Đau lưng khi đến tháng (rụng trứng): Dấu hiệu, cách trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đau lưng khi đến tháng (rụng trứng) là tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ. Thông thường nữ giới sẽ có biểu hiện đau vùng lưng dưới kèm theo cảm giác bồn chồn, khó chịu. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Tùy thuộc vào căn nguyên, nữ giới có thể bị đau âm ỉ, đau tự thuyên giảm hoặc đau nhói và tăng độ đau theo thời gian.

Đau lưng khi đến tháng (rụng trứng)
Đau lưng khi đến tháng (rụng trứng) là triệu chứng cảnh báo những vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt

Đau lưng khi đến tháng là gì?

Đau lưng khi đến tháng (rụng trứng) là triệu chứng cảnh báo những vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường cơn đau sẽ phát sinh ngay tại vùng lưng dưới, không hoặc có kèm theo đau bụng dưới, khó chịu, bồn chồn khiến cơ thể mệt mỏi.

Tùy theo căn nguyên, đau lưng khi rụng trứng có thể âm ỉ và thuyên giảm sau nhiều giờ nghỉ ngơi hoặc đau nhói và tăng độ đau theo thời gian. Cơn đau khiến người bệnh khó vận động, di chuyển, ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm lý.

Nguyên nhân gây đau lưng khi đến tháng

Đau lưng khi đến tháng xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

1. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) xảy ra ở hầu hết những người có kinh nguyệt. Hội chứng này là một loạt những triệu chứng liên quan đến rối loạn, thay đổi hành vi và tâm sinh lý của nữ giới trước chu kỳ kinh nguyệt (khoảng 3 – 7 ngày).

Hội chứng tiền kinh nguyệt không gây nguy hiểm, thường dừng lại khu chu kỳ kinh nguyệt xảy ra. Tuy nhiên nếu xảy ra kéo dài, PMS có thể làm ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, công việc và các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Để nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệt, người bệnh có thể dựa vào một số triệu chứng thường gặp dưới đây:

  • Đau lưng
  • Đau ngực
  • Chướng bụng
  • Đau nhức toàn thân
  • Phù và tăng cân
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đầy hơi, ăn uống khó tiêu
  • Đau đầu
  • Chuột rút ở bụng
  • Đau bụng tiền kinh nguyệt
  • Xuất hiện các vấn đề về da (mụn trứng cá, mụn)
  • Tâm trạng thay đổi, cảm xúc bất thường
  • Thường xuyên lo âu, rối loạn
  • Thay đổi ham muốn tình dục…

2. Đau bụng kinh

Đau bụng kinh là cơn đau xảy ra ở vùng bụng dưới, liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Tình trạng này xảy ra phổ biến, chiếm hơn 50% phụ nữ có kinh nguyệt. Tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng của mỗi người, cơn đau có thể kéo dài từ 1 – 2 ngày mỗi tháng.

Khi bị đau bụng kinh, tử cung có xu hướng co bóp mạnh và nhiều hơn bình thường. Điều này gây ra tình trạng chuột rút dẫn đến đau lan tỏa toàn bộ lưng, đau nhiều hơn ở vùng lưng dưới. Ngoài đau lưng đau bụng kinh còn khiến cơ thể suy nhược và gây ra nhiều triệu chứng khác, gồm:

  • Đau bụng dưới, đau âm ỉ kéo dài hoặc đau nhói, đau quặn thành từng cơn
  • Đau lan rộng dẫn đến đau mỏi hai chân
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau đầu
  • Choáng váng

Đau bụng kinh xảy ra do hai nguyên nhân, gồm:

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Xảy ra do chuột rút trong thời kỳ hành kinh, thường đau khi mới có kinh.
  • Đau bụng kinh thứ phát: Đau bụng kinh thứ phát là chứng đau lưng trong kỳ kinh nguyệt, thường xảy ra do chấn thương hoặc do bệnh lý, vấn đề về sức khỏe.
Đau bụng kinh gây chuột rút dẫn đến đau lan tỏa toàn bộ lưng, đau nhiều hơn ở vùng lưng dưới

3. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một mức độ nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Tình trạng này đặc trưng bởi những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nhưng có mức độ nghiêm trọng hơn làm ảnh hưởng đến tâm lý và các hoạt động sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên những triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể được kiểm soát bằng thuốc và thay đổi lối sống.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra những triệu chứng sau:

  • Đau lưng, đặc biệt nghiêm trọng ở vùng thắt lưng
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Tăng áp lực vùng chậu làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển
  • Đau bụng từ trung bình đến nặng, đau kéo dài
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Khó ngủ
  • Bốc hỏa
  • Ngất xỉu
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đầy hơi, chướng bụng ăn uống khó tiêu
  • Đau đầu, choáng váng
  • Dị ứng, nổi mụn trứng cá
  • Thay đổi tâm lý, căng thẳng, dễ xúc động, cáu gắt
  • Tăng nguy cơ trầm cảm
  • Tim đập nhanh
  • Thay đổi thị lực
  • Viêm nhiễm da và một số bộ phận khác…

4. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có thể là nguyên nhân gây đau lưng khi đến tháng. Bệnh lý này thể hiện cho hiện tượng những mô phát triển bên trong tử cung (theo sinh lý tự nhiên) được tìm thấy ở một hoặc nhiều bộ phận khác của cơ thể. Điển hình như ống dẫn trứng, buồng trứng, mặt sau của tử cung, đường tiêu hóa, bàng quang, trên mô nâng đỡ tử cung…

Những mô được tìm thấy ngoài tử cung có thể có chức năng hoặc những đặc tính khác so với mô phát triển trong tử cung. Nếu xảy ra ở buồng trứng, lạc nội mạc tử cung sẽ tiến triển thành u lạc nội mạc tử cung. Tùy thuộc vào vị trí phát triển, lạc nội mạc tử cung có thể gây biến chứng ung thư và vô sinh.

Những triệu chứng và vấn đề thường gặp ở người lạc nội mạc tử cung:

  • Đau bụng kinh nghiêm trọng
  • Đau lưng khi đến tháng. Cơn đau thường nghiêm trọng và khó kiểm soát
  • Kỳ kinh kéo dài hơn bình thường
  • Đau vùng chậu ngoài kỳ kinh
  • Đau vùng chậu mãn tính, đau nhiều hơn trong và sau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đi tiểu hoặc di chuyển
  • Chảy máu ồ ạt giữa các chu kỳ hành kinh hoặc khi hành kinh
  • Vô sinh
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón…

Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung hiện chưa rõ. Tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh thường tăng cao ở những trường hợp sau:

  • Chưa sinh con
  • Có kinh nguyệt sớm (trước 11 tuổi)
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày)
  • Mãn kinh muộn
  • Chảy máu nhiều và kéo dài hơn 7 ngày khi hành kinh
  • Có bất thường trong hệ thống cơ quan sinh sản
  • Chỉ số BMI thấp
  • Kinh nguyệt không thoát ra ngoài cơ thể được do bất kỳ nguyên nhân nào
  • Nồng độ estrogen trong cơ thể cao.
Lạc nội mạc tử cung
Đau lưng khi tới tháng là một trong những dấu hiệu cảnh báo lạc nội mạc tử cung

5. U xơ tử cung

Đau lưng khi đến tháng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh u xơ tử cung. Bệnh thể hiện cho sự hình thành và phát triển của một khối u từ cơ tử cung. Thôn thường mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước khối u và những triệu chứng mà khối u mang lại.

U xơ tử cung thường không gây ra triệu chứng, đặc biệt là khi khối u có kích thước nhỏ. Đối với những trường hợp có khối u to dẫn đến chèn ép, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:

  • Đau nhiều ở vùng bụng dưới, đau lan rộng ra sau lưng
  • Cơn đau có xu hướng tăng lên khi giao hợp
  • Rong kinh (chu kỳ kinh kéo dài) hoặc cường kinh (ra nhiều máu kinh)
  • Ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh dẫn đến thiếu máu. Dấu hiệu nhận biết: Thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt
  • Thường xuyên buồn tiểu khi khối u phát triển trước tử cung và chèn ép vào vùng bàng quang
  • Táo bón do u hình thành và phát triển sau tử cung khiến vùng trực tràng bị chèn ép
  • Sờ ngay trên xương mu có thể thấy khối u
  • Khó thụ thai
  • Dễ sảy thai
  • Thai nhi khó phát triển hoặc ngôi thai bất thường.

Đối với u xơ tử cung, những người trong lứa tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ mắc bệnh.

6. Nhiễm trùng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiễm trùng chính là nguyên nhân khiến cơn đau thắt lưng khởi phát dữ dội trong thời kỳ kinh nguyệt. Tần suất và mức độ đau tỉ lệ thuận với viêm nhiễm. Điều này có nghĩa viêm nhiễm càng tăng cơn đau càng nghiêm trọng và điều đặn hơn trong các kỳ kinh.

Ngoài ra các nghiên cứu còn cho thấy, chu kỳ kinh nguyệt làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cơ quan sinh dục ở nữ giới. Điều này khiến nữ giới đau nhiều ở bụng (chuột rút ở bụng). Đồng thời đau lưng nhiều hơn.

7. Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, đau lưng khi đến tháng còn xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Khối u ở vùng chậu (khối u ác tính hoặc lành tính)
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm trùng bắt đầu từ tử cung. sau đó lây lan sang nhiều khu vực khác.

Dấu hiệu đau lưng khi đến tháng

Để nhận biết đau lưng khi đến tháng, người bệnh có thể dựa vào đặc điểm đau và các biểu hiện đi kèm. Cụ thể:

Triệu chứng đau lưng khi đến tháng

  • Đau toàn lưng. Tuy nhiên thường gặp ở bụng dưới và có mức độ nghiêm trọng hơn
  • Đau lan tỏa từ thắt lưng sang hai bên hông khiến các cử động ở lưng ở nên khó khăn
  • Đau lan rộng dẫn đến đau mỏi hai chân
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân, người bệnh có thể bị đau nhói, đau quặn hoặc/ và đau âm ỉ ở mức trung bình và kéo dài
  • Cơn đau có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi, chườm ấm và xoa bóp
  • Đau nhiều hơn khi ngồi nhiều, đi lại, đi tiểu, trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Đau có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày đầu hành kinh. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, cơn đau có thể kéo dài hoặc đau ở những thời điểm không xác định.
Triệu chứng đau lưng khi đến tháng
Triệu chứng đau lưng khi đến tháng thường lan tỏa từ thắt lưng sang hai bên hông khiến các cử động ở lưng ở nên khó khăn

Triệu chứng đi kèm

  • Đau bụng dưới (đau vùng chậu). Mức độ đau lưng và mức độ đau vùng chậu tỉ lệ thuận
  • Buồn nôn và nôn ói
  • Ăn uống khó tiêu, chướng bụng
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Bốc hỏa
  • Đau đầu
  • Choáng váng
  • Dị ứng, nổi mụn trứng cá
  • Thay đổi tâm lý, căng thẳng, dễ xúc động, cáu gắt
  • Thường xuyên lo âu, rối loạn
  • Thay đổi ham muốn tình dục
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Khó ngủ
  • kinh huyệt kéo dài hoặc ra nhiều máu kinh
  • Chảy máu ồ ạt giữa các chu kỳ hành kinh hoặc khi hành kinh
  • Đau nhức toàn thân
  • Khó tập trung

Tùy thuộc vào nguyên nhân, những triệu chứng đi kèm có thể đa dạng hơn.

Phương pháp chẩn đoán đau lưng khi đến tháng

Để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng, người bệnh nên tiến hành thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán. Từ đó áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả.

1. Kiểm tra lâm sàng

  • Khám phụ khoa
  • Kiểm tra vị trí đau, xác định đặc tính và mức độ nghiêm trọng của cơn đau
  • Kiểm tra khả năng cử động ở vùng lưng
  • Kiểm tra đau bụng dưới và các triệu chứng đi kèm
  • Kiểm tra triệu chứng toàn thân
  • Xác định lượng máu kinh và số ngày hành kinh
  • Xác định những yếu tố làm tăng/ giảm mức độ đau lưng
  • Kiểm tra tiền sử mắc bệnh

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau lưng khi đến tháng, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật dưới đây:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ (MRI) được thực hiện với mục đích thu về hình ảnh chi tiết, kiểm tra toàn bộ các cơ quan nội tạng. Đồng thời phân biệt đau lưng khi đến tháng với những tình trạng khác.
  • Siêu âm: Kỹ thuật siêu âm cho phép bác sĩ xác định những bất thường ở những cơ quan thuộc vùng chậu.
  • Nội soi tử cung: Nội soi tử cung tạo hình ảnh chi tiết hơn về tử cung, bên trong tử cung và cổ tử cung. Từ đó xác định nguyên nhân và lập phác đồ điều trị thích hợp. Để nội soi tử cung bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa dụng cụ quan sát (đầu dò) vào ống tử cung qua âm đạo. Kỹ thuật này không được chỉ định cho người chưa quan hệ tình dục.
  • Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng được thực hiện với mục đích xác định khối u ở vùng bụng và vùng chậu. Đối với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào thành bụng và có thấu kính để kiểm tra.

Phương pháp điều trị đau lưng khi đến tháng

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và căn nguyên, tình trạng đau lưng khi đến tháng được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó sử dụng thuốc, phẫu thuật và dùng các liệu pháp giảm đau tại nhà chính là những phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến.

1. Sử dụng thuốc

Dùng nội tiết tố và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là hai loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị đau thắt lưng khi đến tháng.

  • Sử dụng nội tiết tố kiểm soát sinh sản

Sử dụng nội tiết tố kiểm soát sinh sản là phương pháp được chỉ định cho những người bị đau thắt lưng khi tới tháng do đau bụng kinh. Đối với phương pháp này, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc ngừa thai có chứa estrogen và progesterone hoặc chỉ chứa progesterone.

Phương pháp kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố có tác dụng giảm đau bụng kinh, đau thắt lưng khi rụng trứng. Đồng thời làm giảm tần suất xuất hiện của những cơn đau. Ngoài ra phương pháp này còn có tác dụng hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây đau. Điển hình như rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, hội chứng tiền kinh nguyệt, đau bụng kinh, lạc nội mạc tử cung.

Một số tác dụng khác:

    • Điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt
    • Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị rong kinh, cường kinh
    • Giảm mệt mỏi, rối loạn tâm trạng những tình trạng khác trước và trong ngày hành kinh.
Sử dụng nội tiết tố kiểm soát sinh sản
Sử dụng nội tiết tố kiểm soát sinh sản có tác dụng điều kinh, giảm đau bụng kinh và đau thắt lưng khi rụng trứng
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được chỉ định cho những trường hợp bị đau lưng và đau bụng dưới khi rụng trứng do viêm, đau ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nhờ khả năng tác động lên hệ thần kinh trung ương và ức chế các yếu tố gây viêm trong cơ thể, NSAID có tác dụng giảm viêm và giảm đau hiệu quả.

Ibuprofen, Aspirin và Naproxen là những thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được dùng trong điều trị đau bụng dưới và đau lưng trong ngày hành kinh. Tuy nhiên Ibuprofen và Naproxen được dùng phổ biến hơn do hiệu quả của chúng (đối với đau bụng kinh) vượt trội hơn Aspirin.

2. Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS)

Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS) thường được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Đau lưng và đau bụng dưới từ trung bình đến nặng
  • Không có đáp ứng với thuốc điều trị
  • Chống chỉ định với NSAID và thuốc điều chỉnh nội tiết tố.

Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS) là một thủ thuật có tác dụng kích thích cơ thể giải phóng endorphin. Đây chính là chất giảm đau tự nhiên của cơ thể. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách tạo ra cú sốc điện với da thông qua các điện cực.

Để tăng hiệu quả giảm đau, bác sĩ có thể chỉ định đồng thời phương pháp kích thích thần kinh bằng xung điện qua da với biện pháp sử dụng nhiệt và vận động đốt sống cổ. Tùy thuộc vào mức độ đau, các phương pháp có thể được áp dụng từ 3 đến 4 chu kỳ điều trị hàng tháng.

3. Áp dụng liệu pháp bổ sung

Châm cứu và bấm huyệt là hai liệu pháp bổ sung được áp dụng rộng rãi trong điều trị đau lưng khi đến tháng.

  • Bấm huyệt

Đối với liệu pháp bấm huyệt, người bệnh sẽ được tác động lên các huyệt đạo tương ứng để giảm đau bụng dưới, đau lưng và thúc đẩy quá trình điều trị bệnh. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách day ấn kết hợp nắn bóp.

  • Châm cứu

Tương tự như bấm huyệt, châm cứu cũng tác động và kích thích các huyệt đạo để giảm đau và hỗ trợ điều trị bệnh lý nguyên nhân. Đối với liệu pháp này, các huyệt sẽ được tác động bằng cách chèn kim châm vào cơ thể.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định điều trị cho những trường hợp sau:

  • Lạc nội mạc tử cung
  • U xơ tử cung.

Phẫu thuật có tác dụng loại bỏ khối u và các mô tử cung bị lạc. Từ đó điều trị dứt điểm bệnh lý và giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh, kể cả đau lưng khi tới tháng. Đối với những bệnh nhân có tổn thương sẹo lớn, bác sĩ chuyên khoa có thể cân nhắc về việc chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung hoặc cắt một phần gồm cổ tử cung, tử cung và buồng trứng. Điều này giúp hạn chế những rủi ro nghiêm trọng.

Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định điều trị cho những trường hợp đau lưng dưới do lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung

Biện pháp giảm đau tại nhà

Trước khi áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu, người bệnh có thể thử dùng các biện pháp giảm đau tại nhà để cải thiện tình trạng. Biện pháp này phù hợp với những người có cơn đau từ nhẹ đến trung bình; nguyên nhân gây đau không do các bệnh lý nghiêm trọng (lạc nội mạc tử cung, u xơ cổ tử cung).

Những biện pháp giảm đau lưng khi tới tháng thường được áp dụng gồm:

1. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là biện pháp giảm đau bụng kinh và giảm đau lưng khi tới tháng hiệu quả. Bởi khi nghỉ ngơi, các cơ quanh vùng bụng và thắt lưng sẽ được thư giãn. Đồng giảm áp lực dẫn đến giảm đau hiệu quả.

Ngoài ra ngủ hoặc thư giãn trong thời gian nghỉ ngơi như đọc sách, nghe nhạc, tập yoga, ngồi thiền… có thể kích thích cơ thể sản sinh và tổng hợp chất giảm đau tự nhiên – endorphin. Từ đó giúp đẩy lùi cơn đau một cách hiệu quả.

2. Sử dụng nhiệt

Để giảm đau và giảm cảm giác khó chịu ở lưng và vùng bụng dưới, người bệnh nên sử dụng chai thủy tinh chứa nước ấm hoặc túi chườm ấm áp lên khu vực bị đau. Biện pháp này có tác dụng thư giãn các cơ và mạch máu, giúp máu huyết lưu thông. Từ đó giảm cảm giác khó chịu và giảm đau hiệu quả.

Ngoài biện pháp chườm ấm, người bệnh có thể nằm trên một miếng đệm ấm hoặc tắm với nước ấm cũng có tác dụng giảm đau tương tự.

3. Xoa bóp

Xoa bóp là biện pháp thường được áp dụng trong điều trị đau lưng khi tới tháng. Biện pháp này có tác dụng thư giãn các cơ quanh vùng thắt lưng, giúp máu huyết lưu thông, hạn chế huyết ứ, thư giãn và giảm căng thẳng cho vùng lưng đau. Điều này giúp giảm cảm giác khó chịu và giảm đau hiệu quả.

Để xoa bóp giảm đau hiệu quả, người bệnh có thể sử dụng một ít dầu tràm trà hoặc dầu nóng thoa lên vùng lưng đau. Sau đó dùng lực từ bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp để thư giãn và giảm đau.

Xoa bóp
Xoa bóp giúp thư giãn các cơ quanh vùng thắt lưng, giảm đau, máu huyết lưu thông và giảm căng thẳng

4. Uống nhiều nước

Các nghiên cứu cho thấy, việc uống nhiều nước có thể giúp bạn giảm đau bụng kinh và giảm đau lưng khi tới tháng hiệu quả. Bởi việc bổ sung đủ nước cho cơ thể giúp máu huyết lưu thông, kinh nguyệt ra nhiều, chống mệt mỏi, giảm tình trạng căng thẳng và co thắt dẫn đến đau lưng.

Vì thế nữ giới nên uống từ 2 – 3 lít nước/ ngày để cải thiện các cơn đau khi tới tháng, tốt nhất nên dùng nước ấm, hạn chế nước đá lạnh. Ngoài ra bạn có thể dùng thêm 300 – 500ml trà lá mâm xôi đỏ. Loại trà này giúp chống mệt mỏi và giảm đau lưng hiệu quả

5. Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh

Trong những ngày hành kinh, nữ giới cần thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết để nâng cao sức khỏe, chống mệt mỏi và hạn chế đau bụng kinh, đau lưng khi đến tháng.

Theo các chuyên gia, trong những ngày hành kinh, người bệnh nên ăn nhiều thực giảm giàu magie, kali, vitamin và canxi. Đồng thời ăn nhiều rau xanh và trái cây. Nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, thực ăn cay nóng, thực phẩm quá mặn, nhiều muối hoặc chế biến sẵn để tránh làm nặng hơn các triệu chứng.

6. Sử dụng thuốc không kê đơn

Để cải thiện các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt, người bệnh có thể sử dụng kem bôi giảm đau chứa capsaicin (chất chống viêm mạnh) để xoa bóp vùng lưng dưới giúp thư giãn cơ và cải thiện cơn đau. Ngoài ra có thể dùng Aspirin hoặc Ibuprofen dạng viên uống để khắc phục tình trạng.

7. Tập yoga

Những bài tập yoga có thể giúp bạn thư giãn cơ lưng. Từ đó giảm tình trạng co thắt và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra các bài tập yoga còn giúp máu huyết lưu thông, chống mệt mỏi, thư giãn khớp xương, cột sống. Đồng thời nuôi dưỡng cơ thể, tăng tính liên kết giữa các mô và dây chằng. Trong thời gian tập yoga, người bệnh nên kết hợp hít thở sâu để tăng hiệu quả giảm đau.

Tập yoga
Các bài tập yoga có tác dụng giảm tình trạng co thắt cơ và giảm đau lưng khi rụng trứng hiệu quả

Đau lưng khi đến tháng (rụng trứng) xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng thường không quá nghiêm trọng và có thể tự kiểm soát tại nhà. Tuy nhiên ở những trường hợp đau nghiêm trọng ảnh hưởng đến thể trạng và sinh hoạt, đau kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra xác định nguyên nhân gây đau. Đồng thời sử dụng các phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua