Lồi Củ Xương Hàm Trên Là Gì? Phương Pháp Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Lồi củ xương hàm trên là một bất thường trên vòm miệng, xảy ra khi có sự phát triển xương lành tính. Tình trạng này tạo ra các lồi xương được gọi là Torus, thường gặp ở nữ giới. Tùy thuộc vào nguyên nhân, lồi xương hàm trên thường có kích thước và hình dạng khác nhau ở mỗi người.

Lồi củ xương hàm trên
Lồi củ xương hàm trên là sự phát triển xương lành tính, không gây đau, thường không cần điều trị

Lồi củ xương hàm trên là gì?

Lồi củ xương hàm trên còn được gọi là lồi xương hàm trên, vòm miệng hình xuyến, Torus palatinus hay Torus hàm trên. Đây là một dạng phổ biến của lồi xương hàm, đặc trưng bởi sự phát triển bất thường nhưng lành tính của các xương ở vòm miệng.

Lồi xương chủ yếu hình thành trên đường giữa của khẩu cái cứng, có thể khác nhau về hình dạng và kích thước. Khi sờ có thể cảm nhận được tình trạng sưng nề hoặc u bất thường nhưng không đau. Những trường hợp nặng có thể nhìn thấy rõ lồi xương phát triển lớn trên vòm miệng, đường kính thường dưới 2 cm.

Hầu hết lồi củ xương hàm trên không kèm theo những triệu chứng khó chịu, không gây tổn thương nghiêm trọng và thường không cần điều trị. Khoảng 20 – 30% trường hợp bị xoắn đỉnh.

Trong một số trường hợp, vòm miệng hình xuyến có thể gây rối loạn chức năng trong miệng, khó nhai, khó nuốt và làm khởi phát một số vấn đề khác. Lồi củ xương hàm trên là tình trạng phổ biến, thường gặp ở phụ nữ và những người có gốc Châu Á.

Nguyên nhân gây lồi củ xương hàm trên

Các nhà nghiên cứu cho rằng, lồi củ xương hàm trên có thể phát triển từ một số nguyên nhân dưới đây:

  • Di truyền: Một người mắc chứng torus palatinus có thể di truyền bệnh lý này cho con cái của họ.
  • Chế độ ăn uống: Lồi củ xương hàm trên phổ biến ở những người tiêu thụ một lượng lớn cá nước mặn (cá biển), thường gặp ở các quốc gia như Nhật Bản, Na Uy và Croatia. Nguyên nhân là do cá biển chứa một lượng lớn vitamin D và chất béo không bảo hòa đa. Đây là hai chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của xương.
  • Nghiến răng: Nghiến răng làm tăng áp lực của cấu trúc xương trong miệng. Điều này kích thích sự phát triển quá mức của các xương.
  • Mật độ xương: Những người phụ nữ sau mãn kinh thường có nhiều khả năng mắc chứng lồi củ xương hàm trên hơn so với những người có mật độ xương từ bình thường đến cao. Vòm miệng hình xuyến của nhóm đối tượng này thường từ trung bình đến lớn.
Bổ sung quá nhiều vitamin D và chất béo không bảo hòa đa gây lồi củ xương hàm trên
Bổ sung quá nhiều vitamin D và chất béo không bảo hòa đa có thể kích thích sự phát triển của lồi xương

Đối tượng nguy cơ

Vòm miệng hình xuyến phổ biến hơn ở những nhóm đối tượng dưới đây:

  • Giai đoạn đầu tuổi trưởng thành. Lồi củ xương hàm trên có thể gia tăng kích thước
  • Phụ nữ
  • Người có gốc Châu Á
  • Người thường xuyên bổ sung vitamin D và chất béo không bảo hòa đa từ chế độ ăn uống
  • Có người thân trong gia đình mắc chứng lồi xương hàm.

Dấu hiệu nhận biết lồi củ xương hàm trên

Lồi củ xương hàm trên thường không gây đau đớn hay bất kỳ tình trạng thể chất nào. Tuy nhiên lồi xương phát triển lớn về kích thước và thường có những đặc điểm sau:

  • Những khối xương nổi, đơn độc, cứng. Chúng hình thành và phát triển ở giữa vòm miệng
  • Có nhiều kích thước khác nhau. Có thể nhỏ hơn 2mm đến lớn hơn 6mm
  • Trong giai đoạn đầu và lồi xương có kích thước nhỏ, sờ thấy một điểm bất thường ở giữa vòm miệng. Nó nhô lên một chút so với những vùng lân cận
  • Trong giai đoạn phát triển và lồi xương có kích thước lớn hơn, lồi củ xương hàm trên hiện diện rõ ràng trên vòm miệng, có thể nhìn thấy và đánh giá bằng mắt thường
  • Lồi xương hình thành ở nhiều dạng khác nhau. Có thể ở dạng phẳng, hình thoi, dạng thùy hoặc dạng hòn (tương tự như nấm)
  • Những lồi xương hàm trên thường phát triển rất chậm. Chúng thường bắt đầu ở tuổi dậy thì nhưng có thể không phát triển nhanh về kích thước và khó nhận biết cho đến tuổi trung niên. Ở những người già, vòm miệng hình xuyến ngừng phát triển, thậm chí có thể thu nhỏ lại trong một số trường hợp. Điều này xảy ra do quá trình tiêu xương tự nhiên của cơ thể khi già đi.

Những trường hợp có lồi củ xương hàm trên phát triển với kích thước lớn, người bệnh có thể gặp một số vấn đề sau:

  • Một số lồi xương được bao phủ bởi niêm mạc có thể bị kích thích hoặc bị loét do chấn thương
  • Khó chịu, vướng víu khi nhai và nuốt

Phân loại lồi củ xương hàm trên

Dựa vào hình dáng, lồi củ xương hàm trên được phân thành những dạng dưới đây:

  • Torus hình thoi: Lồi xương này hẹp nhưng dài. Chiều dài của lồi xương có thể bắt đầu từ vùng gai cửa, chạy dọc và đến vùng giới hạn sau của khẩu cái cứng. Torus hình thoi chủ yếu hình thành và tăng kích thước ở vùng đường ráp của hai xương hàm trên.
  • Torus dạng thùy: Torus dạng thùy khá đặc biệt, nó phát triển với một lồi xương duy nhất. Có lẽ vì thế mà lồi xương này có kích thước to hơn hẳn so với những dạng torus khác. Ngoài ra torus dạng thùy còn có cuống và phần đáy rộng.
  • Torus phẳng: Torus phẳng thuật ngữ chỉ một lồi xương phát triển với kích thước rộng, phẳng và dẹt. Những lồi xương này có thể hình thành ở xương hàm dưới hoặc xương hàm trên, ngay ở hai bên của đường ráp. Lồi xương dạng phẳng thường có đáy rộng.
  • Torus dạng hòn (nốt): Torus dạng hòn chính là những hòn xương nhỏ, phát triển rời rạc, chủ yếu hình thành ở hai bên đường giữa. Khi phát triển với kích thước lớn, những hòn xương này tập hợp lại và tạo nên một lồi xương duy nhất. Thông thường có rãnh giữa những hòn xương.
Các dạng lồi củ xương hàm trên
Lồi củ xương hàm trên dạng phẳng (hình A), dạng nốt (hình B) và dạng thùy (hình C, D)

Kích thước của lồi củ xương hàm trên

Lồi củ xương hàm trên phát triển với nhiều kích thước khác nhau nhưng thường không quá 2 cm.

  • Vết: Kích thước nhỏ nhất của lồi xương, chỉ phát hiện bất thường khi sờ bắng tay. Trong khi kiểm tra, có cảm giác tay chạm vào một hòn xương hơi nhô lên so với xung quanh.
  • Nhỏ: Lồi xương hàm trên nhỏ khi chiều cao của nó dưới 3mm.
  • Vừa: Lồi xương hàm trên được xem là vừa khi chiều cao của nó dao động từ 3 đến 5mm.
  • Lớn: Lồi xương hàm trên được xem là lớn khi chiều cao của nó trên 5mm.

Lồi củ xương hàm trên có nguy hiểm không?

Lồi củ xương hàm trên là một bất thường liên quan đến sự phát triển quá mức của xương trên vòm họng, thường đơn độc và cứng. Tuy nhiên tình trạng này thường không gây đau, không phát triển ở dạng ác tính, không cần điều trị ở hầu hết trường hợp.

Trong một vài trường hợp, lồi xương được bao phủ bởi niêm mạc có thể gây khó khăn cho quá trình nhai, nuốt, nói và vệ sinh răng miệng do có kích thước quá lớn. Ngoài ra, nó còn gây khó khăn cho việc tháo và lắp răng giả đúng cách.

Lồi xương có thể bị kích thích hoặc bị loét do chấn thương. Cụ thể lồi xương bị xước khi nhai thức ăn cứng (chẳng hạn như khoai tây chiên). Không có mạch máu trong vòm miệng hình xuyến. Chính vì thế mà lồi xương thường chậm lành khi có vết xước hoặc cắt.

Chẩn đoán lồi củ xương hàm trên

Bất cứ khi nào nhận thấy một cục u bất thường phát triển ở bất cứ đâu trên cơ thể, hãy tiến hành thăm khám và kiểm tra. Điều quan trọng là chẩn đoán phân biệt và loại trừ những bệnh lý nghiêm trọng, điển hình như ung thư.

1. Kiểm tra lâm sàng

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ tiến hành kiểm tra cục u bất thường trên vòm miệng. Đồng thời yêu cầu bệnh nhân liệt kê các triệu chứng thường gặp trong vài tháng gần đây. Dựa trên các đặc điểm, bác sĩ có thể xác định lồi củ xương hàm trên và phân biệt nó với những tình trạng y tế nghiêm trọng khác.

Kiểm tra lâm sàn chẩn đoán lồi củ xương hàm trên
Chẩn đoán lồi củ xương hàm trên thông qua kiểm tra lâm sàng cục u bất thường trên vòm miệng

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Để chắc chắn hơn về chẩn đoán và tránh nhầm lẫn với ung thư miệng, những xét nghiệm hình ảnh dưới đây cũng được chỉ định.

  • Chụp X-quang: Thông qua hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể xác định sự phát triển quá mức của xương trong vòm miệng. Đồng thời kiểm tra hình dạng và kích thước của lồi củ xương hàm trên.
  • CT scan: Lồi xương hàm trên thường được chẩn đoán phân biệt với ung thư miệng mặc dù bệnh lý này rất hiếm, khối u ác tính thường xuất hiện trên mô mềm của miệng (như lưỡi và má). Để xác định chẩn đoán, CT scan (chụp cắt lớp vi tính) được sử dụng. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ phân biệt khối u lành tính và ác tính.
  • Xét nghiệm máu: Hiếm khi xét nghiệm máu được chỉ định trong chẩn đoán lồi củ xương hàm trên. Thông thường xét nghiệm này chỉ được chỉ định khi có vết loét hoặc dấu hiệu nhiễm trùng trên lồi xương được bao phủ bởi niêm mạc. Kỹ thuật này giúp xác định sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh và những yếu tố gây viêm.

Điều trị lồi củ xương hàm trên

Lồi củ xương hàm trên không được khuyến khích điều trị. Bởi hầu hết bệnh nhân khỏe mạnh và bình thường bất chấp sự phát triển của lồi xương. Tuy nhiên phẫu thuật cắt bỏ sẽ được chỉ định nếu khối u gây ra một số vấn đề làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Cụ thể như:

  • Khối u quá lớn, làm cản trở vệ ăn, uống, vệ sinh răng miệng tốt và nói chuyện
  • Khối u gây ra nhiều khó khăn cho việc tháo lắp răng giả đúng cách
  • Lồi củ xương hàm trên nhô ra đến mức người bệnh có thể làm xước nó khi nhai và nuốt thức ăn cứng, chẳng hạn như ăn khoai tây chiên. Điều này tăng nguy cơ loét và nhiễm trùng trên vết xước

Thông thường phẫu thuật cắt bỏ lồi xương hàm trên sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật hàm mặt (chuyên phẫu thuật cổ, hàm và mặt). Quy trình thực hiện như sau:

  • Sau khi gây tê cục bộ, bác sĩ tiến hành rạch một đường dài xuống giữa vòm miệng cứng
  • Loại bỏ phần xương thừa
  • Đóng lỗ mở bằng chỉ khâu.

Phẫu thuật cắt bỏ là một lựa chọn điều trị khá đơn giản và thành công đối với bệnh nhân có vòm miệng hình xuyến. Ngoài ra nguy cơ biến chứng ở phương pháp này khá thấp. Tuy nhiên một số vấn đề vẫn có thể xảy ra, bao gồm:

  • Sưng tấy
  • Khoét hốc mũi
  • Nhiễm trùng. Điều này có thể xảy ra khi để lộ mô
  • Chảu máu quá nhiều
  • Phản ứng với thuốc gây mê (hiếm gặp).

Hồi phục và chăm sóc sau phẫu thuật

Nhìn chung lồi củ xương hàm trên có tiên lượng rất tốt. Điều trị phẫu thuật có thể giúp loại bỏ nhanh khối u trên vòm miệng. Quá trình hồi phục thường mất từ 3 – 4 tuần.

Trong quá trình hồi phục, người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc để tăng tốc độ điều trị và giảm thiểu sự khó chịu.

Súc miệng bằng thuốc sat trùng giúp hồi phục sau phẫu thuật
Súc miệng bằng thuốc sát trùng hoặc nước muối sau phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng
  • Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định: Để giảm đau sau mổ, người bệnh thường được hướng dẫn sử dụng Paracetamol, Ibuprofen hoặc Naproxen. Những loại thuốc này thường mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Ngoài ra Ibuprofen và Naproxen còn có tác dụng kháng viêm.
  • Súc miệng bằng thuốc sát trùng hoặc nước muối: Người bệnh được yêu cầu súc miệng mỗi ngày bằng thuốc sát trùng hoặc nước muối để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Ngoài ra những loại dược phẩm này còn giúp kháng viêm trong miệng.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống mềm: Sau phẫu thuật cắt bỏ lồi xương, người bệnh cần thực hiện một chế độ ăn uống mềm, chẳng hạn như súp, cháo, canh thịt sườn… Điều này giúp tránh mở vết khâu và hạn chế kích thích cơn đau. Ngoài ra người bệnh được khuyên ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3, vitamin và khoáng chất (vitamin C, A, vitamin nhóm B, sắt, magie…) như rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc, đậu, hạt, cá, sữa, thịt nạc, trứng… Những thành phần dinh dưỡng này có thể giúp tăng tốc độ phục hồi.

Biện pháp phòng ngừa lồi củ xương hàm trên

Lồi củ xương hàm trên được hạn chế bằng cách tránh những hoạt động có thể tăng áp lực trong xương hàm hoặc kích thích sự phát triển quá mức của các xương. Cụ thể:

  • Không tiêu thụ quá nhiều cá biển và những loại thực phẩm chứa một lượng lớn vitamin D và chất béo không bảo hòa đa khác.
  • Những người có nguy cơ cao như phụ nữ, sinh ra trong gia đình bị lồi xương hàm… nên thường xuyên theo dõi sức khỏe răng miệng, kiểm tra và phát hiện sớm những bất thường trong miệng. Từ đó có những biện pháp chăm sóc thích hợp và tiến hành thăm khám để được hướng dẫn xử lý.
  • Loại bỏ thói quen nghiến răng. Điều này giúp tránh tạo áp lực quá mức lên những cấu trúc xương trong miệng.
Loại bỏ thói quen nghiến răng phòng ngừa lồi củ xương hàm trên
Phòng ngừa lồi củ xương hàm trên bằng cách loại bỏ thói quen nghiến răng, tránh tạo áp lực lên cấu trúc xương

Nhìn chung lồi củ xương hàm trên là một tình trạng phổ biến, lành tính, không phải ung thư, không gây đau và thường không cần điều trị. Chính vì thế người bệnh có thể chăm sóc sức khỏe răng miệng bình thường trong khi lồi xương phát triển. Tuy nhiên nếu vòm họng hình xuyến lớn, gây ra nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật loại bỏ.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua