Người Bệnh Tiểu Đường Bị Teo Cơ Có Nguy Hiểm? Giải Đáp

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Người bệnh tiểu đường bị teo cơ thường không thể phục hồi hoàn toàn. Teo cơ là một biến chứng của bệnh tiểu đường, thường gặp ở người bị tiểu đường tuýp 2. Do glucose huyết tăng cao, các dây thần kinh kết nối với cơ bị tổn thương. Điều này làm mất chức năng kích thích co thắt cơ. Cơ không được sử dụng lâu ngày dẫn đến teo và yếu.

Người bệnh tiểu đường bị teo cơ
Người bệnh tiểu đường bị teo cơ thường liên quan đến tổn thương dây thần kinh, KLF15 và WWP1

Vì sao người bệnh tiểu đường bị teo cơ?

Bệnh tiểu đường là một bệnh chuyển hóa làm tăng lượng đường trong máu. Ở người bình thường, glucose được hormone insulin vận chuyển từ máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng hoặc dự trữ. Đối với bệnh tiểu đường, hormone insulin không được sản xuất đủ để thực hiện quá trình này. Một số trường hợp khác có insulin hoạt động không hiệu quả.

Teo cơ là một biến chứng của bệnh tiểu đường, thường gặp ở người bị tiểu đường tuýp 2 (xảy ra khi cơ thể đề kháng với insulin và trong máu tích tụ nhiều đường). Những người bị teo cơ tay, teo cơ chân hoặc cả hai sẽ có khối lượng cơ bắp ở vùng ảnh hưởng suy giảm đáng kể. Ngoài ra người bệnh còn bị yếu chi hoặc mất sức mạnh, giảm khả năng vận động.

Người bệnh tiểu đường bị teo cơ do những nguyên nhân sau:

  • Lượng KLF15 tăng lên

Tăng lượng đường trong máu dẫn đến sự suy giảm khối lượng cơ bắp. Các nghiên cứu cho thấy, KLF15 tăng lên trong cơ xương ở nhóm chuột mắc bệnh tiểu đường. Trong khi đó những con chuột thiếu KLF15 trong cơ có khả năng chống lại sự suy giảm về sức mạnh và khối lượng cơ xương do bệnh tiểu đường.

Ngoài ra các nghiên cứu cho thấy, lượng đường trong máu tăng cao làm chậm quá trình thoái hóa protein KLF15. Từ đó khiến protein này tăng lên dẫn đến sự suy yếu và giảm khối lượng cơ.

  • Giảm lượng WWP1

Trong cơ thể, một loại protein mang tên WWP1 có khả năng điều chỉnh sự phân hủy của protein KLF15. WWP1 còn được gọi là ubiquitin ligase. Khi ubiquitin liên kết với những protein khác, quá trình phân hủy những protein đang liên kết với ubiquitin sẽ tăng tốc.

Trong điều kiện bình thường, quá trình phân hủy protein KLF15 được WWP1 thúc đẩy thông qua liên kết ubiquitins với KLF15. Chính vì thế mà lượng KLF15 của tế bào được giữ ở mức thấp.

Khi lượng đường trong máu tăng cao, hàm lượng WWP1 bắt đầu giảm. Điều này làm ức chế/ giảm tốc độ thoái hóa KLF15. Từ đó khiến người bệnh tiểu đường bị teo cơ.

Giảm lượng WWP1
Giảm protein WWP1 làm giảm tốc độ thoái hóa KLF15, dẫn đến teo cơ ở người tiểu đường
  • Thiếu vận động

Người lớn tuổi bị tiểu đường có tỷ lệ giảm khối lượng cơ, hoạt động thể chất và sức mạnh nhanh hơn. Nguyên nhân là do vấn đề về sức khỏe khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi, lười vận động và nghỉ ngơi thường xuyên.

Khi không sử dụng, các cơ không được tiếp tục nuôi dưỡng và bị phá hủy dần theo theo thời gian. Cuối dùng dẫn đến tình trạng suy giảm khối lượng cơ bắp và yếu các chi. Để giảm nguy cơ, người bị tiểu đường có thể duy trì vận động và hoạt động thể chất thường xuyên.

  • Tổn thương dây thần kinh

Những người bị tiểu đường thường mắc biến chứng thần kinh. Trong đó tổn thương thần kinh thực vật và thần kinh ngoại biên là những tình trạng thường gặp nhất. Ở nhiều trường hợp, dây thần kinh liên kết cơ bị tổn thương. Khi điều này xảy ra, chức năng kích thích co thắt cơ của dây thần kinh mất đi. Cơ không được sử dụng lâu ngày dẫn đến teo và yếu.

Cơ chế gây tổn thương thần kinh ở bệnh nhân bị tiểu đường vẫn chưa được biết rõ. Một số nguyên cứu cho thấy, glucose tăng cao trong máu có thể tạo ra những chất gây độc thần kinh. Đồng thời làm tổn thương những mạch máu nhỏ cung cấp dinh dưỡng nuôi dây thần kinh.

Khi các mạch máu nhỏ bị tổn thương, nguồn cung cấp dưỡng chất và oxy suy giảm. Điều này làm giảm chức năng cũng như tốc độ dẫn truyền tín hiệu của dây thần kinh.

Những tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường thường là những thương tổn nặng nề, không thể hồi phục, một số trường hợp chỉ hồi phục một phần.

Dấu hiệu nhận biết người bệnh tiểu đường bị teo cơ

Dưới đây là những dấu hiệu giúp nhận biết người bệnh tiểu đường bị teo cơ:

  • Đang bị tiểu đường và trong quá trình điều trị
  • Yếu chi
  • Chi ảnh hưởng nhỏ hơn bên còn lại do suy giảm khối lượng cơ nạc
  • Giảm sức mạnh khiến người bệnh khó hoặc không thể vận động
  • Chậm chạm, tay chân luống cuống
  • Triệu chứng tổn thương dây thần kinh:
    • Tê bì hoặc ngứa ran
    • Có cảm giác châm chích
    • Yếu chi
Suy giảm khối lượng cơ nạc và yếu chi
Suy giảm khối lượng cơ nạc và yếu chi là triệu chứng ở người bệnh tiểu đường bị teo cơ

Người bệnh tiểu đường bị teo cơ có nguy hiểm không?

Teo cơ xảy ra ở người tiểu đường thường là tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi ở mức trước tổn thương cơ. Tuy nhiên việc kiểm soát đường huyết và điều trị teo cơ tích cực có thể giúp cải thiện khối lượng cơ bắp và tăng sức mạnh các chi.

Nếu không điều trị, người bệnh tiểu đường bị teo cơ có thể gặp những vấn đề sau:

  • Giảm khả năng vận động và sinh hoạt
  • Tê liệt

Chẩn đoán teo cơ ở người bệnh tiểu đường

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra tiền sử bệnh, đo lượng đường trong máu. Ngoài ra người bệnh được kiểm tra triệu chứng, do khối lượng cơ của chi ảnh hưởng với bên còn lại. Đồng thời kiểm tra tính linh hoạt và khả năng vận động của người bệnh.

Sau kiểm tra lâm sàng, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm nhằm kiểm tra mức độ teo cơ và những yếu tố liên quan (WWP1, KLF15, tổn thương dây thần kinh…)

Điều trị cho người bệnh tiểu đường bị teo cơ

Các phương pháp điều trị dựa trên tình trạng cụ thể. Thông thường người bệnh tiểu đường bị teo cơ được chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:

1. Kiểm soát bệnh tiểu đường

Để ngăn ngừa và giảm teo cơ ở người bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu phải được kiểm soát tốt. Các phương pháp điều trị chung gồm tập thể dục thường xuyên và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Cắt giảm chất béo bão hòa, đồ ngọt, carbohydrate tinh chế.

Việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất góp phần kiểm soát lượng đường trong máu. Từ đó hạn chế tình trạng suy giảm khối lượng cơ. Đồng thời xây dựng cơ bắp chắc khỏe.

Ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất
Ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất để kiểm soát bệnh tiểu đường, ngăn teo cơ tiến triển

Đối với bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2, người bệnh được theo dõi lượng đường trong máu, dùng thuốc uống hoặc liệu pháp Insulin. Một số trường hợp có thể được cấy ghép tuyến tụy để kích thích quá trình sản sinh Insulin tốt hơn.

Đối với tiểu đường thai kỳ và tiền tiểu đường, người bệnh được kiểm tra đường huyết định kỳ. Ngoài ra bệnh nhân được hướng dẫn ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm cân và duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát lượng đường trong máu.

Đôi khi tiểu đường thai kỳ và tiền tiểu đường được chỉ định một số loại thuốc phù hợp để kiểm soát bệnh lý. Từ đó ổn định sức khỏe tổng thể và giảm teo cơ tiến triển.

2. Vận động trị liệu

Vận động trị liệu là điều cần thiết đối với người bệnh tiểu đường bị teo cơ. Phương pháp này không chỉ góp phần kiểm soát lượng trong máu mà còn khắc phục bệnh teo cơ hiệu quả.

Cụ thể vận động và tập thể dục mỗi ngày giúp tăng tuần hoàn máu, cung cấp dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng dây thần kinh và cơ. Điều này giúp duy trì chức năng thần kinh, cơ nhận tín hiệu co thắt và phát triển.

Ngoài ra tập thể dục còn là một cách kích thích sự phát triển cơ, giúp phục hồi và xây dựng các mô cơ khỏe mạnh. Đồng thời tăng cường sức mạnh cho các chi bị ảnh hưởng.

Các nghiên cứu cho thấy, khả năng tổng hợp protein xây dựng cơ bắp cũng được cải thiện khi luyện tập. Điều này giúp cải thiện sức mạnh và khối lượng cơ bắp.

3. Kích thích điện

Kích thích điện là hình thức vật lý trị liệu được sử dụng phổ biến trong điều trị teo cơ. Phương pháp này sử dụng nguồn điện thích hợp (thường là xung điện) để kích co thắt cơ. Từ đó giúp cơ hoạt động và phát triển.

Khi kích thích điện, các điện cực có kích thước nhỏ được đặt trên da (ở vùng có cơ bị teo). Sau đó dòng điện xung được truyền từ điện cực đến cơ. Điều này kích thích và giúp các cơ hoạt động.

Kích thích điện
Kích thích điện có tác dụng kích co thắt cơ, giúp cơ hoạt động và phát triển tốt

4. Siêu âm trị liệu

Trong nhiều trường hợp, siêu âm trị liệu được sử dụng cho người bị teo cơ do bệnh tiểu đường. Phương pháp nay sử dụng sóng siêu âm để kích thích cơ qua da. Từ đó giúp các cơ hoạt động và phát triển các mô cơ bên trong.

5. Ăn uống phù hợp

Những người bệnh tiểu đường bị teo cơ cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nên ăn nhiều protein nạc, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Điều này cung cấp hàm lượng protein cần thiết giúp thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển cơ bắp. Từ đó khôi phục khối lượng cơ và lấy lại sức mạnh.

Ngoài ra việc ăn nhiều protein nạc, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt còn giúp bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết (vitamin A, B, C, D, E, magie, kẽm, canxi…). Những thành phần dinh dưỡng này giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, tăng khối lượng của cơ xương. Từ đó kiểm soát đồng thời teo cơ và bệnh tiểu đường.

Phòng ngừa teo cơ do tiểu đường

Để phòng ngừa teo cơ do bệnh tiểu đường, người bệnh cần:

Vận động và tập thể dục mỗi ngày
Vận động và tập thể dục mỗi ngày để giảm nguy cơ tiểu đường và duy trì khối lượng cơ bắp
  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tránh đường huyết tăng cao gây biến chứng thần kinh và teo cơ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng với các loại thực phẩm lành mạnh. Cụ thể như cá, thịt nạc, các loại rau củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc, các loại hạt, đậu, trứng, bông cải xanh, cà chua…
  • Hạn chế ăn những loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, nhiều đường và carbohydrate tinh chế. Những loại thực phẩm này có khả năng làm tăng nồng độ glucose trong máu, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng (trong đó có teo cơ).
  • Vận động và tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức mạnh và duy trì khối lượng cơ bắp. Theo các chuyên gia, dành 30 phút mỗi ngày hoạt động aerobic vừa phải vào các ngày trong tuần hoặc ít nhất 150 phút/ tuần có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường và teo cơ.
  • Tránh lười vận động để phòng ngừa người bệnh tiểu đường bị teo cơ.
  • Kiểm soát cân nặng để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường dẫn đến biến chứng teo cơ.

Người bệnh tiểu đường bị teo cơ cần được khám và điều trị sớm để giảm nguy cơ tê liệt (đặc biệt là khi có tổn thương dây thần kinh). Teo cơ ở người bị tiểu đường thường tiến triển nhanh và khó hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên chế độ ăn uống phù hợp, vận động trị liệu và các phương pháp khác có thể giúp tăng khối lượng cơ rõ rệt.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua