Vẹo cổ là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Vẹo cổ là tình trạng các cơ ở cổ bị vặn xoắn quá mức khiến đầu bị nghiêng sang một bên. Tình trạng này có thể phát triển theo thời gian, bẩm sinh hoặc đột ngột xảy ra sau một chấn thương, phản ứng với thuốc hay thậm chí là sau một đêm ngủ dậy. Sự bất thường khiến bệnh nhân đau nhức, cổ cứng, đầu nghiêng sang một bên kèm theo nhiều biểu hiện khó chịu khác.

Vẹo cổ
Thông tin cơ bản về chứng vẹo cổ, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Vẹo cổ là gì?

Vẹo cổ còn được gọi là chứng vẹo cổ, trẹo cổ, xoắn cổ. Đây là một dạng rối loạn vận động liên quan đến sự co thắt cơ trơn. Bệnh thể hiện cho tình trạng các cơ ở cổ bị vặn xoắn quá mức khiến đầu nghiêng sang một bên kèm theo cảm giác đau đớn khó chịu, cổ cứng.

Bệnh lý này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân cơ học (ngủ sai tư thế, tổn thương nguồn cung cấp máu hoặc cơ cổ do chấn thương), nguyên nhân bệnh lý và bẩm sinh.

Đối với những trường hợp nhẹ, xảy ra do nguyên nhân cơ học, chứng vẹo cổ có thể nhanh chóng thuyên giảm sau khi thực hiện các liệu pháp như xoa bóp, sử dụng nhiệt. Đôi khi các triệu chứng có thể tự giảm theo thời gian.

Đối với những trường hợp nặng, bệnh tiến triển từ một tổn thương không được khắc phục hoặc bẩm sinh, người bệnh cần điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa theo chỉ định của bác sĩ.

Chứng vẹo cổ xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Thông thường có thể nhận biết một số biểu hiện của bệnh ngay từ khi sinh ra. Ở người lớn, từ 40 – 60 tuổi là độ tuổi thường gặp nhất.

Chứng vẹo cổ thể hiện cho tình trạng các cơ ở cổ bị vặn xoắn quá mức khiến đầu nghiêng sang một bên
Chứng vẹo cổ thể hiện cho tình trạng các cơ ở cổ bị vặn xoắn quá mức khiến đầu nghiêng sang một bên

Phân loại vẹo cổ

Chứng vẹo cổ được phân loại theo từng thể bệnh (cấp tính và mãn tính) hoặc được phân loại dựa trên các đặc điểm.

1. Phân loại theo từng thể bệnh

Vẹo cổ được phân thành hai thể bệnh, bao gồm thể cấp tính và thể mãn tính.

  • Vẹo cổ cấp tính

Vẹo cổ cấp tính thường xảy ra đột ngột sau một đêm ngủ dậy mà không có những biểu hiện cảnh báo trước đó. Tình trạng này thường nhẹ, có thể tự khỏi hoặc giảm nhanh bằng một số biện pháp chăm sóc.

Đối với thể cấp tính, bệnh nhân sẽ có cảm giác cứng cổ, đầu hơi nghiêng sang một bên do căng cơ, đau đớn đột ngột và nghiêm trọng vào buổi sáng. Sau đó giảm nhẹ theo thời gian.

  • Vẹo cổ mãn tính

Vẹo cổ mãn tính thường phát triển theo thời gian hoặc bẩm sinh. Tình trạng này khiến phần đầu nghiêng sang một bên, đau đớn lặp đi lặp lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến các hoạt động và công việc của người bệnh.

Đối với thể mãn tính, bệnh nhân cần phẫu thuật điều chỉnh khi còn nhỏ hoặc thường xuyên áp dụng liệu pháp hay thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ để kiểm soát các triệu chứng.

2. Phân loại theo đặc điểm

Dựa vào đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh, vẹo cổ được phân thành 5 loại, bao gồm:

  • Xoắn cổ tạm thời

Xoắn cổ tạm thời xảy ra đột ngột và thường tự biến mất trong khoảng thời gian từ 1 – 2 ngày. Tình trạng này có thể phát triển từ một chấn thương ở đầu hoặc/ và cổ hoặc sưng hạch bạch huyết, nhiễm lạnh, nhiễm trùng tai.

  • Tật trẹo cổ cố định

Tật trẹo cổ cố định xảy ra do cấu trúc xương hoặc có vấn đề.

  • Hội chứng Klippel-Feil

Hội chứng Klippel-Feil là một dạng vẹo cổ bẩm sinh, thường ít gặp hơn so với những dạng khác. Tình trạng này xảy ra khi xương cổ của trẻ phát triển không đúng với cấu tạo tự nhiên của người bình thường, thường xảy ra ở những trẻ có hai cột sống cổ hợp nhất với nhau. Những trẻ mắc hội chứng có thể gặp khó khăn về thị lực và thính giác ngay từ khi sinh ra.

  • Loạn trương lực cơ cổ

Loạn trương lực cơ cổ là một dạng rối loạn hiếm gặp, còn được gọi là rối loạn cơ thắt. Bệnh lý này khiến cho các cơ ở cổ bị co thắt dẫn đến phần đầu vẹo hoặc quay sang một bên kèm theo đau đớn. Đầu của người bệnh cũng có thể nghiêng về phía sau hoặc phía trước.

Tình trạng rối loạn cơ thắt có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào trong đời. Tuy nhiên từ 40 – 60 tuổi là độ tuổi dễ mắc bệnh nhất. Ngoài ra phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.

Trong nhiều trường hợp, rối loạn cơ thắt sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên nguy cơ tái phát bệnh thường rất cao.

  • Vẹo cổ do vấn đề ở cơ bắp

Đây là một tình trạng phổ biến, thường xảy ra khi các cơ ở một bên cổ bị căng hoặc có sẹo.

Nguyên nhân gây vẹo cổ

Nguyên nhân gây vẹo cổ ở người lớn và trẻ em không giống nhau.

1. Vẹo cổ ở người lớn

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng vẹo cổ ở người lớn. Phần lớn các nguyên nhân điều liên quan đến tình trạng nhiễm trùng, viêm và chấn thương. Cụ thể:

+ Nguyên nhân cơ học

  • Giữ tư thế kém khi làm việc với màn hình máy tính
  • Ngồi ở một tư thế bất thường nhưng không có hỗ trợ đầy đủ
  • Ngủ vẹo cổ hoặc duy trì tư thế sai trong khi ngủ suốt một đêm dài
  • Thường xuyên mang vác vật nặng ở một bên vai
  • Chấn thương cổ hoặc cột sống dẫn đến co thắt cơ
  • Chấn thương gây tổn thương nguồn cung cấp máu hoặc cơ cổ
  • Lạm dụng những loại thuốc gây thiếu kiểm soát cơ
  • Tác dụng phụ từ một số loại thuốc điều trị như các thuốc dùng trong hóa trị liệu, phenothiazin…
Ngủ vẹo cổ hoặc duy trì tư thế sai trong khi ngủ
Ngủ vẹo cổ sang một bên hoặc duy trì tư thế sai trong khi ngủ là nguyên nhân gây vẹo cổ thường gặp

+ Nguyên nhân bệnh lý

  • Nhiễm trùng vùng đầu hoặc cổ. Tình trạng viêm nhiễm khiến các cơ co lại
  • Nhiễm trùng một số bộ phận gần với vùng cổ. Điển hình như mũi xoang, tai, răng, hàm, da đầu
  • Áp xe ở đường hô hấp trên hoặc trong cổ họng
  • Mô sẹo
  • Viêm khớp cột sống cổ
  • Xuất hiện những bất thường liên quan đến mạch máu

2. Vẹo cổ ở trẻ em

Chứng vẹo cổ ở trẻ em và trẻ sơ sinh là một tình trạng bẩm sinh. Điều này có nghĩa trẻ từ khi sinh ra đã có bất thường. Vẹo cổ bẩm sinh phát triển khi cơ sternocleidomastoid (cơ ở một bên cổ quá ngắn.

Các nguyên nhân gây bệnh ở trẻ gồm:

  • Chấn thương trong khi sinh
  • Bệnh lý di truyền làm phát sinh những vấn đề ở hệ thần kinh và cơ
  • Hội chứng đầu phẳng. Bất cứ khi nào ngủ, trẻ sơ sinh đều giữ đầu của mình ở cùng một vị trí.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết chứng vẹo cổ

Vẹo cổ có nhiều triệu chứng và dấu hiệu nhận viết khác nhau. Trong đó tình trạng nghiêng hoặc vẹo đầu sang một bên là đặc trưng của bệnh.

1. Đối với người lớn

Ngoài hiện tượng nghiêng/ vẹo đầu sang một bên, người lớn bị vẹo cổ thường gặp thêm nhiều triệu chứng khác, bao gồm:

  • Khó chịu, đau đớn và có cảm giác căng cơ ở cổ
  • Đau đớn đột ngột, thường giảm nhẹ theo thời gian. Tuy nhiên cơn đau vẫn âm ỉ kéo dài
  •  Đau nhiều hơn khi cố gắng nghiêng đầu sang bên đối diện hoặc xoay cổ
  • Cơn đau khiến bệnh nhân không muốn nghiêng cổ, cúi đầu hoặc quay đầu
  • Có cảm giác nóng rát ở một hoặc ở cả hai bên cổ
  • Đôi khi có cảm giác co thắt/ chuột rút ở cổ
  • Co thắt cơ giật kèm theo chuyển động đầu và cổ
  • Cổ cứng
  • Đau đầu
  • Đau lưng
  • Mắt nhìn lên, lưỡi thè không thể kiểm soát (ít gặp)

2. Đối với trẻ nhỏ

Những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết chứng vẹo cổ ở trẻ em:

+ Triệu chứng chung

  • Không gây đau nhiều
  • Đầu nghiêng về một bên (thường là bên phải), đồng thời cằm hướng về phía đối diện
  • Dẹt ở một bên đầu sau tai
  • Hạn chế cử động ở đầu và cổ
  • Xuất hiện khối u ở trong cơ ức đòn chũm. Khối u có thể biến mất theo thời gian
  • Hạn chế tầm hoạt động của cột sống
  • Các đặc điểm trên gương mặt không đối xứng
  • Xuất hiện các vấn đề về cơ xương, điển hình như chứng loạn sản xương hông
  • Thích một bên vú hơn bên kia ở những trẻ bú sữa mẹ

+ Triệu chứng ở trẻ dưới 3 tháng tuổi

  • Khối u cơ ức đòn chũm được phát hiện ngay sau khi sinh ra. Khối u tăng nhanh kích thước trong tháng tuổi đầu tiên, di động nhẹ theo cơ ức đòn chũm. Mật độ của khối u từ hơi chắc đến rất chắc không kèm theo biểu hiện đau, đỏ hay nóng
  • Trẻ bị hạn chế tầm vận động ở cổ. Triệu chứng này thường được phát hiện muộn hơn so với khối u, khoảng sau 2 đến 3 tháng kể từ khi khối u hình thành
  • Đầu nghiêng sang bên có khối u
  • Hạn chế khả năng xoay đầu sang hai bên hoặc nghiêng đầu sang bên lành

+ Triệu chứng ở trẻ trên 3 tháng tuổi

  • Khối u ở trong cơ ức đòn chũm tương tự như trên nhưng có mật độ chắc hơn nhiều.
  • Vẹo cổ hoàn toàn, đầu của trẻ nghiêng sang bên có khối u
  • Khả năng vận động cột sống cổ bị hạn chế. Trẻ nhỏ thường khó khăn trong việc xoay đầu sang hai bên hoặc nghiêng đầu sang bên lành
Chứng vẹo cổ khiến đầu của trẻ nghiêng về một bên
Chứng vẹo cổ khiến đầu của trẻ nghiêng về một bên (thường là bên phải), cằm hướng về phía đối diện

Vẹo cổ có nguy hiểm không?

Phần lớn những trường hợp vẹo cổ do nguyên nhân cơ học không nguy hiểm. Các triệu chứng của bệnh có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày hoặc giảm nhanh sau khi dùng thuốc, xoa bóp, dùng nhiệt hay áp dụng một số biện pháp chăm sóc khác.

Đối với chứng vẹo cổ do bệnh lý hoặc có yếu tố bẩm sinh, người bệnh cần được thăm khám và xử lý tình trạng càng sớm càng tốt. Bởi dị tật vĩnh viễn có thể xảy ra ở những người không được điều trị. Lúc này bệnh nhân sẽ đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng khác, bao gồm:

  • Đau mãn tính
  • Giảm hoặc mất tầm hoạt động của cột sống
  • Mất tầm vận động ở cổ

Vẹo cổ được chẩn đoán như thế nào?

Với những biểu hiện rõ rệt trên vùng đầu, cổ và mặt, chứng vẹo cổ sẽ dễ dàng được chẩn đoán thông qua những biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên để xác định căn nguyên và mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được thực hiện thêm một số chỉ định cận lâm sàng.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ quan sát và kiểm tra những triệu chứng ở vùng đầu, cổ và mặt. Từ đó xác định chứng vẹo cổ và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Ngoài ra bệnh nhân sẽ được đặt một số câu hỏi liên quan để rõ nét hơn về bệnh, triệu chứng, nguyên nhân hoặc yếu tố tác động. Cụ thể:

  • Triệu chứng (đau, cứng cổ, căng cơ, co thắt…), vị trí và mức độ nghiêm trọng. Đồng thời xác định đặc tính của cơn đau để loại bỏ một số nguyên nhân tương tự. Điển hình như viêm cột sống, thoái hóa cột sống cổ, tình trạng căng cơ thông thường…
  • Kiểm tra các biểu hiện toàn thân (nếu có)
  • Kiểm tra tiền sử chấn thương, các bệnh lý liên quan đến cột sống cổ và mạch máu
  • Kiểm tra tiền sử gia đình

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Để chẩn đoán xác định và phân biệt chứng vẹo cổ với những tình trạng khác, bệnh nhân cần được thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: Sự bất thường của các xương ở cổ có thể được xác định thông qua hình ảnh X-quang cổ. Điều này giúp xác định nguồn gốc của cơn đau và sự sai lệch của cổ. Một số bệnh lý có thể được chẩn đoán thông qua X-quang gồm trật khớp, gãy xương, thoái hóa cột sống cổ, gai cột sống.
  • Chụp CT: Chụp CT mang đến lợi ích trong việc tìm kiếm những tổn thương ở các vị trí khó nhìn thấy hoặc tổn thương có kích thước nhỏ. Điều này giúp chẩn đoán tật vẹo cổ và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra chụp CT có thể xác định tình trạng xoắn cổ có liên quan đến viêm khớp thoái hóa cột sống hay không.
  • Chụp MRI: Chụp MRI mang đến hình ảnh rõ nét về cơ, dây chằng, mạch máu, đốt sống cổ, đĩa đệm và các dây thần kinh xung quanh. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc xác định tình trạng căng thẳng quá mức của các cơ/ dây chằng, sự bất thường của mạch máu hay đốt sống cổ khiến chứng vẹo cổ xuất hiện.
Xoắn cổ được chẩn đoán thông qua những biểu hiện lâm sàng
Xoắn cổ được chẩn đoán thông qua những biểu hiện lâm sàng và kỹ thuật cận lâm sàng

Điều trị vẹo cổ

Phần lớn các trường hợp vẹo cổ thường nhẹ, chủ yếu xảy ra do nguyên nhân cơ học. Vì thế các triệu chứng có thể giảm nhanh khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Đối với bệnh nhân bị vẹo cổ do bệnh lý hay bẩm sinh, dùng thuốc và phẫu thuật có thể mang đến hiệu quả điều trị cao hơn.

1. Biện pháp điều trị tại nhà

Những biện pháp điều trị tại nhà được áp dụng cho những bệnh nhân bị vẹo cổ ở mức độ nhẹ hoặc có bất thường do nguyên nhân cơ học.

  • Nghỉ ngơi kết hợp dùng gối hỗ trợ

Bệnh nhân bị chứng vẹo cổ nên dành thời gian nghỉ ngơi kết hợp xoa bóp nhẹ ở cổ để làm dịu cảm giác căng cứng và đau đớn. Ngoài ra trong thời gian nghỉ ngơi, người bệnh cần sử dụng một chiếc gối hỗ trợ chắc chắn. Điều này giúp triệu chứng nhanh chóng qua đi và phòng ngừa tái phát, phù hợp với những bệnh nhân bị xoắn cổ sau khi ngủ dậy.

Hãy xoa bóp đều từ đầu xuống cổ và bả vai trong thời gian nghỉ ngơi để giảm nhẹ các triệu chứng. Biện pháp này có tác dụng thư giãn mô mềm, mạch máu, cơ và xương khớp, giảm nhẹ tình trạng căng cơ/ xoắn cơ cổ quá mức và tăng lưu thông máu.

Ngoài ra việc xoa bóp nhẹ nhàng và đúng cách còn giúp giảm cảm giác đau đớn khó chịu, giúp các cơ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường. Từ đó giảm nhẹ tình trạng xoắn cổ.

Nên thực hiện động tác day – ấn nhẹ, xoa theo chuyển động vòng tròn, nắn/ bóp từ trên xuống, từ bên này sang bên kia. Thực hiện 15 phút mỗi ngày.

  • Chườm ấm

Chườm ấm giúp giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân bị vẹo cổ do bệnh lý và nguyên nhân cơ học. Tuy nhiên không áp dụng cho những bệnh nhân vừa bị chấn thương (trong 3 ngày). Biện pháp này có tác dụng giảm cứng khớp, căng cơ, đau mỏi; giãn mạch, kích thích tuần hoàn máu, tăng khả năng chữa lành tổn thương.

Ngoài ra sử dụng nhiệt độ cao còn giúp thư giãn cột sống cổ và mô mềm, cải thiện tầm vận động của cổ. Từ đó tăng khả năng chữa lành chứng vẹo cổ.

Dùng khăn ấm hoặc túi chườm ấm đặt lên vùng bị đau trong 15 – 20 phút. Lặp lại 3 lần mỗi ngày đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

  • Chườm lạnh

Chườm lạnh được áp dụng cho những bệnh nhân vừa bị chấn thương. Biện pháp này giúp giảm đau, sưng, viêm do chứng vẹo cổ và các căn nguyên như viêm cột sống cổ, thoái hóa cột sống cổ. Ngoài ra biện pháp này cũng mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị giãn dây chằng.

  • Giữ tư thế tốt

Người bệnh cần giữ tư thế tốt trong thời gian làm việc, đặc biệt là khi làm việc với máy tính. Điều này giúp phòng ngừa và cải thiện tốt tình trạng vẹo cổ. Cụ thể khi ngồi làm việc, người bệnh cần đảm bảo giữ cho lưng thẳng, không gập về phía trước và không khom lưng.

Ngoài ra người bệnh cần hạn chế mang vác vật nặng. Bởi trọng lượng của vật có thể tăng áp lực lên vùng cổ và đầu. Lâu ngày dẫn đến tình trạng xoắn cổ.

  • Dùng nẹp cổ

Đối với những trường hợp bị vẹo cổ khiến đầu nghiêng nhiều, người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng nẹp cố định. Thiết bị này có thể giúp điều chỉnh cột sống cổ trở về trạng thái bình thường. Đồng thời hỗ trợ nâng đỡ, làm giảm áp lực lên các khớp xương và cơ, hạn chế đau nhức.

  • Vận động và luyện tập

Trong thời gian đầu điều trị, người bệnh nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng bằng cách xoay cổ, tập nghiêng cổ về phía đối diện. Việc vận động cổ mỗi ngày sẽ cải thiện tình trạng căng cơ, chứng vẹo cổ. Đồng thời duy trì tính linh hoạt của cột sống cổ và hạn chế cơn đau tái phát.

Sau 4 – 7 ngày hoặc khi cơn đau thuyên giảm, người bệnh nên thực hiện những bài tập yoga có cường độ cao hơn. Để luyện tập an toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến và luyện tập theo hướng dẫn của chuyên gia.

Vận động và luyện tập
Vận động và luyện tập đúng cách giúp cải thiện tình trạng căng cơ, vẹo cổ và hạn chế cơn đau tái phát

2. Vật lý trị liệu

Bài tập vật lý trị liệu thường được áp dụng trong điều trị vẹo cổ. Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh cột sống cổ, giảm căng cơ, thư giãn xương khớp và các mô mềm. Đồng thời giúp cải thiện tầm vận động cho cổ và lưng, kích thích lưu thông máu và giảm đau hiệu quả.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng cải thiện sức khỏe hệ xương, tăng độ dẻo dai cho cơ và dây chằng, duy trì sự linh hoạt của người bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương.

Tùy thuộc vào tình trạng, một số phương thức vật lý trị liệu khác cũng có thể được áp dụng, bao gồm:

  • Nhiệt trị liệu
  • Điện trị liệu
  • Siêu âm…

Vật lý trị liệu có thể được áp dụng cho cả người lớn và trẻ sơ sinh.

3. Sử dụng thuốc

Nếu chứng vẹo cổ gây đau nhiều, người bệnh sẽ được chỉ định một số loại thuốc để cải thiện tình trạng.

  • Paracetamol: Paracetamol phù hợp với những bệnh nhân bị đau ở mức độ nhẹ và trung bình. Thuốc này có tác dụng giảm đau, thường mang đến hiệu quả trong ngày đầu sử dụng.
  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid như Ibuprofen, Naproxen… hoạt động tốt hơn so với Paracetamol. Nhóm thuốc này có tác dụng trị viêm và giảm đau ở mức trung bình, thường mang đến hiệu quả sau 1 – 2 ngày dùng thuốc. NSAID cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra thuốc này chỉ nên được sử dụng ngắn hạn, từ 3 – 5 ngày, tối đa 7 ngày.
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid: Nếu cơn đau không thuyên giảm sau vài ngày sử dụng NSAID, một loại thuốc giảm đau mạnh hơn sẽ được sử dụng, cụ thể như opioid. Thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh, thường mang đến hiệu quả sau liều đầu tiên. Tuy nhiên thuốc giảm đau nhóm opioid thường được sử dụng trong thời gian ngắn với liều lượng thích hợp bởi thuốc có thể gây nghiện.
  • Thuốc giãn cơ: Nếu vẹo cổ kèm theo co thắt hoặc co cứng cơ, thuốc giãn cơ sẽ được sử dụng. Thuốc này có tác dụng giảm đau, thư giãn và hạn chế tình trạng co thắt cơ.
  • Thuốc chống trầm cảm: Trong trường hợp đau nhiều, tâm lý và giấc ngủ bị ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng nhóm thuốc chống trầm cảm. Thuốc này có tác dụng an thần, tăng chất lượng giấc ngủ và giảm đau.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc khi chứng vẹo cổ gây đau từ trung bình đến nặng hoặc kèm theo chứng co thắt cơ

4. Phẫu thuật

Một số trường hợp dưới đây sẽ được chỉ định phẫu thuật điều trị vẹo cổ:

  • Vẹo cổ nặng, không có khả quan khi cải thiện bằng các biện pháp thông thường
  • Thất bại sau 3 tháng điều trị bảo tồn
  • Vẹo cổ liên quan đến một tình trạng nghiêm trọng cần phẫu thuật điều trị
  • Bất thường bẩm sinh do cơ sternocleidomastoid ở cổ ngắn (khoảng 10% trẻ em được chỉ định)

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể phẫu thuật kéo dài cơ sternocleidomastoid hoặc cắt một số cơ và dây thần kinh để ngăn chúng co lại. Đối với trẻ em, phương pháp này sẽ được thực hiện khi trẻ bước sang tuổi mẫu giáo.

Biện pháp phòng ngừa chứng vẹo cổ

Một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng vẹo cổ, bao gồm:

  • Điều trị đứt điểm những bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc chứng vẹo cổ.
  • Duy trì tư thế đúng khi làm việc với màn hình máy tính, khi sinh hoạt, ngồi và ngủ.
  • Ghế ngồi phải có lưng tựa để được hỗ trợ.
  • Sử dụng một chiếc gối có độ cứng phù hợp để hỗ trợ phần cổ và đầu trong khi ngủ.
  • Không duy trì tư thế nghiêng cổ sang một bên trong suốt thời gian ngủ.
  • Hạn chế mang vác vật nặng ở một bên vai.
  • Thận trọng trong lao động, sinh hoạt và chơi thể thao để phòng ngừa chấn thương cổ và cột sống dẫn đến co thắt cơ.
  • Tuyệt đối không lạm dụng những loại thuốc gây thiếu kiểm soát cơ. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng dụng những loại thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ vẹo cổ. Từ đó có những biện pháp dự phòng thích hợp.
Nên sử dụng một chiếc gối có độ cứng phù hợp để hỗ trợ phần cổ và đầu trong khi ngủ
Nên ngủ đúng tư thế và sử dụng một chiếc gối có độ cứng phù hợp để hỗ trợ phần cổ và đầu trong khi ngủ

Chứng vẹo cổ tiến triển từ nhiều nguyên nhân. Phần lớn các trường hợp không quá nghiêm trọng và có thể điều trị nội khoa để khắc phục. Tuy nhiên nếu các triệu chứng không thuyên giảm, xoắn cổ nặng hoặc cơ sternocleidomastoid ở cổ ngắn, bệnh nhân sẽ được tư vấn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua