Phương Pháp RICE: Liệu Pháp Sơ Cứu Chấn Thương Hiệu Quả

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Phương pháp RICE là một phương pháp xử lý chấn thương hiệu quả. Phương pháp này gồm bốn bước (nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao) giúp giảm tình trạng sưng viêm, giảm đau đớn và tăng tốc độ chữa lành tổn thương. Những trường hợp nhẹ có các triệu chứng giảm nhanh mà không cần điều trị y tế.

Phương pháp RICE
Phương pháp RICE được áp dụng ngay khi bị thương để giảm sưng đau và chữa lành tổn thương

Phương pháp RICE là gì?

Phương pháp RICE là một phương pháp sơ cứu chấn thương, được sử dụng ngay khi bị thương nhẹ. Phương pháp này có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương. Đồng thời điều trị sưng viêm, giảm đau hiệu quả.

Trong điều trị chấn thương, phương pháp RICE mang đến hiệu quả cao cho những chấn thương mô mềm cấp tính, chấn thương thể thao và chấn thương xương nhẹ. Ngoài ra phương pháp này cũng thường được sử dụng trong điều trị đau do gãy xương kín, thoái hóa khớp và một số tình trạng viêm.

RICE là viết tắt của:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Nghỉ ngơi và tránh sử dụng vùng bị thương.
  • Chườm đá (Ice): Chườm túi rau củ đông lạnh hoặc túi đá lên vùng bị thương.
  • Nén (Compression): Dùng băng thun quấn quanh vị trí tổn thương.
  • Nâng cao (Elevation): Nâng cao vùng bị thương hơn mức tim.

Phương pháp RICE được sử dụng ngay sau chấn thương, liên tục 48 – 72 tiếng đồng hồ để đảm bảo hiệu quả điều trị. Những trường hợp nhẹ (như bong gân, căng cơ…) có thể khắc phục nhanh các triệu chứng mà không cần điều trị y tế.

Lợi ích của phương pháp RICE

Mỗi bước trong phương pháp RICE sẽ mang đến những lợi ích sau:

  • Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi, tránh sử dụng vùng bị thương hoặc không gây căng thẳng lên chi bị đau trong 48 giờ. Nếu bị thương ở chân, hãy nghỉ ngơi hoàn toàn, không đặt bất kỳ trọng lượng nào lên chân bị thương.

Phương pháp này giúp ngăn tổn thương, giữ cho khớp xương và các mô mềm được ổn định. Ngoài ra việc nghỉ ngơi hợp lý còn giúp những mô mềm bị thương có thời gian tự chữa lành.

Trong những ngày đầu sau chấn thương, nẹp, nạng hoặc gậy có thể được sử dụng để tránh tăng trọng lượng lên chân bị thương. Đồng thời ổn định khớp xương và giảm áp lực lên khớp.

  • Chườm đá

Đặt một túi rau củ đông lạnh hoặc túi đá lên vùng bị thương giúp co mạch, giảm lượng máu đi qua vị trí tổn thương. Điều này giúp hạn chế tình trạng ứ dịch và máu, ngăn sưng và bầm tím lan rộng.

Ngoài ra liệu pháp chườm đá còn có tác dụng giảm sưng và đau hiệu quả. Liệu pháp này nên được thực hiện trong 3 ngày đầu tiên, mỗi 2 đến 4 giờ 1 lần, mỗi lần 20 phút.

Chườm đá lên khớp xương hoặc vùng bị thương giúp giảm sưng và đau đớn hiệu quả
Chườm đá lên khớp xương hoặc vùng bị thương giúp giảm sưng và đau đớn hiệu quả

Lưu ý:

    • Không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da.
    • Sau khi gở túi đá ra, hãy để cho vùng bị thương được nghỉ ngơi và làm ấm trở lại trước khi tiếp tục chườm đá.
    • Không nên chườm đá quá 20 phút/ lần. Bởi điều này có thể dẫn đến tình trạng bỏng nước đá hoặc hỏng da.
  • Nén

Dùng băng thun quấn quanh cổ chân, cổ tay, đầu gối bị tổn thương hoặc đau đớn. Liệu pháp này giúp hỗ trợ chi bị thương, cố định khớp xương và giữ cho chúng được ổn định sau chấn thương.

Ngoài ra liệu pháp nén trong điều trị chấn thương còn giúp giảm đau và sưng, hạn chế tổn thương thêm. Đồng thời tạo điều kiện cho các mô mềm xung quanh lành lại. Thông thường băng đàn hồi (như băng quấn ACE) sẽ được sử dụng để đảm bảo hiệu quả. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng nẹp hoặc ủng đặc biệt.

Nén trong phương pháp RICE có hiệu quả tối đa 1 tuần. Lưu ý quấn băng đủ chật để cố định. Không quấn băng quá chật để không làm ảnh hưởng đến dòng máu đi qua. Cần tháo ra và quấn băng lỏng lẻo hơn khi cảm thấy đau nhói và da tím tái.

  • Nâng cao

Nâng cao vùng bị thương hơn mức tim giúp hạn chế lượng máu tiếp cận vết thương. Đồng thời tạo một đường đi xuống giúp chất lỏng thoát ra và trở về tim dễ dàng. Điều này giúp giảm tình trạng bầm tím, đau và sưng tấy hiệu quả.

Trong khi nghỉ ngơi, hãy nâng cao vùng bị thương từ 2 đến 3 giờ mỗi ngày. Cố gắng nâng toàn bộ chi bị thương cao hơn tim từ 6 – 10 inch bằng cách kê gối bên dưới.

Nâng cao vùng bị thương hơn mức tim để hạn chế bầm tím lan rộng, giảm đau và sưng tấy
Nâng cao vùng bị thương hơn mức tim để hạn chế bầm tím lan rộng, giảm đau và sưng tấy

Chỉ định

Phương pháp RICE được khuyến nghị cho những người bị chấn thương mô mềm (chấn thương dây chằng, gân và cơ) và xương từ nhẹ đến trung bình, chấn thương thể thao. Cụ thể:

Phương pháp này hữu ích nhất đối với những chấn thương từ nhẹ đến trung bình. RICE được dùng để sơ cứu cho những trường hợp nặng hơn, giúp giảm nhẹ các triệu chứng trước khi điều trị y tế.

Chống chỉ định

Phương pháp RICE không được khuyến khích cho những trường hợp sau:

Phương pháp RICE không được khuyến khích cho những trường hợp bị chấn thương nặng
Phương pháp RICE không được khuyến khích cho những trường hợp bị chấn thương nặng như trật khớp

Những trường hợp này nên được đánh giá tình trạng và điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, người bệnh có thể được dùng thuốc, vật lý trị liệu (vận động trị liệu, điện trị liệu…) hoặc phẫu thuật.

Khi nào cần điều trị y tế

Phương pháp RICE có thể điều trị khỏi cho nhiều trường hợp chấn thương cấp tính thông thường. Nhất là khi phương pháp này được dùng kết hợp với Paracetamol, Ibuprofen hoặc một loại thuốc giảm đau không kê đơn khác.

Tuy nhiên người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu:

  • Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn
  • Sưng và đau không giảm sau 48 giờ chăm sóc tại nhà
  • Chấn thương tái phát
  • Có vết gãy rõ ràng
  • Trật khớp
  • Đau hoặc sưng kéo dài hoặc dữ dội
  • Khu vực bị thương có dấu hiệu biến dạng hoặc bị tê liệt
  • Không thể đặt bất kỳ trọng lượng nào lên khu vực bị thương

Những chấn thương nghiêm trọng cần được đánh giá chi tiết và điều trị sâu hơn.

Phương pháp RICE được đánh giá là kỹ thuật sơ cứu an toàn, mang đến nhiều lợi ích cho quá trình chữa lành tổn thương, giảm sưng và đau hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này không phù hợp với người có chấn thương mô mềm quá nghiêm trọng, gãy xương rõ rệt… Hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng không giảm hoặc rất nghiêm trọng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua