Tê tay (trái – phải): Nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Tê tay trái – phải là triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh lý về não, dây thần kinh và bệnh mãn tính. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, tê mỏi có thể xảy ra do cơ thể thiếu hụt vitamin B12 hoặc ngủ sai tư thế dẫn đến khí huyết kém lưu thông. Đối với trường hợp này, cảm giác tê buốt có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Tê tay là sự suy giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay hoặc/ và các ngón tay
Tê tay là sự suy giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay hoặc/ và các ngón tay kèm theo nhiều thay đổi khác

Tê tay trái – phải là gì?

Tê tay là sự suy giảm hoặc mất cảm giác ở bàn tay hoặc/ và các ngón tay. Thông thường tình trạng này kèm theo biểu hiện châm chích khó chịu, ngứa ran, tê bỏng và nhiều thay đổi khác.

Ngoài ra khi bị tê tay, cánh tay và các ngón tay có dấu hiệu yếu ớt hoặc vùng vệ, khó cầm nắm và giữ chặt đồ vật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân, tê mỏi có thể chạy dọc theo một dây thần kinh ở tay trái, tay phải hoặc đối xứng ở cả hai tay.

Nguyên nhân gây tê tay

Tê tay trái – phải thường xảy ra sau một kích thích, chấn thương hoặc chèn ép một/ nhiều dây thần kinh trong hệ thống thuộc cổ tay và cánh tay của bạn. Ngoài ra cảm giác tê bì khó chịu cũng có thể xảy ra ở những người có vấn đề ở não, tủy sống, bệnh tiểu đường hoặc những bệnh lý làm ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên.

Cụ thể một số nguyên nhân gây tê tay gồm:

1. Bệnh ở não và hệ thần kinh

Bệnh ở não và hệ thần kinh là nguyên nhân phổ biến gây tê tay trái – phải. Những trường hợp này thường nghiêm trọng và cần điều trị y tế càng sớm càng tốt.

+ Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là sự hao mòn đĩa đệm do tuổi tác. Khi những đĩa đệm cột sống cổ bị mất nước và co lại, không gian của tủy sống nhanh chóng bị thu hẹp (hẹp ống sống), viêm xương khớp tiến triển dẫn đến chèn ép tủy sống và dây thần kinh. Ngoài ra các tế bào xương cũng bị kích thích thích dẫn đến phát triển nhanh bất thường và hình thành gai cột sống.

Theo thời gian, gai cột sống cổ gia tăng kích thước và chèn ép vào rễ thần kinh dọc theo cột sống. Điều này khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác tê mỏi kèm theo ngứa ran, châm chích ở cánh tay, bàn tay và các ngón tay.

Tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép do thoái hóa cột sống cổ còn gây ra những triệu chứng sau:

  • Yếu ở bàn tay, cánh tay và các ngón tay
  • Tê, ngứa ran, châm chích và yếu ở chân hoặc bàn chân
  • Đi lại khó khăn, không thể phối hợp trong các động tác
  • Mất cảm giác ruột và bàng quang.
Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ khiến không gian của tủy sống bị thu hẹp dẫn đến chèn ép tủy sống và các dây thần kinh

+ Hội chứng Guillain Barre

Hội chứng Guillain Barre là một rối loạn hiếm gặp. Hội chứng này thể hiện cho tình trạng hệ thống miễn dịch bất thường và tấn công vào các dây thần kinh. Dây thần kinh tổn thương khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác tê, ngứa ran và yếu tứ chi. Sau một thời gian, những triệu chứng này sẽ lây lan và gây tê liệt toàn bộ cơ thể.

Một số triệu chứng khác của hội chứng Guillain Barre:

  • Cảm giác kim châm ở ngón chân, ngón tay, cổ tay và mắt cá chân
  • Khó thở
  • Huyết áp cao hoặc thấp
  • Nhịp tim nhanh
  • Khó kiểm soát bàng quang và ruột
  • Đau nhức
  • Không thể cử động mắt hoặc nhìn đôi
  • Khó đi bộ và leo cầu thang
  • Khó thực hiện những cử động trên gương mặt

+ Hội chứng paraneoplastic của hệ thần kinh

Hội chứng paraneoplastic của hệ thần kinh là tổng hợp những rối loạn ít gặp xảy ra ở người bị ung thư. Không chỉ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh dẫn đến tê mỏi, hội chứng này còn làm ảnh hưởng đến khớp (thấp khớp), máu, da và hormone.

Hội chứng paraneoplastic của hệ thần kinh tiến triển khi những tác nhân chống ung thư của hệ thống miễn dịch tấn công vào dây thần kinh ngoại vi, tủy sống, cơ hoặc những bộ phận của não.

Để nhận biết hội chứng paraneoplastic của hệ thần kinh, người bệnh dựa vào một số triệu chứng gồm:

  • Tê chi
  • Đi lại khó khăn
  • Khó hoặc không thể duy trì sự cân bằng
  • Yếu cơ hoặc mất trương lực cơ
  • Mất phối hợp cơ
  • Khó nuốt
  • Nói lắp
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Co giật
  • Thường xuyên xuất hiện ảo giác
  • Suy giảm nhận thức, mất trí nhớ
  • Cử động bất thường không chủ ý
  • Rối loạn giấc ngủ.

+ Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh lý thần kinh ngoại biên xảy ra khi tủy sống (dây thần kinh ngoại biên) và các dây thần kinh bên ngoài não bị tổn thương do nhiễm trùng, chấn thương hoặc rối loạn trao đổi chất. Bệnh lý này khiến bàn tay và bàn chân thường xuyên tê mỏi, yếu và đau.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lý thần kinh ngoại biên:

  • Bàn tay hoặc bàn chân có dấu hiệu tê mỏi kèm theo ngứa ran hoặc có cảm giác kim châm. Triệu chứng này có thể lan rộng đến tay và chân.
  • Đau buốt, đau nhói hoặc nóng rát
  • Yếu cơ
  • Giảm khả năng phối hợp
  • Tê liệt
  • Không dung nạp nhiệt độ
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Thay đổi huyết áp
  • Xuất hiện các vấn đề ở tiêu hóa, bàng quang và ruột
Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bệnh lý thần kinh ngoại biên khiến bàn tay hoặc bàn chân tê mỏi kèm theo ngứa ran hoặc có cảm giác kim châm

+ Chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống là nguyên nhân gây tê tay thường gặp. Chấn thương có thể gây tổn thương bất kỳ đoạn nào của tủy sống hoặc làm tổn thương dây thần kinh cuối ống sống. Ngoài cảm giác tê bì khó chịu, người bệnh còn bị yếu cơ và có nguy cơ liệt nửa người.

+ Đột quỵ

Tê tay có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị giảm hoặc gián đoạn khiến các mô não không nhận được chất dinh dưỡng và oxy. Điều này khiến tế bào não chết trong vài phút. Đột quỵ cần được điều trị y tế ngay lập tức để hạn chế nguy cơ tử vong.

Triệu chứng cảnh báo đột quỵ:

  • Tê ở tay, mặt hoặc chi
  • Đau đầu
  • Đi lại khó khăn
  • Khó nói và khó hiểu
  • Nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt.

2. Chấn thương

Tê tay thường xảy ra do những chấn thương nghiêm trọng, bao gồm:

+ Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Đám rối thần kinh cánh tay là hệ thống các dây thần kinh truyền tín hiệu đến vai, cánh tay và bàn tay từ tủy sống. Khi đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương, người bệnh sẽ có cảm giác tê bì, yếu ở tay, chân và vai. Tổn thương đám rối cánh tay xuất hiện khi các dây thần kinh bị nén, kéo căng hoặc bị xé ra khỏi tủy sống.

Triệu chứng thường gặp:

  • Tê bì và yếu ở tay, chân và vai
  • khó vận động, yếu cơ
  • Có cảm giác nóng bỏng dọc theo cánh tay hoặc như bị điện giật
  • Đau dữ dội và giảm cảm giác ở cánh tay
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác tê bì, yếu ở tay, chân và vai

+ Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng tê, ngứa ran, đau và yếu ở cánh tay và bàn tay. Hội chứng này xảy ra khi các dây thần kinh giữa thuộc ống cổ tay bị đè nén và tổn thương.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng ống cổ tay gồm:

  • Tê, ngứa ran, đau và yếu ở cánh tay và bàn tay
  • Có cảm giác như điện giật ở các ngón tay
  • Tê và yêu cơ
  • Giảm sức mạnh, tay yếu và khó cầm nắm đồ vật

+ Frostbite

Frostbite là một chấn thương ít gặp. Chấn thương này xảy ra khi da và các mô bên dưới bị đóng băng dẫn đến đỏ, lạnh và tê cứng ở các ngón tay, ngón chân, cằm, má, tai và mũi. Tuy nhiên Frostbite không gây tổn thương da vĩnh viễn.

Frostbite gây ra những bất thường sau:

  • Da lạnh và có cảm giác châm chích
  • Da cứng tương tự như sáp
  • Da đỏ, vàng xám, trắng hoặc trắng xanh
  • Cứng cơ, cứng khớp
  • Hạn chế khả năng vận động

3. Bệnh mãn tính

Một số bệnh mãn tính gây tê tay trái – phải gồm:

+ Rối loạn sử dụng rượu

Rối loạn sử dụng rượu là một dạng rối loạn liên quan đến vấn đề kiểm soát hành động uống rượu. Rối loạn này khiến người bệnh luôn nghĩ đến rượu, tiếp tục sử dụng rượu kể cả khi nó khiến sức khỏe suy giảm, người bệnh có triệu chứng cai nghiện (khi ngừng hoặc giảm uống nhanh chóng) hoặc uống nhiều hơn để đạt hiệu quả tương tự.

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, rối loạn sử dụng rượu gây tê tay kèm theo những tình trạng sau:

  • Không thể giới hạn lượng rượu uống
  • Dành nhiều thời gian uống rượu
  • Phục hồi sức khỏe sau khi uống rượu
  • Không thể cắt giảm lượng rượu uống
  • Thèm hoặc muốn uống rượu
  • Xuất hiện các triệu chứng cai nghiện như run rẩy, đổ mồ hôi và buồn nôn

+ Bệnh tiểu đường

Mặc dù ít gặp nhưng bệnh tiểu đường có thể gây tê bì bàn tay và ngón tay. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao khiến các dây thần kinh bị tổn thương. Tổn thương do bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến viêm dây thần kinh ngoại biên và gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường khiến các dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến tê yếu bàn tay và các ngón tay

+ Bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng là một bệnh lý nghiêm trọng có khả năng gây tàn phế cho tủy sống và não. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào lớp vỏ bao phủ và bảo vệ các sợi dây thần kinh. Từ đó làm mất liên lạc giữa não và các cơ quan còn lại của cơ thể. Ngoài ra nếu không kịp thời kiểm soát bệnh đa xơ cứng có thể gây suy giảm hoặc làm tổn thương vĩnh viễn các dây thần kinh.

Tùy thuộc vào loại và số lượng dây thần kinh bị tổn thương, bệnh đa xơ cứng gây ra những triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Tê và yếu ở một hoặc nhiều chi
  • Có cảm giác như điện giật khi thực hiện một số cử động ở cổ, nhất là khi cúi cổ về phía trước
  • Thay đổi dáng đi hoặc đi không vững
  • Thiếu phối hợp
  • Run
  • Xuất hiện các vấn đề về thị lực (nhìn đôi, giảm hoặc mất thị lực)
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Đau hoặc ngứa ran các bộ phận của cơ thể
  • Rối loạn chức năng ruột, bàng quang và khả năng tình dục.

+ Bệnh Raynaud

Bệnh Raynaud khiến ngón tay, ngón chân hoặc một số vùng trên cơ thể bị tê và lạnh khi căng thẳng hoặc khi gặp nhiệt độ lạnh. Bệnh xảy ra khi những động mạch nhỏ có nhiệm vụ cung cấp máu cho da bị thu hẹp khiến lượng máu lưu thông đến các khu vực trong cơ thể giảm.

Triệu chứng:

  • Ngón tay, ngón chân tê và lạnh
  • Thay đổi màu da
  • Tê, có cảm giác như kim châm hoặc đau nhói khi giảm căng thẳng và ủ ấm

+ Hội chứng Sjogren

Hội chứng Sjogren là một rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn đến khô miệng, khô mắt kèm theo tê tay. Rối loạn này thường xuất hiện đồng thời với bệnh lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp và một số rối loạn hệ thống miễn dịch khác.

Triệu chứng nhận biết hội chứng Sjogren:

  • Giảm nước mắt, nước bọt dẫn đến khô miệng, khô mắt
  • Cứng, sưng và đau khớp
  • Tê tay
  • Các tuyến nước bọt bị sưng
  • Khô âm đạo
  • Cơ thể mệt mỏi kéo dài
  • Ho khan dai dẳng
  • Da khô hoặc phát ban

4. Các nguyên nhân khác

Ngoài những chấn thương và bệnh lý phổ biến nêu trên, tê tay trái – phải còn xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Các bệnh truyền nhiễm: Bệnh giang mai, bệnh lyme
  • U nang hạch
  • Thoát vị đĩa đệm cổ
  • Phồng đĩa đệm
  • Đau tim
  • Viêm mạch máu
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV hoặc hóa trị liệu
  • Thiếu vitamin B12 làm ảnh hưởng đến quá trình sản sinh các tế bào hồng cầu. Đồng thời làm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và não bộ
  • Bệnh Amyloidosis (hiện tượng tích tụ protein bất thường trong các cơ quan)
  • Chấn thương vai
  • Cầm nắm đồ vật trong thời gian dài
  • Ngủ sai tư thế khiến mạch máu và các dây thần kinh ở tay bị chèn ép
Ngủ sai tư thế khiến mạch máu và các dây thần kinh ở tay bị chèn ép
Ngủ sai tư thế khiến mạch máu và các dây thần kinh ở tay bị chèn ép dẫn đến tê mỏi khó chịu ở bàn tay và cánh tay

Tê tay trái – phải có nguy hiểm không?

Nếu xảy ra do các nguyên nhân cơ học (ngủ sai tư thế, thiếu vitamin B12, cầm nắm đồ vật trong thời gian dài…), tê tay trái – phải hầu như không nguy hiểm và thường được kiểm soát bằng cách bổ sung dinh dưỡng, thay đổi tư thế ngủ và vận động nhẹ nhàng.

Đối với những trường hợp tê tay do bệnh lý, việc không sớm thăm khám và điều trị có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng sau:

  • Yếu cơ
  • Mất khả năng vận động
  • Tê liệt
  • Bại liệt nửa người.

Tê tay – Khi nào cần đến bác sĩ?

Tê tay xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế việc xác định nguyên nhân gây bệnh trước khi định hướng điều trị là điều quan trọng. Người bệnh cần đến bác sĩ khi rơi vào một trong những trường hợp sau:

  • Đột ngột tê ở bàn tay hoặc ngón tay
  • Tê kèm theo triệu chứng tê liệt hoặc yếu, khó nói, chóng mặt, lú lẫn, đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Tê tay kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn
  • Cảm giác tê bì làm ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể hoặc lan rộng đến nhiều bộ phận khác
  • Tê mất đi, sau đó nhanh chóng tái phát
  • Hạn chế khả năng cử động và cầm nắm đồ vật.

Chẩn đoán tê tay

Nguyên nhân và mức độ tê tay thường được chẩn đoán bằng cách kiểm tra bệnh sử (bao gồm cả rối loạn nghiện rượu), tiền sử chấn thương, loại thuốc đang dùng, triệu chứng lâm sàng và tổn thương trên hình ảnh.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng thường dựa vào những yếu tố sau:

  • Đặc điểm tê tay và những biểu hiện đi kèm (lạnh, tê liệt, yếu, khó nói, chóng mặt, lú lẫn, đau đầu đột ngột, đau dữ dội, rối loạn chức năng hoặc mất cảm giác ở ruột và bàng quang…)
  • Những bộ phận bị ảnh hưởng bởi triệu chứng tê bì
  • Kiểm tra và đánh giá triệu chứng toàn thân
  • Đánh giá khả năng co bàn tay, chuyển động của các ngón tay cầm nắm đồ vật và khả năng vận động
  • Kiểm tra dáng đi và khả năng phối hợp giữa các chi

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Để xác định chính xác nguyên nhân gây tê tay, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật kiểm tra tổn thương xương khớp, khả năng chèn ép rễ thần kinh và tủy sống, chụp giải phẫu cổ và kiểm tra chức năng thần kinh. Từ đó đánh giá mức độ nghiêm trọng và có hướng xử lý hiệu quả, tránh tổn thương kéo dài dẫn đến bại liệt.

Một số kỹ thuật chẩn đoán thường được áp dụng gồm:

Sau khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật can thiệp.

Chẩn đoán tê tay
Tê tay được chẩn đoán bằng cách kiểm tra bệnh sử, loại thuốc đang dùng, triệu chứng lâm sàng và tổn thương trên hình ảnh

Phương pháp điều trị tê tay

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể điều trị tê tay bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật điều trị. Nếu chỉ thỉnh thoảng tê tay, người bệnh không cần điều trị vì triệu chứng này có thể tự khỏi sau 1 – 2 ngày.

Các phương pháp điều trị tê tay thường được áp dụng gồm:

1. Chăm sóc và giảm tê tay tại nhà

Trong trường hợp tê tay nhẹ, thỉnh thoảng bị tê hoặc xảy ra do những nguyên nhân cơ học, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà để cải thiện tình trạng, cụ thể:

+ Tập thể dục

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục chính là biện pháp điều trị tê tay hiệu quả. Bởi việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày có thể giúp người bệnh thư giãn mạch máu và duy trì quá trình lưu thông máu về các bộ phận trong cơ thể.

Ngoài ra tập thể dục còn giúp thư giãn khớp xương, tăng cường sức mạnh cơ bắp, nâng cao sức khỏe tổng thể. Đồng thời duy trì đường cong tự nhiên của cột sống, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống cổ. Từ đó phòng ngừa và hạn chế tê tay hiệu quả.

Tập thể dục
Tập thể dục giúp thư giãn, duy trì quá trình lưu thông máu, giảm thoái hóa cột sống cổ, phòng ngừa và hạn chế tê tay

+ Sử dụng nẹp bảo vệ cổ tay

Người bệnh có thể sử dụng nẹp hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ cổ tay. Điều này giúp giữ cho cổ tay thẳng, hạn chế tăng áp lực lên dây thần kinh giữa. Từ đó phòng ngừa và điều trị tê tay hiệu quả. Nẹp và những biện pháp bảo vệ cổ tay nên được sử dụng trong khi ngủ, hoặc thực hiện những công việc cần lặp đi lặp lại một động tác.

+ Thay đổi tư thế ngủ

Ngủ sai tư thế gây tê tay nghiêm trọng. Chính vì thế để phòng ngừa và cải thiện tình trạng, người bệnh nên liên tục thay đổi tư thế ngủ, không nên chỉ duy trì từ 1 – 2 tư thế. Ngoài ra một số lưu ý khi ngủ dưới đây có thể giúp bạn phòng ngừa tê mỏi hiệu quả:

  • Không nằm ngủ ở tư thế bào thai
  • Không nên dùng chăn quấn chặt cơ thể khi ngủ
  • Để cánh tay dọc sang hai bên cơ thể nếu nằm sấp
  • Không nên đặt tay sau đầu hoạc khoanh tay dưới gối khi ngủ
  • Nên ngủ với tự thế nằm ngửa.

+ Tăng cường bổ sung vitamin B12

Nếu tê tay xảy ra do cơ thể thiếu hụt vitamin B12, người bệnh có thể sử dụng viên uống bổ sung hoặc tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm giàu vitamin B12. Loại vitamin này sẽ giúp bạn tăng quá trình sản sinh các tế bào hồng cầu. Đồng thời duy trì sức khỏe cùng các hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương và não bộ. Từ đó phòng ngừa và giảm tê mỏi hiệu quả.

Những loại thực phẩm giàu vitamin B12 gồm:

  • Thịt bò
  • Cá mòi
  • Ngũ cốc
  • Ngao
  • Gan động vật
  • Cá ngừ
  • Cá hồi
  • Sữa, phô mai, sữa chua
  • Trứng…
Tăng cường bổ sung vitamin B12
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12 cho những trường hợp bị tê tay do cơ thể thiếu hụt vitamin B12

+ Sử dụng kem bôi hoặc miếng dán giảm tê

Để điều trị tại chỗ, người bệnh có thể sử dụng capsaicin dạng kem bôi hoặc miếng dán Lidocain. Đây đều là những loại thuốc không kê đơn có tác dụng giảm tê, cải thiện các bệnh thần kinh ngoại biên và giảm đau nhẹ.

+ Sử dụng tinh dầu bạc hà

Người bệnh có thể sử dụng tinh dầu bạc hà bôi vào ống cổ tay để giảm tê và cải thiện những triệu chứng đi kèm. Bởi các hoạt chất trong tinh dầu bạc hà có tác dụng làm ấm cơ thể, kích thích lưu thông máu, giảm đau nhức và tê mỏi.

Để tăng hiệu quả giảm tê từ tinh dầu bạc hà, người bệnh nên thực hiện thêm các động tác xoa bóp sau khi thoa tinh dầu lên cổ tay.

2. Sử dụng thuốc

Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ và sử dụng các loại thuốc dưới đây nếu bị tê tay kéo dài:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Những loại thuốc chống viêm không steroid như aspirin và Ibuprofen có tác dụng giảm viêm và đau. Điều này giúp hạn chế những ảnh hưởng đến bàn tay, cổ tay và cột sống. Từ đó hạn chế tổn thương dây thần kinh và giảm tê bì.
  • Thuốc chống trầm cảm: Để điều trị chứng đau thần kinh dẫn đến tê tay, người bệnh có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc này có tác dụng ức chế quá trình gửi tín hiệu đau về não bộ. Từ đó giúp giảm căng thẳng, giảm đau dây thần kinh dẫn đến tê mỏi. Ngoài ra thuốc chống trầm cảm còn có tác dụng an thần và cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.
  • Thuốc chống co giật: Thuốc chống co giật thường được chỉ định cho những người mắc chứng động kinh dẫn đến đau dây thần kinh và tê bì. Trong đó Pregabalin (Lyrica) và Gabapentin (Gralise, Neurontin) là những thuốc thường được sử dụng.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả. Ngoài ra trong điều trị tê tay, phẫu thuật còn được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Tê tay do hẹp ống sống
  • Dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép, tổn thương
  • Có khả năng bại liệt nửa người.

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng người bệnh có thể được phẫu thuật giải phóng mạch máu hoặc dây thần kinh bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm cổ, phồng đĩa đệm, u nang mạch, hội chứng ống cổ tay.

Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả, dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép

Tê tay (trái – phải) có thể xảy ra do cơ thể thiếu hụt vitamin B12, ngủ sai tư thế, thiếu vận động khiến khí huyết kém lưu thông, mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài ra tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh ý nguy hiểm cần được điều trị y tế khẩn cấp như đột quỵ, chấn thương cột sống, bệnh về não và dây thần kinh…

Chính vì thế, nếu thường xuyên bị tê tay, tê tay kéo dài hoặc mức độ tê tăng theo thời gian (có hoặc không kèm theo các biểu hiện khác), người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp sớm khắc phục bệnh và hạn chế phát sinh rủi ro.

Bài viết liên quan:

Bình luận

  1. Phạm Anh Thư says: Trả lời


    Cháu năm nay 16 tuổi cháu đang bị tê tay kéo dài từ đầu là ngón út tay trái sau đó lan ra bàn tay có khi nó lại hết xong lại táy phát đợt nó lan ra cánh tay cháu đã đến bác sĩ và chụp X quang và bị chẩn đoán là bị chèn ép dây thần kinh cháu uống thuốc nhưng chỉ thấy bớt 1 chút ạ vậy cháu nên làm gì để cải thiện ạ liệu cháu có nên đi bệnh viện lớn k ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua