Dây Thần Kinh Liên Sườn Là Gì? Các Vấn Đề Thường Gặp

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Dây thần kinh liên sườn xuất phát từ tủy sống, có thể kiểm soát các cơ cũng như cung cấp thông tin cụ thể đến da và màng phổi thành. Đau thần kinh liên sườn là tình trạng phổ biến, mãn tính và cần có kế hoạch quản lý phù hợp để phục hồi vận động cũng như ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.

Dây thần kinh liên sườn
Dây thần kinh liên sườn có chức năng hỗ trợ sự co cơ, cung cấp thông tin cảm giác từ da và màng phổi thành

Dây thần kinh liên sườn là gì?

Dây thần kinh liên sườn là một phần của hệ thống thần kinh soma, phát sinh từ gai trước của các dây thần kinh cột sống ngực từ đoạn T1 đến T11. Các dây thần kinh này chủ yếu phân bố đến màng phổi thành và màng bụng. Không giống các dây thần kinh gai trước của dây thần kinh cột sống, thần kinh liên sườn độc lập và không hình thành đám rối thần kinh.

Các thần kinh liên sườn là dây thần kinh hỗn hợp, mang các sợi vận động và cảm giác. Chức năng chính của dây thần kinh này là cung cấp phân đoạn cấu trúc của thành ngực và thành bụng. Ngoài khả năng vận động, các dây thần kinh này cũng mang cảm giác từ da đến lồng ngực, thành bụng, xương sườn, màng phổi và phúc mạc. Những dây thần kinh này cũng có chức năng giao cảm đến các cấu trúc (tuyến mồ hôi, mạch máu) của lồng ngực và thành bụng.

Các thần kinh liên sườn phát sinh từ hệ thống thần kinh soma, cho phép kiểm soát các cơ cũng như cung cấp thông tin cụ thể đến da và màng phổi thành. Điều này giải thích tại sao các tổn thương ở thành trong của ngực có thể dẫn đến các cơn đau khu trú ở khu vực bị thương.

Tổng giải phẫu dây thần kinh liên sườn

Các thần kinh liên sườn có thể được chia thành thần kinh liên sườn không điển hình và điển hình.

Không điển hình:

  • Hai dây thần kinh đầu tiên (T1 và T2) hỗ trợ hoạt động ở lồng ngực và tạo thành các nhánh cho đám rối thần kinh ở cánh tay.
  • Năm dây thần kinh thấp nhất (T7 – T11) hỗ trợ hoạt động của ổ bụng và tạo thành các nhánh thần kinh ở phúc mạc.

Điển hình:

  • Bao gồm các dây thần kinh còn lại (từ T3 đến T6) và chỉ hỗ trợ hoạt động ở thành ngực.

1. Dây thần kinh đầu tiên

Các dây thần kinh thứ nhất được chia thành hai nhánh:

  • Nhánh lớn hơn thoát ra khỏi lồng ngực, ở phía trước cổ của xương sườn thứ nhất để nối với đám rối cánh tay.
  • Nhánh nhỏ hơn bao gồm dây thần kinh liên sườn thứ nhất, chạy dọc theo không gian khoang sườn đầu tiên và kết thúc ở mặt trước của ngực.

2. Dây thần kinh thứ hai đến thứ sáu

Các thần kinh liên sườn thứ 2 đến thứ 6 truyền về phía trước trong các khoang liên sườn. Các dây thần kinh này nằm ở giữa màng phổi và màng liên sườn sau, sau đó tiến đến gần xương ức, bắt chéo trước các mạch máu trong lồng ngực và cơ ức đòn chũm. Cuối cùng các dây thần kinh này xuyên qua các cơ liên sườn và kết thúc ở nhánh da trước.

Các thần kinh liên sườn thứ hai phát ra một nhánh cảm giác da, được gọi là dây thần kinh intercostobrachial, giúp tạo cảm giác ở vùng da dưới nách.

dây thần kinh liên sườn là gì
Các dây thần kinh này phát sinh từ gai trước của các dây thần kinh cột sống ngực từ đoạn T1 đến T11

Các nhánh bao gồm:

  • Các nhánh cơ đến cơ liên sườn, cơ dưới sườn, cơ thượng đòn sau và cơ ngang lồng ngực
  • Các nhánh bên và trước
  • Các nhánh khớp đến màng xương xương sườn
  • Các nhánh cung cấp màng phổi thành.

3. Dây thần kinh thứ bảy đến mười một

Các bộ phận ở phía trước của thần kinh liên sườn ngực thứ 7 đến thứ 11 nằm ở phía trước các khoang liên sườn vào thành bụng, do đó còn được gọi là dây thần kinh bụng.

Các dây thần kinh này cung cấp cảm giác ở cơ bụng, trực tràng và kết thúc như một nhánh cảm giác cho da ở thành bụng trước. Các thần kinh liên sườn dưới cũng hỗ trợ hoạt động của cơ liên sườn và cơ thành bụng trước.

Chức năng của dây thần kinh liên sườn là gì?

Các dây thần kinh liên sườn xuất phát từ hệ thống thần kinh soma, có chức năng hỗ trợ sự co cơ cũng như cung cấp thông tin cảm giác từ da và màng phổi thành.

Các vấn đề thường gặp ở dây thần kinh liên sườn

Đau thần kinh liên sườn là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đến nhiều người bệnh tại một thời điểm nhất định trong đời. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau lưng, đau xương sườn, đau mạn sườn, tê, ngứa ran và đau lan ra sau lưng.

Các bằng chứng về lâm sàng và bệnh thần kinh liên sườn hoặc đau dây thần kinh thường bao gồm một số vấn đề như:

1. Hội chứng thần kinh liên sườn

Hội chứng thần kinh liên sườn (Intercostal nerve syndrome) xảy ra khi các dây thần kinh bị chèn ép ở lưng và bên trong cánh tay, có thể lan đến ngực. Tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương lồng ngực hoặc do những thay đổi của cơ thể khi mang thai. Đôi khi cơn đau có thể giảm đi một cách tự nhiên mà không cần điều trị, tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Hội chứng thần kinh liên sườn
Hội chứng thần kinh liên sườn thường ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai

Các triệu chứng chính của tình trạng này là đau ở lưng, bên trong cánh tay, sau đó lan đến phía trước ngực. Cơn đau thường bắt đầu như một cơn đau nhẹ và tăng dần về cường độ. Cuối cùng cơn đay có thể trở thành âm ỉ, đau nhói nghiêm trọng hoặc bỏng rát. Cơn đau nhói thường không phổ biến, tuy nhiên có thể xảy ra khi người bệnh đưa tay qua đầu.

Hội chứng thần kinh liên sườn có thể tự khỏi, nếu không bác sĩ có thể đề nghị nhiều thủ thuật điều trị khác nhau, chẳng hạn như:

  • Tiêm hỗn hợp thuốc gây mê và steroid vào khu vực gần dây thần kinh bị đau nhất. Thuốc có thể ngăn các tín hiệu đau truyền đến não và ngăn ngừa cơn đau. Biện pháp này cũng có thể giúp giảm viêm ở các mô xung quanh, làm tê các dây thần kinh và cải thiện cơn đau theo thời gian.
  • Thực hiện thủ thuật phá hủy các sợi thần kinh liên sườn nếu các cơn đau nghiêm trọng. Bác sĩ có thể đề nghị áp lạnh dây thần kinh và loại bỏ đoạn thần kinh gây đau để giảm đau lâu dài.

2. Đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn là cơn đau dây thần kinh ảnh hưởng đến khu vực bên dưới xương sườn và có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau. Những người bị đau thần kinh liên sườn có thể cảm thấy đau ở nhiều khu vực, bao gồm vùng ngực, bụng trên, mạn sườn và xương ức.

thần kinh liên sườn
Đau thần kinh liên sườn là tình trạng phổ biến, kéo dài và khó điều trị

Đau là triệu chứng chính của đau thần kinh liên sườn và thường xảy ra theo từng dải quấn quanh ngực hoặc bụng. Cơn đau có thể liên tục hoặc không và có thể khiến người bệnh bị tê, ngứa ran. Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Đau buốt hoặc đau rát
  • Nóng rát ở bên trái hoặc bên phải mạn sườn
  • Cơn đau tương tự như bị dao đâm hoặc cắt trên da

Đau thần kinh liên sườn cũng thường nghiêm trọng hơn khi có các cử động như nhảy, ho, hắt hơi, thậm chí là cười lớn. Người bệnh cũng có thể bị đau khi hít vào, thở ra hoặc đau âm ỉ ở bả vai, lưng hoặc háng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do phẫu thuật, nhiễm trùng, bệnh zona, bệnh thủy đậu, các chấn thương trực tiếp ở mạn sườn hoặc các nguyên nhân khác, như mang thai, nhiễm trùng, viêm hoặc chèn ép các dây thần kinh.

Điều trị đau thần kinh liên sườn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau và nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp như:

  • Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như Nortriptyline, Doxepin, Clomipramine để giảm đau thần kinh.
  • Thuốc giảm đau opioid như tramadol, oxycodone hoặc morphine có tác dụng giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên thuốc opioid có thể gây nghiện và một số rủi ro khác, do đó chủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thủ tục phong bế dây thần kinh chẳng hạn như tiêm steroid và thuốc giảm đau để làm dịu tình trạng viêm cũng như cải thiện cơn đau. Các thủ thuật khác bao gồm gây tê ngoài màng cứng lồng ngực để giúp giảm cơn đau.
  • Trị liệu và tránh các hoạt động thể chất để hỗ trợ cải thiện cơn đau. Nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị các liệu pháp nhiệt và lạnh để giảm đau, sau đó lên kế hoạch tập luyện phù hợp để tránh mất cơ bắp.

3. Herpes Zoster

Herpes Zoster còn được gọi là bệnh zona là một tình trạng nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến những người đã từng bệnh thủy đậu trước đó. Bệnh thủy đậu gây ra mụn nước, ngứa có thể xuất hiện trên lưng, ngực, mặt và lan ra các phần còn lại của cơ thể. Bệnh zona gây ra tình trạng phát ban kèm theo cơn đau như điện giật, thường xuất hiện ở một bên cơ thể là dọc theo thần kinh liên sườn.

Phát ban do bệnh zona sẽ chuyển thành mụn nước màu đỏ, chứa đầy dịch, thường khô lại và đóng vảy trong vòng 7 – 10 ngày.

bệnh zona
Bệnh zona cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ gây đau dây thần kinh

Các dấu hiệu của bệnh zona bao gồm:

  • Sốt, ớn lạnh và đau đầu
  • Ngứa
  • Hình thành các nốt mụn nước trên da
  • Có cảm giác ngứa ran, bỏng rát bên dưới da
  • Bụng khó chịu

Hãy đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh zona. Hiện tại không có cách điều trị bệnh zona,tuy nhiên có kế hoạch quản lý phù hợp có thể phòng ngừa nguy cơ đau thần kinh liên sườn.

Mặc dù không thể chữa khỏi, tuy nhiên thuốc kháng virus có thể giúp cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, hiện tại có chủng ngừa bệnh zona được khuyến nghị tiêm phòng để phòng ngừa bệnh. FDA có vắc xin Shingrix được coi là hiệu quả 90% trong việc phòng ngừa bệnh zona.

Dây thần kinh liên sườn hỗ trợ quá trình co cơ cũng như cung cấp thông tin cảm giác từ da và màng phổi thành. Đau thần kinh liên sườn là tình trạng mãn tính và khó điều trị. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua