Đau dây thần kinh liên sườn: Triệu chứng, cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đau dây thần kinh liên sườn là tình trạng đau thần kinh ở những vùng chứa các dây thần kinh liên sườn. Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác đau nhói, bỏng rát ở xương sườn, bụng hoặc/ và ngực kèm theo tê, ngứa ran, giảm chức năng vận động. Để kiểm soát cơn đau, việc sử dụng thuốc và trị liệu bổ sung là điều cần thiết.

Đau dây thần kinh liên sườn
Thông tin cơ bản về bệnh đau dây thần kinh liên sườn, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Dây thần kinh liên sườn là một nhóm các dây thần kinh có nguồn gốc từ đoạn tủy ngực D1-D12. Sau khi qua lỗ ghép, rễ thần kinh tủy ngực sẽ chia thành hai nhánh. Bao gồm nhánh trước (nhánh bụng) và nhánh sau (nhánh lưng). Trong đó nhánh trước chi phối cho cơ và da phía trước bụng và ngực; nhánh sau chi phối cho da và cơ lưng.

Đau dây thần kinh liên sườn là cơn đau thần kinh xảy ra ở những vùng chứa các dây thần kinh liên sườn đang bị tổn thương. Do các dây thần kinh này dọc khắp khung xương sườn và bụng nên bệnh nhân sẽ có cảm giác đau lưng trên lan tỏa vào thành ngực và phần thân trên của cơ thể.

Bệnh xảy ra khi các dây thần kinh liên sườn trở nên quá nhạy cảm hoặc bị kích thích do các yếu tố tác động. Cụ thể như chấn thương, nhiễm trùng herpes hoặc bệnh zona, dây thần kinh bị kích thích do phẫu thuật cắt lồng ngực…

Thông thường người bệnh sẽ có cảm giác nhức nhói hoặc đau nhói kèm theo bỏng rát, tê, ngứa ran và giảm chức năng vận động ở những vùng bị ảnh hưởng. Để điều trị, việc sử dụng thuốc kết hợp liệu pháp bổ sung (châm cứu, xoa bóp, yoga) là điều cần thiết.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn

Có nhiều nguyên nhân gây gây đau dây thần kinh liên sườn, cụ thể:

  • Chấn thương

Chấn thương do té ngã, va đập có thể khiến các dây thần kinh liên sườn bị tổn thương và làm phát sinh cơn đau. Trường hợp này thường gặp ở những người bị chấn thương ngực (ngực bầm tím, gãy xương sườn)

  • Hội chứng đau sau phẫu thuật mở lồng ngực (PTPS)

Đau dây thần kinh liên sườn thường xảy ra sau khi phẫu thuật cắt lồng ngực. Bởi khi thực hiện vết rạch sâu nhằm tiếp cận với phổi hoặc tim có thể làm tổn thương dây thần kinh liên sườn. Từ đó dẫn đến đau nhức. Trong hầu hết các trường hợp PTPS, cơn đau kéo dài âm ỉ nhưng thường nhẹ và ít khi làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

  • Thủ tục y tế

Phẫu thuật vú hoặc cắt bỏ vú, đặt ống ngực hoặc thực hiện một số thủ thuật y tế khác có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh liên sườn và khiến cơn đau thường xuyên xuất hiện.

  • Nhiễm trùng herpes hoặc bệnh zona

Bệnh zona hoặc Sự tái hoạt của nhiễm trùng herpes là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau thần kinh liên sườn. Loại virus này gây phát ban đau đớn, thường xảy ra quanh bụng và ngực của bệnh nhân.

Mặt khác, bệnh zona có thể dẫn đến hiện tượng viêm các rễ thần kinh cột sống. Điều này cũng gây đau dây thần kinh liên sườn.

Nhiễm trùng herpes hoặc bệnh zona
Nhiễm trùng herpes hoặc mắc bệnh zona là nguyên nhân gây đau thần kinh liên sườn thường gặp
  • Khối u

Một hoặc nhiều khối u ở bụng hoặc ngực có thể chèn ép các dây thần kinh liên sườn khiến chúng bị tổn thương, nhạy cảm và thường xuyên đau nhức. Những khối u này có thể là ung thư hoặc khối u lành tính (không phải ung thư)

  • Các nguyên nhân khác

Ngoài những vấn đề nêu trên, đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể xảy ra những nguyên nhân dưới đây:

  • Viêm dây thần kinh hoặc viêm một nhóm dây thần kinh
  • Các cơ ở thành ngực, lưng hoặc vai bị kéo căng
  • Mang thai
  • Đau dây thần kinh hậu môn (biến chứng của bệnh zona)
  • Bệnh lý tủy sống
  • Thoái hóa cột sống
  • Chấn thương cột sống
  • Nhiễm độc
  • Bệnh đái tháo đường
  • Lao cột sống
  • Ung thư cột sống

Yếu tố rủi ro

Một số yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn:

  • Nhiễm virus varicella-zoster (nguyên nhân gây bệnh zona và bệnh thủy đậu)
  • Tham gia vào những môn thể thao tiếp xúc hoặc mạo hiểm như đấu vật, trượt ván, bóng đá…
  • Chấn thương do lái xe không an toàn
  • Viêm toàn thân, điển hình như viêm khớp.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn

Thông thường đau dây thần kinh liên sườn sẽ gây ra những triệu chứng sau:

  • Nhức nhói hoặc đau nhói, bỏng rát ở bụng, ngực và xương sườn
    • Đau xung quanh xương sườn, ở phía sau và ở ngực trên
    • Cơn đau nghiêm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động thể chất. Có thể đau ngay cả khi thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng như vươn vai hoặc hít thở sâu
    •  Đau tăng lên khi ho, cười hoặc hắt hơi
    •  Có cảm giác đau ở một vùng khác không phải là vùng bị ảnh hưởng
  • Ngứa ran
  • Giảm chức năng vận động của những bộ phận quanh khu vực bị ảnh hưởng
  • Có cảm giác áp lực siết chặt từ ngực trước ra sau
  • Da cực kỳ nhạy cảm và ngứa ngáy ngay cả khi mặc quần áo (xảy ra ở trường hợp đau dây thần kinh hâu môn)

Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng dưới đây:

  • Suy nhược cơ bắp
  • Tê liệt
  • Co giật cơ không tự chủ
  • Ăn mất ngon
  • Có cảm giác đau như điện giật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân cơ bản, những triệu chứng của bệnh có thể liên tục hoặc không liên tục. Ngoài ra các triệu chứng thường kéo dài dai dẳng trong một thời gian dài kể cả khi nguyên nhân khởi phát bệnh đã thuyên giảm.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn khiến bệnh nhân nhức nhói hoặc đau nhói, bỏng rát ở bụng, ngực và xương sườn

Đau dây thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?

Nếu được điều trị sớm và đúng cách, đau dây thần kinh liên sườn sẽ được kiểm soát, triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm và không gây biến chứng. Đối với những trường hợp nghiêm trọng và không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp một số tình trạng nghiêm trọng sau:

  • Đau thần kinh mãn tính
  • Tê liệt vĩnh viễn
  • Mất khả năng vận động ở những vùng bị ảnh hưởng

Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn

So với các trường hợp đau thần kinh khác, đau dây thần kinh liên sườn thường khó chẩn đoán hơn do dễ nhầm lẫn với những bệnh lý của tim và phổi. Thông thường quá trình chẩn đoán được thực hiện qua hai giai đoạn, bao gồm:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Đầu tiên người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe (bệnh sử và tình trạng hiện tại), triệu chứng tại những khu vực có dây thần kinh liên sườn. Khi quan sát và ấn nhẹ, mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể được xác định.

Ngoài ra người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số động tác để kiểm tra các triệu chứng đi kèm (tê bì, giảm cảm giác…) và đánh giá khả năng vận động của bệnh nhân.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Sau khi kiểm tra triệu chứng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung. Điều này giúp chẩn đoán xác định các dây thần kinh liên sườn là nguồn gốc đau nhức. Đồng thời loại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn gây đau lưng, đau xương sườn và đau thành ngực, điển hình như các vấn đề ở tim mạch, phổi…

Những xét nghiệm thường được chỉ định gồm:

  • Chụp X-quang ngực: Chụp X-quang ngực cho phép bác sĩ kiểm tra khung xương sườn và cột sống. Từ đó tìm nguồn gốc của những cơn đau lưng, ngực và xương sườn. Ngoài ra kỹ thuật này còn có khả năng xác định những vấn đề liên quan đến đường thở, phổi, tim và xương, phân biệt đau thần kinh với gãy xương và tổn thương cơ quan nội tạng.
  • Siêu âm cơ xương: So với chụp X-quang truyền thống, siêu âm cơ xương tạo ra hình ảnh chuyên sâu và chi tiết hơn. Điều này giúp chẩn đoán chính xác các tình trạng đang gặp phải.
  • Điện cơ: Điện cơ được chỉ định với mục đích đánh giá cơ và những tế bào thần kinh mang nhiệm vụ điều khiển chúng.
  • Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh: Bác sĩ chuyên khoa có thể đánh giá rối loạn chức năng thần kinh và những tổn thương thông qua quá trình kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ được chỉ định với mục đích kiểm tra cấu trúc khớp xương, mô mềm, cơ quan nội tạng và những khối u đang phát triển. Từ đó giúp chẩn đoán phân biệt, xác định nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn và hướng điều trị hiệu quả.
Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn
Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn dựa vào kết quả kiểm tra triệu chứng, tiền sử bệnh và xét nghiệm hình ảnh

Phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn được chỉ định dựa vào những nguyên nhân cơ bản. Trong đó sử dụng thuốc được ưu tiên cho hầu hết các trường hợp. Đối với những người bị đau nặng và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn, phẫu thuật có thể được chỉ định. Tuy nhiên trường hợp này hiếm khi xảy ra.

1. Sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng, những loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định, bao gồm:

  • Thuốc bôi ngoài da: Một số loại thuốc bôi ngoài da như Capsaicin sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn do viêm hoặc nhiễm trùng. Thuốc này có tác dụng chống viêm và hạn chế đau do viêm.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Advil (ibuprofen), Aleve (naproxen) và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác thường được chỉ định trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn. Thuốc này có khả năng giảm viêm và đau nhức hiệu quả.
  • Tiêm Corticosteroid hoặc thuốc gây tê cục bộ: Đối với những trường hợp nặng, đau nhức nghiêm trọng kéo dài, người bệnh có thể được tiêm Corticosteroid hoặc thuốc gây tê cục bộ quanh dây thần kinh liên sườn bị tổn thương. Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau hiệu quả. Ngoài ra Corticosteroid còn có khả năng chống viêm mạnh.
  • Thuốc chống trầm cảm: Sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm có thể mang đến lợi ích trong việc điều trị và giảm đau thần kinh. Thuốc này có tác dụng giảm đau, an thần và hạn chế đau thần kinh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Neurontin (Gabapentin) là thuốc giảm đau thần kinh thường được sử dụng trong điều trị tổn thương dây thần kinh liên sườn do bệnh zona. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của những dây thần kinh tổn thương và gây đau. Ngoài ra thuốc còn có khả năng phòng ngừa và chống động kinh.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện Opioid: Opioid được chỉ định cho những bệnh nhân có các cơn đau nghiêm trọng và không được kiểm soát tốt bằng những loại thuốc nêu trên. Loại thuốc này có khả năng giảm đau nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng lâu dài có thể gây nghiện và phát sinh nhiều tác dụng phụ khác. Vì thế thuốc nhóm Opioid chỉ được sử dụng để điều trị ngắn hạn.
Sử dụng thuốc
Những loại thuốc dùng trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn chủ yếu chứa hoạt chất giảm đau và chống viêm mạnh

2. Cắt bỏ tần số vô tuyến

Đối với những trường hợp thường xuyên bị đau dây thần kinh liên sườn và đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét cắt bỏ tần số vô tuyến. Phương pháp này giúp kiểm soát các triệu chứng và phá hủy các phần cụ thể của dây thần kinh gây đau. Tuy nhiên do chứa nhiều rủi ro nên phương pháp cắt bỏ tần số vô tuyến không được sử dụng phổ biến.

3. Liệu pháp bổ sung

Bên cạnh sử dụng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều liệu pháp bổ sung. Điều này làm tăng khả năng kiểm các soát triệu chứng và giảm nguy cơ tái phát đau dây thần kinh liên sườn.

Những liệu pháp bổ sung thường được áp dụng gồm:

  • Châm cứu: Châm cứu là liệu pháp sử dụng kim châm mảnh và nhỏ để châm vào một số vị trí cụ thể của cơ thể. Liệu pháp này đã được chứng minh là có khả năng giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên châm cứu cần được thực hiện đúng cách bởi những người có trình độ chuyên môn cao.
  • Xoa bóp: Xoa bóp thường được chỉ định để cải thiện các cơn đau thần kinh. Liệu pháp này có tác dụng làm giảm mức độ nhạy cảm của dây thần kinh tổn thương, tăng lưu thông khí huyết, giảm đau và hạn chế tình trạng tê bì, ngứa ran khó chịu. Ngoài ra liệu pháp xoa bóp còn có tác dụng giảm căng cơ, tăng khả năng vận động ở các vùng bị ảnh hưởng.
  • Yoga: Người bệnh sẽ được hướng dẫn một số bài tập yoga phù hợp để kiểm soát các triệu chứng. Yoga giúp người bệnh cân bằng các hoạt động của cơ thể, thư giãn dây thần kinh, tăng độ chắc khỏe của hệ xương và hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Ngoài ra phương pháp này còn giúp điều hòa khí huyết, giảm các triệu chứng đi kèm (tê, ngứa ran, giảm khả năng vận động…), hạn chế cứng khớp, tăng cường sức đề kháng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Yoga
Yoga giúp giảm đau, cân bằng các hoạt động của cơ thể, thư giãn dây thần kinh và tăng độ chắc khỏe của hệ xương

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn. Thông thường phương pháp này chỉ cần thiết khi:

  • Điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả (ít nhất 3 tháng điều trị)
  • Có khối u chèn ép dây thần kinh liên sườn
  • Chấn thương gây đau dây thần kinh liên sườn kèm theo gãy xương

Phẫu thuật giúp người bệnh loại trừ nguyên nhân và các triệu chứng. Tuy nhiên cần theo dõi nghiêm ngặt sau điều trị vì phương pháp này có thể gây rủi ro.

Biện pháp phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn

Lối sống và một số thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa và hạn chế phát triển đau dây thần kinh liên sườn. Cụ thể:

  • Trẻ nhỏ và người trưởng thành nên được tiêm phòng thủy đậu để phòng ngừa bệnh zona và giảm nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn trong tương lai.
  • Tiêm chủng ngừa bệnh zona hoặc bệnh mụn rộp ở những người có độ tuổi trên 60. Đây là cách phòng ngừa bệnh zona dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả.
  • Thận trọng khi điều khiển phương tiện, chơi thể thao và sinh hoạt để tránh chấn thương gây tổn thương và đau dây thần kinh.
  • Điều trị dứt điểm các tình trạng viêm, nhiễm trùng và những bệnh lý làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn.
  • Áp dụng những biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng vết thương ở những bệnh nhân phẫu thuật cắt lồng ngực theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tăng cường bổ sung vitamin C thông qua các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây tươi (cam, bưởi, kiwi, dây tây, việt quất…) và rau củ quả (cà chua, bông cải xanh, ớt chuông…) để bảo vệ hệ miễn dịch, tăng khả năng chống viêm và chống nhiễm khuẩn của cơ thể.
Tiêm chủng ngừa bệnh zona hoặc bệnh mụn rộp ở
Tiêm ngừa bệnh zona hoặc bệnh mụn rộp ở người trên 60 tuổi là cách phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả

Đau dây thần kinh liên sườn xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó có chấn thương và những bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng như khối u (lành tính hoặc ác tính), tổn thương cột sống, nhiễm trùng…

Vì thế nếu thường xuyên có cảm giác đau nhức ở vùng xương sườn, bụng và ngực kèm theo tê bì khó chịu, người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra. Đồng thời điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để sớm kiểm soát triệu chứng và ngăn tổn thương dây thần kinh tiến triển.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua