Nẹp Đầu Gối Có Tác Dụng Gì? Ai Nên Nẹp? Điều Cần Biết

Theo dõi IHR trên goole news

Nẹp đầu gối là một dụng cụ hỗ trợ ổn định khi đầu gối bị đau hoặc tổn thương. Đôi khi dụng cụ này cũng được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp gối, giúp người bệnh di chuyển dễ dàng và thoải mái hơn. Có nhiều loại nẹp khác nhau được sử dụng ở khớp gối, do đó người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Nẹp đầu gối
Các loại nẹp đầu gối được sử dụng để cố định, giảm đau và ngăn ngừa chấn thương thêm

Nẹp đầu gối là gì?

Nẹp đầu gối là một trong những công cụ nhằm kiểm soát sự khó chịu cũng như những cơn đau ở đầu gối. Nẹp có thể giúp giảm đau bằng cách chuyển trọng lượng cơ thể ra khỏi khu vực bị tổn thương và ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Mang nẹp cũng có thể giúp cải thiện khả năng đi lại, giúp người bệnh đi bộ xa hơn một cách thoải mái.

Trong trường hợp đầu gối bị chấn thương, nẹp có thể giúp ổn định khớp gối, giảm sưng khớp và giúp người bệnh tham gia vào các hoạt động gây áp lực lên khớp gối. Đôi khi nẹp cũng được sử dụng để ngăn ngừa các chấn thương khi chơi thể thao hoặc trong các hoạt động thể chất khác.

Nẹp có nhiều kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc cũng như chất liệu khác nhau. Nẹp có thể làm từ kim loại, bọt xốp, nhựa, các chất dẻo và dây dai nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người bệnh.

Nẹp đầu gối phục hồi chức năng
Sử dụng nẹp theo nhu cầu cũng như các chấn thương cụ thể để được hỗ trợ tốt nhất

Hiện tại có bốn loại nẹp chính thường được sử dụng ở đầu gối, chẳng hạn như:

  • Nẹp dự phòng: Đây là những loại nẹp thường được sử dụng để bảo vệ đầu gối trong các chấn thương, chẳng hạn như va chạm thể thao hoặc đi xe mô tô đường dài.
  • Nẹp chức năng: Đây là loại nẹp được sử dụng để hỗ trợ đầu gối đã bị chấn thương, giúp cải thiện chức năng đầu gối cũng như ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
  • Nẹp phục hồi chức năng: Đây là những loại nẹp thường được sử dụng để hạn chế các cử động gây tổn thương đến khớp gối trong quá trình hồi phục chức năng sau phẫu thuật.
  • Nẹp giảm áp lực (unloader / offloader): Đây là loại nẹp được thiết kế để giảm đau cho những người bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc các bệnh lý mãn tính khác gây ảnh hưởng đến đầu gối.

Thông thường các loại nẹp phổ biến nhất bao gồm nẹp chức năng, nẹp phục hồi chức năng và nẹp giảm áp lực. Các loại nẹp này có thể hỗ trợ ổn định đầu gối, hạn chế các động tác xoay và ngăn ngừa các chấn thương có thể xảy ra ở khu vực khớp gối hoặc xương cẳng chân.

Các loại nẹp khác nhau sẽ được chỉ định cho các chấn thương và tình trạng khác nhau. Do đó, nếu nhận thấy bị đau đầu gối, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và được chỉ định loại nẹp phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị các biện pháp điều trị khác, bao gồm sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật (nếu cần thiết).

Ai nên sử dụng nẹp đầu gối?

Nẹp đầu gối được chỉ định để giảm áp lực lên đầu gối, giúp ổn định khớp gối, giúp giảm đau và ngăn ngừa các chấn thương.

Nẹp đầu gối y tế
Bệnh nhân bị chấn thương đầu gối, viêm khớp hoặc sau khi phẫu thuật nên sử dụng nẹp để được hỗ trợ

Một số chấn thương hoặc tình trạng phổ biến được chỉ định sử dụng nẹp bao gồm:

Bất cứ chấn thương nào gây ảnh hưởng đến đầu gối hoặc khiến đầu gối không ổn định đều có thể được chỉ định sử dụng nẹp để giảm đau và tránh các chấn thương. Đôi khi người bệnh có thể cần trao đổi với nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn các chương trình phục hồi chức năng hiệu quả.

Ngoài ra, nẹp cũng là một phương pháp điều trị phổ biến dành cho người thoái hóa khớp. Nẹp có thể ngăn ngừa các tổn thương bất ngờ, hạn chế tình trạng lệch khớp và ngăn ngừa nguy cơ té ngã.

Nẹp đầu gối có hiệu quả không?

Hiệu quả của các loại nẹp đầu gối thường khác nhau ở các đối tượng sử dụng, tuy nhiên về cơ bản nẹp có thể giúp ổn định khớp gối, giảm đau và ngăn ngừa các chấn thương thêm.

Bó gối cho người đứt dây chằng
Nẹp có thể giúp khớp gối ổn định hơn, hỗ trợ giảm đau và ngăn ngừa chấn thương thêm

Mặc dù có thể hỗ trợ khớp gối, tuy nhiên đôi khi nẹp có thể dẫn đến  một số rủi ro, chẳng hạn như:

  • Khó chịu khi đeo nẹp: Ban đầu, việc mang nẹp có thể gây cảm giác nặng nề, cồng kềnh và nóng. Nếu mang nẹp không vừa vặn có thể khiến nẹp bị trượt.
  • Kích ứng da và sưng tấy: Vùng da bên dưới nẹp có thể bị đỏ và kích ứng nếu nẹp không vừa vặn với khớp gối. Một số người có thể bị sưng tấy xung quanh khớp.
  • Hiệu quả không rõ ràng: Một số nghiên cứu cho thấy, nẹp có thể không hiệu quả đối với những người bị viêm khớp hoặc thoái hóa khớp.
  • Cứng khớp: Việc mang nẹp khớp gối có thể giúp ổn định khớp, tuy nhiên cũng có thể khiến khớp gối bị cứng, cũng như hạn chế các hoạt động khác, chẳng hạn như xoay đầu gối.

Sử dụng nẹp đầu gối như thế nào?

Sử dụng các loại nẹp theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để đạt được hiệu quả tốt nhất. Khi sử dụng nẹp cần đảm bảo sao cho khớp gối vẫn có thể gập lên xuống linh hoạt. Các dây chằng, băng hoặc băng kiểu móc và vòng khoen của nẹp cần được cố định chặt quanh bắp chân để tránh các nguy cơ chấn thương hoặc trượt nẹp.

Các loại nẹp gối
Thường xuyên kiểm tra nẹp khi vận động để tránh trượt hoặc xô lệch khi sử dụng

Trong khi vận động hoặc chơi thể thao, người dùng nên kiểm tra lại nẹp để tránh nguy cơ trượt hoặc xô lệch nẹp. Ngoài ra, khi buộc nẹp cầm chú ý đến vị trí, nếu buộc không đúng có thể dẫn đến nhiều rủi ro, thậm chí là gây tổn thương đầu gối.

Để đảm bảo nẹp đầu gối phát huy tất cả công dụng, cần sử dụng nẹp trong suốt thời gian vận động hoặc thực hiện các động tác có nguy cơ gây tổn thương đầu gối. Ngoài ra, bạn cũng cần khởi động đúng cách trước khi tiến hành các hoạt động thể thao và thả lỏng sau khi hoạt động để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Cách bảo quản nẹp khớp gối

Nẹp đầu gối có thể bị hỏng sau một thời gian sử dụng. Do đó, người dùng cần kiểm tra nẹp thường xuyên để phát hiện những vị trí bị rách hoặc mòn.

Nếu nẹp làm bằng sợi vải thì nên thường xuyên giặt nẹp bằng nước và xà phòng, sau đó phơi dưới nắng. Khi vệ sinh nẹp cần bọc những vị trí bằng kim loại để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng nẹp.

Khi sử dụng nẹp, những chi tiết bằng kim loại, móc treo hoặc nhựa cứng cần được che chắn cẩn thận để tránh gây tổn thương cho người khác.

Các loại nẹp đã cũ, xuống cấp hoặc không đảm bảo chức năng cần được thay mới để phát huy công dụng tốt nhất. Các loại nẹp được làm bằng chất liệu tốt hơn thường có giá đắt, tuy nhiên bền bỉ và có thời gian sử dụng lâu hơn. Do đó, người bệnh có thể dựa vào nhu cầu cũng như thời gian sử dụng để chọn lựa loại nẹp phù hợp nhất.

Đeo nẹp gối có cần tập luyện không?

Nẹp gối là dụng cụ được sử dụng để cố định khớp, giảm đau và ngăn ngừa tổn thương để giúp khớp phục hồi sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Ngay cả sau khi đeo nẹp, người bệnh vẫn có thể bị chấn thương, đau đớn cũng như mắc các vấn đề xương khớp khác. Do đó, người bệnh cần thường xuyên thực hiện các động tác co giãn đầu gối, tăng cường sức mạnh cơ bắp chân cũng như thực hiện các kỹ thuật vận động đúng cách để giúp đầu gối hồi phục.

Để hỗ trợ phục hồi chức năng khớp gối, người bệnh cần thực hiện các bài tập với cường độ tăng dần. Tăng cường sức mạnh cơ bắp là một yếu tố quan trọng có thể giúp giảm đau, chấn thương cũng như giúp đầu gối linh hoạt hơn.

Mua nẹp đầu gối ở đâu?

Nẹp đầu gối là dụng cụ y tế hỗ trợ ngăn ngừa các chấn thương phổ biến và được phân phối tại các cơ sở cung cấp thiết bị y tế chuyên nghiệp. Tại các cơ sở này người bệnh sẽ được tư vấn các loại nẹp phù hợp với nhu cầu cũng như tình trạng cụ thể nhằm đạt hiệu quả điều trị phù hợp nhất.

nẹp đầu gối chức năng
Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn loại nẹp phù hợp

Ngoài ra, bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn người bệnh đến các cửa hàng thiết bị y tế hoặc cửa hàng thuốc để chọn loại nẹp phù hợp nhất.

Các nhà thuốc cũng có cung cấp các loại nẹp đầu gối phù hợp. Những loại nẹp này thường có giá thấp nhưng hiệu quả cố định có thể không cao. Ngoài ra, những loại nẹp có sẵn tại nhà thuốc cũng có thể không vừa vặn, có chất liệu không phù hợp, điều này có thể dẫn đến chấn thương cũng như một số rủi ro khác.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tìm các loại nẹp đầu gối hoặc băng bảo vệ đầu gối ở các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, người dùng cần có sự lựa chọn phù hợp cũng cần thận trọng khi sử dụng để tránh các sản phẩm kém chất lượng.

Nẹp đầu gối được sử dụng sau chấn thương hoặc phẫu thuật gây mất ổn định khớp gối. Nẹp có thể ổn định đầu gối, hỗ trợ các tư thế, cải thiện lưu thông máu đến các cơ và ngăn ngừa sưng tấy xung quanh khớp.

Sử dụng loại nẹp đầu gối đúng với nhu cầu để tránh các rủi ro liên quan. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua