Vì Sao Sáng Ngủ Dậy Bị Đau Chân? Cách Khắc Phục

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Sáng ngủ dậy bị đau chân thường do máu lưu thông kém, ngủ không ngon giấc, giãn tĩnh mạch chân. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân bị đau do bệnh lý xương khớp. Để điều trị, người bệnh cần khắc phục nguyên nhân, giảm đau bằng các biện pháp chăm sóc hoặc dùng thuốc.

Sáng ngủ dậy bị đau chân
Sáng ngủ dậy bị đau chân do nhiều nguyên nhân nhưng thường không nghiêm trọng

Vì sao sáng ngủ dậy bị đau chân?

Sáng ngủ dậy bị đau chân là tình trạng phổ biến, thường xảy ra ngay sau khi bước xuống giường. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau mỏi từ vùng đùi xuống bắp chân và bàn chân. Đôi khi đau khu trú ở cổ – bàn chân, đau bắp chân khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Cơn đau thường không quá nghiêm trọng, nhiều trường hợp có thể ngăn ngừa và điều trị bằng các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên một số bệnh nhân bị đau nhức dai dẳng, đau nhiều do bệnh lý, cần được điều trị y tế sớm.

Có nhiều nguyên nhân gây đau chân khi ngủ dậy. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

1. Không nhận đủ oxy khi ngủ

Sáng ngủ dậy bị đau chân thường do cơ thể không nhận đủ oxy trong hệ thống tuần hoàn. Tình trạng này khiến người bệnh ngủ không đủ giấc, cơ thể mệt mỏi, không đủ thời gian để sửa chữa, phục hồi mô/ tế bào bị tổn thương. Từ đó tạo cảm giác nhức mỏi chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.

Ngoài ra, hội chứng chân không nghỉ có thể khởi phát do cơ thể không nhận đủ oxy trong hệ thống tuần hoàn hoặc thiếu sắt. Hội chứng này gây ra những cơn đau nhói, tê dần dần, co kéo, khó chịu ở chân không thể kiểm soát, buộc chân phải di chuyển liên tục. Các triệu chứng có thể xảy ra trong khi ngủ, kéo dài đến khi thức dậy.

Cơ thể không nhận đủ oxy trong hệ thống tuần hoàn thường gặp ở người có vấn đề về hô hấp. Chẳng hạn như dị ứng mũi, hội chứng ngưng thở khi ngủ, viêm xoang, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

2. Tuần hoàn máu kém

Giữ nguyên một tư thế khi ngủ làm tăng áp lực lên chân, giảm quá trình lưu thông máu. Điều này gây ra cảm giác đau nhức và tê mỏi vào buổi sáng khi ngủ dậy, ảnh hưởng đến khả năng đi lại và vận động. Tuy nhiên các triệu chứng thường giảm nhanh khi xoa bóp nhẹ nhàng.

Tuần hoàn máu kém có thể gây đau chân khi ngủ dậy
Tuần hoàn máu kém do làm tăng áp lực lên chân, duy trì một tư thế khi ngủ có thể gây đau chân vào buổi sáng

3. Hoạt động quá mức vào hôm trước

Sáng ngủ dậy bị đau chân thường do người bệnh hoạt động thể chất hoặc luyện tập quá mức vào hôm trước. Khi xảy ra tình trạng quá tải, hệ thống xương khớp, cơ bắp và dây chằng bắt đầu mệt mỏi, tạo ra các biểu hiện khó chịu vào buổi sáng hôm sau.

Ngoài ra cơ thể thường cố gắng sửa chữa các mô vào ban đêm, trong khi chân nghỉ ngơi. Tuy nhiên quá trình này góp phần khiến cho chân bị đau nhức, tạo ảm giác khó chịu cho người bệnh.

Cảm giác đau và mỏi chân cũng xảy ra ở những người mới tập thể dục ngày đầu, đột ngột tăng cường độ hoặc thay đổi chương trình luyện tập. Các triệu chứng thường chỉ kéo dài trong vòng 24 – 72 giờ.

4. Chấn thương

Sáng ngủ dậy bị đau chân có thể là triệu chứng muộn của chấn thương. Điều này thường xảy ra trong khi chơi thể thao, hoạt động thể chất, tai nạn… Thông thường chấn thương khiến người bệnh đau đớn đột ngột kèm theo tình trạng sưng nề do gân, cơ hoặc dây chằng bị rách/ đứt.

Tuy nhiên triệu chứng khởi phát muộn hơn ở những người bị chấn thương nhẹ, dải mô bị kích thích hoặc viêm. Các triệu chứng thường nhẹ, giảm nhanh bằng biện pháp chăm sóc.

Riêng bệnh nhân bị viêm gân sau chấn thương (viêm cân gan bàn chân, viêm gân gót chân) cần thận trọng, sớm thăm khám nếu triệu chứng lặp lại thường xuyên hoặc kéo dài. Viêm gân sau chấn thương có thể chuyển sang thể mãn tính, gân bị kích ứng và suy giảm chức năng kéo dài, tăng nguy cơ đứt gân.

5. Giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng tĩnh mạch ngoại biên của chân bị giãn ra và nổi rõ trên bề mặt da (đặc biệt ở bắp chân). Thông thường, hệ thống tĩnh mạch ngoại biên bơm máu theo một chiều với thứ tự tĩnh mạch nông – tĩnh mạch xuyên – tĩnh mạch sâu – tim. Quá trình này nhờ hệ thống van tĩnh mạch và sự co cơ.

Nếu có áp lực lớn khiến van bị tổn thương, máu đi theo chiều ngược lại với tuần hoàn, tăng áp lực lên thành tĩnh mạch dẫn đến giãn tĩnh mạch chân (suy giãn tĩnh mạch chân). Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ mang thai, thường xuyên đi giày cao gót, béo phì, người ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động…

Giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân cản trở lưu thông máu dẫn đến sáng ngủ dậy bị đau chân

Giãn tĩnh mạch chân thường gây đau mỏi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, ngồi hoặc đứng lâu. Ngoài đau, người bệnh còn còn có những biểu hiện sau:

  • Tê rần, châm chích
  • Cứng, ngứa ran, nặng nề hai chân
  • Tĩnh mạch sưng, phù, phình to và lộ rõ trên bề mặt da
  • Tĩnh mạch có thể xanh hoặc hơi đỏ, nhỏ hoặc to
  • Thay đổi màu sắc da, da khô, nóng và mỏng hơn thông thường
  • Nhiễm trùng mô hoặc lở loét ở mắt cá chân
  • Thường xuyên cứng cẳng chân và chuột rút vào ban đêm.

6. Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Sáng ngủ dậy bị đau chân thường gặp ở bệnh nhân bị thiếu hụt những chất dinh dưỡng dưới đây:

  • Magie: Magie đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xương khớp chắc khỏe và duy trì chức năng cho cơ. Thiếu chất dinh dưỡng này có thể dẫn đến chuột rút, ngứa ran, tê, xoắn và đau mỏi. Các triệu chứng thường xảy ra ở ngón chân, bàn chân và bắp chân.
  • Chất sắt: Chất sắt giúp liên kết oxy với những tế bào máu, tạo hồng cầu và duy trì hệ tuần hoàn khỏe mạnh. Thiếu chất này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy, gây chuột rút, đau chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
  • Vitamin D: Loại vitamin này giúp tăng hấp thụ canxi xây dựng xương khớp chắc khỏe, duy trì hoạt động lành mạnh của khớp và xương. Thiếu vitamin D có thể làm phát sinh những cơn đau nhức trên khắp cơ thể, trong đó có chân.

7. Ngủ không ngon giấc

Mỗi giai đoạn trong chu kỳ giấc ngủ đều có vai trò quan trọng trong việc điều hòa và chữa lành cơ thể. Trong đó giai đoạn ngủ sâu của chu kỳ – giai đoạn 4 và 5 (sóng Delta và REM) chịu tránh nhiệm mã hóa và đánh giá ký ức, giúp cơ thể lưu lại những thông tin mới thu được.

Giai đoạn ngủ nhẹ – giai đoạn 2 và 3 (sóng Alpha và Theta) giúp duy tri các cơ và khớp bị đau, tăng khả năng phục hồi. Việc bỏ lỡ những giai đoạn này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi sau khi ngủ dậy mà còn gây đau nhức cơ bắp.

8. Viêm xương khớp

Viêm xương khớp (viêm khớp do thoái hóa, thoái hóa khớp) là một dạng viêm khớp mãn tính thường gặp, liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Bệnh xảy ra khi sụn khớp bị phá hủy hoặc hao mòn cấu trúc, các đầu xương trong cùng một khớp cọ xát vào nhau. Điều này khiến bệnh nhân thường xuyên đau đớn, giảm chức năng vận động.

Viêm xương khớp
Viêm xương khớp khiến bệnh nhân đau nhức, cứng, sưng khớp, giảm chức năng vận động

Bệnh viêm xương khớp gây đau nhẹ hoặc nặng nhưng âm ỉ kéo dài. Đau có thể xảy ra trong khi ngủ, vào buổi sáng khi vừa thức dậy. Ngoài cảm giác đau đớn, người bệnh còn gặp các triệu chứng sau:

  • Cứng khớp
  • Sưng khớp
  • Khớp tổn thương phát ra âm thanh khi di chuyển
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Hình thành gai xương
  • Biến dạng khớp

9. Suy giáp

Chứng suy giáp có thể gây đau bàn chân và gót chân sau khi ngủ dậy. Bệnh lý này được đặc trưng bởi tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp và sự phá vỡ các chất hóa học trong cơ thể.

Suy giáp có thể gây sưng tấy và viêm ở chân (đặc biệt là bàn chân, gót chân và mắt cá chân), tăng nguy mắc hội chứng ống cổ chân. Từ đó gây ra những tổn thương và sự chèn ép dây thần kinh dẫn đến đau đớn.

Sáng ngủ dậy bị đau chân có ảnh hưởng gì không?

Đau nhức chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến chức năng vận động. Tuy nhiên triệu chứng thường được ngăn ngừa và giảm nhanh khi áp dụng các biện pháp chăm sóc. Ngoài ra cơn đau thường chỉ kép dài trong vòng 72 tiếng.

Trong một số trường hợp khác, đau chân kèm theo nhiều triệu chứng (sưng tấy, cứng khớp, tê bì, nhức mỏi…), đau dai dẳng hoặc tái diễn nhiều lần. Những trường hợp này cần được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân. Đồng thời điều trị theo hướng dẫn để tránh phát sinh các vấn đề nghiêm trọng khác.

Sáng ngủ dậy bị đau chân thường nhẹ
Sáng ngủ dậy bị đau chân thường nhẹ, triệu chứng giảm nhanh khi áp dụng biện pháp chăm sóc

Một số ảnh hưởng từ chấn thương, bệnh lý xương khớp không được điều trị:

  • Đau mãn tính
  • Viêm gân mãn tính
  • Tăng nguy cơ đứt gân, đứt dây chằng
  • Giảm khả năng vận động
  • Teo cơ chân

Chẩn đoán đau chân sau khi ngủ dậy

Sáng ngủ dậy bị đau chân thường không cần thăm khám và điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nếu có một trong những vấn đề sau:

  • Sáng ngủ dậy bị đau chân nặng nề, đau tái diễn nhiều lần
  • Cơn đau kéo dài hoặc/ và kèm theo biểu hiện khác như mỏi, co cứng, tê bì, ngứa ran, hạn chế khả năng vận động…
  • Đau sau chấn thương và lạm dụng cơ bắp quá mức
  • Viêm xương khớp

Để đánh giá tình trạng, người bệnh được kiểm tra mức độ và thời điểm đau, các biểu hiện đi kèm, tiền sử bệnh và chấn thương. Ngoài ra bệnh nhân được xét nghiệm hình ảnh. Điều này giúp xác định chính xác nguyên nhân, vị trí tổn thương và mức độ ảnh hưởng.

Dưới đây là một số chỉ định phổ biến:

Điều trị đau chân sau khi ngủ dậy

Sáng ngủ dậy bị đau chân là tình trạng thường gặp, có thể tự giảm hoặc được kiểm soát tốt bằng các biện pháp chăm sóc. Ở những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể được dùng thuốc hoặc vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

1. Xoa bóp

Để ngăn ngừa và giảm nhẹ cảm giác đau đớn, người bệnh có thể xoa bóp nhẹ nhàng. Biện pháp này giúp cải thiện tuần hoàn máu, thư giãn các khớp xương và cơ bắp, cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra xoa bóp nhẹ nhàng giúp giảm tê bì, đau đớn và khó chịu ở một số vị trí trên cơ thể.

Biện pháp này có thể được thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi ngủ dậy. Khi xoa bóp, cần thực hiện thao tác nhẹ nhàng với lực vừa phải, từ 5 – 10 phút. Không mạnh tay để tránh kích thích khiến cơn đau thêm nghiêm trọng.

Xoa bóp
Xoa bóp giúp giảm đau, cải thiện giấc ngủ, tăng tuần hoàn máu, thư giãn các khớp xương và cơ bắp

2. Vận động nhẹ nhàng

Hầu hết trường hợp bị đau chân sau khi ngủ dậy có đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà. Những người bị đau và tê bì được khuyên tập yoga và vận động nhẹ nhàng để tăng tuần hoàn máu ở chân trước khi đi ngủ.

Một số bài tập thể dục hoặc động tác kéo giãn nhẹ nhàng có thể giúp thư giãn xương khớp và các mô hỗ trợ (cơ bắp, dây chằng, gân), tăng cường sự dẻo dai, cải thiện lưu thông máu. Từ đó giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ cảm giác tê bì, đau chân. Đồng thời thúc đẩy sự liên kết khắp cơ thể.

Ngoài ra, đi dạo hoặc đi bộ đường dài, chạy bộ vào chiều tối; dùng bóng massage hoặc con lăn để xoa bóp cơ bắp chân… cũng là những biện pháp tăng cường tuần hoàn máu trước khi ngủ, phòng ngừa và giảm đau hiệu quả.

3. Ăn uống dinh dưỡng

Nếu sáng ngủ dậy bị đau chân do thiếu chất, người bệnh cần thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D, chất sắt và magie để hỗ trợ ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng ở chân.

Biện pháp này giúp duy trì quá trình cung cấp oxy, tạo hồng cầu, tăng lưu thông máu. Đồng thời duy trì hoạt động lành mạnh của khớp và xương, làm chậm quá trình thoái hóa, giúp xương khớp chắc khỏe.

Ngoài ra bổ sung đủ vitamin và khoáng chất còn giúp ngăn ngừa chuột rút, đau chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, duy trì sức khỏe tổng thể và chức năng của cơ.

4. Cải thiện giấc ngủ và tư thế

Nên đảm bảo ngủ sớm và ngủ đủ giấc để chân được nghỉ ngơi hoàn toàn, tạo điều kiện cho cơ thể hồi phục và chữa lành mô. Ngoài ra nên thường xuyên thay đổi tư thế trong khi ngủ. Điều này giúp khí huyết lưu thông dễ dàng, ngăn ngừa và giảm nhẹ các vấn đề ở chân sau khi ngủ dậy.

Nếu đau nhức liên quan đến giãn tĩnh mạch chân hoặc chấn thương, người bệnh nên nâng cao chân khi ngủ hoặc nằm nghỉ. Điều này giúp máu lưu thông về tim dễ dàng, giảm sưng và phù tĩnh mạch, hạn chế đau nhức.

Nâng cao chân khi ngủ hoặc nằm nghỉ
Nâng cao chân khi ngủ hoặc nằm nghỉ giúp giảm sưng đau, máu lưu thông về tim dễ dàng

5. Chườm đá hoặc chườm ấm

Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể chườm đá hoặc chườm ấm để cải thiện.

  • Chườm đá

Nếu đau nhức do chấn thương, hãy dùng một túi chườm lạnh hoặc túi đá áp lên vùng bị đau. Biện pháp này có tác dụng co mạch, giảm máu lưu thông về khu vực bị thương, hạn chế ứ huyết, giảm sưng và đau. Chườm lạnh lên được áp dụng trong 72 giờ, mỗi 3 – 4 giờ 1 lần 20 phút.

  • Chườm ấm

Chườm ấm phù hợp với bệnh nhân bị đau chân do lưu thông máu kém, bệnh xương khớp hoặc một số vấn đề liên quan. Biện pháp này có tác dụng thư giãn cơ xương khớp, giãn mạch, cải thiện tuần hoàn máu. Từ đó giúp giảm nhẹ cơn đau và biểu hiện tê bì khó chịu.

Ngoài ra chườm ấm còn có tác dụng cải thiện vận động, giảm cứng khớp, thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Biện pháp này nên được thực hiện mỗi ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20 phút.

6. Sử dụng thuốc

Nếu đau nhức nặng nề hoặc tái diễn nhiều lần, người bệnh cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Một số loại thuốc thường được sử dụng:

  • Acetaminophen: Thuốc này phù hợp với những cơn đau nhẹ, đau dai dẳng do chấn thương hoặc lạm dụng cơ bắp. Acetaminophen có tác dụng giảm đau và hạ sốt, thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, Naproxen, Aspirin là những loại thuốc kháng viêm không steroid thường được dùng. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, trị viêm. Thuốc phù hợp với những bệnh nhân bị viêm xương khớp, đau cơ do viêm hoặc những cơn đau có mức độ vừa.
  • Thuốc giãn cơ: Nếu đau chân sau khi ngủ dậy kèm theo chuột rút, co thắt hoặc co cứng cơ bắp, nhóm thuốc giãn cơ có thể được chỉ định. Thuốc này có tác dụng giảm đau, thư giãn cơ bắp, trị cứng và co thắt cơ.
  • Levothyroxine: Thuốc Levothyroxine được chỉ định cho bệnh nhân bị suy giáp. Thuốc có tác dụng cung cấp hormone tuyến giáp, khắc phục các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên thuốc này không được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm giáp bán cấp.

    Sử dụng thuốc
    Sử dụng thuốc theo chỉ định nếu đau nhức chân nặng nề hoặc tái diễn nhiều lần

7. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu được áp dụng cho những trường hợp sau:

  • Sáng ngủ dậy bị đau chân do bệnh xương khớp
  • Đau nhức dai dẳng kèm theo tê bì kéo dài
  • Co cứng, khó vận động
  • Mô tổn thương cần hồi phục chức năng

Trong quá trình vật lý trị liệu, người bệnh thường được hướng dẫn các bài tập kéo giãn và tăng cường cơ. Những bài tập này có tác dụng cải thiện sức mạnh và chức năng cho cơ bắp, tăng cường sự dẻo dai cho khớp xương, tăng lưu thông máu, giảm đau và cải thiện khả năng vận động.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn giúp cải thiện tình trạng tê bì, đau nhức do chèn ép, người bệnh vận động linh hoạt. Đồng thời ngăn đau nhức và cứng khớp tái diễn. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được sử dụng thêm nhiệt trị liệu, massage trị liệu… để khắc phục tình trạng.

Ngăn ngừa sáng ngủ dậy bị đau chân

Đau chân khi ngủ dậy có thể được ngăn ngừa bằng nhiều biện pháp dưới đây:

  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
  • Tránh đè lên một chân hoặc duy trì một tư thế trong khi ngủ. Nên thường xuyên thay đổi tư thế để tăng tuần hoàn khí huyết.
  • Nâng cao chân khi nghỉ ngơi hoặc ngủ để khí huyết lưu thông và về tim dễ dàng.
  • Tăng cường tuần hoàn máu trước khi đi ngủ bằng cách xoa bóp nhẹ nhàng, kê cao chân, thực hiện các bài tập kéo giãn hoặc yoga.
  • Duy trì thói quen luyện tập và vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, chạy bộ… Biện pháp này giúp duy trì chức năng và sức mạnh cơ bắp, cải thiện xương khớp, tăng tuần hoàn và vận động linh hoạt.
  • Không luyện tập hoặc hoạt động thể thao gắng sức. Dành từ 10 – 20 phút nghỉ ngơi giữa buổi tập.
  • Không nên đột ngột thay đổi chương trịnh luyện tập hoặc tăng cường độ luyện tập. Nên làm quen với các bài tập nhẹ nhàng trước khi thực hiện những bài tập nặng nề hơn.
  • Khởi động nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập kéo giãn trước và sau khi tập thể thao từ 5 – 10 phút. Điều này giúp tăng cường các cơ hỗ trợ, thư giãn cơ thể, nâng cao sức mạnh cho đôi chân. Đồng thời cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ chấn thương.
  • Điều trị các bệnh lý ở đường hô hấp để tăng lượng oxy trong hệ thống tuần hoàn.
  • Kiểm soát cân nặng. Người thừa cân béo phì cần giảm cân với chế độ ăn uống và luyện tập khoa học.
  • Bổ sung vitamin D, magie và chất sắt thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Những thành phần dinh dưỡng này có thể giúp duy trì sức khỏe tổng thể và hệ cơ xương khớp, cung cấp oxy và đảm bảo quá trình tuần hoàn. Từ đó hạn chế sáng ngủ dậy bị đau chân.
Bổ sung vitamin D, magie và chất sắt từ thực phẩm
Bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm để duy trì hệ cơ xương khớp, ngăn đau chân khi ngủ dậy

Sáng ngủ dậy bị đau chân là tình trạng thường gặp, khởi phát do nhiều nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, triệu chứng giảm nhanh khi áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên đau chân khi ngủ dậy cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng. Vì thế, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị theo chỉ định nếu các triệu chứng kéo dài hoặc không giảm.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua