Tổng quan giải pháp kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị bảo tồn có khả năng giải nén dây thần kinh, giảm đau, giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm tổn thương. Ngoài ra phương pháp này còn có tác dụng thu nhỏ khối thoát vị, kích thích lưu thông máu, duy trì chức năng và tăng độ dẻo dai cho cột sống.

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm
Thông tin cơ bản về phương pháp kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm

Kéo giãn cột sống là gì?

Kéo giãn cột sống là phương pháp điều trị bảo tồn, thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm hoặc có vấn đề về cột sống. Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có tác dụng thu nhỏ khối thoát vị, giảm đau, giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm tổn thương. Ngoài ra phương pháp điều trị này còn giúp người bệnh duy trì chức năng vận động, độ dẻo dai của cột sống và kích thích lưu thông máu về những khu vực tổn thương.

Tùy thuộc vào vị trí thoát vị, người bệnh sẽ được kéo giãn vùng cổ hoặc cột sống thắt lưng. Ngoài ra bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng đai đeo hoặc kéo giãn cột sống bằng máy giúp rút ngắn thời gian điều trị.

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có tác dụng gì?

Trong thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm, việc kéo giãn cột sống có thể giúp người bệnh thu nhỏ khối thoát vị, giải phóng mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó giúp giảm đau lưng và giảm tê bì chân tay hiệu quả.

Ngoài ra kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm còn mang đến những lợi ích và công dụng sau:

  • Giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm tổn thương

Nhờ khả năng thu nhỏ khối thoát vị, việc kéo giãn cột sống có thể giúp người bệnh giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm tổn thương. Điều này giúp giảm đau, giảm chèn ép mô mềm và tăng khả năng chữa lành tổn thương.

Ngoài ra các nghiên cứu cho thấy, kéo giãn cột sống làm tăng độ cao của đốt sống (trung bình khoảng 1,1mm). Điều này không chỉ giúp giảm áp lực nội địa mà còn hỗ trợ quá trình cung cấp chất dinh dưỡng, giúp đĩa đệm căng phồng trở lại. Từ đó điều trị tốt bệnh thoát vị đĩa đệm.

  • Làm giãn cơ

Kéo giãn cột sống giúp làm mềm và thư giãn các cơ quanh cột sống. Từ đó giúp cải thiện tình trạng căng cơ, co cứng cột sống. Đồng thời giảm đau, tăng độ dẻo dai và cải thiện khả năng nâng đỡ cột cốt của các cơ xung quanh.

  • Điều chỉnh đường cong của cột sống

Thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm thường gây ra tình trạng xẹp đĩa đệm, sai lệch khớp đốt sống và làm mất đường cong tự nhiên của cột sống. Điều này làm tăng nguy cơ cong vẹo và dị tật cột sống, tăng áp dụng lên mạch máu và dây thần kinh dẫn đến đau nhức nghiêm trọng.

Tuy nhiên thường xuyên kéo giãn cột sống có thể giúp người bệnh điều chỉnh chiều cao đốt sống, phòng ngừa và điều trị trật khớp đốt sống, cong vẹo cột sống.

  • Giảm đau

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có khả năng giảm đau hiệu quả (bao gồm cả cơn đau cấp tính và mãn tính). Bởi phương pháp điều trị này có khả năng làm giảm áp lực lên cột sống và mô mềm, giảm căng cơ, điều chỉnh dị tật cột sống, giải nén dây thần kinh và mạch máu.

  • Tăng khả năng phục hồi đĩa đệm tổn thương

Trong điều trị thoát vị đĩa đệm, kéo giãn cột sống giúp giải nén mạch máu, tăng quá trình vận chuyển máu và chất dinh dưỡng đến cột sống. Điều này giúp rút ngắn thời gian điều trị, tăng khả năng phục hồi đĩa đệm tổn thương.

  • Điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả và nhanh hơn

Nhờ những lợi ích và tác dụng nêu trên, việc kéo giãn cột sống có thể giúp người bệnh điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả và nhanh hơn.

Giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm tổn thương
Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có tác dụng giảm đau, giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm tổn thương

Khi nào nên kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm?

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị bảo tồn, thường được áp dụng trong thời gian sử dụng thuốc. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu kéo giãn cột sống khi tổn thương đĩa đệm khiến bao xơ chứa nhân nhầy phồng (lồi) ra ngoài làm tăng áp lực, chèn ép vào dây thần kinh và mô mềm quanh cột sống.

Ngoài ra người bệnh sẽ được kéo giãn cột sống khi thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ đến trung bình, xuất hiện đồng thời với những tình trạng sau:

  • Cong, vẹo cột sống
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng dẫn đến thoát vị đĩa đệm
  • Thoái hóa cột sống cổ
  • Đau thần kinh tọa
  • Đau cổ vai cánh tay
  • Đau lưng
  • Sai khớp đốt sống nhẹ
  • Các bệnh lý thông thường ở cột sống
  • Viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn chưa tổn thương khớp

Chống chỉ định

Thông thường, kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm không được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Vỡ đĩa đệm
  • Có chèn ép và tổn thương tủy
  • Bệnh ống tủy
  • Loãng xương
  • Tăng huyết áp
  • Viêm đa khớp dạng thấp
  • Chấn thương cột sống kèm theo gãy xương biến dạng
  • Viêm tấy áp xe vùng lưng
  • U ác tính
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa
  • Viêm cột sống dính khớp hoặc thoái hóa cột sống có những đầu xương nối các đốt sống
  • Phụ nữ đang có kinh nguyệt hoặc đang mang thai.
Không kéo giãn cột sống cho phụ nữ mang thai hoặc có kinh nguyệt,
Không kéo giãn cột sống cho phụ nữ mang thai hoặc có kinh nguyệt, bệnh nhân bị loãng xương, bệnh ống tủy

Các chế độ kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm

Có 3 chế độ kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm , bao gồm:

1. Chế độ kéo giãn liên tục

Chế độ kéo giãn liên tục là chế độ tác động liên tục trong suốt quá trình điều trị với lực kéo không thay đổi trên một đoạn cột sống.

Chỉ định

  • Bệnh nhân bị đau cấp tính kèm theo tình trạng co cứng các cơ cạnh cột sống.

Phương pháp

  • Kéo giãn liên tục bằng máy kéo: Phương pháp này sử dụng lực kéo từ máy móc để tác động liên tục vào đoạn cột sống tổn thương. Đối với phương pháp kéo giãn liên tục bằng máy kéo, hình thức kéo tương tự như kéo bằng lực đối trọng.
  • Kéo giãn bằng lực đối trọng: Kéo giãn bằng lực đối trọng là phương pháp sử dụng trọng lực kéo giãn liên tục. Để thực hiện, đai kéo và dây kéo sẽ được nối cố định với phần cột sống tổn thương. Sau đó nối với hệ thống trọng lực thông qua ròng rọc để tiến hành kéo cột sống.
  • Kéo giãn bằng tự trọng trên bàn dốc: Đối với phương pháp này, người bệnh nằm trên một tấm ván có độ dốc phù hợp. Sau đó một đai cố định sẽ được nối với phần ngực, nách hoặc đầu để giữ thăng bằng cho bệnh. Khi kéo, độ dốc tấm ván được thay đổi để trọng lượng của người bệnh trở thành lực kéo chính.

2. Chế độ kéo ngắt quãng

Đối với chế độ kéo ngắt quãng, người bệnh sẽ được thay đổi lực kéo khi có cảm giác mỏi. Điều này giúp hạn chế tình trạng căng thẳng và tạo áp lực kéo dài cho cột sống.

Chỉ định

  •  Đau mạn tính kèm theo co cứng cơ không đáng kể.

Các kiểu kéo ngắt quãng

  • Kéo ngắt quãng có lực nền: Đối với phương pháp kéo ngắt quãng có lực nền, lực tác động không bị thay đổi quá nhiều. Đồng thời giúp cột sống có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Kéo ngắt quãng không có lực nền: Đối với phương pháp kéo ngắt quãng không có lực nền (lực nền bằng 0), lực tác động thường xuyên thay đổi. Đồng thời tăng lực lớn trong khi kéo khiến cột sống không đủ thời gian nghỉ ngơi và thích nghi.
Chế độ kéo ngắt quãng
Chế độ kéo ngắt quãng giúp hạn chế tình trạng mỏi cơ, căng thẳng và tạo áp lực kéo dài cho cột sống

3. Kéo giãn dưới nước

Kéo giãn dưới nước là phương pháp kéo giãn kết hợp thủy liệu. Đối với phương pháp này, người bệnh sẽ được ngâm trong bể nước sâu 2m, chứa nước ấm. Điều này giúp tăng khả năng giãn cơ và giảm đau.

Ngoài ra người bệnh sẽ được kéo theo trục thẳng đứng. Trục này được cố định bằng phao ở nách hoặc cổ. Dùng tạ móc vào đai kéo thắt lưng kết hợp với sức đẩy của nước để tạo lực kéo.

Phương pháp kéo các đoạn cột sống

Phương pháp kéo các đoạn cột sống dựa vào vùng cột sống bị ảnh hưởng. Cụ thể:

1. Kéo giãn cột sống cổ

Các đặc điểm của phương pháp kéo giãn cột sống cổ được thể hiện như sau:

Điểm tỳ lực

  • Tay kéo dài phía trước, đồng thời tỳ vào xương hàm dưới
  • Tay kéo ngắn phía sau, đồng thời tỳ vào xương chẩm

Đối với Kéo giãn cột sống cổ, chuyên viên có thể hướng dẫn dùng hai điểm tỳ trên vai hoặc có thể không cần cố định phần cơ thể phía dưới.

Phương kéo

  • Phương kéo theo mặt phẳng bên – bên: Tùy thuộc vào trường hợp, bệnh nhân được kéo theo phương kéo thẳng, kéo nghiêng sang bên không đau hoặc kéo theo phương kéo thẳng với phần đầu xoay sang bên không đau. Tác dụng: Làm mở rộng lỗ tiếp hợp bên đau.
  • Phương kéo theo mặt phẳng trước – sau: Phương kéo dựa vào quá trình điều chỉnh cột sống sao cho cột sống hơi gấp ra phía trước (khoảng 20 – 30 độ). Tác dụng: Làm mở rộng lỗ tiếp hợp.

Lực kéo

  • Độ dốc tăng giảm lực: Việc sử dụng độ dốc tăng giảm lực giúp điều chỉnh lực tác động (tăng – giảm) một cách từ từ và hợp lý. Từ đó hạn phát sinh những triệu chứng giao cảm như chóng mặt, hoa mắt, tăng nhịp tim… Đồng thời hạn chế tổn thương trong thời kỳ nhạy cảm của cột sống cổ.
  • Lực kéo:
    • Dùng lực kéo bằng 10% thể trọng trong thời gian đầu. Sau khi thích nghi, tăng lực kéo bằng 30% thể trọng để đảm bảo các khoang gian đốt cột sống cổ được giãn tối đa.
    • Trong trường hợp co cứng cơ nhiều, có thể tác động lực với lực kéo cao ngay từ lần đầu tiên. Điều này giúp đạt tối đa hiệu quả giãn cơ.
    • Nếu kéo giãn cột sống trong tư thế ngồi, lực kéo phải cao hơn so với tư thế nằm hoặc kéo bằng trọng lượng để thắng được trọng lượng của đầu.
  • Thời gian kéo: Thông thường thời gian cho một lần kéo dao động trong khoảng 15 – 20 phút. Người bệnh cần kéo nhiều đợt. Mỗi đợt từ 15 – 20 ngày.

Tư thế kéo giãn cột sống cổ

  • Kéo giãn cột sống cổ tư thế nằm: Bệnh nhân nằm trên giường với tư thế thả lỏng. Phương kéo và mặt giường chếch nhau từ 20 – 20 độ để giữ cho cột sống cổ hơi thấp. Lợi ích: Cho phép bệnh nhân thoải mái trong thời gian kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm.
  • Kéo giãn cột sống cổ ở tư thế ngồi: Ngồi thoải mái trên ghế. Điều chỉnh phương kéo sao cho chếch ra trước từ 20 – 30 độ để giữ cho cột sống cổ hơi gấp. Vấn đề có thể gặp: Kéo giãn cột sống ở tư thế ngồi khiến bệnh nhân có tâm lý sợ hãi, không thoải mái và làm tăng nguy cơ tai biến choáng khi kéo.
  • Kéo giãn cột sống cổ bằng trọng lượng: Bệnh nhân ngồi thư giãn trên ghế, hai tay bỏ thõng sát thân, hai chân duỗi thẳng, thắt lưng hơi gấp. Dây kéo được cố định trên cao và phía trước ghế. Dây kéo này kết nối với thân người dể dùng trọng lượng kéo giãn cột sống cổ.
Tư thế kéo giãn cột sống cổ
Tư thế kéo giãn cột sống cổ gồm kéo giãn cột sống cổ tư thế nằm, tư thế ngồi và kéo giãn cột sống cổ bằng trọng lượng

2. Kéo giãn cột sống thắt lưng

Phương pháp kéo giãn cột sống thắt lưng được mô tả như sau:

Điểm tỳ lực kéo

  • Dùng hai cọc cố định vào nách tạo điểm tỳ: Điểm tỳ này cho phép lực tác động đồng thời cả vùng thắt lưng và vùng cột sống lưng. Tuy nhiên dùng hai cọc cố định vào nách tạo điểm tỳ thường không được áp dụng. Vì điều này có thể khiến bó mạch thần kinh nách bị chèn ép và gây ra các tai biến.
  • Điểm tỳ hai bên bờ sườn: Khi dùng điểm tỳ hai bên bờ sườn, lực tạo ra sẽ tác động đến cột sống thông qua hệ khung sườn. Khi đó lực tác động sẽ khu trú ở vùng cột sống thắt lưng. Tuy nhiên việc tạo điểm tỳ hai bên bờ sườn có thể gây khó chịu cho bệnh nhân. Nguyên nhân là do hô hấp của lồng ngực bị hạn chế khi áp dụng.
  • Điểm tỳ phía dưới: Sử dụng hai đai kéo cố định cột sống tỳ vào hai bên mào chậu.

Phương kéo

Kéo và tác động vào cột sống thắt lưng theo phương chếch từ 20 – 30 độ để giữ cho cột sống hơi gấp. Tác dụng: Làm tăng độ mở của lỗ ghép và khoang gian đốt.

Lực kéo

Lực kéo có khả năng quyết định hiệu quả điều trị. Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng, lực kéo phụ thuộc vào những yếu tố sau:

  • Đoạn cột sống kéo
  • Mục đích kéo
  • Tuổi tác
  • Giới tính
  • Thể trọng
  • Tình trạng thể lực của người bệnh…

Thông thường để tạo lực kéo phù hợp, chuyên viên sẽ điều chỉnh lực kéo tăng dần dựa trên phản ứng của người bệnh cho đến khi đạt mức tối đa.

  • Khi lực kéo bằng 50% thể trọng: Những khoang gian đốt bắt đầu mở.
  • Khi lực kéo bằng thể trọng: Các khoang đốt đạt độ giãn tối đa.

Thời gian kéo

Thông thường thời gian cho một lần kéo dao động trong khoảng 15 – 20 phút. Người bệnh cần kéo nhiều đợt. Mỗi đợt từ 15 – 20 ngày.

Tư thế kéo giãn cột sống thắt lưng

  • Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế nằm ngửa: Người bệnh nằm ngửa trên giường, thả lỏng, hai chân gác lên một cái ghế hoặc chống lên gấp 90 độ. Điều này giúp giãn cơ và đảm bảo cột sống hơi gấp.
  • Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế nằm sấp: Người bệnh nằm sấp trên giường, thả lỏng, chèn gối dưới bụng hoặc để chân thấp. Phương kéo chếch xuống 15 -20 độ hoặc song song với mặt giường.
Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế nằm sấp
Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế nằm sấp dùng phương kéo chếch xuống 15 -20 độ hoặc song song với mặt giường

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có đau không?

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có hay đau không còn tùy thuộc vào các yếu tố tác động. Thông thường người bệnh sẽ được kéo giãn cột sống với lực kéo vừa đủ, giúp cột sống giãn và phục hồi từ từ. Ngoài ra phương pháp này được thực hiện với cách thức kéo giãn và chữa tổn thương theo chiều dọc cột sống. Chính vì thế người bệnh thường không cảm thấy đau khi thực hiện.

Trong trường hợp kéo giãn cột sống giúp thư giãn cơ, giải phóng mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể cảm thấy thư giãn, thoải mái, các triệu chứng giảm rõ rệt sau khi thực hiện.

Tuy nhiên ở những trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng, việc tác động lên khu vực tổn thương có thể khiến bệnh nhân đột ngột đau nhức, đau kéo dài và kèm theo cảm giác choáng váng, mất thăng bằng (tạm thời) và rối loạn mạch do thần kinh thực vật dọc cột sống bị kích thích.

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?

Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị khá an toàn, thường không phát sinh rủi ro trong quá trình điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, kéo giãn cột sống có thể gây ra các vấn đề sau:

  • Đau tăng đột ngột ở vùng kéo: Người bệnh có thể đột ngột đau nhói và đau nhiều hơn ở vùng kéo do mô mềm đột ngột bị kéo căng hoặc do đột ngột giảm áp lực nội đĩa. Trường hợp này dễ xảy ra ở người dùng máy kéo giãn. Khi bị đau, người bệnh nên thông báo với bác sĩ để được dừng kéo và nghỉ ngơi tại chỗ. Biện pháp này có thể giúp người bệnh xoa dịu cơn đau.
  • Đau tăng ở vùng thắt lưng: Sau lần kéo đầu tiên, người bệnh có thể bị đau nghiêm trọng hơn ở vùng thắt lưng. Điều này là do cột sống đột ngột bị tác dụng với lực kéo cao hơn sức chịu đựng của bệnh nhân.
  • Chèn ép đám mạch thần kinh nách: Trong trường hợp sử dụng cọc ép vào nách để kéo cột sống lưng trên, đám mạch thần kinh nách có thể bị chèn ép. Lúc này người bệnh sẽ có biểu hiện tê bì ở cánh tay và các ngón. Trường hợp nặng có thể dẫn đến liệt. Vì thế sử dụng cọc ép vào nách thường không được chỉ định.
  • Đau và tê hai chi dưới: Người bệnh không nên đứng dậy ngay khi kéo cột sống thắt lưng. Vì điều này có thể khiến áp lực nội địa đĩa đệm đột ngột tăng cao và làm phát sinh cơn đau cấp tính. Ngoài ra đĩa đệm có thể bị kẹp, gây ra tình trạng đau và tê hai chi dưới. Đối với trường hợp này, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử lý.
  • Rối loạn mạch và choáng váng: Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm khiến dây thần kinh thực vật dọc cột sống bị kích thích. Điều này khiến huyết áp thay đổi, gây ra tình trạng rối loạn mạch và tăng cảm giác choáng váng.
Đau tăng đột ngột ở vùng kéo
Kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm có thể gây đau tăng đột ngột ở vùng kéo, vùng thắt lưng, rối loạn mạch và choáng váng

Bài viết là thông tin cơ bản về phương pháp kéo giãn cột sống chữa thoát vị đĩa đệm. Nhìn chung phương pháp này khá đơn giản và có khả năng mang đến hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên người bệnh chỉ nên thực hiện khi có chỉ định. Ngoài ra phương pháp này cần được thực hiện đúng theo sự hướng dẫn của chuyên viên để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả điều trị

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua