Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C3 C4: Dấu hiệu và cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 có thể dẫn đến đau cổ, yếu tay, chân và thậm chí là gây ra mất kiểm soát bàng quang, ruột. Nếu nhận thấy các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hợp lý đảm bảo chức năng cột sống

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 là gì?

Cột sống cổ được tạo thành các các đốt sống, giữa các đốt sống được đệm bởi các đĩa đệm. Các đĩa đệm có lớp vỏ ngoài cứng và phần nhân mềm bên trong, hoạt động như một dụng cụ giảm xóc, hạn chế ma sát và bảo vệ các đốt sống khỏi tổn thương.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần vỏ đĩa đệm bị vỡ, rách, tổn thương, khiến phần nhân nhầy bị đẩy ra bên ngoài, đi vào ống sống. Ống sống có không gian hạn chế, không đủ chỗ cho các dây thần kinh và đĩa đệm thoát vị. Do đó sự dịch chuyển của thoát vị đĩa đệm sẽ gây chèn ép lên các dây thần kinh cột sống, dẫn đến đau đớn nghiêm trọng.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong cột sống. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở cột sống thắt lưng, tuy nhiên cũng có thể gây ảnh hưởng đến cột sống cổ. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 là tình trạng không phổ biến, khi so với các đốt sống cổ bên dưới, tuy nhiên có thể gây đau đớn và cực kỳ khó chịu. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và làm tăng nguy cơ mất khả năng kiểm soát ruột, bàng quang.

Dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 xảy ra khi đĩa đệm bị rách, vỡ, khiến phần nhân mềm bên trong tràn ra ngoài, gây áp lực lên các dây thần kinh hoặc tủy sống gần đó. Các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng thoát vị đĩa đệm C3 C4 bao gồm đau cổ, đau đầu, tê, ngứa ran, yếu cơ và đôi khi có thể dẫn đến mất kiểm soát ruột. Tuy nhiên nhiều người bệnh thoát vị đĩa đệm không có triệu chứng và dấu hiệu nhận biết.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể dẫn đến đau cổ và đau lan đến vai gáy

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất có thể bao gồm:

  • Đau cổ: Đau cổ do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 chỉ giới hạn trên cổ, chỉ xảy ra tại vị trí đĩa đệm C3 C4. Ở một số người, cơn đau có thể lan rộng hơn đến cột sống cổ, vai, ngực trên và nghiêm trọng hơn khi cử động cổ. Cơn đau có thể là âm ỉ, nhức nhối, đau buốt, rát, nóng hoặc lạnh, tùy thuộc vào phần dây thần kinh bị ảnh hưởng.
  • Đau đầu: Đôi khi thoát vị đĩa đệm C3 C4 có thể dẫn đến đau đầu, cơn đau thường ảnh hưởng ở gốc cổ và phía sau đầu. Nếu cơn đau nghiêm trọng, có thể dẫn đến căng cơ kết hợp với đau ở hầu hết khu vực của da đầu. Các cơn đau này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi vặn, xoay hoặc cử động cổ.
  • Tê và ngứa ran: Khi đĩa đệm thoát vị ở C3-C4 chèn ép vào các dây thần kinh trong tủy sống, các dây thần kinh này có thể dẫn đến tín hiệu tê, ngứa ran đến não. Nếu không được xử lý, chăm sóc phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Cảm giác tê và ngứa có thể được cảm nhận ở phần dưới cổ, lưng trên và vai trên.
  • Yếu tay và chân: Các triệu chứng này có thể xảy ra khi đĩa đệm C3 C4 bị thoát vị, khiến các dấu thần kinh điều khiển chuyển động tay, chân bị ảnh hưởng.
  • Tiểu không tự chủ: Nếu thoát vị đĩa đệm chèn ép vào tủy sống có thể gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bàng quang hoặc ruột. Điều này làm tăng nguy cơ kiểm soát khi bắt đầu, ngừng đi đại tiện hoặc tiểu tiện. Các triệu chứng này cần được đánh giá y tế và điều trị ngay lập tức để đảm bảo không có tổn thương vĩnh viễn đến tủy sống hoặc các dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 ít phổ biến hơn nhiều so với thoát vị đĩa đệm tại các đốt sống bên dưới. Cơn đau có liên quan đến thoát vị đĩa đệm C3 C4 kèm theo tê hoặc ngứa ran cần được chăm sóc y tế phù hợp nhưng thường sẽ cải thiện khi nghỉ ngơi, dùng thuốc và vật lý trị liệu.

Trong trường hợp cơn đau cổ kèm theo yếu cơ, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giảm áp lực lên tủy sống.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm C3 C4

Trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 diễn ra từ từ và không xác định được nguyên nhân cụ thể. Tình trạng này có thể xảy ra do tư thế xấu, thường xuyên nâng vật nặng không đúng kỹ thuật, va chạm hoặc chấn thương.

Có một số nguyên nhân chính được cho là có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm C3 C4, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác: Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi cơ thể già đi, đĩa đệm bắt đầu mất nước, trở nên khô và dễ vỡ.
  • Thoái hóa cột sống tự nhiên: Khi lão hóa, các đốt sống sẽ bị thoái hóa, dẫn đến bào mòn lớp sụn và tổn thương các xương dưới sụn, dẫn đến cọ sát vào nhau mỗi khi vận động, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến đĩa đệm giữa hai đốt sống. Cọ xát có thể gây nứt, rách vỏ ngoài của đĩa đệm, khiến phần nhân nhầy tràn ra ngoài, gây đau đớn.
  • Tổn thương cột sống: Chấn thương, va chạm ảnh hưởng đến cột sống được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc va chạm thể thao là một trong những nguyên nhân chính khiến cột sống yếu đi và tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm theo thời gian.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:

  • Tư thế sai, thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc tập luyện không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến tổn thương cột sống và tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
  • Các tình trạng bẩm sinh, chẳng hạn như vẹo cột sống hoặc gai cột sống có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
  • Các nguy cơ liên quan đến nghề nghiệp, chẳng hạn như mang vác vật nặng trên vai, lưng hoặc thường xuyên lao động chân tay có thể tăng áp lực lên đĩa đệm cột sống theo thời gian và dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
  • Di truyền cũng có thể góp phần dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4. Nếu cha mẹ có cấu trúc đĩa đệm bất thường, có khả năng con cái cũng sẽ phát triển các tình trạng tương tự.

Hầu hết các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm có thể được giải quyết khi thay đổi lối sống. Tuy nhiên, các nguyên nhân như lão hóa, là không thể phòng ngừa cũng như tự chăm sóc. Trong các trường hợp này, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 như thế nào?

Nếu nhận thấy các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc cơ quan y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bệnh, mức độ nghiêm trọng của cơn đau sau đó kiểm tra mức độ linh hoạt của người bệnh. Người bệnh thường sẽ được yêu cầu ngồi hoặc nằm thẳng để bác sĩ kiểm tra các tổn thương thần kinh, chẳng hạn như:

  • Phản xạ
  • Sức mạnh cơ bắp
  • Khả năng đi bộ
  • Kiểm tra cảm giác khi chạm nhẹ, châm kim hoặc rung
Thoái hóa đốt sống cổ C5 C6 C7
Đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp, hiệu quả

Ngoài ra, bác sĩ cũng đề nghị một số xét nghiệm hình ảnh cũng như kiểm tra dẫn truyền thần kinh để đảm bảo tính chính xác khi chẩn đoán. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) được sử dụng để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cột sống và cấu trúc xung quanh, nhằm xác định đĩa đệm thoát vị.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể tạo ra hình ảnh và cấu trúc bên trong cơ thể của bệnh nhân, nhằm xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của thoát vị đĩa đệm.
  • Chọc tủy sống (Myelogram) được thực hiện bằng cách tiêm thuốc cản quang vào tủy sống sau đó chụp X – quang, nhằm xác định các cấu trúc gây áp lực lên tủy sống, dây thần kinh.
  • Kiểm tra dẫn truyền thần kinh có thể xác định vị trí tổn thương của dây thần kinh.

Ngoài ra, hình ảnh X – quang cũng được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau cổ và có kế hoạch xử lý hiệu quả nhất.

Biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4

Trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, vật lý trị liệu, sử dụng thuốc giảm đau và thay đổi hoạt động. Nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid vào màng cứng hoặc phẫu thuật điều trị.

1. Điều trị nội khoa bằng thuốc

Có một số loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau, chống viêm và giúp cột sống cổ có thời gian phục hồi. Các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Ibuprofen hoặc Naproxen, có thể được chỉ định để cải thiện các cơn đau từ nhẹ đến trung bình.
  • Thuốc giảm đau Opioid hoặc thuốc kết hợp Oxycodone – Acetaminophen, được chỉ định khi thuốc giảm đau không kê đơn không mang lại hiệu quả. Các thuốc này được sử dụng trong thời gian ngắn để cải thiện các cơn đau nghiêm trọng, tuy nhiên có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn nôn, nôn, táo bón, lú lẫn.
  • Thuốc chống co giật được sử dụng để kiểm soát các cơn đau thần kinh do thoát vị đĩa đệm.
  • Thuốc giãn cơ được kê đơn để cải thiện tình trạng co thắt cơ và tổn thương liên quan. Tuy nhiên, thuốc có thể dẫn đến buồn ngủ và chóng mặt.
  • Tiêm Cortisone vào màng cứng có thể được chỉ định để giảm phản ứng viêm xung quanh dây thần kinh cột sống.

Các loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 chỉ được sử dụng khi nhận được sự hướng dẫn, đồng ý của bác sĩ điều trị. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc kết hợp với nhiều loại thuốc khác nhau mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.

2. Vật lý trị liệu

Nếu cơn đau không được cải thiện trong vài tuần, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp vật lý trị liệu để kiểm soát các triệu chứng do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến bao gồm:

điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thực hiện vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp thư giãn cổ vai gáy và phục hồi đĩa đệm bị tổn thương
  • Massage mô sâu: Phương pháp này có thể làm giảm căng cơ ở vùng thoát vị đĩa đệm, giúp giảm đau trong thời gian ngắn và hỗ trợ đĩa đệm cột sống có thời gian phục hồi.
  • Chườm nóng và chườm lạnh: Chườm nóng có thể làm tăng lưu lượng máu đến khu vực bị ảnh hưởng, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, từ đó giảm đau cũng như chống co thắt cơ. Mặt khác, chườm lạnh có thể làm chậm lưu lượng máu, giảm co thắt và hạn chế cơn đau liên quan đến thoát vị đĩa đệm.
  • Thủy trị liệu: Đây là phương pháp vật lý trị liệu điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 dưới nước. Người bệnh chỉ cần ngồi trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen ấm để thư giãn và làm dịu cơn đau.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đề nghị các biện pháp chuyên sâu khác, chẳng hạn như trị liệu kéo giãn cột sống bằng máy hoặc tác động bằng tay với lực thích hợp. Các kỹ thuật này giúp thư giãn các đốt sống, tăng tính linh hoạt, kích thích quá trình phục hồi cơ và cải thiện các triệu chứng thoát vị đĩa đệm.

3. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả sau 6 tuần hoặc khi gặp các triệu chứng như tê, yếu, khó di chuyển cánh tay, mất kiểm soát bằng quang và ruột, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị.

Có nhiều lựa chọn phẫu thuật thoát vị đĩa đệm khác nhau, chẳng hạn như loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương và hợp nhất cột sống hoặc thay thế đĩa đệm nhân tạo. Loại phẫu thuật được chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên môn.

Sau khi phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để cột sống có thời gian phục hồi. Nếu nhận thấy các biến chứng, rủi ro, cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức.

Lối sống và chăm sóc thoát vị đĩa đệm C3 C4

Bởi vì thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 rất khó xác định nguyên nhân, do đó thường không có biện pháp phòng ngừa chính xác. Điều quan trọng là giảm các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng và cai thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh cần đảm bảo các tư thế và kỹ thuật đúng nếu tập thể dục hoặc nâng các vật nặng.

Tuân theo một thói quen sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và ăn uống nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein, có thể góp phần bảo vệ cũng như tăng cường sức khỏe đĩa đệm. Duy trì một tư thế tốt cả khi nằm, ngồi, đứng, làm việc, là một trong những cách tốt nhất để tránh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Trong hầu hết các trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3 C4 có thể khỏi sau những chăm sóc y tế đơn giản, chẳng hạn như nghỉ ngơi và vật lý trị liệu đúng cách. Người bệnh sẽ cảm thấy tốt hơn trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài, trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể cần tiêm thuốc hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa các tổn thương liên quan.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nếu không được điều trị có thể dẫn đến hạn chế phạm vi hoạt động, đau đớn mãn tính, thậm chí là tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng thoát vị đĩa đệm trở nên nghiêm trọng hơn.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua