Phục Hồi Chức Năng Sau Thay Khớp Háng Và Lưu Ý Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Phục hồi chức năng sau thay khớp háng cần được thực hiện sớm để tăng hiệu quả phục hồi hoàn toàn. Đồng thời giúp hỗ trợ giảm đau, người bệnh sớm đi lại bình thường. Ngoài ra việc vận động sớm còn giúp ngăn ngừa một số biến chứng sau mổ, chẳng hạn như teo cơ và thuyên tắc tĩnh mạch.

Phục hồi chức năng sau thay khớp háng
Cần sớm phục hồi chức năng sau thay khớp háng để lấy lại chức năng và hoạt động bình thường

Hướng dẫn phục hồi chức năng sau thay khớp háng

Thay khớp háng là một chỉ định ngoại khoa trong đó khớp háng của bạn được thay thể bởi một ổ khớp nhân tạo. Khớp giả có cấu trúc tương tự như khớp thật, được làm từ hợp kim titan hoặc những vật liệu khác.

Phương pháp này chỉ được chỉ định cho những trường hợp không thể phục hồi khớp háng do hư hỏng nặng, đau khớp háng kéo dài, ảnh hưởng đến hệ vận động hoặc tăng nguy cơ liệt khớp. Thay khớp háng giúp cắt giảm đau đớn và hỗ trợ lấy lại chức năng vận động.

Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn phục hồi chức năng sớm. Điều này giúp ngăn ngừa biến chứng sau mổ (teo cơ chân, hình thành cục máu đông…), kích thích liền xương, tăng sự kết nối giữa xương thật với khớp nhân tạo. Đồng thời sớm lấy lại chức năng vận động và đi lại bình thường.

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng

Sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh cần phục hồi chức năng sớm dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Giảm phù nề và giảm đau
  • Lấy lại tầm vận động và tính linh hoạt cho khớp háng
  • Xây dựng và tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ
  • Đi lại và hoạt động bình thường
  • Bảo vệ khớp háng mới, ngăn trật khớp.

2. Hướng dẫn phục hồi chức năng sau thay khớp háng

Quá trình phục hồi chức năng cần được thực hiện trong ngày đầu tiên hoặc thứ 2 sau phẫu thuật, thường kéo dài trong 3 tháng. Dựa vào quá trình luyện tập và tốc độ phục hồi, người bệnh có thể đi lại sau 4 – 6 tuần, hoạt động sinh hoạt trở lại từ tuần thứ 6. Sau 3 tháng có thể trở lại các hoạt động thể chất.

Những trường hợp khác có thể có thời gian hồi phục lâu hơn. Đặc biệt là những nhóm đối tượng sau:

  • Không sớm tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng
  • Có biến chứng sau mổ, chẳng hạn như nhiễm trùng, hình thành cục máu đông
  • Có tổn thương cơ, dây thần kinh và mạch máu khi phẫu thuật
  • Không luyện tập tích cực

Dưới đây là chương trình phục hồi chức năng cụ thể cho bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng:

+ Ngày thứ nhất và thứ 2 sau phẫu thuật

Tập co cơ tĩnh, tập gồng cơ
Tập co cơ tĩnh, tập gồng cơ vào ngày thứ nhất và thứ 2 sau phẫu thuật để duy trì khối lượng cơ
  • Tập co cơ tĩnh, tập gồng cơ. Bệnh nhân nằm, co cơ tĩnh cả hai chân trong khi đầu gối duỗi thẳng, duy trì trong 5 giây. Tập 10 lượt/lần, mỗi ngày 5 lần, giữa mỗi lượt nghỉ 5 giây.
  • Thay đổi tư thế, tập ngồi dậy, tập di chuyển trên giường
  • Tập vận động cho các khớp xung quanh. Duy trì luyện tập cho đến khi phục hồi chức năng hòa toàn.
    • Đối với khớp cổ chân: Tiến hành gấp duỗi và xoay khớp cổ chân. Thực hiện những chuyển động nhẹ nhàng, mỗi lần tập trong 5 đến 10 phút, vài lần mỗi ngày.
    • Đối với đầu gối: Tập gấp duỗi đầu gối. Bắt đầu với hai chân duỗi thẳng, đầu gối phẳng trên sàn và mũi chân thẳng lên trần nhà. Từ từ nâng khớp gối và uốn cong để thực hiện động tác gấp (thụ động hoặc chủ động). Sau đó duỗi đầu gối và trở về vị trí bắt đầu, không xoay khớp gối. Thực hiện 2 lần mỗi ngày.
  • Tập co cơ mông trong 5 giây. Tập 10 lượt/lần, mỗi ngày 5 lần, giữa mỗi lượt nghỉ 5 giây.
  • Nằm thẳng và nâng chân lên khỏi mặt giường. Duy trì tư thế trong 5 giây.
  • Tập tăng cường sức cơ cho cơ tứ đầu đùi để hỗ trợ cho khớp háng nhân tạo. Nằm thẳng, đặt gối dưới kheo chân sao cho khớp gối gấp khoảng 30 – 40 độ. Nâng cẳng chân lên cao trong khi giữ chặt đùi. Duy trì tư thế trong 5 giây. Lặp lại động tác 10 lượt/ lần, mỗi ngày 4 lần.

+ Từ ngày 3 đến ngày 5 sau phẫu thuật

  • Tiếp tục tập ngồi dậy và tập di chuyển trên giường
  • Tập chuyển động cho khớp cổ chân và khớp gối
  • Tiếp tục vận động thụ động và chủ động cho khớp háng (gấp duỗi hông)
  • Tập đưa hai chân ra khỏi giường và đung đưa
  • Tập tăng cường sức cơ. Chủ yếu tập xây dựng các cơ hỗ trợ khớp háng và cơ đùi
  • Tiếp tục tập di chuyển nhẹ nhàng trên giường.

+ Sau phẫu thuật 5 ngày

Tập xuống giường và đi lại có hỗ trợ
Tập xuống giường và đi lại có hỗ trợ sau phẫu thuật 5 ngày để lấy lại khả năng vận động
  • Tập xuống giường và đi lại với khung tập đi hoặc nạng (có hỗ trợ)
  • Tiếp tục tập gấp duỗi hông và tăng cường các cơ hỗ trợ
  • Tập kéo giãn
  • Tập mở rộng khớp háng và nâng chân
  • Tập đứng, tập chống chân trên chân bị thương (có hỗ trợ)

+ Từ 2 – 4 tuần sau phẫu thuật

  • Tiếp tục tăng cường sức mạnh của cơ và vận động khớp
  • Tập chống chân và đi lại với khung tập đi (có hỗ trợ)
  • Tập đứng với trọng lực đặt trên chân lành, bám vào thành ghế và nâng gối chân bệnh. Giữ nguyên tư thế trong 3 giây, đặt chân xuống
  • Tập đứng với trọng lực đặt trên chân lành, háng và đầu gối bên bệnh được giữ trên một mặt phẳng. Tiếp đến đưa chân vào trong và ra ngoài để tập khép và dạng khớp háng
  • Tiếp tục tập gấp và duỗi khớp háng, không gấp khớp trên 90 độ
  • Tập lên xuống cầu thang
  • Tập đi bộ
  • Tập kéo giãn, kéo chân bằng dây chun để tăng cường sức cơ tư thế đứng.

+ Từ 4 – 6 tuần sau phẫu thuật

  • Đi lại với gậy hoặc nạng. Trong ngày đầu tiên, tập đi 5 – 10 phút/ lần, mỗi ngày 3 đến 4 lần. Những ngày tiếp theo, đi lại từ 20 – 30 phút/ lần, mỗi ngày 2 đến 3 lần.
  • Tập đạp xe đạp tại chỗ
  • Thực hiện những hoạt động hàng ngày. Bao gồm rửa mặt, tắm rửa, giặt đồ, rửa bát…
  • Sau 6 tuần có thể đi lại và hoạt động sinh hoạt bình thường

+ Từ 6 – 12 tuần sau phẫu thuật

  • Đi lại thường xuyên (không có hỗ trợ)
  • Tập lái xe. Khi tập lái xe, hãy đẩy ghế xe hơi về phía sau (càng xa càng tốt), đồng thời trượt chân về phía trước và ngồi xuống. Cuối cùng giữ cơ thể ở tư thế nửa ngồi nửa nằm, đồng thời xoay cơ thể và chân cùng một lúc.
  • Tiếp tục thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng
  • Chuyển động khớp háng theo nhiều hướng như mở rộng, xoay, gập duỗi khớp.

+ Sau 12 tuần

  • Người bệnh có thể trở lại với những hoạt động sinh hoạt bình thường và chơi thể thao có tác động nhẹ.
Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật 12 tuần
Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động thể chất sau thay khớp háng 12 tuần

3. Phương pháp hỗ trợ

Trước và trong thời gian phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh được hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ. Điều này giúp giảm nhẹ cơn đau trong quá trình luyện tập, hạn chế sưng và hỗ trợ quá trình phục hồi.

  • Dùng thuốc: Vận động quá sớm làm tăng mức độ đau sau phẫu thuật. Dựa vào tình trạng, người bệnh có thể được kê đơn thuốc giảm đau Acetaminophen, các thuốc thuộc nhóm NSAID hoặc opioid (thuốc giảm đau gây nghiện). Thuốc giảm đau được dùng ở liều thích hợp, trong vài ngày.
  • Chườm lạnh: Sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh được hướng dẫn chườm lạnh lên khớp háng bị thương. Biện pháp này giúp giảm sưng viêm và đau hiệu quả. Từ đó hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau mổ.
  • Mang vớ áp lực: Bệnh nhân mang vớ áp lực theo chỉ định của bác sĩ để tránh thuyên tắc tĩnh mạch.

Lưu ý khi phục hồi chức năng sau thay khớp háng

Khi phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh cần lưu ý:

  • Luyện tập theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
  • Luyện tập nhẹ nhàng và từ từ, tránh mọi hoạt động gắng sức.
  • Áp dụng những biện pháp hỗ trợ để giảm đau và ngăn sưng trong quá trình luyện tập.
  • Không thực hiện những động tác và tư thế mà bác sĩ không cho phép. Cụ thể như:
    • Ngồi xổm
    • Xoay khớp háng vào trong
    • Gấp khớp háng quá 90 độ
    • Ngồi trên toilet hoặc ghế thấp
    • Xoay khớp gối khi nằm, ngồi hoặc đứng
    • Bắt chéo chân khi nằm, đứng hoặc ngồi
  • Khi đứng dậy từ ghế, người bệnh cần đưa chân phẫu thuật ra trước rồi từ từ đứng dậy.
  • Không ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu.
  • Người bệnh nên thường xuyên đi lại với khoảng cách ngắn.
  • Tránh ngồi trên những chiếc ghế không có tay vịn.
  • Nên sử dụng bệ ngồi vệ sinh cao để khớp gối luôn được giữ thấp hơn hông. Nên lắp tay vịn gần bồn cầu để hỗ trợ ngồi xuống và đứng lên đúng cách.
  • Sử dụng những dụng cụ hỗ trợ hoặc nhờ người thân trợ giúp khi tắm, vệ sinh bàn chân hoặc mang giày. Không thực hiện những hoạt động đòi hỏi cúi người quá mức.
  • Thông báo ngay với bác sĩ nếu:
    • Những bài tập gây đau đớn nghiêm trọng
    • Chân sưng to khi luyện tập
    • Không thể tuân thủ chương trình vật lý trị liệu. Những trường hợp này có thể được điều chỉnh cách luyện tập
    • Khó chịu hoặc cảm thấy cứng khớp

Biện pháp ngăn ngừa trật khớp háng sau thay khớp

Trật khớp háng thường xảy ra trong 3 tháng đầu sau mổ thay khớp háng. Để giảm nguy cơ, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:

1. Tiếp tục tăng cường sức cơ

Người bệnh tiếp tục luyện tập theo hướng dẫn của chuyên viên để xây dựng các cơ quanh khớp háng. Đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cơ, giúp giảm nguy cơ trật khớp háng.

2. Tránh những hoạt động bất lợi

Không thực hiện những tư thế hay các hoạt động có khả năng gây trật khớp háng sau phẫu thuật thay khớp. Cụ thể như:

Không bắt chéo chân khi ngồi ngăn ngừa trật khớp háng sau thay khớp
Không bắt chéo chân khi ngồi để tránh gây khó chịu và ngăn ngừa trật khớp háng sau thay khớp
  • Không gập khớp háng quá 90 độ. Điều này thường gặp trong tư thế ngồi và cúi người về phía trước quá mức. Khi ngồi, khớp háng phải được giữ cao hơn khớp gối.
  • Không xoay đầu gối và khớp háng vào trong.
  • Không bắt chéo chân khi ngồi hoặc nằm ngửa.
  • Không ngồi chồm hổm.
  • Không gập người về phía trước khi bắt đầu ngồi xuống hoặc đứng lên.
  • Khi ngồi xuống từ tư thế đứng, từ từ lùi về phía sau đến khi chạm ghế, nắm tay vịn, chân phẫu thuật ra phía trước, chân không phẫu thuật về phía sau. Sau đó chống hai tay để đứng lên.
  • Khi đứng lên từ tư thế ngồi, ngồi sát mép ghế, hai tay nắm lấy tay vịn, chân phẫu thuật đặt ở trước, chân không phẫu thuật đặt ở sau. Cuối cùng chống hai tay để đứng lên.
  • Khi đứng, nên xoay bàn chân và cơ thể một lúc.
  • Khi đang đặt trọng lực lên chân phẫu thuật, không nên xoay chân này vào trong, nhất là khi xoay cơ thể.
  • Khi đi lại, nên dùng dụng cụ hỗ trợ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không nằm nghiêng về bên phẫu thuật hoặc bên không phẫu thuật với chân bệnh hướng vào trong. Khi nằm nghiêng, tốt nhất nên đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối và hai mắt cá chân. Điều này giúp khớp háng được giữ ở vị trí trung tính.
  • Không đặt mông thấp hơn khớp gối và ngồi cạnh giường khi lên xuống giường. Đồng thời không xoay chân phẫu thuật. Khi bước xuống giường, bắt đầu bằng chân bệnh, giữ hai đùi cách xa nhau. Từ từ di chuyển chân khỏe ra mép giường, giữ thẳng hai chân và cách xa nhau. Hai tay chống ở phía sau khớp hông để nâng đỡ cơ thể.
  • Khi lên giường, chân khỏe trượt xuống giường, hai đùi cách xa nhau. Giữ thẳng hai chân khi ngồi ở cạnh giường, đẩy hông về phía trước, dùng hai bàn tay di chuyển cơ thể lên giường, sau đó nằm xuống.

Phục hồi chức năng sau thay khớp háng cần được thực hiện sớm để lấy lại toàn bộ chức năng vận động. Đồng thời giảm sưng đau, tăng cường các cơ hỗ trợ, giảm nguy cơ trật khớp háng nhân tạo. Vì thế người bệnh nên tuân thủ chương trình luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để phục hồi nhanh chóng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua