Viêm Bao Hoạt Dịch Dưới Mỏm Cùng Vai Và Cách Chữa Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai dẫn đến một cơn đau dữ dội và trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh di chuyển vai, chẳng hạn như nâng cánh tay qua đầu. Tình trạng này có thể dẫn đến một số vấn đề lâu dài về khớp, do đó chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để tránh các rủi ro liên quan.

Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai có thể dẫn đến các cơn đau dữ dội, đặc biệt là khi người bệnh đưa tay qua đầu

Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai là gì?

Bao hoạt dịch là các túi nhỏ chứa đầy chất lỏng ở khắp cơ thể. Bao hoạt dịch có nhiệm vụ đệm giữa các xương và các bộ phận chuyển động của cơ thể, chẳng hạn như gân hoặc cơ. Khi bao hoạt dịch sưng lên và chứa nhiều chất lỏng hơn bình thường, được gọi là viêm bao hoạt dịch. Tình trạng này thường phổ biến ở các khớp, chẳng hạn như hông, khuỷu tay và đầu gối, do các hoạt động lặp lại thường xuyên.

Vai cũng là một khớp hoạt động thường xuyên và dễ phát triển tình trạng viêm bao hoạt dịch. Bên dưới mỏm cùng vai là một nhóm cơ và gân được gọi là cơ chóp xoay (Rotator Cuff). Khi khu vực này sưng lên và viêm, được gọi là viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Tình trạng này thường gây đau và nhức quanh vai, đặc biệt là khi nâng cánh tay cao hơn đầu.

Thông thường, viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai thường được chẩn đoán kèm với Hội chứng chạm mỏm cùng vai (Shoulder Impingement Syndrome) hoặc một số vấn đề khác. Các cấu trúc mô mềm ở vai (bao gồm cơ, dây chằng, gân và bao hoạt dịch) được kết nối chặt chẽ với nhau, do đó các vấn đề sức khỏe ở khu vực này thường xảy ra cùng nhau. Nếu một bộ phận bị tổn thương, các cấu trúc mô mềm khác cũng có thể bị tổn thương.

Cụ thể, viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai có thể được chẩn đoán kết hợp với các tình trạng như:

1. Hội chứng chạm mỏm cùng vai

Hội chứng chạm mỏm cùng vai (Shoulder Impingement Syndrome) là thuật ngữ mô tả tình trạng chèn ép gây đau đớn ở các mô mềm khi cánh tay được nâng lên. Tình trạng này được xem là nguyên nhân phổ nhất biết có thể dẫn đến đau vai gáy.

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai
Hội chứng chạm mỏm cùng vai là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây đau vai và viêm bao hoạt dịch

Hội chứng va chạm mỏm cùng vai có thể liên quan đến một số vấn đề như:

  • Viêm bao hoạt dịch mỏm cùng vai, xảy ra khi bao hoạt dịch bị viêm và sưng tấy;
  • Viêm gân, xảy ra khi gân (thường là gân cơ nhị đầu, kết nối cơ bắp tay với ổ vai) bị viêm và sưng;
  • Viêm khớp mỏm quạ – đòn (Acromioclavicular arthritis) hoặc các tình trạng vai khác có thể khiến khoang dưới mỏm cùng vai bị co lại. Sự co rút này có thể kích thích bao hoạt dịch và gân, dẫn đến viêm bao hoạt dịch hoặc viêm gân.

Hội chứng va chạm mỏm cùng vai có thể được chẩn đoán thông qua siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI). Xác định tình trạng Hội chứng va chạm mỏm cùng vai là một trong những phép để chẩn đoán tình trạng viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai chính xác.

2. Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng

Nếu bao hoạt dịch ở mỏm cùng vai bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm, tình trạng này được gọi là viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai nhiễm trùng. Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng nghiêm trọng, do đó cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Người bị viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng có thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, sốt, ốm hoặc cảm thấy nóng và đỏ ở vai. Cơn đau do nhiễm trùng cũng có thể nghiêm trọng đến mức gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người bệnh.

Người bệnh bị viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng nên có kế hoạch điều trị phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng kháng sinh để ngăn nhiễm trùng lây lan vào máu.

Dấu hiệu nhận biết viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai

Đau ở bên ngoài vai là triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Thông thường, cơn đau thường có một số đặc điểm như sau:

Viêm bao hoạt dịch dưới cơ delta
Đau đớn và khó chịu khi nâng cao tay là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị viêm bao hoạt dịch ở vai
  • Đau vai: Ở giai đoạn đầu của tình trạng viêm bao hoạt dịch, người bệnh có thể cảm thấy đau vai hoặc đau cánh tay nhẹ khi nâng cánh tay qua đầu. Cơn đau này thường tăng dần theo thời gian và cuối cùng dẫn đến đau đớn ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Đau nghiêm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động lặp lại nhiều lần: Cơn đau có thể tăng lên khi người bệnh thực hiện một số cử động lặp lại và kéo dài, chẳng hạn như vẽ tranh, chơi quần vợt hoặc ném bóng.
  • Vai trở nên nhạy cảm: Vai có thể bị mềm và nhạy cảm với các áp lực tác động. Nằm xuống hoặc gây áp lực lên vai có thể khiến người bệnh không thoải mái hoặc khó chịu.
  • Đau lan tỏa: Trong giai đoạn đầu, cơn đau có thể xuất hiện ở bên ngoài vai hoặc đầu cánh tay. Tuy nhiên khi các triệu chứng tiến triển, cơn đau có thể lan xuống bên ngoài cánh tay, nhưng hiếm khi gây đau lan ra khỏi khuỷu tay.
  • Yếu cơ: Khi tình trạng viêm bao hoạt dịch tiến triển có thể dẫn đến đau đớn ngay cả khi không sử dụng vai. Điều này có thể khiến người bệnh tránh sử dụng vai và khiến các cơ vai yếu đi.
  • Đau khi cử động quá mức: Khi các triệu chứng triển, cơn đau có thể hạn chế chế một số hoạt động, chẳng hạn như đưa ra phía sau lưng, mặc áo khoác hoặc kéo khóa váy.
  • Gây sưng: Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên đôi khi viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai có thể gây sưng ở khuỷu tay, tuy nhiên tình trạng sưng thường không đáng kể (khoảng 0.5 mm).
  • Sốt, mệt mỏi, đỏ da và nóng rát: Người bị viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng dưới mỏm cùng vai có thể cảm thấy mệt mỏi, sốt và sụt cân mà rõ nguyên nhân. Người bệnh cũng có thể cảm thấy hơi ấm và tấy đỏ ở trên đầu vai. Nhiễm trùng nghiêm trọng cần được điều trị bằng kháng sinh để tránh nhiễm trùng lây lan vào máu.

Cơn đau do viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai đôi khi có thể nghiêm trọng đến mức gây cứng vai và khiến người bệnh mất ngủ vào ban đêm. Trong giai đoạn nặng, người bệnh có thể không thể cử động vai tự do theo ý muốn. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng y tế khác được gọi là viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

Trong trường hợp không có chấn thương ở vai, các triệu chứng viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai thường khởi phát từ từ theo thời gian. Do đó, nếu các triệu chứng xuất hiện đột ngột  và không có nguyên nhân rõ ràng (chẳng hạn như té ngã hoặc lạm dụng quá mức), người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai

Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai có thể liên quan đến một hoặc nhiều vấn đề tiềm ẩn. Nguyên nhân phổ biến nhất thường là do sử dụng quá mức. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến một số tình trạng tiềm ẩn khác, chẳng hạn như:

Viêm bao hoạt dịch khớp vai
Người thường xuyên thực hiện các hoạt động lặp lại, chẳng hạn như chơi tennis có thể viêm bao hoạt dịch ở vai
  • Chấn thương ở vai: Té ngã hoặc va đập vai trên bề mặt cứng có thể khiến bao hoạt dịch tổn thương, chứa đầy máu và niêm mạc bao bị viêm. Ngay cả khi máu được cơ thể tái hấp thu, lớp niêm mạc của bao hoạt dịch có thể bị viêm, dẫn đến các triệu chứng viêm bao hoạt dịch. Tình trạng này được gọi là viêm bao hoạt dịch do chấn thương. Ngoài ra, chấn thương ở vai cũng là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến viêm quanh khớp vai.
  • Áp lực lặp lại ở vai: Các chấn thương nhỏ xảy ra thường xuyên ở vai có thể dẫn đến các tác động tương tự như một chấn thương lớn và có thể nghiêm trọng hơn. Những người thường xuyên nâng cánh tay lên cao khi làm việc, chơi thể thao hoặc thực hiện một thói quen nhất định, có nguy cơ viêm bao hoạt dịch cao hơn những người khác. Những đối tượng nguy cơ bao gồm họa sĩ, người chơi môn quần vợt, vận động viên bơi lội hoặc vận động viên ném bóng chày.
  • Độ tuổi: Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên tuổi tác cao thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tư thế xấu: Những người thường xuyên khom vai sẽ làm giảm không gian giữa mỏm cùng vai và ổ khớp cánh tay – vai. Điều này có thể khiến các mô mềm ở giữa có nguy cơ bị chèn ép, kích thích và gây viêm bao hoạt dịch.
  • Nhiễm trùng bao hoạt dịch: Nhiễm trùng bao hoạt dịch dẫn đến viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng. Tình trạng này thường phổ biến ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tiểu đường, ung thư, HIV / AIDS, lupus ban đỏ và nghiện rượu.
  • Gai xương ở vai: Cái gai xương hoặc tình trạng lắng đọng canxi ở mỏm cùng vai và các mô mềm khác có thể gây kích thích bao hoạt dịch dưới mỏm xương cùng và gây viêm. Cặn canxi, là tập hợp canxi nhỏ và mềm, nhưng có thể phát triển và cứng lại theo thời gian, điều này cũng có thể gây kích ứng và viêm bao hoạt dịch.
  • Tiền sử viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai: Những bệnh nhân có tiền sử viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai thường có nguy cơ tái phát cao.

Chấn thương và lạm dụng cơ vai là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến viêm bao hoạt dịch. Những người thường xuyên thực hiện các công việc trên cơ và dùng lực kéo mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, hình dạng xương vai bất thường cũng có thể là một yếu  nguy cơ dẫn đến viêm bao hoạt dịch. Ngoài ra, viêm khớp, bệnh gout hoặc bệnh tuyến giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Xác định được nguyên nhân là cách tốt nhất để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa phù hợp.

Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai có nguy hiểm không?

Viêm bao hoạt dịch thường không nguy hiểm và không gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, tình trạng này có thể dẫn đến đau đớn dữ dội và gây ảnh hưởng đến cử động của người bệnh. Ngoài ra, các triệu chứng bệnh có thể bùng phát dữ dội khi người bệnh thực hiện một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như chơi thể thao hoặc nâng tay lên cao.

Đôi khi chất lỏng hoạt dịch dư thừa có thể tích tụ bên trong bao hoạt dịch và gây áp lực lên các khu vực xung quanh. Chất lỏng này cần được loại bỏ bằng cách chọc hút để giảm áp lực và giảm đau.

Ngoài ra, trong trường hợp viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai nhiễm trùng, người bệnh cần có kế hoạch điều trị phù hợp để tránh nhiễm trùng lây lan vào máu và dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng khác.

Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch

Trước khi chẩn đoán xác định tình trạng viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, bác sĩ thường cần loại bỏ tất cả các nguyên nhân khác có thể dẫn đến đau vai. Để xác định nguyên nhân gây đau vai, bác sĩ có thể sử dụng các kiểm tra y tế hoặc các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi người bệnh về các dấu hiệu, triệu chứng, chấn thương và tiền sử bệnh lý để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.

1. Xét nghiệm hình ảnh

Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để hỗ trợ chẩn đoán các nguyên nhân dẫn đến đau vai. Xét nghiệm hình ảnh thường bao gồm:

Giải phẫu mỏm cùng vai
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp vai thông qua các xét nghiệm hình ảnh
  • Chụp X – quang có thể giúp bác sĩ xác định các dấu hiệu viêm xương khớp ở vai và tổn thương khớp xương đòn. Hình ảnh X – quang cũng có thể giúp bác sĩ xác định một số bất thường về xương, chẳng hạn như gai xương hoặc dị dạng xương, có thể làm tăng khả năng dẫn đến Hội chứng chạm mỏm cùng vai.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể xác định hình ảnh chi tiết của các mô xương cũng như các mô mềm, chẳng hạn như gân, dây chằng hoặc cơ chóp xoay và bao hoạt dịch.
  • Siêu âm có thể giúp bác sĩ kiểm tra độ dày của màng bao hoạt dịch và các chất lỏng hoạt dịch dư thừa gây sưng bao hoạt dịch.

Khi chẩn đoán viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai cần chú ý ở người trên 40 tuổi. Hầu hết người trên 40 tuổi đều có nguy cơ thoái hóa khớp vai. Điều này có thể gây đau đớn, khó chịu và các triệu chứng tương tự như viêm bao hoạt dịch.

2. Tiêm thuốc chẩn đoán

Để xác định cơn đau vai có liên quan đến Hội chứng chạm mỏm cùng vai hay không, bác sĩ có thể tiêm một loại thuốc tê được gọi là lidocaine hydrochloride vào vùng dưới đòn, dưới cơ vai. Đây là vị trí nơi các mô mềm bị chèn ép khi tác động vào vai. Do đó, nếu tiêm thuốc làm dịu cơn đau, cơn đau có thể liên quan đến Hội chứng va chạm mỏm vai.

3. Chọc hút dịch khớp

Bác sĩ có thể đề nghị chọc hút dịch khớp và thu chất lỏng hoạt dịch bằng kim và ống tiêm. Thủ thuật này có thể giảm áp lực lên vai và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Chất lỏng hoạt dịch cũng sẽ được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định nhiễm trùng.

Chọc hút dịch khớp ở vai thường không phổ biến so với chọc hút dịch khớp gối hoặc cổ tay.

4. Xét nghiệm máu

Đôi  khi xét nghiệm máu cũng có thể được đề nghị để xác định hoặc loại trừ nguyên nhân gây nhiễm trùng bao hoạt dịch hoặc nhiễm trùng toàn thân, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, viêm da cơ hoặc thấp khớp. Các tình trạng này cũng có thể dẫn đến đau đớn, khó chịu và tăng khả năng bị viêm bao hoạt dịch, bao gồm viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.

xét nghiệm viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
Xét nghiệm máu được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ viêm bao hoạt dịch có liên quan đến nhiễm trùng

Điều trị viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai

Trong các trường hợp viêm bao hoạt dịch do chấn thương hoặc lạm dụng, điều trị ban đầu bao gồm nghỉ ngơi và thực hiện các biện pháp chống viêm. Trong trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để ngăn ngừa lây lan của nhiễm trùng.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:

1. Điều trị không phẫu thuật

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ thường đề nghị người bệnh áp dụng các phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch không phẫu thuật. Một người được chẩn đoán viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai thường được đề nghị một số biện pháp điều trị như:

điều trị viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
Bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
  • Nghỉ ngơi: Người bệnh thường được đề nghị dành thời gian nghỉ ngơi và tránh các hoạt động có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm bao hoạt dịch, chẳng hạn như nâng đồ vật, ném, đẩy và kéo.
  • Sử dụng thuốc bôi ngoài da: Các loại kem bôi, thuốc xịt, gel và miếng dán giảm đau có thể được sử dụng trực tiếp lên khu vực bị đau để cải thiện các triệu chứng. Thuốc bôi thường hoạt động bằng cách làm tê các đầu dây thần kinh để giảm hoặc loại bỏ các cơn đau. Thuốc bôi thường là một lựa chọn thay thế để giảm thiểu các tác dụng phụ về đường tiêu hóa mà thuốc uống gây ra. Tuy nhiên, các tác dụng phụ vẫn có thể xảy ra, chẳng hạn như ngứa da và dị ứng.
  • Vật lý trị liệu: Bác sĩ có thể đề nghị vật lý trị liệu để kéo căng hoặc tăng cường cơ và cải thiện tư thế. Điều này có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm bao hoạt dịch, viêm gân cũng như ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.
  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid: Thuốc chống viêm đường uống chẳng hạn như aspirin, ibuprofen, naproxen và chất ức chế cox-2, có thể hỗ trợ giảm sưng, chống viêm và giảm đau liên quan đến viêm gân hoặc viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.
  • Chọc hút dịch: Ngay cả khi viêm bao hoạt dịch không gây sưng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị chọc hút chất lỏng dư thừa để giảm áp lực lên khớp. Sau khi hút dịch khớp, bác sĩ có thể tiêm cortisone và khoang dưới mỏm cùng vai để chống viêm.
  • Tiêm corticosteroid: Tiêm corticosteroid được thực hiện khi các biện pháp điều trị khác, chẳng hạn như nghỉ ngơi, sử dụng NSAID và vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả điều trị. Các loại thuốc tiêm này có thể dẫn đến suy yếu các gân xung quanh và một số tác dụng phụ khác. Do đó, thuốc cần được sử dụng thận trọng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
  • Thuốc kháng sinh: Viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Loại kháng sinh được sử dụng phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Hầu hết các trường hợp, viêm bao hoạt dịch nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh đường uống, tuy nhiên các trường hợp nghiêm trọng có thể được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.

Điều quan trọng khi điều trị viêm bao hoạt dịch là người bệnh cần đợi đến khi các triệu chứng lành toàn toàn trước khi trở lại các triệu chứng. Hoạt động quá sớm có thể dẫn đến căng thẳng lên các bao hoạt dịch và khiến các triệu chứng bùng phát.

Nếu viêm bao hoạt dịch mãn tính và không đáp ứng các phương pháp điều trị, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

2. Phẫu thuật điều trị

Phẫu thuật viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai được đề nghị trong trường hợp viêm mãn tính hoặc không đáp ứng các phương pháp bảo tồn. Loại phẫu thuật được thực hiện phụ thuộc vào các triệu chứng và nguyên nhân dẫn đến đau vai.

phẫu thuật khớp vai
Phẫu thuật viêm bao hoạt dịch khớp vai được chỉ định khi các biện pháp bảo tồn không mang lại hiệu quả

Có 3 loại phẫu thuật được chỉ định, bao gồm:

  • Cắt bỏ hoạt dịch: Bao hoạt dịch bị viêm sẽ được cắt bỏ thông qua mổ nội soi hoặc mổ hở truyền thống. Tuy nhiên sau phẫu thuật đôi khi tình trạng viêm bao hoạt dịch vẫn có thể tái phát.
  • Giảm áp lực lên mỏm cùng vai: Trong phẫu thuật này, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần xương bả vai. Điều này có thể tạo ra nhiều không gian hơn cho các mô mềm ở vai, cơ chóp xoay, gân và mỏm cùng vai. Loại phẫu thuật này thường được chỉ định cho trường hợp bất thường ở xương vai (chẳng hạn như xương vai cong hoặc có hình móc câu).
  • Điều chỉnh gân và cơ: Khi viêm bao hoạt dịch do tổn thương gân hoặc cơ chóp xoay, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để khắc phục các tổn thương.

Hầu hết các trường hợp viêm bao hoạt dịch có thể được cải thiện sau một tuần điều trị bảo tồn. Do đó, phẫu thuật thường hiếm khi được thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn và tư vấn phù hợp.

Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai

Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai là giảm áp lực và căng thẳng lên khớp vai. Các biện pháp phòng ngừa có thể bao gồm:

  • Khởi động vai và kéo căng vai trước khi thực hiện các bài tập thể dục hoặc sử dụng khớp vai;
  • Tăng cường cơ vai bằng các bài tập nhẹ nhàng;
  • Thực hiện các bài tập thể chất đúng kỹ thuật và tăng độ khó dần dần để tránh gây tổn thương vai;
  • Thường xuyên nghỉ giải lao và thả lỏng vai nếu cần hoạt động vai liên tục;
  • Cải thiện tư thế khi hoạt động vai để giảm áp lực lên các khớp.

Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai thường không nghiêm trọng và các triệu chứng thường được cải thiện sau vài tuần. Hầu hết các trường hợp, tình trạng viêm bao hoạt dịch đáp ứng tốt với phương pháp điều trị bảo tồn, chẳng hạn như dành thời gian nghỉ ngơi, chườm lạnh, vật lý trị liệu hoặc sử dụng thuốc không kê đơn.

Trong trường hợp các triệu chứng không đáp ứng điều trị bảo tồn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về việc chọc hút dịch khớp hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh nên tránh các hoạt động hàng ngày có thể gây viêm bao hoạt dịch và luyện tập thể chất phù hợp để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua