Đĩa đệm nhân tạo là gì? Khi nào cần thay? Điều cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đĩa đệm nhân tạo là những thiết bị được tạo ra với mục đích thay thế cho những đĩa đệm hư hỏng của con người nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt và chuyển động. Thông thường thiết bị nhân tạo sẽ được cân nhắc sử dụng khi đĩa đệm bị hư hỏng nặng và hoàn toàn không có khả năng phục hồi.

Đĩa đệm nhân tạo
Đĩa đệm nhân tạo là thiết bị y khoa được tạo ra để thay thế cho những đĩa đệm hư hỏng của con người

Đĩa đệm nhân tạo là gì?

Đĩa đệm là một cấu trúc mềm, được hình thành từ mô sụn và nằm giữa hai đốt sống của cột sống. Chúng có chức năng duy trì độ linh hoạt và khả năng vận động của con người. Tuy nhiên khi đĩa đệm bị hư hỏng do chấn thương hoặc thoát vị, khả năng uốn cong và vật động của cột sống sẽ bị suy giảm hoặc mất đi. Đôi khi chúng chèn ép vào rễ thần kinh, mô mềm và gây ra những tổn thương nghiêm trọng.

Đối với những trường hợp nặng và không thể phục hồi đĩa đệm hư hỏng, người bệnh sẽ được cân nhắc sử dụng đĩa đệm nhân tạo để thay thế. Điều này giúp duy trì chức năng, tính linh hoạt và khả năng chuyển động của người bệnh.

Đĩa đệm nhân tạo là thiết bị y khoa được tạo ra để thay thế cho những đĩa đệm hư hỏng của con người. Thiết bị này có cấu tạo, mô phỏng chức năng giống với đĩa đệm thông thường. Ngoài ra chúng còn có khả năng chống biến dạng, chống mài mòn và có thể chịu lực.

Hầu hết đĩa đệm bị nhân tạo đều được làm từ kim loại (điển hình như crom coban hoặc titan), bên trong được làm bằng nhựa. Tuy nhiên khi thay thế đĩa đệm hư hỏng, tất cả thiết bị đều giữ được tính linh hoạt và khả năng chuyển động.

Phân loại đĩa đệm nhân tạo

Đĩa đệm nhân tạo được phân thành hai loại dựa trên cấu tạo và chức năng. Cụ thể:

  • Loại chỉ thay thế nhân đĩa đệm: Loại này có phần bao xơ được giữ nguyên, chỉ có phần trung tâm của đĩa đệm người (nhân nhầy) được thay thế.
  • Loại thay thế toàn bộ đĩa đệm: Loại này thay thế hầu hết các mô hoặc thay thế hoàn toàn đĩa đệm bị hỏng.
Phân loại đĩa đệm nhân tạo
Đĩa đệm nhân tạo có hai loại gồm loại chỉ thay thế nhân đĩa đệm và loại thay thế toàn bộ đĩa đệm

Đĩa đệm nhân tạo được sử dụng để làm gì?

Khi đĩa đệm bị tổn thương và không thể phục hồi, người bệnh sẽ được cân nhắc sử dụng đĩa đệm nhân tạo để thay thế. Quá trình này thông qua một thủ thuật phẫu thuật được gọi là cấy ghép đĩa đệm nhân tạo.

Trong quy trình phẫu thuật, những đốt sống sẽ được kết nối với nhau thông qua những đĩa đệm bằng kim loại. Sau khi đĩa đệm được cấy ghép, cột sống vẫn giữ được khả năng uốn cong, tính linh hoạt và khả năng di động.

Đối với trường hợp này, người bệnh không cần ghép xương để hợp nhất các đốt sống. Bởi hầu hết bệnh nhân đều mất khả năng vận động và độ linh hoạt ở những đoạn cột sống hợp nhất. Đồng thời gây đau dai dẳng sau phẫu thuật.

Dùng đĩa đệm nhân tạo chữa đau lưng được không?

Mặc dù có thể duy trì khả năng uốn cong, tính linh hoạt và khả năng di động của cột sống nhưng đĩa đệm nhân tạo không phải là phương pháp chữa đau lưng. Thực tế cho thấy bệnh thoát vị đĩa đệm chỉ là một trong nhiều tình trạng gây đau lưng. Vì thế không thể áp dụng một phương pháp để chữa trị thành công cho tất cả vấn đề ở cột sống.

Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo chỉ là một trong những lựa chọn tiếp theo mà bác sĩ sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân có đĩa đệm tổn thương. Ngoài ra bệnh nhân cần lưu ý, phẫu thuật thay đĩa đệm vẫn còn sơ khai. Chính vì thế việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật, bác sĩ điều trị và xem xét tình trạng sức khỏe của bệnh nhân làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả điều trị cũng như kết quả thành công.

Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo không phải là phương pháp chữa đau lưng
Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo là một trong những lựa chọn được sử dụng để điều trị cho người có đĩa đệm tổn thương

Khi nào cần thay thế đĩa đệm nhân tạo?

Đĩa đệm nhân tạo chỉ được sử dụng khi bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xem xét thấy cần thiết. Thông thường quá trình xem xét và phẫu thuật thay đĩa đệm sẽ dựa vào mức độ hư hỏng đĩa đệm và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra chỉ định phẫu thuật còn khác nhau dựa trên từng loại cấy ghép.

Một số trường hợp thường được chỉ định thay đĩa đệm nhân tạo:

  • Đĩa đệm hư hỏng nặng và không có khả năng phục hồi
  • Thất bại sau 6 tháng điều trị nội khoa
  • Giảm đáng kể hoặc mất khả năng vận động
  • Mất cảm giác và rối loạn cảm giác ở các chi
  • Yếu cơ và teo cơ không phục hồi
  • Mất khả năng kiểm soát tiểu tiện và đại tiện

Những yếu tố cần thiết trong phẫu thuật:

  • Không mất vững cột sống
  • Chỉ một đĩa đệm bị thoái hóa
  • Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của đĩa đệm nhân tạo
  • Bệnh nhân không mắc các bệnh lý tự miễn (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, bệnh lupus ban đỏ hệ thống…) loãng xương, viêm khớp, vẹo cột sống, u cột sống, hội chứng chèn ép tủy
  • Không có tiền sử phẫu thuật đĩa đệm tầng lân cận hoặc cùng tầng
  • Không có tiền sử phẫu thuật kết hợp đốt sống.

Chống chỉ định

Đĩa đệm nhân tạo mang đến nhiều lợi ích trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống và các vấn đề nghiêm trọng khác. Ngoài ra chúng giúp duy trì khả năng uốn cong của cột sống, tăng tính linh hoạt cho người bệnh, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số trường hợp không thể điều trị với đĩa đệm nhân tạo. Đặc biệt là những người có các vấn đề sau:

  • Mang thai
  • Loãng xương
  • Gãy thân cột sống
  • Nhiễm trùng cột sống
  • U cột sống
  • Mắc các bệnh tự miễn
  • Người đang trong có trình điều trị với Steroid
  • Thoái hóa cột sống.
Không phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm khi đang mang thai
Không phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm khi đang mang thai, mắc bệnh loãng xương, nhiễm trùng cột sống, gãy thân cột sống…

Tuổi thọ của đĩa đệm nhân tạo

Hiện tại chưa có thông tin về tuổi thọ cụ thể của một đĩa đệm nhân tạo. Thông thường tuổi thọ của thiết bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm:

  • Chất liệu của thiết bị
  • Chất lượng đĩa đệm được đảm bảo
  • Khả năng thích nghi của người bệnh với đĩa đệm nhân tạo
  • Khả năng thích nghi của người bệnh sau phẫu thuật điều trị
  • Quá trình luyện tập của bệnh nhân
  • Kinh nghiệm và trình độ của bác sĩ thực hiện…

Hầu hết người bệnh không cần tái khám và thay lại đĩa đệm nhân tạo nếu:

  • Khả năng đáp ứng tốt
  • Không xuất hiện tình trạng nhiễm trùng
  • Không trật và không trượt đĩa đệm
  • Bệnh nhân có sức khỏe ổn định
  • Vận động bình thường

Cấy ghép đĩa đệm nhân tạo có nguy hiểm không?

Không phải tất cả trường hợp đều có đáp ứng tốt với đĩa đệm nhân tạo. Ngoài ra tương tự như những dạng phẫu thuật xương khớp và cột sống khác, bệnh nhân phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm có thể đối mặt với một số rủi ro mặc dù hiếm gặp. Bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương mạch máu
  • Xuất huyết
  • Chấn thương thần kinh
  • Hao mòn vật liệu thiết bị
  • Trật khớp
  • Vỡ thiết bị
  • Tổn thương cấu trúc tiết niệu
  • Rối loạn chức năng tình dục…

Chính vì những rủi ro nêu trên, người bệnh cần lựa chọn địa chỉ uy tín để kiểm tra khám sức khỏe tổng thể, tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện. Ngoài ra sau phẫu thuật, người bệnh cần thực hiện một số điều dưới đây để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh biến chứng:

  • Sử dụng nẹp cố định trong vài ngày
  • Chăm sóc vết thương, thay băng mỗi ngày
  • Sử dụng thuốc (kháng sinh đường tĩnh mạch) theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
  • Ăn uống lành mạnh
  • Duy trì thói quen vận động
  • Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng
Sau cấy ghép đĩa đệm nhân tạo có thể gây trật khớp
Sau cấy ghép đĩa đệm nhân tạo có thể gây nhiễm trùng, tổn thương mạch máu, chấn thương thần kinh, trật khớp, vỡ thiết bị

Đĩa đệm nhân tạo giá bao nhiêu?

Phần lớn đĩa đệm nhân tạo được nhập khẩu nên có giá thành khá đắt. Tùy thuộc vào loại đĩa đệm, vật liệu chế tạo, hãng sản xuất, chất lượng thiết bị… giá của một đĩa đệm nhân tạo dao động trong khoảng từ 50 đến 90 triệu đồng.

Ngoài ra trước và sau khi thay đĩa đệm, người bệnh cần thanh toán thêm một vài khoản chi phí khác, bao gồm:

  • Chi phi khám bệnh
  • Chi phí xét nghiệm và phẫu thuật
  • Chi phí thuốc
  • Chi phí nằm viện…

Các chi phí thường giảm đáng kể đối với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Một số lưu ý khi phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo

Trước và sau khi phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

  • Phương pháp phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo chỉ được thực hiện sau khi thăm khám, xét nghiệm kỹ lưỡng và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Việc phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm nhân tạo có thể gây rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật. Vì thế người bệnh cần hỏi rõ ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia xương khớp. Đồng thời cân nhắc về những lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện cấy ghép.
  • Chăm sóc sức khỏe, sử dụng nẹp cố định và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh vết thương và thay băng mỗi ngày để hạn chế nhiễm trùng.
  • Đi lại và vận động nhẹ nhàng sau 3 ngày phẫu thuật để kịp thích nghi với đĩa đệm nhân tạo.
  • Tuyệt đối không nằm bất động trong thời gian dài để tránh cứng khớp, khó vận động và phục hồi chức năng.
  • Áp dụng chương trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia.
  • Đĩa đệm nhân tạo có cấu tạo và chức năng giống như một đĩa đệm tự nhiên. Tuy nhiên khả năng chịu lực, nâng đỡ và tính linh hoạt của thiết bị thường kém hơn.
  • Sau phẫu thuật cấy ghép đĩa đệm, người bệnh cần tránh khuân vác vật nặng, ngồi, vận động hoặc làm việc sai tư thế để tăng tuổi thọ của đĩa đệm và hạn chế phát sinh vấn đề không mong muốn.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ sau phẫu thuật cấy ghép để theo dõi diễn tiến của bệnh. Đồng thời sớm phát hiện những bất thường và kịp thời xử lý.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo chỉ được thực hiện sau khi thăm khám và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Bài viết là thông tin cơ bản về đĩa đệm nhân tạo, chức năng, chi phí, tuổi thọ đĩa đệm, khi nào cần cấy ghép và những lưu ý. Nhìn chung quá trình thay đĩa đệm nhân tạo tương đối an toàn. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp điều có đáp ứng tốt với thiết bị. Ngoài ra việc không chăm sóc đúng cách sau phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ phát sinh rủi ro.

Chính vì thế, trước khi phẫu thuật cấy ghép người bệnh nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích. Đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và chăm sóc sức khỏe, vết thương đúng cách sau phẫu thuật.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua