Khớp Vai Kêu Lục Cục Có Phải Dấu Hiệu Bệnh? Cách Chữa Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Khớp vai kêu lục cục, răng rắc hoặc cót két khi di chuyển khớp có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, thường là do tổn thương sụn và các mô khớp. Dưới đây là các gợi ý phổ biến về các nguyên nhân, vấn đề sức khỏe có thể gây âm thành ở khớp vai và cách điều trị, phòng ngừa phù hợp để tránh gây tổn thương khớp vĩnh viễn.

Khớp vai kêu lục cục
Khớp vai kêu lục cục có thể xảy ra do chấn thương, viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc do lạm dụng quá mức 

Cấu tạo khớp vai

Vai là một khớp chỏm cầu và khớp lõm (ổ chảo), một cơ chế cho phép khớp có độ linh hoạt cao và phạm vi di chuyển rộng. Trong giải phẫu, xương cánh tay kết nối với hốc xương bả vai, chạy từ lưng đến ngay dưới xương đòn. Cánh tay sẽ được cố định và ổn định bằng các dây chằng, mô liên kết, xơ liên kết xương. Ngoài ra có một bộ phận sụn mềm lót giữ sụn viền ổ chảo và cố định xương cánh tay trên.

Ở vai, các dây chằng tương đối yếu và rất linh hoạt. Điều này cho phép khớp di chuyển tối đa và theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, do dây chằng yếu nên các cấu trúc ở vai thường khó ổn định và cần dựa vào các cơ của vòng quay để hỗ trợ. Các cơ này thường hoạt động kết hợp với nhau. Tuy nhiên, do các cơ này là hoạt động chính ở vai, do đó rất dễ bị lạm dụng và chấn thương.

Các gân cơ có thể đàn hồi khi di chuyển trên xương, dẫn đến tình trạng xương vai kêu rắc rắc hoặc gảy như đàn ghi ta. Nếu các âm thanh này xuất hiện đột ngột, người bệnh nên đi khám vai ngay lập tức. Âm thanh này có thể là dấu hiệu cho thấy một trong các cơ hoặc gân ở vai bị tổn thương.

Việc xoay khớp vai kêu lục cục có thể gây nhiều phiền phức và lo lắng, đặc biệt là khi người bệnh không biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Do đó, người bệnh nên chú ý đến các phản ứng của cơ thể, đến bệnh viện khi cần thiết và có kế hoạch điều trị, phục hồi hiệu quả.

Khớp vai kêu lục cục là bệnh gì?

Vai là một khớp lớn, quan trọng và phức tạp, kết nối xương cánh tay trên với bả vai, sụn, gân, cơ. Khớp vai kêu lục cục có thể xảy ra khi bất cứ kết nối nào ở vai hoạt động không bình thường. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra âm thanh ở vai:

1. Khí ở khớp

Các chuyên gia thường cho rằng khớp vai kêu lục cục được hình thành khi các bong bóng khí nhỏ bên trong chất lỏng khớp (chất lỏng hoạt dịch) ma sát và vỡ ra. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào, nhưng thường phổ biến ở đầu gối, các ngón tay và khớp vai.

Các bong bóng khí nhỏ có thể tích tụ trong khớp vai, dẫn đến âm thành răng rắc khi di chuyển khớp quá nhanh hoặc tập thể dục. Trong các trường hợp này, âm thanh ở khớp vai không đi kèm với cơn đau, cứng khớp hoặc khó chịu nào cả. Loại âm thanh này tương tự như hiện tượng sủi bọt khí trong các khớp, xảy ra hoàn toàn tự nhiên và không cần điều trị.

2. Thoái hóa khớp

Khi cơ thể lão hóa, sụn hấp thụ sốc trong khớp sẽ hao mòn, khiến các xương ma sát và nhau dẫn đến thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến vai và gây ra âm thanh lạo xạo khi các xương cọ xát vào nhau. Sự gia tăng ma sát có thể gây ra cơn đau nhức dữ dội và cứng khớp. Nếu không được điều trị, thoái hóa khớp vai sẽ gây thu hẹp không gian của các dây thần kinh, gây đau đớn, tê tay chân hoặc khó khăn trong các chuyển động thường ngày.

xoay khớp vai bị kêu lục cục
Thoái hóa khớp vai có thể gây đau đớn, viêm khớp dẫn đến tình trạng xoay khớp vai bị kêu lục cục

Thoái hóa khớp vai là tình trạng phổ biến, xảy ra do tuổi tác cao, lạm dụng hoặc chấn thương. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người làm nghề liên quan đến căng thẳng lặp đi lặp lại ở cánh tay và vai, chẳng hạn như vẽ tranh, làm tóc, làm nông. Để kiểm soát và ngăn ngừa thoái hóa khớp vai người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh các bài tập tác động mạnh và tập luyện tăng cường sức mạnh cho các cơ ở khớp vai.

3. Rách chóp xoay

Các cơ của vòng bít quay phải chịu áp lực rất lớn và dễ bị rách. Rách chóp xoay có thể là rách một phần hoặc toàn bộ, thường xảy ra do tuổi tác cao, lạm dụng hoặc chấn thương. Sau khi bị rách, các bề mặt của chóp không bằng phẳng, có thể cọ xát với nhau, dẫn đến tình trạng khớp vai kêu lục cục. Rách chóp xoay có thể gây đau đớn khi di chuyển khớp.

4. Viêm bao hoạt dịch

Trong khớp vai có một túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, được gọi là bao hoạt dịch, nằm bên trong bao khớp. Bao hoạt dịch hoạt động như một tấm đệm và bộ giảm xóc, giúp các khớp trượt qua lại với nhau một cách dễ dàng, thuận tiện mà không gây đau đớn, khó chịu khi chuyển động. Nếu bao hoạt dịch bị chấn thương, căng thẳng hoặc vận động lặp lại thường xuyên sẽ dẫn đến viêm bao hoạt dịch.

Viêm bao hoạt dịch có thể dẫn đến sưng tấy tại chỗ, khiến khớp có ít không gian di chuyển và cấu trúc tổng thể ở vai trở nên chật chội, khiến xương bả vai kêu lục cục khi chuyển động. Nếu nghi ngờ hoặc có dấu hiệu viêm bao hoạt dịch, người bệnh nên tránh các cử động có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, hãy thử các kế hoạch chống viêm tiêu chuẩn, chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá hoặc sử dụng thuốc khi cần. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe phù hợp.

5. Rách sụn viền ổ cối

Rách sụn viền ổ cối xảy ra ở sụn giữ các cấu trúc vai lại với nhau, có thể dẫn đến âm thanh lạo xạo, lục cục khi chuyển động khớp vai. Tuổi tác cao, sử dụng quá mức hoặc chấn thương có thể dẫn đến tình trạng rách sụn viền ổ cối.

Các vết rách sụn viền ổ cối thường rất đau đớn và cần phẫu thuật để điều trị nếu cơn đau kéo dài. Cơn đau này thường được cảm nhận ở sâu bên trong khớp và gây buốt nhức ở vai.

6. Gãy xương

Gãy xương có thể ảnh hưởng đến vai sau các va chạm, chấn thương. Các xương bị gãy có thể không lành hoàn toàn, thậm chí ngay cả các vết nứt nhỏ ở xương cánh tay hoặc xương bả vai khi lành lại cũng có thể dẫn đến những đường gờ thay vì tình trạng nhẵn như người bệnh đầu. Điều này sẽ khiến xương bả vai kêu lục cục khi chuyển động hoặc sử dụng cánh tay.

xương bả vai kêu lục cục
Gãy xương hoặc nứt xương vai có thể không lành hoàn toàn và khiến xương bả vai kêu lục cục khi chuyển động 

Trong trường hợp này, người bệnh  cần được đánh giá y tế, thăm khám và có kế hoạch điều trị phù hợp. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật cố định vai để ngăn ngừa các chấn thương phát sinh.

7. U xương sụn

Xương ở vai hoặc khung xương sườn có thể hình thành các khối u lành tính, được gọi là u xương sụn. Những sự phát triển này có thể khiến vai phát ra âm thanh khi đưa tay lên, xoay vai hoặc chuyển động.

Ngoài việc khiến khớp vai kêu lục cục, u xương sụn có thể dẫn đến việc hình thành một khối u nhỏ, cứng trên vai hoặc xương. Nếu khối u cọ xát vào gân, có thể gây đau đớn, tê hoặc ngứa ran. Tuy nhiên, u xương sụn không nghiêm trọng, không phải ung thư và không gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh .

Xoay khớp vai bị kêu lục cục có nguy hiểm không?

Nếu thỉnh thoảng khớp vai kêu lục cục mà không gây bất cứ cơn đau đớn hay khó chịu nào, điều này có thể không phải là dấu hiệu nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu người bệnh bị đau, nóng, nhức hoặc khó chịu ở khớp vai kèm theo tiếng lạo xạo, người bệnh có thể cần được chẩn đoán và điều trị theo chỉ định.

Trong hầu hết các trường hợp, xoay khớp vai bị kêu lục cục có thể gây ra nhiều phiền toái nhưng thường không đau đớn và nghiêm trọng. Tuy nhiên người bệnh nên lưu ý về các dấu hiệu khác, chẳng hạn như đau đớn, cứng khớp, khó di chuyển hoặc khi âm thanh kéo dài, xuất hiện thường xuyên hoặc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Điều này có thể là dấu hiệu của các chấn thương hoặc các tình trạng nghiêm trọng hơn.

Khớp vai kêu lục cục do suy yếu hoặc chấn thương nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng đông cứng khớp vai. Trong y tế, tình trạng này được gọi là viêm bao dính khớp vai, xảy ra khi bao khớp vai và khớp dính lại với nhau, dẫn đến đau đớn dữ dội và mất rất nhiều thời gian để điều trị.

Các dấu hiệu cần chú ý khác bao gồm sưng tấy, đỏ hoặc nóng tỏa ra từ vai. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng đang xảy ra, chẳng hạn như nhiễm trùng. Do đó, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, xoay khớp vai bị kêu lục cục có thể là dấu hiệu gãy xương, chấn thương, viêm khớp, các tình trạng này đều trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Các tổn thương nhỏ do thoái hóa khớp sẽ phát triển và có thể cần phẫu thuật xâm lấn nếu các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Trao đổi với bác sĩ về các nguyên nhân, phương pháp điều trị phù hợp nếu vai thường xuyên bị đau hoặc phát ra tiếng ồn khi sử dụng.

Cách kiểm soát tình trạng khớp vai kêu lục cục

Để có cách điều trị và kiểm soát tình trạng khớp vai kêu lục cục phù hợp nhất, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây ra âm thanh ở vai. Bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra, đánh giá phạm vi chuyển động qua khớp cũng như sức mạnh cơ bắp. Trong quá trình đánh giá, bác sĩ có thể đề nghị các chuyển động khác nhau để xác định mức độ và phân loại chấn thương.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị các kết hợp điều trị như:

1. Kiểm soát cơn đau tại nhà

Nếu khớp vai kêu lục cục, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh  thực hiện phương pháp RICE để kiểm soát các triệu chứng. Đây là một kỹ thuật tự chăm sóc đơn giản, giúp giảm sưng, giảm đau và tăng tốc độ hồi phục các chấn thương.

Nếu khó chịu nhẹ ở khớp vai hoặc có âm thanh lục cục sau khi chơi thể thao hoặc vận động, người bệnh có thể thử liệu pháp RICE. Tuy nhiên, nếu bị đau, sưng, căng cứng nghiêm trọng hoặc không được cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.

khớp vai kêu lục cục là bệnh gì
Chườm lạnh có tác dụng giảm viêm, đau và phục hồi phạm vi chuyển động linh hoạt ở vai 

Phương pháp RICE gồm bốn bước như sau:

  • Nghỉ ngơi: Nếu khớp vai phát ra âm thanh, người bệnh  nên tạm thời ngừng các hoạt động và nghỉ ngơi trong 2 ngày. Điều này sẽ ngăn các tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn và thúc đẩy quá trình hồi phục. Ngoài ra, nghỉ ngơi cũng ngăn ngừa tình trạng căng cơ, bong gân, bầm tím.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể mang đến cảm giác thoải mái, dễ chịu cũng như ngăn ngừa cơn đau hoặc viêm, sưng tấy phát sinh. Chườm túi nước đá hoặc khăn lạnh lên vai trong 15 – 20 phút, có thể lặp lại sau 2 – 3 giờ trong 24 – 48 giờ đầu tiên sau khi bị thương. Trước khi chườm đá nên đặt một chiếc khăn ẩm lên bề mặt da để tránh gây tê cóng hoặc bỏng lạnh.
  • Băng ép: Băng ép khu vực vai có thể tăng tính ổn định, ngăn ngừa chấn thương và sưng tấy. Hãy quấn vai bằng băng y tế đàn hồi, không nên quấn quá chặt, điều này có thể gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Nếu vùng da bên dưới băng chuyển sang màu xanh hoặc tê cóng, ngứa ran, hãy nới lỏng băng. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, hãy đến bệnh viện.
  • Nâng cao vai: Điều này có nghĩa là hãy nâng cao vai hơn tim, để kiểm soát tình trạng sưng, đau.

Mục tiêu của phương pháp RICE là cố gắng giảm thiểu sưng tấy, chống viêm nhiễm và kiểm soát bất cứ cơn đau nào xảy ra ở vai. Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Paracetamol và Ibuprofen, tuy nhiên hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Sau giai đoạn cấp tính kéo dài 48 – 72 giờ, người bệnh  có thể chuyển sang giai đoạn điều trị và phục hồi chức năng. Hãy bắt đầu các bài tập hoặc trị liệu thần kinh cột sống theo chỉ định.

Các phương pháp điều trị bổ sung khác bao gồm:

  • Yoga: Các tư thế yoga có thể cải thiện tính linh hoạt, tăng cường sức mạnh và ổn định xung quanh khớp. Tập yoga cũng giúp cải thiện tư thế, hỗ trợ thư giãn và điều hòa hệ thống hô hấp.
  • Tập với con lăn bọt: Đây là phương pháp giải phóng cơ bắp bị căng cứng. người bệnh có thể tự thực hiện bài tập tại nhà hoặc đến phòng tập để được hướng dẫn cụ thể.
  • Massage: Đây là phương pháp điều trị rất phổ biến, giúp nới lỏng các cơ, gân, dây chằng, hỗ trợ giảm đau và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
  • Chườm nóng: Chườm nóng hoặc sử dụng các miếng dán nóng, gel thoa nóng có thể giúp giảm đau và căng cơ.

2. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Nếu tình trạng khớp vai kêu lục cục đi kèm với cơn đau nhức hoặc viêm khớp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen, có thể giúp kiểm soát cơn đau nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, không được lạm dụng thuốc hoặc kéo dài thời gian sử dụng, điều này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Paracetamol: Thuốc được sử dụng phổ biến để kiểm soát các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Thuốc này có thể sử dụng mà không cần kê đơn, tuy nhiên không được lạm dụng thuốc quá mức, điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
  • Tiêm Corticosteroid: Nếu tình trạng viêm nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid để giảm viêm và giúp các khớp lành lại. Bác sĩ có thể đề nghị thuốc tiêm cho các trường hợp chấn thương và viêm khớp vai.

3. Trị liệu thần kinh cột sống

Trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic) là một hình thức trị liệu thủ công, trong đó bác sĩ sẽ sử dụng tay và các dụng cụ đặc biệt để điều trị. Để thực hiện liệu pháp này, bác sĩ sẽ đẩy khớp về vị trí bình thường bằng một lực nhanh và mạnh, từ đó cải thiện tình trạng khớp vai kêu lục cục.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thực hiện các thao tác như xoa bóp, chườm nóng, chườm lạnh, kích thích dây thần kinh điện xuyên qua da (TENS) để kích thích thần kinh, cơ và phục hồi chức năng vận động linh hoạt.

Tuy nhiên, thao tác trị liệu thần kinh cột sống không được thực hiện đối với các khớp viêm hoặc nhiễm trùng. Những người có xương yếu, gãy xương, loãng xương, cũng cần tránh liệu pháp này để đảm bảo sức khỏe.

4. Tập thể dục tăng cường vai

Tập thể dục là chìa khóa để cải thiện sức mạnh và sự ổn định của vai. Các bài tập sẽ tăng độ ổn định xung quanh vai, giữ các khớp đúng vị trí, giảm hiện tượng khớp vai kêu lục cục khi chuyển động. Dưới đây là các bài tập phổ biến và hiệu quả nhất, người bệnh có thể tham khảo:

xương vai kêu rắc rắc
Thường xuyên tập thể dục tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt ở vai

Kéo vai:  

Bài tập này giúp thiết lập lại xương bả vai, tăng phạm vi chuyển động và sức bền của vai. Bài tập được thực hiện như sau:

  • Đứng, thư giãn vai bằng cách để vai hơi chùng xuống
  • Rút vai để xương bả vai được đưa lại gần tai
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 giây rồi trở về tư thế ban đầu
  • Thực hiện lặp lại 5 lần

Bài tập tăng cường sức mạnh vai với dây kháng lực:

Tăng cường sức mạnh cho các cơ vai sẽ giúp giữ xương bả vai ở vị trí tốt nhất trong quá trình vận động. Bài tập được thực hiện như sau:

  • Đứng thẳng người
  • Sử dụng dây kháng lực có lực cản trung bình
  • Giữ chặt cánh tay với cơ thể và hơi kéo vai về phía sau
  • Cong khuỷu tay của bạn 90 độ, hai tay nắm lấy dây kháng lực
  • Từ từ kéo một tay ra khỏi cơ thể 8 lần, sau đó đổi bên

Bài tập căng cơ hình thang:

Bài tập này phù hợp với người thường xuyên giữ yên một tư thế, chẳng hạn như nhân viên văn phòng, người sử dụng điện thoại, máy tính bảng trong thời gian dài. Bài tập này giúp kiểm soát tình trạng khớp vai kêu lục cục và hỗ trợ cải thiện cơn đau cổ vai gáy.

  • Ngồi trên ghế với lưng thẳng
  • Đặt một tay qua đầu sau gáy sao cho trán tựa vào cẳng tay
  • Tay còn lại giữ vào thành ghế để ổn định và thăng bằng
  • Quay đầu về cùng phía với cánh tay nâng lên
  • Kéo đầu theo đường chéo về phía trước sang một bên, lúc này người tập sẽ cảm thấy căng cơ bả vai mà không gây đau đớn
  • Giữ yên trong 30 giây, sau đó đổ bên

Kéo căng giữa hai xương bả vai: 

  • Ngồi trên ghế
  • Nâng cao một đầu gối, đan các ngón tay vào nhau và đặt dưới đầu gối
  • Thả lỏng vai, đẩy chân về phía sàn nhà và cảm thấy sự kéo căng giữa hai bả vai
  • Thực hiện các thao tác tương tự với chân còn lại
  • Giữ căng trong 30 giây và thực hiện lặp lại 3 lần cho mỗi chân

Tình trạng khớp vai kêu lục cục có thể được cải thiện thông qua các bài tập tăng cường sức mạnh. Các bài tập này không gây đau đớn và khó chịu. Do đó, hãy thông báo với bác sĩ ngay khi cảm thấy không thoải mái trong lúc tập luyện.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị khớp vai kêu lục cục thường không cần thiết. Tuy nhiên đối với các chấn thương nghiêm trọng, gãy xương không lành hoặc thoái hóa tiến triển, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật sửa gân, loại bỏ các u xương hoặc tái tạo lại các khớp. Điều này giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn, góp phần giảm đau và kiểm soát tình trạng khớp vai kêu lục cục.

Phòng ngừa tình trạng xương bả vai kêu lục cục

Để phòng ngừa tình trạng khớp vai kêu lục cục, người bệnh có thể tham khảo một số gợi ý phòng ngừa, chẳng hạn như:

  • Duy trì tư thế tốt: Không cúi người làm lệch vai, điều này có thể khiến các bọt khí tích tụ và gây ra âm thanh khi chuyển động. Cải thiện tư thế có thể giúp làm giảm hoặc ngừng tiếng ồn lạo xạo ở khớp vai.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Thường xuyên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường sức mạnh cho khớp, mang đến cảm giác thoải mái và ngăn ngừa âm thanh lục cục ở khớp. Các bài tập phổ biến chẳng hạn như yoga, có thể tăng cường sức mạnh mà không gây căng thẳng, chấn thương vai.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể kiểm soát các chấn thương nhẹ ở vai, ngăn ngừa tình trạng xương vai kêu rắc rắc. Chườm lạnh trong 10 – 15 phút mỗi lần cũng giúp giảm sưng, chống viêm và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình chữa lành các tổn thương.

Khớp vai kêu lục cục có thể hoàn toàn vô hại, không nghiêm trọng trong một số trường hợp. Nếu tình trạng này gây lo lắng hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Ngoài ra, bằng cách tăng cường sức mạnh cho vai thông qua các bài tập  và dành thời gian nghỉ ngơi, có thể giúp định khớp, từ đó ngăn ngừa chấn thương cũng như âm thanh lục cục khi chuyển động vai.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua