Ung Thư Cột Sống Nguyên Nhân Do Đâu? Dấu Hiệu, Cách Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Ung thư cột sống là tình trạng tăng trưởng bất thường của những tế bào trong các mô tạo nên cột sống. Điều này khiến một hoặc nhiều khối u ác tính hình thành, bệnh nhân đau đớn và có nguy cơ tử vong cao. Để điều trị, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với xạ trị hoặc/ và hóa trị.

Ung thư cột sống
Ung thư cột sống là sự tăng trưởng tế bào bất thường trong các mô của cột sống

Ung thư cột sống là gì?

Ung thư cột sống là bệnh lý nguy hiểm, thể hiện cho sự tăng trưởng bất thường của các tế bào được tìm thấy trong những mô hình thành và ổn định cột sống (bao gồm đốt sống và ống sống). Từ đó tạo thành một hoặc nhiều khối u ác tính.

Những khối u có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào của cột sống, từ đột sống cổ đến xương hông và đoạn xương cùng. Điều này xảy ra là do tính chất lây lan khắp cơ thể của ung thư di căn.

Những khối u nguyên phát sẽ bắt đầu trong cột sống, có thể là dây thần kinh, xương hoặc những mô khác. Đôi khi ung thư cột sống là khối u thứ phát, liên quan đến những khối u cấp cao có khả năng phát triển nhanh chóng hoặc những khối u cấp thấp phát triển chậm.

Hầu hết ung thư cột sống là ung thư di căn xương (u cột sống thứ phát). Điều này có nghĩa tế bào ung thư phát triển từ một cơ quan khác (chẳng hạn như phổi, tuyến tiền liệt, vú) di chuyển xương cột sống.

Phân loại ung thư cột sống

Phân loại ung thư cột sống dựa trên nguồn bệnh:

+ Khối u cột sống nguyên phát

Những khối u nguyên phát sẽ bắt nguồn từ cột sống. Chúng có thể phát triển trong xương, dây thần kinh, đĩa đệm hoặc những mô khác thuộc cột sống. Có nhiều khối u cột sống nguyên phát. Cụ thể:

  • U xương: Đây là một loại ung thư xương phổ biến. Tuy nhiên nó hiếm khi ảnh hưởng đến cột sống của bệnh nhân. Các u xương thường phát triển nhanh chóng ở gần cuối xương dài, chủ yếu trong giai đoạn phát triển của thanh thiếu niên và trẻ em.
  • Bệnh đa u tủy xương: Đây là một bệnh ung thư máu với những tế bào ung thư phát triển trong các tế bào bạch cầu. Bệnh lý này khiến nhiều khối u ác tính hình thành ở nhiều xương trong cơ thể.
  • Sarcoma Ewing: Tương tự như u xương, Ewing’s sarcoma là một khối u cột sống thường gặp ở người trẻ tuổi. Khối u này có thể phát triển trong những mô mềm xung quanh xương hoặc phát triển trong xương.
  • U chordoma: U chordoma có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào của cột sống. Tuy nhiên nó được đánh giá là một loại ung thư xương hiếm gặp. Phần lớn các khối u phát triển ở gần xương cụt.
  • Glioma (u thần kinh đệm): Đây là một khối u phát triển trong những tế bào mang chức năng hỗ trợ xung quanh dây thần kinh. Khối u này có thể phát triển ở tủy sống hoặc trong não. Tùy thuộc vào những tế bào bị ảnh hưởng, u thần kinh đệm được chia thành 3 loại nhỏ, bao gồm:
    • Ependymomas (u màng não thất): Hình thành từ tế bào lát ở tủy sống và ở mặt trong não thất.
    • Oligodendrogliomas (u nguyên bào thần kinh đệm ít nhánh): Hình thành trong tủy sống hoặc não.
    • U tế bào hình sao: Khối u thần kinh trung ương, hình thành và phát triển từ những tế bào hình sao.

+ Khối u cột sống thứ cấp

Khối u cột sống thứ cấp là những khối u đã di căn đến cột sống từ tế bào ung thư ở nơi khác. Trong đó ung thư cột sống thường liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, ung thư vú và ung thư phổi. Những khối u này cũng có thể lây lan đến nhiều bộ phần khác.

Kết quả thống kê cho thấy, có đến 90% ung thư xương cột sống có nguồn gốc di căn. Điều này có nghĩa ung thư ở những cơ quan khác đã phát triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân có tiên lượng rất thấp.

Khối u cột sống thứ cấp
U cột sống thứ cấp là khối u hình thành do sự di căn của tế bào ung thư từ nơi khác của cơ thể

Dấu hiệu nhận biết ung thư cột sống

Tùy thuộc vào phân loại và vị trí phát triển khối u, triệu chứng và dấu hiệu của ung thư cột sống khác nhau ở mỗi người. Những triệu chứng có thể nhẹ và phát triển từ từ. Tuy nhiên nó cũng có thể nghiêm trọng, xuất hiện đột ngột và phát triển nhanh chóng.

Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết ung thư cột sống:

  • Đau lưng hoặc/ và đau cổ
  • Cơn đau lan xuống chân hoặc cánh tay
  • Cơn đau sắc nét hoặc có cảm giác nóng bỏng
  • Bệnh nhân đau nhiều hơn vào ban đêm
  • Khó khăn đi bộ và đứng do đau nhiều hơn, dễ vấp ngã
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Cảm thấy ít nhạy cảm hơn với nóng, lạnh và đau

Triệu chứng ít gặp, liên quan đến chèn ép rễ thần kinh:

  • Thay đổi chức năng tình dục
  • Yếu cơ. Tình trạng này có thể nhẹ hoặc nặng, xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể
  • Mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác ở các bộ phận của cơ thể
  • Mất chức năng bàng quang và ruột do khối u gây hẹp ống sống làm tăng áp lực lên rễ thần kinh
  • Tê ở tứ chi
  • Dị tật cột sống, chẳng hạn như gù lưng
  • Tê liệt
  • Bệnh nhân khó đi lại

Những triệu chứng của bệnh ung thư xương cột sống thường nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Nguyên nhân gây ung thư cột sống

Hiện tại nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến ung thư cột sống vẫn chưa được xác định rõ. Những khối u nguyên phát có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch suy giảm, tiếp xúc hóa chất/ bức xạ.

Những khối u thứ phát liên quan đến sự di căn (lây lan) của ung thư ở cơ quan khác. Điều này có thể được ngăn ngừa và điều trị trước khi tế bào ung thư lây lan đến cột sống.

Những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư cột sống gồm:

Tiền sử ung thư
Tiền sử ung thư như ung thư vú làm tăng nguy cơ ung thư cột sống
  • Tiền sử ung thư: Bất kỳ loại ung thư nào cũng đều có khả năng di căn đến cột sống. Phổ biến nhất là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư phổi.
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch: U lympho tủy sống phổ biến ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Do bệnh ung thư này có khả năng làm ảnh hưởng đến một tế bào miễn dịch.
  • Rối loạn di truyền: Một số dạng rối loạn di truyền có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương cột sống. Trong đó những khối u tủy sống thường liên quan đến hai rối loạn gồm u xơ thần kinh (NF2) và Von Hippel-Lindau.
  • Tiếp xúc với bức xạ hoặc/ và hóa chất: Ung thư cột sống có khả năng phát triển ở những người đã tiếp xúc với bức xạ hoặc/ và hóa chất, chẳng hạn như hóa chất công nghiệp và xạ trị.
  • Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy, những người có người thân trong gia đình bị ung thư sẽ có nguy cơ mắc u cột sống cao hơn so với thông thường, đặc biệt là Sarcoma Ewing.
  • Sự tăng trưởng tế bào bất thường: Để thay thế cho những tế bào cũ, quá trình phân chia tế bào mới và khỏe mạnh diễn ra liên tục. Sau khi quá trình này kết thúc, những tế bào trước đó (tế bào khỏe mạnh) bắt đầu chết đi trong khi tế bào bất thường vẫn sống. Những tế bào bất thường sẽ phát triển nhanh chóng khi gặp điều kiện thuận lợi và tạo nên một khối u ác tính.
  • Bệnh Paget của xương: Ung thư xương (bao gồm cả ung thư xương cột sống) thường liên quan đến bệnh Paget của xương. Khi không được điều trị, bệnh lý này có thể kích thích quá trình biến đổi của những tế bào lành tính thành tế bào ác tính.
  • U nguyên bào võng mạc: Trẻ em mắc bệnh u nguyên bào võng mạc sẽ có nguy cơ bị ung thư xương cột sống trong tương lai.

Sinh lý bệnh

Tủy sống có cấu trúc giải phẫu dài, hình trụ, nằm gọn trong khoang đốt sống. Từ lỗ đệm của hộp sọ, nó chạy dọc đến tủy xương conus ở cột sống thắt lưng. Do tủy sống đóng vai trò chính trong cảm giác và vận động nên hầu hết những triệu chứng của ung thư cột sống xảy ra do sự chèn ép của khối u lên tủy sống.

Tủy sống được bao quanh bởi màng não tủy sống gồm ba lớp là màng cứng, màng nhện và màng não. Chính vì thế khi phát triển ở tủy sống, những khối u sẽ được phân loại dựa trên vị trí của nó, gồm:

+ Khối u ngoài màng cứng

Những khối u ngoài màng cứng phát triển bên ngoài màng cứng. Chúng thường do ung thư di căn, chủ yếu phát triển ở các thân đốt sống.

+ Khối u trong màng cứng

Những khối u trong màng cứng được chia thành khối u ngoài tủy và khối u nội tủy.

  • U nội tủy: Nằm trong chính tủy sống. Trong đó u nguyên bào máu, u tế bào hình sao và u tuyến là phổ biến nhất.
  • U ngoại tủy: Những khối u nằm trong màng cứng nhưng ngoài nhu mô. U vỏ bọc thần kinh (chẳng hạn như u sợi thần kinh, schwannomas) và u màng não là phổ biến

Khi một khối u di căn, chúng có thể làm tổn thương thần kinh lâu dài do chèn ép tủy sống ngoài màng cứng. Chính vì thế những khối u di căn cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những giai đoạn của bệnh ung thư cột sống

Tương tự như những loại ung thư khác, ung thư cột sống cũng được phân thành 4 giai đoạn. Những giai đoạn này sẽ được phân chia dựa trên quá trình phát triển của những tế bào ung thư. Cụ thể như kích thước khối u, khả năng lây lan, số lượng xương và những cơ quan bị ảnh hưởng.

Có 4 giai đoạn phát triển của bệnh ung thư cột sống
Có 4 giai đoạn phát triển của bệnh ung thư cột sống
  • Giai đoạn I: Tế bào ung thư còn đang khu trú trong những mô tạo nên cột sống. Không có biểu hiện di căn.
  • Giai đoạn II: Khối u ác tính phát triển nhưng chưa di căn. Chúng có dấu hiệu đe dọa và xâm lấn vào những mô lân cận.
  • Giai đoạn III: Khối u ác tính ở cột sống có sự gia tăng kích thước và bắt đầu xâm lấn. Song song đó những tế bào ung thư đã di căn đến nhiều vị trí của xương bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn IV: Những mô xung quanh cột sống bị tổn thương do tế bào ung thư di căn. Trong giai đoạn này, tế bào ác tính cũng di căn xa đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Trong đó có vú, phổi, thận…

Chẩn đoán ung thư cột sống như thế nào?

Trong lần đầu tiên thăm khám, bác sĩ tiến hành đánh giá các triệu chứng bằng cách kiểm tra y tế kỹ lưỡng. Người bệnh sẽ được yêu cầu mô tả mức độ đau và những triệu chứng thần kinh đang diễn ra. Bên cạnh đó người bệnh sẽ được thực hiện những thử nghiệm giúp phát hiện bất kỳ khiếm khuyến nào về cảm giác hoặc vận động.

Khi có nhiều nghi ngờ về một tình trạng nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp phát hiện khối u bất thường trong xương cột sống. Đồng thời kiểm tra kích thước khối u và đánh giá tình trạng của các xương xung quanh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): CT scan tạo ra hình ảnh ba chiều giúp kiểm tra xương và mô mềm, đánh giá chi tiết thương tổn. Ngoài ra xét nghiệm này còn giúp đánh giá khả năng di căn của ung thư, những cơ quan bị ảnh hưởng hoặc ung thư cột sống có nguồn gốc từ cơ quan khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp phát hiện và đánh giá tổn thương của xương và mô mềm ở cột sống. Đồng thời kiểm tra số lượng, kích thước và phân loại khối u, quá trình di căn của ung thư.
  • Chụp cắt lớp xương: Tiêm vào tĩnh mạch của người bệnh một lượng chất phóng xạ vừa đủ. Chất này có thể di chuyển và phát ra điểm sáng ở vị trí có thương tổn.
  • Sinh thiết: Nếu u cột sống được phát hiện trên bất kỳ hình ảnh nào, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sinh thiết. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng kim mỏng lấy mẫu mô từ khối u (dưới hướng dẫn của CT) và đưa vào phòng xét nghiệm. Sinh thiết có thể phát hiện u cột sống là khối u lành tính hay ác tính. Đồng thời xác định những lựa chọn điều trị.

Điều trị ung thư cột sống

Tùy thuộc vào vị trí, giai đoạn và loại ung thư, ung thư cột sống sẽ được điều trị với những phương pháp khác nhau. Dưới đây là những phương pháp phổ biến nhất:

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn ưu tiên cho những bệnh nhân có thể loại bỏ khối u mà không làm ảnh hưởng đến dây thần kinh hoặc tủy sống. Đối với những khối u dễ tiếp cận và u tủy sống nguyên phát, bác sĩ tiến hành cắt bỏ hoàn toàn kết hợp ổn định cột sống và giải nén các dây thần kinh. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được nội soi đơn thuần hoặc nội soi vi mô.

Đối với những khối u khó hoặc không thể tiếp cận, bác sĩ sử dụng kính hiển vi công suất cao để phân biệt khối u với mô khỏe mạnh. Sau đó loại bỏ khối u ác tính khỏi vùng cột sống.

Đối với khối u di căn, bệnh nhân sẽ được áp dụng các biện pháp giảm nhẹ để xoa dịu cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông thường chỉ định phẫu thuật cho trường hợp này sẽ bao gồm ổn định, giảm đau và giải áp tủy sống.

Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn đầu tiên cho những khối u dễ tiếp cận và u tủy sống nguyên phát

Một số dạng phẫu thuật:

  • Cắt bỏ một bên: Cắt bỏ khối u qua một vết rạch ở lưng.
  • Cắt bỏ khối En: Nếu khối u nằm trong xương cột sống, nó sẽ được cắt bỏ một mảnh.
  • Phẫu thuật khối u cột sống di căn: Nếu ung thư di căn từ một bộ phận khác của cơ thể, bệnh nhân được thực hiện hai loại phẫu thuật sau:
    • Giải nén tủy sống: Tạo không gian nhận bức xạ liều cao nhưng không gây nguy hiểm cho tủy và giảm áp lực lên tủy sống.
    • Thiết bị đo cột sống: Sắp xếp lại xương bằng vít và thanh gắn vào cột sống.
  • Chụp động mạch cột sống: Chụp X-quang và tiêm thuốc cản quang để xác định mạch tổn thương hoặc có nguy cơ chảy máu khi phẫu thuật.

2. Hóa trị liệu

Nếu không thể cắt bỏ toàn bộ khối u hoặc không an toàn, bệnh nhân sẽ được hóa trị liệu trước khi phẫu thuật. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được sử dụng thuốc hóa trị ngăn chặn sự phát triển hoặc tiêu diệt tế bào ung thư.

Thông thường thuốc hóa trị sẽ được dùng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Thuốc cũng có thể được tiêm trực tiếp vào dịch não tủy ở một số loại ung thư cột sống.

Hóa trị liệu được đánh giá là mang đến hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị, bao gồm:

  • Nôn mửa
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Rụng tóc
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng.

3. Xạ trị

Xạ trị có thể là một phần của phác đồ điều trị ung thư cột sống (tùy thuộc vào loại ung thư, kích thước khối u và di căn). Thông thường phương pháp này sẽ được sử dụng kết hợp với hóa trị hoặc/ và phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiến hành xạ trị để loại bỏ tế bào ung thư cuối cùng hoặc bất kỳ tàn tích nào của khối u. Điều này giúp phòng ngừa ung thư tái phát hoặc di căn đến các bộ phận khác do không được phát hiện.

Xạ trị
Xạ trị được thực hiện sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư cuối cùng

Xạ trị cũng được chỉ định cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc phẫu thuật quá rủi ro. Kế hoạch cụ thể sẽ dựa vào kích thước và phân loại của u cột sống.

  • Ung thư cột sống chưa di căn: Bệnh nhân thường được xạ trị bên ngoài. Khu vực bức xạ gồm vị trí của khối u và khu vực xung quanh.
  • Khối u cột sống di căn: Bức xạ thường được thực hiện cho toàn bộ cột sống.

Tương tự như hóa trị liệu, xạ trị cũng gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn và nôn.

4. Phương pháp điều trị khác

Tùy thuộc vào tình trạng, những phương pháp dưới đây có thể cân nhắc sử dụng:

  • Corticosteroid

Khối u và các phương pháp điều trị (xạ trị và phẫu thuật) dễ làm khởi phát tình trạng viêm bên trong tủy sống, dẫn đến sưng tấy và đau đớn. Ở trường hợp này, bệnh nhân được chỉ định Corticosteroid để giảm đau và điều trị viêm.

Thuốc thường được sử dụng trong quá trình điều trị với bức xạ hoặc sau khi phẫu thuật. Corticosteroid chỉ được dùng ngắn hạn để hạn chế tác dụng phụ như suy giảm miễn dịch, yếu cơ, huyết áp cao…

  • Thuốc chống buồn nôn

Thuốc chống buồn nôn được dùng cho những bệnh nhân bị nôn nhiều do các phương pháp điều trị.

  • Ghép tế bào gốc tự thân

Ghép tế bào gốc tự thân được chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư cột sống do bệnh đa u tủy. Trong quá trình điều trị, những tế bào gốc từ máu ngoại vi hoặc tủy xương của chính bệnh nhân sẽ được chích xuất.

Tế bào gốc được lưu trữ một cách an toàn trong khi bệnh nhân được hóa trị liệu để tiêu diệt những tế bào đa u tủy. Cuối cùng những tế bào gốc được cấy trở lại cơ thể bằng đường tĩnh mạch để điều trị ung thư.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư cột sống

Để giảm nhẹ các triệu chứng và thúc đẩy quá trình điều trị ung thư cột sống, người bệnh cần được chăm sóc với những biện pháp dưới đây:

Hạn chế căng thẳng, luôn lạc quan và vui vẻ
Hạn chế căng thẳng, luôn lạc quan và vui vẻ để ngăn sự phát triển của những tế bào ác tính
  • Liệu pháp tâm lý: Bệnh nhân được khuyên hạn chế căng thẳng, luôn lạc quan và vui vẻ. Điều này giúp cải thiện sức khỏe, hạn chế sự kích thích và phát triển của những tế bào ác tính. Ở bệnh nhân bị căng thẳng quá mức, chuyên gia có thể hướng dẫn những biện pháp giúp thư giãn và cải thiện tâm lý.
  • Vật lý trị liệu: Người bệnh được hướng dẫn những bài tập nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe tổng thể, thư giãn, tăng tính linh hoạt và khả năng vận động của bệnh nhân. Trong đó đi lại, bài tập kéo giãn… thường được hướng dẫn.
  • Nghỉ ngơi: Trong quá trình điều trị ung thư cột sống, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đủ giấc. Ngoài ra nên vận động nhẹ nhàng để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Bệnh nhân cần ăn uống khoa học, cân bằng và đủ chất. Điều này giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, kích thích quá sản sinh tế bào khỏe mạnh. Từ đó rút ngắn thời gian điều trị ung thư.
  • Theo dõi và kiểm soát ung thư: Người bệnh được yêu cầu tái khám mỗi 1 – 3 tháng 1 lần trong 2 năm đầu. Tái khám mỗi 6 tháng hoặc 1 năm trong những năm tiếp theo. Ngoài ra nếu có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần thăm khám ngay lập tức để phát hiện và điều trị tái phát.

Tiên lượng

Đối với ung thư cột sống, tiên lượng về khả năng sống sót phụ thuộc vào đặc tính của khối u (u nguyên phát hay thứ phát, số lượng, khả năng di căn, tốc độ phát triển…) và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Ngoài ra tiên lượng của bệnh nhân cũng phụ thuộc vào loại khối u cột sống.

Tỉ lệ sống trên 5 năm theo từng giai đoạn ung thư:

  • Giai đoạn I: Hơn 80%
  • Giai đoạn II: 70%
  • Giai đoạn III: 60%
  • Giai đoạn IV: Từ 20 – 50%

Tỉ lệ sống sót sau 2 năm ở bệnh nhân có khối u cột sống do ung thư khác:

  • Ung thư phổi: 9%
  • Ung thư vú và tuyến tiền liệt: 44%

Để cải thiện tiên lượng, người bệnh cần phát hiện và điều trị sớm ung thư cột sống. Nếu khối u di căn, hãy điều trị giảm nhẹ để kéo dài tuổi thọ, kiểm soát ung thư cột sống di căn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phòng ngừa ung thư cột sống

Không có biện pháp ngăn ngừa ung thư cột sống. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ:

Ăn uống lành mạnh và đủ chất
Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin để tăng sức khỏe và miễn dịch, chống ung thư
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không tiếp xúc với tia phóng xạ và hóa chất.
  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể và hệ thống miễn dịch.
  • Điều trị sớm và tích cực đối với những bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cột sống.
  • Ăn uống lành mạnh và đủ chất để tăng cường sức khỏe và miễn dịch, phòng ngừa ung thư cột sống. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc, trứng, củ quả, ngũ cốc cùng các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất khác. Ngoài ra nên ăn nhiều thực phẩm chứa omega-3, chất chống oxy hóa, bông cải xanh, quả mọng, các loại hạt… Đây đều là những loại thực phẩm lành mạnh và có khả năng chống ung thư.
  • Tầm soát ung thư định kỳ 6 – 12 tháng để sớm phát hiện và điều trị bệnh, tránh ung thư di căn. Đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Ung thư cột sống có thể là u nguyên phát hoặc thứ phát. Tuy nhiên chúng đều có đặc tính di căn và tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Vì thế, bạn cần tầm soát ung thư định kỳ, điều trị tích cực ngay phát hiện bệnh lý để tăng tiên lượng sống.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua