Châm Cứu Dây Thần Kinh Số 5 Hỗ Trợ Trị Bệnh Và Lưu Ý

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Để giảm nhẹ cơn đau, người bệnh có thể thử cách châm cứu dây thần kinh số 5. Liệu pháp này sử dụng kim mảnh châm qua da, giúp tác động tích cực vào một số huyệt đạo cần thiết. Từ đó thư giãn và giảm đau thần kinh. Tuy nhiên châm cứu cần được thực hiện đúng cách để tránh phát sinh rủi ro.

Cách châm cứu dây thần kinh số 5
Thông tin cơ bản về tác dụng và hướng dẫn cách châm cứu dây thần kinh số 5 giúp hỗ trợ trị bệnh

Khái niệm đau dây thần kinh số 5 trong Đông y

Đau dây thần kinh số 5 còn được gọi là đau dây thần kinh sinh ba – đau thần kinh làm ảnh hưởng đến một bên của gương mặt. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh sinh ba bị tổn thương, thường do khối u hoặc mạch máu chèn ép, nhiễm virus và một số bệnh lý khác.

Tổn thương dây thần kinh số 5 khiến người bệnh đột ngột đau đớn dữ dội ở một bên mặt, đau kéo dài từ vài giây đến 2 phút, tái diễn nhiều lần trong ngày. Cơn đau có thể tự phát hoặc xảy ra khi người bệnh thực hiện một số hoạt động gây kích thích, chẳng hạn như rửa mặt, nhai, nói, chạm vào mặt…

Theo Đông y, đau dây thần kinh số 5 được mô tả trong chứng Đầu thống, Diện thống và chứng Thống phong. Cơn đau khởi phát do vệ khí suy giảm tạo điều kiện cho phong nhiệt hoặc phong hàm xâm nhập vào kinh Đại trường, Vị (đường kinh dương ở vùng mặt). Lâu ngày dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu dẫn đến đau đớn.

Đau dây thần kinh số 5 cũng có thể khởi phát do một số nguyên nhân sau:

  • Chấn thương dẫn đến ứ huyết
  • Uất ức, tình chí hay giận dữ, khí huyết suy giảm, lão hóa theo tuổi tác khiến tạng Can bị tổn thương, mất hoặc giảm chức năng Can chủ sơ tiết, hóa hỏa. Khi vùng đầu mặt bị ảnh hưởng do phần dương hỏa bốc lên, kinh lạc bị phạm vào dẫn đến đau đớn.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh có thể được dùng thuốc hoặc châm cứu dây thần kinh số 5 để điều trị đau.

Châm cứu chữa đau dây thần kinh số 5 có hiệu quả không?

Châm cứu là phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc, được áp dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền, giúp điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Phương pháp này sử dụng kim châm mảnh tác động vào những huyệt đạo cụ thể. Từ đó giúp khử tà phù chính, làm dịu cảm giác đau nhức và thông kinh hoạt lạc.

Đối với đau dây thần kinh số 5, châm cứu có thể mang đến những lợi ích sau:

Cách châm cứu dây thần kinh số 5 giúp giảm đau, an thần
Cách châm cứu dây thần kinh số 5 giúp giảm đau, an thần, tăng tuần hoàn máu, hạn chế đau tái diễn…
  • Giảm đau do dây thần kinh sinh ba bị tổn thương, hạn chế đau nhức tái diễn
  • Kích thích sản sinh hormon endorphin tăng hiệu quả giảm đau
  • Kích thích hệ thần kinh hoạt động tốt hơn
  • An thần
  • Đả thông kinh mạch, giúp máu lưu thông tốt hơn
  • Phục hồi cảm giác, cải thiện các hoạt động ở vùng ảnh hưởng trên gương mặt
  • Giảm co thắt cơ
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ
  • Khu tà (loại trừ nguyên nhân của bệnh)
  • Bổ chính (tăng kinh khí giúp điều trị hiệu quả)
  • Khử tà phù chính (đẩy lùi bệnh tật, tăng sức đề kháng)
  • Tăng hiệu quả của thuốc trị đau dây thần kinh số 5
  • Hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc và biến chứng do tổn thương dây thần kinh.

Bên cạnh thuốc Tây y, châm cứu dây thần kinh số 5 cũng là một cách hỗ trợ trị đau dây thần kinh sinh ba hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này cần được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Đảm bảo châm cứu đúng cách và đúng huyệt đạo để không gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Chỉ định châm cứu dây thần kinh số 5

Châm cứu dây thần kinh số 5 phù hợp với những người có các tình trạng sau:

  • Đau dây thần kinh số 5, có hoặc không đáp ứng với thuốc
  • Liệt dây thần kinh số 5
  • Đau liên quan đến viêm dây thần kinh số 5

Chống chỉ định

Không châm cứu điều trị đau dây thần kinh số 5 khi:

  • Đau không rõ nguyên nhân
  • Những người có thể trạng và sức khỏe suy yếu
  • Có những bệnh lý về tim mạch
  • Thiếu máu
  • Vừa ăn no hoặc quá đói
  • Có trạng thái hoặc tinh thần không ổn định
  • Mệt mỏi do lao động hay vận động quá mức
  • Đau dây thần kinh số 5 kèm theo:
    • Mất phản xạ giác mạc
    • Liệt cơ nhai
    • Xơ cứng rải rác
    • U não
  • Suy thận, sốt cao kèm theo suy tim
Không châm cứu điều trị đau dây thần kinh số 5 khi cơ thể mệt mỏi quá mức
Không châm cứu điều trị đau dây thần kinh số 5 khi cơ thể mệt mỏi quá mức, sức khỏe suy yếu

Thông báo với thầy thuốc nếu có những tình trạng sau:

  • Mang thai
  • Có kinh
  • Tiểu đường
  • Bệnh lý về đông máu

Hướng dẫn cách châm cứu dây thần kinh số 5

Để điều trị đau dây thần kinh số 5 cần châm cứu tại A thị huyệt. Dựa vào nhánh thần kinh tổn thương và đường kinh, châm cứu còn được thực hiện trên những huyệt đạo khác.

1. Huyệt đạo cần tác động

Huyệt đạo chính:

  • A thị huyệt: Đây là huyệt đạo mà khi nhấn vào sẽ cảm thấy đau nhiều

Gia thêm các huyệt:

+ Nhánh 1

Nhánh 1 của dây thần kinh sinh ba dọc theo trán, da đầu và quanh mắt. Châm vào các huyệt:

  • Ngoại quan: Huyệt Ngoại quan được xác định nằm ở mặt sau cẳng tay, từ huyệt đến đường lằn chỉ trên cổ tay khoảng 2 thốn, nằm ngay chỗ lõm giữa xương quayxương trụ.
  • Dương bạch: Huyệt Dương bạch nằm ở vị trí trước trán, từ lông mày đo lên khoảng 1 thốn hướng lên trên dọc theo đường thẳng qua giữa mắt. Huyệt này nằm trên cơ trán và xương trán.
  • Ngư yêu: Huyệt Ngư yêu nằm ngay giữa lông mày. Mắt cần nhìn thẳng khi châm, từ đồng tử thẳng lên. Châm vào 0,1 thốn, hướng ra hai bên mỗi bên 1 thốn.
  • Thái dương: Thái dương huyệt được xác định nằm cạnh chỗ lõm nhất ở vùng thái dương, ngay ngoài mỏm ổ mắt xương gò má.
  • Toản trúc: huyệt Toản trúc được xác định ngay tại chỗ lõm phía đầu trong của chân mày, phía trên huyệt tình minh và thẳng ngay bên góc mắt.
  • Đầu duy: Huyệt Đầu duy nằm trong mép tóc ở hai bên, trên đường khớp trán và đỉnh. Khi xác định huyệt đạo, cần dùng tay di chuyển từ đỉnh về mép tóc ở góc trán. Sau đó thử cắn hàm.
  • Đồng tử liêu: Huyệt Đồng tử liêu được xác định bằng cách đo ra 0,5 tấc từ góc khóe mắt ngoài.
Gia thêm các huyệt Dương bạch, Ngư yêu, Đồng tử liên... khi điều trị đau dây thần kinh số 5 nhánh 1
Gia thêm các huyệt Dương bạch, Ngư yêu, Đồng tử liêu… khi điều trị đau dây thần kinh số 5 nhánh 1

+ Nhánh 2

Nhánh 2 của dây thần kinh sinh ba dọc theo hàm trên và má. Châm vào các huyệt:

  • Nhân trung: Huyệt Nhân trung là huyệt nằm ở vùng môi trên, ngay tại điểm giữa của vùng rãnh lõm nối môi và sống mũi. Cần thận trọng khi tác động vào huyệt Nhân trung. Bởi đây là một trong những huyệt đạo nguy hiểm trên cơ thể.
  • Cự liêu: Huyệt Cự liêu nằm trên khuôn mặt, ngay tại chỗ lõm lớn của xương gò má và xương hàm.
  • Hợp cốc: Huyệt Hợp cốc được xác định trên nền thịt giữa ngón trỏ và ngón cái nhưng hơi lệch một chút về phía ngón trỏ. Huyệt này nằm trên đường giữa chạy dọc qua xương bàn ngón hai. Khi ngón cái khép lại với ngón trỏ, huyệt Hợp cốc nằm gần cuối của rãnh.
  • Quyền liêu: Huyệt Quyền liêu được xác định trên vòng cung xương gò má, ngay tại chỗ lõm dưới góc trước và dưới của xương.
  • Nghinh hương: huyệt Nghinh hương nằm sát hai bên cánh mũi, cách khoảng nửa thốn. Huyệt này nằm ngay tại điểm giao nhau giữa miệng và rãnh mũi với đường ngang qua chân mũi.

+ Nhánh 3

Nhánh 3 của dây thần kinh sinh ba dọc theo hàm dưới và quai hàm. Châm vào các huyệt:

  • Hạ quan: Huyệt Hạ quan nằm ở phía dưới chỗ gặp nhau của xương hàm dưới và xương hàm trên. Vị trí huyệt tương tự như một cái khớp giúp hàm chuyển động.
  • Địa thương: Huyệt Địa thương được xác định nằm trên đường ngang qua rãnh mép và mép của mũi, tại điểm đan chéo của vòng cơ môi cùng với cơ gò má lớn cách khóe miệng khoảng 0,4 tấc. Khi cười có thể thấy huyệt rõ nhất.
  • Giáp xa: Huyệt Giáp xa nằm ở bờ dưới của xương hàm dưới khoảng 1 khoát ngón tay, ở phía trước của góc hàm. Cảm thấy đau nhức khi ấn vào chỗ trũng.
  • Thừa tương: Huyệt Thừa tương nằm ở chỗ lõm, dưới và chính giữa môi dưới, nằm trên đường bổ dọc giữa hàm dưới.
  • Nội đình: Huyệt Nội đình nằm ngay ở vị trí nối thân với đầu sau xương đốt thứ nhất (đầu trên) của ngón chân thứ hai, nằm ở giữa kẽ ngón chân thứ 3 và thứ 2.

+ Tác dụng khu tà khí và giải biểu

Cần gia thêm những huyệt đạo dưới đây để tăng tác dụng khu tà khí và giải biểu:

  • Ế phong: Huyệt Ế phong nằm ở phần sau dái tai, chỗ lõm gai xương chũm và phần hàm dưới, sát với cơ ức đòn tại khu vực cao nhất của dái tai.
  • Phong trì: Huyệt Phong trì được xác định ngay tại chỗ hõm phía sau mang tai, bờ bên trong của ức đòn chũm, bờ bên ngoài của cơ thang sau hộp sọ.
  • Hợp cốc: Huyệt Hợp cốc nằm trên nền thịt giữa ngón trỏ và ngón cái nhưng hơi lệch một chút về phía ngón trỏ, trên đường giữa chạy dọc qua xương bàn ngón hai.
Châm cứu huyệt Hợp cốc giúp giảm đau
Châm cứu huyệt Hợp cốc giúp giảm đau, chữa các bệnh phát sinh ở vùng đầu và mặt

2. Các bước châm cứu dây thần kinh số 5

Hướng dẫn châm cứu dây thần kinh số 5 đúng cách:

  • Bước 1: Xác định những huyệt đạo cần tác động
  • Bước 2: Dùng kim dài và mảnh châm vào vị trí huyệt để kích thích
  • Bước 3: Cứ 5 phút vê kim 1 lần, thực hiện trong 30 phút. Nếu cần kích thích mạnh, nên châm cứu mỗi ngày 1 lần.

Có thể (điện) nhĩ châm vào các vùng:

  • Đầu
  • Miệng
  • Mắt
  • Lưỡi
  • Hàm trên
  • Hàm dưới
  • Giao cảm
  • Tâm bào
  • Thần môn

Những vùng được nhĩ châm cần xác định dựa trên tình trạng bệnh. Để tăng hiệu quả điều trị, thầy thuốc có thể áp dụng thêm liệu pháp thủy châm, ôn châm… khi cần thiết.

Lưu ý khi châm cứu dây thần kinh số 5

Châm cứu dây thần kinh số 5 mang đến nhiều lợi ích cho quá trình điều trị. Phương pháp này giúp đả thông kinh mạch, tuần hoàn máu tốt, thư giãn thần kinh và giảm đau. Ngoài ra tác động đúng cách còn giúp ngăn ngừa chứng đau thần kinh tái phát.

Tuy nhiên châm cứu cần được thực hiện đúng kỹ thuật, châm vào đúng vị trí huyệt cần tác động. Điều này giúp đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi chữa bệnh. Việc châm sai vị trí huyệt có thể dẫn đến nhiều rủi ro, chẳng hạn như co giật, vựng châm…

Châm cứu cần được thực hiện đúng kỹ thuật và đúng vị trí huyệt
Châm cứu cần được thực hiện đúng kỹ thuật và đúng vị trí huyệt để điều trị an toàn và hiệu quả

Xử lý vựng châm

Triệu chứng

  • Mệt mỏi
  • Vã mồ hôi
  • Hoa mắt
  • Mệt mỏi
  • Sắc mặt nhợt
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt…

Xử lý

  • Tắt máy điện châm (nếu có)
  • Rút kim ngay
  • Theo dõi tình trạng bệnh và dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân
  • Lau mồ hôi, ủ ấm, đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái nhất để nghỉ ngơi cho đến khi khỏe lại.

Một số lưu ý khác

  • Châm cứu dây thần kinh số 5 chỉ nên được thực hiện khi cần thiết, có thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Để đảm bảo châm cứu đúng cách và hiệu quả, phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ/ thầy thuốc có nhiều năm kinh nghiệm và am hiểu về các huyệt đạo.
  • Thông báo với thầy thuốc nếu mang thai, có kinh nguyệt, tiểu đường, có các rối loạn đông máu, tâm lý sợ hãi hoặc cơ thể yếu ớt.
  • Nghỉ ngơi và thư giãn khoảng 15 phút trước khi châm cứu.
  • Không châm cứu dây thần kinh số 5 nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức, quá no, quá đói, mới vận động hoặc lao dộng nặng.
  • Thông báo với bác sĩ nếu bị đau hoặc có cảm giác bất thường khi châm cứu, chảy máu ở nơi rút kim, bầm tím… Điều này thương do châm cứu sai kỹ thuật, châm vào dây thần kinh hoặc/ và mạch máu. Để xử lý, cần tránh day kim, nên dùng bông gòn vô khuẩn cầm máu.
  • Trao đổi ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến vựng châm.
  • Tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ. Không tự ý ngưng điều trị.

Cách châm cứu dây thần kinh số 5 giúp giảm đau, thư giãn, tăng tuần hoàn máu và mang đến nhiều lợi ích khác cho quá trình điều trị. Tuy nhiên phương pháp này cần được hiện bởi những người có chuyên môn cao, chỉ châm cứu khi cần thiết. Chính vì thế người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua