Phác Đồ Điều Trị Viêm Quanh Khớp Vai Tham Khảo Bộ Y Tế

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai gồm thuốc giảm đau kháng viêm, vật lý trị liệu, phẫu thuật và một số phương pháp khác. Những phương pháp này giúp giảm viêm, giảm đau, hạn chế cứng khớp. Đồng thời hỗ trợ lấy lại sức mạnh và chức năng vận động.

Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai
Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai được xây dựng dựa trên tình trạng và nguyên tắc chữa trị

Hiểu hơn về bệnh viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai là tình trạng viêm của những tổ chức phần mềm quanh khớp vai. Tình trạng này có thể xảy ra ở các gân, , túi thanh, dây chằng hoặc bao khớp. Viêm quanh khớp vai được phân thành 4 thể lâm sàng, bao gồm:

  • Đau vai đơn thuần: Chủ yếu do bệnh lý gân.
  • Đau vai cấp: Chủ yếu xảy ra do tình trạng lắng đọng vi tinh thể
  • Cứng khớp vai: Thể cứng khớp vai xảy ra do viêm dính bao khớp, co thắt bao khớp hoặc sự dày lên của bao khớp. Những tình trạng này khiến khớp co cứng làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh.
  • Giả liệt khớp vai: Xảy ra khi bó gân của gân nhị đầu hoặc gân mũ cơ quanh bị đứt. Từ đó làm giảm chức năng và mất khả năng vận động của cơ delta.

Tùy thuộc vào từng thể bệnh mà người bệnh có thể bị đau từ trung bình đến rất nặng, cứng khớp vai, sưng quanh vai, yếu chi, sốt, mất/ giảm khả năng vận động kèm theo nhiều triệu chứng khác.

Bệnh viêm quanh khớp vai được phát hiện thông qua kiểm tra triệu chứng, nghiệm pháp phát hiện tổn thương (Palm-up, Pattes, Jobe, Neer…) và kết quả xét nghiệm hình ảnh.

Sau chẩn đoán bệnh nhân cần áp dụng phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp giảm triệu chứng và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như đứt gân, viêm quanh khớp vai thể đông cứng, giảm/ mất khả năng cử động khớp vai.

Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai

Trong phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai, bệnh nhân chủ yếu được sử dụng thuốc kháng viêm – giảm đau kết hợp vật lý trị liệu để khôi phục vận động. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn hoặc đáp ứng kém với thuốc, phẫu thuật hoặc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được chỉ định.

Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Bệnh nhân trải qua hai giai đoạn điều trị gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì
  • Cần phối hợp giữa điều trị nội khoa (thuốc, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, liệu pháp giảm đau, vận động trị liệu…) với điều trị ngoại khoa khi cần thiết (phẫu thuật kết hợp vật lý trị liệu).

Những phương pháp điều trị cụ thể:

1. Thuốc điều trị viêm quanh khớp vai

Điều trị lần đầu cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai gồm các thuốc giảm đau và kháng viêm. Dựa vào kết quả chẩn đoán, phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai cụ thể có thể bao gồm thuốc giảm đau thông thường hoặc thuốc giảm đau kháng viêm mạnh.

+ Thuốc giảm đau thông thường

Nếu viêm quanh khớp vai gây đau từ nhẹ đến vừa, thuốc giảm đau thông thường như Acetaminophen sẽ được sử dụng. Loại thuốc này có khả năng giảm đau và hạ sốt hiệu quả. Trong nhiều trường hợp Acetaminophen được dùng kết hợp với một loại thuốc giảm đau khác (thường là opioid). Điều này giúp tăng hiệu quả giảm đau cho những trường hợp nghiêm trọng hơn.

Acetaminophen
Dùng Acetaminophen đơn lẻ hoặc kết hợp opioid để tăng hiệu quả giảm đau do viêm quanh khớp vai

Liều đơn lẻ

  • Liều khuyến cáo: Uống 500mg Acetaminophen/ lần, mỗi ngày 2 – 4 lần.

Liều kết hợp với Tramadol hoặc Codein (Efferalgan Codein)

  • Liều khuyến cáo: Uống 2 – 6 viên Efferalgan Codein/ ngày tùy thuộc vào mức độ đau và khả năng đáp ứng.

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Những trường hợp không đáp ứng tốt với Acetaminophen hoặc đau viêm ở mức trung bình, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sẽ được sử dụng. Nhóm thuốc này có tác dụng kháng viêm, giảm sưng và đau. Từ đó cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.

Dựa vào tình trạng cụ thể (mức độ đau sưng và khả năng đáp ứng), một trong những loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng:

Celecoxib

  • Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (200mg) Celecoxib/ lần, mỗi ngày 1 – 2 lần.

Meloxicam

  • Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (7,5mg) Meloxicam/ lần, mỗi ngày 1 – 2 lần.

Piroxicam

  • Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (20mg) Piroxicam/ lần, mỗi ngày 1 lần.

Diclofenac

  • Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (50mg) Diclofenac/ lần, mỗi ngày 2 lần.

+ Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm 

Glucosamin sulfat hoặc một loại thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm khác có thể được thêm vào phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai do thoái hóa. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng sưng, đau và viêm; làm chậm quá trình thoái hóa. Từ đó ngăn viêm quanh khớp vai tiến triển dẫn đến đứt gân.

  • Liều khuyến cáo: Dùng 15000mg Glucosamin sulfat/ ngày.

+ Tiêm Corticoid vào khớp

Tiêm Corticoid vào khớp được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Không đáp ứng với NSAID
  • Viêm quanh khớp vai kèm theo đau nặng, hạn chế khả năng vận động
  • Viêm quanh khớp vai đơn thuần

Corticoid là một loại thuốc kháng viêm mạnh. Khi sử dụng thuốc này mang đến hiệu quả giảm đau, giảm sưng và viêm nhanh chóng. Hiệu quả thường duy trì trong vài tháng, bệnh nhân có thể được tiêm nhắc lại khi cần thiết.

Tiêm Corticoid vào khớp
Tiêm Corticoid vào khớp giúp giảm sưng viêm và đau nhức nhanh chóng, hiệu quả kéo dài vài tháng

Dựa vào tình trạng, bác sĩ có thể sử dụng Methylprednisolon acetat, Betamethason dipropionat hoặc Betamethason sodium phosphat để tiêm vào vùng bị thương.

Methylprednisolon acetat

  • Liều khuyến cáo: Tiêm tại chỗ 40mg 1 lần duy nhất.

Betamethason dipropionat

  • Liều khuyến cáo: Tiêm tại chỗ 5mg 1 lần duy nhất.

Betamethason sodium phosphat

  • Liều khuyến cáo: Tiêm tại chỗ 2mg 1 lần duy nhất.

Tiêm Corticoid vào khớp mang đến hiệu quả điều trị nhanh và kéo dài. Tuy nhiên thuốc này không được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai do thoái hóa dẫn đến đứt gân bán phần. Bởi tiêm Corticoid cho trường hợp này có thể dẫn đến hoại tử gân hoặc/ và đứt gân toàn phần.

+ Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Thuốc chống trầm cảm ba vòng được sử dụng để chữa trị cho những bệnh nhân có cơn đau làm ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ. Thuốc có tác dụng an thần, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng. Đồng thời giúp giảm nhẹ cơn đau.

Amitriptylin và Clomipramine là hai loại thuốc chống trầm cảm ba vòng thường được sử dụng.

Amitriptylin

  • Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (25mg) Amitriptylin/ lần/ ngày. Liên tục từ 5 đến 7 ngày.

Clomipramine

  • Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (25mg) Clomipramine/ lần/ ngày trước khi đi ngủ.

+ Thuốc giãn cơ

Trong phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai, thuốc giãn cơ được sử dụng cho những bệnh nhân có bệnh viêm quanh khớp vai kèm theo tình trạng cứng hoặc co thắt cơ. Thuốc này có tác dụng xoa dịu các cơ bị ảnh hưởng, giảm co cứng cơđau cơ vai. Từ đó mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh, phục hồi chức năng vận động.

Một số thuốc giãn cơ thường được sử dụng gồm:

Mydocalm

  • Liều khuyến cáo: Uống 150mg/ lần, mỗi ngày 3 lần. Có thể tiêm bắp 100mg/ lần, mỗi ngày 2 lần.

Myonal

  • Liều khuyến cáo: Uống 50mg/ lần, mỗi ngày 2 lần.

2. Liệu pháp thay thế

Để giảm đau và cứng khớp do viêm quanh khớp vai, một số loại thuốc dưới đây sẽ được sử dụng:

+ Châm cứu viêm quanh khớp vai

Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu viêm quanh khớp vai giúp giảm đau và mang đến nhiều lợi ích cho quá trình phục hồi. Phương pháp này sử dụng nhiều cây kim mảnh châm vào các huyệt tương ứng.

Châm cứu viêm quanh khớp vai
Châm cứu viêm quanh khớp vai mang đến hiệu quả giảm đau, thông kinh hoạt lạc và thư giãn

Châm cứu giúp đả thông kinh mạch, giảm đau vai, thông kinh hoạt lạc, thư giãn, bổ chính, khu tà (loại bỏ căn nguyên), giảm co thắt cơ. Ngoài ra phương pháp này còn có tác dụng phục hồi cảm giác và chức năng vận động, thúc đẩy sự chữa lành của các mô mềm. Đồng thời thư giãn và tăng hiệu quả chữa bệnh của thuốc.

Tuy nhiên châm cứu viêm quanh khớp vai cần được thực hiện bởi thầy thuốc/ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Điều này giúp điều trị hiệu quả và hạn chế một số rủi ro.

+ Liệu pháp nhiệt

Người bệnh chườm nóng ở vai 20 phút, mỗi ngày 3 lần để giảm nhẹ các triệu chứng. Liệu pháp này có tác dụng tăng tuần hoàn máu bằng cách giãn mạch. Đồng thời giúp giảm đau, thư giãn các tổ chức phần mềm quanh khớp vai. Từ đó hạn chế cứng khớp và cải thiện khả năng vận động.

Hướng dẫn chườm nóng:

  • Đặt đệm sưởi hoặc chai thủy tinh lên vùng ảnh hưởng
  • Giữ yên trong 20 phút và thư giãn
  • Thực hiện 3 lần/ ngày.

Ngoài chườm nóng, bệnh nhân có thể được hướng dẫn tắm nước ấm, dùng sóng siêu âm hoặc tia hồng ngoại… Những biện pháp này đều mang đến hiệu quả cao. Tuy nhiên liệu pháp nhiệt không được chỉ định cho những bệnh nhân đang có dấu hiệu sưng nóng do viêm.

+ Massage trị liệu

Trong nhiều trường hợp, người bệnh sẽ được massage trị liệu. Liệu pháp này có thể mang đến những lợi ích sau:

  • Thúc đẩy tuần hoàn máu và oxy đến vùng bị thương, tăng khả năng phục hồi nhanh chóng
  • Giảm đau
  • Thư giãn mô mềm và khớp xương
  • Hạn chế cứng khớp
  • Cải thiện chức năng vận động ở khớp vai bị thương

Massage trị liệu được thực hiện bởi những người có chuyên môn cao. Dùng lực vừa phải và đúng kỹ thuật để tăng hiệu quả, hạn chế tổn thương thêm.

3. Vật lý trị liệu

Ngoài thuốc, vật lý trị liệu cũng là một phương pháp chính của phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai. Phương pháp này gồm các bài tập vận động thụ động – chủ động, bài tập kéo giãn và tăng cường.

Tập vật lý trị liệu giúp giảm sưng và đau, tăng tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình chữa lành, thư giãn khớp vai và các mô mềm. Đặc biệt các bài tập có khả năng cải thiện cứng khớp, phục hồi chức năng sau viêm quanh khớp vai, tăng tính linh hoạt, phạm vi chuyển động và khả năng vận động.

Thông thường các bài tập tăng cường được thực hiện sau một thời gian vật lý trị liệu. Những bài tập này giúp xây dựng lại các cơ hỗ trợ. Từ đó giúp ổn định khớp vai và lấy lại sức mạnh.

Bài tập tăng cường
Những bài tập tăng cường được thực hiện sau cũng để xây dựng cơ quanh khớp vai và lấy lại sức mạnh

4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu

Người trên 60 tuổi bị đứt bán phần gân mũ cơ quay do chấn thương sẽ được tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân. Huyết tương giàu tiểu cầu được tách từ máu của người cần điều trị. Điều này giúp đảm bảo vô khuẩn, không gây phản ứng bất thường. Sau đó nó được tiêm vào vùng tổn thương dưới sự hỗ trợ của siêu âm và điều kiện vô khuẩn.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp tăng tốc độ tái tạo các mô bị thương, nâng cao khả năng phục hồi của cơ thể. Từ đó rút ngắn thời gian điều trị viêm quanh khớp vai.

Ngoài ra phương pháp này còn giúp giảm đau hiệu quả, có tính an toàn cao do huyết tương được lấy tự thân và tiêm trong điều kiện vô khuẩn.

5. Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân trên 60 tuổi bị đứt gân do thoái hóa
  • Người trẻ bị đứt gân trong vùng khớp vai do chấn thương
  • Gân có chóp xoay bị rách một phần hoặc đứt hoàn toàn
  • Viêm quanh khớp vai thể giả liệt
  • Điều trị bảo tồn không hiệu quả

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi khớp hoặc mổ mở. Trong khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ tiến hành kiểm tra, nối gân/ cơ bị đứt/ rách để phục hồi mô mềm tổn thương.

Sau phẫu thuật, vết mổ được kiểm tra và chăm sóc, ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra vật lý trị liệu sẽ được thực hiện sớm để lấy lại chức năng vận động, tính linh hoạt và sức mạnh cho bệnh nhân.

Lưu ý: Thận trọng khi phẫu thuật viêm quanh khớp vai cho người trên 60 tuổi.

Theo dõi khi điều trị viêm quanh khớp vai

Trong suốt quá trình chữa bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai của bác sĩ. Ngoài ra người bệnh được yêu cầu tái khám định kỳ mỗi 1 – 3 tháng 1 lần.

Trong quá trình tái khám, bệnh nhân được kiểm tra lâm sàng và hình ảnh nhằm theo dõi diễn tiến của bệnh. Đồng thời đánh giá hiệu quả chữa bệnh của các phương pháp. Dựa vào đó thay đổi phác đồ điều trị nếu cần thiết.

Tái khám định kỳ mỗi 1 - 3 tháng 1 lần
Tái khám định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh, kiểm tra hiệu quả giảm đau và viêm của các phương pháp

Tiên lượng

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm quanh khớp vai sẽ được kiểm soát, giảm nhẹ triệu chứng, phục hồi phạm vi và chức năng vận động ở khớp bị thương. Ngược lại những trường hợp trì hoãn điều trị có thể bị đau vai dai dẳng, co cứng hoặc hạn chế cử động khớp vai.

Những trường hợp nặng hơn bị đứt gân hoặc bị viêm khớp vai thể đông cứng. Chính vì thế viêm quanh khớp vai cần được khám và can thiệp y tế kịp thời để sớm khắc phục bệnh và hạn chế biến chứng.

Phác đồ điều trị viêm quanh khớp vai được thực hiện dựa trên nguyên tắc chữa bệnh và tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Những trường hợp nhẹ và vừa được điều trị nội khoa (chủ yếu dùng thuốc và vật lý trị liệu). Những trường hợp nghiêm trọng hơn được phẫu thuật và tập phục hồi chức năng tích cực. Từ đó lấy lại sức mạnh và khả năng vận động.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua