Phác Đồ Điều Trị Loãng Xương Tham Khảo Bộ Y Tế Mới Nhất

Theo dõi IHR trên goole news

Phác đồ điều trị loãng xương của Bộ Y tế được xây dựng với mục đích cải thiện các triệu chứng, góp phần phục hồi chức năng vận động và ngăn ngừa các tổn thương phát sinh. Người bệnh cần thực hiện các bước được hướng dẫn theo phác đồ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Phác đồ điều trị loãng xương
Phác đồ điều trị loãng xương được áp dụng nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và phục hồi chức năng vận động khỏe mạnh

Tìm hiểu về bệnh loãng xương

Loãng xương (Osteoporosis) là một căn bệnh làm yếu xương và làm tăng nguy cơ gãy xương đột ngột, bất ngờ. Bệnh thường phát triển mà không có bất cứ dấu hiệu nhận biết, cơn đau hoặc suy yếu nào cho đến khi xương bị gãy và đau đớn. Trong hầu hết các trường hợp, loãng xương sẽ dẫn đến gãy xương hông, cột sống và cổ tay.

Ước tính có khoảng 200 triệu người bị loãng xương trên toàn thế giới. Tình trạng xương khớp này có thể xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên nữ giới có nguy cơ loãng xương cao gấp 4 lần năm giới. Tại Việt Nam, có một số nhóm loãng xương như sau:

  • Loãng xương ở người già (loãng xương tiên phát) xảy ra khi các tế bào xương lão hóa
  • Loãng xương sau mãn kinh xảy ra ở phụ nữ khi nồng độ estrogen suy giảm đột ngột
  • Loãng xương thứ phát liên quan đến nhiều nguyên nhân, bao gồm tiền sử gia đình, ít hoạt động thể chất hoặc có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá

Loãng xương là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gãy xương. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch điều trị, phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Phác đồ điều trị loãng xương theo Bộ Y tế

Phác đồ điều trị loãng xương theo Bộ Y tế bào gồm tập thể dục, bổ sung vitamin khoáng chất cần thiết, sử dụng thuốc và điều trị các biến chứng. Bên cạnh đó, phác đồ cũng đề xuất các phương pháp giúp ngăn ngừa loãng xương, nâng cao sức khỏe xương khớp, sức đề kháng và ổn định chức năng vận động.

1. Điều trị không dùng thuốc

Phương pháp điều trị loãng xương không dùng thuốc thường được chỉ định để giảm nhẹ các triệu chứng và dự phòng các biến chứng. Các gợi ý điều trị bao gồm:

Chế độ ăn uống:

  • Để duy trì xương chắc khỏe, người bệnh cần có chế độ ăn giàu canxi tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể. Lượng canxi khuyến nghị từ 1.000 – 1.500 mg mỗi ngày. Canxi thường có nhiều trong các sản phẩm từ sữa, cá hồi có xương, cá mòi, cải xoăn, bông cải xanh, nước trái cây, quả sung khô.
  • Bên cạnh canxi, Vitamin D cũng rất quan trọng, vì loại vitamin này có thể giúp cơ thể hấp thụ canxi và góp phần cải thiện các triệu chứng loãng xương. Vitamin D được tổng hợp bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vài lần mỗi tuần hoặc sử dụng sản phẩm bổ sung.

Lối sống:

  • Duy trì một phong cách sống lành mạnh có thể góp phần điều trị loãng xương và giảm nguy cơ mất xương. Người bệnh được khuyến khích bắt đầu các bài tập nhẹ nhàng để giúp cơ bắp hoạt động chống lại trọng lực. Các bài tập được khuyến khích bao gồm đi bộ, chạy bộ, cử tạ và tập thể dục nhịp điệu.
  • Bên cạnh đó, cần tránh uống quá nhiều rượu, bia, chất kích thích, đồ uống có cồn. Hạn chế tiêu thụ caffeine và không hút thuốc lá cũng giúp bảo vệ hệ xương khớp.

Dụng cụ hỗ trợ:

  • Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng dụng cụ, nẹp chỉnh hình cho cột sống và khớp háng để giảm sự tỳ đè lên cột sống, các đầu xương, vùng hong, từ đó giảm thiểu nguy cơ tổn thương, gãy xương.

2. Thuốc điều trị loãng xương

Thuốc điều trị loãng xương được chỉ định khi chế độ ăn uống và thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả tích cực. Có một số nhóm thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương. Bác sĩ có thể xác định loại thuốc phù hợp nhất dựa theo thể trạng, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mong muốn của người.

phác đồ điều trị loãng xương Bộ Y tế
Thuốc điều trị loãng xương được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng

Theo phác đồ điều trị loãng xương của Bộ Y tế, các loại thuốc phổ biến bao gồm:

– Thuốc bổ sung bắt buộc:

  • Canxi: Cần đảm bảo liều lượng từ 1.000 – 1.200 mg mỗi ngày.
  • Vitamin D: Cần đảm bảo liều lượng từ 800 – 1.000 IU. Đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy thận do không chuyển hóa được Vitamin D, cần bổ sung chất chuyển hóa của Vitamin D là Calcitriol 0.25 – 0.5 mcg.

– Thuốc chống hủy xương: Các loại thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa quá trình mất xương và cải thiện các triệu chứng loãng xương.

+ Nhóm Bisphosphonat:

Thuốc hoạt động bằng cách ngăn cơ thể tái hấp thụ mô xương, được chỉ định cho người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, nam giới và người loãng xương do Corticosteroid. Thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi (cần xem xét các trường hợp cụ thể), người bệnh suy thận với mức lọc cầu thận (GFR) thấp hơn 35 ml/phút.

Các thuốc Bisphosphonat theo phác đồ điều trị loãng xương bao gồm:

  • Alendronat 70 mg hoặc Alendronat 70 mg + Cholecalciferol 2800 UI uống một lần, khi bụng đói, vào buổi sáng sớm, cùng với nhiều nước. Sau khi uống thuốc không được nằm ít nhất trong 30 phút và cần vận động phù hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Thuốc có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, loét dạ dày, viêm thực quản hoặc nuốt khó, do đó cần theo dõi phản ứng của cơ thể để có kế hoạch xử lý kịp thời.
  • Zoledronic acid 5 mg sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch, chỉ được sử dụng 1 liều duy nhất mỗi năm. Cần chú ý uống nhiều nước, bổ sung Canxi và Vitamin D trước khi truyền thuốc. Bên cạnh đó, có thể sử dụng Acetaminophen (Paracetamol) để giảm nhẹ các phản ứng phụ sau khi truyền thuốc, chẳng hạn như đau khớp, đau đầu, đau cơ, sốt.

+ Calcitonin (chiết suất cá hồi):

Calcitonin là thuốc được chiết xuất từ cá hồi, được sử dụng ngắn hạn, chỉ trong 2 – 4 tuần để cải thiện các cơn đau ở người mới bị gãy xương. Không được sử dụng thuốc dài ngày để điều trị loãng xương. Khi cơn đau được cải thiện, nên sử dụng thuốc thuộc nhóm Bisphosphonat (dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch) để điều trị.

Liều lượng Calcitonin đề nghị là xịt  200UI vào niêm mạc mũi hoặc tiêm 100UI dưới da hàng ngày.

Thuốc này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như chảy nước mũi, chảy máu cam, đau đầu đối với dạng hít và phát ban, đỏ bừng da đối với dạng tiêm. Các tác dụng phụ có thể trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm làm tăng nguy cơ ung thư, do đó chỉ sử dụng thuốc khi nhận được sự chỉ định, giám sát của bác sĩ điều trị.

– Liệu pháp liên quan đến Hormone (Raloxifene):

Nhóm này sử dụng các hoạt chất giống Hormone, được chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương cao hoặc bệnh nhân loãng xương sau mãn kinh. Raloxifene là thuốc hoạt động giống như Estrogen đối với xương. Thuốc có dạng viên nén và được sử dụng mỗi ngày. Ngoài việc điều trị loãng xương, Raloxifene cũng có thể được sử dụng để giảm nguy cơ ung thư vú ở một số phụ nữ.

Liều lượng đề nghị là 60 mg, sử dụng hàng ngày bằng đường uống, kéo dài đến dưới 2 năm.

– Thuốc có tác dụng kép Strontium ranelate:

Thuốc này được sử dụng để kích thích quá trình tái tạo xương và ức chế tình trạng hủy xương, do đó được gọi là thuốc có tác dụng kép, tác động tuân theo hoạt động sinh lý của xương. Liều lượng đề nghị là 2 gram mỗi ngày, sử dụng một lần vào buổi tối. Nên dùng thuốc sau bữa ăn 2 giờ và trước khi đi ngủ vào ban đêm.

– Menatetrenon (Vitamin K2):

Thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân chống chỉ định hoặc không dung nạp Bisphosphonates. Menatetrenon là một dạng Vitamin K2, được sử dụng để kích thích quá trình tạo xương và phòng chống loãng xương.

– Nhóm thuốc khác:

Trong phác đồ điều trị loãng xương của Bộ Y tế, nhóm thuốc khác Deca Durabolin và Durabolin hoạt động bằng cách làm tăng quá trình đồng hóa. Nhóm thuốc này thường được chỉ định khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ, bao gồm tổn thương ở đùi, hàm hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó chỉ sử dụng thuốc khi được chỉ định và không vượt quá liều lượng theo phác đồ điều trị loãng xương.

3. Điều trị giảm nhẹ các triệu chứng

Loãng xương có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cột sống và hệ thống xương khớp, bao gồm giảm chiều cao, thay đổi tư thế (cúi hoặc khom người về phía trước), khó thở (dung dịch phổi bị ảnh hưởng do đĩa đệm bị chèn ép), gãy xương hoặc đau thắt lưng.

Theo phác đồ điều trị loãng xương của Bộ Y tế, các triệu chứng được điều trị như sau:

  • Đau cột sống, đau dọc các xương khi mới lún xẹp đốt sống, xẹp đĩa đệm và gãy xương, chỉ định sử dụng Calcitonine và các thuốc giảm đau bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới. Có thể sử dụng kết hợp thuốc giảm đau đơn thuần, thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID) hoặc thuốc giảm đau bậc hai (kết hợp thuốc giảm đau Opiat từ nhẹ đến trùng binh), thuốc giãn cơ và các loại thuốc cần thiết khác.
  • Khi bị chèn ép rễ thần kinh liên sườn dẫn đến khó thở, đau ngực, tiêu hóa kém, đau dọc theo rễ thần kinh, tê bì chân tay, dị cảm, có thể chỉ định điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng, sử dụng nẹp thắt lưng, dùng thuốc giảm đau đơn thuần, thuốc giảm đau thần kinh hoặc vitamin nhóm B khi cần thiết.

Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan.

4. Điều trị ngoại khoa các biến chứng

Loãng xương có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống cũng như khiến tuổi thọ bị rút ngắn. Các biến chứng bao gồm:

  • Gãy xương.
  • Đau mãn tính do loãng xương hoặc phát triển sau khi gãy xương. Cơn đau cũng có thể liên quan đến tình trạng căng cơ, gân và dây chằng liên quan đến loãng xương.
  • Thay đổi tư thế chẳng hạn như gù lưng khiến cột sống cong về phía trước. Điều này có thể dẫn đến khó thở, khó ăn do tư thế thiếu tự nhiên.
  • Hạn chế vận động do gãy xương, dẫn đến cứng khớp và bất động trong thời gian dài. Việc thiếu hoạt động là nguyên nhân dẫn đến suy yếu cơ bắp và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Trong phác đồ điều trị loãng xương Bộ Y tế, các biến chứng được điều trị như sau:

  • Gãy cổ xương đùi: Bắt vít xốp, thay chỏm xương đùi hoặc thay toàn bộ khớp háng. Phương pháp điều trị được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng của tổn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
  • Gãy đốt sống và biến dạng cột sống: Chỉ định phương pháp tạo hình đốt sống, chẳng hạn như bơm xi măng vào thân đốt sống hoặc thay đốt sống nhân tạo, để phục hồi chiều cao bình thường của các đốt sống.
  • Đối với nam giới lớn tuổi và phụ nữ sau mãn kinh bị gãy cổ xương đùi, gãy xương cổ tay hoặc gãy đốt sống do các chấn thương nhẹ: Có thể chỉ định điều trị loãng xương theo phác đồ mà không cần đo khối lượng xương. Sau quá trình điều trị có thể chỉ định đo mật độ xương để theo dõi kết quả và đánh giá hiệu quả điều trị.

Theo dõi và quản lý khi áp dụng phác đồ điều trị loãng xương

Theo dõi quá trình tuân thủ điều trị loãng xương của người bệnh nhằm đánh giá hiệu quả và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp. Trong suốt quá trình điều trị, cần lưu ý các vấn đề như:

  • Bệnh nhân cần tuân thủ quá trình điều trị lâu dài và theo dõi tiến triển bệnh nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị. Nếu không tuân thủ phác đồ, hiệu quả điều trị có thể bị ảnh hưởng.
  • Có thể sử dụng các dụng cụ như Markers chu chuyển xương nhằm hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng nguy cơ gãy xương cũng như xác định tình trạng mất xương, theo dõi điều trị và có kế hoạch xử lý phù hợp.
  • Đo mật độ xương (theo phương pháp DXA) sau mỗi 1 – 2 năm đề đánh giá kết quả và hiệu quả điều trị.
  • Bệnh nhân cần điều trị kéo dài trong 3 – 5 năm, sau đó đánh giá tổng thể bệnh và có hướng xử lý tiếp theo phù hợp nhất.

Kế hoạch phòng ngừa loãng xương

Bệnh loãng xương có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống. Cụ thể, để tránh loãng xương và ngăn ngừa nguy cơ tái phát, người bệnh cần lưu ý:

Chẩn đoán loãng xương Bộ Y tế
Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất là cách tốt nhất để phòng ngừa loãng xương
  • Tập thể dục: Thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là các bài tập chịu trọng lượng và tăng sức mạnh, có thể giúp xương luôn chắc khỏe, góp phần tăng cường hoạt động của các tế bào nguyên xương.
  • Ăn uống lành mạnh: Thiếu hụt vitamin và khoáng chất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến loãng xương. Do đó, bằng sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết, chẳng hạn như Canxi và Vitamin D, có thể làm giảm tốc độ mất xương, từ đó tái tạo một chu trình xương đầy đủ.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến mất xương, chẳng hạn như làm ức chế quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ viêm nhiễm, làm mất cân bằng hormone quan trọng. Do đó, người bệnh cần bỏ thuốc lá để nâng cao sức khỏe xương khớp cũng như ổn định sức khỏe tổng thể.
  • Không uống rượu: Sử dụng rượu có thể làm tăng hormone căng thẳng, cản trở quá trình hấp thụ các dưỡng chất và gây mất cân bằng hormone, tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Đối với bệnh nhân có nguy cơ loãng xương (BMD từ – 1.5 đến – 2.4 SD) kết hợp với việc có nhiều yếu tố nguy cơ, cần dùng Corticosteroid để điều trị bệnh nền để giảm nguy cơ. Trong trường hợp người bệnh có nguy cơ loãng xương kèm có tiền sử gia đình gãy xương do loãng xương, có nguy cơ té ngã cao, cần dùng Bisphosphonates để phòng ngừa loãng xương.

Loãng xương là một tình trạng tiến triển. Mặc dù loãng xương không gây tử vong, tuy nhiên tình trạng có thể rút ngắn tuổi thọ của người bệnh, đặc biệt là đối với người không được điều trị đầy đủ. Việc áp dụng phác đồ điều trị loãng xương theo Bộ Y tế và thay đổi lối sống là cách tốt nhất để giảm bớt tình trạng loãng xương và góp phần hình thành xương mới, từ đó nâng cao sức khỏe xương khớp cũng như hạn chế nguy cơ gãy xương.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ và chú ý đến nhà cửa, môi trường sống, làm việc, nhằm hạn chế nguy cơ té ngã dẫn đến gãy xương. Trao đổi với bác sĩ nếu có bất cứ thắc mắc hoặc câu hỏi nào liên quan.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua