Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi: Thông tin cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là tình trạng phần trên chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử tủy xương và tế bào xương. Tùy theo mức độ nặng hoặc nhẹ, tổn thương có thể gây ra tình trạng khuyết xương, thừa xương, gãy xương và nhiều vấn đề khác. Để khắc phục bệnh nhân cần được điều trị ngoại khoa kết hợp phẫu thuật.

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là tình trạng phần trên chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử xương

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là gì?

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi (hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi) là tình trạng thiếu hụt máu nuôi dưỡng phần trên chỏm xương khiến tủy xương cùng tế bào xương bị tổn thương và hoại tử.

Trong thời gian đầu của bệnh, tổn thương hoại tử có thể hình thành những ổ khuyết trên xương hoặc kích thích tế bào xương phát triển bất thường dẫn đến thừa xương, có thể không có triệu chứng.

Khi bệnh tiến triển, tổn thương hoại tử có thể khiến phần xương dưới sụn suy yếu và dễ gãy. Ở những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát, xương khớp bị phá hủy, khớp háng bị suy giảm hoặc mất chức năng, bệnh nhân bị tàn phế.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở những người có độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi.

Phân loại hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được phân thành 2 loại, bao gồm:

  • Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi tự phát: Bệnh thường xảy ra ở nam giới và những người đang trong độ tuổi trung niên.
  • Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi thứ phát: Bệnh thường tiến triển ở những bệnh nhân mắc bệnh về khớp, các dạng rối loạn hoặc bị chấn thương trước đó.

Các giai đoạn của bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Theo Ficat và Arlet (1997), hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có 4 giai đoạn. Những biểu hiện của các giai đoạn được thể hiện trên hình ảnh X-quang.

Theo ARCO (1993), hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được phân thành 7 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn 0

Có yếu tố nguy cơ ở giai đoạn này. Tuy nhiên các chẩn đoán cận lâm sàng không cho thấy biểu hiện bệnh.

  • Giai đoạn 1

Bệnh tiến triển khiến bệnh nhân có biểu hiện đau nhức âm ỉ, đau có thể khỏi, sau đó tái phát. Bệnh nhân chủ yếu bị đau ở vùng háng (bên bị tổn thương) nhưng cũng có thể có cảm giác đau ở khớp gối.

Xạ hình xương và chụp cộng hưởng từ có thể giúp phát hiện tổn thương hoại tử. Không thể phát hiện những bất thường thông qua hình ảnh X-quang thông thường.

  • Giai đoạn 2 đến 6

Xuất hiện một số biểu hiện trên hình ảnh X-quang thông thường. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, hình ảnh X-quang có thể cho thấy những thay đổi khu trú ở chỏm xương đùi hoặc những thay đổi ở ổ cối và khe khớp.

Các giai đoạn của bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Theo ARCO (1993), có 7 giai đoạn tiến triển của bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Triệu chứng của hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Đối với hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, tổn thương thường chỉ xuất hiện ở một bên khớp háng (chiếm 70% trường hợp). Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân có thể bị tổn thương cả hai bên khớp háng.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi có thể không làm phát sinh triệu chứng ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh gây ra những cơn đau âm ỉ tại khớp háng ở bên tổn thương. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau thường tăng dần theo thời gian. Đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Đau nhiều khi đứng lâu hoặc đi lại.

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể bị đau ngay cả khi nằm nghỉ. Cơn đau có thể lan rộng toàn bộ phần mông và xuống đùi. Điều này khiến việc di chuyển và thực hiện những hoạt động liên quan đến khớp háng trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân gây hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi xảy ra khi lưu lượng máu đến chỏm xương đùi bị suy giảm hoặc bị gián đoạn. Bệnh thường xảy ra do những nguyên nhân sau:

1. Nguyên nhân tự phát

Nguyên nhân tự phát chiếm 50% trường hợp, thường gặp ở những người có độ tuổi trung niên, xảy ra ở nam giới nhiều hơn so với phụ nữ.

2. Nguyên nhân thứ phát

Nguyên nhân thứ phát được phân thành hai loại, gồm do chấn thương và không do chấn thương.

Do chấn thương

Những mạch máu ở chỏm xương đùi có thể hỏng khi chấn thương. Điều này làm cản trở quá trình lưu thông máu nuôi dưỡng tủy xương và tế bào xương. Lâu ngày dẫn đến hoại tử.

Những chấn thương thường gặp gồm:

Bệnh thường xuất hiện sau 2 năm kể từ thời điểm chấn thương. Khả năng mắc bệnh không bị tác động nhiều bởi giới tính và độ tuổi.

Không do chấn thương

Hoại tử vô mạch thường xuất hiện sau những bệnh lý và các vấn đề sau:

  • Phương pháp điều trị ung thư: Các phương pháp điều trị ung thư khiến những mạch máu nhỏ bị suy yếu, tắc nghẽn và không đảm bảo lưu lượng máu lưu thông đến xương.
  • Chất béo lắng đọng trong mạch máu: Các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn do chất béo (lipid) lắng đọng và làm giảm quá trình lưu thông máu.
  • Dùng corticoid liều cao, thuốc lá và rượu: Thường xuyên sử dụng rượu và thuốc lá, dùng corticoid liều cao chiếm 2/3 trường hợp hoại tử vô mạch chỏm xương đùi không do chấn thương. Nguyên nhân là do corticoid và thức uống có cồn có khả năng làm tăng lượng lipid lắng đọng trong những mạch máu. Từ đó làm giảm đáng kể lượng máu lưu thông đến xương.
  • Những nguyên nhân không do chấn thương khác:
    • Các bệnh tự miễn (điển hình như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ)
    • Bệnh hồng cầu hình liềm
    • Viêm ruột
    • Ghép tạng
    • Bệnh tắc mạch tự phát và bệnh lý tăng đông
    • Rối loạn chuyển hóa mỡ
    • Bệnh đái tháo đường
    • Bệnh khí ép. Thường xảy ra ở công nhân hầm mỏ và thợ lặn
    • Thai nghén
    • Bệnh HIV / AIDS
    • Viêm tụy.
Dùng corticoid liều cao
Dùng corticoid liều cao có khả năng làm tăng lượng lipid lắng đọng trong các mạch máu, gây tắc nghẽn và hoại tử xương

Sinh bệnh học

Những mạch máu có tác dụng cung cấp ở chỏm xương đùi bị tắc nghẽn hoặc cấu trúc thành mạch bị phá hủy sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng tủy xương và tế bào xương. Từ đó khiến tổ chức xương chết đi và làm phát sinh những vùng bị hoại tử. Tuy nhiên do sát với những tế bào còn sống và vùng mạch nguyên vẹn nên quá trình thành xương mới ở vùng hoại tử sẽ diễn ra.

Thông thường sau khi tái tưới máu, quá trình nuôi dưỡng và sửa chữa xương sẽ diễn ra. Quá trình này diễn ra theo hai giai đoạn.

  • Giai đoạn đầu: Có sự hình thành mạch, những tế bào trung mô chưa biệt hóa ở mô xương lân cận có dấu hiệu phát triển và di chuyển vào những khoang tủy chết. Bên cạnh đó đại trực bào xâm nhập làm phân hủy chất béo và những mảnh tế bào chết.
  • Giai đoạn 2: Tế bào trung mô biệt hóa chuyển thành nguyên bào sợi và nguyên bào xương. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, khối lượng kháng vô cơ khỏe mạnh sẽ tạo thành khuôn khổ để mô xương mới được thành lập với đầy đủ chức năng.

Quá trình hình thành xương mới thường chậm hơn so với quá trình tiêu hủy xương. Điều này khiến cấu trúc xương suy yếu, tăng nguy cơ sập chỏm xương đùi và gãy xương dưới sụn. Đồng thời làm tăng áp lực lên sụn khớp. Lâu ngày quá trình thoái hóa tiến triển, khớp háng bị mất chức năng, bệnh nhân bị tàn phế.

Mức độ nghiêm trọng của hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Nếu không sớm kiểm soát hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, bệnh nhân sẽ bị tàn phế. Ở những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ gặp những biến chứng sau:

  • Tổn thương hoại tử làm mất hình dạng trơn nhẵn của xương và tăng nguy cơ viêm khớp nặng
  • Gãy xương
  • Đau xương mạn tính
  • Xẹp chỏm xương đùi
  • Suy giảm/ mất khả năng vận động ở khớp háng.
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi gây đau xương mãn tính, gãy xương
Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi gây đau xương mãn tính, gãy xương, xẹp chỏm xương đùi, tàn phế

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được chẩn đoán bằng cách nào?

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được chẩn đoán dựa vào những biện pháp sau:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Đầu tiên bệnh nhân được đánh giá và xác định yếu tố nguy cơ thông qua một số câu hỏi liên quan đến các loại thuốc đang dùng, tiền sử mắc bệnh, tiền sử chấn thương, thói quen uống rượu và hút thuốc lá.

Kiểm tra triệu chứng:

  • Khám tại vị trí bị tổn thương (thường không có biểu hiện bất thường).
  • Kiểm tra triệu chứng đau, đặc tính, mức độ nghiêm trọng của cơn đau và vị trí đau.
  • Kiểm tra những biểu hiện toàn thân giúp chẩn đoán phân biệt.
  • Kiểm tra khả năng vận động của đầu gối và khớp háng. Ở giai đoạn nhẹ, khả năng vận động của bệnh nhân không bị hạn chế. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi khép, dạng, xoay nhưng gập duỗi bình thường.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Những kỹ thuật chẩn đoán dưới đây sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị nghi ngờ tử vô mạch chỏm xương đùi. Cụ thể:

Quét xương

Khi thực hiện quét xương, bác sĩ tiến hành tiêm vào tĩnh mạch một lượng nhỏ chất phóng xạ. Chất này có khả năng di chuyển đến chỏm xương đùi. Sau đó tạo ra những điểm sáng trên hình ảnh. Từ đó giúp xác định những khu vực lành hoặc những điểm có tổn thương hoại tử.

Chụp X-quang

Chụp X-quang tạo ra hình ảnh về cấu trúc xương, giúp xác định những bất thường ngay tại vị trí tổn thương và chẩn đoán xác định. Tuy nhiên đối với hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, kỹ thuật này chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn sớm hơn, hình ảnh X-quang thường cho kết quả bình thường.

Hình ảnh X-quang ở bệnh nhân có tổn thương hoại tử:

  • Xuất hiện dấu hiệu trăng lưỡi liềm (biểu hiện gãy xương dưới sụn)
  • Vỡ xương dưới sụn
  • Hẹp khe khớp háng
  • Xẹp chỏm hoàn toàn hoặc biến dạng chỏm
  • Tổn thương ổ cối do thoái hóa.

Chụp cộng hưởng từ MRI

Chụp cộng hưởng từ MRI có khả năng phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến hoại tử vô mạch chỏm xương đùi ở giai đoạn sớm nhất. Ngoài ra kỹ thuật này còn có tác dụng xác định mức độ nghiêm trọng (phân độ tổn thương, kích thước ổ tổn thương) và các biến chứng. Từ đó giúp chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp.

Những dấu hiệu bất thường trên hình ảnh MRI gồm:

  • Xuất hiện vùng giảm tín hiệu ở chỏm xương đùi, bao gồm vùng trước trên và vùng rìa xương.
  • Tăng tín hiệu phía trong. Vùng tăng tín hiệu và vùng giảm tín hiệu phía ngoài thường có ranh giới rõ ràng.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Chụp cộng hưởng từ MRI giúp phát hiện triệu chứng hoại tử vô mạch chỏm xương đùi ở giai đoạn sớm nhất

CT – scan

CT – scan có thể phát hiện sớm biểu hiện thưa xương ở những bệnh nhân bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Tuy nhiên kỹ thuật này không có khả năng phát hiện sớm những tổn thương ở mạch máu và tủy xương.

Những biểu hiện thường gặp trên hình ảnh X-quang gồm:

  • Thưa xương
  • Biến dạng chỏm
  • Vỡ xương dưới sụn
  • Xuất hiện đường sáng dưới sụn
  • Xuất hiện những dải tăng tỉ trọng với bề dày khác nhau hoặc những nốt tăng tỉ trọng không đều.

3. Chẩn đoán phân biệt

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý sau:

Ở giai đoạn sớm

Cần chẩn đoán phân biệt tổn thương hoại tử với tất cả các bệnh khớp háng làm ảnh hưởng đến màng hoạt dịch, sụn khớp và xương, gồm:

  • U màng hoạt dịch
  • Viêm màng hoạt dịch
  • Viêm khớp do những nguyên nhân khác
  • Viêm sụn khớp.

Ở giai đoạn muộn

Cần chẩn đoán phân biệt tổn thương hoại tử với những bệnh lý phá hủy khớp háng, gồm:

Cần chẩn đoán phân biệt hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi với lao xương
Cần chẩn đoán phân biệt hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi với bệnh lao xương, viêm cột sống dính khớp…

Nguyên tắc điều trị

Đối với những trường hợp bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, bệnh nhân cần được điều trị với những nguyên tắc sau:

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, giai đoạn tiến triển, nguyên nhân, độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bệnh nhân sẽ được điều trị với phác đồ và những phương pháp khác nhau.

Giai đoạn sớm

Điều trị trong giai đoạn trước khi có gãy xương dưới sụn.

  • Mục tiêu điều trị: Phòng ngừa bệnh tiến triển và hạn chế gây biến chứng.
  • Phương pháp điều trị: Phẫu thuật lấy xương hoại tử và ghép xương, khoan giảm áp, giảm áp lực lên chỏm xương đùi, xoay chỏm xương.

Giai đoạn muộn hơn

Điều trị khi có gãy xương dưới sụn

  • Mục tiêu điều trị: Kiểm soát triệu chứng, điều chỉnh xương và phục hồi chức năng.
  • Phương pháp điều trị: Điều trị triệu chứng, vật lý trị liệu, áp dụng biện pháp chăm sóc và sinh hoạt phù hợp, có hoặc không phẫu thuật ghép xương.

Giai đoạn muộn

Điều trị khi có thoái hóa thứ phát và xẹp chỏm xương dưới đùi.

  • Mục tiêu điều trị: Kiểm soát triệu chứng, khắc phục tổn thương hoại tử.
  • Phương pháp điều trị: Điều trị triệu chứng, phẫu thuật thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần.

Phương pháp điều trị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Dựa vào giai đoạn bệnh và các yếu tố như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, bệnh nền… mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp.

1. Sử dụng thuốc điều trị

Những loại thuốc được dùng trong điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi thường có tác dụng giảm đau và tăng mật độ xương.

  • Thuốc giảm đau thông thường

Dùng Paracetamol hoặc kết hợp Paracetamol và Codein/Tramadol để khắc phục những cơn đau do tổn thương hoại tử. Thông thường bệnh nhân bị hoại tử vô mạch ở giai đoạn sớm sẽ có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này.

  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid

Thuốc giảm đau chống viêm không steroid gồm Naproxen sodium, Ibuprofen… được sử dụng để cải thiện tình trạng viêm và đau ở những bệnh nhân có tổn thương hoại tử. Nhóm thuốc này phù hợp với những bệnh nhân có cơn đau trung bình.

  • Bisphosphonate

Bisphosphonate có thể được xem xét trong quá trình điều trị hoại tử vô mạch. Loại thuốc này có khả năng làm giảm tốc độ tiêu xương bằng cách kích thích quá trình apoptosis (quá trình tế bào hủy xương tự tử). Từ đó giúp tích lũy canxi và ngăn chặn quá trình hoại tử.

  • Chất làm loãng máu

Trong trường hợp hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi do cục máu đông, bệnh nhân sẽ được sử dụng chất làm loãng máu để cải thiện căn nguyên. Từ đó giúp ngăn ngừa tổn thương hoại tử lan rộng.

  • Thuốc giảm cholesterol

Nếu tắc nghẽn mạch do tích tụ chất béo và cholesterol là nguyên nhân gây hoại tử, thuốc giảm cholesterol sẽ được đưa vào quá trình điều trị bệnh. Loại thuốc này có tác dụng làm tiêu chất béo và cholesterol tích tụ. Từ đó giúp phòng ngừa và điều trị tắc nghẽn mạch.

  • Thuốc điều trị loãng xương

Alendronate (Fosamax, Binosto) và một số loại thuốc điều trị loãng xương khác có khả năng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh hoại tử vô mạch chỏm xương đùi.

  • Viên uống bổ sung calci và vitamin D

Viên uống bổ sung calci và vitamin D được sử dụng với mục đích làm tăng mật độ xương.

Sử dụng thuốc điều trị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi
Sử dụng thuốc điều trị căn nguyên và các triệu chứng của hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

2. Biện pháp chăm sóc

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần áp dụng các biện pháp chăm sóc để hỗ trợ giảm đau, hạn chế tổn thương và nâng cao hiệu quả điều trị của các phương pháp.

Những biện pháp thường được áp dụng gồm:

  • Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là một biện pháp giảm đau hiệu quả. Nguyên nhân là do việc nghỉ ngơi có thể làm giảm áp lực từ trọng lượng của cơ thể đến xương hoại tử. Đồng thời làm giảm nguy cơ phát sinh những thương tổn khác.

Vì thế trong thời gian điều trị, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng và không hoạt động nhiều. Ngoài ra bệnh nhân có thể sử dụng nạng khi di chuyển để giảm nguy cơ tổn thương và gãy xương.

  • Vật lý trị liệu

Để phòng ngừa tình trạng cứng khớp và giảm nguy cơ tàn phế, người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện những chương trình vật lý trị liệu phù hợp. Những bài tập có thể giúp người bệnh cải thiện cơn đau và tăng độ linh hoạt cho các khớp xương.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn giúp người bệnh làm chậm quá trình hoại tử và hạn chế phát sinh những tổn thương xương khớp khác. Điển hình như thoái hóa khớp thứ phát.

  • Kích thích điện

Kích thích điện được thực hiện với mục đích đẩy nhanh quá trình phát triển mô xương mới, hủy chất béo và những mảnh tế bào chết. Từ đó rút ngắn thời gian điều trị. Để thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một dòng điện phù hợp kích thích trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể sử dụng điện cực gắn trên da.

Thông thường kích thích điện sẽ được thực hiện trong thời gian sử dụng thuốc hoặc điều trị đồng thời với phương pháp phẫu thuật để đẩy nhanh sự phát triển của xương mới.

3. Phẫu thuật

Không phải tất cả trường hợp hoại tử vô mạch chỏm xương đùi đều được điều trị bằng phẫu thuật. Thông thường phương pháp điều trị này sẽ được xem xét và chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi đang trong giai đoạn tiến triển, có phá hủy xương và gây đau mãn tính
  • Thất bại khi điều trị nội khoa.

Tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định một trong những phương pháp phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi

Phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi được chỉ định cho những bệnh nhân bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi giai đoạn 1 và 2. Phương pháp này giúp loại bỏ phần hoại tử bên trong xương. Từ đó giúp giảm đau, loại bỏ tổn thương, tạo thêm không gian bên trong xương. Đồng thời kích thích quá trình sản sinh những mô xương khỏe mạnh.

Ngoài ra phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi còn có khả năng giảm áp lực lên chỏm xương đùi và những vị trí đang bị tổn thương khác. Đối với tổn thương hoại tử giai đoạn 3, bệnh nhân sẽ được yêu cầu phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi kết hợp ghép xương.

Phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi
Phẫu thuật khoan giải áp chỏm xương đùi kết hợp ghép xương cho tổn thương hoại tử giai đoạn 3
  • Phẫu thuật ghép xương

Phẫu thuật ghép xương có tác dụng loại bỏ xương hoại tử, thay thế bằng xương khỏe mạnh giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo mô xương khỏe mạnh. Từ đó giúp củng cố vùng xương bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể dùng mảnh xương có cuống mạch hoặc mảnh xương tự do đặt vào vị trí tổn thương sau khi đã loại bỏ mảnh xương hoại tử.

  • Phẫu thuật cắt xương (tạo hình lại xương)

Phẫu thuật cắt xương sẽ được thực hiện bằng cách cắt bỏ xương chêm ở phần dưới hoặc phần trên khớp chịu trọng lực. Từ đó giúp giảm bớt trọng lực ở chỏm xương đùi (ngay tại khu vực bị tổn thương). Phương pháp phẫu thuật có thể giúp hạn chế hoặc trì hoãn việc phẫu thuật thay khớp háng.

  • Phẫu thuật thay khớp háng 

Đối với những trường hợp bị hoại tử vô mạch chỏm xương đùi cấp độ 4 – 6, mất chức năng khớp háng và đau nhiều, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu thay khớp háng toàn phần hoặc bán phần.

Khi phẫu thuật thay khớp háng, một hoặc nhiều bộ phận của khớp bị hư hỏng sẽ được thay thế bằng thiết bị kim loại hoặc thiết nhựa. Điều này giúp ngăn ngừa hoại tử vô mạch tái phát và khôi phục khả năng vận động cho bệnh nhân.

  • Điều trị bằng thuốc tái tạo

Điều trị bằng thuốc tái tạo có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn đầu. Lúc này bệnh nhân sẽ được chọc hút và cô đặc tủy xương.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ một lõi của xương chết, sau đó đưa vào vị trí này một lượng vừa đủ tế bào gốc được lấy từ tủy xương của chính cơ thể. Lúc này tế bào gốc khỏe mạnh sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển mô xương mới với đầy đủ chức năng. Tuy nhiên phương pháp điều trị này đang được nghiên cứu thêm.

Tiên lượng

Hơn 50% trường hợp hoại tử vô mạch chỏm xương đùi cần phẫu thuật trong vòng 3 năm kể từ thời điểm phát hiện và điều trị bệnh. Thông thường bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị xẹp ở khớp khác nếu một trong những khớp xương của bạn đã bị xẹp.

Tiên lượng phụ thuộc vào hai yếu tố chính, gồm:

  • Giai đoạn tiến triển của bệnh tại thời điểm được chẩn đoán
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể.

Tiên lượng có thể giảm đáng kể nếu bạn rơi vào một trong những trường hợp sau:

  • Hoại tử vô mạch được chẩn đoán trong giai đoạn 3
  • Hơn 30% diện tích chịu trọng lượng của xương đã bị hoại tử
  • Trên 50 tuổi
  • Tổn thương hoại tử đã phát triển và đi qua phần cuối của xương
  • Đã từng điều trị lâu dài với cortisone.

Theo dõi và kiểm soát

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi có diễn tiến âm thầm, đặc biệt là trong giai đoạn khởi phát. Vì biểu hiện đau cùng những triệu chứng khác thường không xuất hiện trong giai đoạn này. Đa số trường hợp phát hiện tổn thương hoại tử khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển nhanh và cần can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật. Do đó việc sớm phát hiện và điều trị bệnh là điều cần thiết.

Ngoài ra trong thời gian điều trị người bệnh cần kiểm tra định kỳ, chẩn đoán hình ảnh để kiểm soát tình trạng sức khỏe và diễn tiến của bệnh. Trong trường hợp điều trị không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được thay đổi phác đồ chữa bệnh.

Biện pháp phòng ngừa hoại tử vô mạch chỏm xương đùi

Để làm giảm nguy cơ hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, bạn có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa sau:

  • Không uống rượu và không hút thuốc lá
  • Thường xuyên kiểm tra lượng cholesterol và áp dụng những phương pháp điều trị khi cần thiết.
  • Không điều trị lâu dài với steroid.
  • Thận trọng khi tham gia giao thông, lao động hoặc chơi thể thao để phòng ngừa chấn thương.
  • Kiểm soát tốt những bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ hoại tử vô mạch. Điển hình như bệnh viêm tủy, tiểu đường, thiếu máu hồng cầu hình liềm, các bệnh tự miễn…
  • Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
Không uống rượu và không hút thuốc lá
Không uống rượu và không hút thuốc lá là biện pháp phòng ngừa hoại tử vô mạch chỏm xương đùi hiệu quả

Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là bệnh lý nguy hiểm, ít có triệu chứng trong giai đoạn đầu và thường được phát hiện trong giai đoạn tiến triển. Điều này làm tăng nguy cơ mất chức năng vận động khớp háng và gây tàn phế ở bệnh nhân. Chính vì thế bạn cần khám sức khỏe định kỳ hoặc đến bệnh viện ngay khi bị đau để sớm phát hiện, khắc phục bệnh lý và phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua