Khô khớp gối ở người trẻ do đâu? Cách khắc phục

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Khô khớp gối ở người trẻ chủ yếu xảy ra ở những người lười vận động, ngồi nhiều. Đôi khi tiến triển từ một chấn thương hay viêm khớp. Bệnh lý này không chỉ gây cứng khớp mà còn khiến bệnh nhân đau nhức, vận động kém linh hoạt, tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối trong tương lai. Ngoài ra việc không điều trị kịp thời và đúng cách còn gây biến dạng khớp, teo cơ và liệt khớp gối.

Khô khớp gối ở người trẻ
Tìm hiểu nguyên nhân gây khô khớp gối ở người trẻ, cách phòng ngừa và khắc phục

Khô khớp gối ở người trẻ là gì?

Khô khớp gối thường xảy ra ở những người trong độ tuổi trung niên. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến ổ khớp lỏng lẻo, sụn khớp và xương dưới sụn hao mòn, quá trình tiết dịch suy giảm dẫn đến khô khớp. Tuy nhiên bệnh cũng có thể tiến triển ở những người trẻ.

Khô khớp gối ở người trẻ là tình trạng suy giảm dịch khớp bôi trơn ở đầu gối khiến khớp cứng, sờ hoặc vận động thấy đau và phát ra tiếng kêu lục cục. Ngoài ra người bệnh bị giảm khả năng vận động, khớp gối chịu lực kém.

Ở người trẻ, tình trạng khô khớp chủ yếu xảy ra do ít vận động, ngồi nhiều. Trong nhiều trường hợp khác, khô khớp tiến triển từ chấn thương hoặc có bệnh lý tác động. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp điều trị và chăm sóc thích hợp.

Khô khớp gối ở người trẻ do đâu?

Bệnh khô khớp gối ở người trẻ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

  • Ngồi nhiều, lười vận động

Ngồi nhiều, lười vận động là nguyên nhân gây khô khớp gối phổ biến ở người trẻ. Bởi việc ngồi lâu, ít co duỗi khớp gối hoặc ít vận động sẽ khiến dây chằng chéo trước và sau giảm độ đàn hồi, co cứng, không đảm bảo tính ổn định và sự linh hoạt của đầu gối.

Mặt khác, việc ngồi nhiều và ít vận động còn làm ảnh hưởng đến quá trình tiết dịch bôi trơn, tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối trong tương lai. Từ đó gây ra tình trạng khô khớp, giảm khả năng vận động.

Trường hợp này thường gặp ở những người lái xe, nhân viên văn phòng, thợ may, công nhân…

Ngồi nhiều, lười vận động
Khô khớp gối ở người trẻ phổ biến ở những người có công việc cần ngồi nhiều hoặc lười vận động
  • Chấn thương ở đầu gối

Khô khớp gối ở người trẻ thường xảy ra ở những người có tiền sử chấn thương xương khớp do té ngã, va đập, tai nạn trong lao động hoặc khi chơi thể thao… Chấn thương gây giãn dây chằng đầu gối, tổn thương xương và sụn khớp. Điều này khiến ổ khớp mất tính ổn định, ảnh hưởng đến khả năng tiết dịch dẫn đến khô khớp gối.

  • Lao động nặng hoặc vận động quá mức

Thường xuyên mang vác vật nặng, lao động nặng nhọc, chạy/ đi lại nhiều… sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương đầu gối dẫn đến khô khớp. Ngoài ra mang vác vật nặng và vận động quá mức còn làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối. Điều này khiến khớp dễ tổn thương, thoái hóa, giảm tiết dịch dẫn đến tình trạng khô khớp.

  • Thừa cân béo phì

Khớp gối chịu nhiều áp lực hơn khi trọng lượng dư thừa. Lâu ngày phần sụn khớp bị hao mòn, hai đầu xương dưới sụn va vào nhau đẫn đến tổn thương. Tình trạng này khiến khớp gối lỏng lẻo và không đảm bảo quá trình tiết dịch.

  • Bệnh lý

Một số dạng viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh lupus ban đỏ… khiến khớp đầu gối bị phá hủy, viêm, sưng, lỏng lẻo và ảnh hưởng đến lượng dịch tiết bên trong. Từ đó dẫn đến khô khớp gối ở người trẻ.

Ngoài ra khô khớp gối cũng có thể tiến triển từ viêm màng hoạt dịch khớp. Nguyên nhân là do tình trạng viêm, sưng và tổn thương lớp trong cùng của bao hoạt dịch khiến chức năng bôi trơn ở khớp gối gặp vấn đề. Việc không kiểm soát sẽ gây khô và cứng khớp nghiêm trọng.

  • Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt

Chế độ ăn uống thiếu chất (đặc biệt là canxi và omega-3), thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, ngủ trễ… sẽ làm tăng tốc độ thoái hóa sụn, xương dưới sụn, dây chằng và . Điều này khiến khớp gối lỏng lẻo và giảm khả năng tiết dịch.

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt
Chế độ ăn uống kém lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá làm tăng tốc độ thoái hóa và khô khớp gối ở người trẻ

Dấu hiệu nhận biết bệnh khô khớp gối ở người trẻ

Có thể dễ dàng nhận biết khô khớp gối ở người trẻ thông qua những triệu chứng sau:

  • Co thắt bên trong
  • Cứng khớp, khó co duỗi đầu gối
  • Khớp gối kém linh hoạt, giảm khả năng vận động
  • Nghe tiếng kêu lục cục hay lạo xạo khi di chuyển hoặc cử động khớp
  • Đau khớp gối
    • Cơn đau được kích thích hoặc nghiêm trọng hơn khi di chuyển, ấn hoặc nắn khớp gối
    • Đau giảm nhẹ khi giảm áp lực lên khớp gối bằng cách nằm nghỉ hoặc ngồi nâng cao chân
  • Khớp lỏng lẻo
  • Khả năng chịu lực suy giảm
  • Viêm khớp tiến triển

Khô khớp gối ở người trẻ có nguy hiểm không?

Nếu sớm khám và điều trị, khô khớp gối ở người trẻ có thể được khắc phục mà không gây nguy hiểm hay vấn đề gì. Đối với những trường hợp chậm trễ hoặc không điều trị, cấu trúc khớp mất tính ổn định khiến khớp hư hỏng nặng, trục cổ xương biến dạng. Điều này làm thay đổi dáng đi, bệnh nhân đi đứng không thẳng, giảm khả năng chịu lực của khớp đầu gối và dễ té ngã.

Ngoài ra khi những tổn thương và tình trạng khô khớp gối tiến triển, người bệnh có thể gặp thêm một số biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Vận động khó khăn
  • Tổn thương dây thần kinh tọa
  • Rối loạn cảm giác
  • Teo cơ quanh khớp
  • Thoái hóa khớp gối tiến triển
  • Liệt khớp gối
Khô khớp gối ở người trẻ không được điều trị dẫn đến biến dạng khớp gối
Khô khớp gối ở người trẻ dẫn đến biến dạng khớp gối, teo cơ quanh khớp, liệt khớp gối nếu không được điều trị

Chẩn đoán khô khớp gối ở người trẻ

Để chẩn đoán khô khớp gối ở người trẻ, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng kết hợp cận lâm sàng.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Người bệnh được yêu cầu ngồi trên ghế cao, đặt bàn tay lên đầu gối, sau đó nâng cao chân và hạ xuống nhiều lần. Trong trường hợp bị khô khớp và thoái hóa khớp gối, người bệnh sẽ nhận thấy có tiếng lục cục dưới bàn tay.

Ngoài ra bác sĩ sẽ quan sát và xác định các biểu hiện bên ngoài. Đồng thời sờ hoặc nắn nhẹ và yêu cầu bệnh nhân mô tả các triệu chứng, đặc biệt là tình trạng đau nhức. Để quan sát dáng đi, xác định khả năng vận động và chịu lực của khớp gối, bệnh nhân còn được yêu cầu nâng cao chân và đi lại nhiều lần.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Những kỹ thuật dưới đây sẽ được chỉ định để chẩn đoán khô khớp gối ở người trẻ:

  • Xét nghiệm máu: Thông thường xét nghiệm máu sẽ được chỉ định để chẩn đoán phân biệt khô khớp gối với viêm khớp hoặc xác định nguyên nhân.
  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này được chỉ định để kiểm tra xương. Hình ảnh X-quang có thể giúp phát hiện gai xương, sự đối đầu hoặc chênh lệch giữa hai đầu xương, tổn thương xương sau chấn thương…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI để kiểm tra kỹ lưỡng hơn về cấu trúc ổ khớp, các đầu xương, mô mềm bao quanh, dây thần kinh và mạch máu. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc xác định bệnh lý, tổn thương liên quan, mức độ nghiêm trọng. Từ đó lập phác đồ điều trị thích hợp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT tạo ra hình ảnh cắt lớp của khớp đầu gối, giúp xác định những tổn thương nhỏ và khó phát hiện.
  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh và điện cơ: Nếu có nghi ngờ tổn thương khớp gối làm ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa, người bệnh sẽ được nghiên cứu dẫn truyền thần kinh và điện cơ. Cả hai kỹ thuật này đều mang đến nhiều lợi ích trong việc xác định dây thần kinh bị tổn thương, mức độ tổn thương, khả năng dẫn truyền tín hiệu…
Chẩn đoán khô khớp gối ở người trẻ
Khám lâm sàng kết hợp chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán khô khớp gối ở người trẻ

Điều trị khô khớp gối ở người trẻ

Có nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị khô khớp gối ở người trẻ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được hướng dẫn một hoặc một nhóm phương pháp điều trị thích hợp nhất.

1. Biện pháp điều trị tại nhà

Nếu khô khớp gối và các triệu chứng (đau khớp, cứng khớp…) ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ được hướng dẫn một số biện pháp giảm đau và điều trị tại nhà. Bao gồm:

  • Nghỉ ngơi

Để giảm nhẹ cơn đau do khô khớp gối, người bệnh cần nghỉ ngơi, có thể nằm nghỉ hoặc ngồi nghỉ tại chỗ và nâng cao chân. Không nên cố gắng vận động hoặc tiếp tục đi lại vì sẽ khiến cơn đau trở nên nặng nề hơn.

Khi nghỉ ngơi, áp lực lên khớp gối sẽ giảm đáng kể. Điều này giúp cơn đau thuyên giảm và hạn chế tổn thương tiến triển. Sau 24 – 48 giờ, người bệnh nên đi lại và vận động nhẹ nhàng để tránh tình trạng cứng khớp xảy ra.

Trong khi nghỉ ngơi, người bệnh có thể nhẹ nhàng xoa bóp từ đùi xuống đầu gối và cẳng chân để cải thiện tình trạng khô khớp. Biện pháp này có tác dụng xoa dịu cơn đau, giảm căng cơ và cứng khớp, tăng lưu thông khí huyết. Từ đó cải thiện tổn thương và hạn chế đau nhức tái phát khi di chuyển.

Ngoài ra thường xuyên xoa bóp còn giúp tăng tính ổn định giữa dây chằng, xương và sụn. Đồng thời kích thích tăng tiết dịch nhờn giúp cải thiện bệnh lý.

Lưu ý:

    • Xoa bóp nhẹ nhàng
    • Không nên ấn hoặc nắn mạnh ở đầu gối tổn thương
    • Có thể sử dụng thêm dầu nóng hoặc tinh dầu thảo dược khi xoa bóp để tăng khả năng chữa bệnh
    • Xoa bóp từ 1 – 2 lần mỗi ngày, mỗi ngày 10 phút.
Xoa bóp
Xoa bóp giúp kích thích tăng tiết dịch nhờn, xoa dịu cơn đau, tăng lưu thông khí huyết, giảm căng cơ và cứng khớp
  • Chườm ấm

Nếu đau nhiều và khó cử động khớp, người bệnh có thể áp dụng biện pháp chườm ấm để cải thiện triệu chứng và tình trạng khô khớp gối ở người trẻ. Biện pháp này có tác dụng thư giãn khớp xương và mô mềm, giãn cơ, giãn mạch, tăng lưu lượng máu, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở đầu gối.

Ngoài ra chườm ấm còn giúp giảm đau, hạn chế tình trạng cứng khớp, tăng sản sinh dịch nhờn giúp khớp chuyển động trơn tru hơn. Để chườm ấm chữa khô khớp gối, người bệnh có thể dùng khăn ấm hoặc túi chườm chứa nước ấm hay thảo dược rang nóng đặt lên khớp gối từ 20 – 30 phút. Mỗi ngày 3 – 4 lần.

  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cần thiết

Người trẻ bị khô khớp gối cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết như omega-3, canxi, các loại vitamin, chất chống oxy hóa, magie và nhiều khoáng chất khác.

Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống khoa học và đủ chất sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương mô mềm và xương khớp, duy trì hệ xương khỏe mạnh, giảm nguy cơ thoái hóa và làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Hơn thế, một số thành phần dinh dưỡng như vitamin C, vitamin K2, omega-3 còn có tác dụng xoa dịu cơn đau, chống viêm, cải thiện chức năng tiết dịch nhờn. Từ đó đảm bảo sức khỏe và chức năng của khớp đầu gối.

Tham khảo thêm: Bị khô khớp gối nên ăn gì, kiêng gì nhanh hồi phục?

  • Duy trì thói quen vận động

Để phòng ngừa và điều trị khô khớp gối ở người trẻ, người bệnh cần duy trì thói quen vận động, tránh ngồi lâu một chỗ. Các nghiên cứu cho thấy một số bài tập yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ…. có thể kích thích sản sinh dịch nhờn, giảm cứng khớp và đẩy lùi tình trạng khô khớp gối.

Ngoài ra việc vận động và luyện tập 60 phút mỗi ngày còn giúp duy trì hệ xương khỏe mạnh, tăng tính linh hoạt của khớp đầu gối. Đồng thời cải thiện khả năng vận động, lưu thông máu và chống thoái hóa khớp hiệu quả.

Duy trì thói quen vận động
Duy trì thói quen vận động để kích thích sản sinh dịch nhờn, hạn chế cứng khớp và điều trị khô khớp gối

2. Sử dụng thuốc

Nếu đau nhức không giảm sau 3 – 5 ngày chăm sóc tại nhà hoặc đau nặng, bệnh khô khớp gối ở người trẻ sẽ được điều trị với những loại thuốc sau:

  • Acetaminophen: Sử dụng liều 500mg Acetaminophen/ lần x 3 – 4 lần/ ngày cho những cơn đau nhẹ và trung bình. Thuốc này có tác dụng trị đau nhanh và hiệu quả.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, Aspirin và Naproxen là những thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng. Nhóm thuốc này có tác dụng chữa viêm và đau ở mức trung bình. Thông thường Ibuprofen sẽ được chỉ định với liều 200 – 400mg Ibuprofen/ lần x 3 – 4 lần/ ngày. Sử dụng tối đa 7 ngày.
  • Thuốc giãn cơ: Nếu khô khớp gối ở người trẻ kèm theo co thắt cơ dẫn đến đau và cứng khớp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị với một loại thuốc giãn cơ phù hợp. Thuốc này có tác dụng thư giãn cơ, giảm co thắt và giảm đau.
  • Steroid: Steroid thường được dùng ở dạng thuốc tiêm. Thuốc này phù hợp với người trẻ bị khô khớp gối do viêm khớp kèm theo đau nhức nặng nề, không có đáp ứng với thuốc giảm đau và chống viêm thông thường. Steroid có tác dụng chống viêm mạnh, ức chế miễn dịch và giảm đau.

3. Vật lý trị liệu

Một chương trình vật lý trị liệu sẽ được thiết kế cho người trẻ bị khô khớp gối nghiêm trọng, có nguy cơ phát sinh biến chứng. Trong thời gian đầu điều trị, bệnh nhân được luyện tập thụ động với những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng. Điều này giúp xoa dịu cơn đau, kích thích tuần hoàn máu, cải thiện phạm vi mở rộng khớp và chống teo cơ.

Sau vài ngày luyện tập, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn những bài tập vật lý trị liệu có cường độ cao hơn (tập chủ động). Bước này giúp tăng tính ổn định của khớp gối, chữa tổn thương và phục hồi chức năng vận động của bệnh nhân. Từ đó giúp bệnh nhân sớm trở về với đời sống bình thường.

Trước khi kết thúc chương trình vật lý trị liệu, người bệnh được hướng dẫn một số bộ môn hoặc bài tập chống khô khớp gối tại nhà. Điều này nhằm mục đích duy trì khả năng vận động và ngăn bệnh tái phát.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu với những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng giúp xoa dịu cơn đau, cải thiện phạm vi mở rộng khớp và chống teo cơ

4. Phẫu thuật

Phần lớn trường hợp khô khớp gối ở người trẻ đều sớm được khắc phục bằng những phương pháp điều trị nội khoa, không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên nếu có tổn thương nặng do chấn thương hoặc viêm khớp gây khô và phá hủy khớp gối, phẫu thuật có thể được xem xét và chỉ định.

Các phương pháp phẫu thuật như điều chỉnh tính ổn định/ loại bỏ một phần khớp gối, thay khớp gối… sẽ được thực hiện dựa trên mức độ tổn thương khớp gối.

Phòng ngừa khô khớp gối ở người trẻ

Khô khớp gối ở người trẻ thường xảy ra do nguyên nhân cơ học, ít khi tiến triển từ nguyên nhân bệnh lý. Vì thế bệnh có thể dễ dàng được phòng ngừa với những biện pháp đơn giản sau:

  • Xây đựng thói quen luyện tập và vận động từ 30 – 60 phút mỗi ngày. Tuy nhiên không luyện tập gắng sức hay vận động mạnh. Chỉ nên luyện tập với những bộ môn có cường độ vừa phải như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe, chạy bộ chậm…
  • Tránh ngồi lâu hoặc đứng lâu một chỗ.
  • Nếu có công việc buộc phải ngồi nhiều, người bệnh nên dành từ 5 – 10 phút mỗi 1 giờ đồng hồ để thư giãn khớp xương, co duỗi chân, đi lại và thực hiện những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng.
  • Xây dựng lối sống khoa học. Cụ thể: Ngủ trước 23 giờ, ngủ đủ 8 tiếng, không hút thuốc lá, không uống rượu bia…
  • Không nên thực hiện những động tác hay công việc làm tăng áp lực lên khớp gối như khuân vác vật nặng, khuân vác vật cồng kềnh không đúng cách, dùng lực đè ép hoặc tác động mạnh lên khớp gối…
  • Không lặp đi lặp lại tư thế hoặc động tác xấu ở khớp gối.
  • Nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không lao động gắng sức.
  • Thận trọng trong tất cả các hoạt động để tránh làm tổn thương khớp gối. Cần mặc đồ bảo hộ trong khi chơi các môn thể thao mạo hiểm.
  • Cần điều trị sớm nếu có chấn thương hoặc viêm ở đầu gối.
  • Ăn uống khoa học và đủ chất. Đặc biệt nên ăn nhiều loại rau có chất nhờn tự nhiên (rau mồng tơi, đậu bắp, rau day…), các loại cá giàu omega-3, thực phẩm giàu canxi, vitamin C, D và K2 để đảm bảo hệ xương khớp được nuôi dưỡng, tăng khả năng tiết dịch nhờn giúp khớp gối hoạt động trơn tru hơn. Đồng thời phòng ngừa khô khớp gối ở người trẻ.
  • Đảm bảo trọng lượng cơ thể luôn ở mức an toàn. Đối với người thừa cân béo phì, cần giảm cân với chế độ ăn uống và luyện tập khoa học trước khi khớp gối bị tổn thương do chịu nhiều áp lực.
Đảm bảo trọng lượng cơ thể luôn ở mức an toàn
Đảm bảo trọng lượng cơ thể luôn ở mức an toàn để phòng ngừa khớp gối tổn thương và khô khớp do chịu nhiều áp lực

Khô khớp gối ở người trẻ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên lười vận động và thừa cân chiếm phần lớn các trường hợp. Bệnh có thể được phòng ngừa và giảm nhanh nếu sớm khám và điều trị với những phương pháp thích hợp.

Ngược lại khô khớp gối không được điều trị và tiến triển có thể gây biến dạng khớp, thậm chí teo cơ và liệt khớp gối. Vì thế người bệnh cần sớm khám chữa bệnh nếu cảm giác đau nhức, cứng khớp hay khớp kêu lục cục kéo dài trên 3 ngày.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua