Hội Chứng Ống Cổ Chân Là Gì? Dấu Hiệu Và Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Hội chứng ống cổ chân (hội chứng đường hầm cổ chân) là tình trạng tổn thương dây thần kinh chày sau bởi áp lực lặp đi lặp lại. Tình trạng này khiến bệnh nhân bị tê hoặc ngứa ran, đau nhức dọc theo dây thần kinh chày. Thông thường người bệnh được hướng dẫn chăm sóc và dùng thuốc hoặc phẫu thuật ở trường hợp nặng để điều trị.

Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân là tình trạng dây thần kinh chày sau bị tổn thương bởi áp lực lặp đi lặp lại

Hội chứng ống cổ chân là gì?

Hội chứng ống cổ chân còn được hội chứng đường hầm cổ chân (TTS), đau dây thần kinh chày sau. Đây là một bệnh lý thần kinh chèn ép dẫn đến đau bàn chân và cổ chân. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh chày bị chèn ép và tổn thương, chủ yếu do áp lực lặp đi lặp lại.

Dây thần kinh chày là một phân nhánh của dây thần kinh tọa, nằm gần mắt cá chân và chạy qua đường hầm cổ chân (đường hầm hẹp bên trong mắt cá chân, được xương và mô mềm liên kết tạo thành).

Hội chứng ống cổ chân xảy ra khiến người bệnh có cảm giác tê bì, ngứa ran và đau đớn dọc theo dây thần kinh chày. Tình trạng này cần được khám và điều trị sớm bởi các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ngắn.

Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ chân

Bất cứ điều gì làm tăng áp lực lên dây thần kinh chày và đường hầm cổ chân đều có thể dẫn đến hội chứng ống cổ chân. Điều này thường bao gồm:

  • Có khối u, u mỡ hoặc u nang lành tính gần dây thần kinh chày
  • Bàn chân bẹt nghiêm trọng. Bởi bệnh lý này có thể tăng áp lực và làm kéo căng dây thần kinh chày
  • Bàn chân phẳng hoặc vòm cong
  • Viêm do viêm khớp (chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp)
  • Giãn tĩnh mạch ngay tại màng bao quanh dây thần kinh chày, làm tăng áp lực và chèn ép dây thần kinh
  • Gai xương trong đường hầm cổ chân
  • Chấn thương, chẳng hạn như gãy xương, bong gân cổ chân, trật khớp cổ chân, viêm và sưng tấy
  • Viêm bao gân
  • Một số tình trạng toàn thân như suy giáp, bệnh tiểu đường làm cho dây thần kinh chày dễ bị tổn thương và bị chèn ép.

Trong một số trường hợp, hội chứng đường hầm cổ chân là vô căn.

Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân xảy ra do gai xương hoặc khối u chèn ép, bàn chân bẹt, viêm khớp…

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ chân:

  • Thừa cân béo phì
  • Viêm quanh khớp
  • Mang giày chật hoặc bị nén ở cổ chân
  • Mang thai (do tình trạng sưng phù)
  • Các bệnh tuyến giáp
  • Loạn dưỡng phản xạ giao cảm
  • Dị tật chân
  • Công việc đòi hỏi đi bộ hoặc đứng trong thời gian dài
  • Viêm màng hoạt dịch.

Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân

Hội chứng ống cổ chân chủ yếu gây ra những cơn đau dọc theo dây thần kinh chày. Đặc điểm đau:

  • Đau xung quanh mắt cá chân
  • Đau ở đường hầm cổ chân (bên trong mắt cá chân) hoặc lòng bàn chân
  • Đau lan lên chân, sau ống chân và đau xuống vòm, ngón chân và gót chân
  • Cơn đau thường sắt nét, tương tự như kim châm hoặc điện giật
  • Đau kèm theo cảm giác nóng bỏng
  • Đau thường đột ngột
  • Đau lan rộng và trầm trọng hơn về đêm, khi đứng lâu và hoạt động
  • Đau giảm nhẹ khi nghỉ ngơi
Tổn thương dây thần kinh chày gây tê, đau xung quanh hoặc bên trong mắt cá chân, lan đến lòng bàn chân

Ngoài ra bệnh nhân còn gặp thêm nhiều triệu chứng sau:

  • Ngứa ran ở xung quanh hoặc bên trong mắt cá chân, đôi khi lan rộng đến các ngón chân
  • Sưng vùng mắt cá chân và bàn chân
  • Đau và tê bì hoặc ngứa ran ở cẳng chân
  • Có cảm giác nóng/ lạnh ở bàn chân
  • Bỏng rát ở lòng bàn chân lan lên đầu gối
  • Dấu hiệu Tinel: Cảm giác điện giật ngứa ran khi chạm vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Cảm giác này thường lan theo đường truyền vào bàn chân. Đôi khi nó có thể truyền lên cẳng chân bên trong.

Tùy theo mức độ tổn thương dây thần kinh mà những triệu chứng này có thể khác nhau về tính đa dạng và mức độ nghiêm trọng. Phần lớn bệnh nhân có các triệu chứng tiến triển dần dần. Tuy nhiên các triệu chứng cũng có thể bắt đầu đột ngột.

Hội chứng ống cổ chân có nguy hiểm không?

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ chân thường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm trạng và khả năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra tổn thương dây thần kinh kèm đau đớn khiến người bệnh khó tiếp tục hoạt động bình thường và khó đi lại do ảnh hưởng đến bàn chân.

Hơn thế nếu không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ ị tổn thương thần kinh vĩnh viễn, không thể điều trị và phục hồi. Ở trường hợp này, bệnh nhân có thể bị đau dai dẳng, yếu, teo cơ chân và giảm vận động.

Chẩn đoán hội chứng ống cổ chân

Nếu nghi ngờ mắc hội chứng ống cổ chân, người bệnh nên khám bác sĩ để đánh giá tình trạng, xác định nguyên nhân và đề xuất phương pháp điều trị. Bởi các tổn thương và triệu chứng có thể trầm trọng hơn trong thời gian ngắn, tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn.

Hội chứng đường hầm cổ chân thường được phát hiện bằng cách khám lâm sàng, xét nghiệm Tinel và xét nghiệm hình ảnh.

1. Khám lâm sàng

Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh sẽ được hỏi về bệnh sử và các triệu chứng. Ngoài ra bác sĩ có thể nắn, ấn nhẹ hoặc xoay để kiểm tra cổ chân và bàn chân. Điều này giúp phát hiện các bất thường, đặc điểm đau và nhiều biểu hiệu khác liên quan đến tổn thương dây thần kinh chày.

2. Xét nghiệm Tinel

Sau khi kiểm tra triệu chứng và bệnh sử, một thử nghiệm được gọi là Tinel sẽ được thực hiện. Thử nghiệm cho phép bác sĩ xác định tổn thương ở dây thần kinh chày. Khi thực hiện, bác sĩ có thể dùng tay hoặc búa phản xạ chạm nhẹ vào dây thần kinh chày.

Nếu bị hội chứng ống cổ chân, người bệnh sẽ có biểu hiện đau đớn như điện giật tại một điểm dọc theo dây thần kinh này. Đôi khi bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa ran.

Xét nghiệm Tinel
Xét nghiệm Tinel giúp xác định tổn thương ở dây thần kinh chày

3. Xét nghiệm hình ảnh

Đôi khi xét nghiệm hình ảnh là cần thiết để đánh giá tổn thương và phát hiện nguyên nhân cơ bản. Dưới đây là một số xét nghiệm thường được chỉ định:

  • Đo điện cơ: Đo điện cơ cho phép bác sĩ phát hiện tổn thương và rối loạn chức năng thần kinh.
  • Chụp X-quang: Để loại trừ gãy xương, chụp X-quang có thể được chỉ định. Kỹ thuật này giúp đánh giá tính nguyên vẹn của xương. Đồng thời giúp phát hiện tình trạng di lệch trong ổ khớp (trật mắt cá chân) dẫn đến tổn thương dây thần kinh.
  • Chụp MRI: Hình ảnh MRI (chụp cộng hưởng từ) giúp bác sĩ đánh giá những tổn thương hoặc khối u làm hẹp không gian của đường hầm cổ chân và chèn ép dây thần kinh.
  • Siêu âm: Đôi khi siêu âm sẽ được thực hiện để xác định xem liệu có bị viêm bao hoạt dịch hay không.

4. Chẩn đoán phân biệt

Hội chứng ống cổ chân thường được chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh lý sau:

  • Viêm gân Achilles
  • Gai xương, viêm khớp ở các khớp của bàn chân
  • Hội chứng khoang của khoang cơ gấp sau
  • Viêm cân gan bàn chân
  • Chèn ép rễ thần kinh L5 và S1
  • Bệnh đa dây thần kinh
  • Viêm bao hoạt dịch ở cổ chân.

Điều trị hội chứng ống cổ chân

Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ chân dựa vào mức độ nghiêm trọng, triệu chứng và nguyên nhân gây tổn thương. Thông thường triệu chứng có thể được kiểm soát bằng cách chăm sóc tại nhà và dùng thuốc. Những trường hợp nặng hơn có thể cần phải phẫu thuật.

1. Điều trị tại nhà

Người bệnh được hướng dẫn áp dụng phương pháp RICE để điều trị hội chứng đường hầm cổ chân tại nhà. Phương pháp này giúp đẩy lùi tình trạng viêm và giảm nhẹ cơn đau.

Phương pháp RICE bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi hoàn toàn trong vài ngày để giảm áp lực lên chân và dây thần kinh chày bị thương. Từ đó giúp giảm sưng và đau. Khi triệu chứng nghiêm trọng, cần hạn chế đi lại và đứng lâu. Có thể dùng nạng để giảm áp lực.
  • Chườm lạnh: Đặt lên cổ chân bị đau một túi đá lạnh, giữ trong 20 phút, lặp lại vài lần trong ngày. Nhiệt độ thấp có thể giúp giảm sưng và đau hiệu quả.
  • Nén: Đeo băng hoặc nẹp đàn hồi để hỗ trợ mắt cá chân. Điều này giúp giảm đau, giảm áp lực và ngăn tổn thương dây thần kinh chày thêm nghiêm trọng.
  • Nâng cao chân: Nâng cao cổ chân hơn tim bất cứ khi nào. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng và viêm hiệu quả.
Phương pháp RICE
Phương pháp RICE giúp giảm áp lực lên dây thần kinh, đẩy lùi tình trạng viêm, giảm nhẹ sưng và đau

Ngoài ra người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm viêm và đau. Cụ thể thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Advil®, Motrin®).

2. Điều trị không phẫu thuật

Hội chứng ống cổ chân thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng, một số phương pháp dưới đây có thể được đề xuất:

  • Tiêm steroid

Nếu không đáp ứng với thuốc giảm đau chống viêm thông thường, tiêm steroid có thể được chỉ định. Thuốc này có khả năng giảm sưng đau nhanh cho trường hợp nặng.

  • Dùng nẹp hoặc băng bột

Nẹp cổ chân hoặc băng bột (bó bột) có thể được dùng để giữ cho cổ chân và bàn chân cố định. Điều này giúp giảm đau, tạo điều kiện chữa lành dây thần kinh. Đồng thời hạn chế những cử động có thể gây đau và chèn ép dây thần kinh.

Ngoài ra nẹp cổ chân và bàn chân còn mang đến nhiều lợi ích trong việc giảm triệu chứng và áp lực lên vùng bị thương. Đặc biệt phù hợp với người bị hội chứng đường hầm cổ chân do bàn chân bẹt.

  • Nẹp chỉnh hình

Nẹp chỉnh hình (miếng lót giày đặt làm riêng) được dùng cho những bệnh nhân có bàn chân phẳng tự nhiên. Nó có thể giúp hỗ trợ vòm bàn chân, giảm áp lực lên dây thần kinh và ngăn đau. Ngoài ra một đôi giày phù hợp còn giúp giảm những chuyển động bất lợi gây chèn ép dây thần kinh.

  • Vật lý trị liệu

Ở bệnh nhân bị hội chứng ống cổ chân, bác sĩ có thể cung cấp một chương trình vật lý trị liệu với các bài tập kéo căng và tăng cường sức mạnh. Những bài tập này có tác dụng tăng khối lượng cơ, cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh cho đôi chân.

Bên cạnh đó tập vật lý trị liệu còn hỗ trợ bệnh nhân giải nén dây thần kinh, giảm đau. Đồng thời điều chỉnh tư thế và tránh những động tác có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh chày.

Một số bài tập thường được áp dụng:

Căng bắp chân

Bài tập căng bắp chân có tác dụng giảm căng thẳng, đau và sưng tấy. Đồng thời giảm căng cơ xung quanh vùng mắt cá chân.

    • Đứng quay mặt vào tường, hai tay mở rộng bằng vai, lòng bàn tay úp vào tường
    • Bước chân đau ra phía sau, giữ đầu gối thẳng, gót chân gần sàn nhất có thể
    • Chân còn lại bước về phía trước và uốn cong đầu gối. Lúc này có thể cảm thấy căng nhẹ ở phía sau
    • Giữ động tác trong 20 giây
    • Trở lại vị trí bắt đầu, lặp lại 3 lần.
Bài tập căng bắp chân
Bài tập căng bắp chân có tác dụng giảm căng cơ xung quanh vùng mắt cá chân, giảm sưng nhanh

Nâng gót chân

Bài tập nâng gót chân giúp kéo căng và tăng cường gân chày sau (một phần quan trọng của đường hầm cổ chân). Từ đó giảm sưng hiệu quả.

    • Đứng trước ghế, đặt hai tay lên lưng ghế
    • Từ từ nhón chân và đứng bằng các ngón chân
    • Giữ động tác trong 20 giây
    • Buông tay chống đỡ, từ từ hạ lưng để trở lại vị trí bắt đầu
    • Lặp lại 5 lần.
Bài tập nâng gót chân
Bài tập nâng gót chân có tác dụng tăng cường gân chày sau, hỗ trợ cổ chân và giảm sưng

3. Điều trị phẫu thuật

Trong trường hợp không đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài, phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định. Phương pháp này chủ yếu được thực hiện nhằm giải phóng đường hầm cổ chân, giảm áp lực lên dây thần kinh và kiểm soát triệu chứng.

Tùy thuộc vào mục đích và tình trạng, người bệnh có thể được phẫu thuật hở hoặc nội soi.

  • Phẫu thuật hở

Trong khi phẫu thuật, bác sĩ tạo một đường dài ở phía sau, bắt đầu từ mắt cá chân đến vòm bàn chân. Sau đó tiến hành giải phóng dây thần kinh và dây chằng.

  • Phẫu thuật nội soi

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân được phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (phẫu thuật nội soi). Khi thực hiện, 3 vết rạch nhỏ hoặc nhiều hơn sẽ được tạo phía sau mắt cá chân để tiếp xúc bên trong đường hầm.

Sau đó dùng các dụng cụ phẫu thuật và camera có kích thước nhỏ để kéo giãn dây chằng, giải nén dây thần kinh. Phương pháp này thường ít gây chấn thương mô hơn (do ít xâm lấn), ít có nguy cơ biến chứng và có thời gian phục hồi nhanh.

Đôi khi phẫu thuật hội chứng ống cổ chân có thể gây một số biến chứng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Khó chữa lành vết thương
  • Hình thành sẹo
Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật được chỉ định để giải phóng đường hầm cổ chân và giảm áp lực lên dây thần kinh

Chăm sóc sau phẫu thuật và phục hồi chức năng

Sau phẫu thuật hội chứng ống cổ chân, bệnh nhân cần giữ bề mặt vết thương khô, sát trùng và thay băng mỗi ngày. Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu dùng nẹp để giữ cổ chân và bàn chân cố định.

Ngoài ra bệnh nhân được hướng dẫn phục hồi chức năng. Trong giai đoạn sau phẫu thuật, phục hồi chức năng giúp giảm đau và sưng, kiểm soát tình trạng viêm. Đồng thời thư giãn cơ nhẹ nhàng, bảo vệ dây thần kinh và sự toàn vẹn của khớp.

Khi tiếp tục phục hồi chức năng, các bài tập sẽ được thay đổi nhằm ngăn chặn sự kết dính và co lại của các mô sẹo. Đồng thời duy trì phạm vi, tính di động của khớp và mô mềm. Sau vài tháng vật lý trị liệu, người bệnh có thể đi lại bình thường và trở lại các hoạt động thể chất.

Tiên lượng

Tiên lượng của hội chứng ống cổ chân thường thay đổi. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều có tiên lượng khá tốt. Đối với những trường hợp có căn nguyên được xác định và điều trị sớm, bệnh nhân có đáp ứng thuận lợi.

Đối với trường hợp không rõ hoặc không có nguyên nhân xác định và không đáp ứng với điều trị nội khoa, bệnh nhân thường không có kết quả tốt với điều trị phẫu thuật. Điều này có thể được phát hiện thông qua dấu hiệu Tinel đương tính.

Phòng ngừa hội chứng ống cổ chân

Các biện pháp phòng ngừa hội chứng ống cổ chân dựa trên những nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh chày, cụ thể:

  • Lựa chọn giày phù hợp và vừa vặn. Tránh đi giày quá chật làm tăng áp lực lên dây thần kinh chày.
  • Không lặp đi lặp lại những chuyển động có thể làm tăng áp lực lên cổ chân và dây thần kinh.
  • Luôn giữ cân nặng ở mức an toàn.
  • Kiểm soát những tình trạng có thể gây hội chứng đường hầm cổ chân. Chẳng hạn như bàn chân bẹt, bàn chân phẳng hoặc vòm cong, viêm khớp, bệnh tiểu đường…
  • Thận trọng trong sinh hoạt và chơi thể thao để ngăn ngừa chấn thương ở vùng mắt cá chân.
  • Luôn luôn khởi động trước khi vận động mạnh hoặc chơi thể thao để hạn chế chấn thương.
  • Không nên đi bộ hoặc đứng quá lâu. Thường xuyên giữ chân ở tư thế nghỉ khoảng vài phút mỗi lần để giảm căng thẳng cho dây thần kinh và đường hầm cổ chân.
  • Mang dụng cụ chỉnh hình hoặc nẹp khi cần thiết. Đặc biệt là vận động viên hoặc những người chơi các môn thể thao cần thay đổi hướng đột ngột. Cụ thể như tennis, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…
  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh và cân bằng. Đặc biệt nên bổ sung omega-3 cùng các vi chất dinh dưỡng (canxi, magie, kẽm, vitamin A, C, D, E) và chất chống oxy hóa. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng chống thoái thoái, giảm viêm và đau khớp, duy trì xương chắc khỏe và sự toàn vẹn của khớp. Vì thế việc bổ sung có thể giảm bớt những yếu tố gây hội chứng ống cổ chân.
Lựa chọn giày phù hợp và vừa vặn
Lựa chọn giày phù hợp và vừa vặn để hỗ trợ cổ chân và bàn chân, không làm tăng áp lực lên dây thần kinh chày

Hội chứng ống cổ chân là một bệnh lý thần kinh thường gặp với những triệu chứng nghiêm trọng. Cơn đau cùng các biểu hiện khác khiến người bệnh khó vận động và đi lại. Ngoài ra không điều trị có thể gây tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn. Do đó người bệnh cần tiến hành khám chữa bệnh sớm nếu có nghi ngờ có chèn ép và tổn thương dây thần kinh chày.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua