Hội chứng rễ thần kinh: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Hội chứng rễ thần kinh xảy ra khi một trong các rễ thần kinh, nơi các dây thần kinh nối với cột sống, bị kích thích hoặc chèn ép, dẫn đến đau đớn, tê hoặc ngứa dọc theo dây thần kinh. Bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh nắm rõ các thông tin cơ bản về tình trạng này và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Hội chứng rễ thần kinh
Hội chứng rễ thần kinh có thể gây đau đớn, tê mỏi và ảnh hưởng đến khả năng chuyển động của các chi liên quan

Hội chứng rễ thần kinh là gì?

Cột sống người được cấu tạo từ nhiều đốt sống và tủy sống. Tủy sống bắt đầu từ đáy não, chạy dọc theo cột sống cổ và ngực, thường kết thúc ở phần dưới của cột sống ngực.

Tủy sống không đi qua cột sống thắt lưng (lưng dưới). Sau khi tủy sống dừng lại ở phần dưới cột sống ngực, các rễ thần kinh sẽ di chuyển qua các đốt sống đến thắt lưng và xương cùng trông giống như một “đuôi ngựa” (do đó được đặt tên là chùm đuôi ngựa) và thoát ra khỏi cột sống.

Khi các rễ thần kinh bị chèn ép hoặc tổn thương sẽ dần đến các triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh. Điều này có thể dẫn đến đau đớn, tê và ngứa ran dọc theo vị trí của dây thần kinh.

Tùy thuộc vào vị trí của dây thần kinh bị chèn ép, các bác sĩ chia hội chứng rễ thần kinh thành ba loại:

  • Hội chứng rễ thần kinh cổ: Tình trạng này xảy ra khi tổn thương cột sống cổ hoặc cách hoạt động của dây thần kinh cổ thay đổi do bị chèn ép. Tổn thương này có thể dẫn đến đau đớn, mất cảm giác dọc theo đường đi của dây thần kinh vào cánh tay, bàn tay, tùy thuộc vào rễ thần kinh bị tổn thương.
  • Hội chứng chèn ép rễ thần kinh ngực: Tình trạng này xảy ra khi một rễ thần kinh ở vùng ngực cột sống bị chèn ép, tổn thương dẫn đến đau, yếu và ngứa ran ở vùng giữa lưng. Đôi khi bệnh lý rễ thần kinh ngực có thể bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona, biến chứng tim, bụng hoặc túi mật.
  • Hội chứng chèn ép rễ thần kinh thắt lưng: Đây là một chứng rối loạn gây đau lưng dưới và hông, lan xuống mặt sau của đùi vào chân. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm ngứa ran, đau đớn lan tỏa, tê, dị cảm hoặc thỉnh thoảng là đau nhói.

Thông thường, các triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh đáp ứng tốt các kế hoạch điều trị bảo tồn, chẳng hạn như thay đổi tư thế, sử dụng thuốc hoặc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, nếu cần thiết, người bệnh có thể chỉ định phẫu thuật để kiểm soát các triệu chứng.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng rễ thần kinh

Các triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh bao gồm:

  • Đau đớn xung quanh dây thần kinh bị ảnh hưởng
  • Ngứa ran
  • Yêu cơ
  • Tê liệt

Các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí rễ thần kinh bị ảnh hưởng, chẳng hạn như:

– Hội chứng rễ thần kinh cổ:

Triệu chứng chính của tình trạng này là cơn đau lan rộng đến cánh tay, cổ, ngực, lưng trên và vai. Thông thường các dấu hiệu chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.

Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu như:

  • Các vấn đề cảm giác, chẳng hạn như tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, các ngón tay
  • Các vấn đề vận động, chẳng hạn như yếu cơ, thiếu sự phối hợp hoặc mất phản xạ ở tay hoặc chân

– Hội chứng rễ thần kinh ngực:

Dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng rễ thần kinh ngực là đau đớn, khó chịu và chèn ép ở khu vực giữ lưng. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Đau rát hoặc đau nhói ở xương sườn, bên hông hoặc bụng, gây tê và ngứa ran
  • Đau bên trong và xung quanh ngực khi hít vào hoặc thở ra

– Hội chứng rễ thần kinh thắt lưng:

Đau đớn khu vực thắt lưng là dấu hiệu phổ biến nhất của hội chứng rễ thần kinh thắt lưng. Cơn đau này thường được mô tả như điện, nóng rát hoặc đau nhói và thương nghiêm trọng hơn khi hoạt động thể chất. Cơn đau có thể lan đến mông, hông, háng và chân. Cơn đau này được gọi là đau thần kinh tọa.

Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Yếu đuối
  • Mất khả năng phản xạ
  • Tê ngứa
  • Gặp vấn đề khi đi bộ

Đôi khi một số triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh có thể tương tự như các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu nhận thấy các cơn đau, khó chịu, đặc biệt là đau ngực hoặc tê bì chân tay, người bệnh nên đến bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rễ thần kinh

Hội chứng rễ thần kinh thường xảy ra do các thay đổi trong các mô xung quanh rễ thần kinh, bao gồm các xương của đốt sống, gân, đĩa đệm. Khi các mô này dịch chuyển, thay đổi kích thước, có thể sẽ làm thu hẹp không gian nơi các rễ thần kinh đi ra khỏi cột sống.

Bất cứ thứ gì chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh cột sống đều có thể dẫn đến bệnh lý rễ thần kinh, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm hoặc gai xương. Ngoài ra, viêm khớp hoặc các chấn thương trực tiếp lên cột sống cũng có thể gây áp lực lên các rễ thần kinh.

hội chứng chèn ép rễ thần kinh
Thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng rễ thần kinh

Nguyên nhân phổ biến:

  • Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm hoạt động như một lớp đệm giữa các đốt sống. Nếu các đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu hoặc bị hư hỏng và đè ép lên các dây thần kinh có thể dẫn đến bệnh lý rễ thần kinh.
  • Gai cột sống: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý rễ thần kinh là gai xương, những vùng xương phát triển thêm ở cột sống. Gai cột sống có thể hình thành do viêm xương khớp, chấn thương hoặc các tình trạng thoái hóa khác.
  • Thoái hóa: Ở người trung niên và lớn tuổi, các thay đổi do thoái hóa đĩa đệm, cột sống, có thể gây áp lực lên các rễ thần kinh.
  • Chấn thương: Ở người trẻ tuổi, các chấn thương như vỡ đĩa đệm, có thể dẫn đến hội chứng rễ thần kinh. Các chấn thương này có thể xảy ra do các hoạt động lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như uốn cong, nâng, vặn, kéo, xoắn cột sống thường xuyên, quá mức.

Nguyên nhân ít phổ biến:

  • Nhiễm trùng cột sống
  • Khối u ở cột sống liên quan đến ung thư
  • Tăng trưởng lành tính hoặc các khối u không phải ung thư ở cột sống

Các yếu tố rủi ro:

  • Hút thuốc lá
  • Có tiền sử bệnh lý rễ thần kinh
  • Thường xuyên nâng vật nặng
  • Tham gia môn thể thao lướt sóng và thường xuyên lặn xuống hồ bơi
  • Chơi golf

Hội chứng rễ thần kinh có nguy hiểm không?

Hội chứng rễ thần kinh không phổ biến những có thể dẫn đến các cơn đau kéo dài, tê, ngứa ran và nhiều triệu chứng liên quan khác.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân cơ bản, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi đứng, ngồi, chuyển động, cầm nắm đồ vật hoặc không thoải mái trong các hoạt động hàng ngày. Đối với bệnh lý rễ thần kinh cổ, người bệnh có thể bị đau và khó cử động, xoay cổ.

Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng rễ thần kinh không nguy hiểm và đáp ứng tốt các phương pháp điều trị. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy tốt hơn sau vài tuần hoặc sớm hơn. Nếu các triệu chứng này kéo dài, người bệnh có thể mắc các vấn đề cột sống hoặc bệnh lý nghiêm trọng khác. Do đó, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị hợp lý nhất.

Ngoài ra, người bệnh được khuyến cáo nên đến bệnh viện ngay khi bị chấn thương cột sống hoặc không thể cử động bàn tay, cánh tay, chân hoặc cổ như bình thường.

Chẩn đoán hội chứng rễ thần kinh như thế nào?

Bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe tổng thể, các triệu chứng và chỉ định xét nghiệm hình ảnh để xác định bệnh lý rễ thần kinh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một số kiểm tra thể chất, chẳng hạn như cổ, vai, cánh tay, cột sống ngực, thắt lưng và chân, để xác định tình trạng yếu cơ hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu cử động cánh tay, bàn tay, nâng chân hoặc đi lại để xác định cơn đau cũng như tình trạng mất kiểm soát tứ chi.

hội chứng chèn ép rễ thần kinh thắt lưng
Xét nghiệm điện cơ đồ được thực hiện để xác định chức năng hoạt động của dây thần kinh bị ảnh hưởng

Có thể người bệnh sẽ được đề nghị thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như:

  • Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang có thể cho thấy sự liên kết tủy sống bị thu hẹp, các tổn thương, chẳng hạn như gai xương hoặc vết nứt ở cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm này hiển thị hình ảnh cột sống ở dạng 3D, chi tiết hơn và giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ có thể giúp bác sĩ xác định các tổn thương mô mềm gây chèn ép dây thần kinh. MRI cũng giúp bác sĩ xác định bất cứ tổn thương nào đối với tủy sống.
  • Điện cơ đồ (EMG): EMG giúp đo các xung điện trong cơ bắp, điều này giúp xác định các dây thần kinh có hoạt động bình thường hay không. Xét nghiệm này hỗ trợ quá trình chẩn đoán phân biệt hội chứng rễ thần kinh và các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.

Biện pháp điều trị hội chứng chèn ép rễ thần kinh

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và dây thần kinh bị chèn ép, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị như:

1. Chăm sóc ban đầu

Các biện pháp điều trị hội chứng rễ thần kinh thường bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống, giảm đau tại nhà, điều chỉnh tư thế vận động cũng như tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể, các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Chườm nóng và chườm lạnh: Bác sĩ có thể đề nghị chườm nóng hoặc chườm lạnh để giúp giảm sưng, giảm viêm hoặc thư giãn các cơ bị căng. Cho đá lạnh vào túi ni lông, bọc khăn mỏng bên ngoài sau đó chườm lên khu vực bị đau trong 15 – 20 phút mỗi lần để kiểm soát các triệu chứng. Để chườm nóng, người bệnh che các vật dụng nóng bằng khăn để tránh bị bỏng sau đó chườm lên vị trí đau trong 20 phút mỗi lần. Có thể luân phiên chườm nóng và lạnh để nâng cao hiệu quả.
  • Điều chỉnh tư thế và vật lý trị liệu: Các động tác kéo giãn và bài tập tác động vào khu vực xung quanh cột sống có thể giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh, nhằm giảm áp lực lên các dây thần kinh cũng như kiểm soát cơn đau. Cải thiện tư thế tổng thể có thể giúp giảm căng thẳng lên cột sống, cải thiện cơn đau cũng như các triệu chứng bệnh lý rễ thần kinh khác. Hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn các bài tập phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh các hoạt động gây đau và áp lực lên cột sống. Thay đổi thói quen làm việc hoặc tính chất công việc nếu cần thiết. Ngoài ra, người bệnh cũng được khuyến khích nên giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị.

2. Sử dụng thuốc theo chỉ định

Các loại thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh, chẳng hạn như đau và viêm. Các loại thuốc được kê đơn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, chẳng hạn như:

hội chứng rễ thần kinh cổ
Sử dụng thuốc điều trị bệnh lý rễ thần kinh theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Hầu hết các trường hợp, người bệnh chỉ cần dùng thuốc NSAID không kê đơn (như Aspirin hoặc Ibuprofen) để điều trị các triệu chứng của hội chứng rễ thần kinh. Thuốc được sử dụng ngắn hạn, không quá 10 ngày, trừ khi nhận được sự đồng ý của bác sĩ.
  • Corticosteroid: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng viêm mạnh để kiểm soát các triệu chứng bệnh lý rễ thần kinh. Thuốc có thể ở dạng viên hoặc tiêm trực tiếp vào khu vực bị ảnh hưởng.
  • Thuốc giảm đau theo toa: Các loại thuốc này được sử dụng theo toa thuốc của bác sĩ để kiểm soát các cơn đau nghiêm trọng và không đáp ứng các phương pháp điều trị thông thường.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng bệnh lý rễ thần kinh.

3. Phẫu thuật

Rất hiếm khi phẫu thuật điều trị hội chứng rễ thần kinh được chỉ định. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng tiến hành chẩn đoán phân biệt để xác định loại phẫu thuật cần thiết.

Quy trình và loại phẫu thuật được chỉ định dựa trên loại hội chứng rễ thần kinh, mức độ chèn ép, dây thần kinh và cấu trúc bị ảnh hưởng. Mỗi loại phẫu thuật đều có lợi ích và rủi ro, do đó người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Triển vọng của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như thời gian mắc bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của người bệnh. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật bệnh lý rễ thần kinh là an toàn và tỷ lệ thành công cao.

Mẹo phòng ngừa hội chứng rễ thần kinh

Hội chứng rễ thần kinh thường là một tình trạng tạm thời, không quá nghiêm trọng và người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn nếu được điều trị hợp lý. Để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như ngăn ngừa tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý như:

  • Duy trì hoạt động thể chất: Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi dạo, tránh thời gian nghỉ ngơi trên giường kéo dài.
  • Không nâng vật nặng: Các vật nặng gây căng thẳng cho lưng và có thể khiến các triệu chứng rễ thần kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Trọng lượng cơ thể tăng thêm có thể làm căng lưng và tăng áp lực lên rễ thần kinh.
  • Không hút thuốc: Nicotine trong thuốc lá và các hóa chất khác có thể làm tăng nguy cơ bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng. Nếu đang hút thuốc và cần giúp đỡ bỏ thuốc, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.

Hội chứng rễ thần kinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai và thường là hậu quả của thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm hoặc các chấn thương khác. Trong một số trường hợp, các triệu chứng sẽ trở nên tốt hơn theo thời gian và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn đau hoặc các triệu chứng khác kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc hoặc phẫu thuật để kiểm soát. Ngoài ra, người bệnh được đề nghị thực hiện lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục và duy trì cân nặng khỏe mạnh để ngăn ngừa tình trạng này tái phát.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua