Viêm Điểm Bám Gân Là Tình Trạng Gì? Giải Pháp Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm điểm bám gân thường xảy ra do các hoạt động lặp lại thường xuyên hoặc sử dụng quá mức mà không có thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Tình trạng này có thể gây viêm, sưng, đau đớn, nhưng thường không nghiêm trọng và đáp ứng các phương pháp điều trị tại nhà, chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá hoặc sử dụng thuốc chống viêm.

Viêm điểm bám gân
Viêm điểm bám gân có thể gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng chuyển động linh hoạt của người bệnh

Viêm điểm bám gân là gì?

Gân là cấu trúc kết nối cơ và xương, hỗ trợ các khớp chuyển động linh hoạt. Viêm điểm bám gân là tình trạng viêm tại vị trí gân bám vào xương, thường xảy ra ở vai, bắp tay, khuỷu tay, bàn tay, cổ tay, các ngón tay, bắp chân, đầu gối và mắt cá chân.

Mặc dù tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, tuy nhiên bệnh thường phổ biến ở người trên 40 tuổi, vận động viên hoặc người có cường độ hoạt độ hoạt động thể chất cao.

Có một số loại viêm điểm bám gân phổ biến, bao gồm:

  • Viêm điểm bám gân gót chân: Viêm điểm bám gân gót chân hay viêm điểm bám gân Achilles có thể gây đau và sưng ở phía sau gót chân. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy có khối u ở phía sau khớp cổ chân. Cơn đau ở gót chân thường giảm bớt khi thực hiện một số hoạt động nhẹ nhàng nhưng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi các hoạt động tăng lên. Nếu không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đứt gân gót chân.
  • Viêm điểm bám gân bánh chè: Viêm điểm gân bánh chè thường xảy ra ở vận động viên nhảy cao, nhảy xa, bóng rổ, bóng chuyền hoặc người thường xuyên thực hiện các động tác nhảy lặp lại. Tình trạng này thường gây đau đớn, sưng ngay bên dưới xương bánh chè.
  • Viêm điểm bám gân chày sau: Tình trạng này thường gây đau ở mặt trong của mắt cá chân, dẫn đến khó khăn khi đi lại và có thể khiến người bệnh không thể đứng vững trên các ngón chân.
  • Viêm điểm bám gân lồi cầu trong/ngoài xương cánh tay: Tình trạng này là nguyên nhân chính dẫn đến đau khuỷu tay, thường xảy ra ở người chơi quần vợt hoặc tập luyện các môn thể thao khác yêu cầu các động tác lặp lại liên tục ở cổ tay. Dấu hiệu phổ biến của tình trạng này là đau nhức âm ỉ ở cổ tay và khuỷu tay.
  • Viêm điểm bám gân đùi: Tình trạng này dẫn đến đau đớn âm ỉ ở vùng đầu dưới đùi, tại khu vực gần khớp gối, cơn đau tăng lên khi ấn vào.

Viêm điểm bám gân là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất cứ gân nào trên cơ thể. Điều quan trọng là có kế hoạch chẩn đoán, điều trị phù hợp và kịp lúc.

Nguyên nhân gây viêm điểm bám gân

Viêm điểm bám gân thường xảy ra do chấn thương thể thao, vận động quá mức, thực hiện các động tác lặp lại thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể liên quan đến một số vấn đề, chẳng hạn như:

  • Tư thế xấu hoặc thói quen đi bộ không phù hợp
  • Căng thẳng, áp lực quá mức lên các mô mềm do khớp hoặc xương biến dạng, chẳng hạn như biến dạng khớp hoặc chiều dài chân không bằng nhau
  • Một số loại viêm khớp và các tình trạng liên quan, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và thoái hóa khớp
  • Rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, có thể gây hạn chế lưu lượng máu đến điểm bám gân, dẫn đến viêm

Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc và nhiễm khuẩn cũng có thể dẫn đến viêm, mặc dù tình trạng này rất hiếm khi xảy ra.

Triệu chứng viêm điểm bám gân

Viêm điểm bám gân gây viêm, đau đớn và sưng ở các vùng xung quanh khớp, chẳng hạn như gân, dây chằng và cơ. Một số dấu hiệu có thể xảy ra đột ngột, kéo dài nhiều ngày hoặc lâu hơn và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi cử động, được cải thiện khi nghỉ ngơi và điều trị đúng cách. Tuy nhiên tình trạng này có thể tái phát ở cùng một vị trí cơ thể.

Viêm điểm bám gân đầu gối
Đau đớn và hạn chế phạm vi chuyển động là dấu hiệu viêm điểm bám gân phổ biến nhất 

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau ở vị trí tổn thương, có thể gây đau đớn liên tục, đau nghiêm trọng hơn khi vận động, đau tại chỗ hoặc lan ra vùng cơ có gân bị viêm, dẫn đến hạn chế khả năng vận động
  • Cơ thể sưng, nóng, đỏ xung quanh vùng bị đau hoặc sờ thấy các cục u nhỏ dọc trên gân
  • Các vị trí bám gân chẳng hạn như tay, chân, thường bị đau nhiều hơn khi vận động
  • Gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng vận động

Viêm điểm bám gân cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các rủi ro và biến chứng phát sinh. Do đó, nếu bị đau, khó chịu hoặc có dấu hiệu viêm, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Viêm điểm bám gân có nguy hiểm không?

Viêm điểm bám gân có thể gây đau đớn, nhức nhối, khó chịu kéo dài từ vài tháng đến vài tuần. Tuy nhiên trong trường hợp viêm gân mãn tính, các triệu chứng có thể trở thành mãn tính cũng như tăng nguy cơ hình thành các biến chứng nghiêm trọng.

Viêm điểm bám gân mãn tính cần được điều trị lâu dài, từ ba tháng đến một năm. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ đứt, rách gân. Một gân bị rách hoàn toàn có thể cần phẫu thuật để chữa lành.

Chẩn đoán viêm điểm bám gân như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng viêm điểm bám gân dựa trên các triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra sức khỏe tổng thể để xác định các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm.

Khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể trao đổi một số vấn đề như:

  • Vị trí cơn đau
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đánh giá mức độ cơn đau dựa theo thang điểm
  • Loại cơn đau, chẳng hạn như đau rát, đau âm ỉ hoặc đau như dao cắt
  • Các triệu chứng đã kéo dài trong bao lâu

Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ có thể xác định các dấu hiệu bên ngoài, chẳng hạn như:

  • Xác định các vết sưng đỏ, sưng tấy
  • Kiểm tra phạm vi chuyển động của người bệnh, có thể kéo giãn hoặc di chuyển một phần cơ thể ra xa hơn
  • Chạm vào một số khu vực nhất định để xác định cơn đau

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như:

  • Siêu âm: Siêu âm cho thấy các thay đổi trong gân, chẳng hạn như độ dày, chiều dài, độ cứng, các sợi gân và vết rách ở các điểm bám gân.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy tình trạng sức khỏe chung hoặc chân thương ở gân, điểm bám gân của người bệnh.

Biện pháp điều trị viêm điểm bám gân

Viêm điểm bám gân có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp giảm đau, viêm và duy trì khả năng vận động. Các triệu chứng nghiêm trọng có thể cần điều trị phẫu thuật, chỉnh hình hoặc vật lý trị liệu. Khi được điều trị đúng cách, hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ không gây tổn thương đến các khớp cũng như ngăn ngừa nguy cơ tàn tật. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Mục tiêu ban đầu của kế hoạch điều trị viêm điểm bám gân thường tập trung vào việc kiểm soát tình trạng viêm và cho phép điểm bám gân có thời gian tự chữa lành. Để góp phần cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp như:

Thuốc điều trị viêm điểm bám gân
Chườm lạnh có tác dụng giảm đau, chống viêm và giảm sưng tây hiệu quả
  • Cố định: Để vị trí viêm, đau cố định, nghỉ ngơi và tránh các chuyển động không mong muốn. Nếu cần thiết, người bệnh có thể nẹp hoặc băng quấn vị trí tổn thương đến chống viêm, sưng tấy.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm viêm, giảm sưng và đau đớn. Tránh chườm đá lạnh trực tiếp lên da, điều này có thể gây bỏng lạnh và một số tổn thương da khác.
  • Nâng cao: Để giảm sưng, hãy đặt vị trí bị tổn thương cao hơn tim. Điều này sẽ giúp giảm lưu lượng máu, từ đó chống viêm, giảm sưng tấy hiệu quả.
  • Xoa bóp: Người bệnh có thể xoa bóp, massage nhẹ nhàng vị trí đau để kích thích các dây thần kinh, giải tỏa các điểm áp lực, tăng cường lưu thông máu và thúc đẩy quá trình chữa lành bệnh.

Kế hoạch điều trị viêm điểm bám gân tại nhà cần được thực hiện đều đặn, đúng kỹ thuật để tránh các rủi ro phát sinh. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào.

2. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Nếu các biện pháp điều trị tại nhà không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Chẳng hạn như Paracetamol, có thể cắt giảm cơn đau từ nhẹ đến trung bình một cách nhanh chóng.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc này chẳng hạn như Ibuprofen, có tác dụng giảm viêm, giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Thuốc có ở dạng không kê toa và kê toa, do đó người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.
  • Tiêm Corticosteroid: Corticosteroid là một loại thuốc chống viêm mạnh, sẽ được tiêm trực tiếp vào vị trí bị tổn thương, nhằm mục đích chống viêm, giảm đau, từ đó cải thiện các triệu chứng. Thuốc được tiêm theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây suy yếu gân và đứt gân.

Việc sử dụng thuốc điều trị viêm điểm bám gân cần nhận được sự đồng ý, hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Sử dụng thuốc quá liều hoặc kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận cũng như nhiều rủi ro sức khỏe khác.

3. Vật lý trị liệu

Nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị các liệu pháp nóng / lạnh, siêu âm (sóng âm thanh), tia laser hoặc thủy trị liệu, để hỗ trợ điều trị, cải thiện các triệu chứng. Chuyên gia trị liệu cũng có thể đề xuất các thiết bị hỗ trợ, điều chỉnh các hoạt động hàng ngày và thói quen làm việc để ngăn ngừa các chấn thương tái phát cũng như hỗ trợ các hoạt động hàng ngày trở nên dễ dàng hơn.

Các chương trình vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:

  • Liệu pháp siêu âm: Nhà trị liệu sẽ sử dụng siêu âm để xác định vị trí gân bị tổn thương, sau đó sử dụng kim nhỏ xuyên qua da để phá vỡ và loại bỏ mô bị tổn thương.
  • Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWT): Trong liệu pháp này, nhà trị liệu sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay để phát sóng âm thanh năng lượng cao, điều này có thể kích thích lưu lượng máu để điểm bám gân bị tổn thương, từ đó kích thích quá trình chữa lành tự nhiên.

4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị tiêm huyết tương giàu tiểu cầu để điều trị tình trạng viêm điểm bám gân. Tiểu cầu là những mảnh tế bào nhỏ trong máu, khi được tiêm vào cơ thể có thể khuyến khích quá trình chữa lành bệnh.

Theo các nghiên cứu, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu sẽ giúp điều trị các tình trạng như:

  • Viêm gân cầu lồi trong / ngoài
  • Viêm gân khớp gối (thường được kết hợp với thuốc giảm đau, vật lý trị liệu phục hồi chức năng)

Phương pháp này tương đối an toàn, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên tương tự như bất cứ loại tiêm nào, phương pháp có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như chảy máu, đau đớn, nhiễm trùng.

5. Phẫu thuật

Phẫu thuật viêm điểm bám gân không phổ biến và chỉ được thực hiện khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.

Bài tập chữa viêm điểm bám gân khuỷu tay
Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật sẽ được thực hiện thông qua nội soi. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ, sau đó loại bỏ mô bị viêm hoặc giải phóng áp lực lên gân, từ đó cải thiện các triệu chứng viêm. Trong trường hợp các tổn thương điểm bám gân nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật gây mê toàn thân để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được đề nghị tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Có thể mất từ vài tuần đến vài tháng để phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên phẫu thuật cũng có thể gây ra một số rủi ro, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng
  • Chấn thương thần kinh
  • Sưng tấy
  • Chảy máu
  • Rách gân

Phòng ngừa viêm điểm bám gân như thế nào?

Viêm điểm bám gân có thể phòng ngừa bằng cách tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm tình trạng này. Người bệnh có thể cần thay đổi hoạt động và sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như:

  • Tránh các hoạt động gây kích thích điểm bám gân và sử dụng băng bảo vệ, nẹp để tránh gây tổn thương gân
  • Chú ý các dấu hiệu của cơ thể, ngừng tập luyện hoặc chuyển động nếu bị đau đớn, khó chịu
  • Thực hiện vận động đúng kỹ thuật để tránh gây tổn thương gân
  • Thường xuyên kéo giãn gân, khởi động làm nóng cơ thể trước khi tập thể dục hoặc hoạt động thể chất
  • Nếu nhận thấy đau đớn, khó chịu, hãy đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị sớm nhất.

Viêm điểm bám gân có thể rất đau đớn và gây suy nhược cơ thể. Tuy nhiên có nhiều biện pháp khác nhau có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, góp phần giảm đau cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là đến bệnh viện để được thăm khám và có kế hoạch điều trị hợp lý, kịp thời.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua