Hiện tượng tê tay chân sau sinh và cách khắc phục

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Tê tay chân sau sinh thường kèm theo cảm giác ngứa ran, mệt mỏi, khó chịu, giảm khả năng vận động và ảnh hưởng đến chế độ sinh hoạt của phụ nữ. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên ăn uống thiếu dinh dưỡng, hội chứng ống cổ tay, huyết áp thấp, khớp dịch chuyển… là những nguyên nhân phổ biến.

Hiện tượng tê tay chân sau sinh và cách khắc phục
Tìm hiểu hiện tượng tê tay chân sau sinh, nguyên nhân thường gặp và cách khắc phục hiệu quả

Tê tay chân sau sinh là gì?

Tê tay chân sau sinh là tình trạng nữ giới sau sinh bị giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay, ngón tay, bàn chân và các ngón chân. Tình trạng này thường kèm theo cảm giác châm chích, ngứa ran, khó chịu và yếu cơ. Đối với những trường hợp hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể giảm khả năng cầm nắm đồ vật, mất thăng bằng và khó đi lại.

Tê tay chân sau sinh xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn các trường hợp đều do nguyên nhân bệnh lý và có thể tự thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp giảm tê tại nhà. Tuy nhiên ở những trường hợp tê bì tay chân do bệnh lý, người bệnh cần thăm khám và xử lý theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Đặc điểm của chứng tê tay chân sau sinh

Giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay, ngón tay, bàn chân và các ngón chân là đặc trưng của tình trạng tê bì tay chân ở phụ nữ sau sinh. Dựa vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân, tê và giảm cảm giác còn đi kèm với những triệu chứng khó chịu sau:

  • Ngứa ran và có cảm giác châm chích ở bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân
  • Đau nhức ở những vị trí bị ảnh hưởng
  • Yếu cơ
  • Giảm khả năng giữ thăng bằng và rối loạn xúc giác
  • Khó cầm nắm đồ vật
  • Khó cử động, đi lại hoặc thực hiện các động tác ở chân
  • Tê buốt lan rộng ra một số vị trí khác như tê bắp chân, đùi, hông, mông…
  • Đột ngột tê nhói như điện giật

Ngoài ra một số triệu chứng toàn thân có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Nổi mạch máu hoặc gân xanh dưới da
  • Khó chịu
  • Rối loạn giấc ngủ

Nguyên nhân gây tê tay chân sau sinh

Hiện tượng tê tay chân sau sinh xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:

1. Huyết áp thấp

Huyết áp thấp là một trong những nguyên nhân gây tê tay chân sau sinh thường gặp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, huyết áp thấp khiến quá trình tuần hoàn máu bị gián đoạn, lưu lượng máu đến các chi giảm mạnh dẫn đến tê bì khó chịu.

Ngoài ra huyết áp thấp còn làm ảnh hưởng đến lượng máu nuôi dưỡng các mô. Điều này khiến cơ thể suy yếu, dây thần kinh nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Cuối cùng gây ra tình trạng tê buốt, châm chích và ngứa ran ở các chi. Để cải thiện tình trạng, bạn có thể thực hiện động tác nắm và siết chặt bàn tay, sau đó di chuyển cánh tay.

Huyết áp thấp
Huyết áp thấp khiến quá trình tuần hoàn máu bị gián đoạn, lượng máu lưu thông giảm mạnh dẫn đến tê bì khó chịu

2. Khớp dịch chuyển

Khớp dịch chuyển là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mang thai và thường kéo dài từ 2 đến 5 tháng sau sinh. Hiện tượng này xảy ra là do nồng độ hormone relaxin trong cơ thể thay đổi cùng với sự thích ứng của cơ thể đối với quá trình phát triển của thai nhi.

Cụ thể trong thời kỳ mang thai, hormone relaxin sẽ được sản sinh với một lượng lớn. Hormone này có khả năng kích thích và làm nới lỏng xương khớp, giúp khung xương chậu mở rộng. Điều này có tác dụng giữ không gian vùng chậu phù hợp để bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi. Đồng thời giúp thai phụ dễ sinh khi chuyển dạ.

Tuy nhiên khả năng nới lỏng khớp của hormone relaxin có thể làm ảnh hưởng đến nhiều khớp khác trong cơ thể. Điều này khiến các khớp dễ chèn ép vào mạch máu và dây thần kinh. Từ đó gây ra hiện tượng tê yếu, ngứa ran, khó chịu và rối loạn cảm giác.

Ngoài ra sự dịch chuyển các khớp của hormone relaxin còn khiến phụ nữ mang thai và sau sinh khó đi lại, kém linh hoạt, thường xuyên đau lưng và mỏi gối.

3. Hội chứng ống cổ tay

Tê tay chân sau sinh có thể là triệu chứng của hội chứng ống cổ tay. Đây là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau sinh và mang thai. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng tê yếu, đau nhói và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay và các ngón tay.

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi có sự đè nén và làm tổn thương các dây thần kinh giữa của ống cổ tay. Bệnh lý này cần được khám và điều trị y tế sớm để tránh tiến triển thành mãn tính và gây rủi ro.

Ngoài cảm giác tê yếu, đau nhói và ngứa ran, người bị hội chứng ống cổ tay còn gặp một số biểu hiện khó chịu khác, bao gồm:

  • Yếu cơ
  • Có cảm giác như điện giật, xảy ra ở các ngón tay
  • Khó cầm nắm đồ vật
  • Giảm sức mạnh, tay yếu
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay gây ra tình trạng tê yếu, đau nhói và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay cùng với các ngón tay

4. Duy trì thói quen xấu

Theo kết quả thống kê, nữ giới sau sinh thường ngồi lâu và nằm nghiêng trong thời gian cho con bú và trong lúc ngủ. Trong khi đó nằm nghiêng và ngồi lâu có thể khiến dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu và oxy đến các chi. Từ đó gây tê bì kèm theo cảm giác nóng rát, châm chích, ngứa ran và khó chịu.

Tuy nhiên tê bì tay chân do thói quen xấu thường giảm nhanh khi nữ giới đứng dậy, nằm thẳng, duỗi thẳng chân tay, vận động nhẹ hoặc thực hiện những động tác giúp lượng máu lưu thông trở lại bình thường.

5. Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng

Trong quá trình mang thai và sau sinh nở, nữ giới được khuyên tăng cường bổ sung chất sắt, vitamin B12 và canxi để bù đắp lượng canxi nuôi dưỡng thai nhi và lượng máu đã mất đi khi sinh. Đồng thời phòng ngừa các bệnh xương khớp, ổn định lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể để hạn chế tình trạng tê yếu chân tay.

Tuy nhiên việc duy trì chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng khiến nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể không được đáp ứng. Thiếu canxi khiến xương khớp suy yếu, tăng nguy cơ loãng xương, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai xương. Từ đó gây ra tình trạng chèn ép dẫn đến tổn thương mạch máu và dây thần kinh.

Thiếu chất sắt và vitamin B12 làm ảnh hưởng đến quá trình tạo hồng cầu, tăng nguy cơ thiếu máu và tê mỏi tay chân sau sinh. Ngoài ra việc thiếu hụt vitamin B12 còn làm ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương. Từ đó gây ra tình trạng tê bì, đau nhức kèm theo cảm giác ngứa ran và châm chích khó chịu.

Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng khiến xương khớp suy yếu, tăng nguy cơ chèn ép làm tổn thương mạch máu và dây thần kinh

6. Một số nguyên nhân ít gặp

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tê tay chân sau sinh còn xảy ra do một số tình trạng dưới đây:

  • Viêm mạch máu
  • Viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ một số tình trạng rối loạn tự miễn khác
  • Bệnh truyền nhiễm (bệnh lyme, giang mai)
  • Bệnh thần kinh do tiểu đường
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên
  • Hội chứng Guillain Barre
  • Đau cơ xơ hóa
  • Bệnh Raynaud
  • Suy thận
  • Bệnh động mạch ngoại vi

Cách khắc phục tê tay chân sau sinh

Phần lớn các trường hợp tê tay chân sau sinh không nghiêm trọng, xảy ra do nguyên nhân cơ học và thường được cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu có nghi ngờ tê bì chân tay do bệnh lý hoặc tê yếu nghiêm trọng kèm theo các triệu chứng khó chịu khác, người bệnh nên thăm khám và tiếp nhận điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Dưới đây là một số cách khắc phục tê tay chân sau sinh được áp dụng phổ biến:

1. Tập thể dục

Phụ nữ sau sinh được khuyên đi lại và tập yoga mỗi ngày để phòng ngừa và cải thiện tình trạng tê bì chân tay, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể. Các nghiên cứu cho thấy việc luyện tập thể dục mỗi ngày có thể giúp phụ nữ sau sinh nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện lưu thông máu và oxy đến các cơ quan. Từ đó giảm cảm giác tê bì và châm chích khó chịu.

Ngoài ra tập thể dục còn giúp phụ nữ sau sinh thư giãn mạch máu và dây thần kinh, giảm đau lưng sau sinh, tăng độ bền và tính linh hoạt cho các khớp xương. Đồng thời phòng ngừa các bệnh xương khớp, cải thiện khả năng đi lại và vận động.

Tập thể dục
Tập thể dục giúp phụ nữ sau sinh nâng cao sức đề kháng, cải thiện quá trình lưu thông máu và oxy, giảm đau mỏi và tê bì

2. Nghỉ ngơi

Nếu bị tê tay chân sau sinh do ngồi nhiều hoặc nằm nghiêng sang một bên, nữ giới nên duỗi thẳng chân hoặc nằm trên giường với tư thế nằm ngửa, chân thả lỏng, tay đặt dọc theo thân người. Biện pháp này cho phép khí huyết lưu thông bình thường trở lại, giải phóng mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó giảm đau mỏi và tê bì hiệu quả.

3. Sử dụng nẹp bảo vệ cô tay

Nếu bị tê tay do hội chứng ống cổ tay hoặc có thói quen nằm nghiêng khi ngủ, bạn nên sử dụng nẹp bảo vệ cô tay để cải thiện tình trạng và hạn chế tái phát. Dụng cụ này có tác dụng giữ cho cổ tay thẳng, bảo vệ và giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn nên sử dụng nẹp cổ tay khi thực hiện những hoạt động cần lặp đi lặp lại một động tác hoặc trong khi ngủ.

3. Ăn uống lành mạnh và đủ chất

Trong trường hợp tê tay chân sau sinh do cơ thể thiếu hụt vitamin và khoáng chất, nữ giới nên thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất. Đặc biệt tăng cường bổ sung canxi, vitamin B12 và chất sắt để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu, yếu xương (hoặc mất xương) và tê bì.

Ngoài ra việc ăn uống lành mạnh và đủ chất còn giúp nữ giới sớm phục hồi sức khỏe sau sinh, duy trì hoạt động của não bộ và thần kinh trung ương, tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống bệnh, giảm nguy cơ thoái hóa và cải thiện chức năng xương khớp.

Các nhóm thực phẩm nêu ưu tiên bổ sung gồm:

  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin B12: Ngũ cốc, cá mòi, thịt bò, ngao, cá ngừ, cá hồi, trứng, sữa, phô mai, sữa chua, gan động vật
  • Nhóm thực phẩm giàu canxi: Hạnh nhân, cá, hải sản, phô mai, các loại hạt, các loại đậu, sữa, sữa chua, cá mòi, ra lá xanh
  • Nhóm thực phẩm giàu chất sắt: Thịt, cá, trứng, đậu nành, trái cây khô (quả sung, chà là), rau lá xanh đậm, bông cải xanh, đậu xanh, bơ đậu phộng, các loại đậu và hạt
  • Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Dâu tây, quả mâm xôi, việt quất, cà chua, bông cải xanh, ớt chuông rau bina, táo, cam, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu
Ăn uống lành mạnh và đủ chất
Ăn uống lành mạnh và đủ chất giúp thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu, yếu xương và tê bì

4. Chườm ấm

Chườm ấm là một trong những biện pháp phòng ngừa và khắc phục tê tay chân sau sinh hiệu quả. Biện pháp này có tác dụng làm ấm cơ thể, đuổi hàn thấp, kích thích tuần hoàn máu, tăng lưu lượng máu về các chi, thư giãn xương khớp và giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó giúp giảm đau và cải thiện tình trạng tê bì hiệu quả.

Ngoài ra biện pháp chườm ấm còn có tác dụng thư giãn và giảm căng cơ (tình trạng thường gặp sau sinh), giảm đau nhức xương khớp, xoa dịu tình trạng sưng viêm, thư giãn tinh thần và kiểm soát căng thẳng.

Một số cách chườm ấm tại nhà:

  • Sử dụng miếng dán hoặc túi chườm ấm áp lên khu vực bị tê bì
  • Dùng chai thủy tinh chứa nước ấm (60 – 70 độ C) lăn và chườm lên tay chân
  • Nằm ngửa trên miếng đệm ấm

Chườm ấm nên được thực hiện mỗi lần 20 phút, 3 – 4 lần/ ngày để sớm cải thiện tình trạng.

5. Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt phù hợp với phụ nữ sau sinh bị tê bì chân tay do lưu lượng máu giảm, khí huyết kém lưu thông. Biện pháp này có tác dụng thư giãn xương khớp và các dây thần kinh. Từ đó giúp hạn chế tình trạng cứng khớp, giảm cảm giác tê bì và đau mỏi.

Ngoài ra biện pháp xoa bóp bấm huyệt còn có tác dụng thư giãn mạch máu, kích thích khí huyết lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này giúp phòng ngừa và giảm cảm giác tê bì cho phụ nữ sau sinh hiệu quả. Một số tác dụng khác từ biện pháp xoa bóp:

  • Thư giãn tinh thần, cải thiện tâm trạng
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ
  • Giảm đau lưng, đau nhức xương khớp
  • Tăng khả năng chuyển động và tính linh hoạt của các khớp xương
Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt giúp thư giãn xương khớp và các dây thần kinh, hạn chế tình trạng cứng khớp, giảm tê bì và đau mỏi

6. Sử dụng tinh dầu thảo dược

Trước khi xoa bóp, nữ giới nên sử dụng một lượng nhỏ tinh dầu bạc hà (hoặc một số loại tinh dầu thảo dược khác) bôi vào ống cổ tay và những khu vực có cảm giác tê mỏi. Sau đó xoa bóp nhẹ từ 5 đến phút để thư giãn và cải thiện các triệu chứng.

Những hoạt chất trong tinh dầu bạc hà có tác dụng làm ấm cơ thể, trừ hàn thấp, kích thích lưu thông máu, giảm đau mỏi, tê bì tay chân và cải thiện những triệu chứng đi kèm. Ngoài ra mùi hương từ tinh dầu bạc hà còn có tác dụng cải thiện tâm trạng và giúp dễ ngủ.

7. Tắm nước ấm

Tắm nước ấm mỗi ngày 1 lần cũng là một trong những cách khắc phục tê tay chân sau sinh hiệu quả. Biện pháp này có tác dụng thư giãn toàn bộ mạch máu trong cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng tê bì và châm chích.

Ngoài ra thường xuyên tắm nước ấm còn giúp nữ giới sau sinh trừ hàn thấp, thư giãn khớp xương, giảm đau lưng, tăng khả năng vận động. Đồng thời cải thiện tâm trạng, phòng ngừa các chứng trầm cảm sau sinh và rối loạn giấc ngủ.

Hướng dẫn cách tắm nước ấm cho phụ nữ sau sinh:

  • Chuẩn bị một bồn tắm nước ấm với nhiệt độ thích hợp
  • Thêm 3 giọt tinh dầu tràm trà, tinh dầu oải hương, tinh dầu gừng hoặc tinh dầu bạc hà
  • Tắm và ngâm mình trong bồn từ 3 – 5 phút (lưu ý tuyệt đối không tắm quá lâu)

8. Ngâm chân tay với nước gừng ấm

Ngâm chân tay với nước gừng ấm là biện pháp giảm tê tay chân sau sinh hiệu quả và an toàn. Trong Y học cổ truyền, gừng có đặc tính ấm, có tác dụng khu phong trừ thấp, hoạt huyết, giảm đau mỏi và tê buốt do phong hàn xâm nhập, khí huyết kém lưu thông.

Ngoài ra ngâm chân với nước gừng ấm còn giúp mạch máu và các dây thần kinh được thư giãn, giảm viêm sưng, cứng khớp, kháng khuẩn, tăng cường chức năng và sự linh hoạt của các chi.

Hướng dẫn cách ngâm chân tay với nước gừng ấm:

  • Rửa sạch và thái mỏng 1 củ gừng nhỏ
  • Nấu gừng với 2 lít nước trong 10 phút
  • Đổ nước gừng ra chậu, đợi nguội bớt
  • Ngâm tay chân trong nước gừng ấm, kết hợp massage nhẹ trong 10 phút
  • Thực hiện mỗi ngày từ 1 – 2 lần.
Ngâm chân tay với nước gừng ấm
Ngâm chân tay với nước gừng ấm giúp hoạt huyết, giảm đau mỏi và tê buốt do phong hàn xâm nhập, khí huyết kém lưu thông

9. Điều chỉnh tư thế

Trong trường hợp tay chân tê mỏi do duy trì thói quen sinh hoạt xấu (ngồi nhiều, ngồi xổm ngủ đè lên tay, ngồi bắt chéo chân…) nữ giới sau sinh nên điều chỉnh tư thế để cải thiện tình trạng.

Các nghiên cứu cho thấy, duy trì tư thế xấu khiến dây thần kinh và các mạch máu bị chèn ép, khí huyết kém lưu thông dẫn đến tê bì và châm chích khó chịu. Ngoài ra việc duy trì các tư thế xấu còn làm tăng nguy cơ cứng khớp, đau lưng, mất độ cong tự nhiên của cột sống và dị tật. Chính vì thế bạn cần duy trì tư thế phù hợp để phòng ngừa và cải thiện các tình trạng.

Đối với trường hợp tê tay chân sau sinh, nữ giới cần:

  • Ngồi thẳng lưng trên ghế có lưng tựa
  • Không nên ngồi hoặc nằm bất động trong thời gian dài
  • Nên liên tục thay đổi tư thế trong lúc ngủ
  • Nên thường xuyên đứng dậy đứng dậy, vận động và đi lại nhẹ nhàng để giúp khí huyết được lưu thông
  • Không đặt tay dưới lưng, bụng hoặc đầu khi nằm để tránh mạch máu bị đè nén, khí huyết không lưu thông
  • Tránh ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân
  • Tránh đi lại quá nhiều
  • Hạn chế mang giày cao gót.

Tê tay chân sau sinh – Khi nào cần gặp bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp tê tay chân sau sinh xảy ra do nguyên nhân cơ học. Vì thế tình trạng này thường thuyên giảm sau vài ngày điều chỉnh tư thế sinh hoạt và áp dụng các phương pháp chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên trong một số trường hợp tê tay chân sau sinh xảy ra do huyết áp thấp, bệnh tiểu đường thai kỳ, hội chứng cổ tay và do các bệnh xương khớp khác. Chính vì thế để đảm bảo an toàn, những trường hợp dưới đây cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa và điều trị theo hướng dẫn:

  • Tê tay chân kéo dài trên 7 ngày, có tính liên tục và tăng mức độ nghiêm trọng theo thời gian.
  • Cảm giác tê bì, ngứa ran xuất hiện đồng thời với tình trạng đau nhức xương khớp, sưng khớp, cứng khớp, khó vận động hoặc ảnh hưởng đến khả năng đi lại.
  • Tê mỏi nhiều vị trí trên cơ thể hoặc tê kèm theo đau nhức từ thắt lưng xuống mông, bàn chân và các ngón chân.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Sốt cao.
  • Chân tay thay đổi màu sắc.
Khám bác sĩ khi tê tay chân kéo dài trên 7 ngày
Khám bác sĩ khi tê tay chân kéo dài trên 7 ngày, có tính liên tục và tăng mức độ nghiêm trọng theo thời gian

Nhìn chung hiện tượng tê tay chân sau sinh chủ yếu xảy ra do các nguyên nhân cơ học và thường thuyên giảm sau một vài ngày áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tê mỏi ở phụ nữ sau sinh xảy ra do nguyên nhân bệnh lý. Vì thế để đảm bảo an toàn, bạn cần đến bệnh viện khám và điều trị khi các triệu chứng kéo dài và tăng mức độ nghiêm trọng theo thời gian

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua