồm:
    • Tê và yếu ở vùng cơ dưới khối u
    • Có cảm giác kiến bò hoặc châm chích
  • Chán ăn
  • Chậm chạm
  • Triệu chứng tăng calci huyết
    • Thường xuyên khát nước
    • Buồn ngủ
    • Buồn nôn
    • Mệt mỏi
    • Lú lẫn
  • Triệu chứng toàn thân
    • Xuất hiện hạch ngoại vi
    • Thiếu máu do tủy xương bị tổn thương
    • Sụt cân
    • Xuất huyết
    • Nhiễm trùng

Tiên lượng và biến chứng

Nhìn chung ung thư phổi di căn xương có tiên lượng xấu. Khi di căn xương, ung thư phổi đã tiến triển đến giai đoạn cuối. Trong giai đoạn này, ung thư không được điều trị dứt điểm, bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn.

Ngoài ra bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Tăng canxi huyết
  • U cột sống chèn ép tủy sống dẫn đến tê liệt
  • Rối loạn cảm giác, mất chức năng kiểm soát ruột và bàng quang
  • Tổn thương tủy xương dẫn đến thiếu máu
  • Xuất huyết
  • Bội nhiễm

Thông thường bệnh nhân bị ung thư di căn xương sẽ được điều trị tích cực để giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống. Đồng thời nâng cao chất lượng đời sống và ngăn ngừa các biến chứng. Tiên lượng càng cao khi quá trình điều trị càng diễn ra sớm.

Ung thư phổi di căn xương sống được bao lâu?

Tuổi thọ của bệnh nhân không được xác định chính xác. Tỷ lệ sống sót được ước tính thấp hơn so với những loại ung thư di căn khác (như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt).

  • Tỷ lệ sống sót sau 6 tháng: 50%
  • Tỷ lệ sống sót sau 1 năm: 10%
  • Tỷ lệ sống sót sau 3 năm: 6%
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm: 1%
Tỷ lệ sống sót sau 1 năm khoảng 10%
Ung thư phổi di căn xương có tỷ lệ sống sót sau 1 năm khoảng 10%, 1% sau 5 năm

Những yếu tố thuận lợi dưới đây có thể làm tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhân:

  • Phụ nữ
  • Chỉ bị ung thư biểu mô vô tuyến
  • Tế bào ung thư chỉ di căn đến một đoạn xương
  • Không có gãy xương bệnh lý
  • Phản ứng tốt với những phương pháp điều trị

Những yếu tố làm thay đổi tuổi thọ của bệnh nhân:

  • Sức khỏe tổng thể
  • Các bệnh lý đi kèm
  • Tuổi tác
  • Số lượng xương và vị trí bị ảnh hưởng
  • Tốc độ phát triển của ung thư.

Chẩn đoán ung thư phổi di căn xương

Để chẩn đoán ung thư phổi di căn xương, bệnh nhân được kiểm tra tiền sử bệnh, phương pháp điều trị ung thư gần đây (nếu có) và các triệu chứng lâm sàng (bao gồm triệu chứng ở xương và liên quan đến phổi). Điều này giúp chẩn đoán và đánh giá sơ nét về bệnh ung thư phổi lây lan xương.

Để xác định số lượng xương bị ảnh hưởng và tốc độ phát triển bệnh, những xét nghiệm dưới đây sẽ được chỉ định:

  • Phân tích mô bệnh học (sinh thiết): Đây chính là tiêu chuẩn vàng để xác định bệnh ung thư phổi. Trong kỹ thuật này, bác sĩ tiến hành nội soi phế quản để lấy một mẫu khối u với u trung tâm. Hoặc sinh thiết xuyên thành ngực để làm xét nghiệm với u ngoại vi. Sinh thiết xương cũng được thực hiện để phát hiện tế bào ung thư trong xương và phân tích. Điều này giúp đánh giá tốc độ phát triển và lây lan của ung thư, xác định phương pháp điều trị.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh sẽ làm tăng nồng độ calci trong máu. Chính vì thế xét nghiệm máu sẽ được chỉ định để đánh giá sự thay đổi này.
  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang để kiểm tra khối u ở xương, xác định vị trí và kích thước khối u, tình trạng kết đặc xương hoặc những thương tổn do tiêu xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Để kiểm tra xương và tổ chức phần mềm xung quanh, MRI sẽ được chỉ định. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ phát hiện ung thư phổi, sự di căn, tổn thương ở xương và các mô khác. Từ đó xác định mức độ nghiêm trọng, khả năng điều trị và phương pháp thích hợp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh ba chiều cung cấp thông tin chi tiết về tổn thương xương và mô mềm. Đồng thời đánh giá khả năng di căn.
  • Chụp cắt lớp xương: Nếu nghi ngờ ung thư phổi di căn đến nhiều đoạn xương trên cơ thể, chụp cắt lớp xương sẽ được chỉ định. Chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch phát ra điểm sáng ở nơi có tổn thương. Điều này giúp dễ dàng hơn trong việc xác định xương bị thương.

Điều trị ung thư phổi di căn xương

Để điều trị ung thư phổi di căn xương, nhiều phương pháp khác nhau được chỉ định dựa trên tình trạng cụ thể và nguyên tắc. Bao gồm:

Nguyên tắc điều trị:

  • Chăm sóc và điều trị triệu chứng để tăng chất lượng đời sống.
  • Ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình di căn xương.
  • Ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình hủy xương.
  • Kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.
  • Điều trị đồng thời di căn xương và ung thư nguyên phát.

Phương pháp cụ thể:

1. Thuốc

Các thuốc được chỉ định trong điều trị ung thư phổi di căn xương:

Sử dụng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và ngăn gãy xương bệnh lý
Sử dụng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và ngăn gãy xương bệnh lý
  • Thuốc giảm đau: NSAID hoặc opioid (thuốc giảm đau gây nghiện) thường được dùng cho bệnh nhân bị ung thư di căn xương. Thuốc nhóm NSAID (chẳng hạn như Naproxen) có tác dụng giảm đau và kháng viêm. Opioid mang đến hiệu quả giảm đau mạnh hơn. Tuy nhiên thuốc được dùng ngắn hạn và liều thấp do có đặc tính gây nghiện. Nếu bị đau thần kinh, một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng như Gabapentin (Neurontin) sẽ được sử dụng.
  • Corticosteroid: Corticosteroid thường được dùng khi xạ trị hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ khối u. Thuốc này giúp ngăn ngừa và điều trị viêm. Đồng thời giúp giảm bớt cảm giác đau xương.
  • Denosumab: Denosumab là thuốc kháng thể đơn dòng, được sử dụng để ức chế hoạt động của tế bào hủy xương (RANKL). Từ đó giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Bisphosphonates: Bisphosphonates là thuốc làm chậm quá trình mất xương. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn tế bào hủy xương hoạt động quá mức và phân hủy xương. Từ đó làm chậm sự phát triển của ung thư phổi di căn xương, ngăn gãy xương. Ngoài ra thuốc còn giúp điều chỉnh nồng độ calci trong máu, giảm đau và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Thuốc phóng xạ: Nếu nhiều xương bị ảnh hưởng, thuốc phóng xạ sẽ được sử dụng (một phần của phương pháp xạ trị). Sau khi được tiêm vào tĩnh mạch, lượng phóng xạ trong thuốc sẽ lắng đọng vào vùng ảnh hưởng, phát ra bức xạ giúp tiêu diệt nhanh tế bào ung thư.

2. Phẫu thuật

Nếu khối u dễ tiếp cận và chỉ ảnh hưởng đến một xương, phẫu thuật sẽ được áp dụng ngay khi phát hiện ung thư xương. Phương pháp này được trì hoãn ở những bệnh nhân có khối u lớn, nhiều khối u, không thể cắt bỏ u hoàn toàn hoặc không an toàn khi phẫu thuật.

Nếu khối u đè lên xương, bác sĩ có thể cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần khối u. Đồng thời cấy ghép kim loại (ghim, dây, vít, thanh) để ổn định và ngăn xương bị gãy.

Tạo hình đốt sống có thể được chỉ định cho bệnh nhân bị ung thư cột sống gây đau lưng. Trong thủ thuật này, hỗn hợp xi măng đặc biệt được tiêm vào cột sống giúp các xương không bị xẹp.

3. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là một phần quan trọng của quá trình điều trị ung thư phổi di căn xương. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân không thể cắt bỏ toàn bộ khối u. Thông thường hóa trị được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển.

Tùy thuộc vào tình trạng, thuốc hóa trị được dùng bằng đường tiêm hoặc uống. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này. Tuy nhiên một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra. Thường bao gồm rụng tóc, buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, nhiễm trùng…

Hóa trị liệu
Hóa trị liệu được áp dụng để tiêu diệt hoặc ngăn tế bào ung thư phát triển, thu nhỏ khối u

4. Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để ngăn khối u phát triển hoặc/ và tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này cũng có thể hỗ trợ thu nhỏ khối u, giảm đau xương và ngăn gãy xương. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được xạ trị kết hợp hóa trị hoặc/ và phẫu thuật.

  • Nếu xạ trị sau phẫu thuật, phương pháp này có thể loại bỏ tàn tích của khối u, ngăn ung thư phổi di căn xương tái phát.
  • Xạ trị được dùng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, tăng tỉ lệ phẫu thuật thành công.
  • Ở trường hợp nặng, xạ trị có thể áp dụng sau phẫu thuật để ngăn khối u phát triển và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể áp dụng một trong ba loại xạ trị dưới đây:

  • Bức xạ tia bên ngoài
  • Tiêm thuốc phóng xạ
  • Bức xạ bên trong (liệu pháp Brachytherapy)

Phương pháp này có thể gây buồn nôn, nôn và mệt mỏi.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi di căn xương

Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân bị ung thư phổi di căn xương cần được chăm sóc tốt. Điều này giúp tăng cường sức khỏe, giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.

  • Chăm sóc giảm nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp giảm bớt các triệu chứng, tạo cảm giác thoải mái và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể:
    • Dùng thuốc giảm đau, thuốc chống buồn nôn và một số loại khác dựa trên triệu chứng.
    • Vận động nhẹ nhàng
    • Chăm sóc sức khỏe và tâm trạng
    • Dùng son dưỡng ẩm chống khô môi
    • Uống nhiều nước lọc và nước ép trái cây
    • Ăn nhiều bữa nhỏ, dùng thực phẩm lành mạnh và dễ tiêu hóa
    • Sưởi ấm
    • Dùng gối nâng cao đầu và nệm có độ cứng vừa phải
    • Massage nhẹ nhàng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Nên bổ sung đủ dinh dưỡng. Đặc biệt ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (chẳng hạn như vitamin A, C, E, magie…), ăn trái cây, ngũ cốc, rau xanh, hạt, đậu, thịt, cá, sữa, trứng, chế phẩm của sữa… Những thành phần dinh dưỡng này giúp tăng cường sức khỏe, chống ung thư, nâng cao miễn dịch và chống bội nhiễm.
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa chất chống oxy hóa, cà chua, bí đỏ, bí đao, trà xanh, ngũ cốc, các loại đậu, quả mọng, trái cây tươi… để hỗ trợ quá trình điều trị.
  • Giúp người bệnh thư giãn, cải thiện tâm trạng và giữ tinh thần lạc quan. Điều này giúp hỗ trợ quá trình điều trị ung thư.

Phòng ngừa bệnh ung thư phổi di căn xương

Sớm phát hiện và điều trị tốt ung thư phổi chính là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi di căn xương. Ngoài ra để giảm nguy cơ phát triển ung thư, hãy áp dụng những biện pháp sau:

Không hút thuốc lá
Không hút thuốc lá để loại bỏ yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi dẫn đến di căn xương
  • Không hút thuốc lá. Không hít khói thuốc lá thụ động.
  • Tránh tiếp xúc với phóng xạ và hóa chất. Giảm lượng radon trong nhà (khí phóng xạ được sản sinh từ uranium phân hủy trong đất và đá).
  • Sinh sống ở những nơi có không khí trong lành.
  • Tập thể dục thường xuyên để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, nâng cao sức khỏe và tăng khả năng chống bệnh ung thư.
  • Ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều ra quả, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt, đậu, thịt, sữa, chế phẩm của sữa… Những loại thực phẩm này cung cấp dinh dưỡng giúp tăng đề kháng, giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi. Ngoài ra nên ăn nhiều thực phẩm chống ung thư như bông cải xanh, các loại quả mọng, thịt hữu cơ, rau xanh, thảo mộc tươi, nấm, dầu chưa tinh chế, các loại hạt, sản phẩm sữa nuôi cấy…
  • Theo dõi sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ và để ý những biểu hiện của ung thư phổi. Nếu có bất thường, hãy tiến hành thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa.

Ung thư phổi di căn xương là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi ung thư phổi tiến triển đến giai đoạn cuối. Vì thế bệnh nhân thường có tiên lượng xấu, không thể điều trị khỏi và tăng nguy cơ tử vong. Ung thư phổi di căn xương cần phòng ngừa, sớm phát hiện và điều trị tích cực để cải thiện tiên lượng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua