Viêm Khớp Dạng Thấp Huyết Thanh Âm Tính Và Cách Chữa

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính là bệnh tự miễn, có thể gây ảnh hưởng đến các khớp, dẫn đến đau đớn, sưng tấy và cứng khớp. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho khớp, gây biến dạng, khó vận động và nhiều vấn đề sức khỏe liên quan khác. Bài viết này sẽ giúp người bệnh xác định các triệu chứng, nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính hiệu quả nhất.

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính
Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính cần được điều trị và chăm sóc phù hợp để đảm bảo sức khỏe tổng thể

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính là gì?

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính được chẩn đoán ở những người có dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp dạng thấp (RA) nhưng không có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể peptit kháng vòng citrullinated (anti-CCP ) hoặc yếu tố dạng thấp (RF), hai kháng thể (protein hệ thống miễn dịch) thường là có trong máu của người bị viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp là tình trạng tự miễn, ảnh hưởng đến các khớp trong cơ thể. Những người bệnh viêm khớp dạng thấp thường bị đau đớn, sưng tấy, cứng ở cổ tay, bàn tay, bàn chân, đầu gối, cột sống, khuỷu tay, vai và hàm. Nếu không được điều trị các tổn thương này có thể trở thành vĩnh viễn, dẫn đến biến dạng và khó vận động.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể ngoài khớp, chẳng hạn như tim, phổi, da và mắt.

Hiện tại có hai dạng viêm khớp dạng thấp, bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính xảy ra khi người bệnh có kết quả xét nghiệm máu dương tính với anti-CCP và thấp khớp cùng với tất cả các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh.
  • Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính là tình trạng người bệnh có kết quả âm tính với các xét nghiệm máu kháng thể viêm khớp dạng thấp. Các xét nghiệm này thường được thực hiện khi các bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm khớp dạng thấp.

Mặc dù những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính đều có các dấu hiệu và triệu chứng giống nhau của bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng vẫn có những điểm khác biệt. Nếu nhận thấy các điểm khác biệt, chẳng hạn như đau khớp kéo dài, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính

Hiện tại chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh. Các yếu tố này bao gồm:

  • Gen: Các nghiên cứu cho biết, một số gen chịu trách nhiệm về chức năng của hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến các bệnh huyết thanh âm tính. Viêm khớp dạng thấp cũng có yếu tố di truyền. Những người có người thân bậc một (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần.
  • Môi trường: Việc tiếp xúc với một số loại virus, vi khuẩn, hóa chất hoặc các chất hít, đều có thể góp phần dẫn đến viêm khớp dạng thấp.
  • Nội tiết tố: Nữ giới có nguy cơ viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.

Dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính

Những người bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Các triệu chứng thường bao gồm:

Bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính
Đau đớn và cứng khớp là dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất
  • Cứng khớp kéo dài hơn 30 phút
  • Đau khớp, sưng và nóng ở khớp bị ảnh hưởng
  • Sưng khớp gây cản trở đến các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như cài cúc áo hoặc mở nắp chai lọ
  • Mệt mỏi
  • Ăn mất ngon
  • Sốt nhẹ

Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp có thẻ gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể và dẫn đến các triệu chứng như:

  • Thiếu máu
  • Dau cổ
  • Sẹo phổi và viêm phổi
  • Viêm mạch máu, viêm niêm mạc phổi hoặc tim

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính so với dương tính cái nào nghiêm trọng hơn?

Trong các bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm các mô và tế bào khỏe mạnh. Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính là sự thiếu hiện diện của các tự kháng thể.  Tự kháng thể là các protein cụ thể của hệ thống miễn dịch chống lại một mục tiêu được tìm thấy trên các tế bào của một người.

Hầu hết những người mắc bệnh tự miễn dịch đều có tự kháng thể có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Các tự kháng thể này đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của các bệnh tự miễn dịch và được sử dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán, xác định mức độ nghiêm trọng và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Với tình trạng huyết thanh âm tính, các triệu chứng xuất hiện cùng với các dấu hiệu khác của bệnh. Tuy nhiên, việc thiếu tự kháng thể có thể khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Một số nghiên cứu cũng cho biết, người bệnh huyết thanh âm tính có tình trạng viêm nhiều hơn đáng kể so với người huyết thanh dương tính. Một số nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng bệnh huyết thanh âm tính rất hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng và có nguy cơ biến chứng cao.

Hiện tại, nếu được chẩn đoán huyết thanh âm tính, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về nguyên nhân và hướng điều trị. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng phương pháp điều trị nhắm mục tiêu tương tự và các loại thuốc được kê đơn cho viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Điều quan trọng là có kế hoạch chẩn đoán và điều trị sớm.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính

Không có chẩn đoán duy nhất để xác định viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính. Việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, khám sức khỏe, xét nghiệm máu và các hình ảnh X – quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bởi vì viêm khớp dạng thấp có các triệu chứng tương tự như các loại viêm khớp và tình trạng xương khớp khác, do đó, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sức khỏe tổng thể xác đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe thể chất, xác định các khớp và các người bệnh di chuyển, đi lại. Bác sĩ cũng có thể hỏi về các triệu chứng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Đối với người huyết thanh âm tính, xét nghiệm máu thường không thể giúp chẩn đoán bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị chụp cộng hưởng từ và chụp X – quang để xác định các khớp bị tổn thương. Các xét nghiệm này cũng được thực hiện để đo mức độ tổn thương của khớp và theo dõi tiến triển bệnh.

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có nguy hiểm không
Bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng và khả năng chuyển động của người bệnh để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng RA như sau:

  • Đau khớp hoặc cứng khớp, đặc biệt là khi các triệu chứng xuất hiện đối xứng ở cả hai bên cơ thể
  • Khớp đỏ, ấm và sưng
  • Mắt đỏ hoặc khô

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm cần thiết để loại trừ các tình trạng tương tự, chẳng hạn như:

  • Thoái hóa khớp
  • Viêm khớp vẩy nến
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Các vấn đề sức khỏe khác có thể gây viêm khớp và sưng

Biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính

Điều trị huyết thanh âm tính phụ thuộc vào các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Mục tiêu điều trị bao gồm giảm đau, cải thiện tình trạng viêm khớp, duy trì chức năng khớp và tăng khả năng vận động khớp, đồng thời ngăn ngừa các biến dạng, phá hủy khớp.

Tùy thuộc vào các tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị như:

1. Thuốc giảm đau và chống viêm

Các loại thuốc giảm đau và chống viêm phổ biến, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như Aspirin và Advil hoặc Motrin, thường được chỉ định như phương pháp đầu tiên để giảm đau, chống viêm.

Các loại thuốc khác, chẳng hạn như corticosteroid (thuốc chống viêm mạnh hơn) cũng được sử dụng để giảm đau và góp phần điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, steroid có nguy cơ tác dụng phụ và gây độc cao. Do đó, các loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn với liều lượng thấp nhất.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.

2. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là thuốc được sử dụng để làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc phổ biến nhất là Methotrexate, hoạt động bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch, từ đó chống viêm, giảm đau xương khớp hiệu quả. Các loại thuốc khác, chẳng hạn như Plaquenil (hydroxychloroquine) cũng được chỉ định nếu người bệnh cần sử dụng thuốc lâu dài.

Huyết thanh dương tính là gì
Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất

Ngoài ra, các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm sinh học cũng được chỉ định khi cần thiết. Thuốc được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các loại DMARD khác để nâng cao hiệu quả điều trị. Các loại DMARD điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất bao gồm Enbrel, Humira và Rituxan.

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu và các bài tập tăng cường cơ bắp nhẹ nhàng chẳng hạn như bơi lội và yoga, đã được chứng minh là có thể giúp duy trì khả năng vận động, giúp giảm đau và chống viêm hiệu quả. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị trị liệu nghề nghiệp chuyên nghiệp để hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc.

4. Phẫu thuật điều trị

Phẫu thuật có thể được đề nghị để thay thế hoặc sửa chữa các khớp bị tổn thương. Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mục tiêu cuối cùng của phẫu thuật là phục hồi khả năng vận động, giảm đau khi viêm khớp tiến triển. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật viêm khớp dạng thấp mang lại hiệu quả cao và ít rủi ro. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Lời khuyên cho người viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính là bệnh tiến triển theo thời gian, có thể gây viêm, đau, sưng khớp và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, người bệnh cần có lối sống khoa học và chế độ ăn uống lành mạnh để sống chung với tình trạng này. Dưới đây là một số gợi ý về lối sống cho người viêm khớp dạng thấp:

1. Chế độ ăn uống phù hợp

Mặc dù không có chế độ ăn uống dành riêng cho người viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính, tuy nhiên người bệnh có thể tham khảo một số kế hoạch góp phần kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như:

  • Bắt đầu với chế độ ăn uống cân bằng, nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm sữa ít béo hoặc các nguồn protein nạc.
  • Tiêu thụ nhiều cá nước lạnh trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như cá ngừ, cá thu, cá hồi và các trích, rất giàu acid béo Omega 3, hỗ trợ chống viêm.
  • Dầu ô liu nguyên chất có chứa hợp chất được gọi là oleocanthal, hỗ trợ ngăn chặn enzym gây viêm tương tự như thuốc giảm đau không steroid mà không gây ra tác dụng phụ.
  • Chế độ ăn uống nhiều chất xơ có thể làm giảm mức độ protein phản ứng C (CRP) trong máu, hỗ trợ chống viêm và cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp khác.

Người bệnh có thể nhận thấy sự khác biệt ngay lập tức sau khi thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên có thể cần vài tuần để nhận thấy hiệu quả điều trị tổng thể. Khi mới bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống, người bệnh cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể.

2. Tập thể dục

Dù đang ở giai đoạn nào của tình trạng viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính, việc tập thể dục là cực kỳ cơ lợi, giúp tăng cường tính linh hoạt của khớp, tăng phạm vi chuyển động đồng thời giảm nguy cơ tái phát. Một số hoạt động thể chất tốt cho người viêm khớp dạng thấp như:

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không
Thường xuyên tập thể dục và giãn cơ để cải thiện sức khỏe xương khớp
  • Hoạt động aerobic cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, có thể tăng cường sức khỏe ở các khớp.
  • Thực hiện các bài tập giãn cơ từ 3 – 5 ngày mỗi tuần để tăng cường chức năng xương khớp.
  • Tập luyện tăng cường sức mạnh nên được thực hiện 2 – 3 lần mỗi tuần, mỗi lần từ 8 – 10 bài tập. Các bài tập này có thể giúp tăng cường khả năng chịu đựng và hạn chế các vấn đề sức khỏe phát sinh.
  • Các động tác kéo dài phạm vi chuyển động có thể thực hiện từ 5 – 10 lần vào buổi sáng hoặc vào buổi tối. Người bệnh có thể thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng từ khuỷu tay, đầu gối và cột sống.
  • Bắt đầu từ từ và tăng dần thời gian, cường độ tập luyện để cải thiện các triệu chứng. Nếu các bài tập gây đau, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc nhà trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.

3. Cai thuốc lá

Hút thuốc lá có thể dẫn đến viêm và khiến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu hút thuốc lá, người bệnh cần bỏ thuốc và tránh việc tiếp xúc với khói thuốc lá.

Theo nguyên tắc, việc bỏ thuốc lá kết hợp với các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính khác có thể nâng cao hiệu quả điều trị. Nếu gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính. Tuy nhiên có nhiều phương pháp hỗ trợ giảm đau, làm chậm tiến triển và giảm đau. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, các phương pháp thường mang lại hiệu quả cao hơn.

Mặc dù viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính không có kháng thể điển hình và có thể mất nhiều thời gian hơn để chẩn đoán, tuy nhiên người bệnh cần theo dõi các các triệu chứng để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Đến bệnh viện hoặc trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua