Bệnh u xương dạng xương: Cách chẩn đoán, điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Bệnh u xương dạng xương là một dạng tổn thương xương lành tính, thường phổ biến ở chân. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến người dưới 25 tuổi và hiếm khi ảnh hưởng đến người trên 50 tuổi.

U xương dạng xương
U xương dạng xương là khối u lành tính phổ biến ở người dưới 25 tuổi

U xương dạng xương là gì?

U xương dạng xương (Osteoid osteoma) là tình trạng phát triển một khối u bất thường ở xương. U xương là các khối u nhỏ (nidus) bao quanh một khu vực xơ cứng có kích thước khoảng 1.5 – 2 cm, thường lành tính và hiếm khi phát triển thành ác tính.

Khối u này thường phát triển ở xương ống chân (xương chày) và xương đùi (chiếm khoảng 80 – 90 % các trường hợp) hoặc cột sống (chiếm khoảng 7 – 20%). Ngoài ra tình trạng này thường hiếm gặp ở các khớp và xương sọ.

U xương dạng xương chiếm khoảng 10% các trường hợp khối u lành tính và chiếm khoảng 5% tất cả trường hợp u xương nguyên phát. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em trên 4 tuổi, thanh thiếu niên và những người dưới 25 tuổi.. Tình trạng này phổ biến ở bé trai hơn bé gái, với các triệu chứng chứng là đau đớn dữ dội vào ban đêm. Cơn đau có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn.

Thông thương u xương dạng xương có thể tự biến mất trong vài năm. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ khối u xương. Mặc dù khối u xương này không nguy hiểm, tuy nhiên người bệnh cần đến gặp bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng khác.

Dấu hiệu nhận biết u xương dạng xương

Triệu chứng chính của u xương dạng xương là đau xương, tuy nhiên cơn đau thường chỉ ảnh hưởng đến khu vực có khối u xương. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm và có thể gây rối loạn giấc ngủ của người bệnh.

Nếu khối u ảnh hưởng đến chân, người bệnh có thể bị yếu chân và dẫn đến dáng đi khập khiễng. Nếu u xương phát triển ở cột sống, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran hoặc có cảm giác như điện giật. Ngoài ra, người bệnh cũng có nguy cơ gãy xương cao hơn.

Nguyên nhân gây u xương dạng xương

Hiện tại chưa xác định được nguyên nhân gây u xương dạng xương, tuy nhiên di truyền được cho là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây dạng u xương này bao gồm nhiễm virus, nhiễm trùng hoặc liên quan đến hệ thống miễn dịch.

Chẩn đoán u xương dạng xương

1. Chẩn đoán lâm sàng

Đau: Biểu hiện chính của bệnh là đau đớn. Cơn đau có thể liên tục, dữ dội và nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau tại vị trí khối u. Khoảng 95% người bệnh bị đau đớn nghiêm trọng vào ban đêm và được cải thiện vào buổi sáng hoặc sau khi sử dụng thuốc giảm đau. Đôi khi cơn đau có thể khiến người bệnh thức dậy vào ban đêm (chiếm 29% các trường hợp). Ngoài ra, đau do u xương dạng xương có thể ảnh hưởng đến dáng đi của người bệnh.

Cơn đau có thể kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm.

U xương ở trẻ sơ sinh
Đau đớn là dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng u xương

Biểu hiện tại vị trí khối u: Một số trường hợp, người bệnh có thể bị sưng, tăng nhiệt độ, tăng tiết mồ hôi và đau đớn khi chạm vào.

Triệu chứng tại các vị trí khối u khác nhau: U xương tại cột sống có thể gây vẹo cột sống, đau lưng, đau cổ hoặc đau lan đến các chi dưới tương tự như tình trạng thoát vị đĩa đệm. Tại bàn tay, có thể dẫn đến các biểu hiện như viêm khớp, ngón tay dùi trống (clubbing) hoặc bệnh bàn tay bất thường (macrodactyly).

2. Cận lâm sàng

– Chẩn đoán hình ảnh:

Chụp X – quang:

Thông qua hình ảnh X – quang, u xương dạng dạng là một khối xơ cứng bao quanh một ổ sáng  (lucent nidus). Chẩn đoán bệnh thông qua bốn đặc điểm như sau:

  • Tổn thương hình ảnh rõ nét có đường tròn hoặc hình oval
  • Đường kính thường nhỏ hơn 2 cm
  • Vùng trung tâm dày đặc đồng nhất
  • Xuất hiện vùng thấu quang có chu vi khoảng 1 – 2 mm

Kết quả xét nghiệm X – quang thường có giá trị chẩn đoán thấp và chỉ có thể phát hiện u xương dạng xương trong giai đoạn muộn.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):

U xương dạng xương là khối u hình khuyên, có đường vòng bao quanh với các tín hiệu giảm so với tín hiệu của các khối u ác tính. Chụp cắt lớp vi tính có thể xác định chính xác vị trí của khối u trong các trường hợp như:

  • Khối u ngoài khớp, chính xác 90%
  • Khối u ở vị trí cổ xương đùi hoặc cột sống, chính xác khoảng 66%

Chụp cắt lớp vi tính có cản quang: U xương dạng xương cho thấy giai đoạn động mạch tăng nhanh và thoát ra nhanh dưới sự tác động của thuốc cản quang tại ổ bệnh.

Chụp cộng hưởng từ (MRI):

Chỉ định cho các trường hợp chưa xác định tình trạng bệnh.

Chụp đồng vị phóng xạ:

Xét nghiệm có thể xác định ổ nidus có kích thước dưới 2 mm.

Chụp động mạch (Arteriography): Trong trường hợp xơ cứng hóa xương nghiêm trọng đến mức không thể phát hiện thông qua các xét nghiệm khác, tiến hành chụp động mạch để xác định ba pha của u xương dạng xương.

– Chẩn đoán mô bệnh học:

U xương dạng xương là tổn thương màu đỏ nâu tại vỏ xương hoặc tủy xương. Ổ (nidus) được bao quanh bởi xương bị xơ cứng và các tế bào tạo xương bị dày đặc, có hạt (gritty), các tế bào hủy xương xuất hiện.

3. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán lâm sàng: Cần phân biệt với tình trạng viêm tủy xương (osteomyelitis), u hạt tăng bạch cầu ái toan (eosinophilic granulomas), áp xe Brodie (Brodieabscesses) và các dạng khối u hoặc u nang lành tính khác.

Phim X – quang: Cần phân biệt với tình trạng gãy xương do đè nén, viêm xương tủy xơ cứng Garré, áp xe khớp, viêm xương sụn tách rời, viêm khớp, hoại tử vô khuẩn và tình trạng u xương ác tính (osteosarcoma).

Xét nghiệm chụp CT: Cần chẩn đoán phân biệt với các tổn thương xơ cứng khác, chẳng hạn như u nguyên bào xương (osteoblasma), viêm khớp, viêm tủy xương (osteomyelitis) và đảo xương (enostosis).

Về xét nghiệm mô bệnh học: Cần chẩn đoán phân biệt với các tình trạng tương tự như:

  • U xương ác tính (osteosarcoma): U xương ác tính có nhiều tế bào hơn u xương dạng xương và nhiều tế bào không phân hóa.
  • U nguyên bào xương lành tính (osteoblastoma): Đây là các dạng tổn thương các bè xương dày, xếp sát nhau kết hợp với số lượng mạch máu và tế bào tăng lên.
  • Đảo xương (enostosis): Đảo xương là tình trạng hình thành những bè xương bị dày hóa, xếp sát với hệ đệm mô liên kết bình thường.

Điều trị u xương dạng xương

U xương dạng xương là một khối u lành tính, không phải ung thư, không lây lan sang các vùng khác của cơ thể và thường không tăng về mặt kích thước. Trong một số trường hợp, khối u này tự lành. Do đó khối u xương đôi khi không cần điều trị.

Điều trị khối u xương này theo nguyên tắc hướng dẫn của Bộ Y tế như sau:

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trong thời gian dài.
  • Điều trị ngoại khoa: Xác định chính xác vị trí khối u là yếu tố cần thiết và quan trong để đảm bảo phẫu thuật thành công. Lựa chọn phẫu thuật đơn giản, chính xác, hiệu quả và chi phí thấp nhất.

2. Biện pháp điều trị cụ thể

Điều trị nội khoa:

Sử dụng thuốc giảm đau:

  • Aspirin 650 – 3250 mg / ngày
  • Hoặc Paracetamol 1 – 2 gam / ngày

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs):

  • Etoricoxib: 30 – 60 mg / ngày
  • Diclofenac 50 – 100 mg / ngày
  • Celecoxib 200 mg / ngày
  • Meloxicam 7.5 – 15 mg / ngày
điều trị u xương dạng xương
Điều trị u xương dạng xương đáp ứng tốt với thuốc giảm đau và chống viêm

Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật):

Chỉ định phẫu thuật ở những bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp nội khoa, hạn chế vận động nhiều hoặc không thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid lâu dài.

  • Phẫu thuật mở: Phương pháp này cắt bỏ hoàn toàn khối u, giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát.
  • Phẫu thuật ít xâm lấn: Phương pháp này sử dụng nội soi có sự hỗ trợ của video, kính hiển vi hoặc phá hủy khối u bằng sóng cao tần thực hiện thông qua da.
  • Phẫu thuật dưới da với sự hỗ trợ của chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Sử dụng CT Scan để định vị vị trí chính xác của ổ bệnh, dùng dây Kirschner đưa vào da và khoan qua lớp vỏ xương để vào ổ nidus. Sau khi vào được nidus, sử dụng kim sinh thiết đưa qua dây và loại bỏ hoàn toàn khối u xương. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật là 83 – 100%.
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u với sự kết hợp của chất đồng vị phóng xạ: Bệnh nhân cần được chụp xạ hình xương (bone scintigraphy) để xác định ổ nidus chính xác tới 2 mm. Phương pháp này có thể giúp bác sĩ theo dõi quá trình cắt bỏ khối u và ít ảnh hưởng đến quá trình xương lành.
  • Phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của máy tính: Là phẫu thuật tổng hợp các kỹ thuật hình ảnh và thiết bị theo dõi ba chiều nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt là đối với các khối u nhỏ nằm sâu bên trong xương.

Tiên lượng cho u xương dạng xương

Ở một số bệnh nhân u xương dạng xương có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Đối với bệnh nhân điều trị nội khoa:

Điều trị nội khoa có thể hỗ trợ giảm đau hiệu quả trong một thời gian dài và đáp ứng tích cực với hơn 90% người bệnh. Tuy nhiên một số bệnh nhân có thể không đáp ứng phương pháp điều trị nội khoa hoặc không thể sử dụng NSAIDs kéo dài.

Cân thực hiện xét nghiệm về huyết học và sinh hóa trong quá trình điều trị. Nên chụp X – quang sau mỗi 3 – 6 tháng để xác định hiệu quả điều trị và đánh giá sự hình thành xương xung quanh các ổ nidus.

Đối với người bệnh điều trị ngoại khoa:

Điều trị ngoại khoa có thể làm giảm các triệu chứng đau sau trong vài ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu tái phát trong một năm sau khi phẫu thuật.

Có thể bạn muốn biết: Vật lý trị liệu là gì? Khi nào cần thực hiện?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua