Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái và cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là tình trạng viêm và kích ứng các túi chứa chất lỏng quanh khớp ngón chân cái. Tình trạng này khiến ngón cái sưng to kèm theo nóng đỏ, đau nhức, khó cử động. Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn khi vận động hoặc đi lại nhiều, giảm nhẹ khi nghỉ ngơi.

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Thông tin cơ bản về viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là gì?

Bao hoạt dịch là các túi nhỏ chứa đầy chất lỏng nằm quanh khớp. Túi này có nhiệm vụ đệm cho gân, xương và các cơ gần khớp. Đồng thời bảo vệ và giúp các khớp chuyển động trơn tru.

Viêm bao hoạt dịch ngón chân là tình trạng kích ứng hoặc viêm những túi nhỏ chứa chất lỏng nằm quanh ngón chân cái. Tình trạng này xảy ra khi ổ khớp chịu nhiều áp lực từ trọng lượng, các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc có yếu tố gây chấn thương.

Tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái khiến ngón chân sưng đỏ, khớp cứng, khó cử động. Ngoài ra người bệnh còn có cảm giác đau nhức nghiêm trọng, đau nhiều hơn khi thực hiện những động tác liên quan đến chân.

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái chủ yếu xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Chuyển động lặp đi lặp lại

Việc lạm dụng khớp hoặc lặp đi lặp lại những chuyển động liên quan đến ngón chân cái có thể khiến các bao hoạt dịch chịu nhiều áp lực, tăng độ nhạy cảm và dễ tổn thương. Trường hợp này thường xảy ra ở những người có công việc buộc phải ngồi nhiều, chạy/ đi lại nhiều hoặc đứng nhiều.

  • Chấn thương

Nếu có lực mạnh tác động lên ngón chân cái, người bệnh có thể bị chấn thương và viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Viêm bao hoạt dịch do chấn thương khiến người bệnh đột ngột đau nhức, khó giữ thăng bằng kèm theo vết bầm lan tỏa. Tuy nhiên các triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau vài ngày hoặc sau khi sử dụng thuốc.

  • Nhiễm trùng

Nhiễm trùng do vi khuẩn làm phát sinh bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Nguyên nhân là do vi khuẩn có khả năng tấn công vào bao hoạt dịch và tạo ra các phản ứng viêm.

  • Bệnh lý

Một số tình trạng sức khỏe và bệnh lý xương khớp có thể kích thích phản ứng viêm và gây tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái. Những bệnh lý thường gặp gồm:

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có thể khởi phát do bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường…

Yếu tố rủi ro viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ tổn thương và viêm bao hoạt dịch ngón chân cái:

  • Thừa cân béo phì: Bàn chân là bộ phận chịu nhiều áp lực từ trọng lượng. Khi thừa cân béo phì, trọng lượng sẽ làm tăng áp lực lên ổ khớp và bao hoạt dịch. Từ đó gây ra những tổn thương và tăng nguy cơ thoái hóa.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Nguy cơ mắc bệnh thường tăng cao ở những người có công việc buộc phải đứng lâu, ngồi nhiều, chạy, đi lại thường xuyên hoặc lặp đi lại lặp những động tác liên quan đến mũi bàn chân như đạp chân thắng…
  • Đi giày cao gót: Đi giày cao gót làm tăng áp lực lên mũi bàn chân dẫn đến kích thích và tạo phản ứng viêm.
  • Độ tuổi: Nguy cơ viêm bao hoạt dịch ngón chân cái tăng cao ở những người lớn tuổi. Nguyên nhân là do quá trình thoái hóa làm giảm độ bền và chức năng bao hoạt dịch, khiến chúng nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
  • Vận động viên: Vận động viên là nhóm đối tượng có nguy cơ tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái cao hơn so với thông thường.

Triệu chứng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái thường gây ra những triệu chứng sau:

  • Sưng kèm theo bầm tím hoặc đỏ ửng ở ngón chân cái
  • Đau nhức. Đau như điện giật khi ấn vào vị trí tổn thương
  • Đau nhiều hơn khi chạy, đi lại, mang giày cao gót hoặc thực hiện những động tác liên quan đến bàn chân và ngón chân cái
  • Đau giảm đáng kể khi nghỉ ngơi và dừng các hoạt động liên quan đến bàn chân
  • Sờ thấy nóng ở khu vực tổn thương
  • Cứng khớp
  • Khó đi lại và cử động ngón chân cái
  • Khó giữ thăng bằng

Một số triệu chứng viêm do nhiễm trùng:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Suy nhược
  • Đau đầu
  • Chóng mặt…
Sưng kèm theo bầm tím hoặc đỏ ửng ở ngón chân cái
Tổn thương bao hoạt dịch dẫn đến cứng khớp, đau nhức, sưng to kèm theo bầm tím hoặc đỏ ửng ở ngón chân cái

Mức độ nguy hiểm của viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Hầu hết các trường hợp viêm bao hoạt dịch ngón chân cái đều có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa và không phát sinh biến chứng. Tuy nhiên trường hợp nặng, không điều trị kịp thời hoặc đúng cách có thể làm phát sinh những vấn đề sau:

  • Mất khả năng vận động
  • Yếu và teo cơ do không vận động trong thời gian dài
  • Hư khớp không phục hồi
  • Rối loạn cảm giác

Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái thường được chẩn đoán dựa trên bệnh sử và kết quả khám thực thể. Ngoài ra một số thử nghiệm sẽ được chỉ định để tìm kiếm nguyên nhân, đánh giá tổn thương và lập phác đồ điều trị.

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang không phải là kỹ thuật chẩn đoán chuyên biệt cho bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể giúp loại trừ các yếu tố gây đau như gãy xương, gai xương, thoái hóa khớp…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cho phép bác sĩ kiểm tra tổn thương mô mềm (bao gồm cả bao hoạt dịch) và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm có thể cho thấy sự tích tụ chất lỏng và dày lên của những bao hoạt dịch viêm.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính giúp tìm kiếm các nguyên nhân tiềm ẩn và lập phác đồ điều trị thích hợp. Ngoài ra kỹ thuật này còn được chỉ định khi có nghi ngờ đau ngón chân cái do các bệnh lý nguy hiểm.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được dùng để kiểm tra các yếu tố dạng thấp, tiểu đường và nhiễm trùng.
  • Kiểm tra dịch khớp: Để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch ngón chân cái do nhiễm trùng, bác sĩ có thể chọc hút dịch khớp và kiểm tra mẫu thử.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt viêm bao hoạt dịch ngón chân cái với các bệnh lý sau:

  • Bệnh gout
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Trật khớp
  • Chấn thương phần mềm
  • Viêm dây thần kinh
  • U sụn…

Điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Thông thường bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng thuốc kết hợp chăm sóc để điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Hầu hết các trường hợp đều có đáp ứng tốt. Một số ít trường hợp cần phẫu thuật để kiểm điều trị tổn thương.

1. Điều trị bảo tồn

Những phương pháp điều trị bảo tồn thường được áp dụng gồm:

+ Sử dụng thuốc

Người bệnh thường được hướng dẫn sử dụng thuốc để giảm đau, giảm viêm và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Các loại thuốc thường được sử dụng:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Đối với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dùng Paracetamol hoặc Tylenol để cải thiện tình trạng. Việc dùng những loại thuốc này có thể giúp người bệnh giảm đau, hạ sốt và giảm viêm trong thời gian ngắn.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu viêm nhẹ đến trung bình, người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm không steroid để cải thiện tình trạng. NSAID có tác dụng giảm viêm, đau và hạ sốt không đặc hiệu, phù hợp với những người không có đáp ứng với Paracetamol.
  • Corticosteroid: Corticosteroid có tác dụng giảm sưng, đau và viêm từ trung bình đến nặng. Thuốc này được chỉ định khi bệnh nhân không có đáp ứng với Paracetamol và NSAID, không bị nhiễm trùng. Thông thường Corticosteroid được dùng bằng đường miệng. Tuy nhiên nếu không đạt hiệu quả, Corticosteroid dạng tiêm có thể được chỉ định.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng cho trường hợp viêm bao hoạt dịch ngón chân cái do nhiễm trùng. Thuốc này có tác dụng điều trị căn nguyên, không có khả năng cải thiện triệu chứng.
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng với mục đích giảm đau, giảm viêm, chữa tổn thương và cải thiện các triệu chứng đi kèm

+ Vật lý trị liệu

Người bệnh thường được hướng dẫn vật lý trị liệu trong thời gian điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Biện pháp này có tác dụng duy trì khả năng vận động và độ linh hoạt của các khớp. Đồng thời tăng cường sức cơ, cải thiện lưu lượng máu, tăng khả năng chữa lành tổn thương cho khớp và mô mềm.

Ngoài ra vật lý trị liệu theo hướng dẫn còn giúp người bệnh giảm đau, giảm viêm sưng, tăng độ bền, chống thoái hóa khớp sớm và cải thiện khả năng vận động. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được thiết lập một chương trình vật lý trị liệu phù hợp.

+ Biện pháp chăm sóc tại nhà

Một số biện pháp chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, sử dụng nhiệt, duy trì hoạt động thể chất… có thể giúp người bệnh cải thiện tốt các triệu chứng. Ngoài ra những biện pháp này còn giúp người bệnh duy trì khả năng vận động và hỗ trợ điều trị căn nguyên.

  • Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi và hạn chế vận động khớp là biện pháp giảm đau hiệu quả. Biện pháp này có tác dụng thư giãn khớp xương, giảm áp lực lên bao hoạt dịch. Từ đó xoa dịu tình trạng đau nhức, giảm tăng tiết dịch khớp và giảm viêm sưng.

Tuy nhiên để phòng ngừa cứng khớp, người bệnh không nên duy trì trạng thái bất động trong thời gian dài. Bệnh nhân được khuyên nghỉ ngơi kết hợp xoa bóp và đi lại nhẹ nhàng để cải thiện các triệu chứng.

  • Cố định khớp

Trong thời gian đầu điều trị, người bệnh có thể sử dụng nẹp hoặc băng thun cố định khớp viêm. Biện pháp này có tác dụng hạn chế tổn thương tiến triển, xoa dịu các triệu chứng viêm và giảm đau.

  • Nâng cao chân

Người bệnh nên nâng cao chân khi ngồi hoặc nằm để giảm đau và hạn chế tình trạng sưng đỏ khớp.

  • Đi giày dép thoải mái

Để phòng ngừa và điều trị tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái, người bệnh cần tránh đi giày cao gót hoặc giày dép quá chật. Tốt nhất nên đi giày dép vừa vặn, đế thấp để tạo cảm giác thoải mái, dễ di chuyển, hạn chế ngón chân cái bị chèn ép dẫn đến đau nhức.

  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Trong thời gian điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, người bệnh cần tránh vận động mạnh, đi lại nhiều hoặc chạy. Bởi điều này sẽ làm tăng mức độ đau nhức và ảnh hưởng đến quá trình điều trị viêm.

Tuy nhiên người bệnh có thể đi lại quanh nhà hoặc thực hiện những bài tập có cường độ nhẹ (đạp xe, yoga, tập dưỡng sinh, bơi lội…) để tăng hiệu quả điều trị, duy trì chức năng vận động và sự linh hoạt cho các khớp xương.

Thực hiện những bài tập có cường độ nhẹ
Thực hiện những bài tập có cường độ nhẹ để duy trì chức năng vận động và sự linh hoạt cho các khớp xương
  • Chườm lạnh

Chườm lạnh mang đến hiệu quả giảm sưng, viêm và giảm đau cao cho người bị tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái. Biện pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng túi đá lạnh đặt bàn chân và các ngón chân bị tổn thương.

Người bệnh áp dụng biện pháp chườm lạnh từ 10 – 15 phút/ lần, 3 lần/ ngày để sớm khắc phục các triệu chứng.

  • Chườm nóng

Chườm nóng phù hợp với những người bị tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái do bệnh lý hoặc do các chuyển động lặp đi lặp lại. Biện pháp này có tác dụng giảm đau, viêm, kích thích lưu thông máu và tăng khả năng chữa lành tổn thương. Ngoài ra biện pháp chườm ấm còn có tác dụng thư giãn dây thần kinh, khớp xương và mô mềm. Đồng thời giảm căng cơ và tăng khả năng vận động cho người bệnh.

Để chườm nóng, người bệnh có thể dùng khăn ấm, túi chườm hoặc chai thủy tinh chứa nước ấm áp lên ngón chân cái và bàn chân. Giữ nguyên trong 15 phút. Lặp lại 3 lần mỗi ngày.

  • Xoa bóp ngón và bàn chân

Để giảm đau, người bệnh có thể nhẹ nhàng xoa bóp ngón chân cái và bàn chân. Biện pháp này giúp thư giãn mạch máu, khớp xương và mô mềm, cải thiện lưu thông máu, giảm đau và hỗ trợ kiểm soát tăng tiết dịch khớp. Ngoài ra biện pháp xoa bóp còn có tác dụng giảm căng cơ, cải thiện sự linh hoạt và khả năng vận động cho người bệnh.

Một số lưu ý khi xoa bóp:

    • Sử dụng tinh dầu bạc hà hoặc tinh dầu gừng trước khi xoa bóp để tăng hiệu quả giảm đau.
    • Chỉ nên xoa và bóp nhẹ nhàng. Không thực hiện các động tác day ấn mạnh để tránh gây đau nhức.
    • Không nên xoa bóp khi chân có biểu hiện sưng và đau nghiêm trọng.
Xoa bóp ngón và bàn chân
Xoa bóp ngón và bàn chân giúp thư giãn, cải thiện lưu thông máu, giảm đau và hỗ trợ kiểm soát tăng tiết dịch khớp

2. Can thiệp ngoại khoa

Tùy thuộc vào mức độ viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, người bệnh có thể được chọc hút dịch khớp hoặc phẫu thuật điều trị.

+ Chọc hút dịch khớp

Chọc hút dịch khớp được chỉ định khi ngón chân cái bị viêm và sưng to do dịch khớp tích tụ. Phương pháp này có tác dụng dẫn lưu chất lỏng qua kim tiêm. Từ đó loại bỏ lượng dịch khớp dư thừa, giảm sưng, hạn chế phản ứng viêm và hỗ trợ cải thiện triệu chứng.

Tuy nhiên người bệnh không nên chọc hút quá nhiều. Vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lan rộng và tổn thương phần mềm ở vùng chọc. Do đó nếu bệnh không thuyên giảm trong vòng 12 tuần điều trị, bệnh nhân nên xem xét phẫu thuật mở hoặc nội soi khớp để giảm áp lực lên túi hoạt dịch và chữa lành tổn thương.

+ Phẫu thuật

Ít khi phẫu thuật được chỉ định trong điều trị tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái. Thông thường, phương pháp này chỉ được cân nhắc khi thất bại trong điều trị nội khoa, chọc hút dịch khớp hoặc có tổn thương khớp nghiêm trọng, không thể phục hồi.

Có phương pháp phẫu thuật chính gồm:

  • Phẫu thuật nội soi khớp loại bỏ tổn thương
  • Phẫu thuật thay thế một phần ổ khớp
  • Phẫu thuật thay thế hoàn toàn ổ khớp

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ xem xét và tư vấn điều trị cho bệnh nhân với các phương pháp phù hợp. Tuy nhiên phẫu thuật có thể gây rủi ro (nhiễm trùng, xuất hiện cục máu đông, xuất huyết…). Vì thế người bệnh cần cân nhắc trước khi phẫu thuật và chăm sóc đúng cách để đảm bảo an toàn.

Phẫu thuật
Phẫu thuật khi thất bại trong điều trị nội khoa, chọc hút dịch khớp lâu ngày hoặc có tổn thương khớp nghiêm trọng

Biện pháp phòng ngừa viêm bao hoạt dịch ngón chân cái

Tương tự như viêm bao hoạt dịch khớp háng, người bệnh có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống đủ chất để giảm nguy cơ viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Cụ thể:

  • Hạn chế mang giày cao gót hoặc giày dép chật, không vừa vặn.
  • Hạn chế thực hiện những động tác tạo áp lực và gây tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái.
  • Thận trọng trong sinh hoạt và chơi thể thao để hạn chế chấn thương khớp và mô mềm.
  • Nên khởi động nhẹ nhàng bằng các bài tập giãn cơ đơn giản trước khi luyện tập hoặc chơi thể thao. Hoạt động này giúp làm nóng bao hoạt dịch, tăng lưu thông máu, cải thiện tính linh hoạt và hạn chế tổn thương
  • Không nên lặp đi lặp lại một vài chuyển động làm ảnh hưởng đến ngón chân.
  • Kiểm soát các bệnh lý làm tăng nguy cơ tổn thương bao hoạt dịch ngón chân cái. Điển hình như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp…
  • Thường xuyên xoa bóp, chườm ấm và thực hiện những chuyển động ở khớp ngón chân. Tránh đứng lâu, ngồi nhiều hoặc lười vận động.
  • Không nên luyện tập và lao động gắng sức. Nên cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi và làm việc.
  • Thăm khám định kỳ để sớm phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn làm tăng nguy cơ tổn thương bao hoạt dịch khớp ngón cái.
  • Đảm bảo ăn uống đều độ và đủ chất để nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng cường độ bền, chức năng xương khớp và mô mềm bao quanh. Từ đó phòng ngừa viêm và tổn thương bao hoạt dịch hiệu quả.

Phần lớn viêm bao hoạt dịch ngón chân cái không có biến chứng, bệnh nhân có đáp ứng tốt với các phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên việc không sớm điều trị có thể khiến bệnh trở nặng, cần chọc hút dịch khớp và phẫu thuật để hạn chế rủi ro. Vì thế, nếu nhận thấy bất thường, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua