Các phương pháp xét nghiệm – chẩn đoán ung thư xương

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Khám sức khỏe dựa vào triệu chứng, kết quả xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh là các phương pháp xét nghiệm ung thư xương có thể cho thấy một người đang mắc bệnh. Tuy nhiên bệnh nhân cần thực hiện thêm phương pháp sinh thiết gồm xét nghiệm tế bào hoặc mẫu mô và quan sát dưới kính hiển vi để tìm ra tế bào ung thư và xác nhận chẩn đoán nêu trên.

Các phương pháp xét nghiệm - chẩn đoán ung thư xương
Tìm hiểu các phương pháp xét nghiệm – chẩn đoán ung thư xương và một số thông tin cần biết

Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư xương

Ung thư xương là một căn bệnh ác tính nhưng rất ít gặp. Bệnh xảy ra khi trong một đoạn xương (thường là các xương dài và xương chậu) có những tế bào bị rối loạn về tính chất và phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này khiến một hoặc nhiều khối u ác tính hình thành, cạnh tranh và phá hủy những mô xương lành mạnh. Cuối cùng gây ra những tổn thương lan rộng không thể phục hồi.

Tế bào ung thư có thể bắt đầu từ xương lan rộng đến các xương khác hoặc bắt đầu từ những bộ phận khác đến xương (được gọi là ung thư di căn xương). Thông thường để chẩn đoán ung thư xương và tìm hiểu nguy cơ di căn sang những phần khác của cơ thể, bác sĩ sẽ thực hiện nhiều xét nghiệm liên quan đến xương và những phần bị ảnh hưởng. Cụ thể những tế bào trong như thế nào dưới kính hiển vi, hình dạng của khối u trên hình ảnh X-quang…

Ngoài khám sức khỏe tổng thể và triệu chứng, các phương pháp xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện để chẩn đoán ung thư xương:

1. Xét nghiệm máu

Một số nghiên cứu về máu trong phòng thí nghiệm có thể giúp tìm ra sarcoma xương (u xương). Thông thường những bệnh nhân bị sarcoma xương hoặc sarcoma Ewing (một loại ung thư xương nguyên phát có tính chất gia đình) sẽ có nồng độ lactate dehydrogenase và phosphatase kiềm trong máu cao hơn so với người bình thường.

Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp có nồng độ phosphatase kiềm trong máu cao đều là ung thư. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng khi những tế bào hình thành mô xương (tế bào xương) hoạt động tích cực cũng có thể khiến nồng độ phosphatase kiềm cao. Cụ thể như xương gãy đang lành hoặc khi trẻ đang lớn.

Chính vì thế xét nghiệm máu chỉ góp phần chẩn đoán và phân loại ung thư xương, không phải là điều kiện để quyết định một người bị ung thư xương. Người bệnh cần thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh kết hợp sinh thiết để kết quả chẩn đoán chính xác hơn.

Xét nghiệm máu
Nồng độ lactate dehydrogenase và phosphatase kiềm trong máu cao giúp chẩn đoán sarcoma xương và sarcoma Ewing

2. Các xét nghiệm hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư xương có độ chính xác cao, được thực hiện trong tất cả các trường hợp. Trong đó những xét nghiệm hình ảnh thường được thực hiện gồm:

  • Tia X

Chụp X-quang là một kỹ thuật chẩn đoán các bất thường của xương được chỉ định phổ biến. Kỹ thuật này sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để tạo ra hình ảnh của xương và những cấu trúc khác bên trong cơ thể.

Hầu hết các khối u ung thư xương đều được biểu hiện rõ nét trên hình ảnh X-quang. Cụ thể ngay tại vị trí ung thư, xương có thể không rắn chắc mà trông nát, gồ ghề và mất tính ổn định. Đôi khi có thể xuất hiện một lỗ trên xương.

Trong một số trường hợp khác, hình ảnh X-quang có thể cho thấy một hoặc một nhóm khối u hình thành xung quanh lỗ khuyết trong xương và có thể kéo dài sang cơ, mỡ và những mô lân cận khác.

Sau khi chụp X-quang, bác sĩ chuyên đọc tia X (bác sĩ X-quang) có thể xác định được khối u trong xương có phải là khối u ác tính hay không. Tuy nhiên để chắc chắn hơn về điều này sinh thiết sẽ được thực hiện.

Ngoài ra X-quang phổi cũng được thực hiện để xác định xem có phải ung thư di căn qua xương từ phổi (ung thư xương thứ phát) hoặc liệu ung thư xương có di căn đến phổi không.

Chụp X-quang
Chụp X-quang cho thấy đoạn xương tại khu vực ung thư có thể không rắn chắc mà trông nát, gồ ghề và mất tính ổn định
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) được đánh giá là xét nghiệm hình ảnh tốt và cần thiết nhất để phác thảo khối u xương, xem xét tủy sống và não. Kỹ thuật này sử dụng từ trường mạnh, độ dốc của từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể và quá trình sinh lý. Từ đó sớm phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý phức tạp.

Đối với ung thư xương, hình ảnh MRI có thể giúp bác sĩ chuyên khoa đo kích thước của khối u, đánh giá đặc tính và khả năng lây lan của tế bào ung thư. Trước khi chụp cộng hưởng từ, một loại thuốc nhuộm đặc biệt có thể được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân để tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn (quét MRI). Kỹ thuật này giúp kiểm tra và phát hiện bất kỳ khối u ung thư nào trong mô mềm gần đó .

Bên cạnh chẩn đoán ung thư xương, MRI cũng có thể được thực hiện trong khi phẫu thuật ung thư. Cụ thể xét nghiệm này giúp cung cấp hình ảnh chi tiết và một lộ trình thích hợp để bác sĩ phẫu thuật ung thư có thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ khối u một cách tốt nhất.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ giúp phác thảo và đo kích thước của khối u xương, đánh giá đặc tính, khả năng lây lan của tế bào ung thư
  • Quét xương

Quét xương bằng hạt nhân phóng xạ có thể xác định tế bào ung thư từ xương tổn thương đã di căn sang những xương khác hay chưa. So với chụp X-quang thông thường, kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ tìm kiếm và xác định được những khu vực di căn nhỏ hơn.

Ngoài ra hình ảnh được tạo từ chụp quét xương cũng có thể cung cấp thông tin chi tiết về mức độ thiệt hại của xương và ung thư đã gây ra. Điều này giúp đề xuất những phương pháp điều trị và lập phác đồ thích hợp nhất.

Trên bảng quét xương, những vùng xương bị bệnh sẽ được thể hiện dưới dạng những vùng dày đặc, sẫm màu (từ màu xám đến đen). Đây được gọi là điểm nóng.

Dựa vào các điểm nóng, bác sĩ có thể nhận thấy có ung thư hay không. Tuy nhiên điểm nóng cũng có thể xảy ra khi có nhiễm trùng, viêm khớp hoặc những bệnh về xương khác. Vì thế sinh thiết và những xét nghiệm hình ảnh khác cần được thực hiện để nhận biết sự thay đổi xảy ra do đâu.

Quét xương
Quét xương bằng hạt nhân phóng xạ giúp kiểm tra tế bào ung thư đã di căn sang những xương khác hay chưa
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp cắt lớp phát xạ Positron – PET hoặc chụp PET-CT)

Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) và chụp PET-CT là hai phương pháp xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán ung thư xương cần được thực hiện sớm. Đối với chụp PET, kỹ thuật viên sẽ dùng một dạng đường có tên glucose gắn với một nguyên tử phóng xạ. Sau đó sử dụng một máy quét xương đặc biệt để phát hiện ra chất phóng xạ.

Vì có tốc độ chuyển hóa cao nên những tế bào ung thư sẽ nhanh chóng hấp thụ rất nhiều đường phóng xạ. Lúc này chụp PET có thể tìm kiếm tế bào ung thư trên xương cũng như toàn bộ cơ thể của bạn. Đồng thời xác định giai đoạn ung thư. Ngoài ra kỹ thuật này còn có khả năng xác định khối u ở xương là u ác tính hay u lành tính.

Để phân loại một số loại ung thư và xác định chính xác hơn, chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) sẽ được kết hợp với chụp CT (được gọi là chụp PET-CT).

Chụp cắt lớp phát xạ Positron - PET hoặc chụp PET-CT
Chụp cắt lớp phát xạ Positron – PET và chụp PET-CT là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư xương cần thiết

3. Sinh thiết

Xét nghiệm máu và những xét nghiệm hình ảnh nêu trên là các phương pháp xét nghiệm ung thư xương có thể cho thấy một người đang mắc bệnh (gợi ý có ung thư). Tuy nhiên bệnh nhân cần tiến hành sinh thiết vì chỉ có kỹ thuật này mới có thể xác nhận được chẩn đoán (chẩn đoán xác định) và lập hướng điều trị thích hợp nhất.

Sinh thiết thường được thực hiện sau khi xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh đã hoàn thành. Trong một số trường hợp khác, kỹ thuật này sẽ được thực hiện đầu tiên nếu có nghi ngờ ung thư xương là ung thư thứ phát (tế bào ung thư lây lan từ các cơ quan khác đến xương).

Để sinh thiết, bác sĩ sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ để lấy một lượng nhỏ mô. Sau đó bệnh phẩm sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm những bất thường. Nếu đó là ung thư, sinh thiết có thể xác định những vấn đề sau:

  • Ung thư xương nguyên phát
  • Hoặc tế bào ung thư bắt đầu từ một vị trí khác và di căn đến xương (ung thư di căn xương)

Khi chẩn đoán ung thư xương, nhiều mẫu mô và tế vào sẽ được sử dụng. Bên cạnh đó bác sĩ sinh thiết và chẩn đoán phải là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chẩn đoán xác định và điều trị những khối u xương.

Tùy thuộc vào các nghi ngờ (khối u ác tính, khối u trông lành tính hoặc lành tính), bệnh nhân có thể được sinh thiết kim hoặc sinh thiết xương bằng phẫu thuật.

  • Sinh thiết kim

Sinh thiết kim có hai loại, bao gồm: Sinh thiết kim lõi và chọc hút bằng kim nhỏ (chọc hút). Khi thực hiện, khu vực sinh thiết sẽ được làm tê bằng một loại thuốc thông dụng.

Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)

Đối với phương pháp này, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một ống tiêm và một cây kim rất nhỏ để lấy một số tế bào từ khối u và một lượng nhỏ chất lỏng. Nếu khối u gần với bề mặt cơ thể, bác sĩ có thể nhắm kim.

Nếu khối u quá sâu, sờ không thể cảm nhận, bác sĩ có thể dựa vào hình ảnh trong khi chụp CT để hướng kim. Kỹ thuật này được gọi là sinh thiết kim có hướng dẫn CT.

Sinh thiết kim lõi

Đối với sinh thiết kim lõi, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một ống tiêm và một cây kim lớn hơn để lấy một hình trụ nhỏ của mô. Thông thường mẫu bệnh phẩm sẽ dài 1/2 inch và có đường kính khoảng 1/16 inch.

Các chuyên gia chẩn đoán ung thư cho rằng trong chẩn đoán ung thư xương, sinh thiết kim lõi sẽ mang đến nhiều lợi ích và tốt hơn so với chọc hút bằng kim nhỏ (FNA).

Sinh thiết kim
Tùy thuộc vào nhu cầu chẩn đoán, người bệnh có thể được sinh thiết kim lõi hoặc chọc hút bằng kim nhỏ (chọc hút)
  • Sinh thiết xương bằng phẫu thuật

Khi thực hiện sinh thiết xương bằng phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng dao mổ rạch một đường trên da để tiếp cận khối u và lấy một mẫu mô lớn hơn so với sinh thiết kim. Kỹ thuật này được gọi là sinh thiết vết mổ. Trong nhiều trường hợp, toàn bộ khối u sẽ được loại bỏ trong quá trình sinh thiết. Khi đó kỹ thuật này được gọi là sinh thiết cắt bỏ.

Cả hai loại sinh thiết xương bằng phẫu thuật nêu trên đều được thực hiện dưới dạng gây mê toàn thân hoặc làm tê một vùng rộng lớn để ức chế một khối dây thần kinh. Đối với kỹ thuật này, người thực hiện sinh thiết phải là bác sĩ phẫu thuật ung thư.

Sinh thiết xương bằng phẫu thuật
Sinh thiết xương bằng phẫu thuật được dùng để tiếp cận khối u và lấy một mẫu mô lớn hơn hoặc loại bỏ toàn bộ khối u

Lưu ý khi xét nghiệm ung thư xương

Khi xét nghiệm chẩn đoán ung thư xương người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để kết quả xét nghiệm chính xác nhất:

  • Thực hiện các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán ung thư xương theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Cần nghe theo hướng dẫn của kỹ thuật viên trong suốt quá trình xét nghiệm ung thư.
  • Đối với những kỹ thuật sử dụng tia bức xạ là tia X như chụp X-quang, chụp CT… người bệnh cần tháo các đồ vật bằng kim loại ra khỏi cơ thể như trang sức, dây nịt…
  • Đối với những trường hợp cần dùng thuốc cản quang như quét xương, quét MRI, người bệnh cần nhịn ăn trước 4 tiếng đồng hồ.
  • Trước khi xét nghiệm hình ảnh, người bệnh cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa nếu mắc các bệnh lý tuyến giáp, suy giảm chức năng thận hoặc dị ứng thuốc.
  • Một số sai sót có thể xảy ra khi thực hiện các xét nghiệm như âm tính giả, dương tính giả… nhưng ít gặp. Để đảm bảo hiệu quả chẩn đoán, người bệnh cần thực hiện kết hợp các kỹ thuật và sinh thiết theo hướng dẫn của bác sĩ.

Địa chỉ xét nghiệm ung thư xương uy tín

Để đảm bảo quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư xương diễn ra suôn sẻ, người bệnh có thể lựa chọn những địa chỉ xét nghiệm ung thư xương uy tín dưới đây:

+ Địa chỉ xét nghiệm ung thư xương uy tín tại Hà Nội

Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều)

  • Địa chỉ: Số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội
  • Số điện thoại: 0904 690 818
  • Email: benhvienk@bvk.org.vn

Bệnh viện Bạch Mai

  • Địa chỉ: Số 78 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
  • Số điện thoại: 8424 3869 3731

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

  • Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Số điện thoại: 069. 572400
  • Email: bvtuqd108@benhvien108.vn

+ Địa chỉ xét nghiệm ung thư xương uy tín tại TP HCM

Bệnh viện Ung bướu 

  • Địa chỉ: Số 3 đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: (028) 38433021 – (028) 38433022

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM (cơ sở 1)

  • Địa chỉ: Số 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: (84.28) 3855 4269
  • Email: bvdhyd@umc.edu.vn

Khoa Ung Bướu và Y học hạt nhân – Bệnh viện Nhân dân 115

  • Địa chỉ: Số 527 đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh
  • Số điện thoại: 028 3865 2368 – 028 3865 4139 – 028 3865 5110
Địa chỉ xét nghiệm ung thư xương uy tín
Các địa chỉ xét nghiệm ung thư xương uy tín gồm Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện K…

Bài viết đã liệt kê các phương pháp xét nghiệm – chẩn đoán ung thư xương và những thông tin cần biết. Thông qua những thông tin này, người bệnh có thể hiểu hơn về các kỹ thuật cần thực hiện và toàn bộ quá trình chẩn đoán cận lâm sàng ung thư xương. Từ đó trang bị tâm lý thoải mái, chi phí, thực hiện xét nghiệm đúng cách và lựa chọn những địa chỉ uy tín để tiến hành xét nghiệm.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua