Viêm xương chũm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm xương chũm là bệnh lý nhiễm trùng hiếm gặp và có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc mãn tính và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị phù hợp.

viêm xương chũm
Viêm xương chũm là tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có thể gây đe dọa đến tính mạng

Viêm xương chũm là gì?

Viêm xương chũm là một bệnh lý nhiễm trùng xương chũm ở hộp sọ, nằm ở phía sau tai. Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh nhiễm trùng tai không được điều trị. Nhiễm trùng quá lâu ở tai có thể khiến nhiễm trùng lan đến xương chũm. Thông thường các tế bào bên trong xương này chứa đầy không khí và có cấu trúc như tổ ong. Do đó, nhiễm trùng lan đến xương chũm thường rất nghiêm trọng.

Ở xương chũm, có rất nhiều cấu trúc quan trong đi qua. Do đó, nhiễm trùng có thể lan rộng ra khỏi xương chũm và gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.

Viêm xương chũm có thể là cấp tính, thường ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn. Viêm xương chũm mãn tính là tình trạng nhiễm trùng liên tục ở tai giữa và xương chũm, dẫn đến chảy dịch liên tục từ tai.

Viêm xương chũm từng là nhiễm trùng nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, hiện tại viêm xương chũm là bệnh lý nhiễm trùng hiếm gặp và có thể được kiểm soát bằng thuốc kháng sinh.

Hầu hết các trường hợp viêm xương chũm được điều trị bằng kháng sinh, có thể phục hồi nhanh chóng và không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị phù hợp, vi khuẩn có thể lan đến hộp sọ, di chuyển đến máu và các cơ quan, bao gồm cả não. Do đó, điều quan trọng là có kế hoạch điều trị phù hợp và kịp lúc.

Dấu hiệu nhận biết viêm xương chũm

Viêm xương chũm cố thể bắt đầu ngay sau khi các triệu chứng nhiễm trùng tai được cải thiện. Ngoài ra, các dấu hiệu viêm xương tai chũm cũng xuất hiện khi bệnh nhiễm trùng tai trở nên nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán viêm xương chũm khi các triệu chứng nhiễm trùng tai tái phát sau vài tuần. Các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể thường bao gồm:

  • Đau nhói dữ dội bên trong hoặc xung quanh tai;
  • Có mủ hoặc các chất lỏng chảy ra từ tai;
  • Sốt hoặc ớn lạnh;
  • Sưng ở phía sau hoặc phía dưới tai;
  • Đỏ ở phía sau tai;
  • Có mùi hôi phát ra từ tai.;
  • Tai dường như bị đẩy về phía trước;
  • Có vấn đề về thính giác hoặc ù tai;
  • Đau đầu hoặc đau cổ.
viêm tai xương chũm
Đau và đỏ ở phía sau tai là dấu hiệu viêm tai xương chũm phổ biến

Ở trẻ em, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần chú ý một số dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như:

  • Thường xuyên quấy khóc;
  • Thay đổi tâm trạng;
  • Thường xuyên đánh vào một bên của đầu;
  • Kéo tai.

Ở một số người bệnh, tình trạng sưng và viêm ở xương chũm tai có thể xảy ra theo từng đột và thuyên giảm, sau đó trở nên nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần chú ý các triệu chứng nhiễm trùng và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Nếu không được điều trị, viêm xương tai chũm có thể dẫn đến nhiễm trùng bên trong sọ, máu và các cơ quan khác. Nhiễm trùng máu có thể đe dọa đến tính mạnh của người bệnh.

Ngoài ra, nếu người bệnh viêm tai có biểu hiện lú lẫn, sốt cao, gầy yếu, sưng tấy xung quanh đầu, nên đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây viêm xương chũm

Viêm xương chũm thường hình thành nếu bệnh viêm tai giữa không được điều trị phù hợp. Ngoài ra, trong một số trường hợp không phổ biến, bệnh có thể xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào da ở tai giữa, còn được gọi là cholesteatoma.

1. Nhiễm trùng tai giữa

Nhiễm trùng tai giữa, hay còn gọi là viêm tai giữa là tình trạng xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng khu vực phía sau màng nhĩ. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ mặc bệnh ở trẻ em 3 tuổi chiếm khoảng 80% các trường hợp.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tai giữa xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân. Thông thường tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần được điều trị y tế thích hợp nếu cơn đau kéo dài hoặc khi bị sốt.

viêm xương tai chũm
Viêm tai giữa không được điều trị là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến viêm tai xương chũm

Hầu hết các trường hợp, viêm tai giữa thường lành tính và hiếm khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi viêm tai giữa có thể dẫn đến một số rủi ro nghiêm trọng tương tự như viêm tủy xương., Các biến chứng phổ biến chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng lan đến xương chũm và gây viêm xương tai chũm;
  • Nhiễm trùng lan đến khu vực xung quanh não và tủy sống;
  • Mất thính giác vĩnh viễn;
  • Vỡ màng nhĩ.

Viêm tai giữa không được điều trị phù hợp là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến viêm xương chũm. Tuy nhiên sử dụng kháng sinh quá sớm khi điều trị viêm tai giữa cũng có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng lây lan. Ngoài ra, một số người bệnh có thể bị nhiễm trùng thuốc kháng sinh lan rộng, ngay cả khi đang điều trị viêm tai giữa bằng thuốc kháng sinh. Điều này cũng có thể gây viêm xương tai chũm.

Do đó, nếu nghi ngờ hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng tai giữa, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

2. Viêm tai Cholesteatoma

Cholesteatoma là một khối u da bất thường, lành tính, không ung thư, có thể phát triển ở phần giữa của tai, ở phía sau màng nhĩ. Tình trạng này có thể là một dị tật bẩm sinh, nhưng thường phổ biến ở những người bị viêm tai giữa tái phát thường xuyên.

Viêm tai Cholesteatoma thường phát triển như một u nang hoặc túi chứa các lớp da bong ra. Khi các tế bào chết này tích tụ sẽ dẫn đến sự tăng kích thước của khối u. Điều này có thể gây phá hủy các xương ở tai giữa, tủy xương, gây ảnh hưởng đến thính giác, sự cân bằng và chức năng của các cơ mặt.

viêm xương tai chũm
Viêm xương tai chũm đôi khi có thể là do tình trạng viêm tai Cholesteatoma

Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên sự phát triển của các khối u Cholesteatoma có thể dẫn đến viêm tai xương chũm. Cụ thể, sự phát triển của tế bào da này có thể gây tắc nghẽn bên trong tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây viêm xương tai chũm. Cholesteatoma cũng có thể dẫn đến polyp ở tai, dẫn đến tắc nghẽn và tăng nguy cơ viêm xương tai chũm.

Ngoài ra, nếu không được điều trị, khối u Cholesteatoma có thể gây phá hủy các xương xung quanh, gây tổn thương màng nhĩ, các xương trong tai, xương gần não và các dây thần kinh ở gần mặt. Điều này có thể gây mất thính giác vĩnh viễn.

3. Các yếu tố nguy cơ

Viêm xương tai chũm thường phổ biến ở trẻ em hơn người lớn, do trẻ em rất dễ bị viêm tai giữa. Các yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm:

  • Dưới 2 tuổi;
  • Ức chế hệ thống miễn dịch hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch;
  • Sự hình thành không đầy đủ hoặc bất thường của các tế bào khí;
  • Viêm tai giữa tái phát thường xuyên.

Mặc dù viêm xương chũm gây ảnh hưởng đến trẻ em, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến người lớn và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng hoặc nghi ngờ viêm xương tai chũm, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.

Viêm xương tai chũm có nguy hiểm không?

Hiện tại viêm xương tai chũm là tình trạng tương đối hiếm gặp và thường ít khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên việc điều trị viêm xương chũm thường gặp nhiều khó khăn, do xương chũm nằm sâu bên trong tai. Do đó, nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm làm hỏng xương chũm và một số biến chứng khác, chẳng hạn như:

viêm xương chũm cấp tính
Nếu không được điều trị, viêm tai xương chũm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng
  • Hoa mắt hoặc chóng mặt;
  • Buồn nôn và nôn mửa;
  • Thay đổi tầm nhìn hoặc đau đầu, do có cục máu đông trong não;
  • Liệt mặt;
  • Mất thính lực;
  • Viêm màng não, là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ảnh hưởng đến màng bao phủ não và tủy sống;
  • Áp xe ngoài màng cứng, gây tụ mủ ở bên ngoài não hoặc tủy sống;
  • Nhiễm trùng huyết, là tình trang lây lan nhiễm trùng khắp cơ thể.

Mặc  dù có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, nhưng hiện tại tình trạng viêm xương tai chũm có thể được chữa khỏi. Tình trạng thường khó điều trị và có xu hướng tái phát cao, tuy nhiên người  bệnh có thể phòng ngừa nhiễm trùng tái phát bằng cách điều trị viêm tai kịp lúc và đúng cách.

Chẩn đoán viêm xương tai chũm như thế nào?

Nếu người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng tai, bác sĩ có thể đề nghị khám tai và đầu của người bệnh để xác định nhiễm trùng đã lan đến xương chũm hay chưa.

viêm xương chũm mãn tính
Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu bên trong tai để chẩn đoán tình trạng viêm tai

Xương chũm là xương nằm phía trong tai và không thể nhìn thấy được khi bị nhiễm trùng. Do đó, bác sĩ có thể thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán viêm xương tai chũm, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) tai và đầu;
  • Chụp X – quang hộp sọ;
  • Quét MRI tai và đầu;
  • Kiểm tra tế bào bạch cầu để xác định sự hiện diện của nhiễm trùng.

Nếu các xét nghiệm thông thường không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể đề nghị chọc dò thắt lưng hoặc vòi cột sống để hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm này có thể xác định xem nhiễm trùng có ảnh hưởng đến cột sống hay không.

Biện pháp điều trị viêm xương tai chũm

Viêm xương chũm là tình trạng đe dọa đến tính mạng, do đó người bệnh cần có kế hoạch điều trị kịp thời để tránh các rủi ro không mong muốn. Điều trị ban đầu cho các trường hợp nhiễm trùng xương chũm là sử dụng thuốc kháng sinh.  Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị bao gồm:

1. Điều trị y tế

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị bao gồm sử dụng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch và người bệnh cần được nhập viện để điều trị.

điều trị viêm tai xương chũm
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại kháng sinh để cải thiện tình trạng viêm trong tai

Nếu lần điều trị bằng thuốc kháng sinh không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể lấy mẫu vi khuẩn, tiến hành kiểm tra ở phòng thí nghiệm để xác định loại vi khuẩn và chỉ định các loại kháng sinh phù hợp.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ xương chũm. Phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ phần xương chũm bị nhiễm trùng không thể phục hồi.

Nếu nhiễm trùng dẫn đến hình thành một ổ áp xe, là một khối sưng lên của các chất lỏng bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để dẫn lưu áp xe.

2. Điều trị viêm tai giữa

Biện phá điều trị phù hợp và hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng viêm xương chũm là điều trị viêm tai giữa. Điều cần thiết và quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra nếu các triệu chứng nhiễm trùng tai không được cải thiện. Những người có tiền sử viêm tai giữa đôi khi có thể cần tái khám định kỳ để tránh tình trạng tái phát.

Khi được kê đơn thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa, người bệnh nên sử dụng tất cả các loại thuốc, kể cả khi các triệu chứng đã được cải thiện. Sử dụng không đầy đủ một liệu trình thuốc kháng sinh có thể khiến nhiễm trùng dễ tái phát và nghiêm trọng hơn.

Đối với các trường hợp viêm tai giữa tái phát, người bệnh không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Sử dụng kháng sinh là điều cực kỳ quan trọng trong việc phòng ngừa nhiễm trùng.

Người bệnh có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV hoặc AIDS, tiểu đường hoặc thường xuyên sử dụng một số loại thuốc, cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng xương chũm.

Phòng ngừa viêm xương chũm

Viêm xương tai chũm có thể được phòng ngừa bằng cách điều trị tất cả các bệnh lý nhiễm trùng tai. Đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dâu hiệu nhiễm trùng tai, người bệnh có thể được đề nghị sử dụng kháng sinh liên tục trong 7 – 10 ngày.

phác đồ điều trị viêm tai xương chũm
Không hút thuốc lá, đặc biệt là khi ở với trẻ em, để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng tai

Ngoài ra, để giảm nguy cơ viêm xương tai chũm, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:

  • Sử dụng nút tai: Nếu bị nhiễm trùng tai, người bệnh nên đeo nút tai khi tắm hoặc đi bơi. Việc sử dụng nút tai có thể gây khó chịu nhưng có thể ngăn ngừa tình trạng viêm xương chũm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đừng hút thuốc: Các nhà nghiên cứu cho biết, cả hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đều có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng tai, viêm xương chũm và một số bệnh lý viêm khớp khác. Do đó, không hút thuốc và tránh những người hút thuốc lá, đặc biệt là khi có trẻ em.
  • Kiểm soát tình trạng dị ứng: Dị ứng và tình trạng viêm có thể gây tắc nghẽn bên trong ống tai. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bên trong tai và viêm xương chũm.
  • Phòng ngừa cảm lạnh: Cảm lạnh, đặc biệt là ở trẻ em, có thể tăng nguy cơ viêm xương tai chũm. Giảm nguy cơ cảm lạnh ở trẻ em bằng cách không sử dụng chung đồ chơi, thức ăn, đồ uống, thường xuyên rửa tay và giữ ấm cần thiết.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Trẻ sơ sinh nên được nuôi bằng sữa mje trong 6 đến 12 tháng đầu đời. Các kháng thể trong sữa mẹ có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai.
  • Tiêm phòng: Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, bao gồm các chủng cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng trở lên. Cha mẹ có thể trao đổi với bác sĩ về các chủng ngừa viêm phổi, viêm màng não và các loại vắc xin khác để phòng ngừa nhiễm trùng tai và viêm xương chũm.

Viêm xương chũm là tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể được điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp khác nhau. Điều trị sớm và đúng cách có thể ngăn ngừa các tổn thương xương chũm vĩnh viễn. Tuy nhiên ngay cả khi điều trị thành công, nhiễm trùng có thể tái phát, do đó người bệnh viêm xương tai chũm cần được theo dõi thường xuyên để đảm bảo nhiễm trùng không lây lan hoặc tái phát.

Mặc dù viêm xương chũm thường phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên bệnh có thể gây ảnh hưởng đến người lớn. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh nên đến bệnh viện đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm: Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Chẩn đoán và điều trị

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua