Tức Ngực Khó Thở: Nguyên Nhân, Chẩn Đoán và Điều Trị

Theo dõi IHR trên goole news

Tức ngực khó thở là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, thường liên quan đến tim mạch, phổi và nhiều tình trạng y tế khác. Biểu hiện này khiến người bệnh không thể thở hoàn chỉnh kèm theo cảm giác co thắt và nhói ở ngực. Khó thở và tức ngực có thể đột ngột hoặc phát triển dần dần.

Tức ngực khó thở
Thông tin cơ bản về triệu chứng tức ngực khó thở, nguyên nhân, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị

Triệu chứng tức ngực khó thở

Tức ngực khó thở là thuật ngữ mô tả sự khó chịu khi thở, cảm giác như không thể thở hoàn chỉnh kèm theo đau ngực hoặc co thắt, nhói ở ngực. Điều này khởi phát do nhiều nguyên nhân, có thể đột ngột hoặc phát triển dần dần.

Tức ngực khó thở thường liên quan đến những vấn đề ở tim và phổi. Trong nhiều trường hợp khác, tình trạng này khởi phát do căng thẳng và lo lắng kéo dài.

Điều quan trọng người bệnh cần chú ý và thăm khám nếu tình trạng tức ngực khó thở diễn ra thường xuyên, dữ dội hoặc đột ngột. Bởi điều này có thể là dấu hiệu của những vấn đề và bệnh lý nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế.

Nguyên nhân gây tức ngực khó thở

Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây tức ngực khó thở:

1. Bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn là một trong những nguyên nhân gây tức ngực khó thở thường gặp. Bệnh lý này là tình trạng viêm và hẹp đường thở. Khó thở do hen suyễn khiến một số hoạt động thể chất không được thực hiện hoặc trở nên khó khăn hơn.

Các triệu chứng bắt đầu khi nêm mạc đường thở sưng lên và căng các cơ xung quanh, chất nhầy lấp đầy đường thở khiến không khí khó đi qua. Ngoài khó thở và tức ngực, bệnh nhân bị hen suyễn còn gặp nhiều triệu chứng khác, bao gồm:

  • Ho, đặc biệt là ho khi tập thể dục, khi cười hoặc ho vào ban đêm
  • Khó nói chuyện
  • Lo lắng hay hoảng sợ
  • Thở nhanh
  • Mệt mỏi
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Khó ngủ
Bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn gây tức ngực khó thở kèm theo ho, lo lắng hay hoảng sợ, mệt mỏi

2. Viêm phổi

Tức ngực khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm phổi. Đây là một dạng nhiễm trùng phổi dẫn đến viêm, tích tụ mủ và chất lỏng trong phổi. Viêm phổi khởi phát khi vi khuẩn, nấm hoặc virus xâm nhập. Hầu hết đều có thể lây nhiễm và đe dọa đến tính mạng.

Một số dấu hiệu khác giúp nhận biết bệnh viêm phổi:

  • Ớn lạnh
  • Kiệt sức
  • Sốt
  • Đau cơ
  • Ho
  • Đổ mồ hôi

3. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một nhóm các bệnh phổi làm suy giảm chức năng của cơ quan này. Trong đó khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính là hai bệnh thường gặp nhất. COPD khiến bệnh nhân khó thở, thở khò khè kèm theo tức ngực và ho liên tục do mức oxy thấp, tăng sản xuất chất nhờn.

Triệu chứng thường nhẹ trong thời gian đầu, bắt đầu với chứng khó thở và ho từng cơn. Triệu chứng liên tục và ngày càng nặng hơn đến mức rất khó để thở, thỉnh thoảng thở gấp, ho mãn tính, thường xuyên cảm lạnh, thiếu năng lượng.

4. Thuyên tắc phổi

Trong nhiều trường hợp, tức ngực khó thở là dấu hiệu nhận biết thuyên tắc phổi. Bệnh lý này là tình trạng tắc nghẽn một hoặc rất nhiều động mạch dẫn đến phổi do cục máu đông. Các cục máu đông thường hình thành từ nơi khác như chân hoặc xương chậu, di chuyển đến phổi.

Bệnh nhân bị thuyên tắc phổi cần được điều trị y tế khẩn cấp để tránh đe dọa đến tính mạng. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý:

  • Ho
  • Tức ngực
  • Khó thở, thở khò khè
  • Sưng chân
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Nhịp tim bất thường
  • Da tái nhợt
  • Mất ý thức
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn một hoặc rất nhiều động mạch dẫn đến phổi

5. Tăng huyết áp động mạch phổi

Huyết áp cao ảnh hưởng đến một hoặc nhiều động mạch trong phổi được gọi là tăng huyết áp động mạch phổi. Bệnh xảy ra khi các động mạch bị cứng hoặc bị hẹp khiến áp lực trong mạch máu phổi tăng lên. Tăng huyết áp động mạch phổi tiến triển khiến tim hoạt động nhiều hơn để bơm đủ máu lên phổi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng suy tim.

Một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh lý:

  • Tức ngực khó thở
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Khó tập thể dục
  • Mạch nhanh
  • Tim đập nhanh
  • Chóng mặt
  • Sưng mắt cá chân hoặc chân
  • Sưng bụng
  • Ngất xỉu

6. Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành có thể là nguyên nhân gây đau ngực khó thở. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng cứng và thu hẹp những động mạch cung cấp máu cho tim. Khi lượng máu lưu thông đến tim suy giảm, cơ tim bị viêm và tổn thương vĩnh viễn, khởi phát nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Cụ thể:

  • Đau ngực (đau thắt ngực), thường đau ngực trái
  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Có cảm giác ép chặt hoặc nặng nề ở ngực
  • đau vai hoặc đau ở cánh tay
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Đau lưng
  • Nôn mửa

7. Suy tim sung huyết

Suy tim sung huyết là bệnh mãn tính làm ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Bệnh xảy ra khi cơ tim suy yếu, không đạt hiệu quả khi bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này khiến chất lỏng tích tụ xung quanh và bên trong phổi, tim cùng nhiều cơ quan khác.

Dấu hiệu nhận biết suy tim suy huyết:

  • Mệt mỏi
  • Tăng cân
  • Tăng nhu cầu đi tiểu
  • Sưng ở bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân
  • Nhịp tim không đều
  • Thở khò khè
  • Tức ngực khó thở
  • Ho
  • Đau ngực lan tỏa
  • Da dẻ xanh xao
  • Ngất xỉu

8. COVID-19

Khó thở kèm theo đau hoặc tức ngực dai dẳng là một trong những triệu chứng của COVID-19. Bệnh khởi phát khi virus SARS-CoV-2 hoặc một số biến chủng khác xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. COVID-19 gây tổn thương phổi và tăng nguy cơ tử vong.

COVID-19
Virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 dẫn đến khó thở, tức ngực dai dẳng, sốt, mệt mỏi, ho, mất vị giác

Cơ thể có thể mang virus SARS-CoV-2 từ 2 ngày đến 2 tuần trước khi phát hiện các triệu chứng. Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc virus là 5 ngày, 2 đến 4 ngày đối với biến thể Delta. Đặc biệt Omicron có thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ khoảng 3 ngày.

Một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết:

  • Khó thở
  • Tức ngực hoặc đau ngực dai dẳng
  • Ho nghiêm trọng hơn theo thời gian
  • Ớn lạnh
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Viêm họng
  • Rùng mình
  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ bắp
  • Nghẹt mỏi, chảy nước mũi
  • Mất vị giác hoặc khứu giác.

9. Chấn thương

Tức ngực khó thở có thể khởi phát sau chấn thương gây căng cơ ở vùng ngực hoặc tổn thương xương sườn (nứt hoặc gãy xương, bầm tím thành ngực). Những trường hợp này thường nhẹ, bệnh nhân được hướng dẫn nghỉ ngơi, chườm lạnh, nén kết hợp dùng thuốc để cải thiện. Trường hợp gãy xương sườn gây tổn thương nội tạng cần điều trị với các phương pháp chuyên sâu hơn.

10. Nguyên nhân khác

Ngoài những tình trạng y tế nêu trên, tức ngực khó thở có thể khởi phát do những nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn, thường bao gồm:

  • Căng thẳng và lo lắng quá mức
  • Giảm lượng oxy khi lên một độ cao nhất định
  • Thoát vị Hiatal
  • Loạn nhịp tim
  • Dị ứng

Tức ngực khó thở có nguy hiểm không?

Tức ngực khó thở có thể khởi phát từ những nguyên nhân đơn giản, không quá nghiêm trọng, chẳng hạn như căng thẳng hoặc lo lắng quá mức, căng cơ, chấn thương xương sườn…Những tình trạng này có thể được khắc phục bằng một số biện pháp chăm sóc và thuốc.

Tuy nhiên tức ngực khó thở có thể liên quan đến những tình trạng nghiêm trọng hơn, cần sớm điều trị y tế (các bệnh lý ở tim, phổi). Điều trị chậm trễ có thể ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của tim/ phổi, tổn thương tiến triển và tăng nguy cơ tử vong.

Tức ngực khó thở do bệnh lý ở tim và phổi có thể tăng nguy cơ tử vong
Tức ngực khó thở do bệnh lý ở tim và phổi ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan, tăng nguy cơ tử vong

Vì thế, người bệnh cần đến bệnh viện khi bị tức ngực khó thở dữ dội, kéo dài hoặc khởi phát đột ngột. Một số triệu chứng cần theo dõi:

  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Nước da nhợt nhạt, xanh xao
  • Đổi màu môi và móng tay (xanh xao)
  • Thở khò khè
  • Nhịp tim nhanh
  • Sốt
  • Đau ngực hoặc tăng áp lực lên ngực
  • Ho tăng theo thời gian
  • Không thể thở khi nằm.

Chẩn đoán nguyên nhân gây tức ngực khó thở

Chẩn đoán nguyên nhân gây tức ngực khó thở gồm hai giai đoạn, bao gồm kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng.

1. Kiểm tra lâm sàng

Bệnh nhân được thực hiện một số nghiệm pháp liên quan đến khả năng hít thở sâu, kiểm tra mức độ khó thở và tức ngực, đánh giá các biểu hiện đi kèm. Ngoài ra người bệnh được kiểm tra tiền sử chấn thương và bệnh sử để xác định một vài vấn đề liên quan.

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Bệnh nhân được chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm nhằm xác định chẩn đoán, đánh giá cơ quan tổn thương và tìm kiếm phương pháp điều trị thích hợp. Các xét nhiệm chẩn đoán thường bao gồm:

Điều trị tức ngực khó thở

Những phương pháp được áp dụng trong điều trị tức ngực khó thở dựa vào những nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng.

1. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm nhẹ nguyên nhân và tình trạng tức ngực khó thở.

Uống cà phê
Uống cà phê với lượng vừa đủ giúp thư giãn các cơ trong đường hô hấp, cải thiện chức năng phổi
  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi hợp lý mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị tức ngực khó thở do căng thẳng, chấn thương, các bệnh lý ở tim và phổi. Điều này giúp cơ thể có thời gian phục hồi, điều hòa nhịp thở, giảm căng thẳng và tình trạng co thắt ở lòng ngực.
  • Tránh vận động gắng sức: Người bệnh được khuyên duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng (như yoga, thái cực quyền…) trong thời gian điều trị đau ngực khó thở. Điều này giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, điều chỉnh nhịp thở, thư giãn và hỗ trợ đẩy lùi các bệnh lý liên quan đến tim/ phổi hoặc chấn thương. Lưu ý không vận động gắng sức, nên luyện tập với cường độ phù hợp.
  • Ngừng dùng chất kích thích: Ngừng uống rượu, sử dụng thuốc lá, ma túy và một số chất kích thích khác để tránh tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại củ quả, thịt nạc, cá, sữa, các loại đậu, hạt… để tăng cường bổ sung omega-3, chât chống oxy hóa, protein, vitamin và khoáng chất (vitamin A, B, C, D, E, canxi, magiê, sắt). Ngoài ra nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ưu tiên những cách chế biến ít dầu mỡ.
  • Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý. Nếu cần thiết, giảm cân với chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ luyện tập khoa học.
  • Uống cà phê: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng caffeine trong cà phê có khả năng thư giãn các cơ trong đường hô hấp ở bệnh nhân bị hen suyễn. Ngoài ra chất này còn giúp cải thiện chức năng phổi trong vòng 4 giờ bằng cách ngăn chặn thụ thể của một số hóa chất gây khó thở.

2. Ngủ ở tư thế thoải mái

Nếu tức ngực khó thở trong khi ngủ khiến bạn thức giấc thường xuyên, hãy thử nằm nghiêng, kê cao đầu bằng gối và đặt một chiếc gối giữa hai chân, giữ lưng thẳng. Hoặc nằm ngửa, gập gối, kê một chiếc gối dưới đầu gối, kê cao đầu. những tư thế ngủ này có thể giúp thư giãn đường hô hấp và cơ thể, người bệnh thở dễ dàng hơn và giảm tình trạng đau thắt ở vùng ngực.

3. Nghỉ ngơi trong khi ngồi

Nghỉ ngơi trong khi ngồi có thể giúp thở dễ dàng và thư giãn cơ thể.

  • Ngồi trên ghế, bàn chân phẳng trên sàn, hơi nghiêng ngực về phía trước
  • Dùng tay chống cằm hoặc nhẹ nhàng chống khuỷu tay lên đầu gối, giữ cho cổ và vai thư giãn.

Nếu có cả bàn và ghế để sử dụng, hãy duy trì một tư thế thoải mái hơn một chút. Duy trì tư thế này có thể giúp tạo thêm không gian cho phổi trong lồng ngực. Cụ thể:

  • Ngồi trên ghế, đối diện với bàn, bàn chân phẳng trên sàn
  • Hơi nghiêng ngực về phía trước, đặt hai cánh tay lên bàn
  • Kê đầu trên một chiếc gối hoặc trên cẳng tay.

4. Chườm lạnh

Nếu tức ngực khó thở do chấn thương thành ngực, hãy thử đặt túi chườm lạnh lên vùng bị đau. Điều này giúp giảm sưng, viêm và đau hiệu quả. Đồng thời giảm nhẹ tình trạng tức ngực khó thở sau chấn thương. Chườm lạnh mỗi ngày 2 – 4 lần, mỗi lần 20 phút, thực hiện từ 2 – 3 ngày.

5. Tập thở

Tập thở là một trong những cách kiểm soát tình trạng tức ngực khó thở hiệu quả. Cách này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị khó thở do hoảng sợ, tăng không khí, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Tập thở
Tập thở giúp kiểm soát tình trạng tức ngực khó thở, giải phóng không khí bị mắc kẹt trong phổi

Thở mím môi

Thở mím môi giúp giải phóng không khí bị mắc kẹt trong phổi, làm chậm nhịp thở, giúp hơi thở sâu hơn và hiệu quả hơn, kiểm soát tình trạng tức ngực khó thở.

  • Thư giãn cổ và vai
  • Từ từ hít vào bằng mũi trong 2 lần đếm, giữ miệng đóng lại
  • Mím môi tương tự như sắp huýt sáo
  • Thở ra từ từ và nhẹ nhàng qua môi mím, thực hiện trong 4 lần đếm.

Thở bằng cơ hoành

Thở bằng cơ hoành có thể giúp mở rộng đường thở, kiểm soát tình trạng khó thở và tức ngực.

  • Ngồi trên ghế, giữ tư thế thoải mái với đầu gối uốn cong, thư giãn cổ, đầu và vai
  • Đặt tay lên bụng
  • Từ từ hít vào bằng mũi. Lúc này có thể cảm thấy bụng đang di chuyển dưới bàn tay
  • Khi thở ra, siết chặt các cơ. Lúc này có thể nhận thấy bụng hóp vào trong. Thở ra bằng miệng trong khi môi miếng chặt
  • Tập trung khi thở ra nhiều hơn hít vào
  • Tiếp tục thở ra lâu hơn bình thường
  • Từ từ hít vào và thực hiện lại bài tập
  • Lặp lại bài tập khoảng 5 phút.

6. Kiểm soát căng thẳng

Nếu lo âu hay căng thẳng quá mức là nguyên nhân gây tức ngực khó thở, người bệnh nên nằm nghỉ với tư thế thoải mái. Điều này giúp thư giãn cơ thể và đường hô hấp, kiểm soát cẳng thẳng, ngăn ngừa và giảm cảm giác tức ngực khó thở.

Một số biện pháp kiểm soát căng thẳng khác:

  • Ngồi thiền và yoga kết hợp hít thở nhẹ nhàng
  • Thực hiện các sở thích cá nhân
  • Thư giãn, luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan.

7. Dùng thuốc

Nếu thường xuyên tức ngực khó thở, triệu chứng đột ngột hoặc tồi tệ, người bệnh được chỉ định một số loại thuốc giúp điều trị nguyên nhân, thư giãn và mở rộng đường thở. Một số loại thuốc thường được chỉ định:

  • Thuốc corticosteroid dạng hít: Tức ngực khó thở do hen suyễn thường được điều trị bằng thuốc corticosteroid dạng hít, đặc biệt là hen suyễn dị ứng. Thuốc này có tác dụng ức chế tình trạng sưng và viêm ở phổi, ngăn ngừa và giảm nhẹ tình trạng tức ngực khó thở.
  • Thuốc chống đông máu: Một số thuốc chống đông máu như Wafarin, thuốc chống đông máu kết tập tiểu cầu (Clopidogrel, Aspirin, Vorapaxar…) được chỉ định cho nhưng bệnh nhân bị tức ngực khó thở do những vấn đề liên quan đến cục máu đông, chẳng hạn như thuyên tắc phổi. Thuốc này có tác dụng làm chậm sự phát triển và ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông, cải thiện tuần hoàn máu giàu oxy.
  • Thuốc làm tan cục máu đông: Một số loại thuốc như Tenecteplase, Streptokinase, Alteplase… có thể kích hoạt protein phá vỡ fibrin (các sợi tơ huyết), làm tan cục máu đông.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc kháng histamine được chỉ định cho những bệnh nhân bị dị ứng dẫn đến khó thở và tức ngực. Những trường hợp này cũng cần tránh tiếp xúc với phấn hoa, bụi và những tác nhân gây dị ứng khác.
  • Thuốc kháng sinh/ chống nấm/ kháng virus: Thuốc kháng sinh/ chống nấm/ kháng virus lần lượt phù hợp phù hợp với những bệnh nhân bị viêm cơ tim hoặc viêm phổi do nhiễm vi khuẩn, nấm và virus. Những loại thuốc này có tác dụng loại bỏ các tác nhân gây bệnh, ngăn viêm tiến triển. Thuốc kháng virus và vitamin cũng phù hợp với những bệnh nhân bị COVID-19 dẫn đến tức ngực khó thở.
  • Thuốc chống trầm cảm: Bệnh nhân có dấu hiệu căng thẳng quá mức hoặc rối loạn lo âu có thể được chỉ định thuốc chống trầm cảm. Thuốc này có tác dụng thay đổi sự cân bằng của những chất hóa học trong não. Từ đó kiểm soát căng thẳng, hạn chế các cơn hoảng sợ dẫn đến đau ngực và khó thở.
  • Nitroglycerin: Nitroglycerin thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị tức ngực khó thở do đau thắt ngực, bệnh động mạch vành. Loại thuốc này có tác dụng tăng tuần hoàn máu, giảm động mạch vành và giảm mức tiêu thụ oxy cơ tim. Từ đó điều trị các bệnh tim mạch và giảm nhẹ các triệu chứng liên quan.
Dùng thuốc
Các thuốc dùng trong điều trị tức ngực khó thở được chỉ định dựa trên nguyên nhân và tình trạng

Một số loại thuốc không được liệt kê trong bài viết này. Ngoài ra ở những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể được sử dụng máy thở, liệu pháp oxy, theo dõi và áp dụng phương pháp điều trị khác tại bệnh viện.

Ngăn ngừa tức ngực khó thở

Một số biện pháp có thể giảm nguy cơ tức ngực khó thở:

  • Duy trì cân nặng an toàn.
  • Ngừng hút thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá thụ động.
  • Ngừng hoặc giảm uống rượu.
  • Thường xuyên tập thể dục với các bài tập và bộ môn thích hợp như bơi lội, yoga, cầu lông, đạp xe, thái cực quyền, bài tập kéo căng… Điều này giúp duy trì sự dẻo dai, thư giãn cơ thể và đường thở, duy trì hoạt động của các cơ quan.
  • Không gắng sức. Luyện tập với cường độ thích hợp, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Kiểm soát tâm trạng, luôn suy nghĩ lạc quan và tích cực.
  • Thường xuyên ngồi thiền hoặc tập yoga kết hợp hít thở đều nếu căng thẳng quá mức.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi.
  • Sinh sống và làm việc ở những nơi có không khí trong lành. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung vitamin A, C, canxi, protein, chất chống oxy hóa, chất béo lành mạnh… để tăng cường sức khỏe tổng thể và sức đề kháng.

Tức ngực khó thở có thể khởi phát sau chấn thương hoặc một số nguyên nhân ít nghiêm trọng như căng thẳng và lo lắng quá mức, dị ứng, thoát vị Hiatal… Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Việc thăm khám và điều trị sớm là điều cần thiết (đặc biệt là những bệnh nhân có vấn đề về tim và phổi) để ngăn bệnh tiến triển, giảm nguy cơ tử vong.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua