Lồi Xương Hàm: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Điều Trị

Theo dõi IHR trên goole news

Lồi xương hàm là tình trạng phát triển xương lành tính, xảy ra trong vòm miệng hoặc ở mặt trong của xương hàm dưới. Tình trạng này liên quan đến yếu tố di truyền, chứng nghiến răng và những căng thẳng cục bộ. Phần lớn lồi xương hàm không cần điều trị. Những trường hợp khác có thể dùng thuốc và phẫu thuật khi cần thiết.

Lồi xương hàm
Lồi xương hàm là tình trạng phát triển lành tính của các xương trong miệng

Lồi xương hàm là gì?

Lồi xương hàm (Torus xương hàm) là thuật ngữ y tế được sử dụng để chỉ sự phát triển lành tính của các xương trong miệng. Tình trạng này thường không gây ra bất kỳ tổn thương nghiêm trọng nào. Tuy nhiên nếu sự phát triển tiếp tục, bệnh nhân có thể cảm thấy đau, khó chịu hoặc rối loạn chức năng trong miệng.

Torus xương hàm có thể xảy ra ở vòm miệng (vòm miệng hình xuyến) hoặc hàm dưới (torus hàm dưới). Trong đó torus hàm dưới ít phổi biến hơn, chiếm từ 5 – 40% các trường hợp mắc bệnh.

Phân loại lồi xương hàm

Lồi xương hàm được phân loại dựa vào vị trí phát triển của các xương. Bệnh lý này được phân thành 2 loại, bao gồm:

1. Torus hàm dưới (lồi xương hàm dưới)

Torus/ Tori hàm dưới (Torus mandibularis) là bệnh lồi xương hàm xảy ra ở mặt trong của xương hàm dưới, dọc theo bề mặt gần lưỡi nhất. Thường hiện diện ở phía trên vị trí bám của cơ mylohyoid (cơ hoành – một cơ cặp của cổ) vào hàm dưới và gần các răng tiền hàm.

Trong 90% trường hợp, xương phát triển có hình xuyến ở cả hai bên (bên trái và bên phải) của khoang miệng dẫn đến sự bao trùm. Torus hàm dưới phổ biến hơn ở người Châu Á và nam giới. Ngoài ra bệnh lý này phổ biến ở tuổi trưởng thành và thường liên quan đến chứng nghiến răng.

Lồi xương hàm dưới
Lồi xương hàm dưới hình thành ở phía trên vị trí bám của cơ mylohyoid vào hàm dưới và gần các răng tiền hàm

Kích thước của Tori thay đổi trong suốt cuộc đời của bạn. Trong một số trường hợp, các tori phát triển với kích thước lớn và chạm vào nhau, ngay ở giữa đường miệng. Chính vì thế các nhà nghiên cứu cho rằng Tori hàm dưới không do ảnh hưởng của gen mà là kết quả của những căng thẳng cục bộ.

Tori hàm dưới thường là tình trạng lâm sàng không cần điều trị. Chúng có thể làm phức tạp việc chế tạo răng giả, hình thành vết loét. Nếu cần thiết, phẫu thuật sẽ được thực hiện để giảm lượng xương.

2. Vòm miệng hình xuyến (lồi xương hàm trên)

So với Torus hàm dưới, vòm miệng hình xuyến (Torus palatinus/ Torus hàm trên) phổ biến hơn. Bệnh lý này thể hiện cho sự phát triển lành tính của xương trên vòm miệng. Tori palatal thường xuất hiện ở đường giữa của khẩu cái cứng.

Các nghiên cứu cho thấy, đường kính của hầu hết các loại torus hàm trên dưới 2 cm. Tuy nhiên kích thước của chúng có thể thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời của bạn. Vòm miệng hình xuyến được phân thành một số loại nhỏ dựa trên vẻ ngoài của nó.

  • Torus phẳng: Torus phẳng là lồi xương rộng, phẳng và dẹt. Chúng nằm ở xương hàm trên, hai bên của đường ráp. Torus phẳng thường có đáy rộng.
  • Torus dạng hòn: Torus dạng hòn được mô tả là những hòn xương nhỏ. Chúng rời rạc và thường xuất hiện ở hai bên đường giữa. Khi tập hợp lại, những hòn xương này sẽ tạo nên một lồi xương duy nhất. Giữa những hòn xương có các rãnh.
  • Torus hình thoi: Torus hình thoi thường phát triển ở vùng đường ráp của hai xương hàm trên. Những torus này thường dài, hẹp, chiều dài của nó có thể bắt đầu từ vùng gai cửa và kết thúc ở vùng giới hạn sau của khẩu cái cứng.
  • Torus dạng thùy: Torus dạng thùy phát triển với hòn xương duy nhất. Nó có kích thước to hơn hẳn so với những dạng trên, có cuống và phần đáy rộng.
Lồi xương hàm trên
Lồi xương hàm trên biểu hiện cho sự phát triển lành tính của xương trên vòm miệng

Kích thước của torus palatinus:

  • Vết: Không thấy bằng mắt thường. Sờ bằng tay có thể phát hiện, cảm giác như một hòn xương đang phát triển và lồi hơn so với xung quanh.
  • Nhỏ: Chiều cao của hòn xương dưới 3mm.
  • Vừa: Chiều cao của hòn xương dao động từ 3 – 5mm.
  • Lớn: Chiều cao của hòn xương 5mm.

So với nam giới, torus lồi xương hàm trên phổ biến hơn ở nữ, đặc biệt là những đứa trẻ có độ tuổi từ 15 – 19 tuổi. Ở độ tuổi này, các hòn xương có kích thước nhỏ. Kích thước lớn hơn ở những người thuộc nhóm tuổi từ 30 – 49 tuổi, giảm dần kích thước ở người trên 50 tuổi. Sự thay đổi kích thước thường liên quan đến sự quá tải lực nhai. Torus khẩu cái có kích thước nhỏ và vừa, hiếm khi có kích thước lớn.

Triệu chứng và dấu hiệu lồi xương hàm

Lồi xương hàm thường không gây triệu chứng cho đến khi nó phát triển với kích thước lớn. Thông thường người bệnh có thể nhận biết sự phát triển lành tính của xương thông qua những biểu hiện dưới đây:

  • Sờ bằng tay có thể phát hiện một hòn xương đang phát triển. Vị trí này lồi hơn so với những vùng xung quanh
  • Sau một thời gian phát triển có thể nhìn thấy rõ rệt các lồi xương.
  • Ở hàm dưới, tori hình thành ở mặt trong của hàm dưới, cả hai bên, dọc theo bề mặt gần lưỡi nhất. Khi tori phát triển với kích thước lớn, chúng có thể chạm vào nhau ở đường miệng
  • Sờ hoặc nhìn thấy Tori palatal xuất hiện ở đường giữa của khẩu cái cứng. Chúng có thể phẳng, dạng tròn, hình thoi hoặc dạng thùy.

Trong một số trường hợp, lồi xương hàm có thể xuất hiện đồng thời với một số triệu chứng và một số vấn đề dưới đây:

  • Xuất hiện vết sưng không đau trong miệng
  • Đau, khó chịu hoặc rối loạn chức năng trong miệng
  • Tăng sự phức tạp của việc chế tạo răng giả
  • Người dùng hàm giả cảm thấy không thoải mái hoặc có cảm giác như hàm giả không ở đúng vị trí
  • Loét hình thành ở những mô mềm bao phủ sự phát triển của xương
  • Kích ứng amidan
  • Viêm nướu, loét trên nướu răng, loét miệng
  • Sốt
  • Cấu trúc bất thường gây đau đớn
  • Đau hàm
  • Đau họng
  • Nói lắp
  • Khó nhai khi lồi xương hàm dưới nằm gần răng, lớn hoặc mọc mới
  • Khó nuốt khi lồi xương hàm dưới có kích thước lớn
  • Thức ăn bị mắc kẹt trong những hòn xương
  • Khởi phát những triệu chứng của sâu răng. Chẳng hạn như đau răng, gãy xương, sưng nướu răng.

Nguyên nhân gây lồi xương hàm

Lồi xương hàm dưới thường ảnh hưởng đến nam giới trong khi lồi xương hàm trên thường ảnh hưởng đến nữ giới (đặc biệt là người có độ tuổi từ 15 – 19 tuổi). Bệnh lý này thường liên quan đến một số tình trạng dưới dây:

Căng thẳng trong xương hàm gây lồi xương hàm
Căng thẳng trong xương hàm do quá tải lực nhai khiến răng cối nhỏ hàm dưới dịch chuyển và hướng vào phía lưỡi
  • Di truyền: Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ hình thành hòn xương trong miệng tăng cao ở những người sinh ra trong gia đình có ba mẹ bị lồi xương hàm.
  • Căng thẳng trong xương hàm: Sự hình thành và thay đổi kích thước của những lồi xương thường liên quan đến sự quá tải lực nhai. Lực nhai thường đẩy những chóp răng cối nhỏ hàm dưới dịch chuyển và hướng vào phía lưỡi. Điều này làm kích thích sự phát triển bất thường của lớp xương ở phía trong.
  • Nghiến răng: Nghiến răng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quá tải lực nhai. Chính vì thế những người có thói quen nghiến răng trong quá khứ và hiện tại đều có khả năng kích thích sự phát triển bất thường của xương.

Lồi xương hàm có nguy hiểm không?

Lồi xương hàm là một dạng phát triển xương lành tính trong hàm. Bệnh ít khi làm khởi phát các triệu chứng khó chịu và hầu như không gây nguy hiểm. Tuy nhiên sự phát triển về kích thước theo thời gian của các lồi xương có thể gây khó khăn trong việc sinh, hoạt động nhai nuốt, lắp/ tháo răng giả và điều chỉnh răng hàm.

Ngoài ra các mô có thể bị kích thích dẫn đến đau hàm, đau họng, hình thành vết loét hoặc gây viêm nướu. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân bị sâu răng và kích ứng amidan.

Để tránh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và giảm nguy cơ viêm loét, người bệnh nên chăm sóc răng miệng đúng cách khi bị lồi xương hàm. Đồng thời áp dụng những biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết.

Chẩn đoán lồi xương hàm như thế nào?

Lồi xương hàm dễ dàng được chẩn đoán thông qua quá trình kiểm tra lâm sàng và chụp X-quang.

1. Kiểm tra lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ tiến hành quan sát và xác định những bất thường bên trong khoang miệng. Quan sát có thể phát hiện sự hình thành của những lồi xương. Ấn vào cảm thấy cứng nhưng không đau và không khởi phát những triệu chứng khác.

Những trường hợp nặng hơn có thể phát hiện tình trạng kích ứng các mô mềm, nướu và amidan, xuất hiện các vết loét trên nướu răng. Để rõ hơn về tình trạng và nguyên nhân, người bệnh được đặt một số câu hỏi liên quan đến thói quen ăn uống, nghiến răng và bệnh sử.

2. Xét nghiệm hình ảnh

Những xét nghiệm dưới đây sẽ được chỉ định để xác định chẩn đoán và phân biệt lồi xương hàm với những tình trạng y tế khác.

  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để chắc chắn rằng không có tình trạng nhiễm trùng nào phát triển.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang thể hiện rõ nét sự phát triển bất thường của các xương trong hàm. Điều này giúp xác định lồi xương hàm và kiểm tra kích thước của những lồi xương.

Điều trị lồi xương hàm như thế nào?

Lồi xương hàm thường là một phát hiện lâm sàng, lành tính và không gây triệu chứng khó chịu. Chính vì thế, bệnh nhân thường được yêu cầu theo dõi kích thước lồi xương, không cần điều trị.

Tuy nhiên thuốc hoặc phẫu thuật có thể được chỉ định nếu nếu lồi xương hàm làm khởi phát các triệu chứng khó chịu (đau, loét miệng…) hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình nhai, nuốt và chỉnh hình răng miệng.

1. Giữ gìn vệ sinh răng miệng

Nếu lồi xương hàm gây viêm nướu hay loét miệng, người bệnh được hướng dẫn sử dụng nước súc miệng/ thuốc xịt sát trùng (chẳng hạn như chlorhexidine) và giữ gìn vệ sinh răng miệng. Biện pháp này giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng thứ cấp, làm dịu chỗ viêm loét. Từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.

Giữ gìn vệ sinh răng miệng điều trị lồi xương hàm
Giữ gìn vệ sinh răng miệng để làm dịu chỗ viêm loét, ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp

Ngoài ra việc giữ gìn vệ sinh răng miệng còn giúp hạn chế tình trạng kích thích amidan dẫn đến viêm và đau. Chải răng 2 lần mỗi ngày. Sử dụng bàn chải mềm và kem chải răng phù hợp để làm sạch vi khuẩn và tránh kích thích các mô.

Những người bị viêm nướu và loét miệng cần tránh ăn đồ ăn nóng hoặc cay. Bởi điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và khởi phát cơn đau.

2. Sử dụng thuốc

Nếu lồi xương hàm gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một trong những loại thuốc điều trị dưới đây:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau đơn thuần như Acetaminophen hoặc NSAID (chẳng hạn như Ibuprofen, Naproxen…) được chỉ định cho những bệnh nhân bị đau họng, đau trong miệng do lồi xương hàm trên hoặc dưới. Thuốc này mang đến hiệu quả giảm đau nhanh, phù hợp với những cơn đau nhẹ và vừa. Ngoài ra Acetaminophen còn có tác dụng hạ sốt; NSAID giúp kháng và trị viêm cho những bệnh nhân có kích ứng trong miệng.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng cho những bệnh nhân bị loét/ viêm trong miệng dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và ức chế hoạt động của các tác nhân. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được dùng kháng sinh ở dạng thuốc uống hoặc thuốc bôi.
  • Thuốc chống nấm: Thuốc chống nấm được dùng cho những trường hợp có nấm phát triển trong miệng sau nhiễm trùng thứ cấp. Thuốc này giúp tiêu diệt các loại nấm đang hoạt động bên trong.

3. Phẫu thuật

Lồi củ xương hàm trên và dưới chỉ được phẫu thuật cắt bỏ khi có kích thước lớn và làm khởi phát nhiều vấn đề. Điều này thường bao gồm:

  • Phù nề nghiêm trọng, kích thước của lồi xương hàm quá lớn, mở rộng đến hòn rung hoặc chiếm không gian của lưỡi
  • Ngăn chặn một miếng trám phía sau ở vòm miệng và ở răng giả
  • Tổn thương thường xuyên do kích thước của lồi xương hàm hoặc độ mỏng của niêm mạc bao phủ nó
  • Gây khó chịu cho bệnh nhân
  • Rối loạn giọng nói hoặc phát triển nhanh chóng ở những bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư
  • Tích tụ thức ăn dưới hàm giả dẫn đến viêm mãn tính.
Phẫu thuật điều trị lồi xương hàm
Phẫu thuật cắt bỏ khi lồi củ xương hàm trên và dưới có kích thước lớn gây khó chịu cho bệnh nhân

Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ hòn xương để giảm lượng xương trong hàm, tránh đè nén hoặc kích thích các mô lân cận. Phương pháp này mang đến hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên lồi xương hàm có thể quay trở lại nếu áp lực cục bộ tiếp tục gây căng thẳng trong xương hàm và làm ảnh hưởng đến răng lân cận.

Biện pháp phòng ngừa lồi xương hàm

Một số biện pháp chăm sóc răng miệng có thể giúp giảm nguy cơ lồi xương hàm. Chúng thường bao gồm:

  • Tránh tạo áp lực cục bộ và gây căng thẳng trong xương hàm. Tốt nhất nên ăn chậm, nhai kỹ để giảm áp lực nhai. Ngoài ra nên hạn chế nhai nhiều kẹo cao su, thịt gân hoặc những loại thực phẩm dai, khó nuốt. Bởi những loại thực phẩm này khiến hai hàm hoạt động liên tục, tăng độ đè nén của răng để làm nhuyễn thức ăn. Từ đó làm tăng lực nhai và gây căng thẳng cho hàm. Cuối cùng dẫn đến tình trạng dịch chuyển và hướng vào phía lưỡi của những chóp răng cối nhỏ hàm dưới, kích thích sự phát triển bất thường của xương.
  • Loại bỏ thói quen nghiến răng. Bởi thói quen này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự quá tải lực nhai và gây căng thẳng trong xương hàm. Đồng thời kích thích xương trong hàm phát triển bất thường.
  • Chăm sóc răng miệng đúng cách. Chải răng 2 lần mỗi ngày, sử dụng bàn chải mềm, kem chải răng và nước súc miệng có tính kháng khuẩn. Điều này giúp hạn chế những tổn thương và kích thích khiến xương hàm phát triển bất thường.
  • Những người có nguy cơ cao (di truyền từ ba mẹ) nên thường xuyên kiểm tra răng miệng, phát hiện những bất thường bên trong và áp dụng những biện pháp chăm sóc thích hợp.
Không nghiến răng
Không nghiến răng để tránh sự quá tải lực nhai dẫn đến gây căng thẳng trong xương hàm

Lồi xương hàm là một bất thường thường gặp nhưng lành tính, phần lớn trường hợp không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng, dùng thuốc khi có viêm loét hoặc phẫu thuật nếu lồi xương hàm gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng (theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa).

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua