Thấp Khớp Cấp (Thấp Tim) Là Gì? Chẩn Đoán và Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Thấp khớp cấp là một bệnh lý nghiêm trọng xảy ra sau nhiễm trùng hoặc sau phản ứng tự miễn dịch với liên cầu khuẩn nhóm A. Bệnh lý này tạo ra triệu chứng viêm ở các khớp kèm theo sốt, viêm tim, xuất hiện các nốt dưới da… Để điều trị và dự phòng tái phát, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định.

Thấp khớp cấp
Thông tin cơ bản về bệnh thấp khớp cấp, nguyên nhân, chẩn đoán và hướng điều trị hiệu quả

Thấp khớp cấp là gì?

Thấp khớp cấp còn được gọi là thấp tim. Đây là một bệnh viêm cấp tính có liên quan đến miễn dịch, xảy ra sau nhiễm trùng hoặc sau phản ứng tự miễn dịch với liên cầu khuẩn nhóm A (hay liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A).

Vi khuẩn Streptococcus nhóm A có thể khiến nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể bị nhiễm trùng. Trong đó có da (như chốc lở, viêm da mủ, lở da) và cổ họng (như viêm họng do liên cầu khuẩn).

Đối với một số trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, trong khi phản ứng với nhiễm trùng tại cổ họng hoặc/ và da, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ bị nhầm lẫn, tấn công bào các cơ quan khỏe dẫn đến viêm toàn thân.

Thông thường bệnh thấp khớp cấp sẽ được biểu hiện bằng một số hội chứng. Cụ thể: Viêm tim, viêm đa khớp, ban đỏ vòng, hạt dưới da, chorea.

Các triệu chứng của thấp khớp cấp

Bệnh thấp khớp cấp gây ra những triệu chứng sau:

  • Viêm họng: Tình trạng đau rát, khó nuốt tại cổ họng xảy ra trước bệnh thấp khớp cấp từ 1 – 2 tuần.
  • Viêm khớp: Xuất hiện các biểu hiện viêm khớp như sưng, nóng, đỏ và đau khớp, đau nhiều hơn khi di chuyển, hạn chế khả năng vận động. Viêm khớp chủ yếu xảy ra ở những khớp lớn và khớp nhỡ. Cụ thể như khớp gối, cổ tay, khớp mắt cá chân, khuỷu tay… Các đặc điểm:
    • Có thể tự khỏi sau 4 tuần mà không cần điều trị
    • Đáp ứng rất nhanh với Salicylate
    • Không để lại di chứng sau khi khỏi
  • Sốt: Đây là triệu chứng phổ biến của thấp khớp cấp. Bệnh nhân thường có biểu hiện ớn lạnh nóng và lạnh, tương tự như những triệu chứng của bệnh cúm hoặc bệnh cảm lạnh.
  • Múa giật Sydenham: Múa giật Sydenham xảy ra do tình trạng nhiễm trùng gây tổn thương thần kinh trung ương, không phổ biến. Triệu chứng này thường bao gồm khó phối hợp, cử động giật, không kiểm soát được (đặc biệt là lưỡi, mặt, tay và chân), yếu cơ, bệnh nhân lo âu. Đối với các chi, những động tác bất thường có những đặc điểm sau:
    • Đột ngột
    • Biên độ rộng
    • Không có ý thức
    • Giảm hoặc hết động tác khi ngủ hoặc khi tập trung vào một việc gì đó
    • Tăng lên khi thức
    • Tình trạng múa giật thường hết sau 4 – 6 tuần
  • Viêm tim: Sưng van tim và tim. Triệu chứng này có thể không rõ ràng hoặc rõ ràng.
  • Viêm ngoài màng tim:
    • Có thể nghe thấy tiếng cọ màng tim
    • Tiếng tim mờ
  • Viêm cơ tim:
    • Bệnh nhân thường có nhịp tim nhanh (nhịp tim tăng 30 đến 35 ck/ph – tăng 1 độ C)
    • Có thể có tiếng ngựa phi ở trong mỏng hoặc ở mỏm, ngoại tâm thu nhĩ hoặc thất
  • Viêm van tim: 
    • Hở chủ (HoC) dẫn đến thổi tâm trương ở đáy tim, âm sắc cao như tiếng gió, thổi ngay sau T2, có cường độ nhẹ dần.
    • Thổi Carey Coombs (thổi tâm trương ở giữa mỏm) xảy ra do giãn thấp trái, HoHL hoặc do tăng cường độ tiếng T3.
    • Hở van hai lá (HoHL) gây thổi tâm thu (TTT) ở mỏm, liền sau T1, âm sắc cao, dài suốt thì tâm thu. Triệu chứng này thường lan ra nách, không có biểu hiệu thay đổi theo tư thế hoặc hô hấp.
  • Suy tim: Triệu chứng này chỉ xảy ra ở những bệnh nhân bị thấp tim (thấp khớp cấp) nặng. Khi bị suy tim, bệnh nhân có các biểu hiện:
    • Ho khan
    • Khó thở
    • Phù
    • Tĩnh mạch cổ nổi
    • Gan to
    • Phổi có ran ẩm…
  • Ban vòng (ban Besnier): Phát ban trên da không đau, phần lớn xuất hiện trên thân mình và mạn sườn, một số trường hợp ban vòng xuất hiện ở chân và tay, không xuất hiện ở mặt. Vòng ban hồng. Khi phát ban thường xếp thành quầng với đường kính của viền dao động trong khoảng 1 – 2mm. Triệu chứng này thường mất đi sau vài ngày.
  • Hạt Meynet (nốt dưới da): Những cục tròn, có kích thước nhỏ (đường kính khoảng 5 – 10mm) và không gây đau (ngay cả khi ấn), nổi dưới da, dính trên nền xương. Thường xuất hiện ở những vùng gần cột sống, mắt cá, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay. Nốt dưới da xuất hiện cùng viêm tim và viêm khớp, có xu hướng mất đi sau vài tuần.
  • Triệu chứng toàn thân:
    • Toàn thân mệt mỏi
    • Ăn uống kém
    • Sốt nhẹ hoặc sốt cao
    • Đau ngực
    • Ho…
Các triệu chứng của thấp khớp cấp
Các triệu chứng của thấp khớp cấp gồm sốt, viêm tim, viêm khớp, đau khớp, xuất hiện ban vòng và hạt Meynet…

Nguyên nhân gây thấp khớp cấp

Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A chính là nguyên nhân gây thấp khớp cấp.

Cơ chế gây bệnh thấp khớp cấp

Hiện tại vẫn chưa xác định được cơ chế gây bệnh thấp khớp cấp của vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Tuy nhiên có ba thuyết giải thích về cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này.

1. Thuyết miễn dịch

Đối với bệnh thấp khớp cấp, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A không trực tiếp tác động và gây nhiễm trùng các cơ quan sau khi xâm nhập vào cơ thể. Bệnh xảy ra có thể là do một chất trên vi khuẩn liên cầu có protein trùng với protein tồn tại ở một số cấu trúc trên cơ thể người, thường gặp gồm hê thần kinh, khớp và tim.

Chính vì thế sau khi liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A xâm nhập, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhanh chóng phản ứng và chống lại vi khuẩn bằng các kháng thể. Cuối cùng dẫn đến các biểu hiện của bệnh thấp khớp cấp.

2. Thuyết dị ứng

Các nhà khoa học tin rằng bệnh thấp khớp cấp có liên quan đến yếu tố cơ địa. Trong một số trường hợp, những đứa con được sinh ra trong cùng một gia đình đều mắc chứng thấp khớp cấp và một số người có ái lực cao với liên cầu khuẩn nhóm A ngay từ khi sinh ra (bẩm sinh).

3. Thuyết nhiễm độc

Những tổ chức trong cơ thể như não, thần kinh, màng hoạt dịch, tim… có thể bị ngộ độc trực tiếp từ sự xâm nhập của liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Từ đó gây bệnh thấp tim kèm theo những triệu chứng toàn thân.

Cơ chế gây bệnh thấp khớp cấp
Cơ chế gây bệnh thấp khớp cấp sau khi liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A xâm nhập

Yếu tố và đối tượng nguy cơ

Một số yếu tố tác động và những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thấp khớp cấp:

  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh thấp tim cao hơn nam giới.
  • Độ tuổi: Mặc dù có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng bệnh thấp tim xảy ra phổ biến hơn ở những trẻ có độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi.
  • Yếu tố môi trường: Sinh sống và làm việc ở những nơi chật hẹp, đông đúc người có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn liên cầu nhóm A. Loại vi khuẩn này có thể lây lan qua đường hô hấp khi bệnh nhân bị viêm họng do nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm A thực hiện một số động tác như ho, hắc hơi… không an toàn. Ngoài ra loại vi khuẩn này cũng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với da của người có các bệnh lý về da do nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm A.
  • Trẻ em qua nhiều đợt nhiễm trùng vi khuẩn Streptococcus nhóm A: Đối với trẻ nhỏ, việc trải qua nhiều đợt nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus nhóm A sẽ làm tăng nguy cơ phát triển miễn dịch phản ứng bất thường dẫn đến bệnh thấp khớp cấp.
  • Yếu tố gia đình: Những người trong gia đình sẽ có nguy cơ mắc bệnh khi một trong các thành viên bị thấp khớp cấp.

Biến chứng của thấp khớp cấp

Mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp khớp cấp có thể từ rất nhẹ đến rất nặng, bệnh nhân có thể nằm bất động trên giường do đau hoặc suy tim. Chính vì thế tất cả những bệnh nhân bị thấp khớp cấp được khuyên nhập viện càng sớm càng tốt, trước khi bệnh chuyển biến sang mức độ nghiêm trọng.

Hầu hết bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị đúng cách. Những trường hợp điều trị muộn và không đúng hướng có thể gặp biến chứng nguy hiểm và tăng nguy cơ tử vong.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và số lần tái phát, những biến chứng dưới đây có thể xuất hiện:

Biến chứng thường gặp

  • Tổn thương van tim dẫn đến hẹp van, hẹp hở van tim hoặc hở van.

Biến chứng ít gặp hơn

  • Viêm màng ngoài tim
  • Viêm cơ tim
  • Tăng nguy cơ tử vong.

Đối với não, khớp và da, bệnh thấp khớp cấp thường không để lại tổn thương sau điều trị, kể cả khi bệnh có mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng.

Viêm cơ tim
Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hẹp van, hẹp hở van tim hoặc hở van… là những biến chứng của bệnh thấp khớp cấp

Thấp khớp cấp được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh thấp khớp cấp được chẩn đoán dựa trên kết quả từ nhiều giai đoạn, bao gồm khám lâm sàng, kiểm tra thực thể và khám cận lâm sàn.

1. Kiểm tra lâm sàng và thực thể

Trong khi khám lâm sàng và thực thể, người bệnh sẽ được kiểm tra các triệu chứng (trong mục triệu chứng của bệnh thấp khớp cấp). Điều này giúp chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ngoài ra người bệnh có thể được kiểm tra tiền sử bệnh, độ tuổi và yếu tố gia đình để rõ nét hơn về các nguy cơ.

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Những kỹ thuật dưới đây sẽ được chỉ định để chẩn đoán chính xác bệnh thấp khớp cấp và mức độ tổn thương.

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu là một trong những kỹ thuật đầu tiên được chỉ định cho những bệnh nhân có nghi ngờ thấp tim. Trong trường hợp mắc bệnh, kỹ thuật này sẽ cho ra những kết quả sau:
    • Protein C: Tăng
    • Sợi huyết: Tăng
    • Tốc độ lắng máu: Tăng
    • Bạch cầu: Tăng
    • Antistreptolysin O: Có dấu hiệu tăng cao > 200 đơn vị Todd. Thường có biểu hiện tăng nhiều hơn sau 2 tuần bị nhiễm nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A. Triệu chứng này kéo dài từ 3 – 5 tuần, sau đó giảm dần.
  • Siêu âm tim: Kỹ thuật này được chỉ định để kiểm tra dịch màng tim, tạo ra hình ảnh HoHL, HoC giúp rõ nét hơn về những vấn đề bên trong cơ quan sau tổn thương.
  • Chụp tim phổi: Để kiểm tra những tổn thương ở tim và phổi do thấp khớp cấp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp tim phổi. Kết quả:
    • Rốn phổi đậm
    • Tim to
  • Điện tâm đồ: Sau khi đo điện tâm đồ ở bệnh nhân bị thấp tim, kết quả cho thấy:
    • Thường gặp: Bloc nhĩ – thất cấp I
    • Ít gặp hơn: Bloc nhĩ – thất cấp II, Bloc nhĩ – thất cấp III, nhịp nhanh xoang
    • Ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ và chụp tim phổi là những kỹ thuật có khả năng chẩn đoán thấp khớp cấp

3. Chẩn đoán theo Tiêu chuẩn Jones

Dựa trên Tiêu chuẩn Jones (1988) đã sửa đổi, bệnh thấp khớp cấp (thấp tim) có thể được chẩn đoán.

+ Tiêu chuẩn Jones

Tiêu chuẩn chính

  • Viêm đa khớp
  • Hạt dưới da
  • Viêm tim
  • Múa giật
  • Ban vòng

Tiêu chuẩn phụ

  • Lâm sàng
    • Sốt
    • Đau khớp
  • Xét nghiệm
    • Điện tâm đồ: PQ kéo dài
    • Protein C máu: Cao
    • Tốc độ lắng máu: Cao

+ Bằng chứng nhiễm liên cầu

  • Kháng thể kháng liên cầu beta tan huyết nhóm A: Gia tăng hoặc tăng cao.
  • Xét nghiệm: Tìm thấy kháng nguyên của liên cầu beta tan huyết nhóm A (acid Hyaluronic, ASO)
  • Cấy dịch họng: Phát hiện liên cầu beta tan huyết nhóm A.

+ Chẩn đoán xác định thấp tim

Bệnh thấp tim được chẩn đoán xác định khi:

Xác định thông thường

  • Có 1 tiêu chuẩn chính, 2 tiêu chuẩn phụ và bằng chứng liên quan đến nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A.
  • Có 2 tiêu chuẩn chính và bằng chứng liên quan đến nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A.

Trường hợp đặc biệt

  • Bệnh nhân đang trong độ tuổi trưởng thành mắc chứng viêm tim do thấp
  • Bệnh nhân có tiền sử thấp tim kết hợp 2 tiêu chuẩn phụ và bằng chứng liên quan đến nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A.
  • Múa giật = thấp tim.

4. Chẩn đoán phân biệt

Bệnh thấp khớp cấp được chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý sau:

Phương pháp điều trị thấp khớp cấp

Hầu hết bệnh nhân bị thấp khớp cấp được yêu cầu dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài để kiểm soát bệnh lý. Ngoài ra để ngăn ngừa bệnh tái diễn trong tương lai, nhiều trường hợp phải tiếp tục dùng thuốc sau điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bởi trong những đợt tái phát, bệnh nhân thường có triệu chứng nghiêm trọng và dễ gặp biến chứng ở tim hơn.

Dưới đây là những nguyên tắc và phương pháp được ứng dụng trong điều trị thấp khớp cấp.

1. Nguyên tắc điều trị

Cần áp dụng những nguyên tắc dưới đây khi chữa bệnh thấp khớp cấp:

  • Điều trị nguyên nhân
  • Điều trị triệu chứng
  • Phòng bệnh

2. Phương pháp điều trị

Thông thường dựa trên mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi ngắn hoặc dài hạn kết hợp dùng thuốc theo chỉ định.

+ Nghỉ ngơi

Bệnh nhân bị thấp tim được yêu cầu nghỉ ngơi, không vận động hay làm việc gắng sức để tránh làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Trong thời gian nghỉ ngơi, cơ thể có thể được thư giãn, hạn chế kích thích cơn đau và những cơ quan tổn thương có thời gian tự chữa lành.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi trên giường và đi lại trong phòng với thời gian cụ thể như sau:

Không viêm tim

  • Nghỉ trên giường: 2 tuần.
  • Đi lại trong phòng: 2 tuần.

Viêm tim, tim không to

  • Nghỉ trên giường: 4 tuần.
  • Đi lại trong phòng: 4 tuần.

Viêm tim và tim to

  • Nghỉ trên giường: 6 tuần.
  • Đi lại trong phòng: 6 tuần.

Viêm tim và suy tim

  • Nghỉ trên giường: Nghỉ ngơi đến khi hết suy tim.
  • Đi lại trong phòng: 3 tháng.
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi kết hợp đi lại giúp giảm đau, thư giãn, tạo thời gian cho những cơ quan tổn thương tự chữa lành

+ Điều trị nguyên nhân bằng kháng sinh

Khi điều trị nguyên nhân, kháng sinh cần được sử dụng cho tất cả bệnh nhân bị thấp khớp cấp. Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với từng loại thuốc và mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị với loại kháng sinh phù hợp nhất. Trong đó Benzathine Penicilline, Erythromicine và Penicilline V là những loại kháng sinh thường được dùng.

Benzathine Penicilline

Đây là một loại kháng sinh thuộc nhóm Penicillin tác dụng kéo dài. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và loại bỏ vi khuẩn.

Benzathine Penicilline chủ yếu được dùng điều trị bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có thấp khớp cấp. Ngoài ra thuốc cũng được dùng để ngăn ngừa bệnh tái phát. Trong điều trị thấp khớp cấp, Benzathine Penicilline được dùng bằng đường tiêm.

  • Cách sử dụng: Tiêm bắp sâu ở mông. Lưu ý thuốc cần được test trước khi tiêm.
  • Liều lượng: 
    • Bệnh nhân trên 30kg: Dùng 1.200.000 đv
    • Bệnh nhân dưới 30 kg: Dùng 600.000 đv
    • Tiêm một lần duy nhất.

Hoặc: Erythromicine

Đây là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Macrolide, được dùng bằng đường uống. Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và tiêu diệt những chủng vi khuẩn nhạy cảm ở nồng độ cao.

  • Cách sử dụng: Uống thuốc Erythromicine với nhiều nước.
  • Liều lượng: 
    • Bệnh nhân trên 30kg: Uống 1 gram/ ngày, sử dụng 10 ngày.
    • Bệnh nhân dưới 30 kg: Uống 0,5 gram/ ngày, sử dụng 10 ngày.

Hoặc: Penicilline V

Penicilline V được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng, bao gồm cả thấp tim.

  • Cách sử dụng: Dùng Penicilline V bằng đường uống.
  • Liều lượng: 
    • Bệnh nhân trên 30kg: Uống 1 gram/ ngày, sử dụng 10 ngày.
    • Bệnh nhân dưới 30 kg: Uống 0,5 gram/ ngày, sử dụng 10 ngày.
Thuốc kháng sinh Benzathine Penicilline
Thuốc kháng sinh Benzathine Penicilline được dùng để ngăn chặn sự phát triển và loại bỏ vi khuẩn gây bệnh

+ Dùng thuốc chống viêm

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, một số loại thuốc chống viêm sẽ được chỉ định.

Đối với bệnh nhân chỉ có viêm đa khớp

Aspirine

Đây là một loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAID). Thuốc được dùng để giảm đau và chống viêm. Đối với thấp khớp cấp, thuốc Aspirine chỉ được sử dụng khi có viêm đa khớp.

  • Cách sử dụng: Uống thuốc Aspirine với nhiều nước. Uống sau khi ăn.
  • Liều lượng: 
    • Aspirine 75mg: Uống Aspirine 75mg/ kg trọng lượng/ ngày, sử dụng trong 2 tuần.
    • Aspirine 100ng: Uống Aspirine 100mg/ kg trọng lượng/ ngày, sử dụng trong 6 ngày.

Đối với bệnh nhân chỉ có viêm tim

Prednisolon

Prednisolon là một glucocorticoid. Thuốc này có tác dụng chống dị ứng, ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh. Đối với bệnh thấp khớp cấp, thuốc chỉ được dùng khi có viêm tim.

  • Cách sử dụng: Thuốc Prednisolon cần được uống sau bữa ăn với nhiều nước.
  • Liều lượng: 
    • Uống 1 – 2mg/ kg trọng lượng/ ngày, sử dụng từ 2 – 3 tuần.
    • Bắt đầu giảm liều khi tốc độ lắng máu giảm (theo chỉ định của bác sĩ).

Dùng phối hợp

Sử dụng phối hợp hai loại Aspirine và Prednisolon nếu bệnh nhân có cả viêm tim và viêm đa khớp.

+ Điều trị triệu chứng

Đối với bệnh nhân bị suy tim, tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, các loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định.

Điều trị suy tim

Digoxin

Digoxin (thuốc điều trị suy tim) sẽ được sử dụng kết hợp với những loại thuốc khác nếu cần thiết.

  • Cách sử dụng: Dùng Digoxin bằng đường uống.
  • Liều lượng: Uống 1/4mg Digoxin/ ngày.
  • Lưu ý:
    • Luôn theo dõi nhịp tim.
    • Ngừng dùng thuốc nếu không có tác dụng hoặc nhịp tim < 80 ck/phút.

Furosemid

Đây là một loại thuốc lợi tiểu, thường được sử dụng để điều trị hiện tượng phù trong bệnh suy tim sung huyết, bệnh xơ gan và bệnh thận. Đôi khi thuốc được dùng cho những bệnh nhân bị phù phổi cấp.

  • Cách sử dụng: Dùng Furosemid bằng đường uống. Uống thuốc sau khi ăn.
  • Liều lượng: Uống 40mg Furosemid (1 viên)/ lần x 1 – 2 lần.
  • Lưu ý: Kiểm tra điện giải máu.

Thuốc ức chế men chuyển

Những loại thuốc dưới đây có thể được dùng để giãn mạch, ổn định đường huyết và hỗ trợ Digoxin điều trị suy tim.

  • Cách sử dụng: Uống thuốc sau khi ăn.
  • Các loại và liều lượng:
    • Coversyl: Uống 4mg Coversyl (1 viên)/ ngày.
    • Hoặc Renitec: Uống 5mg Renitec (1 viên)/ ngày.
    • Hoặc Captopril: Uống 25mg Captopril (1 viên)/ ngày.
  • Lưu ý: Ngừng sử dụng thuốc nếu huyết áp < 90 mmHg.

Múa vờn

Các thuốc được dùng:

Phenobacbital

Phenobacbital thường được dùng trong thời gian ngắn. Thuốc có tác dụng làm dịu các triệu chứng co giật, rối loạn và mất kiểm soát. Đồng thời giúp bệnh nhân bình tĩnh và ngủ sâu giấc khi lo âu, căng thẳng.

  • Cách sử dụng: Uống thuốc sau khi ăn.
  • Liều lượng: Uống 16 – 32mg Phenobacbital/ kg trọng lượng/ ngày.

Chlopromazin

Thuốc Chlopromazin có tác dụng hướng thần.

  • Cách sử dụng: Uống Chlopromazin với nhiều nước, sau khi ăn.
  • Liều lượng: Uống 0,5mg Chlopromazin/ kg trọng lượng/ ngày.

Haloperidol

Haloperidol thuộc nhóm thuốc chống loạn thần, có tác dụng phục hồi nhận thức, kiểm soát căng thẳng, điều trị rối loạn tâm thần và cảm xúc nhất định.

  • Cách sử dụng: Uống thuốc sau khi ăn no với nhiều nước.
  • Liều lượng: Uống 0,03 – 1mg Haloperidol/ kg trọng lượng/ ngày.
Thuốc Haloperidol
Thuốc Haloperidol là thuốc chống loạn thần, có tác dụng phục hồi nhận thức, điều trị rối loạn tâm thần

Tiên lượng và theo dõi

Bệnh thấp khớp cấp có tiên lượng khá tốt. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh và các triệu chứng có thể khỏi hoàn toàn. Ngược lại, những trường hợp điều trị muộn và chậm trễ, người bệnh sẽ bị suy tim nặng nề và tăng nguy cơ tử vong.

Trong khi điều trị thấp khớp cấp, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ. Điều này giúp dễ dàng theo dõi diễn tiến bệnh và thay đổi phác đồ chữa trị khi cần thiết.

Biện pháp phòng ngừa thấp khớp cấp

Để ngăn ngừa thấp khớp cấp khởi phát hoặc tái diễn trong tương lai, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Dùng thuốc kháng sinh (Benzathine Penicilline, Penicilline V hoặc Erythromicine) nếu có tiền sử mắc bệnh. Liều dùng dựa trên chỉ định của bác sĩ và mục đích phòng ngừa (phòng thấp cấp I hay phòng thấp tiên phát, phòng thấp cấp II hay phòng thấp tái phát). Lưu ý cần tuân thủ liều dùng và thời gian dùng thuốc.
    • Đối với bệnh nhân bị thấp tim chưa phát sinh biến chứng van tim, có thể dùng thuốc ít nhất đến năm 18 tuổi và dùng ít nhất 5 năm.
    • Đối với bệnh nhân bị thấp tim đã phát sinh biến chứng van tim, cần dùng thuốc kéo dài, ít nhất đến năm 45 tuổi.
    • Nếu tiêm phòng thấp cấp II, cần dùng thuốc uống thay cho thuốc tiêm nếu bệnh nhân đang mang thai, có các chỉ định khác (mổ thay van/ sửa van, nong van), mắc một bệnh lý cấp tính khác (suy thận, suy gan, viêm phế quản, hen phế quản…), bị suy tim nặng.
  • Thăm khám và điều trị dứt điểm ngay khi có nhiễm trùng liên cầu beta tan huyết nhóm A gây viêm họng hoặc các bệnh về da.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà ở và nơi làm việc.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A.
  • Thăm khám thường xuyên nếu có nguy cơ mắc bệnh thấp khớp cấp (có thành viên gia đình mắc bệnh, viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A…).
  • Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng chất dinh dưỡng, nhiều vitamin (đặc biệt là vitamin C) cũng là một trong những cách bảo vệ cơ thể và giảm nguy cơ mắc chứng thấp khớp cấp. Bởi vitamin C cùng một số thành phần dinh dưỡng khác có tác dụng chống nhiễm khuẩn, kháng viêm, tăng đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng chất dinh dưỡng
Bổ sung nhiều vitamin C từ thực phẩm để tăng đề kháng, chống nhiễm khuẩn và giảm nguy cơ thấp khớp cấp

Thấp khớp cấp (thấp tim) là một bệnh lý phức tạp, dễ phát sinh biến chứng nguy hiểm và tăng nguy cơ tử vong. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, bệnh lý này có thể được khắc phục hoàn toàn. Do đó người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng đầu tiên. Đồng thời tiến hành thăm khám, tuân thủ nguyên tắc điều trị và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua