Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn Có Tự Khỏi? Có Nguy Hiểm?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nguyên nhân cơ bản và phương pháp điều trị. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch xử lý và phòng ngừa phù hợp nhất.

đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi
Tìm hiểu đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi không để có kế hoạch xử lý phù hợp

Đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi không?

Dây thần kinh liên sườn là các dây thần kinh phát ra từ tủy sống, ở ngay bên dưới xương sườn. Đau dây thần kinh liên sườn dẫn đến các cơn đau ở ngực (lưng trên) lan tỏa đến thành ngực và toàn bộ thân trên.

Triệu chứng chính khi đau dây thần kinh liên sườn là đau ở khung xương sườn. Những người trải qua tình trạng này thường mô tả cơn đau như dao đâm, gây đau nhức, bỏng rát và gây co thắt cơ bắp.

Cơn đau có thể bao phủ toàn bộ ngực hoặc lan tỏa về phía ngực. Đôi khi người bệnh có thể cảm nhận được cơn đau dọc theo chiều dài của xương sườn. Các cơn đau cũng có xu hướng dữ dội hơn khi thực hiện một số hoạt động, bao gồm nâng, xoay, vặn thân, hắt hơi hoặc cười lớn.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau bụng
  • Sốt
  • Ngứa rát
  • Hạn chế khả năng vận động của vai và lưng
  • Đau ở cánh tay, vai hoặc lưng
Chữa đau thần kinh liên sườn tại nhà
Đôi khi đau dây thần kinh liên sườn có thể tự khỏi, tuy nhiên trường hợp này không phổ biến

Đau dây thần kinh liên sườn là do viêm, kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh liên sườn gây ra. Tình trạng này được chia thành ba thể chính, bao gồm:

  • Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát: Không xác định được nguyên nhân.
  • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Các triệu chứng thường phát triển khi thời tiết lạnh. Người bệnh cũng có thể bị đau khi vận động sai tư thế hoặc va chạm mạnh vào mạn sườn.
  • Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát: Nguyên nhân dẫn đến các cơn đau này là do bệnh lý ở phổi, thần kinh, cột sống thắt lưng và tủy sống, chẳng hạn như bệnh thoái hóa cột sống.

Vậy đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi không? Theo các chuyên gia, đôi khi tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến. Ngoài ra, đau dây thần kinh liên sườn có thể tái phát thường xuyên và người bệnh cần có kế hoạch điều trị cũng như phòng ngừa phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Thông thường, tình trạng đau dây thần kinh liên sườn cần được điều trị đúng phương pháp để tránh các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Do đó, nếu được chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn, người bệnh nên thực hiện khuyến cáo điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đau dây thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?

Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng đau dây thần kinh liên sườn là đau ở khung sườn hoặc đau hai bên xương sườn ở sau lưng. Thông thường cơn đau sẽ kéo dài trong vài giây đến khoảng hai phút. Cơn đau thường được mô tả như một cơn sốc điện quá mức. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không thể di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động thông thường khi cơn đau xuất hiện.

Cách trị dứt điểm đau dây thần kinh liên sườn
Người bệnh cần có kế hoạch quản lý cơn đau phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn

Hầu hết các trường hợp, cơn đau này không nghiêm trọng, có thể tự cải thiện ngay sau đó. Tuy nhiên đau thần kinh liên sườn có thể tái phát trong tương lai và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, trong trường hợp không được điều trị đúng cách, đau dây thần kinh liên sườn có thể dẫn đến một số rủi ro như:

  • Đau dây thần kinh mãn tính
  • Tê liệt và yếu cơ bắp vĩnh viễn
  • Mất khả năng vận động ở khu vực bị ảnh hưởng.

Đôi khi một cơn đau liên sườn có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Đau dây thần kinh liên sườn có thể gây ra những cơn đau dữ dội và suy nhược khiến người bệnh khó thở. Đôi khi, đau lồng ngực hoặc đau vùng xương ức có thể là dấu hiệu của một tình trạng cần điều trị y tế khẩn cấp.

Do đó, người bệnh nên gọi cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:

  • Đau ngực hoặc đau xương sườn lan ra cánh tay trái, hàm, vai hoặc lưng
  • Xương ức hoặc ngực căng
  • Ho ra chất nhầy màu xanh hoặc vàng
  • Tim đập nhanh
  • Có các vấn đề hô hấp, chẳng hạn như khó thở hoặc không thể hít thở bình thường
  • Đau bụng dữ dội
  • Đau ngực khi thở hoặc ho
  • Lú lẫn, chóng mặt, thay đổi ý thức, chẳng hạn như bất tỉnh hoặc không phản ứng.

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn như thế nào?

Các biện pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cụ thể, các phương pháp bao gồm:

1. Điều trị y tế

Bởi vì đau dây thần kinh liên sườn có liên quan đến rất nhiều tình trạng và điều kiện y tế khác nhau, do đó điều quan trọng là xác định nguyên nhân để có kế hoạch xử lý phù hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuộc và phương pháp điều trị như:

đau dây thần kinh liên sườn có nguy hiểm không
Sử dụng thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Tiêm ngoài màng cứng: Bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê cục bộ hoặc corticosteroid quanh dây thần kinh liên sườn bị ảnh hưởng để cải thiện cơn đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc giảm đau NSAID, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
  • Thuốc chống trầm cảm: Các loại thuốc này có thể hỗ trợ giảm đau và điều trị tình trạng đau dây thần kinh liên sườn.
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Các loại thuốc, chẳng hạn như Neurontin, có thể được sử dụng để ngăn chặn hoạt động của các dây thần kinh gây đau.
  • Thuốc giảm đau opioid: Chẳng hạn như tramadol, oxycodone hoặc morphine có thể được chỉ định để cải thiện các cơn đau thần kinh. Tuy nhiên opioid có thể gây nghiện và tử vong, do đó, thuốc chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và với liều lượng nhất định. Không được lạm dụng cũng như thay đổi liều lượng thuốc.
  • Cắt bỏ dây thần kinh bằng kỹ thuật RFA (Radiofrequency ablation): Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp đau dây thần kinh liên sườn tái phát thường xuyên và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần dây thần kinh gây đau để cải thiện các triệu chứng.

Bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp điều trị bổ sung, chẳng hạn như châm cứu, liệu pháp massage và yoga để kiểm soát các triệu chứng. Các liệu pháp này thường được sử dụng kết hợp với các biện pháp điều trị tại nhà để tăng cường hiệu quả điều trị.

2. Biện pháp điều trị không dùng thuốc

Các biện pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn tại nhà được áp dụng cho các triệu chứng nhẹ và mới khởi phát. Cụ thể, các biện pháp bao gồm:

Chườm nóng hoặc chườm lạnh: 

  • Chườm lạnh được áp dụng cho trường hợp đau dây thần kinh liên sườn liên quan đến chấn thương, sưng và viêm. Biện pháp này có thể gây tê tự nhiên, hạn chế tín hiệu đau đến não bộ  và ngăn ngừa cơn đau. Ngoài ra, chườm đá cũng có thể giúp thu nhỏ các mô bị viêm, giúp giảm sưng, kích ứng và giảm đau.
  • Chườm nóng được áp dụng để cải thiện các cơn đau liên quan đến lưu lượng máu lưu thông kém hoặc do các bệnh lý như thoái hóa cột sống, gai cột sống gây chèn ép các dây thần kinh. Chườm nóng có thể giúp tăng cường tuần hoàn máu đến dây thần kinh, giúp thư giãn, giảm co thắt và cải thiện cơn đau. Ngoài ra, chườm nóng cũng có thể hỗ trợ thúc đẩy quá trình chữa lành khu vực bị tổn thương.
xóa bóp đau dây thần kinh liên sườn
Xoa bóp và vật lý trị liệu bởi bác sĩ chuyên môn có thể cải thiện cơn đau dây thần kinh liên sườn

Vật lý trị liệu và xoa bóp:

  • Xoa bóp và vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn tại nhà có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên liệu pháp này cần được thực hiện bởi một chuyên gia vật lý trị liệu để tránh gây tổn thương thêm.
  • Một số chuyên gia đã khuyến nghị châm cứu và bấm huyệt để cải thiện cơn đau. Ngoài ra, trị liệu bằng hương thơm, đặc biệt là với dầu đinh hương có thể giúp giảm bớt triệu chứng bỏng rát và đau đớn.

Tập thể dục:

  • Tập thể dục là một biện pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn tại nhà đơn giản nhưng hiệu quả cao. Đối với các triệu chứng mới khởi phát, người bệnh có thể thực hiện các động tác kéo căng, để cải thiện cơn đau.
  • Người bệnh có thể nắm hai bàn tay lại với nhau và nâng cao cánh tay qua khỏi đầu, nhẹ nhàng nghiêng người sang một bên. Giữ yên tư thế trong vài giây sau đó đổi bên. Thực hiện động tác này vào mỗi buổi sáng và vài lần trong ngày để cải thiện cơn đau.

Ngâm nước ấm:

  • Ngâm nước ấm là một cách giảm đau thần kinh liên sườn hiệu quả cao và dễ thực hiện. Người bệnh có thể thêm muối Epsom vào nước ngâm để tăng cường hiệu quả điều trị. Muối epsom chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt magie, có tác dụng thư giãn dây thần kinh, giảm viêm và hồi phục tổn thương ở rễ thần kinh.
  • Ngoài ra, ngâm người trong nước ấm cũng có thể tăng cường lượng máu lưu thông, giúp thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Lưu ý: Chỉ nên ngâm người trong 10 phút với nước ấm vừa phải. Tránh ngâm người quá lâu, điều này có thể gây cảm lạnh và khô da.

Đau thần kinh liên sườn có phòng ngừa được không?

Đau dây thần kinh liên sườn có thể tái phát theo chu kỳ. Mặc dù không có biện pháp phòng ngừa tất cả nguy cơ gây đau, tuy nhiên người bệnh nên dành thời gian giãn cơ mỗi ngày, cải thiện các tư thế vận động và tập thể dục thường xuyên để phòng ngừa các triệu chứng.

đau dây thần kinh liên sườn có tái phát không
Thực hiện các bài tập kéo giãn cột sống có thể phòng ngừa các cơn đau dây thần kinh liên sườn

Có một số bài tập có thể ngăn ngừa nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn bao gồm:

  • Kéo dài cột sống: Các tư thế yoga, chẳng hạn như gomukhasana, rất tốt để kéo dài cột sống và ngăn ngừa cơn đau dây thần kinh liên sườn. Bắt đầu bằng cách ngồi trên sàn nhà, bắt chéo đầu gối vào nhau, hai lòng bàn chân chạm nhau. Mở rộng cánh tay ra phía sau và nắm lấy cổ tay, giữ yên trong vài giây.
  • Bài tập vặn mình: Động tác vặn người có thể kéo giãn cột sống, cơ liên sườn và giúp ngăn ngừa tình trạng kích ứng dây thần kinh liên sườn. Người bệnh bắt đầu bằng cách ngồi thẳng lưng trên sàn, một chân duỗi thẳng về phía trước và một chân cong, bàn chân đặt trên sàn. Bắt chéo chân cong trên chân thẳng, sau đó vặn người và kéo gót chân cong về phía gần mông. Giữ yên tư thế trong vài giây sau đó đổi chân.
  • Bài tập kéo căng hai bên: Người tập quỳ trên cả hai đầu gối, sau đó mở rộng một chân sang một bên với gót chân chạm mặt đất. Hít vào kết hợp nâng cánh tay đối diện của chân mở rộng và nghiêng người sang một bên với tay còn lại đặt trên bắp chân. Giữ yên động tác trong vài nhịp thở, trở về vị trí ban đầu và đổi bên.
  • Hít thở sâu để kéo giãn cơ liên sườn: Hãy tìm một nơi thoải mái, yên tĩnh, ngồi xuống, thư giãn, kết hợp hít vào và thở ra bình thường. Tiếp theo là hít thở sâu, người bệnh sẽ thấy phổi nở ra và đầy không khí. Sau đó đẩy hết không khí ra bên ngoài bằng mũi hoặc miệng. Điều quan trọng là tập trung vào mỗi hơi thở và cảm giác của cơ thể khi hít thở, người bệnh sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn và cơn đau sẽ dần dần biến mất.

Đau dây thần kinh liên sườn là tình trạng phổ biến và ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi tình trạng này có thể tự khỏi, tuy nhiên người bệnh cần có kế hoạch điều trị phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn

Nếu không được điều trị, đau dây thần kinh liên sườn có thể dẫn đến nhiều rủi ro chẳng hạn như các vấn đề về giấc ngủ, chán ăn hoặc rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm. Do đó, nếu được chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp quản lý cơn đau an toàn, hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua