Thiếu Xương Là Gì? Cách Nhận Biết, Phân Biệt, Điều Trị

Theo dõi IHR trên goole news

Thiếu xương là tình trạng suy giảm khối lượng xương nhưng chưa phải loãng xương. Đây là một yếu tố hình thành bệnh, cần được ngăn ngừa để giảm nguy cơ loãng xương. Thông thường bệnh nhân được hướng dẫn thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện.

Thiếu xương
Tìm hiểu thiếu xương là gì, nguyên nhân, cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị hiệu quả

Thiếu xương là gì?

Thiếu xương (thiếu chất xương, giảm độ đặc của xương) là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng khối lượng xương bị suy giảm và thấp hơn so với bình thường. Sự giảm sút này không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nó là một yếu tố làm khởi phát bệnh loãng xương trong tương lai.

Thông thường, người bệnh được đo loãng xương (đo mật độ khoáng chất của xương) để chẩn đoán thiếu xương và phân biệt tình trạng này với loãng xương. Thiếu xương thường gặp ở người trên 50 tuổi, đặc biệt là người có chế độ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên hút thuốc lá.

Dấu hiệu nhận biết thiếu xương

Thiếu xương thường không có triệu chứng. Một số trường hợp bị đau nhức xương khớp, đau lưng nhưng chỉ thỉnh thoảng và thoáng qua. Chính vì thế, bệnh nhân được kiểm tra mật độ xương để xác định bệnh.

So với mật độ xương trung bình ở người trưởng thành, bệnh nhân bị thiếu xương có mật độ xương nằm trong khoảng 1 đến 2 độ dưới độ lệch chuẩn (khi đo loãng xương).

Phân biệt thiếu xương và loãng xương

Loãng xương là một tình trạng rối loạn của xương, trong đó sự thiếu hụt canxi, magie, vitamin D cùng những khoáng chất khác gây suy giảm khối lượng xương trầm trọng. Điều này khiến bệnh nhân có nguy cơ gãy xương cao, giảm chiều cao bất thường, khởi phát các dị tật (gù lưng, vẹo cột sống), đau nhức xương khớp thường xuyên.

Tương tự, thiếu xương là tình trạng suy giảm khối lượng xương so với mức trung bình. Tuy nhiên tình trạng này không được đánh giá là quá nghiêm trọng. Đồng thời nó là yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương.

Suy giảm khối lượng xương do thiếu xương không quá nghiêm trọng
Suy giảm khối lượng xương do thiếu xương không quá nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến loãng xương

Thiếu xương không có triệu chứng lâm sàng, thường được phát hiện tình cờ khi thăm khám một bệnh lý khác hoặc kiểm tra mật độ xương ở người cao tuổi. Trong khi đó loãng xương gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân đau nhức, biến dạng cột sống, gãy xương ngay cả khi va chạm rất nhẹ.

Để chẩn đoán xác định thiếu xương và loãng xương, bệnh nhân được đo mật độ loãng xương. Từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng.

Nguyên nhân gây thiếu xương

Dưới đây là những nguyên nhân có thể làm khởi phát tình trạng thiếu xương ở người lớn:

  • Chế độ ăn uống thiếu chất: Mật độ xương suy giảm khi không bổ sung đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống và sinh hoạt (tắm nắng). Lâu ngày làm phát triển tình trạng thiếu xương và tăng nguy cơ loãng xương. Tình trạng này cũng khởi phát ở những người có các rối loạn dẫn đến chán ăn, kém hấp thu chất dinh dưỡng.
  • Thói quen sinh hoạt xấu: Uống quá nhiều rượu bia hoặc thức uống có ga, hút thuốc lá và lười vận động là nguyên nhân gây thiếu xương. Bởi những điều này có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, tăng thải trừ canxi và các khoáng chất khác trong xương.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm mật độ xương khi sử dụng lâu dài. Cụ thể:
    • Các steroid như Corticoid, Prednisone, Hydrocortisone
    • Thuốc chống động kinh như Phenytoin, Gabapentin, Carbamazepine
  • Xạ trị: Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư. Xạ trị có khả năng thu nhỏ kích thước của khối u ác tính, tăng khả năng cắt bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư. Tuy nhiên thường xuyên tiếp xúc với tia xạ có thể là giảm mật độ xương.
  • Bệnh celiac: Nếu không được điều trị, bệnh celiac có thể làm giảm khả năng hấp thu khoáng chất của ruột non, xương không nhận đủ lượng canxi cần thiết dẫn đến suy yếu.
  • Bệnh cường giáp: Thiếu xương có thể xảy ra do bệnh cường giáp. Bệnh lý xảy ra khi hormone tuyến giáp được sản xuất quá mức.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ thiếu xương và xương yếu:

  • Trên 50 tuổi.
  • Phụ nữ có nguy cơ thiếu xương và loãng xương cao hơn so với nam giới. Đặc biệt là phụ nữ mãn kinh hoặc có tiền sử cắt bỏ buồng trứng. Bởi so với nam giới, phụ nữ có khối lượng xương thấp hơn, trải qua sự mất mát khối lượng xương khi sinh nở và mãn kinh.
  • Uống nhiều rượu và caffein, hít khói thuốc lá.
  • Chế độ ăn uống không đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
  • Tiền sử gia đình bị loãng xương hoặc có khối lượng xương thấp.
  • Bệnh tiểu đường, hội chứng Cushing, bệnh cường cận giáp.
  • Dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch.
Nguy cơ thiếu xương tăng cao ở bệnh nhân bị tiểu đường
Nguy cơ thiếu xương tăng cao ở bệnh nhân bị tiểu đường, hội chứng Cushing, bệnh cường cận giáp

Thiếu xương có nguy hiểm không?

Thiếu xương không phải là tình trạng nguy hiểm, thường được kiểm soát tốt bằng chế độ ăn uống giàu canxi và sinh hoạt khoa học. Tuy nhiên những trường hợp không điều trị có thể khởi phát bệnh loãng xương. Điều này khiến xương khớp suy yếu, tăng nguy cơ gãy xương và dị dạng ở cột sống.

Chính vì thế bệnh nhân bị thiếu xương cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ và điều trị theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.

Chẩn đoán thiếu xương như thế nào?

Thiếu xương không được chẩn đoán bằng những biểu hiện lâm sàng. Thông thường người bệnh được kiểm tra bệnh sử, chế độ ăn uống và lối sống trước khi chỉ định các xét nghiệm.

Sau quá trình thăm khám, bệnh nhân được do tình trạng thiếu xương thông qua những thiết bị dưới đây:

  • Máy đo DXA scan: Đo độ loãng xương ở cột sống và khớp háng bằng máy đo DXA scan.
  • Máy đo DEXA scan (thiết bị đo trung tâm): Khi dùng máy đo DEXA scan, bệnh nhân áp dụng cách hấp thụ tia bức xạ để đo mật độ xương.
  • Thiết bị đo ngoại vi: Khi sử dụng thiết bị đo ngoại vi, bệnh nhân được đo mật độ xương và khoáng chất trong xương ở xương gót. Chỉ định này giúp kiểm tra nguy cơ thiếu xương. Đồng thời đánh giá khả năng gãy cột sống và gãy cổ xương đùi.

Kết quả đo mật độ xương ở người bệnh được so sánh với mật độ xương trung bình của người 30 tuổi cùng giới tính và cùng chủng tộc. Từ đó đánh giá sự chênh lệch, xác định mật độ xương của bạn có tốt hay không.

Kết quả kiểm tra:

  • Từ 1 đến -1: Mật độ xương bình thường.
  • Từ -1,5 đến -2,5: Thiếu xương.
  • Từ -2,5 trở đi: Loãng xương.

Thông thường, bệnh nhân được kiểm tra khả năng loãng xương và gãy xương trong 10 năm tới thông qua kết quả đo mật độ xương, nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ.

Điều trị thiếu xương

Tùy thuộc vào mật độ xương hiện tại, bệnh nhân được điều trị thiếu xương bằng chế độ ăn uống, lối sống hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định.

1. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp

Nguyên tắc dinh dưỡng cần nhớ khi bị thiếu xương:

  • Ăn đủ 3 bữa/ ngày. Sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh và giàu canxi.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tránh tập trung vào một nhóm chất hay một nhóm thực phẩm.
  • Đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống. Cần bổ sung 1000mg canxi/ ngày ở người trưởng thành và 1200mg canxi/ ngày ở người trên 51 tuổi.
  • Bổ sung vitamin D từ thực đơn dinh dưỡng và tắm nắng để hấp thụ canxi tốt nhất.
  • Chỉ tiêu thụ 5 gram muối/ ngày.
  • Cung cấp đủ lượng chất béo cơ thể cần, khoảng 15 đến 25% tổng năng lượng khẩu phần.
  • Hạn chế uống trà, cà phê, rượu bia, nước ngọt, nước có ga.
  • Hạn chế ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp và thức ăn nhanh.

Những loại thực phẩm tốt, nên bổ sung đầy đủ vào chế độ ăn uống của người bị thiếu xương:

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tăng cường bổ sung canxi, magie vitamin D cùng các vitamin khác
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường bổ sung canxi, magie, vitamin D… thông qua thực đơn ăn uống
  • Thực phẩm giàu canxi: Canxi có nhiều trong các loại rau xanh, sữa, sữa chua, các loại hạt, cá mòi, hạnh nhân, phô mai… Nhóm thực phẩm này giúp cung cấp hàm lượng canxi cần thiết cho hoạt động xây dựng và củng cố hệ xương chắc khỏe, tăng mật độ khoáng xương. Đồng thời kiểm soát thiếu xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.
  • Thực phẩm giàu magie: Bên cạnh canxi, magie cũng là một thành phần xây dựng hệ thống xương chắc khỏe. Bổ sung đủ magie giúp tăng mật độ khoáng xương, xây dựng tế bào xương mới, giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương và thiếu xương. Ngoài ra thành phần dinh dưỡng này còn giúp chống viêm, bảo vệ tim mạch, ngăn chặn đau nửa đầu, giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tiểu đường. Magie có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, sôcôla đen, quả bơ, chuối, rau lá xanh…
  • Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tăng hấp thụ canxi từ thực phẩm, góp phẩn giảm nguy cơ yếu xương và loãng xương. Ngoài ra thành phần dinh dưỡng này còn có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, tăng khả năng chống bệnh. Tôm, trứng cá, dầu gan cá, ngũ cốc, sữa, sò, chế phẩm từ đậu nành, lòng đỏ trứng… là những thực phẩm giàu vitamin D.
  • Thực phẩm giàu vitamin K2: Vitamin K2 giúp chuyển hóa canxi, tăng hoạt động liên kết canxi của protein. Từ đó duy trì mật độ xương, xây dựng xương khớp chắc khỏe. Loại vitamin này có nhiều trong trứng, cá ngừ, cá hồi, cá thu, đậu nành, sữa, thịt…
  • Thực phẩm chứa protein và chất béo: Những loại thực phẩm chứa protein và chất béo như dầu thực vật, hạt hướng dương, quả óc chó, cá béo… có thể giúp tăng khả năng hấp thu vitamin D và tăng cường mô xương.
  • Xương ống động vật: Xương ống động vật chứa nhiều canxi, phốt pho cùng những nguyên tố vi lượng như muối khoáng, kẽm, sắt, niken, đồng… Những thành phần dinh dưỡng này đều góp phần bảo vệ xương khớp, chống loãng xương, kiểm soát thiếu xương và ngăn ngừa các bệnh xương khớp khác.

Những thực phẩm người bị thiếu xương nên tránh: 

  • Thực phẩm chứa nhiều axit: Những loại thực phẩm có tính axit như bánh ngọt, bột mỳ… thường chứa nhiều lưu huỳnh, clo, axit hữu cơ khó biến đổi và không có lợi cho xương.
  • Chất kích thích: Hạn chế uống rượu, bia và những loại đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, trà… Bởi những loại đồ uống này có thể khiến quá trình hấp thu canxi trong ruột bị cản trở.
  • Thức ăn chứa nhiều muối và đồ ăn chế biến sẵn: Không nên ăn những loại thực phẩm chứa nhiều muối và đồ ăn đóng hộp như thịt cá xông khói, thịt nguội, xúc xích… Bởi những loại thực phẩm này có thể đẩy canxi ra khỏi cơ thể.

2. Thay đổi lối sống

Duy trì lối sống khoa học có thể ngăn ngừa và góp phần điều trị thiếu xương.

Thường xuyên tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục để giảm nguy cơ mất mật độ xương, tăng sự linh hoạt và tính dẻo dai
  • Kiểm soát cân nặng: Thiếu cân, suy dinh dưỡng, béo phì đều có khả năng gây thiếu xương và loãng xương. Ngoài ra cân nặng dư thừa còn làm tăng áp lực lên hệ thống xương khớp, tăng nguy cơ chấn thương, thoái hóa và đau nhức xương khớp. Chính vì thế, cần duy trì cân nặng hợp lý để kiểm soát tình trạng.
  • Thường xuyên tập thể dục: Nên duy trì thói quen tập thể dục với những bộ môn và bài tập phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và tình trạng. Điều này giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, tăng sự linh hoạt và tính dẻo dai cho hệ xương khớp. Đồng thời giảm nguy cơ mất mật độ xương.
  • Tắm nắng: Tắm nắng sớm giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Từ đó tăng hấp thu canxi tối đa, thúc đẩy quá trình tạo xương. Lưu ý tắm nắng trước 8h30 để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn.
  • Ngừng hút thuốc lá: Để kiểm soát thiếu xương và giảm nguy cơ loãng xương, người bệnh cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá. Bởi thuốc lá ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi, tăng nguy cơ gãy xương cột sống, chậm lành vết thương do gãy xương.
  • Dùng thuốc điều trị hợp lý: Một số thuốc làm mất mật độ xương, tăng nguy cơ thiếu xương và loãng xương. Vì thế, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dùng liều thấp nhất có tác dụng.

3. Dùng thuốc điều trị thiếu xương

Khi cần thiết, một số loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định thiếu xương và ngăn loãng xương tiến triển:

  • Alendronate: Alendronate thuộc nhóm bisphosphonate (thuốc điều trị loãng xương). Thuốc này có tác dụng làm tăng khối lượng xương, điều trị loãng xương cho nam giới và phụ nữ sau mãn kinh. Ở bệnh nhân bị thiếu xương, Alendronate giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương phát triển.
  • Ibandronate: Ibandronate (Bonviva®) thuộc nhóm thuốc ảnh hưởng chuyển hóa xương. Thuốc này có tác dụng ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương ở người thiếu xương, đang điều trị với corticosteroid và phụ nữ sau mãn kinh. Thuốc hoạt động bằng cách duy trì mật độ xương, làm chậm sự mất xương, giảm nguy cơ gãy xương.
  • Một số loại thuốc khác: Axit zoledronic, Raloxifene, Risedronate…

Những loại thuốc được chỉ định có thể không được liệt kê trong bài viết.

Biện pháp phòng ngừa thiếu xương

Những biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu xương và loãng xương:

Ngừng hút thuốc lá
Ngừng hút thuốc lá để tăng hấp thụ canxi, chống mất mật độ xương, ngăn ngừa thiếu xương và loãng xương
  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, giàu canxi, vitamin D, magie, vitamin K2, vitamin C, chất béo và protein thực vật. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu xương hiệu quả.
  • Tránh bỏ bữa, đảm bảo bổ sung đủ 1000 – 1200mg canxi/ ngày.
  • Những người bị thiếu canxi từ thực phẩm có thể dùng thêm thuốc bổ sung canxi. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng hiệu quả và an toàn.
  • Duy trì chế độ ăn ít muối, hạn chế những loại thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn có tính axit.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày hoặc 5 buổi/ tuần để tăng cường sức khỏe xương khớp, giảm tối đa sự mất mát xương. Lựa chọn những bài tập phù hợp với sức khỏe và độ tuổi. Chẳng hạn như đi bộ, yoga…
  • Ngừng hút thuốc lá, hạn chế tối đa việc hít khói thuốc lá thụ động.
  • Hạn chế tối đa việc uống rượu, bia, đồ uống có ga, thức uống chứa chất kích thích như trà và cà phê.
  • Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, dùng liều thấp nhất có hiệu quả.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp phòng ngừa mất mật độ xương khi xạ trị hoặc dùng thuốc chữa bệnh có nguy cơ gây loãng xương.
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tắm nắng sáng để tăng hấp thu canxi.
  • Điều trị tích cực những bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ thiếu xương như bệnh cường giáp, rối loạn chuyển hóa, bệnh celiac.
  • Người trên 50 tuổi nên khám và kiểm tra mật độ xương định kỳ. Dùng thuốc tăng tạo xương và thuốc chống mất xương khi khối lượng xương bị giảm.

Thiếu xương là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên giảm khối lượng xương cần được kiểm soát sớm để ngăn ngừa biến chứng loãng xương và gãy xương. Thông thường bệnh nhân có thể ngăn ngừa và kiểm soát tốt tình trạng bằng chế độ ăn uống, lối sống, dùng thuốc theo chỉ định (ở trường hợp nặng).

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua