Mổ vẹo cột sống khi nào? Có nguy hiểm không?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Mổ vẹo cột sống là phương pháp điều chỉnh được chỉ định phổ biến cho cả người lớn và trẻ em có biến dạng lớn ở cột sống. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được phẫu thuật không hợp nhất đốt sống, hợp nhất đốt sống hoặc đặt thanh cố định cho cột sống. Theo thời gian đường cong bất thường sẽ được điều chỉnh, tăng tính ổn định của cột sống và ngăn một số biến chứng có thể xảy ra.

Mổ vẹo cột sống
Tìm hiểu mổ vẹo cột sống khi nào? Có nguy hiểm không? Quy trình thực hiện, cách chăm sóc

Mổ vẹo cột sống là gì?

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị mất tính ổn định và thay đổi độ cong một cách bất thường. Trong đó một hoặc nhiều điểm cụ thể của cột sống sẽ bị cong sang một bên, các đốt sống xoay hoặc xoắn lại làm ảnh hưởng đến xương sườn và những cơ quan trong lòng ngực.

Bệnh được phân thành nhiều loại dựa trên độ tuổi và nguyên nhân, bao gồm: Vẹo cột sống vô căn, vẹo cột sống bẩm sinh, vẹo cột sống thoái hóa và vẹo cột sống thần kinh cơ.

Khi mắc bệnh, đồng loạt vai, hông và eo sẽ không đều nhau, bên này cao hơn bên còn lại. Ngoài ra một bên xương bả vai nhô cao hơn nhiều so với bên kia, bệnh nhân thay đổi dáng đi, khó thở, đau lưng, hạn chế khả năng vận động.

Mổ vẹo cột sống là phương pháp điều trị được áp dụng cho phần lớn các trường hợp có bất thường ở cột sống, kể cả người lớn và trẻ em có đủ điều kiện y tế. Cụ thể như bệnh nhân có đường cong cột sống nghiêm trọng, giảm thể tích khung xương sườn khiến các cơ quan bên trong bị chèn ép và gây biến chứng.

Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh những bất thường ở cột sống bằng cách hợp nhất đốt sống, phẫu thuật không hợp nhất đốt sống hoặc đặt thanh cố định cho cột sống. Từ đó loại bỏ đường cong bất thường, tăng tính ổn định cho cột sống, giúp người bệnh khỏe mạnh và thực hiện các hoạt động sinh hoạt như người bình thường.

Các hình thức mổ vẹo cột sống

Tùy thuộc vào mục đích điều trị, bệnh nhân sẽ được mổ vẹo cột sống với những lựa chọn khác nhau. Cụ thể:

1. Phẫu thuật hợp nhất đốt sống

Phương pháp mổ vẹo cột sống này hợp nhất vĩnh viễn hai đốt sống liền kề (hoặc hơn) để chúng phát triển cùng nhau ngay tại khớp cột sống. Khi đó, sự hợp nhất sẽ tạo thành một xương vững chắc, ổn định trong cột sống và không còn cử động. Hiện nay phẫu thuật hợp nhất đốt sống là pháp được chỉ định phổ biến nhất.

Ưu điểm:

  • Các nghiêng cứu cho thấy, phẫu thuật hợp nhất đốt sống mang đến hiệu quả điều chỉnh cột sống nhanh và cao, thời gian phục hồi được rút ngắn hơn so với những phương pháp khác.
  • Có độ an toàn cao
  • Đạt hiệu quả lâu dài trong điều trị vẹo cột sống.

Hạn chế:

  • Mất khả năng vận động ở những đốt sống hợp nhất. Từ đó hạn chế một số động tác vặn và uốn cong của lưng.

Để khắc phục hạn chế, giúp bệnh nhân duy trì khả năng di chuyển nhiều hơn, phẫu thuật hợp nhất đốt sống ngày nay thường kết hợp ít đốt sống hơn.

Phẫu thuật hợp nhất đốt sống
Phẫu thuật hợp nhất đốt sống để tạo thành một xương vững chắc, ổn định trong cột sống và không còn bất thường

2. Phẫu thuật không hợp nhất đốt sống

Phẫu thuật không hợp nhất trong mổ vẹo cột sống là những phương pháp điều chỉnh sự tăng trưởng trên cột sống để điều trị chứng vẹo cột sống và những bất thường liên quan ở những trẻ em đang lớn.

Phương pháp này tạo áp lực lên mặt ngoài của đường cong cột sống nhằm mục đích làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của mặt ngoài đường cong. Trong khi đó mặt trong của đường cong vẫn tiếp tục phát triển như bình thường. Lâu ngày độ cong bên sẽ giảm, cột sống của bệnh nhân trở nên thẳng hơn.

Khi phẫu thuật không hợp nhất, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng hệ thống cố định cột sống và một số thiết bị hỗ trợ để đặt vít (số lượng tùy chỉnh) ở phía ngoài của đường cong. Sau đó một sợi dây sẽ được liên kết và kéo căng để cột sống thẳng ra.

Ưu điểm:

  • Giữ lại khả năng di chuyển của cột sống, người bệnh có thể thuận lợi hơn trong việc xoay, uốn cong người sau phục hồi.

Hạn chế:

  • Chưa có dữ liệu về độ an toàn của phương pháp phẫu thuật không hợp nhất.

3. Phẫu thuật cấy thanh dọc cố định đốt sống

Phẫu thuật cấy thanh dọc cố định đốt sống chỉ được chỉ định cho những trẻ đang trong độ tuổi phát triển. Đối với lựa chọn phẫu thuật này, các thanh kim loại sẽ được neo vào cột sống trong khi trẻ lớn lên nhằm mục đích điều chỉnh và duy trì độ cong của cột sống.

Sau lần phẫu thuật đầu tiên, trẻ sẽ được thực hiện thêm nhiều lần phẫu thuật khác cho đến khi ổn định hoàn toàn (mỗi 6 – 12 tháng/ lần). Trong khi phẫu thuật, các thanh dọc cố định cột sống sẽ được kéo dài để theo kịp quá trình phát triển của cột sống. Khi bộ xương đã phát triển và đủ gần với sự trưởng thành, bệnh nhân sẽ được hợp nhất cột sống.

Ưu điểm:

  • Loại bỏ đường cong và đảm bảo sự phát triển bình thường của cột sống trong suốt quá trình điều trị.

Hạn chế:

  • Thân ngắn hơn bình thường
  • Hạn chế không gian phát triển của phổi nếu phẫu thuật được thực hiện ở độ tuổi quá nhỏ (bé trai dưới 12 tuổi và bé gái dưới 10 tuổi)

Để tránh biến chứng, người bệnh cần áp dụng phương pháp phát triển hệ thống giúp định hướng cột sống trong thời gian cột sống phát triển, ngăn đường cong bất thường tiến triển và thực hiện hợp nhất nếu cần.

Phẫu thuật cấy thanh dọc cố định đốt sống
Phẫu thuật cấy thanh dọc cố định đốt sống được chỉ định cho những trẻ nhỏ đang trong độ tuổi phát triển

Mục tiêu của mổ vẹo cột sống

Mổ vẹo cột sống có ba mục tiêu chính gồm:

  • Kiểm soát sự phát triển của đường cong, ngăn tình trạng cong vẹo cột sống trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Giảm sự biến dạng của cột sống. Cụ thể phẫu thuật giúp loại bỏ tình trạng xoay hoặc xoắn bất thường, chỉnh sửa đường cong bên. Điều này giúp giảm bớt những bất thường ở xương sườn, tăng thể tích khung xương và giúp người bệnh đứng thẳng hơn.
  • Duy trì sự cân bằng của cột sống và tổng thể của thân bằng cách điều chỉnh và giữ độ cong tự nhiên của cột sống (mặt trước hoặc/ và mặt sau) càng nhiều càng tốt trong khi vẫn giữ cho chân và hông đều nhất có thể.

Mổ vẹo cột sống khi nào?

Thông thường mổ vẹo cột sống sẽ được chỉ định khi:

  • Góc vẹo cột sống lớn hơn 40 độ và dưới 70 độ
  • Góc vẹo cột sống lưng dao động từ 35 độ đến 40 độ nhưng có xu hướng tiến triển nhanh mặc dù đã sử dụng đai chỉnh hình cột sống (khoảng 10 độ 1 năm).
  • Vẹo cột sống lưng có góc vẹo mềm dẻo dưới 30 độ
  • Vẹo cột sống ngực vô căn thiếu niên
  • Vẹo cột sống ngay tại thắt lưng hoặc đoạn bản lề ngực thắt lưng
  • Dưới 8 đốt sống cần tiến hành phẫu thuật nối đốt sống
  • Phẫu thuật nối đốt sống không quá đốt L1, không quá đốt T4. Những trường hợp vượt quá điều kiện y tế cần phẫu thuật nội soi chỉnh vẹo.

Chống chỉ định mổ vẹo cột sống

Những trường hợp dưới đây không được chỉ định mổ vẹo cột sống:

  • Góc gù cột sống ngực trên 40 độ
  • Những đường cong ngực kép
  • Có tiền sử hoặc đang mắc những bệnh lý lồng ngực. Cụ thể như viêm phổi tái phát, lao phổi, viêm dính màng phổi…
  • Chức năng phổi kém
  • Có tiền sử phẫu thuật lồng ngực hoặc phẫu thuật vùng sau phúc mạc cùng bên can thiệp vẹo cột sống (bên lồi)
  • Thiếu chất xương
Chống chỉ định mổ vẹo cột sống
Chống chỉ định mổ vẹo cột sống ở những người có chức năng phổi kém, góc gù cột sống ngực trên 40 độ

Quy trình mổ vẹo cột sống

Trước khi tiến hành phẫu thuật điều trị vẹo cột sống, người bệnh cần hiểu rõ về quy trình của phương pháp. Điều này giúp bệnh nhân chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm lý và vật chất.

Quy trình mổ vẹo cột sống bao gồm những bước cơ bản sau:

1. Chuẩn bị

Bệnh nhân thăm khám kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết (chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, đo góc Cobb, siêu âm…) để kiểm tra tình trạng tổng thể, đoạn cột sống cần được phẫu thuật điều trị. Sau đó điền đầy đủ thông tin, hoàn thành hồ sơ nhập viện và phẫu thuật theo quy định của bộ Y tế.

2. Tiến hành mổ vẹo cột sống

Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm trên bàn mổ với tư thế nghiêng về góc nhọn của cột sống.

Trong khi phẫu thuật:

  • Bác sĩ tiến hành gây mê nội khí quản Carlen cho bệnh nhân
  • Bác sĩ dò tìm vị trí cong vẹo cột sống dưới C-arms 2 bình diện. Sau đó đặt hệ thống ống nong trocar
  • Sử dụng dao mổ rạch một đoạn khoảng 1,5 – 2cm trên da ngay tại những khoang liên sườn tương ứng
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ để mở rộng vết mổ sang hai bên giúp quan sát cột sống và đĩa đệm ở đỉnh vẹo
  • Dùng dao hoặc thiết bị hỗ trợ rạch bao xơ đĩa đệm ở mặt bên
  • Lấy nhân nhầy đĩa đệm bằng pince
  • Lấy đĩa đệm và những tấm tận bằng dụng cụ chuyên biệt
  • Ghép, đặt xương nhân tạo, xương tự thân hoặc xương được hiến tặng vào khoảng trống
  • Định hướng và đặt hệ thống nẹp vít (dụng cụ cổ trợ điều chỉnh cột sống) trên ống sống ngực
  • Điều chỉnh hệ thống vít và nẹp để chỉnh hình lại cột sống
  • Đặt ống dẫn lưu ngực
  • Khâu vết mổ và cắt chỉ.

3. Theo dõi sau phẫu thuật

Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm viện 7 ngày sau phẫu thuật. Trong 48 giờ đầu tiên bệnh nhân sẽ được theo dõi tình trạng, kiểm tra các phản ứng (nếu có), dẫn lưu và đưa dịch trong màng phổi ra ngoài, tập thổi bóng để phổi nở ra.

Ống dẫn lưu sẽ được rút sau 48 giờ, bác sĩ kiểm tra và thăm khám bệnh nhân kỹ lưỡng. Trong 5 – 7 ngày sau mổ, bệnh nhân được yêu cầu dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.

Quy trình mổ vẹo cột sống
Quy trình mổ vẹo cột sống gồm chuẩn bị, tiến hành mổ vẹo cột sống và theo dõi sau phẫu thuật

Thời gian mổ vẹo cột sống kéo dài trong bao lâu?

Thông thường thời gian phẫu thuật hợp nhất các đốt sống dao động trong khoảng 4 – 8 giờ tùy theo mức độ nghiêm trọng (kích thước đường cong, các bộ phận bị ảnh hưởng…) và đoạn cột sống bị ảnh hưởng.

Một phần thời gian phẫu thuật được dùng để thực hiện các bước chuẩn bị trước khi mổ. Cụ thể như gây mê bệnh nhân, kết nối giữa bệnh nhân với màn hình, điều chỉnh tư thế của bệnh nhân sao cho thoải mái và an toàn.

Đau do mổ vẹo cột sống kéo dài trong bao lâu?

Thời gian kéo dài và mức độ đau ở mỗi bệnh nhân không giống nhau. Những ngày đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân cảm thấy khi chịu và đau nhói. Tuy nhiên việc dùng thuốc có thể giúp hạn chế đau đớn.

Vào ngày thứ ba hoặc thứ tư sau phẫu thuật, cơn đau cải thiện nhanh chóng mà không cần dùng thuốc với liều cao. Lúc này bệnh nhân có thể đứng lên ngồi xuống, đi lại xung quanh và cảm thấy sức khỏe đã được ổn định.

Cơn đau tiếp tục thuyên giảm và biến mất sau phẫu thuật từ 4 đến 6 tuần. Khi đó người bệnh có thể luyện tập, tham gia vào các hoạt động thể chất, tiếp tục đi học và làm việc như bình thường.

Mổ vẹo cột sống có nguy hiểm không?

Phần lớn bệnh nhân phẫu thuật điều chỉnh vẹo cột sống đều thành công và không có rủi ro hay nguy hiểm nào liên quan đến phương pháp phẫu thuật. Đặc biệt là khi người bệnh được phẫu thuật bởi chuyên gia/ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chăm sóc tốt vết thương sau phẫu thuật.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, rủi ro không mong muốn có thể tiềm ẩn sau mổ vẹo cột sống. Dưới đây là rủi ro có thể gặp và cách xử lý:

  • Máu cục màng phổi: Tiến hành nội soi lấy máu cục.
  • Nhiễm trùng vết mổ: Đây là vấn đề thường gặp nhất, có thể giải quyết bằng những cách sau:
    • Dựa trên kháng sinh đồ, tiêm kháng sinh theo đường tĩnh mạch, thường xuyên rửa vết thương và thay băng gạc y tế
    • Truyền dịch hoặc/ và phẫu thuật lại khi cần cắt lọc làm sạch vết thương
  • Tổn thương tĩnh mạch chủ hoặc động mạch chủ ngực: Cầm máu và xử lý tổn thương theo phác đồ.
  • Tổn thương màng cứng và rễ thần kinh: Vá màng cứng.
Nhiễm trùng vết mổ
Nhiễm trùng vết mổ là vấn đề thường gặp nhất ở những người mổ vẹo cột sống

Chi phí mổ vẹo cột sống

Chi phí cho một lần mổ vẹo cột sống thường dao động trong khoảng từ 15 – 20 triệu đồng, chưa bao gồm các chi phí phát sinh như chi phí thăm khám, chẩn đoán cận lâm sàng, thuốc men, thời gian nằm viện.

Một số yếu tố có thể làm giảm hoặc làm tăng chi phí mổ mổ vẹo cột sống:

  • Bệnh nhân thuộc diện hỗ trợ
  • Có bảo hiểm y tế
  • Cơ sở tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật
  • Cơ sở vật chất và những thiết bị phẫu thuật trong bệnh viện
  • Bác sĩ phẫu thuật, thường tăng dần theo các cấp bậc từ Bác sĩ chuyên khoa/ Thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư
  • Mức độ nghiêm trọng và vị trí vẹo cột sống
  • Sức khỏe tổng thể

Lưu ý và cách chăm sóc khi mổ vẹo cột sống

Trước khi quyết định mổ vẹo cột sống, người bệnh cần tiến hành thăm khám kỹ lưỡng, chỉ can thiệp phẫu thuật khi bác sĩ chuyên khoa yêu cầu. Nên phẫu thuật ở những bệnh viện uy tín để đảm bảo các thiết bị đều được vô khuẩn, đầy đủ máy móc và dụng cụ cần thiết cho quá trình phẫu thuật can thiệp.

Ngoài ra bác sĩ phẫu thuật phải là bác sĩ giỏi, hiểu biết rộng và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật điều chỉnh cột sống. Khi đó tính hiệu quả và an toàn sẽ được nâng cao.

Một số cách chăm sóc và những lưu ý khác:

  • Bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau hoặc các thuốc đi kèm như thuốc kháng sinh đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Sau khi phẫu thuật cần nằm nghiêng hoặc nằm ngửa và giữ cho lưng luôn được thoải mái.
  • Có thể ngồi từ 5 – 10 phút kết hợp vận động nhẹ nhàng để tránh nằm bất động trong thời gian dài dẫn đến cứng khớp.
  • Bệnh nhân cần có người nhà hỗ trợ và chăm sóc trong 4 tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D, vitamin K, canxi, axit béo omega-3 và protein để tăng tốc độ chữa lành cột sống, duy trì sự phát triển bình thường của các đốt sống. Đồng thời tăng sức đề kháng, giảm đau, kháng viêm, nâng cao sức khỏe tổng thể và khả năng chống bệnh.
  • Phục hồi chức năng sau mổ vẹo cột sống theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không nên để nước dính vào vết thương sau phẫu thuật vài ngày.
  • Rửa vết thương với thuốc và thay băng mỗi 4 – 5 giờ 1 lần.
  • Lựa chọn những bộ quần áo giúp giữ ấm cho lưng và thay quần áo mỗi ngày.
  • Tuyệt đối không khuân vác hay nâng bất kỳ vật nặng nào sau phẫu thuật.
  • Tránh đứng lâu và không nên lái xe trong 6 – 8 tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Thời gian vận động, làm việc và học tập trở lại của mỗi người không giống nhau do độ tuổi và mức độ ảnh hưởng của bệnh. Hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chi tiết.
  • Bệnh nhân có thể hoạt động thể chất và chơi thể thao sau 2 – 3 tháng mổ vẹo cột sống. Tuy nhiên cần tránh chơi những môn thể thao hay thực hiện những bài tập có cường độ nặng làm ảnh hưởng đến cột sống. Cụ thể như tập tạ, bóng rổ…
  • Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ. Thông thường bệnh nhân mổ vẹo cột sống sẽ được yêu cầu tái khám mỗi 8 tuần 1 lần.
  • Nếu nhận thấy vết mổ xuất hiện những biểu hiện bất thường như mưng mủ, sưng, đỏ, thường xuyên chảy máu và dịch vàng… thường bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa vì đây có thể là biểu hiệu của tình trạng nhiễm trùng vết thương.
  • Người bệnh cần đến bệnh viện và gặp bác sĩ nếu cảm thấy khó thở, tê bì chân tay, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt… trong 1 – 2 tuần đầu sau phẫu thuật.
Tăng cường bổ sung vitamin, canxi, axit béo omega-3 và protein
Bổ sung vitamin, canxi, omega-3 và protein để tăng tốc độ chữa lành, duy trì sự phát triển bình thường của cột sống

Mổ vẹo cột sống ở đâu?

Để quá trình điều chữa bệnh diễn ra suôn sẻ và đảm bảo tối đa mức độ an toàn, người bệnh cần tiến hành thăm khám kỹ lưỡng ở những bệnh viện uy tín, có đầy đủ hệ thống máy móc tối tân. Điều này giúp kết quả chẩn đoán và những phương pháp điều trị được xác định chính xác.

Một số địa chỉ mổ vẹo cột sống uy tín ở TP HCM và Hà Nội:

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình

  • Số điện thoại: 028.3923.5791 – 028.3923.7007 – 028.3923.5821
  • Địa chỉ liên hệ: Số 929 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Chợ Rẫy

  • Số điện thoại: 028.3923.5791 – 028.3923.7007 – 028.3923.5821
  • Địa chỉ liên hệ: Số 201B đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 1

  • Số điện thoại: 028.3950.6126
  • Địa chỉ liên hệ: Số 215 đường Hồng Bàng, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

  • Số điện thoại: 069.572.400
  • Địa chỉ liên hệ: Số 1, Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức

  • Số điện thoại: 024.3825.3531 – 024.3824.8308
  • Địa chỉ liên hệ: Số 40 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

Mổ vẹo cột sống mang đến nhiều lợi ích cho quá trình điều trị, cải thiện tốt độ cong cột sống và ngăn biến chứng của bệnh. Vì thế phương pháp này được chỉ định với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có đường cong cột sống từ 40 – 70 độ.

Tuy nhiên người bệnh cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín và bác sĩ điều trị có tay nghề cao để đảm bảo phẫu thuật an toàn và hiệu quả. Ngoài ra bệnh nhân cần áp dụng các lưu ý và biện pháp chăm sóc sau phẫu thuật điều trị để sớm khắc phục bệnh lý.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua