Hướng dẫn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Người bệnh cần phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân để tạo điều kiện cho quá trình liền xương và kết nối các tổ chức phần mềm xung quanh. Từ đó sớm đi lại và vận động bình thường, hạn chế dị tật hay biến dạng xương sau chấn thương. Thông thường bệnh nhân sẽ được hướng dẫn dùng nhiệt kết hợp tập vận động khớp, cơ và tập đi.

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân
Thông tin về công dụng, nguyên tắc điều trị và hướng dẫn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Vì sao cần phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân?

Gãy xương cẳng chân là tình trạng gãy trên cổ chân 5cm và dưới khớp gối 5cm kèm theo gãy xương mác hoặc không. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên phần lớn gãy xươngcẳng chân do những chấn thương trong thể thao, va đập mạnh trong tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động.

Thông thường những tổn thương do chấn thương khá nghiêm trọng. Không chỉ xương chày hoặc/ và xương mác bị dập, nứt, gãy mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của cơ, phần mềm, dây chằng, gân và những mạch máu xung quanh.

Chính vì thế tùy thuộc vào từng tình trạng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị với những phương pháp khác nhau. Trường hợp nhẹ (chỉ gãy xương mác) có thể bó bột kết hợp nghỉ ngơi và vận động đúng cách.

Những trường hợp nặng hơn (gãy xương chày hoặc gãy cả xương chày và xương mác) cần phẫu thuật nối xương, khâu phần mềm bị dập, rách và dùng đinh, nẹp để hỗ trợ. Ngoài ra bệnh nhân cần phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân. Phương pháp này có tác dụng tăng khả năng phục hồi, hạn chế biến dạng xương sau chấn thương, giúp sớm đi lại và vận động bình thường.

Hơn thế ở những người không vận động kéo dài, phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Phòng ngừa và điều trị cứng khớp, giảm cảm giác, giảm khả năng vận động, tê yếu và teo cơ chân do bất động lâu ngày
  • Ngăn ngừa và điều trị giảm phản xạ đại tiểu tiện, tắc mạch chi… (thường gặp ở người lớn tuổi)
  • Phục hồi tính linh hoạt và chức năng của các khớp
  • Lấy lại dáng đi lúc đầu
  • Tăng lưu thông máu, hỗ trợ quá trình phục hồi xương tổn thương
  • Duy trì sức mạnh, thư giãn cơ
  • Tăng quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể
  • Phục hồi chức năng và tăng tính liên kết giữa xương với cơ, dây chằng, gân…

Chính vì những điều trên người bệnh cần phục hồi chức năng sau điều trị nội khoa/ phẫu thuật gãy xương ở cẳng chân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Phục hồi chức năng để hạn chế biến dạng xương sau chấn thương
Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân để hạn chế biến dạng xương, sớm đi lại và vận động bình thường

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Trước khi đưa ra các hình thức vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên những nguyên tắc điều trị như sau:

  • Thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở xương và các mô mềm xung quanh
  • Phục hồi chức năng của khớp bị ảnh hưởng
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liền xương và kết nối các tổ chức phần mềm xung quanh
  • Phòng ngừa teo cơ, cứng khớp
  • Chống dính khớp, rối loạn tuần hoàn, hội chứng đau vùng
  • Khắc phục triệu chứng (sưng, đau nhức, tê buốt…)
  • Phục hồi chức năng cho các hoạt động của chân sau một thời gian bất động

Hướng dẫn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Thông thường các hình thức phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương và phương pháp điều trị đang thực hiện. Cụ thể:

1. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân điều trị bảo tồn

Những trường hợp có liên kết xương không vững phải bó bột và những bệnh nhân điều trị bảo tồn cần phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân với những phương thức sau:

+ Tuần đầu tiên

Các phương thức được áp dụng:

  • Chườm lạnh

Những bệnh nhân có tổn thương xương và phần mềm do chấn thương nên dùng biện pháp chườm lạnh để làm dịu tổn thương và giảm các triệu chứng. Biện pháp này nên được thực hiện trong tuần đầu tiên hoặc kéo dài đến khi vùng chấn thương không còn sưng, nóng.

Chườm lạnh có tác dụng giảm sưng nề bằng cách co mạch, giảm lưu thông máu. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng giảm đau, thư giãn và tăng sinh dưỡng cho cơ. Đồng thời giúp bệnh nhân cử động chủ động và vận động dễ dàng hơn sau điều trị.

Biện pháp chườm lạnh nên được thực hiện ngắt quãng, 3 – 5 lần/ ngày, 10 – 20 phút mỗi lần.

Chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng giảm sưng nề, làm dịu cảm giác đau nhức, thư giãn và tăng sinh dưỡng cho cơ
  • Cử động khớp

Từ ngày thứ 3 sau điều trị gãy xương cẳng chân, người bệnh nên tập cử động khớp bằng một số động tác đơn giản. Cụ thể như: Co gối, duỗi gối… Những động tác này nên được thực hiện một cách nhẹ nhàng, 5 – 10 lần mỗi ngày và tăng dần tần suất theo thời gian.

Cử động khớp mỗi ngày có thể giúp người bệnh thư giãn các cơ, dây chằng và gân, tăng lưu thông máu, hạn chế cứng khớp. Đồng thời tăng khả năng phục hồi chức năng của khớp bị ảnh hưởng.

+ Những tuần tiếp theo

Trong những tuần tiếp theo, người bệnh có thể xoa bóp và tập duy trì sức cơ.

  • Massage

Người bệnh nên thường xuyên dùng tay massage, xoa nắn nhẹ nhàng ngay tại ổ gãy xương liền khớp. Biện pháp này có tác dụng tăng lưu thông máu, giảm đau, thư giãn cơ, dây chằng và hạn chế tình trạng cứng khớp.

Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý:

    • Không sử dụng các loại dầu cao, thuốc xoa bóp hoặc cồn để thoa lên vị trí tổn thương và các khớp. Vì điều này có thể gây ra tình trạng vôi hóa cạnh khớp và xơ cứng khớp.
    • Không được đắp thuốc lá vì điều này có thể gây cản trở cho quá trình vận động sau này.
  • Tập cơ

Khi những triệu chứng đã thuyên giảm, người bệnh nên thường xuyên cử động chân bị ảnh hưởng và tập duy trì sức cơ. Đối với hình thức tập duy trì sức cơ, người bệnh thường được hướng dẫn ba động tác chính gồm căng cơ (gồng cơ) – giãn cơ – co cơ. Những động tác này nên được lặp đi lặp lại trong 10 phút. Mỗi ngày thực hiện 5 lần.

Tập duy trì sức cơ có tác dụng cải thiện sức mạnh cho chân gãy, chống teo cơ chân và tăng khối lượng khối cơ. Ngoài ra phương thức phục hồi chức năng còn giúp người bệnh thư giãn, giảm đau và vận động linh hoạt hơn.

Tập cơ
Tập cơ giúp người bệnh thư giãn, tăng khối lượng khối cơ, giảm đau, hạn chế teo cơ và vận động linh hoạt hơn

2. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân phẫu thuật điều trị

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân cho bệnh nhân phẫu thuật điều trị và kết xương vững như sau:

+ Tuần đầu tiên

Các phương thức phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân thường được áp dụng:

  • Chườm lạnh

Trong tuần đầu tiên bệnh nhân cần chườm lạnh ngắt quãng, nên thực hiện từ 10 – 20 phút mỗi lần, mỗi 4 – 6 giờ 1 lần. Đối với những bệnh nhân phẫu thuật điều trị và kết xương vững, chườm lạnh có thể giúp hạn chế và giảm phù nề, thư giãn cơ và xoa dịu cơn đau.

  • Tập duy trì sức cơ

Trong tuần đầu tiên, người bệnh nên kiên trì cử động khớp và tập gồng cơ, tập co cơ (tập tăng cường sức cơ). Biện pháp này có tác dụng cải thiện sức mạnh, tăng cường khối cơ, chống teo cơ chân và khó vận động do bất động lâu ngày. Ngoài ra tập duy trì sức cơ còn giúp thư giãn và giảm đau.

    • Tập gồng cơ: Tập gồng cơ nên được thực hiện khi khớp cử động vẫn còn đau nhiều. Khi luyện tập, người bệnh cần giữ cho khớp không cử động, độ dài bó cơ không thay đổi.
    • Tập co cơ: Tập co cơ nên được thực hiện khi khớp cử động đã đỡ đau. Khi luyện tập, người bệnh cần giữ cho cơ co ngắn lại và khớp cử động.
  • Tập vận động khớp

Để tăng khả năng phục hồi và giải phóng sự bất động, người bệnh nên tập luyện các khớp liên quan. Cụ thể bệnh nhân tập co duỗi khớp, mở rộng khớp khi ngồi, nằm hoặc khi di chuyển. Biện pháp này có tác dụng ngăn ngừa cứng khớp, co rút bao khớp, sụn mỏng đi và tăng sản mỡ.

Ngoài ra tập vận động khớp còn giúp người bệnh kích thích quá trình sản sinh và giúp dịch khớp ra vào. Điều này giúp khớp được nuôi dưỡng, mềm mại và dễ cử động hơn. Đồng thời tăng khả năng phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân.

Tập vận động khớp nên được thực hiện từ ngày thứ 3 sau bó bột hoặc sau mổ. Khi tập, người bệnh nên co duỗi khớp với tốc độ 45 giây/ lượt. Nên tập từ 10 – 15 phút/ lần, 4 – 6 lần mỗi ngày.

Tập vận động khớp
Tập co duỗi khớp, mở rộng khớp khi ngồi, nằm hoặc khi di chuyển để ngăn ngừa cứng khớp, giúp dịch khớp ra vào

+ Sau từ 2 – 4 tuần

Sau từ 2 – 4 tuần phẫu thuật điều trị gãy xương cẳng chân, người bệnh có thể phục hồi chức năng và khắc phục triệu chứng với những phương thức sau:

  • Chườm nóng/ chiếu tia hồng ngoại

Chườm nóng/ chiếu tia hồng ngoại nên được thực hiện từ tuần thứ 2. Biện pháp này sử dụng nhiệt độ cao thư giãn khớp xương, mô mềm, tăng lưu thông máu và tăng cường dinh dưỡng cho những cơ quan đang tổn thương. Điều này giúp tăng khả năng liên kết xương, luyện tập hiệu quả và phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân.

Ngoài ra cả biện pháp chườm nóng và chiếu tia hồng ngoại đều có khả năng giảm căng cơ, cứng khớp và xoa dịu cảm giác đau nhức khó chịu.

Đối với chườm nóng, người bệnh nên thực hiện mỗi ngày 4 lần, mỗi lần 20 phút. Đối với phương pháp chiếu tia hồng ngoại, người bệnh nên thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

  • Tập tăng sức mạnh cơ 

Tập tăng sức mạnh cơ trong 2 – 4 tuần tiếp theo nên được thực hiện như tuần đầu tiên. Tuy nhiên nếu việc luyện tập có diễn tiến tốt, người bệnh có thể tăng cường độ và biên độ luyện tập để phù hợp hơn với tình trạng hiện tại.

Một số lưu ý khi tập tăng sức mạnh cơ :

    • Trong 2 – 4 tuần sau chấn thương, người bệnh vẫn nên luyện tập thận trọng vì cơ còn yếu.
    • Người bệnh cần luyện tập nhiều hơn ngay cả khi đã lấy lại được cảm giác. Bởi điều này sẽ giúp các chuyển động và vận động được linh hoạt hơn.
  • Tập luyện chịu lực tỳ đè vào xương

Người bệnh cần tập luyện chịu lực tỳ đè vào xương chày/ xương mác sau 2 tuần đầu tiên. phương thức tập luyện này có tác dụng tăng cường sức mạnh và cải thiện khả năng chống chịu cơ thể của xương tổn thương.

Tuy nhiên tập luyện chịu lực tỳ đè vào xương cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp người bệnh luyện tập đúng cách, phòng ngừa đau nhức hoặc tổn thương nghiêm trọng.

Thông thường cường độ và biên độ luyện tập sẽ tăng dần dựa trên cảm nhận của bệnh nhân.

  • Bài tập xoa bóp

Sau từ 2 – 4 tuần, người bệnh nên thực hiện các bài tập xoa bóp với cường độ mạnh hơn. Biện pháp này giúp kích thích lưu thông tuần hoàn mạch máu, giảm đau, hạn chế co cứng khớp xương và giảm căng cơ. Ngoài ra xoa bóp trong thời gian phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân còn hỗ trợ phục hồi khả năng vận động và đi lại bình thường của bệnh nhân.

Hướng dẫn cách xoa bóp sau từ 2 – 4 tuần chấn thương:

  • Dùng lực từ hai bàn tay ấn nhẹ và xoa đều chân tổn thương theo chuyển động tròn
  • Thực hiện động tác bóp và nắn từ trên xuống, từ trái quaa phải với lực vừa phải
  • Chụm các đầu ngón tay và day ấn thêm vài phút
  • Trở lại các chuyển động tròn để thư giãn
  • Xoa bóp bàn chân.
Bài tập xoa bóp
Xoa bóp là một trong những biện pháp tốt nhất để kích thích lưu thông tuần hoàn mạch máu, giảm đau và giảm căng cơ

+ Sau từ 4 – 8 tuần

Sau từ 4 – 8 tuần là khoảng thời gian phục hồi hoàn toàn của người bệnh. Lúc này người bệnh sẽ được hướng dẫn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân với những phương thức sau:

  • Tập tăng cường sức mạnh cơ bắp

Người bệnh thực hiện các bài tập nâng chân với những lực đối kháng khác nhau để tăng cường thêm sức mạnh cơ bắp. Cụ thể như nâng chân với các đoạn dây thun co giãn.

Tập tăng cường sức mạnh cơ bắp nên được thực hiện mỗi ngày 5 lần, mỗi lần 10 phút.

  • Tập tỳ đè

Người bệnh tiếp tục tập tỳ đè vào xương cho đến khi nhận thấy không còn đau khi thực hiện, sức mạnh và khả năng chống chịu cơ thể của xương tổn thương đã được cải thiện.

  • Tập đi lại

Để tập đi lại, người bệnh có thể sử dụng nạng để hỗ trợ hoặc tập đi trên hai thanh song song. Hướng dẫn cách tập đi:

    • Khi đi, người bệnh cần giữ nạng tựa vào bên lòng ngực, giữ cho lưng thẳng, hai vai cân bằng và dáng đi thẳng. Bên cạnh đó bệnh nhân không nên cúi nhìn xuống chân khi đi. Nên giữ cho đầu cổ thẳng và mắt nhìn thẳng ra phía trước.
    • Cần giữ hai tay chống nạng ngay ngắn.
    • Giữ chân lành và hai chân nạng tạo thành hình tam giác.
    • Khi tập bước đi, người bệnh chỉ được tỳ nhẹ lên chân đau. Sau một thời gian làm quen, có thể tăng mức độ tỳ.
    • Đưa hai nạng ra trước khoảng 10 – 30cm khi đi, dùng tay cầm để giữ thăng bằng.
    • Cần bước chân lành ra trước, chân đau bước ra sau.

Nếu xương đã gần liền vững, người bệnh có thể dùng gậy thay thế cho nạng. Không nên dùng nạng kẹp nách để tránh dáng đi xấu sau khi phục hồi.

Cách sử dụng gậy như sau:

    • Chống gậy bên chân lành
    • Bước chân lành ra trước khi tập đi. Điều này giúp sức nặng phân bố đều cho gậy chống và chân đau.

Nếu đau giảm và khả năng đi lại được cải thiện, người bệnh không cần phải dùng đến dụng cụ hỗ trợ.

Tập đi lại
Tập đi lại bằng nạng hoặc gậy nên được thực hiện thường xuyên để sớm lấy lại dáng đi và tăng khả năng vận động
  • Tập sinh hoạt thông thường

Sau khi tập đi, người bệnh nên tập làm quen với những động tác trong sinh hoạt thông thường. Bao gồm cả những động tác đứng lên từ ghế, ngồi xổm đứng lên, lên xuống cầu thang… Sau vài tháng luyện tập, người bệnh có thể trở về đời sống bình thường, không bị hạn chế cử động và không còn đau nhức.

Lưu ý khi phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Đối với những trường hợp có gãy xương cẳng chân kèm theo biến chứng, người bệnh cần ưu tiên điều trị biến chứng. Những bài tập phục hồi chức năng chỉ nên được áp dụng sau khi biến chứng đã được xử lý và các khớp xương thực sự ổn định.

Một số lưu ý khác:

  • Các phương thức phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân nên được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Nên tuân thủ các nguyên tắc điều trị và thực hiện các bài tập đúng cách.
  • Kiên trì tập luyện mỗi ngày.
  • Tuyệt đối không xoa bóp bằng rượu gừng, cao dán hoặc các thuốc xoa bóp để tránh cản trở quá trình liền xương.
  • Không đắp thuốc lá vào các khớp. Vì điều này sẽ làm cho khớp cứng và khó vận động hơn.
  • Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Không nên để lâu để tránh teo cơ và làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau này.
  • Nếu đau nhiều và liên tục hoặc có bất thường trong thời gian phục hồi chức năng, người bệnh cần liên hệ với chuyên gia vật lý trị liệu hoặc bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra.
  • Để tăng tốc độ liền xương, người bệnh nên kết hợp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng với chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, protein và canxi. Đồng thời nên uống nhiều nước để tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng, hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi tổn thương xương khớp.
Cần phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân càng sớm càng tốt
Cần phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau này

Bài viết đã tổng hợp thông tin về công dụng, nguyên tắc điều trị và hướng dẫn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân. Chương trình luyện tập này có thể giúp người bệnh thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương, liền xương, sớm cải thiện khả năng vận động và trở về với đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên người bệnh cần luyện tập đúng cách và nghe theo hướng dẫn của chuyên gia hoặc bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua