Nhuyễn Xương Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Bệnh nhuyễn xương là tình trạng xương mềm và yếu do sự suy giảm chuyển hóa xương. Bệnh liên quan đến tình trạng thiếu hụt photphat, canxi và vitamin D; giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Những người bị nhuyễn xương đều có nguy cơ gãy xương cao, đau xương, dị dạng xương và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Bệnh nhuyễn xương
Tìm hiểu bệnh nhuyễn xương là gì, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và hướng dẫn điều trị

Nhuyễn xương bệnh là gì?

Nhuyễn xương là tình trạng xương mềm do thiếu vitamin D, canxi và photphat. Thiếu chất khiến xương không cứng lại hoặc khoáng hóa như bình thường. Lâu ngày dẫn đến xương yếu, xương bị cong và dễ gãy. Nhuyễn xương xảy ra ở trẻ em được gọi là bệnh còi xương.

Bệnh xảy ra khi quá trình chuyển hóa xương bị suy giảm. Điều này liên quan đến tình trạng thiếu hụt photphat, canxi và vitamin D trong cơ thể, thường do chế độ ăn uống thiếu chất và giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.

Giảm chuyển hóa xương khiến quá trình khoáng hóa xương không diễn ra đầy đủ, xương mềm, yếu, cong, dễ gãy, thường xuyên đau nhức kèm theo nhiều vấn đề khác. Nhuyễn xương thường được phân biệt với loãng xương – một dạng rối loạn chuyển hóa của xương làm suy giảm chất lượng xương.

Triệu chứng của bệnh nhuyễn xương

Bệnh nhuyễn xương ảnh hưởng đến xương toàn thân. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên những dấu hiệu có thể hiển thị trên hình ảnh X-quang và một số xét nghiệm chẩn đoán khác.

Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Đau xương khớp
  • Xương yếu
  • Gãy xương bệnh lý. Một số trường hợp bị gãy xương ngay cả khi va chạm rất nhẹ
  • Xương mềm
  • Xương cong gây ra những dị dạng trên cơ thể
  • Khung chậu phẳng
  • Những đốt sống bị nén và giảm chiều cao
  • Hạ calci huyết với dấu hiệu Chvostek dương tính, tê tay và chân. Tê quanh miệng, nhịp tim bất thường
  • Yếu cơ, giảm trương lực cơ
  • Yếu chân khiến người bệnh đi lại khó khăn, đi chậm hơn hoặc có dáng đi lạch bạch.
Đau xương khớp là triệu chứng bệnh nhuyễn xương
Xương mềm, yếu, đau nhức và dễ gãy là những triệu chứng của bệnh nhuyễn xương

Nguyên nhân gây bệnh nhuyễn xương

Chứng nhuyễn xương là kết quả của sự suy giảm quá trình chuyển hóa xương và sự khiếm khuyết trong quá trình phát triển. Cơ thể cần bổ sung đủ canxi và photphat để đảm bảo chất lượng xương, khung xương phát triển khỏe mạnh.

Thiếu hụt các khoáng chất lâu ngày khiến nhuyễn xương và các triệu chứng của bệnh phát triển. Điều này do nhiều nguyên nhân. Cụ thể thiếu chất có thể do cơ thể bị rối loạn chuyển hóa canxi, không hấp thụ khoáng chất đúng cách hoặc không bổ sung đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Những nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh nhuyễn xương:

1. Thiếu vitamin D

Vitamin D cần được bổ sung đầy đủ để tăng hấp thụ canxi và những khoáng chất tạo xương khác. Chính vì thế sự thiếu hụt vitamin D của cơ thể có thể dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh nhuyễn xương ở người lớn.

Thiếu vitamin D thường do chế độ ăn uống thiếu chất, không dung nạp chất béo (chất béo làm tăng hấp thụ vitamin D) và không tiếp xúc với ánh sáng (ánh sáng mặt trời tăng tổng hợp vitamin D ở da).

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày, phẫu thuật cắt bỏ ruột non làm ảnh hưởng đến quá trình phân hủy thức ăn của dạ dày. Điều này khiến canxi cùng những khoáng chất khác không được hấp thu ở ruột. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu khoáng chất và bệnh nhuyễn xương.

3. Bệnh celiac

Bệnh celiac khiến lớp niêm mạc ruột non bị hỏng khi tiêu thụ những loại thực phẩm có chứa gluten (protein có trong lúa mạch đen, lúa mì và lúa mạch). Điều này khiến khả năng hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng bị suy giảm. Cuối cùng dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi, vitamin D và photphat.

4. Rối loạn ở gan hoặc thận

Vitamin D trong cơ thể được kích hoạt bởi gan và thận. Chính vì thế mà những rối loạn ở gan hoặc thận có thể cản trở quá trình sản sinh vitamin D hoạt động của cơ thể. Cuối cùng gây thiếu hụt những khoáng chất tạo xương và dẫn đến bệnh nhuyễn xương.

Rối loạn về thận là nguyên nhân gây bệnh nhuyễn xương
Những rối loạn ở thận làm cản trở quá trình sản sinh vitamin D hoạt động của cơ thể, gây nhuyễn xương

5. Dùng thuốc

Một số loại thuốc như Phenobarbital và Phenytoin (Dilantin, Phenytek) có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng. Lâu ngày dẫn đến tình trạng mềm và yếu ở các xương.

6. Nguyên nhân khác

Bệnh nhuyễn xương và cơ chế hình thành bệnh cũng có thể khởi phát từ những tình trạng dưới đây:

  • Bệnh itai-itai, nhiễm độc cadmium
  • Bệnh Celiac
  • Liệu pháp chống co giật dài hạn
  • Ung thư làm cản trở quá trình chuyển hóa vitamin D, gây bệnh nhuyễn xương giảm phosphat máu do ung thư (ung thư tăng thải trừ phosphat ở thận, giảm phosphat trong máu)
  • Suy thận mãn tính
  • Hạ phosphat máu
  • Hội chứng kém hấp thu
  • Suy dinh dưỡng khi mang thai
  • Nhiễm toan ống thận
  • Quá trình chuyển hóa phốt pho hoặc vitamin D bị lỗi.

Yếu tố rủi ro

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhuyễn xương gồm:

  • Không đủ vitamin D trong chế độ ăn uống
  • Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Di truyền
  • Hút thuốc lá làm tăng đào thải canxi trong cơ thể
  • Uống nhiều rượu bia là giảm hấp thụ canxi
  • Không dung nạp lactose
  • Không uống hoặc ăn những sản phẩm từ sữa
  • Không thể hấp thu tốt vitamin D ở ruột
  • Ăn chay.

Bệnh nhuyễn xương có nguy hiểm không?

Bệnh nhuyễn xương cần được phát hiện và điều trị sớm. Bởi tình trạng xương mềm và yếu ở bệnh lý này làm tăng nguy cơ gãy xương. Biến chứng này thường gặp ở chân, cột sống, xương hông và xương sườn.

Nếu bệnh nhuyễn xương được phát hiện sớm, người bệnh chỉ cần uống bổ sung canxi, vitamin D và phốt phát để điều trị bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Thông thường quá trình điều trị diễn ra trong vòng 6 tháng. Một số bệnh nhân có thể khỏi bệnh trong vài tuần.

Chính vì thế việc kịp thời phát hiện và chữa bệnh có thể khắc phục nhanh tình trạng, cải thiện xương và hạn chế rủi ro.

Chẩn đoán nhuyễn xương như thế nào?

Những triệu chứng của nhuyễn xương tương tự loãng xương và một số bệnh xương khớp khác. Vì thế rất khó để chẩn đoán lâm sàng bệnh lý này. Thông thường người bệnh sẽ được hỏi triệu chứng, bệnh sử và những thói quen có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt khoáng chất.

Ngoài ra người bệnh được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định, tìm kiếm nguyên nhân, đồng thời loại trừ những rối loạn khác. Dưới đây là những xét nghiệm thường được chỉ định:

Xét nghiệm máu và nước tiểu chẩn đoán nhuyễn xương
Xét nghiệm máu xác định nhuyễn xương bằng cách kiểm tra nồng độ vitamin D và canxi trong huyết thanh
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra những phát hiện sinh hóa. Yếu tố chính trong nhuyễn xương là sự bất thường về nồng độ vitamin D trong huyết thanh. Ngoài ra còn có những xét nghiệm sinh hóa điển hình sau:
    • Canxi huyết và niệu thấp
    • Tăng nồng độ phosphatase kiềm trong huyết thanh. Điều này xảy ra do nguyên bào xương tăng hoạt động bù trừ
    • Hàm lượng Phosphat trong huyết thanh thấp (không bao gồm trường hợp loạn dưỡng xương do thận)
    • Tăng hormone tuyến cận giáp do nồng độ canxi thấp
    • Hoạt động của technetium tăng lên khi quét xương.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang ở bệnh nhân nhuyễn xương thấy những vết nứt nhẹ trong xương và những thay đổi trong cấu trúc.
  • Sinh thiết xương: Một cây kim mảnh sẽ được đưa vào xương chậu (bên hông) qua da. Sau đó rút một mẫu xương nhỏ và đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện nhuyễn xương. Đồng thời phân biệt bệnh lý này với những tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư xương.

Trong chẩn đoán phân biệt, bác sĩ có thể so sánh bệnh nhuyễn xương với một số bệnh lý xương khác. Cụ thể:

Bệnh lý xươngNồng độ CanxiNồng độ Phốt phátMức Phosphatase kiềmSố lượng hormone tuyến cận giápKết luận
Nhuyễn xương và còi xươngGiảmGiảmCaoCaoXương mềm
Viêm xương fibrosa cysticaCaoGiảmCaoCaoKhối u nâu
U xươngKhông bị ảnh hưởngKhông bị ảnh hưởngCaoKhông bị ảnh hưởngXương cẩm thạch (xương dày đặc)
Bệnh Paget của xươngKhông bị ảnh hưởngKhông bị ảnh hưởngThay đổi theo từng giai đoạn bệnhKhông bị ảnh hưởngBất thường ở cấu trúc xương
Giảm xương (khối lượng xương thấp)Không bị ảnh hưởngKhông bị ảnh hưởngThông thườngKhông bị ảnh hưởngGiảm khối lượng xương

Điều trị bệnh nhuyễn xương

Bổ sung canxi, vitamin D và phốt phát là phương pháp điều trị chính cho những bệnh nhân mắc chứng nhuyễn xương. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và những biểu hiện đi kèm, một số phương pháp khác cũng được chỉ định.

1. Dùng thuốc bổ sung

Bệnh nhân được yêu cầu bổ sung đủ vitamin D qua đường uống. Thông thường thuốc bổ sung được sử dụng cho đến khi điều trị khỏi chứng nhuyễn xương (khoảng vài tuần đến vài tháng). Những trường hợp nặng cần tiếp tục dùng chất bổ sung để duy trì nồng độ vitamin D trong máu ở mức bình thường.

Dùng thuốc bổ sung vitamin D điều trị nhuyễn xương
Dùng thuốc bổ sung để duy trì nồng độ vitamin D và canxi trong máu, điều trị khỏi nhuyễn xương
  • Nhuyễn xương do dinh dưỡng: Nghiên cứu cho thấy, nhuyễn xương do dinh dưỡng cải thiện nhanh khi dùng 2.000 – 10.000 IU vitamin D3 mỗi ngày qua đường uống. So với vitamin D2 (ergocalciferol), vitamin D3 (cholecalciferol) hấp thu nhanh và dễ dàng hơn.
  • Nhuyễn xương do kém hấp thu: Uống hoặc tiêm hàng ngày một lượng đáng kể vitamin D3 có thể khắc phục chứng nhuyễn xương do kém hấp thu.

Ngoài ra người bệnh còn được yêu cầu bổ sung canxi hoặc phốt pho bằng chế độ ăn uống hoặc thuốc bổ sung. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được hướng dẫn bổ sung canxi và phốt pho với liều lượng thích hợp.

2. Tắm nắng

Người bệnh được yêu cầu tắm nắng hoặc tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời để tạo vitamin D trên da. Điều này giúp tăng khả năng hấp thụ và dùng canxi hiệu quả của cơ thể. Từ đó tăng mật độ khoáng xương, xương chắc khỏe, giảm nguy cơ gãy xương và khắc phục chứng nhuyễn xương.

Ngoài ra tắm nắng có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư (ung thư buồng trứng, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt di căn xương…), cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ trầm cảm.

Hướng dẫn tắm nắng hấp thụ vitamin D:

  • Thời điểm: Để tổng hợp vitamin và không gây hại cho da, người bệnh nên tắm nắng trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.
  • Thời gian tắm nắng: Tắm nắng 20 phút/ ngày. Duy trì tắm nắng 5 – 10 phút/ ngày để giảm nguy cơ cháy nắng. Thời gian tắm nắng có thể thay đổi tùy thuộc vào phản ứng của da.
  • Lưu ý an toàn:
    • Thoa kem chống nắng chỉ số SPF từ 30 trở lên trước khi phơi tắm khoảng 15 phút.
    • Uống nhiều nước.
    • Không tắm nắng quá lâu hoặc khi trời nắng gắt để tránh gây ung thư da.
    • Nghỉ ngơi trong bóng râm nếu mệt mỏi và cảm thấy nóng
    • Ăn nhiều cà chua để bổ sung lycopene, ngăn ngừa nổi mẫn đỏ khi tiếp xúc tia UV.

3. Chế độ ăn uống phù hợp

Ngoài chất bổ sung, bệnh nhân bị nhuyễn xương được khuyên bổ sung vitamin D và canxi thông qua chế độ ăn uống phù hợp. Điều này góp phần cung cấp đủ hàm lượng vitamin D và canxi cần thiết cho quá trình khoáng hóa xương. Từ đó giúp cải thiện tình trạng mềm và yếu các xương, giảm đau nhức xương khớp. Đồng thời hạn chế gãy xương bệnh lý.

Bổ sung vitamin D và canxi thông qua chế độ ăn uống lành mạnh
Điều trị nhuyễn xương bằng cách bổ sung vitamin D và canxi thông qua chế độ ăn uống lành mạnh

Thực phẩm bổ sung canxi cho người lớn gồm:

  • Rau lá xanh
  • Ngũ cốc
  • Các loại hạt
  • Rau dền
  • Sữa và những chế phẩm của sữa
  • Cá hồi
  • Bông cải xanh
  • Đậu trắng
  • Đậu hũ
  • Hạnh nhân

Các thực phẩm lành mạnh và giàu vitamin D:

  • Phô mai
  • Sữa
  • Sữa chua
  • Ngũ cốc
  • Trứng
  • Cá (cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá kiếm)
  • Nước cam
  • Gan
  • Tôm
  • Nấm

Lưu ý:

  • Bổ sung chất béo để tăng hấp thụ vitamin D.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng kết hợp chất bổ sung và chế độ ăn uống. Tránh bổ sung vitamin D và canxi quá mức để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

4. Nẹp hoặc phẫu thuật

Bệnh nhân bị nhuyễn xương có thể được hướng dẫn mang nẹp để ngăn ngừa hoặc giảm những bất thường của xương. Đối với những trường hợp có biến dạng xương nghiêm trọng hoặc dai dẳng, phẫu thuật chỉnh hình có thể được chỉ định. Phương pháp này giúp điều chỉnh đường cong bất thường của xương và cải thiện dáng đi của người bệnh.

Biện pháp phòng ngừa nhuyễn xương

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhuyễn xương:

Tắm nắng phòng ngừa nhuyễn xương
Tổng hợp vitamin D và phòng ngừa nhuyễn xương bằng cách tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời
  • Tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời để phòng ngừa bệnh nhuyễn xương do thiếu vitamin D.
  • Cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống mỗi ngày. Nên ưu tiên những loại thực phẩm lành mạnh và dễ tiêu hóa như rau xanh, ngũ cốc, nước hầm xương, trái cây giàu vitamin D (như cam, quả bơ, quả đào…). Thông thường vitamin D3 trong sữa, trứng, cá, dầu gan cá… hấp thu dễ dàng hơn so với vitamin D2.
  • Điều trị nhuyễn xương do di truyền ngay từ thời thơ ấu.
  • Dùng thêm thuốc bổ sung nếu chế độ ăn uống không thể cung cấp đủ vitamin D, canxi và phốt pho hoặc có bệnh lý làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.
  • Điều trị tích cực những tình trạng làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá. Điều này giúp hạn chế tình trạng đào thải canxi trong cơ thể, giảm nguy cơ mềm xương.
  • Hạn chế rượu bia để không làm giảm khả năng hấp thụ canxi và các khoáng chất khác từ thực phẩm.

Nhuyễn xương là một bệnh lý thường gặp, xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ canxi, phốt pho và vitamin D cần thiết. Điều này khiến xương mềm, yếu, đau nhức và dễ gãy. Để ngăn ngừa và điều trị, hãy áp dụng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng kết hợp sử dụng thuốc bổ sung nếu cần thiết.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua